288
04 Tháng 03 12:17 pm

Để có một cuộc đời đáng sống: Chỉ dẫn giản đơn từ những con người vĩ đại

 Những lời khuyên thông thái đã được kiểm nghiệm bởi sóng gió cuộc đời về cách sống từ James Baldwin, Ursula K.Le Guin, Leo Tolstoy, Seneca, Toni Morrison, Walt Whitman, Viktor Frankl, Rachel Carson, và Hannah Arendt

Nếu chúng ta tuân theo định nghĩa phổ biến rằng triết học là tình yêu đối với kiến thức, và nếu Montaigne đã đúng rằng triết học là môn nghệ thuật để học cách chết, thì sống khôn ngoan là môn nghệ thuật trong đó bạn sẽ học cách mình mong muốn được sống. 
 
Trong loại hình nghệ thuật này, sự thông thái của những người vĩ đại trước đây sẽ là bài học truyền cảm, một kho tàng chứa đựng cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, được lấy  từ những người đã từng sống một cuộc đời vinh quang và hào phóng, những cuộc đời đẹp đẽ và phấn khích, với những ý tưởng vẫn còn phù hợp và đáng tôn trọng xuyên suốt hàng thế kỷ và giúp biết bao cuộc đời khác trở nên đáng sống hơn.
 
Sau đây là 10 lời khuyên từ 10 con người vĩ đại trong quá khứ, và lời khuyên thứ 11 của tác giả tờ The Marginalian để có một cuộc đời đáng sống trên hành tinh này.
 
HANNAH ARENDT: Yêu thương và không sợ mất mát
 
 
Chúng ta sẽ đánh mất tất cả mọi thứ mà chúng ta yêu thương, bao gồm cả chính mạng sống của mình - vì vậy chúng ta nên yêu thương mà không sợ hãi, bởi vì sợ hãi chắc chắn chỉ tổ tiêu hao nguồn năng lượng quý giá của sự sống.
 
Dựa trên mối liên hệ giữa Thánh Augustine với chủ nghĩa Khắc kỉ, Arendt phân tích cách mà sự dính chấp của chúng ta đối với ảo giác của sự vĩnh cửu và trật tự đã giới hạn cuộc sống của chính mình. Cô viết: “Trong nỗi sợ cái chết, những kẻ đang sống sợ chính sự sống, một sự sống sau cùng sẽ dẫn đến cái chết… Trạng thái mà sự sống đó biết và luôn tự đặt mình vào là trạng thái âu lo. Vì vậy, thứ tạo nên nỗi sợ trở thành chính nỗi sợ. Cho dù chúng ta cho rằng không có gì để sợ hãi, rằng cái chết không có gì độc ác, thì sự thật rằng nỗi sợ ( rằng mọi sinh vật sống sẽ chết) vẫn tồn tại.
Sự không sợ hãi là những gì mà tình yêu kiếm tìm. Khao khát cháy bỏng của tình yêu xuất phát từ mục tiêu của nó, và mục tiêu này không bị giới hạn bởi nỗi sợ... Sự không sợ hãi chỉ tồn tại trong trạng thái thư thả tuyệt đối và không còn bị dao động bởi những sự kiện được dự đoán sẽ xảy ra trong tương lai... Vì thế những gì quan trọng đều nằm trong hiện tại, ngay lúc này.”
 
