288
21 Tháng 09 3:09 pm

Art that Changed the World I Trường phái Ấn tượng

 Mặc dù chủ nghĩa Ấn tượng không có một phong cách nhất quán, nhưng các họa sĩ đều có chung mục tiêu thể hiện những cảm xúc chủ quan của họ khi đối diện với thiên nhiên. Họ được truyền cảm hứng bởi các tác phẩm đương đại, những thói quen mới trong xã hội hiện đại, thời trang, và quan trọng nhất - ý tưởng vẽ tranh ngoài trời để bắt trọn một khoảnh khắc nhất thời, ngắn ngủi

Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.

Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.

Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.

PHẦN 4E: TRƯỜNG PHÁI ẤN TƯỢNG (1860 - 1900)
Bắt trọn khoảnh khắc

Vào cuối những năm 1860, một vài nghệ sĩ tại Paris tuy không có một phong cách thống nhất nhưng đều muốn thoát khỏi những quy tắc cứng nhắc của nghệ thuật hàn lâm đã tập hợp lại thành một nhóm. Mục tiêu của họ là muốn tổ chức những buổi triển lãm chính thức tại những địa điểm ngoài Paris Salon, và họ cũng chia sẻ chung niềm đam mê với cảnh đời sống thường nhật. Chủ đề của họ là những khoảnh khắc nhất thời, ngắn ngủi của nhịp sống như cảnh đô thị xô bồ, hay một chuyến dã ngoại dưới ánh nắng chói chang, hay những phong cảnh yên bình như vùng nông thôn, bờ biển... được thể hiện qua những đường nét đứt gãy và các gam màu rực rỡ, thường là những màu nguyên chất. Những thành viên chủ chốt của nhóm này gồm Bazille, Cézanne, Degas, Manet, Monet, Morisot, Pissarro, Renoir, và Sisley, nhưng họ cũng thu hút được nhiều nghệ sĩ khác tham gia nhờ 8 buổi triển lãm được tổ chức từ năm 1874 đến 1886. Các ý tưởng của trường phái Ấn tượng dần được phổ biến ra ngoài nước Pháp đến các nghệ sĩ ở những khu vực khác thuộc châu Âu và Mĩ.

Dance at the Moulin de la Galette, Pierre-Auguste Renoir ,1876, Musée d'Orsay, Paris, Pháp

Cách Renoir khắc họa một buổi chiều chủ nhật tại khu vườn Montmartre nổi tiếng, bao gồm chuyển động của đám đông và các hiệu ứng ánh sáng tự nhiên đan xen ánh sáng nhân tạo, thông qua những đặc trưng hội họa của chủ nghĩa Ấn tượng - đường nét đứt khúc, hình ảnh mờ ảo, và màu sắc rực rỡ . Nhiều người bạn của ông đã tham gia làm mẫu cho tác phẩm này.

BỐI CẢNH

Vào những năm 1860, Pháp đang trong quá trình thi công một loạt các công trình công cộng, một dự án được phê chuẩn bởi vua Napoleon III. Đất nước này đang được hiện đại hóa và các ngành công nghiệp đang mở rộng nhanh chóng - sự phát triển này được phản ánh qua sự xuất hiện của cầu đường sắt, tàu thủy công nghiệp, và nhà máy trong một vài bức phong cảnh của các họa sĩ Ấn tượng. Thành phố Paris tráng lệ cũng đang trong quá trình ‘lột xác’, gđược iám sát bởi công vụ Baron Georges Haussman. Dự án cải tổ đầy tham vọng này sẽ thay thế những con đường uốn lượn phong cách trung cổ thành những đại lộ rộng lớn với những quán cafe, tòa nhà công cộng, căn hộ cũng như hai hàng cây xanh mướt hai bên đường. Đường phố sẽ được thắp sáng bởi lồng đèn gas mỗi đêm, nhằm khuyến khích người dân tham gia các hoạt động buổi tối nhiều hơn như các buổi diễn opera, ballet, kịch, ca nhạc, hay các phòng khiêu vũ.

