288
06 Tháng 09 10:41 pm

Art that Changed the World I Phong cảnh Lãng mạn

 Đến đầu thế kỷ 19, Caspar David Friedrich và JMW Turner là hai đầu tàu đưa hội họa phong cảnh Lãng mạn ở Đức và Anh đến đỉnh cao. Turner minh họa sự cuồng nộ của tự nhiên qua những nét cọ đầy năng lượng, trong khi Friedrich có phong cách trau chuốt tỉ mỉ, thường lấy chủ đề một cá thể đơn độc giữa phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, biến họ thành biểu tượng cho sự vô thường của cuộc sống.

Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.

Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.

Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.

PHẦN 4B: PHONG CẢNH LÃNG MẠN (1780 - 1850)
Các sắc thái của thiên nhiên

Vào khoảng đầu thế kỷ 19, thiên nhiên ngày càng được nhiều nghệ sĩ coi là một nguồn năng lượng mạnh mẽ không phụ thuộc vào loài người nhưng lại có khả năng khơi gợi sự chiêm nghiệm và cảm xúc quyết liệt ở con người cũng như kết nối với các lực lượng tâm linh khác. Đối với một vài họa sĩ, như Caspar David Friedrich và Samuel Palmer, họ coi thiên nhiên như tạo vật của Chúa trời, một biểu tượng tôn giáo, một phương tiện mà qua đó ta có thể diện kiến các vị Thánh. Một số nghệ sĩ khác bị cuốn hút bởi những sắc thái cảm xúc của thiên nhiên. Các bức họa của Turner chứng minh khả năng biểu hiện của thiên nhiên bằng cách khắc họa những khoảnh khắc quyết liệt, xúc động nhất như cảnh bão táp, hoàng hôn, bình minh, hay cảnh đại dương nổi cơn thịnh nộ, nuốt chửng các con thuyền. Trong khi đó, Constable hướng đến một phong cách “thuần khiết và chân thật” hơn để minh họa niềm vui và sự an yên ở vùng đồng quê Anh quốc. Các họa sĩ người Mĩ theo phong trào Hudson River đã đưa sự nhạy cảm của chủ nghĩa Lãng mạn về quê hương qua các bức tranh minh họa rừng nguyên sinh, ao hồ và thác nước ở một góc nhìn kịch tính.

The Fighting Temeraire, JMW Turner, 1839, National Gallery, London, Vương quốc Anh

Ánh hoàng hôn khơi gợi cảm giác kết thúc, mất mát trong bức tranh vẽ cảnh chiếc tàu chiến Temeraire đang được kéo về xưởng để tiến hành dỡ bỏ. Con tàu Temeraire đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của Hải quân Hoàng gia Anh trước lực lượng của Pháp và Tây Ban Nha trong trận Trafalgar diễn ra năm 1805.

BỐI CẢNH
Khám phá lại những kỳ quan thiên nhiên

Cho đến cuối thế kỷ 18, nhiều nhân vật tiêu biểu trong giới văn học châu Âu kêu gọi người đọc hãy quan sát thiên nhiên ở một góc nhìn mới mẻ hơn. Nhà văn người Pháp Jean-Jacques Rousseau ủng hộ việc quay về với thiên nhiên để rời xa sự nhân tạo giả dối của các nền văn minh. Các cây bút người Đức như Johann Wolfgang von Goethe và Friedrich Schiller chỉ ra những sự tương quan giữa cảm xúc con người và sắc thái thiên nhiên. Khả năng khơi gợi sự chiêm nghiệm của phong cảnh cũng là một yếu tố thường được nhắc đến trong thơ văn của William Wordsworth và các đồng nghiệp tại Anh. Các nhà văn Lãng mạn tôn vinh sự nhạy cảm với thiên nhiên, cũng như cái cách họ tôn vinh sự nhạy cảm với cảm xúc chủ quan ở con người. Nhiều cuộc tranh luận nổi lên liên quan đến việc phân biệt các loại vẻ đẹp ở phong cảnh: vẻ đẹp Vĩ đại, vẻ đẹp Thần thánh, vẻ đẹp Dị thường, vẻ đẹp Cổ điển… 