TONI MORRISON
Yêu thương cơ thể của bạn
 
 
Vào cùng thời điểm khi Walt Whitman khẳng định rằng “cơ thể... và lẽ sống, là mối quan tâm chính của cuộc sống" và ngành thần kinh học hiện đại cũng đang dần hé lộ cách những cảm giác trong cơ thể thể hiện mức độ nhận thức của một cá nhân, Toni Morrison (1931 - 2019) đã coi phần cơ thể vô thức như một công cụ tối thượng để yêu thương chính mình - là nơi sâu thẳm nhất ta cần chạm tới để bắt đầu “ngợi ca bản thân”. 
Năm 1987, kiệt tác Beloved của cô - cũng là tác phẩm đã biến cô thành nữ nhà văn da màu đầu tiên đoạn giải Nobel - đã viết:
“Hãy yêu bàn tay của bạn! Yêu thương chúng. Nâng chúng lên và trao chúng nụ hôn. Chạm vào người khác với chúng, đập tay vào nhau, xoa dịu, vỗ về khuôn mặt với đôi tay… Hãy yêu miệng mình… Đây là da thịt… Da thịt cần được yêu thương. Bàn chân cần được nghỉ ngơi và nhảy múa; Lưng cần được chống đỡ; Bờ vai cần đến cánh tay, những cánh tay mạnh mẽ… Hãy yêu thương cổ mình; đặt một tay lên nó, vuốt ve,  xoa dịu và giữ chặt nó. Tất cả những bộ phận bên trong cơ thể, những thứ rồi sẽ sớm trở về cát bụi, bạn cần phải yêu thương chúng. Hãy yêu thương lá gan đen mịt cũng như cách bạn yêu quả tim đập thình thịch. Hơn cả mắt hay bàn chân. Hơn cả những lá phổi chưa được hít không khí tự do. Hơn cả tử cung, nơi chứa sự sống, và vùng kín, nơi trao tặng sự sống… hãy yêu trái tim mình. Bởi vì chúng chính là phần thưởng của cuộc đời.”
 
VIKTOR FRANKL
Đưa âm nhạc và thiên nhiên vào cuộc đời
 
 
Một thế kỷ sau khi Nieztsche, mặc dù tin tưởng vào thuyết hư vô, khẳng định rằng “không có âm nhạc, sự sống sẽ là một sai lầm” và cũng một thế kỉ sau khi Walt Whitman khám phá và khẳng định rằng âm nhạc là hình thức biểu hiện sâu sắc nhất của thiên nhiên, nhà thần kinh học và tâm lí học trẻ người Áo Viktor Frankl (1905 - 1997), người từng thoát khỏi lưỡi hái thần chết tại trại tập trung thời Đức Quốc xã, đã đưa ra những chỉ dẫn vĩ đại về những phương cách để vượt lên trên sự lạc quan và bi quan nhằm tìm kiếm nguồn ý nghĩa sâu sắc nhất của cuộc đời.
Thuộc tác phẩm kinh điển của Frankl, “Đi tìm lẽ sống”, nhưng những chỉ dẫn này mới được xuất bản lầu đầu ở tiếng Anh dưới một tiêu đề khác, cũng trích từ tác phẩm đó, “ Yes to Life: In Spite of Everything”. Trong một đoạn, Frankl chia sẻ về hai nền tảng để làm lẽ sống, là hai thứ đã giúp ông bám trụ, vượt qua được nạn diệt chủng và cũng đã giúp đỡ nhiều người chúng ta, dù ở bối cảnh ít bị đe dọa đến sự sống hơn nhiều: âm nhạc và thế giới tự nhiên. Ông đã viết: "Sự tồn tại đòi hỏi chúng ta sống, không chỉ để phản ứng, mà sống như những con người đầy tình thương: dâng hiến sự yêu thương đối với cái đẹp, cái vĩ đại, cái tốt. Tôi nghĩ tôi không nên tự đề cao bản thân và sử dụng hàng loạt thuật ngữ khó hiểu để giải thích vì sao việc trải nghiệm cái đẹp giúp cuộc sống có ý nghĩa. Thay vào đó,hãy thử tưởng tượng ra khung cảnh sau đây: 
Bạn đang ngồi trong một nhà hát và lắng nghe giai điệu yêu thích của mình, những dòng ca vang vọng trong vòm tai, bạn cảm động với các thanh âm đẹp đẽ đó đến mức sống lưng bạn lạnh toát; và bây giờ hãy tưởng tượng bạn được hỏi ngay khoảnh khắc đó rằng liệu cuộc sống của bạn có ý nghĩa không. Tôi tin bạn cũng sẽ đồng ý khi tôi cho rằng rằng trong trường hợp đó, bạn chỉ có thể đưa ra một câu trả lời duy nhất, và nó sẽ đại loại như thế này: “Tất cả những gì đã trải qua đều xứng đáng nếu tôi được sống trọn vẹn khoảnh khắc này.”
Hơn một thế kỉ sau khi Mary Shelley tôn vinh thiên nhiên như một chiếc phao cứu sinh níu lại sự tỉnh táo và giúp chúng ta sinh tồn trong một thế giới bị càn quét nạn dịch, Frankl bổ sung:
"Những ai đã trải nghiệm thiên nhiên có lẽ cũng sẽ có phản ứng tương tự, cũng như những ai đã trải nghiệm một con người khác. Liệu chúng ta thật sự không hiểu cảm giác choáng ngợp ập lấy ta khi đứng trước sự hiện diện của một người nhất định và, theo nghĩa đen, cảm thấy được rằng bản thân sự tồn tại của người này trên thế giới đã khiến thế giới, và một cuộc sống bên trong nó, trở nên có ý nghĩa."
 
