288
13 Tháng 09 2:38 pm

Art that Changed the World I Tiền Raphael

 Nhóm Tiền Raphael thành lập vào năm 1848, ban đầu là một tổ chức kín trong đó các thành viên khắc chữ ký “PRB” lên tác phẩm của mình. Nhóm này sau đó tan rã vào năm 1853, nhưng họ đã để lại ảnh hưởng suốt nhiều thập kỷ sau đó. Các ý tưởng của họ trở thành nền tảng dẫn đến sự bùng nổ của phong trào Nghệ thuật và Thủ công đồng thời ảnh hưởng sâu sắc đến thị hiếu thẩm mỹ giai đoạn này.

Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.

Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.

Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.

PHẦN 4C: TIỀN RAPHAEL (1848 - 1900)
Một nhóm nghệ sĩ nổi loạn

Nhóm Tiền Raphael được thành lập vào năm 1848 bởi ba nghệ sĩ trẻ - John Everett Millais, Dante Gabriel Rossetti, và William Holman Hunt. Họ sớm được tham gia bởi bốn thành viên khác - họa sĩ James Collinson, nhà điêu khắc Thomas Woolner, hai nhà phê bình nghệ thuật Frederic George Stephens và William Michael Rossetti. Không thỏa mãn với lý tưởng và phương pháp giảng dạy của Học viện Hoàng gia, nhóm Tiền Raphael lấy cảm hứng từ hội họa Ý trước thời Raphael (1483 - 1520). Đặc trưng hội họa của nhóm này là những vật thể và chủ thể luôn có màu sắc rực rỡ và được chiếu sáng đều, trong khi thiên nhiên được họ quan sát tỉ mỉ bằng chính con mắt chủ quan của mình để khắc họa lại chi tiết trong tranh, không phụ thuộc vào những quy tắc, khuôn mẫu học thuật phổ biến lúc bấy giờ. Họ đã phát triển những kỹ thuật kể chuyện bằng hội họa mới và lấy chủ đề từ đa dạng các nguồn như Kinh thánh, thần thoại, văn học, và lịch sử thế giới. Quần áo, phụ kiện và bối cảnh luôn được chú trọng trong mỗi tác phẩm. Nhóm Tiền Raphael cũng đề cập đến những vấn đề xã hội lúc bấy giờ, như mại dâm, tôn giáo, người nhập cư và tôn vinh những vẻ đẹp mới lạ ở phụ nữ.

Beata, Beatrix Dante Gabriel Rossetti, 1864–70, Tate Britain, London, Vương quốc Anh

Nhóm Tiền Raphael có cách nhìn nhận cái đẹp của phụ nữ rất độc đáo, tập trung vào “sự ấn tượng” - một người phụ nữ với cái cổ dài hay mái tóc dày bồng bềnh. Vợ của Rosetti, Elizabeth Siddal, là một hình mẫu hoàn hảo - bản thân bà cũng là một họa sĩ. Rossetti đã vẽ bức chân dung này sau khi bà tự sát, nhưng không mang màu sắc u uất mà bà được minh họa với cảm xúc thăng hoa, mãn nguyện khi bước vào cõi khác.

BỐI CẢNH

Nhóm Tiền Raphael ra đời trong giai đoạn công nghệ phát triển nhanh chóng dẫn đến những thay đổi lớn trong xã hội ở Anh Quốc. Đất nước đang tiến hành công nghiệp hóa ở tốc độ rất nhanh, giao thương phát triển mạnh mẽ, các thành phố dần mở rộng lãnh thổ, và những tên tuổi mới nổi trong nhiều khu vực trở thành những nhà bảo trợ giàu có sẵn sàng đầu tư cho nghệ thuật. Niềm hứng thú của Hoàng tử Albert đối với thiết kế, sản xuất, và nghệ thuật đã truyền cảm hứng để ông tổ chức buổi Triển lãm Vĩ đại (Great Exhibtion) - buổi triển lãm quốc tế quy mô khổng lồ diễn ra vào năm 1851 - cũng như thành lập nhiều thiết chế văn hóa, khoa học và các bảo tàng ở London.