Một chuỗi Triển lãm Quốc tế được tổ chức tại Paris vào những năm 1855, 1867, 1878, 1889 và 1900. Chúng khẳng định vị trí của Pháp trên bản đồ thế giới và tôn vinh những thành tựu liên quan đến nghệ thuật và công nghiệp. Buổi triển lãm thường niên tại Salon - nơi các nghệ sĩ trưng bày các tác phẩm của mình dưới sự bảo trợ của Học viện Mỹ thuật - vẫn được tổ chức đều đặn, nhưng thị trường nghệ thuật tư nhân cũng đang mở rộng và các nhà buôn như Paul Durand-Ruel bắt đầu bán các tác phẩm từ những nghệ sĩ còn hoạt động, không chỉ của các Bậc thầy Cổ điển. Mặc dù cuộc Vây hãm Paris của quân Phổ để lại hậu quả nhất định cũng như làm trì hoãn các công trình, nhưng sự kiện này gần như không xuất hiện trên tấm canvas của các họa sĩ Ấn tượng.

Những đường sắt mới tỏa ra khắp Paris, đưa vùng ngoại ô và nông thôn đến gần đô thị hơn bao giờ hết. Một số nghệ sĩ, bao gồm Monet và Pissarro, thậm chí quyết định chuyển về những khu đồng quê lân cận - nhằm tìm những chủ đề mới để vẽ - nhưng vẫn duy trì mối liên hệ với thành phố thủ đô. Hệ thống tàu lửa cho phép họ đi đi về về tại Paris mỗi ngày, hoặc tận hưởng kì nghỉ tại Bờ biển Normandy, nơi những resort hiện đại đang nổi lên. Bản thân những trạm xe lửa cũng là nguồn cảm hứng đại diện cho các ý niệm như chuyển động, hơi nước, khói, tốc độ và trên hết, sự hiện đại.

Chủ nghĩa Ấn tượng có gốc gác trực tiếp với phong cách Hiện thực và chủ nghĩa Tự nhiên truyền thống của Pháp, vốn được phát triển vào những năm 1840 qua tác phẩm của các họa sĩ như Gustave Courrbet và nhóm họa sĩ Barbizon, thường làm việc tại các khu rừng xung quanh lâu đài Fontainebleau. Những nghệ sĩ Ấn tượng trẻ được ảnh hưởng bởi quan điểm của Courrbet rằng người nghệ sĩ phải căn cứ chủ đề tác phẩm của mình theo những trải nghiệm cá nhân cũng như phong cảnh thường nhật mà họ chứng kiến. 

Họ cũng được ảnh hưởng bởi nhóm họa sĩ Barbizon, bao gồm Millet, người không chỉ thể hiện thành công vẻ đẹp của những phong cảnh  không có giá trị lịch sử mà còn có khả năng liên hệ chúng với một mùa, thời điểm, hay địa danh nhất định.

Được truyền cảm hứng bởi xu hướng vẽ tranh ngoài trời của nhóm họa sĩ Barbizon, những nghệ sĩ Ấn tượng cũng rời khỏi studio của mình để chu du đến các vùng nông thôn hoặc thành phố. Đồng thời, họ cũng cự tuyệt những gam màu đất vốn được ưu chuộng bởi các tiền bối, sử dụng những sắc màu rực rỡ, nguyên chất hơn cũng như vẽ những đường nét mảnh, đứt gãy nhằm thể hiện hiệu ứng ánh sáng ở một thời điểm nhất định.

NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT

Mặc dù chủ nghĩa Ấn tượng không có một phong cách nhất quán, nhưng các họa sĩ đều có chung mục tiêu thể hiện những cảm xúc chủ quan của họ khi đối diện với thiên nhiên. Họ được truyền cảm hứng bởi các tác phẩm đương đại, những thói quen mới trong xã hội hiện đại, thời trang, và quan trọng nhất - ý tưởng vẽ tranh ngoài trời để bắt trọn một khoảnh khắc nhất thời, ngắn ngủi

Những sáng chế mới, như khung tranh gập và màu trộn sẵn trữ trong tuýp chì cho phép các nghệ sĩ dễ dàng mang vật liệu của họ ra ngoài trời. Các loại chất màu mới cũng mở rộng bảng màu của họ.

Dutch Vessels Inshore and Men Bathing, Willem van de Velde the Younger, 1661, Bảo tàng Quốc gia, London, Vương quốc Anh

Các bức họa tả cảnh biển của những bậc thầy thế kỷ 17, như Willem van de Velde the Younger, đã ảnh hưởng sâu sắc đến Boudin. Van de Velde chuyên vẽ tranh biển và bờ biển, với đặc trưng là bầu trời rộng mênh mang và những đám mây trôi êm ả.