LEO TOLSTOY
Hãy chọn sự tử tế
 
 
Một trong những khuynh hướng đáng buồn nhất trong nền văn hóa hiện tại của chúng ta là sự không khoan dung đầy phẫn nộ đối với những nhân tính cơ bản của con người. Những người từ quá khứ bị phán xét khắc nghiệt bởi những tiêu chuẩn hiện tại, còn con người hiện tại bị phán xét khắc nghiệt bởi những điều không thể, những tiêu chuẩn đòi hỏi sự hoàn hảo đồng bộ ở mọi khía cạnh trong sự tồn tại của con người, cả trong cộng đồng và trong những mối quan hệ thân mật. Tuy vậy thử thách lớn nhất của một con người - và vượt qua nó cũng chính là vinh quang vĩ đại nhất - là khả năng đối diện sự không hoàn hảo với sự bình tĩnh, soi chiếu nó với sự minh bạch và quyết tâm cháy bỏng muốn làm tốt hơn - là hình dáng tối thượng của sự dũng cảm về mặt đạo đức, rất khó khăn và cũng rất quan trọng trong một nền văn hóa nhầm lẫn giữa sự tự cho mình là đúng với đạo đức, bóp nghẹt những xung lực cơ bản hướng đến cái tốt đẹp hơn, vùi dập không khoan nhượng cái yếu đuối của con người.
May mắn thay cho Leo Tolstoy (1828 - 1910) khi ông đã sống ở một thời đại rất khác, và những cống hiến của ông cho văn học - kho tàng lưu trữ sự thật và cái đẹp - cũng đã góp phần giúp cuộc sống nhiều người trở nên may mắn, lạc quan hơn. Khi đã đạt tới ngưỡng tuổi trung bình của thời đại đó - Tolstoy đã sống lâu gần gấp đôi con số này, - ông bắt đầu tự suy xét lại chính cuộc sống không hoàn hảo của mình, được lấp đầy bởi những con người và những hành động không khôn ngoan và thiếu tình yêu thương, điều không thể tránh khỏi trong những khoảnh khắc tinh thần và cảm xúc gần như rệu rã, tan vỡ. Bên cạnh đó, ông cũng đi tìm sự thông thái mà ông đã thiếu xót trong suốt quãng đời mình.
Và đó là bắt đầu của quyển “Calendar of Wisdom: Daily Thoughts to Nourish the Soul, Written and Selected from the World’s Sacred Texts - một bản ghi chép những trích dẫn từ các nhà tư tưởng vĩ đại trong quá khứ, đi kèm với những suy nghĩ của chính Tolstoy, điều mà ông đã dành hai thập kỉ để soạn thảo và xuất bản trong những năm cuối cuộc đời. 
Trong đoạn mở đầu của ngày 7 tháng 1 - có thể là được thúy đẩy bởi sự khắc nghiệt và ảm đạm đến thắt lòng của mùa Đông giá lạnh ở Nga, hoặc cũng có thể là từ quyết tâm trui rèn đạo đức mà chúng ta ai cũng đã từng đặt ra cho mình mỗi khi qua năm mới - ông đã viết:
“Một người càng tử tế và ân cần thì họ càng tìm thấy nhiều điều tốt ở người khác
Sự tử tế làm phong phú thế giới này; với sự tử tế những điều bí ẩn trở nên rõ ràng, những điều khó khăn trở nên dễ dàng, và những điều nhàm chán trở nên sống động.”
Trong bài viết khác ở những chương cuối tháng 1, ông đã viết tiếp:
"Bạn nên đáp lại bằng sự tử tế với những gì mà cái ác đã làm với bạn, và bạn sẽ hủy diệt trong một kẻ xấu sự khoái lạc mà hắn lẽ ra đã có được từ điều ác."
Vào những ngày đầu của tháng Hai - tháng ngắn ngủi, ảm đạm nhất - Tolstoy đã thuật lại hai trích dẫn liên quan đến sự tử tế từ Jeremy Bentham và John Ruskin, sau đó nhận xét thêm:
“Lòng tốt là dành cho tâm hồn cũng như sức khỏe dành cho cơ thể của bạn: bạn không chú ý đến nó cho đến khi bạn đã có được nó.
Không gì có thể khiến cuộc sống chúng ta, hay cuộc sống của những người khác, trở nên đẹp đẽ hơn là lòng tốt vĩnh cửu.”
JAMES BALDWIN
Hãy dịu dàng và hiểu thấu sự khó khăn khi làm người
 