Thập kỷ 1840 cũng là một thập kỷ hỗn loạn với nhiều vấn đề nổi lên trong xã hội. Năm 1848 - năm thành lập nhóm Tiền Raphael - Nhóm Chartists, gồm thành viên là giới lao động, lập một buổi họp ở London yêu cầu quyền bầu cử cho tất cả đàn ông trên 21 tuổi. Các cuộc nổi loạn bùng lên, và chính quyền Anh lo sợ rằng ngọn lửa cách mạng vốn đang bùng cháy khắp châu Âu lúc bấy giờ sẽ lan đến Anh. Một vài nhà phê bình đã bắt đầu đặt câu hỏi liệu cuộc sống có tốt đẹp hơn trước thời đại công nghiệp hóa. Các kiến trúc sư như AWN Pugin (1812 - 52) thiết kế những công trình theo phong cách Gothic như một sự tương phản với vẻ ngoài xấu xí của thành phố công nghiệp hiện đại. Nhà phê bình John Ruskin (1810 - 1900) khẳng định rằng cách làm việc của xã hội trung cổ hợp lý hơn so với lối sống của các công nhân hiện đại. William Morris sau này dựa trên những ý tưởng nền tảng đó để hình thành chủ nghĩa xã hội của riêng mình.

Những phát triển mang tính đột phá xuất hiện ở các lĩnh vực khoa học tự nhiên, địa chất học, thực vật học, khí tượng học, thiên văn học và dần thay đổi cách nhìn nhận thế giới tự nhiên. Những tranh luận về sự tiến hóa và lịch sử Trái đất nói chung được đặt ra trong quyển sách nổi tiếng của Darwin ‘On the Origin of Species’ (1859), thách thức trực tiếp những đạo lý tôn giáo. Những nghiên cứu khoa học và sự chia rẽ bè phái làm xới mòn đi quyền lực của các nhà thờ. Nhóm Tiền Raphael cũng hình thành nên những cách tiếp cận mới đối với tranh tôn giáo. Chúng thường bị phê bình là mang tính báng bổ, nhưng thực tế các tác phẩm đều thể hiện mong muốn tìm ra một góc nhìn mới đối với những đức tin trước đây.

Tổ chức tại Hyde Park năm 1851, cuộc Triển lãm Vĩ đại trưng bày thành quả của thời đại Victoria. Các nhà cai trị tại Anh muốn thông qua triển lãm này cho thế giới thấy rằng công nghệ đang mang lại những thay đổi đáng kể cho xã hội và Anh đang dẫn đầu cuộc đua vào tương lai. Nó đã thu hút hơn hơn 6 triệu lượt khách tham quan. 

Trong chương đầu tiên của quyển ‘Modern Painters’ (1843), nhà phê bình nổi tiếng John Ruskin khẳng định rằng mục tiêu nền tảng của người nghệ sĩ là phải ‘chân thật với thiên nhiên.” Nhóm Tiền Raphael ban đầu đã tuân thủ theo quan điểm này, quan sát và khắc họa từng chi tiết một của thiên nhiên và bối cảnh trong mỗi tác phẩm, nhưng sau đó đã không duy trì được do tốn quá nhiều công sức. Cách dùng màu của họ vô cùng đột phá - nhưng bị đánh giá là quá ‘chói’ so với tiêu chuẩn lúc bấy giờ. Cự tuyệt phương pháp vẽ sơn lót tông màu đất trên vải canvas, họ vẽ trực tiếp trên nền sáng được làm từ kẽm trắng, thứ sẽ không bị ám vàng theo thời gian. Phương pháp này cũng cho phép họ sử dụng chất màu để tạo các lớp phủ trong suốt, tăng độ sáng cho tranh. Không bắt chước kỹ thuật vẽ phô trương của các tiền bối, các nghệ sĩ Tiền Raphael phủ màu sơn phẳng đều, thường sử dụng kích cỡ cọ nhỏ và ưu tiên sơn dầu hơn so với màu nước. Khi các tác phẩm của họ được trưng bày ở nơi công cộng, chúng thường bị cáo buộc là ‘giết chết’ những tác phẩm xung quanh với các ‘gam màu quá chói’.

NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT

Nhiều nghệ sĩ Tiền Raphael, trong đó có Ford Madox Brown, ban đầu bị cuốn hút bởi những sự kiện kịch tính trong lịch sử Anh Quốc. Họ đã nghiên cứu các chi tiết phục trang, nội thất, kiến trúc, và phụ kiện để tăng độ chân thật cho các tác phẩm cũng như tham khảo chủ yếu nghệ thuật Trung cổ, Phục hưng thời kỳ đầu.

Gạch nền phong cách Gothic Phục hưng lấy cảm hứng từ mô-típ Trung Cổ, được thiết kế bởi AWN Pugin cho Tòa nhà Nghị viện tại London

Phong cách Gothic Phục hưng đang là xu hướng vào thời điểm thành lập nhóm Tiền Raphael. Công trình nổi tiếng nhất theo phong cách này là Tòa nhà Nghị viện mới, được thiết kế bởi Charles Barry và trang trí nội thất bởi AWN Pugin. Công trình này được khởi công vào năm 1840.

Chân dung Franz Pforr, 1810, được thực hiện bởi một họa sĩ thuộc nhóm Nazarenes, Friedrich Overbeck.

Nazarenes, một nhóm họa sĩ Lãng mạn người Đức, rất được ngưỡng mộ bởi những nghệ sĩ Tiền Raphael. Họ cũng là một nhóm nghệ sĩ cùng chung tư tưởng quay về với nghệ thuật trong quá khứ, và cự tuyệt sự mĩ miều và hoàn hảo của những Bậc thầy Cổ điển.

The Just Upright Man is laughed to scorn, 1825, William Blake

Phong cách quyết đoán, táo bạo của William Blake là một nguồn cảm hứng quan trọng cho nhóm Tiền Raphael. Ban đầu họ học hỏi cách vẽ đường viền rõ rệt cũng như cách dùng sơn dầu để tạo không khí mơ hồ, huyền bí và thao túng cảm xúc người xem.

Nghệ thuật Tiền Phục hưng cũng truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhóm Tiền Raphael. Họ học hỏi những kỹ thuật được sử dụng bởi các họa sĩ vẽ bản thảo chiếu sáng thời Trung cổ; cách dùng màu của hội họa Ý thế kỷ 14; và lấy cảm hứng từ những cửa kính màu cổ điển.

ĐIỂM NGOẶT

John Wycliffe Reading his Translation of the Bible to John of Gaunt
Ford Madox Brown, 1847–48, Bradford Art Galleries and Museums, Vương quốc Anh

John Wycliffe (1328 - 84) là người đầu tiên dịch Kinh Thánh ra tiếng Anh. Trong bức này ông đang đọc tác phẩm của mình cho John xứ Gaunt (con trai vua Edward III), vợ con của John, và hai nhà thơ Geoffrey Chaucer và John Gower. Brown đã nghiên cứu kỹ lịch sử trước khi thực hiện tác phẩm, nhằm đảm bảo minh họa chính xác chi tiết nội thất, kiến trúc và phục trang của giai đoạn này. Niềm đam mê của người nghệ sĩ với lịch sử, cách dùng chất màu đột phá trên nền trắng, và những đường viền đậm nét, đã để lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tác phẩm đầu tiên của nhóm Tiền Raphael, trong đó có các bức tranh của Rossetti.

Ford Madox Brown (1821 - 1893) thuộc về thế hệ lớn tuổi hơn của nhóm Tiền Raphael. Ông chưa bao giờ chính thức tham gia nhóm này, nhưng có mối liên hệ với họ thông qua học trò Dante Gabriel Rossetti, và các tác phẩm của ông cũng dự đoán và phản ánh những âu lo về nghệ thuật của nhóm này. Ông cũng tham gia công ty thiết kế của William Morris, ‘Morris, Marshall, Falkner & Co.’, thành lập năm 1861. Brown thường tham gia bàn luận các vấn đề xã hội, thứ sau này trở thành chủ đề chính của một số họa sĩ Tiền Raphael nhằm thể hiện cuộc sống đương đại và những khía cạnh tối tăm của nó - nghèo đói và mại dâm.

LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN QUA CÁC TÁC PHẨM

Nhóm Tiền Raphael thành lập vào năm 1848, ban đầu là một tổ chức kín trong đó các thành viên khắc chữ ký “PRB” lên tác phẩm của mình. Nhóm này sau đó tan rã vào năm 1853, các thành viên đi theo hướng đi riêng của mình, nhưng họ đã để lại ảnh hưởng suốt nhiều thập kỷ sau đó. Từ cuối những năm 1850, Rossetti đã thu hút một nhóm thành viên mới, trong đó bao gồm William Morris và Edward Burne-Jones. Các ý tưởng của họ trở thành nền tảng dẫn đến sự bùng nổ của phong trào Nghệ thuật và Thủ công đồng thời ảnh hưởng sâu sắc đến thị hiếu thẩm mỹ giai đoạn này.

 The Girlhood of Mary Virgin, Dante Gabriel Rossetti, 1848–49, Tate Britain, London, Vương quốc Anh

1848: Đây là tác phẩm Tiền Raphael đầu tiên được trưng bày trước công chúng tại Phòng Trưng bày Nghệ thuật Quốc gia. Nó lấy cảm hứng từ những bức vẽ Phục hưng thời kỳ đầu và ngập tràn những biểu tượng tôn giáo.

Ophelia, John Everett Millais, 1851,Tate Britain, London, Vương quốc Anh

1851: Cách Milais khắc họa cảnh chết đuối của người nữ anh hùng trong vở kịch Hamlet của Shakespeare đã thể hiện rõ những mối quan tâm của nhóm Tiền Raphael thời kỳ đầu: sự chân thật đối với thiên nhiên và cách kể chuyện qua hội họa đầy chất thơ. Người nghệ sĩ dành nhiều tháng trời trau chuốt phần bối cảnh, được dựa trên một con suối tại Ewell, Surrey. Sau đó, ông tạo dáng Elizabeth Siddal trong bồn tắm ở studio của mình để tạo mẫu cho Ophelia.

The Awakening Conscience, William Holman Hunt, 1853, Tate Britain, London, Vương quốc Anh

1853: Một cô gái bán dâm vùng dậy khi đang ngồi trên đùi tình nhân của mình, cô chợt nhớ lại ký ức về quá khứ trong sạch của mình nhờ bản nhạc mà cô đang chơi. Ánh mắt cô hướng về khu vườn đầy nắng phía trước, một dấu hiệu cho sự cứu rỗi.

Work, Ford Madox Brown, 1852–63, Manchester Art Gallery, Vương quốc Anh

1852-63: Bức vẽ đầy tham vọng của Brown là một phép phúng dụ cho các loại lao động khác nhau: các công nhân Ireland đào mương; một người bán hoa cầm giỏ hoa của mình; một nhóm trẻ mồ côi đang xin ăn ở phần tiền cảnh. Nhà triết học Thomas Carlyle và giáo sĩ Frederic Denison Maurice đứng bên góc phải, theo dõi tất cả bọn họ.

 The Val d'Aosta, John Brett, 1858, Private Collection

1858: Các tác phẩm của John Brett được trưng bày chung với tranh của nhóm Tiền Raphael. Sau này, ông cũng trở thành bạn với John Ruskin, người có chung niềm đam mê với khoa học và địa chất học. Ruskin đang ở cùng ông tại Ý khi ông thực hiện kiệt tác rực rỡ này với những chi tiết được trau chuốt rất tỉ mỉ.