The River Seine at Mantes, Charles François Daubigny, 1856, Brooklyn Museum of Art, New York, Mĩ

Vẽ tranh ngoài trời là hoạt động tiêu biểu của nhóm họa sĩ Barbizon, trong đó có Charles François Daubigny, người sở hữu một studio trên thuyền. Boudin và các họa sĩ Ấn tượng được truyền cảm hứng bởi họ, và Monet thi thoảng cũng giong buồm tìm cảnh đẹp.

Seascape with Ponies on the Beach, Johan Barthold Jongkind, Thế kỉ 19

Nét vẽ quyết đoán trong các bức tranh tả cảnh bờ biển của họa sĩ Hà Lan Johan Barthold Jongkind sau này xuất hiện trong nhiều tác phẩm Ấn tượng. Các tác phẩm này rất được ngưỡng mộ bởi cả Boudin và Monet.

ĐIỂM NGOẶT

Beach Scene at Trouville
Eugène Boudin, 1873, National Gallery, London, Vương quốc Anh

Tranh của Boudin vẽ tại Trouville thể hiện cuộc sống đương đại qua những đường nét tựa như tranh phác họa. Cách thể hiện mới lạ này sau đó sớm được học hỏi bởi các họa sĩ Ấn tượng khác. Những chi tiết nhỏ lẻ, riêng biệt như hòa làm một với bầu không khí mát mẻ tại bờ biển, trong khi những gam màu sáng thể hiện hiệu ứng của ánh nắng mặt trời chói chang xuyên qua những áng mây. Những du khách trong tranh đang đổ về các resort cạnh biển mới được xây dựng tại Trouville và thành phố Deauville lân cận. Boudin đã khéo léo sử dụng các gam màu trắng và đỏ trên quần áo của họ để tạo sự tương phản với những phần màu lặng - màu xanh của biển và màu nâu của cát. Monet, người cũng đã từng vẽ tranh tại đây, rất có thể cũng sở hữu hai bức tranh chủ đề này của Boudin.

Về tác giả: Eugène Boudin (1824 - 1898) gần như đã tự mình tập vẽ. Ban đầu ông điều hành một công ty chuyên đóng khung tranh tại Le Havre. Công việc này giúp ông tiếp cận một vài nghệ sĩ, bao gồm Millet, người đã khuyến khích ông theo đuổi nghệ thuật. Là con trai của một thủy thủ, Boudin vốn có trực giác mạnh mẽ với những sắc thái của đại dương, sau này ông cũng chuyên vẽ cảnh bờ biển Normandy. Ông khuyến khích các nghệ sĩ vẽ tranh ngoài trời - một thói quen mà ông đã truyền lại cho Monet trẻ tuổi, người từng dành thời gian làm việc bên cạnh ông. Cảnh biển rực rỡ và mát mẻ của Boudin đã hình thành nên mối liên hệ quan trọng giữa các họa sĩ Barbizon và những nghệ sĩ Ấn tượng.

LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN QUA CÁC TÁC PHẨM

Ý tưởng đi tìm một địa điểm trưng bày ngoài Paris Salon lần đầu được đề cập đến trong nhóm họa sĩ avant-garde tại quán cafe Guerbois ở Paris vào cuối những năm 1860. Tuy nhiên, đến năm 1874 buổi triển lãm đầu tiên mới được tổ chức, từ đó đánh dấu sự xuất hiện của thuật ngữ “Ấn tượng,” vốn được dùng để mang tính công kích bởi những nhà phê bình nghệ thuật tham gia buổi triển lãm. Bảy buổi diễn khác lần lượt được tổ chức, buổi cuối cùng diễn ra vào năm 1886. Pissarro là nghệ sĩ duy nhất trưng bày tác phẩm của mình trong cả 8 buổi, theo sau là Degas và Morisot với 7 buổi.

Family Reunion, Frédéric Bazille, 1867, Musée d’Orsay, Paris, Pháp

1867: Bazille khắc họa cảnh gia đình ông tụ họp trên sân thượng nhà ông gần Montpellier ở phía nam nước Pháp. Mặc dù nét vẽ khá thô, nhưng nó đã thành công trong việc thể hiện những gam màu nhạt và sáng của vùng Địa trung hải, cũng như ánh sáng mặt trời dịu dàng lấp ló qua những tán lá.