 
James Baldwin (1924 - 1987) làm rõ sự thật phía sau những chỉ dẫn thông thái của Tolstoy rằng chúng ta chỉ nhìn thấy những cái tốt mà bản thân chúng ta sở hữu: Chúng ta không ân cần với người khác bởi vì chúng ta không thể chịu được sự khó khăn đáng kinh hãi của việc làm người, chấp nhận sự dễ tổn thương và vô thường của chúng ta.
Và tuy vậy, cũng như Tolstoy, Baldwin đã suy nghĩ kĩ về những gì có thể cứu rỗi chúng ta - khỏi chính bản thân, và khỏi những nhân loại khác - và, cũng như Tolstoy, ông nhận ra rằng suy cho cùng, chỉ có tình yêu thương có khả năng đó. Trong những dòng văn viết về khoảnh khắc tuyệt vọng - cho đến nay vẫn là bài viết sâu sắc và cá nhân nhất của ông, và cũng là một trong những tác phẩm ít được biết đến nhất - ông đã quan sát được rằng:
“Tôi đã luôn cảm thấy rằng một con người chỉ có thể được cứu rỗi bởi một con người khác. Tôi nhận thức được rằng chúng ta không thường xuyên cứu rỗi lẫn nhau. Nhưng tôi cũng thấy được rằng chúng ta đôi khi vẫn làm được điều đó.”
Trong bài viết cuối cùng, thứ hoàn toàn có thể coi như một bài văn xuôi về sự thật vĩnh cửu, Baldwin đã quay lại với chủ đề này:
“Thế giới liên tục xoay vần, ánh sáng liên tục thay đổi, biển cả chưa bao giờ ngừng bào mòn những hòn đá. Những thế hệ chưa bao giờ ngừng được sinh ra, và chúng ta có đều trách nhiệm với họ bởi vì chúng ta chính là những chứng nhân duy nhất của cuộc đời mà họ có.
Mặt biển dâng cao, ánh sáng yếu đi, những cặp tình nhân nắm chặt lẫn nhau, và những đứa trẻ bám chặt chúng ta. Khoảnh khắc mà chúng ta ngừng bám chặt lẫn nhau, khoảnh khắc chúng ta đánh mất niềm tin ở người khác, biển cả nhấn chìm ta và ánh sáng tắt lịm đi.”
Tuy nhiên việc bạn bám chặt một ai đó chỉ vì niềm tin vào tình yêu thương không hề là một chiến thắng nhỏ bé đối với trái tim run sợ trước nỗi sợ hãi của mỗi người chúng ta. Trong một trong những bài phỏng vấn cuối cùng của mình, Baldwin đã nói:
"Yêu thương một ai đó và được yêu thương bởi một ai đó là một mối hiểm nguy khổng lồ, là một trách nhiệm khổng lồ."
Cho dù vậy, ông đã nói với nhà nhân chủng học nổi tiếng Margaret Mead trong cuộc trò chuyện mang tính lịch sử giữa họ, rằng đó là trách nhiệm của phần nhân tính trong mỗi chúng ta:
"Chúng ta cần phải minh bạch với nhân loại nhiều nhất có thể, bởi vì mỗi người chúng ta vẫn luôn là niềm hi vọng duy nhất của nhau.”
 