Symphony in White, No 1: The White Girl, James Whistler, 1862, National Gallery of Art, Washington, DC

1862: Mặc dù họa sĩ gốc Mĩ James Whistler (1834 - 1903) không thuộc nhóm Tiền Raphael, nhưng nhiều tác phẩm ông thực hiện vào những năm 1860 cũng hướng đến vẻ đẹp chân tình mà các nghệ sĩ Tiền Raphael luôn theo đuổi.  Đây là nền tảng hình thành nên chủ nghĩa Duy Mỹ sau này. Bức tranh phía trên do Whistler thực hiện vào năm 1862 chính là ví dụ tiêu biểu cho quan điểm triết học ‘nghệ thuật vị nghệ thuật’ của chủ nghĩa Duy Mỹ.

Astarte Syriaca, Dante Gabriel Rossetti, 1877, Manchester Art Gallery, Vương quốc Anh

1877: Bức tranh khổng lồ này, tác phẩm mà Rosetti coi là ‘màn trình diễn đỉnh cao nhất của mình,” minh họa nữ thần tình yêu của Syria, Astarte bên cạnh hai thầy tu. Người mẫu chính là Jane Morris, vợ của William Morris, người mà Rosetti từng có một mối tình lâu dài và đầy tình yêu, nhưng Rosetti đã minh họa bà như một thực thể bí ẩn với cơ thể tựa như đàn ông.

Con trai của một giáo sư người Ý, Dante Gabriel Rossetti (1828 - 1882) là một nhà thơ cũng như là một họa sĩ, và là một người hâm mộ sự lãng mạn thời Arthur cũng như thơ văn của Dante và Robert Browning. Các tác phẩm đặc trưng nhất của ông thực hiện vào những năm 1850 sử dụng màu nước để tạo hiệu ứng giống đá quý và chủ yếu là các chủ đề Trung cổ. Người mẫu yêu thích của ông là Elizabeth Siddal, người sau này cũng trở thành vợ ông. Những năm 1860, nghệ thuật của ông rẽ hướng, tập trung và mô tả một nhân vật nữ duy nhất. Các nàng thơ mà ông từng vẽ gồm Fanny Cornforth, Alexa Wilding, và Jane Morris.

 The Wheel of Fortune, Edward Burne-Jones, 1883, Musee d'Orsay, Paris, Pháp

1883: Bánh xe vận mệnh của Burne-Jones, thứ suy cho cùng sẽ hủy diệt và tước đoạt mạng sống của bất kỳ ai, là một trong những tác phẩm đỉnh cao của người nghệ sĩ. Trong đó, ông đã thể hiện những nghiên cứu sâu sắc của mình đối với thần thoại cổ điển thông qua những nhân vật được truyền cảm hứng bởi Michelangelo và Botticelli.

The Angel of Death, Evelyn De Morgan, 1890, De Morgan Centre, London, Vương quốc Anh

1890: Evelyn De Morgan, vợ của nghệ sĩ gốm William De Morgan, là một họa sĩ chuyên nghiệp nổi tiếng vào cuối thời kỳ Tiền Raphael, được truyền cảm hứng bởi Burne-Jones và Botticelli. Tác phẩm này cũng thể hiện sự quan tâm của bà đối với thế giới tâm linh.

Nhà sản xuất Kelmscott Press: William Morris mong muốn hợp nhất nghệ thuật và thủ công, với niềm tin rằng một nhà thiết kế không chỉ bắt buộc phải hiểu chất liệu mình sử dụng, mà phải tận hưởng quá trình lao động thủ công cũng như thể hiện kỹ thuật cá nhân của mình. Mặc dù công ty Morris & Co của ông sản xuất đồ nội thất, gạch nền, đồ thêu thùa, kính màu, và thảm dệt, bản thân ông đã dành thập kỷ cuối đời cho nghệ thuật in sách. Ông thành lập nhà xuất bản Kelmscott Press vào năm 1891, tự mình thiết kế typography, trang trì viền và dàn trang, cũng như kiểm soát quá trình in ấn và đóng sách. Các tác phẩm văn học của Morris, bao gồm tập văn xuôi lãng mạn News from Nowhere, cũng được in tại nhà xuất bản này.