Sinh ra trong một gia đình giàu có vùng phía nam nước Pháp, Frédéric Bazille (1841 - 1870) học y tại Paris vào năm 1862, nhưng sau đó theo đuổi hội họa. Ông ngưỡng mộ Manet và là bạn thân với Renoir và Monet, đặc biệt yêu thích các tác phẩm ngoài trời của họ. Cái chết của ông trong Cuộc chiến Pháp - Phổ là một mất mát lớn đối với chủ nghĩa Ấn tượng.

At the Races in the Countryside, Edgar Degas, 1869, Museum of Fine Arts, Boston, MA

1869: Bức tranh này được trưng bày tại buổi triển lãm Ấn tượng đầu tiên diễn ra năm 1874. Nó khắc họa bạn của Degas, Paul Valpinçon cùng gia đình đang theo dõi cuộc đua. Bố cục tự nhiên tương tự như những pô hình ngẫu hứng, thể hiện những ảnh hưởng của nhiếp ảnh.

Impression Sunrise, Claude Monet, 1872, Musée Marmottan, Paris, Pháp

1872: Những đường nét mờ của Monet thể hiện cảnh bình minh trên cảnh biển tại Le Havre. Khi nó được trưng bày tại ‘buổi triển lãm nghệ thuật độc lập đầu tiên’ vào năm 1874, nhà phê bình Louis Leroy đã sử dụng thuật ngữ “Ấn tượng” để mang ý công kích, nhưng cũng vô tình đặt tên cho một phong trào hội họa mới.

Gare Saint-Lazare, Edouard Manet, 1873, National Gallery of Art, Washington, DC

1873: Trạm Saint Lazare tại Paris là một chủ đề nổi tiếng đối với các họa sĩ Ấn tượng, bởi vì bản thân họ cũng thường ghé qua trạm này để đến vùng ngoại ô và Normandy. Manet vẽ nàng thơ yêu thích của ông, Victorine Meurent, và một bé gái đang chăm chú nhìn đường sắt qua hàng rào.

The Cradle, Berthe Morisot, 1874, Musée d’Orsay, Paris, Pháp

1874: Berthe Morisot là người phụ nữ đầu tiên có tác phẩm được trưng bày cùng với nhóm Ấn tượng năm 1784, và tình mẫu tử đã trở thành chủ đề yêu thích của bà từ đó. Bức tranh dịu dàng này ứng dụng những gam màu bạc nhẹ nhàng, thể hiện cảnh chị gái Edma của bà đang chăm sóc cô con gái hãy còn say giấc.

Buổi triển lãm Ấn tượng đầu tiên được tổ chức vào năm 1874 tại studio của nhiếp ảnh gia Nadar ở Paris. Ba mươi nghệ sĩ đã tham gia, nhưng buổi diễn này hứng chịu rất nhiều chỉ trích từ giới phê bình và bị đánh giá là một thất bại về mặt tài chính.

Landscape, Ile de France, Armand Guillaumin, 1874, Private Collection

1874: Vào đầu những năm 1870, Guillaumin vẽ cùng với Pissarro tại Pontoise. Cũng như Pissarro, Guillaumin chuyên vẽ những cánh đồng nơi thôn quê. Hai người đàn ông đang làm việc, những đường nét đứt khúc thể hiện chuyển động của mây trong một ngày u ám.

Về tác giả: Không vượt qua được cái bóng của những họa sĩ Ấn tượng đương thời, nhưng Arrmand Guillaumin (1841 - 1927) vẫn là bạn tốt với Cézanne, Pissarro, Vincent van Gogh và em trai Theo. Các tác phẩm của ông được trưng bày trong 6 buổi triển lãm Ấn tượng, chủ yếu là những bức tả cảnh đồng quê bao quanh Paris, với những chi tiết mang tính tương phản trong cuộc sống hiện đại như ống khói của các nhà máy.

The Côte des Bœufs at L’Hermitage, Camille Pissarro, 1877, National Gallery, London, Vương quốc Anh

1877: Pissarro mong muốn vẽ cảnh sườn đồi gần nhà ông tại Pontoise như thể chính bản thân mình đang hòa vào với không gian đó, tạo nên một sự thân mật giữa phong cảnh và người xem. Ông sử dụng những mảng màu rời rạc để tạo hiệu ứng chi tiết trên mặt đất.