RACHEL CARSON
Đón nhận sự cô độc của công việc sáng tạo
 
 
“Sáng tạo nghệ thuật là một công việc của sự cô độc bất tận,” Rilke từng viết về sự nhẫn nại cô độc trong công cuộc sáng tạo - sự kiên nhẫn cần thiết không chỉ trong nghệ thuật mà trong mọi lĩnh vực sáng tạo, bao gồm khoa học, và đòi hỏi nhiều hơn nữa ở giao điểm của cả hai.
Trong sự đồng nhất chưa từng có tiền lệ giữa khoa học và nghệ thuật, nhà sinh thái hải dương học và nhà văn Rachel Carson (1907 - 1964) đã không lãng mạn hóa hay than thở về sự cô độc cốt lõi trong quá trình trau dồi sự sáng tạo. Thay vào đó, cô đề cập nó với sự giản dị, mộc mạc kết tinh từ chính trải nghiệm sống của mình.
Mặc dù bài viết tinh tế về khoa học đại dương đã giúp cô nhận được danh hiệu vinh dự nhất trong nền nghệ thuật văn học quốc gia và quyển sách xuất bản năm 1962 “Silent Spring” đã là chất xúc tác mạnh mẽ cho những phong trào vì môi trường, giúp cô trở thành một trong những cây bút viết về khoa học danh giá nhất của thời đại, Carson vẫn không quên dành thời gian để phản hồi thư gửi đến từ độc giả. Một thành tựu phi thường - thứ hoàn toàn không thể trong thời đại của email, khi hàng triệu độc giả có thể gởi thư đến nhà văn chỉ qua vài cú click chuột - là Carson đã từng trả lời một thùng chất đầy những lá thư, ưu tiên những bức từ sinh viên và những phụ nữ trẻ xin lời khuyên về cách viết lách. Trong một phản hồi cô đã chia sẻ rằng:
“Viết lách về cơ bản là một công việc cô độc. Đương nhiên sẽ có những thời điểm bạn được kích thích và có thể là tận hưởng những khoảng thời gian hạnh phúc cùng bạn bè và đồng nghiệp, tuy nhiên cốt lõi trong công cuộc sáng tạo của người viết là họ phải tự cách li bản thân với tất cả mọi người và tự mình đối đầu với chủ đề đã chọn. Họ phải bước vào một thế giới mà họ chưa bao giờ đặt chân đến - và có lẽ sẽ không ai đến. Đó là một nơi cô độc, và thậm chí hơi đáng sợ.”
Trong một bức thư khác gởi đến một cô gái trẻ, người mà Carson đã nhìn thấy chính mình trong cô ấy, cô trải lòng và chia sẻ sâu sắc hơn:
“Bạn đủ thông thái để hiểu được rằng “cô đơn một chút” không phải là một điều xấu. Công việc của người viết lách là một trong những công việc cô độc nhất trên thế giới này, cho dù rằng sự cô độc và cách ly chỉ tồn tại bên trong tâm hồn.  Đó là cái bắt buộc phải có ở một số thời điểm nếu họ muốn thật sự sáng tạo. Vì thế tôi tin rằng chỉ những ai hiểu được và không sợ hãi sự cô độc mới nên nuôi tham vọng làm nhà văn. Tuy nhiên công việc này cũng mang lại những phần thưởng phong phú và thỏa mãn một cách cá nhân."
 