Angeli Ministrantes, Edward Burne-Jones và William Morris, 1894, Private Collection

1894: Tấm thảm này được dệt bởi công ty Morris & Co tại workshop Merton Abbey. Các nhân vật được dựa trên tác phẩm của Burne-Jones trên các cửa kính màu của nhà thờ Salisbury. Burne-Jones là trưởng nhóm thiết kế nhân vật của công ty, còn Morris chuyên thiết kế họa tiết.

Destiny, JW Waterhouse, 1900, Towneley Hall Art Gallery and Museum, Burnley, Vương quốc Anh

1900: Walterhouse là một trong những nghệ sĩ sau này vực dậy những chủ đề văn học vốn được phổ biến bởi nhóm nghệ sĩ Tiền Raphael đầu tiên. Mặc dù chiếc váy và bối cảnh dựa trên nước Ý, nhưng cô gái trong tranh đang nâng ly chúc may mắn cho những người lính Anh tham gia trận chiến Boer, được thể hiện qua hai con thuyền trong ảnh phản chiếu của bức gương.

Vào thời điểm chuyển giao sang thế kỷ 20, nghệ thuật Tiền Raphael trải qua một giai đoạn phục hưng nhờ loạt tác phẩm của nghệ sĩ trẻ như Eleanor Fortescue Brickdale, Frank Cadogan Cowper, và John Byam Shaw.

KIỆT TÁC

Autumn Leaves
Sir John Everett Millais 1855–56 Manchester Art Gallery, Vương quốc Anh

Khi John Ruskin thấy bức vẽ này ở Học viện Hoàng gia, ông đã nhận định rằng nó sẽ “được xếp vào hàng những kiệt tác vĩ đại nhất của thế giới trong tương lai.” Đây chắc chắn là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Millais. Ông vẽ bức này trong khu vườn tại ngôi nhà mà ông thuê để ở chung với người vợ mới cưới, Effie Gray (người trước đây từng là vợ John Ruskin). Bốn cô gái đã gom lá rụng vào giỏ, và họ chuẩn bị mang chúng đi đốt. Danh tính các cô gái, theo thứ tự từ trái qua phải, gồm chị em ruột của Effie, Alice và Sophie, và hai cô gái địa phương, Matilda Proudfoot và Isabella Nicol.

Millais từng ghé thăm nhà thơ Alfred Lord Tennyson tại nhà ông ấy ở Đảo Wight năm 1854 và giúp thu dọn và đốt lá trong sân vườn. Trong lúc người họa sĩ thực hiện bức tranh ông cũng đọc bài thơ của Tennyson “The Princess” (1847), trong đó những dòng sau:

Bản gốc: 
Tears, idle tears, I know not what they mean. 
Tears from the depth of some divine despair 
Rise in the heart, and gather to the eyes, 
In looking on the happy Autumn-fields, 
And thinking on the days that are no more.

Bản dịch:
Nước mắt, tĩnh lặng, tôi không hiểu ý nghĩa của chúng.
Nước mắt từ tận đáy sự tuyệt vọng thần thánh,
Trỗi dậy trong tim, và tập trung về đôi mắt,
Tìm về những cánh đồng mùa thu hạnh phúc,
Và nghĩ về những ngày đã hoài xa.

Sự u sầu của dòng thơ được thể hiện qua biểu cảm buồn thảm của các cô gái và bầu trời xám xịt phía trên. Đến thời điểm ông thực hiện bức này, Millais không còn sử dụng những gam màu rực rỡ hay trau chuốt như trong các tác phẩm ban đầu, mà hướng đến một phong cách nhẹ nhàng hơn. Chủ đề không được làm nổi bật, và giới phê bình đương đại cho rằng ý nghĩa bức tranh vẫn còn mơ hồ. Effie miêu tả nó như ‘một bức tranh duy mỹ không có chủ đề.”

