288
16 Tháng 09 4:58 pm

Art that Changed the World I Chủ nghĩa Hiện thực

 Chủ nghĩa Hiện thực được sinh ra ở Pháp nhờ các tác phẩm của Coubet, Millet, Daumier... và phản ánh phản ánh sự bất ổn chính trị vào thời điểm đó. Khác với thế hệ họa sĩ Lãng mạn, những người theo chủ nghĩa Hiện thực tin rằng chủ đề duy nhất các họa sĩ nên khắc họa là thế giới anh ta đang sinh sống.

Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.

Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.

Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.

PHẦN 4D: CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC (1850 - 1900)
Đáp ứng nhu cầu xã hội

Chủ nghĩa Hiện thực được khơi mào tại Pháp trong bối cảnh cuộc Cách mạng năm 1848 đang bùng nổ. Khác với thế hệ họa sĩ Lãng mạn trước đó, những người theo chủ nghĩa Hiện thực tin rằng chủ đề duy nhất các họa sĩ nên khắc họa là thế giới anh ta đang sinh sống. Được dẫn dầu bởi Gustave Courbet, các họa sĩ cự tuyệt những chủ đề lịch sử, thần thoại và tôn giáo của nghệ thuật Pháp truyền thống. Thay vào đó, họ tả cảnh cuộc sống hiện đại một cách chân thật nhất: những tầng lớp xã hội khiêm tốn - nông dân, thợ mỏ, ăn xin, gái bán hoa, thợ giặt là và người nhặt rác - đều có thể là chủ đề chính trong tranh. Mặc dù hội họa Hiện thực không có một phong cách đặc trưng, nhưng chúng thường toát lên một năng lượng mạnh mẽ thông qua những đường nét đậm quyết đoán, các gam màu tương phản nhưng thường là màu trầm, đậm, tạo nên không khí u tịch cho cả bức tranh. Riêng các bức tả cảnh đàn ông và phụ nữ làm việc có thể mang vẻ ‘xấu xí’ đặc trưng. Nhiều người xem chỉ trích các bức tranh thể loại này thiếu sự thơ mộng hay sáng tạo, trong khi một số khác tôn vinh nó như một hình thức nghệ thuật hợp thời đại, đáp ứng thị hiếu công chúng. Vào khoảng giữa thập niên 1850, chủ nghĩa Hiện thực Pháp bắt đầu ảnh hưởng đến các nghệ sĩ ở những khu vực khác ở châu Âu, vương quốc Anh và Mĩ.

The Gleaners, Jean-François Millet, 1857, Musée d’Orsay, Paris, Pháp
Tranh của Millet khai thác một trong những chủ đề chủ đạo của chủ nghĩa Hiện thực: cuộc sống lao động của người nghèo. Ba người phụ nữ lang thang ngoài đồng lúc hoàng hôn, gom nhặt bất kỳ mẫu bắp nào bị những người thu hoạch bỏ xót. Ba nhân vật, gập mình, nhặt ngô, và sau đó đứng thẳng lại, thể hiện vòng lặp tàn nhẫn của công việc này.

BỐI CẢNH

Nghệ thuật hiện thực phản ánh sự bất ổn chính trị tại thời điểm nó được sinh ra. Cuối tháng 2 năm 1848, Paris chứng kiến cuộc cách mạng ảnh hưởng đến cả châu Âu, làm ngọn lửa mồi khơi lên những cuộc khởi nghĩa tương tự tại Đức, Ý, Áo, Hungary, Bohemia. Tại Pháp, suy thoái kinh tế, thất nghiệp, và thiếu thốn lương thực là tác nhân dẫn đến sự thịnh nộ của tầng lớp lao động. Sự bất mãn này dẫn đến một chiến dịch kéo dài gồm tầng lớp trung lưu và lao động yêu cầu quyền được bầu cử cho đàn ông. Sau nhiều ngày đấu tranh, vua Louis-Philippe thoái vị, và một chính quyền tạm thời được thành lập.

The Barricade, Ernest Meissonier, 1848, Louvre, Paris, Pháp
Meissonnier khắc họa khung cảnh ông chứng kiến tại Paris khi mà lực lượng Vệ quân Hoàng gia phá nát rào chắn trong một cuộc nổi dậy vào năm 1848. Một số chi tiết thực tế được thêm vào để tăng độ kinh hoàng. 