URSULA K.LE GUIN
Hãy trò chuyện, nếu bạn thật sự quan tâm
 
 
Cho dù sở hữu mọi công cụ giao tiếp như ngôn ngữ, ngôn ngữ cơ thể, thì việc một ý thức truyền đạt chính mình với những ý thức khác vẫn là một thử thách đầy khó khăn. Có thể nói việc giao tiếp gần như là không thể nếu chúng ta chỉ có những ngôn ngữ biểu hiện không cảm xúc và không lời. 
Nhắn tin là một hình thức giao tiếp hiệu quả trong công việc. Tuy nhiên, nếu như nó thành công trong những vấn đề đòi hỏi về thời gian, thì nó thất bại thảm hại vào những tình huống yêu cầu sự nhạy cảm về cảm xúc. Tôi chưa từng biết bất kì mối quan hệ nào đã được cải thiện, sửa chữa, hay hàn gắn bằng cách sử dụng tin nhắn trong những khoảnh khắc quan trọng và đau đớn nhất của những cuộc hiểu lầm hay tranh cãi giữa các bên. Tính chất ngắt quãng của nó làm đứt mạch tương tác hai chiều và tạo cơ hội để các bên lãng tránh những ảnh hưởng về mặt cảm xúc đến bên còn lại. Nó luôn khiến tôi nhớ đến Ursula K. Le Guin (1929 - 2018) và bản tuyên ngôn mạnh mẽ của cô về sức mạnh của sự giao tiếp thật sự giữa người với người. Cô viết rằng:
“Trong phần lớn trường hợp khi con người trò chuyện với nhau, sự giao tiếp giữa người với người không thể chỉ thu về thành những thông tin. Lời nói không chỉ bao trùm, mà nó chính là mối quan hệ giữa người nói và người nghe. Để xử lí một cuộc trò chuyện cần phải qua một quá trình vô cùng phức tạp, gấp vô vàn lần so với việc máy tính xử lí một đoạn mã: Quá trình này là một ngôn ngữ, một chức năng của xã hội, một văn hóa, và kết quả cũng thay đổi tùy vào người nghe, người nói và ngôn ngữ cuộc trò chuyện.”
Để nhắc nhở chúng ta rằng kí tự vẫn là một sáng chế cực kì non trẻ và còn rất lâu mới mang tính toàn cầu, Le Guin cân nhắc sức mạnh độc nhất và bất biến của trò chuyện là nuôi dưỡng sự hiểu thấu sâu sắc bằng cách đồng bộ sự rung động của mỗi cá thể:
“Lời nói kết nối chúng ta tức thời và quan trọng đến thế bởi vì nó là một quá trình vật lí và từ cơ thể. Không phải một quá trình tâm lí hay tâm linh… Bản thân lời nói tạo ra một quả cầu bao bọc nó, trong đó bao gồm tất cả những người lắng nghe nó: một quả cầu thân mật hay một khu vực, bị giới hạn về cả không gian và thời gian
Sáng tạo là một hành động. Hàng động cần năng lượng.
Âm thanh là động năng. Lời nói là động năng - là một hành động. Để hành động cần đến sức mạnh, cần phải sở hữu sức mạnh và trở nên mạnh mẽ. Sự giao tiếp hai chiều giữa người nói và người nghe là một hành động mạnh mẽ. Sức mạnh của người nói được khuếch đại, tăng trưởng  nhờ sự lôi cuốn của người lắng nghe. Sức mạnh của một cộng đồng được khuếch đại, tăng trưởng nhờ sự lôi cuốn lẫn nhau trong cuộc trò chuyện.
Đó là lí do tại sao lời nói là phép thuật. Những con chữ thật sự có sức mạnh. Những cái tên có sức mạnh. Các con chữ là những sự kiện, chúng làm mọi thứ, thay đổi mọi thứ. Chúng biến đổi cả người nói và người nghe; chúng cung cấp năng lượng qua lại và khuếch đại nó. Chúng cung cấp sự hiểu biết và cảm xúc qua lại để khuếch đại chúng.”
 
SENECA
Trút bỏ âu lo
 
Hai thiên niên kỷ trước khi khái niệm lâm sàng về lo âu được định nghĩa, nhà triết học Khắc kỷ vĩ đại người La Mã Seneca ( 4 TCN - 65) đã cung cấp một giải pháp vượt thời gian cho nỗi thống khổ nguyên thủy của con người trong những lá thư ông gởi đến bạn mình, Lucilius Junior, sau này được xuất bản dưới cái tên “Letters from a Stoic”
Trong bức thứ thứ 13, tiêu đề “Về nỗi sợ vô căn cứ,” Seneca đã viết:
“Có nhiều thứ có thể hù dọa chúng ta hơn là những thứ hủy diệt chúng ta; chúng ta thống khổ trong trí tưởng tượng thường xuyên hơn là trong thực tại.”
Quan sát được thói quen tự đánh gục bản thân và lo lắng của con người trước những thảm họa tưởng tượng, Seneca đã khuyên nhủ người bạn trẻ của mình:
"Tôi sẽ khuyên bạn rằng, đừng tỏ ra bất hạnh trước khi cơn khủng hoảng ập đến; bởi vì có thể những hiểm nguy khiến bạn tái mét như thể chúng đang đe dọa trực tiếp đến bạn, sẽ không bao giờ xảy ra với bạn; và chắc chắn rằng chúng vẫn chưa hề ập đến.
Theo đó, trí tưởng tượng có thể khiến một vài biến cố đày đọa chúng ta nhiều hơn; một số sẽ hành hạ chúng ta trước khi chúng ập đến; một số có thể làm ta thống khổ trong khi bản chất nó không hề làm khổ ta. Chúng ta có thói quen cường điệu hóa, hay tưởng tượng, hay trông chờ nỗi buồn.”
Nhưng mối hiểm họa lớn nhất là sự lo âu không đúng chỗ. Seneca cảnh báo rằng, liên tục gồng mình chuẩn bị cho một thảm họa trong trí tưởng tượng, sẽ khiến chúng ta không thể sống trọn vẹn - một điều mà ông đã giải thích trong bài luận đạo đức nổi tiếng nhất của mình, “Về sự ngắn ngủi của cuộc sống”. Ông kết thúc lá thư với một trích dẫn từ Epicurus thể hiện quan điểm nghiêm túc này:
“Kẻ ngu xuẩn, bên cạnh mọi tội lỗi khác của hắn, cũng mắc phải sai lầm này, hắn luôn chuẩn bị để sống.”
 