 Rainy Day, Gustave Caillebotte, 1877, The Art Intstitute of Chicago, IL

1877: Trong bức tranh vẽ Quảng trường Dublin của Caillebotte, ta cũng có thể thấy những xa lộ hiện đại mới được xây dựng tại Paris do Baron Haussmann thiết kế cũng như những bóng người đi đường. Ảnh hưởng của nhiếp ảnh được thể hiện qua sự bố trí nhân vật cũng như cách cơ thể nhân vật bị cắt khúc bởi khung tranh.

Luncheon of the Boating Party, Pierre-Auguste Renoir, 1880–81, The Phillips Collection, Washington, DC

1880: Bạn bè Renoir cùng tận hưởng bữa trưa tại nhà hàng Maison Fournaise và ngắm dòng sông Seine tại Chatou. Ánh sáng rọi xuống từ phần ban công mở và phản chiếu trên khăn bàn trắng và áo vest của họ. 

 Young Woman Sewing in a Garden, Mary Cassatt, 1880–82, Musee d'Orsay, Paris, Pháp

1880: Nghệ sĩ người Mỹ Mary Cassatt thực hiện một vài bức tranh chủ đề những người phụ nữ thuộc giới thượng lưu đang làm những công việc thường ngày.  Nhân vật được ‘ấn tượng hóa’ thông qua đường viền rõ nét, cũng như việc sắp đặt cô gái chiếm gần hết bức tranh.

A Bar at the Folies-Bergère, Edouard Manet, 1882, Courtauld Gallery, London, Vương quốc Anh

1882: Người dân Paris đổ về hội trường âm nhạc Folies-Bergère để xem kịch xiếc, diễn ballet cũng như tìm gái gọi. Manet tập trung vào Suzon, một trong những nữ nhân viên quầy bar, vào thời điểm khi cô đang làm việc và chìm đắm trong những suy tư cá nhân của mình, tách biệt hẳn so với đám đông xô bồ trước mặt.  Manet vẽ lại quầy bar trong studio của mình dựa trên kí ức của bản thân; ta có thể thấy hình ảnh phản chiếu trong gương không tương đồng hoàn toàn với những vật thể và nhân vật ở phần tiền cảnh.

Nhiếp ảnh: Quy trình chụp ảnh được phát triển lần đầu vào những năm 1830, và cho đến thời điểm nhóm nghệ sĩ Ấn tượng được thành lập thì thị trường ảnh chụp chân dung và phong cảnh đã đang phát triển mạnh mẽ về mặt thương mại. Mặc dù không phải lúc nào họ cũng thừa nhận điều đó, nhưng nhiều nghệ sĩ đã lấy nhiếp ảnh làm nền tảng cho bố cục tác phẩm của họ - có thể nhận thấy thông qua sự cắt khúc bởi khung tranh, những cách phối cảnh bất thường, hay sự ‘mất nét’ ở một số bức. Những nghiên cứu về chuyển động của động vật thông qua nhiếp ảnh do Eadweard Muybridge thực hiện vào những năm 1870 cũng truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ, trong đó có Degas.

 Paul Helleu Sketching With his Wife, John Singer Sargent, 1889, Brooklyn Museum of Art, New York, NY

1889: Tác phẩm này vận dụng nhiều kỹ thuật và dụng cụ khác nhau, một đặc trưng thường thấy ở những bức tranh Ấn tượng. Nó thể hiện hoạt động vẽ tranh ngoài trời cũng như tình bạn giữa Sargent với họa sĩ người Pháp Paul Helleu.

Children Paddling, Walberswick, Philip Wilson Steer, 1891–92, Fitzwilliam Museum, Cambridge, Vương quốc Anh

1891: Vào thời điểm ông thực hiện bức tranh này, Steer là họa sĩ người Anh hàng đầu đi theo chủ nghĩa Ấn tượng Pháp. Có thể thấy những ảnh hưởng của Monet và Sisley trong cách ông khắc họa cảnh bờ biển Suffolk: Những gam màu nguyên chất, không pha trộn được thêm vào tấm vải canvas dưới dạng lốm đốm.