Sự kiện Nổi dậy Tháng 6 một lần nữa thổi bùng sự bất mãn trong công chúng, khi lực lượng chính quyền bắt đầu tàn sát khắp đường phố Paris - những xác chết nằm la liệt khắp mọi nẻo đường Paris, như được khắc họa trong tranh của Meissonier. Mỉa mai thay, mặc dù tất cả đàn ông Pháp đã có quyền bầu cử, họ không được sống trong xã hội dân chủ bình đẳng mà phải chịu đựng chính quyền độc tài. Cháu trai của Napoleon đệ Nhất, Louis- Napoleon giành lấy quyền lực sau cuộc nổi dậy năm 1848. Ban đầu là tổng thống Đế chế thứ Nhì, năm 1851 ông điều động quân chiếm Paris, rồi tự xưng làm Hoàng đế Napoleon III một năm sau đó, thay thế Nền Cộng hòa thứ hai thành Đệ nhị Đế chế Pháp. Mặc dù vị Hoàng đế mới lên ngôi có cải cách một vài chính sách nhằm giúp đỡ các tầng lớp thấp hơn, nhưng chúng vẫn không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người lao động. Tuy nhiên, ông đã thành công trong việc hiện đại hóa và cải thiện vẻ đẹp của Paris.

Chính sách ngoại giao của Napoleon III đã dẫn đến sự thất bại của ông, khi Pháp bị đánh bại trong cuộc chiến Pháp-Phổ năm 1870-71. Giai cấp công nhân sau đó nổi dậy, thành lập Công xã Paris nhằm xây dựng một nền cộng hòa ngay tại Paris. Tuy nhiên cuộc khởi nghĩa này chỉ kéo dài hai tháng trước khi bị quân đội chính phủ Versailles đàn áp tàn bạo. Từ đó, Đệ Tam Cộng hòa Pháp được thành lập, chấm dứt chế độ quân chủ tại Pháp.

Vào những năm 1840, nhiều nghệ sĩ Pháp vẽ những bức tranh tả cảnh nông thôn khai thác vẻ đẹp Duy mỹ của chúng. Nhóm họa sĩ Barbizon chuyên làm việc ở khu vực rừng xung quanh Lâu đài Fontainebleau thì có phong cách chân thật và “xấu xí” hơn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Gustave Courbet đã mang lại những thay đổi sâu sắc trong thế giới nghệ thuật. Các bức tranh tả các khía cạnh thô ráp, quyết liệt ở nông thôn của ông, tiêu biểu là bức ‘The Stone Breakers’ (1849) và ‘Peasants of Flagey Returning form the Fair (1850 -55) nhấn mạnh sự khó khăn và nhàm chán của đời sống thôn quê. Ngoài việc nghiên cứu các Bậc thầy Cổ điển, ông tận dụng đặc tính giản dị và thô sơ của nghệ thuật dân gian và kỹ thuật in ấn kết hợp với bố cục sai lệch một cách có chủ đích. Các bức tranh của ông thường có kích thước lớn - kích thước tương đương với những bức tranh thể loại lịch sử và tôn giáo trước đây. Courbet và người bạn cũng theo chủ nghĩa Hiện thực, Jean-François Millet đều hứng thú với cuộc sống của tầng lớp lao động, và cả hai thường chọn những nhân vật xuất thân khiêm tốn nhưng tạo cho họ một sự anh hùng mới lạ, độc đáo.

NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT

Các họa sĩ Hiện thực muốn khắc họa thế giới hiện đại một cách chân thật theo góc nhìn của họ, không muốn đánh bóng nó với vẻ đẹp hoa mỹ cổ điển. Tuy nhiên góc nhìn của họ không thể tránh khỏi việc bị định hình bởi nghệ thuật quá khứ. Họ ngưỡng mộ bố cục Baroque vào thế kỷ 17, và các tác phẩm hướng đến sự chân thật, cự tuyệt những lý tưởng xa vời, phi lý.

Tác phẩm Nude Study, 1853 do Julien Vallou de Villeneuve chụp là loại hình tiêu biểu mà Courbet sẽ dùng để tham khảo. 

Nhiếp ảnh có thể nói là loại hình nghệ thuật Hiện thực tiêu biểu nhất - nó thỏa mãn tầm nhìn thực tiễn và khách quan của những nghệ sĩ Hiện thực.