BERTRAND RUSSELL
Cuộc sống càng khai mở khi nó càng tiến gần đến hồi kết
 
 
Hai thiên niên kỷ sau khi Seneca nêu ra quan điểm kinh điển của ông về cách đương đầu với sự ngắn ngủi của cuộc sống, nhà triết học, toán học, sử gia và người đoạt giải Nobel từ Anh Bertrand Russel (1872 - 1970) đã nhìn lại cuộc đời kéo dài tám thập kỉ của mình để xem xét điều gì khiến nó đáng sống.
 
Trong một bài viết ngắn tiêu đề “Già đi như thế nào” sau này được in kèm với kiệt tác “Portraits from Memory and Other Esssays”, Russel đặt ở cốt lõi cuộc sống sự phân rã cái tôi cá nhân trở thành một cái gì đó vĩ đại hơn.  Dựa trên hình ảnh ẩn dụ lâu đời so sánh những con sông với các vấn đề hiện sinh, ông đã viết:
“Hãy làm cho sự hứng thú của bạn dần trở nên rộng hơn và giảm bớt tính cá nhân, từng chút một cho đến khi những bức tường xung quanh cái tôi dần tan biến, và cuộc đời của bạn dần hợp nhất với cuộc đời của vũ trụ. Sự tồn tại của một cá thể con người nên giống như một dòng sông - ban đầu nhỏ bé, nằm chật hẹp giữa hai bên bờ sông, lao đi đầy nhiệt huyết qua những tảng đá và vượt lên trên những thác nước. Dần dần dòng sông trở nên rộng hơn, hai bên bờ lùi về xa hơn, dòng chảy lặng lẽ hơn, và cuối cùng, không còn bất kì sự dao động nào, nó hợp nhất với đại dương và đánh mất sự tồn tại cá nhân một cách nhẹ nhàng, không đau đớn.
 
WALT WHITMAN
Hãy sống với mọi sức sống mà bạn có
 
 
Walt Whitman (1810 - 1892) chỉ mới ba mươi sáu tuổi khi ông tự xuất bản tác phẩm của mình, đối đầu với những làn sóng phê bình thờ ơ, chế giễu trước khi nó trở thành tác phẩm thơ ca nguyên bản kinh điển đầu tiên của đất nước.
Trong lời tựa của ấn bản đầu tiên của tác phẩm “Leaves of Grass”, nhà thơ từ Brooklyn đã gói gọn trong thể loại văn xuôi một chỉ dẫn đầy sức sống và rạng rỡ - một tinh thần chắc chắn có thể làm phong phú và mang đến niềm vui cho mọi đời sống tại mọi giai đoạn ở mọi thời đại.
“Đây là những gì bạn nên làm: Yêu thương trái đất và mặt trời và những con thú, coi thường sự giàu có, bố thí cho những ai chìa tay, bênh vực những kẻ ngu ngốc và điên rồ, cống hiến thu nhập và công sức của bạn cho người khác, căm thù những tên lãnh chúa, tranh luận mà không liên quan đến Đức chúa trời, có lòng kiên nhẫn và sự yêu thương với bất kì ai, không cúi mình trước những cái đã biết hay không biết hay trước bất kì tên đàn ông hay nhóm đàn ông nào, bước đi tự do với những người ít học quyền lực, với những người trẻ và những người mẹ, hãy đọc những dòng văn này ngoài trời vào bất kì mùa nào trong mọi năm của cuộc đời bạn, xem xét lại tất cả những điều đã được nghe ở trường học hay nhà thờ hay trong bất kì quyển sách nào, gạt bỏ bất kì thứ gì xúc phạm tâm hồn bạn, và chính da thịt của bạn sẽ trở thành một bài thơ vĩ đại, trở nên rành mạch không chỉ trong lời nói mà cả trong những đường nét trên đôi môi và khuôn mặt, giữa hai cặp lông mi trên mắt, trong mọi chuyển động và khớp xương của cơ thể bạn."
 
