Sứ mệnh người nghệ sĩ: Hiến mình cho sự tập trung cô độc
Opinion “Những kẻ chịu đựng sự hối hận nặng nề nhất trên thế giới là những kẻ cảm nhận được tiếng gọi của sự sáng tạo, những kẻ cảm nhận được năng lượng sáng tạo của bản thân đang tuôn chảy và dâng trào, nhưng chưa từng trao cho nó cả sức mạnh hay thời gian.” - Mary Oliver
Nhà thơ Jane Hirshfield viết trong đoạn văn sâu sắc nói về cảm giác “làm như không làm’ của sáng tạo: “Trong cái toàn vẹn của sự tập trung, thế giới và bản ngã bắt đầu đồng nhất. Và cùng với trạng thái đó là những ý tưởng đang dần bùng phát: những ý tưởng có thể đã được biết đến, có thể đã được cảm nhận, và có thể đã được thực hiện.” Tuy nhiên sự tập trung quả thật là một môn nghệ thuật đầy thách thức, là nghệ thuật của nghệ thuật, và sự khó khăn nằm ở việc ta phải duy trì sự hài hòa liên tục giữa hai thế lực xung đột, bản ngã và thế giới - một sự đồng nhất khó có thể xảy ra đặc biệt trong bối cảnh thời đại chúng ta. Hai trăm năm trước khi mạng xã hội ra đời, nghệ sĩ vĩ đại người Pháp Eugène Delacroix từng than thở về sự đày đọa cần thiết nhằm tránh khỏi những sự xao nhãng trong công cuộc sáng tạo; hơn một và một nửa thế kỉ sau đó, Agnes Martin gởi gắm lời khuyên đến những nghệ sĩ trẻ đầy tham vọng là hãy đặt ra giới hạn cho những sự xao nhãng mà họ cho phép, bằng không thì cả về tinh thần, cảm xúc và sự riêng tư linh thiêng sẽ bị xâm phạm, suy đồi và để lỡ những nguồn cảm hứng khi chúng dâng trào.
Hình: Andrei Nicolescu
Nếu tự chỉ trích bản thân là sự chỉ trích quyết liệt nhất, tự thương hại bản thân là sự thương hại khó đạt được nhất, thì tự làm bản thân xao nhãng là sự xao nhãng độc hại nhất, đồng thời việc bảo vệ các tác phẩm sáng tạo của mình khỏi nó cũng là khó khăn nhất.
Làm cách nào để chống lại mối họa này là những gì mà nhà thơ đáng kính Mary Oliver đã khám phá trong tác phẩm mang tên “Of Power and Time,” thuộc tuyển tập bài viết “Upstream: Selected Essays”
Oliver đã viết: “Đó là một buổi sáng ngập tràn nắng như mọi hôm. Tôi đang ngồi trên bàn làm việc. Rồi tiếng chuông điện thoại ngân lên, hay tiếng một ai đó đọc rap ở nhà bên. Lúc đó, cơ thể, tâm trí tôi đang chìm đắm trong nhịp điệu của chính mình. Nhưng rồi tôi cũng phải ngồi dậy, một cách chần chừ, trả lời điện thoại hay bước ra mở cửa. Và chỉ với những hành động đó, tất cả những suy nghĩ mà tôi đã có, hay ngỡ như đã nắm bắt, giờ đã biến mất. Công việc sáng tạo cần sự cô độc. Nó cần sự tập trung, mà không bị xao nhãng. Nó cần cả một bầu trời rộng lớn để tung cánh, và không có bất kì con mắt nào dõi theo cho đến khi nó chạm đến sự chắc chắn mà nó khao khát, nhưng không nhất thiết là phải có. Nó cần sự riêng tư. Một nơi tách biệt - để mơ mộng, để cắn đầu bút chì, để vẽ vời rồi xóa đi sau đó lại vẽ thêm những nét nguệch ngoạc."