Woman Bathing in a Stream, 1654, Rembrandt, National Gallery, London, Vương quốc Anh

Rembrandt rất được ngưỡng mộ bởi Courbet. Sự chân thật, kỹ thuật điêu luyện và khả năng vẽ bóng được thể hiện trong bức chân dung người vợ Hendrickje Stoffels cũng là đặc trưng tác phẩm của Courbet.

The Death of the Virgin, 1606, Caravaggio, Louvre, Paris, Pháp

Hiệu ứng ánh sáng kịch tính của Caravaggio đã truyền cảm hứng cho Courbet, người rất có thể đã xem bức The Death of the Virgin tại Bảo tàng Louvre. Ánh sáng chói lọi như thể trên sân khấu giúp hình ảnh của Mary tương phản mạnh mẽ với phần nền tối phía sau.

ĐIỂM NGOẶT

The Bathers
Gustave Courbet ,1853, Musée Fabre, Montpellier, Pháp

 

Các tác phẩm của Courbet, vừa cự tuyệt vẻ đẹp hoàn mỹ Cổ điển vừa khước từ trí tưởng tượng phi lý của chủ nghĩa Lãng mạn, là những ví dụ tiêu biểu cho chủ nghĩa Hiện thực. Khi tác phẩm của ông được trưng bày tại Paris Salon năm 1853, nó gây cú sốc lớn đến công chúng, suýt chút bị dỡ bỏ bởi người kiểm duyệt lúc bấy giờ. Người xem bị cuốn hút bởi phần mông khổng lồ và chân thật của người phụ nữ khỏa thân, trái ngược hẳn so với cơ thể lý tưởng thường thấy trong các tác phẩm nghệ thuật hàn lâm. Nhiều người tham quan Salon, trong đó có họa sĩ Delacroix, bối rối bởi sự vô nghĩa của bức tranh, và tư thế lố bịch của hai người phụ nữ - tư thế này thường dành cho các nhân vật thần thoại. Bố cục tranh độc đáo, lộn xộn một cách có chủ đích. 

LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN QUA CÁC TÁC PHẨM

Chủ nghĩa Hiện thực được sinh ra ở Pháp nhờ các tác phẩm của Coubet, Millet, và Daumier. Tranh của Courbet có ảnh hưởng mạnh mẽ tại Đức từ những năm 1860, thập kỷ khi những nghệ sĩ Hà Lan thuộc nhóm Hague bắt đầu vẽ tranh phong cảnh và các thể loại khác theo phong cách Hiện thực. Vào những năm 1870 một nhóm nghệ sĩ người Nga tên Wanderers bắt đầu minh họa những khía cạnh ám ảnh hơn của xã hội. Chủ nghĩa Hiện thực cũng truyền cảm hứng cho một số họa sĩ lớn từ Mỹ, trong đó có Thomas Eakins.

A Burial at Ornans Gustave Courbet 1850–51 Musée d’Orsay, Paris, Pháp

1850: Bức tranh nổi tiếng của Courbet khắc họa cảnh hạ huyệt của giới trung lưu ở một quận tại Pháp đã được trưng bày tại Paris Salon năm 1851. Một số ý kiến chỉ trích vì tôn vinh một chủ đề tầm thường và vẻ ngoài gượng gạo của các nhân vật; một số khác thì đề cao bố cục ‘dân chủ’ này bởi vì mỗi nhân vật đều có tầm quan trọng tương tự nhau.

The Stone Breaker, Henry Wallis, 1857, Birmingham Museum and Art Gallery, Vương quốc Anh

1857: Tại Anh thời Victoria, những người bần cùng bị ép phải làm việc liên tục hàng tiếng đồng hồ để được cấp nơi ở và thức ăn. Ánh hoàng hôn, tư thế gập người của người đàn ông, và chiếc búa rơi khỏi tay là dấu hiệu cho thấy ông đã chết.

The Angelus, Jean-François Millet, c.1857–59 Musée d’Orsay, Paris, Pháp

1857: Một người nông dân và vợ ông tạm ngưng đào khoai tây để đọc lời cầu nguyện Angelus vào lúc hoàng hôn. Bức tranh này được trưng bày tại Mỹ vào năm 1889.

The Washerwoman, Honoré Daumier, c.1863, Musée d’Orsay, Paris, Pháp

1863: Daumier phân tích đời sống của công nhân trong thành phố, bao gồm các thợ giặt là, những người làm việc cực nhọc chỉ để nhận mức lương ít ỏi. Gam màu u ám của bức tranh tạo cảm giác mệt mỏi, kiệt quệ. Hình ảnh người mẹ và đứa con được minh họa một cách khái quát, không rõ ràng, thể hiện sự vô nhân tính của công việc này.