TÁC GIẢ CỦA THE MARGINALIAN
HÃY CHỌN GÓC NHÌN CỦA SỰ YÊU THƯƠNG
 
 
Những gì chúng ta thấy không bao giờ là thực tại thuần khiết như vũ trụ - những gì chúng ta thấy là cách chúng ta nhìn nhận thực tại, được lọc qua lăng kính những kinh nghiệm và thế giới quan đã được thiết lập của mỗi chúng ta. Cách chúng ta nhìn nhận mọi thứ sẽ luôn luôn định hình những gì con mắt chúng ta thấy; thông thường, bộ lọc mà chúng ta lầm tưởng là kính lúp thực chất là chiếc gương bị cong vẹo - chúng ta thấy người khác không phải như họ vốn vậy, mà như họ là chúng ta. Chúng ta biết điều này bởi vì đó là cách để con người chúng ta hiểu sự vật tốt nhất: hướng vào bên trong.  Chúng ta đều biết những cảm giác kinh khủng, đáng sợ của việc bị nhìn nhận bởi người khác không phải như bản chất chúng ta mà như bản chất của họ, bị hiểu lầm sâu sắc và bị hiểu sai về động cơ và cốt lõi sự tồn tại của chúng ta.
Chúng ta phụng sự thực tại bằng cách trở nên khoan dung hơn đối với việc nhìn nhận mọi thứ. Chúng ta phụng sự người khác bằng cách nhìn nhận họ, với sự bối rối và tự thắc mắc của mỗi người chúng ta, với con mắt của sự yêu thương và chống lại càng lâu càng tốt những phán xét, định kiến đang làm đục mờ tầm nhìn của chúng ta.
Đặt mong muốn thấu hiểu con người cao hơn mong muốn bản thân luôn đúng, chính là món quà vĩ đại nhất mà ta có thể dành tặng người khác.
 
“Thấu hiểu là cách gọi khác của tình yêu thương” - Thích Nhất Hạnh.
 
Nguồn: The Marginalian - Bài dịch: Phúc Hồ. Bản quyền thuộc về Fashionnet, vui lòng ghi rõ nguồn khi muốn sao chép. 

________________________________________________

 

G Studio 

Art Design Center 

vietnamcolor.vn - fashionnet.vn

Contact: 0903788646 - 0903975081

Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com 

Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)

30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City 

 

Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn. 

HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.

Thuốc giải u sầu: phương thuốc thế kỷ cho bệnh trầm cảm của Robert Burton

Thuốc giải u sầu: phương thuốc thế kỷ cho bệnh trầm cảm của Robert Burton

Opinion Phát hiện đi trước thời đại trong khoa học: Bất kể một ai... khi bị lấn át bởi sự cô đơn, hay bị cuốn theo bởi nỗi sầu êm đềm và sự tự phụ vô nghĩa... hay bị chôn vùi trong những nỗi lo vô bờ bến, tôi có thể đưa cho họ một bài thuốc không gì hiệu quả hơn... đó là hãy tự đưa mình vào khuôn khổ của việc học hội họa hay khoa học.


VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

Pro_Creative ĐI & VỀ, ĐI để vẽ nên màu của mình, chúng ta là Màu Việt Nam. Khi người nghệ sĩ chọn chất liệu, họ say mê bề mặt của giấy, toan, đất, vải, vóc, sơn hay bất kỳ kết cấu nào tạo ra cảm xúc để sáng tạo. Người thưởng ngoạn hít thở sâu, nhắm mắt, lắng nghe từ trực giác, mở mắt để thấu cảm màu sắc, hình, khối, vẻ quyến rũ từ chất liệu, tài năng của người nghệ sĩ, hòa nhịp làm nên câu chuyện sáng tạo. Khi bắt đầu chạm, sẽ hiểu rồi yêu, điều này vô cùng quý giá cho hành trình khám phá nghệ thuật ĐI & VỀ, ĐI của mỗi người.

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Subscription

Fashionnet

Follow us