Nhưng cũng thường xuyên, nếu không muốn nói là trong nhiều lúc hơn, sự ngắt quãng không đến từ một nhân tố bên ngoài, mà đến từ chính bản thân, hay một bản ngã khác bên trong bản thân. Bản ngã này đã gây tiếng động, huýt sáo, đập lên những khung cửa sắt và làm xáo động chiếc ao của sự tập trung bằng cách ném mình vào đó. Nhưng nó làm vậy để làm gì? Có thể do bạn phải gọi điện lên cuộc hẹn với nha sĩ, hay nhà bạn hết mù tạt, hay sinh nhật của ông chú Stanley chỉ còn cách 2 tuần. Bạn phản ứng, cũng là lẽ thường thôi. Sau đó bạn trở lại với công việc, và nhận ra rằng những hạt mầm ý tưởng nhỏ nhoi tưởng như đã gieo trong tâm trí giờ đã biến mất trong cánh đồng suy nghĩ bất tận.”
Oliver gọi đây là “người xao nhãng nội tâm” và cảnh cáo rằng nó nguy hiểm đối với các tác phẩm sáng tạo của bạn hơn bất kì những sự xao nhãng ngoài luồng nào. Cô viết thêm:
"Thế giới là một nơi ngập tràn năng lượng, là một không gian mở cộng đồng, với vô vàn lời mời gọi, như thế giới nên vậy. Vậy sự xao nhãng có thật sự đến từ thế giới ngoài kia? Một điều chắc chắn rằng bản thân bạn sẽ luôn có khả năng cản trở chính mình - và bạn đã làm vậy - theo một cách có hại và dai dẳng hơn cả."
Được ảnh hưởng bởi những lí luận của Borges về bản thế bị chia cắt của mỗi con người, Oliver đã quyết định khai phá những mảng ghép hình thành nên bản thể nhằm hiểu được những tiềm năng mà luồng năng lượng sáng tạo khi tập trung có thể đạt được, và ảnh hưởng nặng nề của sự ngắt quãng . Cô xác định được ba bản thể mà cô trú ngụ trong chúng, và chúng trú ngụ trong cô, cũng như trong tất cả chúng ta: bản thể con trẻ, là thứ mà chúng ta dành cả đời cố gắng xây dựng, duy trì bản ngã cá nhân của mình (Cô viết: “Đứa trẻ mà tôi từng là, giờ đây đồng hành cùng tôi ngay thời khắc hiện tại. Và nó sẽ tồn tại cùng tôi cho đến khi qua đời.”); bản thể xã hội, “quy phục dưới hàng ngàn những ý niệm ép buộc”; và bản thể thứ ba, một dạng nhận thức không thuộc về thế giới này.
Hình: Andrei Nicolescu
Cô cho rằng, hai bản thể đầu tiên, trú ngụ trong một thế giới bình thường và tồn tại trong tất cả chúng ta; bản thể thứ ba thuộc về một quy tắc khác và thường dễ sống dậy hơn trong những nghệ sĩ - chính nó là suối nguồn nơi những dòng chảy năng lượng sáng tạo đổ ra. Cô viết rằng:
“Đương nhiên, bên trong mỗi chúng ta đều tồn tại một bản thể không phải con trẻ; cũng không phải người hầu của thời đại này. Đó là bản thể thứ ba, một vị khách thường ghé qua đối với một vài người chúng ta, và cũng là tên bạo chúa thống trị một số người. Bản thể này không liên quan đến tình yêu đối với những thứ thông thường; không liên quan đến tình yêu với thời khắc hiện tại. Nó mang một cơn đói vô tận với sự vĩnh cửu.”
Oliver thể hiện sự tương phản giữa mục đích tồn tại của hai bản thể thông thường với bản thể sáng tạo:
“Ví dụ bạn mua một chiếc vé máy bay với ý định bay từ New York đến San Francisco. Bạn sẽ mong chờ điều gì ở người phi công khi bước lên máy bay và khi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh cửa sổ, thứ không thể mở ra nhưng qua đó bạn có thể thấy được sự thay đổi chiều cao khi bạn dần rời xa sự an toàn và thân thiện của mặt đất?
Đa số sẽ khẳng định rằng họ muốn người phi công sẽ làm tốt công việc bình thường của mình. Bạn muốn anh ấy tiếp cận và thực hiện công việc của mình một cách điềm tĩnh, thoải mái. Bạn không muốn cái gì mới lạ, độc đáo ở anh. Bạn sẽ yêu cầu anh ấy, trong mọi lần, hãy thực hiện công việc của mình, điều anh ấy đã biết - vận hành một chiếc máy bay. Bạn hi vọng rằng anh ấy sẽ không mơ mộng. Bạn hi vọng anh ấy sẽ không thả trôi tâm trí của mình đến những suy nghĩ mới mẻ, thú vị. Bạn muốn chuyến bay này bình thường, không có gì bất thường hay khác thường ở nó. Tương tự như vậy, đó cũng là điều bạn mong chờ ở những người nha sĩ, những người lái xe cứu thương, những vị thuyền trưởng. Hãy để bọn họ làm việc, một cách thông thường, cùng sự tự tin với những thứ quen thuộc mà công việc yêu cầu ở họ, không gì hơn. Sự thông thường ở họ là sự chắc chắn của thế giới. Chính sự bình thường của họ giúp thế giới vẫn xoay vần hằng ngày."