Barge Haulers on the Volga, Ilya Repin, 1873, Russian Museum, St. Petersburg, Nga

1873: Repin đã chứng kiến sự cực nhọc của những người kéo tàu trong chuyến đi tới Nga thời còn trẻ. Những người đàn ông ăn mặc rách rưới chật vật, tưởng như sắp gục ngã vì kiệt sức, nhưng một thanh niên trẻ ở giữa ngẩng đầu và giật mạnh dải dây nhằm chạy trốn, cứu lấy chính mình.

Ilya Repin (1844 - 1930) được đào tạo để trở thành một nghệ sĩ biểu tượng, nhưng sau đó tham gia nhóm Wanderers, một nhóm nghệ sĩ Nga tin rằng nghệ thuật nên đại diện cho đời sống thật và ủng hộ những cuộc cải cách xã hội. Bức tranh ‘Barge Haulers on the Volga’ gần như ngay lập tức tạo nên danh tiếng quốc tế cho ông và được Dostoevsky khen ngợi, người cũng có chung mối quan tâm đối với cuộc sống của người nghèo. Những năm 1880 Repin chuyển sang vẽ minh họa lịch sử nước Nga, nhưng ở thế kỷ 20 ông trở thành một hình mẫu tiêu biểu cho những họa sĩ Hiện thực Xã hội Xô-viết. 

The Iron Rolling Mill, or Modern Cyclops I, Adolph Menzel, 1872–75, Nationalgalerie, Berlin, Đức

1872: Tác phẩm của Menzel thể hiện quan sát tỉ mỉ của ông đối với những người đàn ông làm việc tại xưởng sản xuất đường ray xe lửa. Tuy nhiên, bức tranh này tôn vinh quá trình sản xuất hiện đại thay vì phản ánh tình hình xã hội như các tác phẩm của Courbet.

Three Women at Church, Wilhelm Leibl, 1882, Kunsthalle, Hamburg, Đức

1882: Một trong những họa sĩ Hiện thực vĩ đại nhất của Đức, Leibl dành hơn ba năm thực hiện bức tranh này, nhằm tìm thấy sự hài hòa giữa ba thế hệ phụ nữ.  Biểu cảm cung kính của cả ba người phụ nữ đã gây ấn tượng cho van Gogh sau này.

London Shoeshine Boy, Jules Bastien-Lepage, 1882, Musée des Arts Décoratifs, Paris, Pháp

1882: Mặc dù phần lớn các tác phẩm của ông lấy chủ đề nông thôn, vào những năm 1880, họa sĩ người Pháp Bastien-Lepage thực hiện loạt tranh minh họa cuộc sống của những đứa bé bị ép buộc phải kiếm sống trong thành phố.

A Hind’s Daughter, Sir James Guthrie, 1883, Scottish National Gallery, Edinburgh, Vương quốc Anh

1883: Những nét cọ vuông, rộng của Guthrie thể hiện những ảnh hưởng từ họa sĩ người Pháp Bastien-Lepage, trong khi gam màu đất được học hỏi từ nghệ thuật Hiện thực Pháp. Cô bé trong tranh là con gái của một nông dân đầy kinh nghiệm. Vị trí đầu của cô nằm ở giao điểm trục ngang và trục dọc của chùm cây phía sau, khiến cô trở thành tâm điểm của bố cục tranh.

Sir James Guthrie (1859 - 1930) là người dẫn đầu một nhóm họa sĩ người Scotland mang tên Glasgow Boys. Chuyến ghé thăm tới Pháp năm 1882 giúp ông được tiếp cận họa sĩ Hiện thực Pháp Jules Bastien-Lepage, người ảnh hưởng đến những bức tranh đầu tiên của Guthrie. Ông muốn đắm mình trong đời sống vùng nông thôn Scotland. Năm 1884 ông định cư tại Cockburnspath, một làng nông tại Berwickshire, nơi ông cùng một nhóm họa sĩ khác vẽ tranh ngoài trời. Những năm sau đó, Guthrie trở thành họa sĩ vẽ chân dung xã hội và là Chủ tịch Học viện Hoàng gia Scotland.