Dutch Boats in a Gale, JMW Turner, 1801, National Portrait Gallery, London, Anh

Niềm say mê với phong cảnh thiên nhiên bắt nguồn từ sự phát triển trong du lịch và ý tưởng du lịch giải trí. Những chuyến phiêu lưu giờ đây dễ dàng và an toàn hơn so với các thế kỷ trước. Trước đó, khoảng đầu thế kỷ 18, giới thượng lưu Bắc Âu thường chỉ tham gia tour du lịch Grand Tour để ghé thăm những địa điểm văn hóa quan trọng ở các thành phố Ý. Nhưng đến thời điểm này, nhiều người sẵn sàng dành thời gian chu du khắp châu Âu để thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên. Sông Rhine thu hút lượng lớn khách tham quan hằng năm, trong khi dãy núi Alps - từng được coi là một chướng ngại vật bất tiện - nay được nhìn nhận như một tạo vật tuyệt diệu của thần thánh. Nhà thơ Samuel Taylor Coleridge khi chứng kiến dãy Alps đã tự hỏi tại sao một người vẫn có thể không tin vào thần thánh khi diện kiến kỳ quan này, còn nhà thơ Percy Bysshe Shelley đã được truyền cảm hứng để viết một bài thơ ngắn tôn vinh núi Mont Blanc.

Những xung đột vũ trang đã ngăn cản hoạt động du lịch tại châu Âu lục địa từ năm 1792 đến 1815 nên những nhà phiêu lưu chuyển sang khám phá phong cảnh trong quê hương của mình. Ví dụ như tại Anh, các du khách thường ghé thăm khu vực bờ biển phía nam của Anh, quận Lake, và Scotland, những nơi sở hữu vẻ đẹp nguyên sinh đặc trưng, truyền cảm hứng cho hàng loạt bản phác họa từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp. 

Landscape on Rügen with rainbow, Caspar David Friedrich, 1810

Nhưng thiên nhiên lúc bấy giờ cũng đang phải đối diện một mối hiểm họa nghiêm trọng. Quá trình công nghiệp hóa đã phá hủy một khu vực rộng lớn rừng rậm và đồng bằng để tạo nên những môi trường nhân tạo. Những người sống trong các thành phố công nghiệp mới này bị cuốn hút bởi phong cảnh thiên nhiên của các họa sĩ Lãng mạn bởi vì chúng khơi gợi lên nỗi niềm nhớ nhung, tiếc nuối đối với những cảnh đẹp đang dần biến mất.

Tranh phong cảnh Lãng mạn gồm đa dạng các chủ đề khác nhau, từ cảnh đồng quê an yên đến những bức họa tả cảnh thiên nhiên cuồng nộ, khơi gợi sự kinh hoàng hay ngưỡng mộ ở người xem. Nhiều tác phẩm Lãng mạn ban đầu hướng đến sự Vĩ đại, được ảnh hưởng bởi những ý tưởng liên quan đến trật tự tự nhiên, hay những xung lực mạnh mẽ của thiên nhiên do các nhà lý luận học đương thời như Edmund Burke đề xuất. Năm 1757, Burke cho rằng sự kinh hoàng là một chủ đề phù hợp đối với các họa sĩ, bởi vì nó giúp người xem cảm thấy an toàn hơn trong xã hội văn minh. Quan điểm này đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ phong cảnh chọn vẽ những khung cảnh hoang dã, hiểm trở có thể khơi gợi lên nỗi sợ hãi, hay những hiện tượng thiên nhiên như núi lửa, thác nước, tuyết lở. Quan điểm vẻ đẹp Duy Mỹ (Picturesque) được phát triển vào cuối thế kỷ 18 cung cấp một cách tiếp cận mới. Nó ưu chuộng sự thô ráp và tính bất thường, né tránh sự an yên của vẻ đẹp Cổ điển và sự kịch tính của vẻ đẹp Vĩ đại, thay vào đó chú trọng vào những địa danh thú vị như các di tích cổ đại. Cả Turner và Constable đều được ảnh hưởng bởi vẻ đẹp Duy Mỹ trong các tác phẩm đầu tiên. 

NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT

Các họa sĩ phong cảnh Lãng mạn đều được cuốn hút bởi những trạng thái kịch tính cao độ của thiên nhiên, như khi núi lửa phun trào, bão lửa, tuyết lở, và lũ lụt, những hiện tượng thể hiện sức mạnh choáng ngợp của tự nhiên. Loạt tranh Vesuvius của Joseph Wright thể hiện niềm hứng thú của người nghệ sĩ với núi lửa, và ông cũng đã chọn lọc một vài yếu tố từ nghệ thuật quá khứ và đương đại để giúp ông khắc họa sự tuyệt diệu của nó.