Trong công việc sáng tạo - sáng tạo ở mọi hình thái - những nghệ sĩ đang hoạt động trên thế giới không nỗ lực để giúp thể giới tiếp tục xoay vòng, mà giúp nó tiến về phía trước. Đây là điều hoàn toàn khác biệt so với những công việc thông thường. Công việc như vậy không bác bỏ những điều bình thường. Nó, về cơ bản, là một thứ khác biệt. Công việc này đòi hỏi một góc nhìn - một danh sách những điều cần ưu tiên hoàn toàn khác.”
Hình: Aykut Aydogdu
Một phần của sự khác biệt này, theo Oliver, chính là sự đồng nhất bất thường của bản thể sáng tạo với người chủ của nó - tác phẩm của người nghệ sĩ không thể bị tách rời khỏi đời sống của họ, và sự toàn vẹn của nó cũng không thể bị bóc tách, phân tích thành những hành động thay thói quen nhất định, máy móc (Trong một bài viết khác, Oliver đã nói về cách mà những thói quen đã định hình nhưng tuyệt đối không kiểm soát đời sống nội tâm của chúng ta).
Với ảnh hưởng từ khái niệm “khả năng phủ nhận” (Negative capabilities) của Keats, nhà văn Dani Shapiro khăng khăng rằng bổn phận của người nghệ sĩ là “đón nhận sự không chắc chắn, để bản thân được mài dũa và tôi luyện bởi nó,” và Georgia O’Keeffe khuyên rằng là một nghệ sĩ bạn cần phải “luôn theo đuổi sự không chắc chắn.” Oliver cân nhắc mục tiêu chủ đạo của đời sống sáng tạo - biến sự không chắc chắc chắn và cái chưa biết trở thành vật liệu của nghệ thuật: “Các công việc trí óc đôi khi cần đến nó, công việc tâm linh đương nhiên cần, còn những tác phẩm nghệ thuật thì luôn luôn cần - các tác phẩm là thế lực khuất phục trước những quy tắc do nó tự đặt ra, những thế lực phải vượt khỏi giới hạn của thời đại và sự kiềm hãm của thói quen. Đồng thời các tác phẩm cũng không thể tách biệt hoàn toàn với cuộc sống. Như những kị sĩ thời Trung Cổ, những người sáng tạo không thể làm gì hơn ngoài chuẩn bị bản thân, cả về cơ thể lẫn tâm hồn, cho những sự lao động sắp tới - bởi vì hành trình của anh không có gì hơn ngoài cái không biết. Thực chất, bản thân tác phẩm cũng chính là một hành trình. Và không có bất kì người nghệ sĩ nào có thể tìm lối đi khác, hay muốn tìm lối khác, với ít những năng lượng và sự tập trung thần thánh hơn. Cái siêu việt chính là những gì nghệ thuật luôn hướng đến.”
Trong một đoạn khiến chúng ta liên tưởng đến những bức tâm thư của Van Gogh về việc chấp nhận rủi ro và cách mà những sai lầm được truyền cảm hứng có thể thúc đẩy chúng ta, Oliver trở lại với câu hỏi về những điều kiện để hữu hình hóa cái bản thể sáng tạo:
“Chưa có bất kì ai có thể lên danh sách những địa điểm nơi mà cái khác thường có thể diễn ra, và có lẽ sẽ không bao giờ có ai làm được điều đó. Tuy nhiên, vẫn có những dấu chỉ. Trong đám đông, trong những phòng vẽ tập thể, trong sự tiện nghi, thoải mái và lạc thú thì ta khó có thể thấy chúng. Những dấu chỉ không thích sự tù túng. Chúng thích một tâm trí tập trung. Chúng thích sự cô độc. Chúng thường bám vào những kẻ chấp nhận hiểm nguy hơn những kẻ chấp nhận cơ hội. Chúng không nhất thiết sẽ phá vỡ sự thoải mái, hay những quy tắc vốn hình thành nên thế giới, tuy nhiên những gì chúng quan tâm hướng về một nơi hoàn toàn khác. Chúng quan tâm đến những bờ vực, và việc tạo tác nên một hình khối từ cái vô hình khối, thứ chỉ tồn tại ở phía bên kia bờ vực.”