Về tác giả: Nghệ sĩ người Anh Philip Wilson Steer (1860 - 1942) học ở Paris vào đầu những năm 1880. Các tác phẩm do ông thực hiện vào khoảng từ năm 1887 đến 1894 thể hiện những ảnh hưởng từ chủ nghĩa Ấn tượng - đặc biệt là từ Monet - và từ Whistler như những gam màu lấp lánh, không khí tươi mới, sáng sủa và những nét vẽ ngẫu hứng, phóng khoáng. Năm 1886, ông trở thành thành viên sáng lập của Câu Lạc bộ Nghệ thuật Anh mới (New English Art Club), gồm một nhóm nghệ sĩ từng học tại Paris và cùng nhận thức được những xu hướng mới nhất trong nghệ thuật Pháp. Năm 1889, Steer tham gia một buổi triển lãm đề tên “Những nghệ sĩ Ấn tượng London”.

Snow Scene at Moret, Alfred Sisley, 1894, Private Collection

1894: Các nghệ sĩ Ấn tượng, bao gồm Sisley và Monet, rất thích cảnh tuyết rơi bởi vì nó tạo cơ hội cho họ nghiên cứu những sắc thái khác của ánh sáng mà thường khó nhận biết trong các điều kiện thời tiết thông thường, cũng như là thời điểm phù hợp để họ thử nghiệm với những mật độ màu khác thường. Trong bức này, tuyết và cảnh vật xung quanh đã tạo nên một sự hài hòa dễ chịu, an nhiên về mặt màu sắc.

The Boulevard Montmartre on a Winter Morning, Camille Pissarro, 1897, Metropolitan Museum of Art, New York, NY

1897: Vào cuối những năm 1890, Pissarro, người trước đây chỉ tập trung vẽ tranh tả cảnh nông thôn, đã thực hiện một loạt tranh miêu tả phong cảnh xa lộ Paris nhìn từ cửa sổ khách sạn. Tại đây ông thể hiện ánh sáng tự nhiên thông qua gam màu ánh bạc và những nét vẽ mờ ảo, rời rạc.

Blue Dancers, Edgar Degas, 1899, Pushkin Museum, Moscow, Nga

1899: Mô-típ các vũ công luyện tập hay đợi sau cánh gà là mô-típ yêu thích của Degas. Trong bức tranh màu phấn huyền ảo này, ông bắt trọn khoảnh khắc họ điều chỉnh phục trang trước khi bước lên sân khấu, tư thế của họ đan xen với nhau tạo thành một nhịp điệu hài hòa.

 Late Afternoon, New York, Childe Hassam, 1900, Brooklyn Museum of Art, New York, NY

1900: Cảnh đô thị sống động của Hassam thể hiện quan điểm của người họa sĩ rằng New York là thành phố đẹp nhất trên thế giới. Trong tranh, cây cỏ, các tòa nhà, những cỗ xe ngựa, và những lữ khách trên đường phố New York dường như đang hòa tan vào cơn bão tuyết trắng xóa.

Về tác giả: Childe Hassam (1859 -1935) là một nghệ sĩ người Mỹ có cơ hội tiếp cận các tác phẩm của Monet, Pissarro, và Sisley khi ông dành ba năm luyện vẽ tại Paris vào cuối những năm 1880. Sau khi ông định cư tại New York vào năm 1889, ông tiếp tục phát triển phong cách Ấn tượng của riêng mình, kết hợp những đường nét đứt khúc với những gam màu sáng, nhẹ nhàng hơn để tạo nên bức tranh tổng thể hài hòa, chỉn chu. Hasam và các đồng nghiệp trong nhóm “The Ten” đã giúp lan tỏa chủ nghĩa Ấn tượng tại Mỹ thông qua những buổi triển lãm nhóm. 

KIỆT TÁC

The Waterlily Pond Green Harmony
Claude Monet, 1899, Musée d’Orsay, Paris, Pháp

Những bức tranh vẽ bông súng của Monet là thành tựu vĩ đại nhất, kết tinh cả sự nghiệp của ông. Trong suốt 33 năm trong cuộc đời mình, ông dâng hiến bản thân để khắc họa những sắc thái khác nhau của ao vườn yêu quý của mình và nâng tầm vẻ đẹp của nó lên hàng siêu việt.

Ông đã luôn vẽ khu vườn nhà nơi ông sinh sống, và khi ông cuối cùng cũng dành dụm đủ để mua căn nhà mình đang thuê tại Giverny năm 1890, ông đã thiết kế lại cả khu vườn. Ông dàn trải những chùm hoa rực rỡ đầy sắc màu khắp vườn, và thiết kế lại khu vực ao hồ. Ông phủ kín hồ với hoa bông súng thuộc những giống lai tạo đặc biệt, lắp đắt một cây cầu gỗ, được truyền cảm hứng bởi niềm đam mê của ông đối với các bản chạm khắc Nhật.