The Larener Woman With Goat, Anton Mauve, 1885, Gemeentemuseum, The Hague, Hà Lan

1885: Nghệ sĩ người Hà Lan Anton Mauve được biết đến là họa sĩ chuyên vẽ người nông dân trên cánh đồng và những đàn cừu. Ông là một trong các họa sĩ thuộc nhóm Hague, họ được ảnh hưởng bởi xu hướng vẽ tranh nông thôn ngoài trời tại Pháp. Mauve cưới chị họ của van Gogh, và ông cũng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tác phẩm đầu tiên của người họa sĩ Hậu Ấn tượng.

Hard Times, Sir Hubert von Herkomer, 1885, Manchester Art Gallery, Vương quốc Anh

1885: Xuất thân khiêm tốn của Herkomer giúp ông đồng cảm một cách tự nhiên đối với những người nghèo và kém may mắn. Ông được truyền cảm hứng thực hiện tác phẩm này sau khi gặp gỡ một gia đình công nhân lưu động gần nhà ông. Tuy nhiên, Herkomer mời một gia đình địa phương khác đến studio để làm mẫu cho bức tranh này.

End of the Working Day, Jules Breton, 1887, Brooklyn Museum of Art, New York City, NY

1887: Jules Breton là một trong số những nghệ sĩ (bao gồm Bastien-Lepage) chuyên vẽ tranh chủ đề đời sống nông dân ngoài trời, nhưng ông không có sự chỉ trích xã hội quyết liệt như những tác phẩm Hiện thực đầu tiên. Những công nhân của ông cũng trở về nhà sau một ngày dài làm việc cực nhọc, nhưng ánh hoàng hôn phủ một luồng sáng an yên lên cả bức tranh.

Jules Breton (1827 - 1906) trở thành một những họa sĩ vẽ đời sống nông dân nổi tiếng nhất vào giai đoạn Đế chế Đệ nhị Pháp. Mặc dù ông theo phe tự do trong cuộc Cách mạng năm 1848, và rất quan tâm đến những cơ sở xã hội đã thổi bùng lên nó, nhưng ông dần từ bỏ việc khắc họa sự tuyệt vọng trong cuộc sống của các công nhân thành phố mà thay vào đó chuyển sang miêu tả những khung cảnh duy mỹ, an yên, những khoảnh khắc khi người công nhân thể hiện vẻ đẹp tiềm ẩn của mình. Phong cách này đã dẫn đến thành công vang dội  của ông tại quê hương và tại Mỹ, nhận được nhiều việc làm từ chính quyền Pháp.

KIỆT TÁC

The Gross Clinic
Thomas Eakins, 1875, Philadelphia Museum of Art and Pennsylvania Academy of The Fine Arts, PA

Bức tranh canvas khổng lồ này, với kích thước 2.5 x 2m, được miêu tả như tác phẩm quan trọng nhất của hội họa Mỹ thế kỷ 19. Nó minh họa cảnh Giáo sư Samuel Gross đang giảng dạy cho những sinh viên y tại Cao đẳng Y khoa Jefferson, Philadelphia. Người giáo sư đang thực hiện ca phẫu thuật loại bỏ một vài đoạn xương bị hư hỏng từ chân. Danh tính bệnh nhân không được tiết lộ bởi vì chúng ta chỉ có thể thấy phần đùi trái, phần mông và bàn chân của anh ấy. Eakins không ngần ngại khắc họa những chi tiết máu me ở chỗ vết rạch và khi chiếc dao mổ đâm sâu vào da thịt, cũng như trên ngón tay của giáo sư Gross. Bác sĩ phẫu thuật có nghĩa vụ phải thực hiện công việc của mình chính xác như một cỗ máy, nhưng trong bức tranh này thì công việc đó lại tràn ngập kịch tính. Một nhân vật nữ, người có thể là mẹ của bệnh nhân, che mắt mình khỏi cảnh tượng kinh hãi trước mặt. Những sinh viên trông như những người xem kịch; ánh sáng kịch tính rọi từ trên xuống khiến ca phẫu thuật trông như một vở kịch. Người họa sĩ lồng ghép chân dung của chính mình vào giữa những sinh viên - nhân vật đang cặm cụi ghi chép hay vẽ phác ở phía bên phải lan can đường hầm dẫn vào giảng đường. Người đàn ông ngồi ngay phía sau giáo sư Gross là một thư ký đang ghi chú lại ca phẫu thuật. Bởi vì bức tranh này lấy bối cảnh khi xã hội chưa có các kiến thức hiện đại về những quy tắc vệ sinh, nên những người thực hiện ca phẫu thuật đều đang mặc áo đồng phục của mình.