Hình: Tadas Adomavicius
Trên hết, Oliver quan sát thấy được “bậc vinh quang” dành cho những đời sống sáng tạo lâu dài, có mục đích và năng suất, những người thực hiện bổn phận người nghệ sĩ là một lòng trung thành với nghệ thuật:
“Về điều này, không còn nghi ngại gì - công việc sáng tạo đòi hỏi một sự trung thành trọn vẹn, như sự trung thành của nước đối với trọng lực. Kẻ lao mình vào miền hoang dã của sáng tạo mà không biết điều này - mà không chịu nuốt trôi điều này - sẽ bị lạc trong nó. Hắn nên ở lại nhà, vì miền đất của sáng tạo không có bất kì lớp mái nào để che chở hắn. Một người như vậy hoàn toàn xứng đáng với sự kính trọng, có thể có một đời sống có ích và thậm chí đẹp đẽ, nhưng hắn không phải một nghệ sĩ. Một người như vậy tốt hơn nên sống với một lý tưởng hợp thời và những công việc thông thường. Một người như vậy nên theo đuổi việc vận hành máy móc.”
Cô trở lại với vấn đề về sự tập trung, thứ mà đối với nghệ sĩ là một hình hài, có thể là hình hài tối thượng của sự dâng hiến: “Người nghệ sĩ tập trung làm việc là một người trưởng thành khước từ sự ngắt quãng từ chính bản thân mình, người tiếp tục bị hấp thụ và được truyền năng lượng bởi công việc - và người đó sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn cho công việc của mình… Những sự ngắt quãng thật sự với công việc, vì thế không bao giờ là sự ngắt quãng không đúng lúc, vui vẻ, hay đôi khi đầy sự quan tâm, tình yêu đến từ những yếu tố bên ngoài.
Đã là sáu giờ sáng, và tôi vẫn đang làm việc. Trong đầu tôi trống rỗng, ngông ngênh, không còn quan tâm đến những áp đặt của xã hội… như nó bắt buộc phải vậy. Bánh xe cứ xẹp, răng cứ sâu, và tôi có thể ăn hàng trăm bữa mà không cần mù tạt. Bài thơ sẽ được viết lên. Tôi đã đấu vật với những thiên thần và tôi tự hào với chiếc áo nhuốm màu ánh sáng. Tôi cũng không hề cảm thấy tội lỗi. Trách nhiệm của tôi không thuộc về cái thông thường, hay thuộc về thời đại này. Nó không bao gồm mù tạt, hay quan tâm đến răng tôi. Nó không liên quan đến chiếc cúc áo bị mất trên sơ mi, hay nồi canh đậu tôi nấu hồi chiều. Lòng trung thành của tôi dành cho tầm nhìn bên trong, vào bất kì thời điểm hay bằng cách nào mà nó xuất hiện. Nếu tôi có cuộc hẹn với bạn vào lúc ba giờ chiều, hãy cùng chung vui nếu tôi đến trễ. Và hãy chung vui với tôi hơn nữa nếu tôi không đến."
Không còn bất kì cách nào khác những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật có thể được thực hiện. Và những sự thành công, đối với những kẻ dâng hiến, xứng đáng tất cả mọi thứ. Những kẻ chịu đựng sự hối hận nặng nề nhất trên thế giới là những kẻ cảm nhận được tiếng gọi của sự sáng tạo, những kẻ cảm nhận được năng lượng sáng tạo của bản thân đang tuôn chảy và dâng trào, nhưng chưa từng trao cho nó cả sức mạnh hay thời gian.
Nguồn: The Marginalian I Bài dịch: Phúc Hồ. Bản quyền thuộc về Fashionnet, vui lòng ghi rõ nguồn khi muốn sao chép.
________________________________________________
Art Design Center
vietnamcolor.vn - fashionnet.vn
Contact: 0903788646 - 0903975081
Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com
Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)
30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City
Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn.
HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.