Monet ghé thăm ao vườn nhà mình ít nhất ba lần một ngày để nghiên cứu sự thay đổi của ánh sáng. Ông cũng vẽ lại nó một cách hăng say - đây là một trong 12 bức tranh canvas ông thực hiện từ một góc nhìn trong vòng một năm. Chúng được thực hiện không lâu sau khi con gái riêng của ông, Suzanne qua đời, và mang ý nghĩa như một thiên đường, mang đến bình yên cho người họa sĩ khi phải đối diện với sự hiu quạnh, đau buồn.

Ánh nhìn người xem bị thu hút vào mặt hồ trong suốt và cái cách mà những bông hoa và cây cầu phản chiếu trên mặt nước. Những nét vẽ dọc bao quanh những bông súng bị ngắt khúc bởi những nét màu xanh lá nhạt hơn theo chiều ngang, thể hiện ảnh phản chiếu của dàn thực vật bên trên. Thế giới trong tranh dường như chỉ xoay quanh mặt hồ, không tồn tại bầu trời phía trên, thể hiện sự an nhiên và hài hòa, đúng như tiêu đề của bức tranh. Monet tiếp tục vẽ hồ bông súng của mình cho đến khi ông qua đời. Các bức tranh cuối cùng của ông gần như đã dấn sang sự trừu tượng, loại bỏ hết sự hiện diện của mọi vật thể xung quanh và chỉ còn lại chủ đề duy nhất là mặt nước trong vắt và những đóa bông súng.

Về tác giả: Sinh ra tại Paris, Claude Monet (1840 - 1926)  lớn lên tại thành phố cảnh Le Havre, nơi mà hai người bạn của ông, họa sĩ phong cảnh Johann Barthold Jongkind và Eugène Boudin khuyến khích ông dấn thân vào hội họa. Vào giữa những năm 1860, ông đã thử nhưng thất bại trong việc khẳng định tên tuổi của mình tại Paris Salon, nhưng đến cuối thập kỷ này ông đã trở thành một cái tên chủ chốt trong nhóm họa sĩ Ấn tượng. Sau một khoảng thời gian lưu trú tại London trong giai đoạn chiến tranh Pháp - Phổ, Monet trở về Pháp, ban đầu ở lại những thành phố ngoại ô Paris trước khi định cư tại Giverny vào năm 1883. Xuyên suốt sự nghiệp vĩ đại của mình, Monet vẫn trung thành với mục tiêu của chủ nghĩa Ấn tượng là khám phá sự thay đổi của ánh sáng và màu sắc theo thời gian. Loạt tranh vẽ chồng cỏ khô, nhà thờ Rouen và bông súng khắc họa chi tiết phong cảnh dưới những điều kiện ánh sáng và thời tiết khác nhau.

Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép. 

________________________________________________

G Studio 

Art Design Center 

vietnamcolor.vn - fashionnet.vn

Contact: 0903788646 - 0903975081

Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \

Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)

30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City 

 

Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn. 

HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Art_Painting Sinh viên tốt nghiệp tại trường Imperial College London, Nicole Stjernsward đã phát minh ra Kaiku, một hệ thống giúp chuyển hoá thực vật thành các loại bột màu từ quá trình ứng dụng công nghệ bay hơi.


VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

Pro_Creative ĐI & VỀ, ĐI để vẽ nên màu của mình, chúng ta là Màu Việt Nam. Khi người nghệ sĩ chọn chất liệu, họ say mê bề mặt của giấy, toan, đất, vải, vóc, sơn hay bất kỳ kết cấu nào tạo ra cảm xúc để sáng tạo. Người thưởng ngoạn hít thở sâu, nhắm mắt, lắng nghe từ trực giác, mở mắt để thấu cảm màu sắc, hình, khối, vẻ quyến rũ từ chất liệu, tài năng của người nghệ sĩ, hòa nhịp làm nên câu chuyện sáng tạo. Khi bắt đầu chạm, sẽ hiểu rồi yêu, điều này vô cùng quý giá cho hành trình khám phá nghệ thuật ĐI & VỀ, ĐI của mỗi người.

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Subscription

Fashionnet

Follow us