Có thể thấy rõ ảnh hưởng từ bức tranh tả lớp học giải phẫu học của Rembrandt và bức chân dung nhóm bác sĩ phẫu thuật ngưới Pháp chuẩn bị tiến hành giải phẫu thực hiện vào thế kỷ 19. Eakins hâm mộ các tác phẩm của họa sĩ người Tây Ban Nha Velázquez và Ribera, và có thể sự tương phản màu sắc mạnh mẽ và kỹ thuật vẽ hào nhoáng thể hiện trong tác phẩm trên cũng được ông học hỏi từ hai bậc thầy này. Bức tranh này bị từ chối bởi người kiểm duyệt tại buổi triển lãm Philadelphia Centenial Exhibition năm 1876, nhưng cuối cùng vẫn được treo ở khu vực y dược - hành động này vô tình tôn vinh khả năng quan sát tỉ mỉ, sâu sắc của Eakins.

Về tác giả: Ngày này, Thomas Eakins (1844 - 1916) được công nhận là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của Mỹ. Eakins nổi tiếng với khả năng vẽ chân dung, ông thường vẽ khách hàng dưới ánh sáng không đẹp nhưng vô cùng chân thật. Ông nghiên cứu giải phẫu học trong khoảng thời gian dài, từ khi ông theo học Cao đẳng Y khoa Jefferson tại philadelphia, và tham gia những buổi giải phẫu khi học tập tại Paris những năm 1860. Eakins lên chức Hiệu trưởng Học viện Mỹ thuật Pennsylvania vào năm 1882, thời điểm ông chú trọng vào việc minh họa chân thật đời sống, nhưng ông đã bị ép phải từ chức năm 1886 khi ông chọn một người mẫu nam khỏa thân cho một lớp học vẽ. Eakins cũng hứng thú với nhiếp ảnh, từng hỗ trợ nhiếp ảnh gia người Anh Eadweard Muybridge khi ông nghiên cứu chuyển động của con người và động vật vào năm 1884. Eakins sau đó cũng tự mình nghiên cứu nhiếp ảnh và chuyển động. Mặc dù ông gây nhiều tranh cãi vào thời điểm bị ép phải từ chức, ông đã chứng minh khả năng bậc thầy của mình sau này.

Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép. 

-------------------------------------------------------------------------------

Pro Creative Course I Khóa học SÁNG TẠO, 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM. 

Pro Creative Course I Trường đại học 6 ngày với những buổi học và bài giảng sẽ tạo ra những gợn sóng xung đột trong tâm trí và trái tim bạn, làn sóng cảm hứng bất tận, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Pro Creative Course sẽ như một cuốn sách hướng dẫn hành trình của bạn. Đây là lời mời hít thở bầu không khí đầy sức sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn và sự thăng hoa của tinh thần.

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Art_Painting Những gì làm nên một Nguyễn Tư Nghiêm như "một mệnh đề đứng riêng", theo cách nói của Thái Bá Vân, là các đề tài mang màu sắc văn hoá dân tộc, và cùng với đề tài là các hoạ tiết xuất xứ từ di sản nghệ thuật dân gian. Đề tài trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm là những điệu múa cổ, là hình ảnh Thánh Gióng, là hình ảnh Thuý Kiều & Kim Trọng - những nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học cổ điển Việt Nam, là 12 con giáp trong vòng xoay hoa giáp biểu tượng cho chu trình thời gian theo lịch pháp Á Đông...

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Art_Painting Sinh viên tốt nghiệp tại trường Imperial College London, Nicole Stjernsward đã phát minh ra Kaiku, một hệ thống giúp chuyển hoá thực vật thành các loại bột màu từ quá trình ứng dụng công nghệ bay hơi.


AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Art_Painting Những gì làm nên một Nguyễn Tư Nghiêm như "một mệnh đề đứng riêng", theo cách nói của Thái Bá Vân, là các đề tài mang màu sắc văn hoá dân tộc, và cùng với đề tài là các hoạ tiết xuất xứ từ di sản nghệ thuật dân gian. Đề tài trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm là những điệu múa cổ, là hình ảnh Thánh Gióng, là hình ảnh Thuý Kiều & Kim Trọng - những nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học cổ điển Việt Nam, là 12 con giáp trong vòng xoay hoa giáp biểu tượng cho chu trình thời gian theo lịch pháp Á Đông...

Subscription

Fashionnet

Follow us