Tuy nhiên, Milais từng viết rằng ông “thực hiện bức tranh với chủ đích thúc đẩy người xem soi chiếu bản thân và đức tin của mình thông qua sự nghiêm trang của tác phẩm.” Có thể thấy rõ bức tranh chứa đựng nhiều thông điệp liên quan đến sự chuyển giao trong cuộc sống. Có thể kể đến như bối cảnh mùa thu, bóng dáng tử thần thấp thoáng phần hậu cảnh, và trái táo - một biểu tượng truyền thống cho sự cám dỗ, đánh mất sự trong sạch - trên tay Isabella, cô gái nhỏ tuổi nhất. Chóp nhà thờ Perth thờ Thánh John có thể thấy ở phần hậu cảnh, ngả mình vào bầu trời hoàng hôn.

Về tác giả: Sir John Everett Millais (1829 - 1896) được coi là một thiên tài hội họa, và ông đã được nhận vào Học viện Hoàng gia London khi chỉ mới 11 tuổi. Ông sau đó trở thành bằng hữu với Willaim Holamn hunt và Dante Gabriel Rossetti, cả ba người họ cùng thành lập nhóm Tiền Raphael vào năm 1848. Các tác phẩm đầu tiên của Millais thường bị phê bình bởi tính chân thực đến mức ám ảnh, nhưng dần dần nhận được nhiều lời khen và công nhận hơn vào những năm 1850. Năm 1853, vợ của John Ruskin, Effie Gray ly hôn để kết hôn với Millais, đây là một scandal lớn trong thế giới nghệ thuật lúc bấy giờ. Sau khi kết hôn, các khó khăn về tài chính thúc ép Millais phải thực hiện nhiều tác phẩm hơn để đáp ứng chúng, vì thể nên ông không thể dành nhiều thời gian cho từng tác phẩm như lúc mới bắt đầu vẽ, thay vào đó ông thực hiện nhiều chủ đề đa dạng hơn.  Các bức chân dung và phong cảnh của Millais rất nổi tiếng, giúp ông trở nên giàu có và thậm chí đưa ông lên chức Hiệu trưởng Học viện Hoàng gia, vị trí mà ông đã từng ghét cay ghét đắng.

 

Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép. 

-------------------------------------------------------------------------------

Pro Creative Course I Khóa học SÁNG TẠO, 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM. 

Pro Creative Course I Trường đại học 6 ngày với những buổi học và bài giảng sẽ tạo ra những gợn sóng xung đột trong tâm trí và trái tim bạn, làn sóng cảm hứng bất tận, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Pro Creative Course sẽ như một cuốn sách hướng dẫn hành trình của bạn. Đây là lời mời hít thở bầu không khí đầy sức sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn và sự thăng hoa của tinh thần.

 
Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Art_Painting Những gì làm nên một Nguyễn Tư Nghiêm như "một mệnh đề đứng riêng", theo cách nói của Thái Bá Vân, là các đề tài mang màu sắc văn hoá dân tộc, và cùng với đề tài là các hoạ tiết xuất xứ từ di sản nghệ thuật dân gian. Đề tài trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm là những điệu múa cổ, là hình ảnh Thánh Gióng, là hình ảnh Thuý Kiều & Kim Trọng - những nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học cổ điển Việt Nam, là 12 con giáp trong vòng xoay hoa giáp biểu tượng cho chu trình thời gian theo lịch pháp Á Đông...

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Art_Painting Sinh viên tốt nghiệp tại trường Imperial College London, Nicole Stjernsward đã phát minh ra Kaiku, một hệ thống giúp chuyển hoá thực vật thành các loại bột màu từ quá trình ứng dụng công nghệ bay hơi.


AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Art_Painting Những gì làm nên một Nguyễn Tư Nghiêm như "một mệnh đề đứng riêng", theo cách nói của Thái Bá Vân, là các đề tài mang màu sắc văn hoá dân tộc, và cùng với đề tài là các hoạ tiết xuất xứ từ di sản nghệ thuật dân gian. Đề tài trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm là những điệu múa cổ, là hình ảnh Thánh Gióng, là hình ảnh Thuý Kiều & Kim Trọng - những nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học cổ điển Việt Nam, là 12 con giáp trong vòng xoay hoa giáp biểu tượng cho chu trình thời gian theo lịch pháp Á Đông...

Subscription

Fashionnet

Follow us