Flight into Egypt, Adam Elsheimer, 1609, Alte Pinakothek, Munich, Đức

Ánh trăng là một đặc trưng thường thấy trong các tác phẩm của những nghệ sĩ Bắc Âu ra đời vào thế kỷ 16 và 17. Sau này, nó cũng trở thành đặc trưng tiêu biểu của tranh phong cảnh Lãng mạn. Mặt trăng thường được dùng để tạo cảm giác huyền bí, tâm linh trong những bức tranh tả cảnh buổi đêm của Wright.

The Burning of Troy, Nicolas Poussin, 1600s, Private Collection

Những đám cháy lớn từ lâu đã hay được sử dụng để minh họa Địa ngục và sự hủy diệt, chúng tạo thêm cảm giác tuyệt vọng, thù hận và căm ghét trong tác phẩm của họa sĩ phong cảnh Lãng mạn. Ngọn lửa trong bức Vesuvius của Wright được minh họa rõ nét nhằm tạo nên một nguồn ánh sáng đỏ tương phản mạnh mẽ với bề mặt núi lửa.

Naples from Posillipo, Jacob More, 1780, Yale Center for British Art, Paul Mellon Collection, CT

Nước Ý với những vùng đồng quê tuyệt đẹp và các cổ vật Cổ điển là một địa danh hấp dẫn đối với nhiều nghệ sĩ Bắc Âu vào thế kỷ 18. Jacob More, người gặp Wright tại Ý, sau này lưu trú tại Rome và chuyên vẽ tranh phong cảnh Kịch tính và cảnh ban đêm.

Bản khắc axit năm 1771 của Pietro Fabris, Stapleton Collection, Vương quốc Anh

Những người thưởng ngoạn đóng vai trò quan trọng trong cách các họa sĩ Lãng mạn minh họa thiên nhiên ở những sắc thái cực đoan nhất. Sự xuất hiện của họ cũng thể hiện sự hứng thú của công chúng lúc bấy giờ đối với các hiện tượng thiên nhiên. Khi được vẽ bên cạnh lực lượng tự nhiên, những hình dáng nhỏ bé là một lời nhắc nhở về sự mong manh của nhân loại và các nền văn minh.

ĐIỂM NGOẶT

Vesuvius from Posillipo
Joseph Wright c.1776–80 Yale Center for British Art, New Haven, CT

Bức tranh này có thể coi là một biểu tượng của hội họa phong cảnh Lãng mạn: chủ đề kịch tính phóng đại, hiệu ứng ánh sáng sân khấu và chiếc thuyền nhỏ bé với các thủy thủ phía trên khơi gợi lên sự vĩ đại của thiên nhiên. Wright du lịch khắp nước Ý từ năm 1773 đến 1775, và ở lại thành phố Napoli vào mùa thu năm 1774. Mặc dù núi lửa Vesuvius chưa phun trào, nhưng nó luôn trong trạng thái bốc khói và sôi sục dung nham, nên chắc hẳn người nghệ sĩ đã có cơ hội theo dõi hoạt động của nó. Trong suốt sự nghiệp của mình, Wright đã thực hiện hơn 30 tác phẩm chủ đề núi lửa.

Như bất kỳ nghệ sĩ Lãng mạn đích thực nào, Joseph Wright (1734 - 1797) sẵn sàng thách thức những ý niệm trong quá khứ và thử nghiệm với những ý tưởng mới. Ông được đào tạo làm họa sĩ chân dung tại London, nhưng dành phần lớn sự nghiệp tại quê hương Derby. Các bức tranh nổi tiếng nhất của ông phản ánh sự phát triển của khoa học và công nghiệp, ông cũng là họa sĩ đầu tiên khắc họa tinh thần của cuộc Cách mạng Công nghiệp. Các tác phẩm sau này của Wright, chủ yếu minh họa phong cảnh vùng Derbyshire, thể hiện khả năng mô tả các hiện tượng thiên nhiên, như sự hình thành của đá, hiệu ứng ánh sáng và khí quyển, mà không đánh mất vẻ đẹp, sự kịch tính, và bố cục.

LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN QUA CÁC TÁC PHẨM

Từ những năm 1760 các nghệ sĩ Anh Quốc đã bắt đầu chuyển hướng sang những phong cảnh hoang dã, cảnh bão tố, và các công trình kiến trúc Gothic. Đến đầu thế kỷ 19, Caspar David Friedrich và JMW Turner là hai đầu tàu đưa hội họa phong cảnh Lãng mạn ở Đức và Anh đến đỉnh cao. Turner minh họa sự cuồng nộ của tự nhiên qua những nét cọ đầy năng lượng, trong khi Friedrich có phong cách trau chuốt tỉ mỉ, thường lấy chủ đề một cá thể đơn độc giữa phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, biến họ thành biểu tượng cho sự vô thường của cuộc sống.

Coastal Scene in a Storm, Claude-Joseph Vernet, 1782, Hamburg Kunsthalle, Đức

1782: Đây là phong cách vẽ bão tố thường thấy ở Vernet. Ông có khả năng vẽ cảnh tàu thuyền chật vật giữa những đợt sóng dập dồn vô cùng sinh động. Hai nhân vật thu mình chống lại những cơn gió, thể hiện sự mỏng manh và khiếp sợ trước sức mạnh tàn nhẫn của thiên nhiên.

Họa sĩ người Pháp Claude-Joseph Vernet (1714 - 1789) được đào tạo tại Rome, cũng là nơi ông nhanh chóng trở nên nổi tiếng là họa sĩ vẽ cảnh biển nói riêng và tranh phong cảnh nói chung, chuyên thực hiện các tác phẩm minh họa những địa điểm được cho là sở hữu vẻ đẹp Duy Mỹ thuần túy như Thác nước Tivoli. Các bức vẽ cảnh biển của ông được chia thành hai thể loại trái ngược nhau: bình lặng và bão tố. Những bức bão tố thường khắc họa cảnh tàu thuyền hoặc đang trong nguy hiểm hoặc đã bị đánh chìm. Sự kinh hoàng của cảnh thuyền đắm hoàn toàn phù hợp với thuyết Vĩ đại của Edmund Burke, bởi vì chúng cho phép người xem được chiêm nghiệm về thiên tai và bất hạnh ở một vị trí an toàn.

Tintern Abbey, Thomas Girtin, 1793, Blackburn Museum and Art Gallery, Vương quốc Anh

1793: Các di tích Gothic bị bao phủ bởi những tán lá um tùm thường được cho là một ví dụ hoàn hảo cho vẻ đẹp Duy Mỹ, và nhiều họa sĩ đã phiêu lưu khắp Anh quốc truy lùng những khung cảnh tương tự.

Avalanche in the Alps, Philip James de Loutherbourg, 1803, Tate Britain, London, Vương quốc Anh

1803: De Loutherbourg chuyên thiết kế phong cảnh và hiệu ứng đặc biệt cho các vở kịch, và bức tranh này thể hiện sự kịch tính cao độ thường thấy trên sân khấu. Những nhân vật hoảng sợ ở phần tiền cảnh bị choáng ngợp bởi vụ lở tuyết trước mặt họ.

Dr. Syntax Sketching the Lake,Thomas Rowlandson, 1812

1812: Xu hướng phiêu lưu khắp Anh quốc để truy tìm những khung cảnh mang vẻ đẹp Duy Mỹ bị châm biếm trong loạt tranh ‘The Tour of Dr.Syntax, In Search of the Picturesque’ (1812) của Thomas Rowlandson. Trong bức này, Dr. Syntax mải mê phác họa quận Lake mà không hay biết con ngựa của ông đang mon men quá sát bờ hồ. Bản thân Rowlandson cũng từng thực hiện vài chuyến chu du xung quanh Anh quốc và châu Âu.

Gordale Scar, James Ward, 1813, Bradford Art Galleries and Museums, Vương quốc Anh

1813: Vách đá vôi mà Ward khắc họa nằm gần Settle, Yorkshire, và là một địa danh đặc trưng của quê hương ông, gần như không thay đổi theo thời gian. Trong tranh, nó được bảo vệ bởi chú bò trắng, biểu tượng cho John Bull (nhân cách hóa của nước Anh). Ông cũng ứng dụng kỹ thuật vẽ khối ấn tượng, quyết liệt phù hợp với tính biểu tượng của địa điểm này.

Gothic Church on a Cliff, Karl Friedrich Schinkel, 1815, Alte Nationalgalerie, Berlin, Đức

1815: Đầu thế kỷ 19 nổi lên xu hướng thích thú đối với các công trình kiến trúc Gothic, đặc biệt ở khía cạnh tâm linh. Nhà thờ của Schinkel nằm sừng sững giữa bầu trời, bao trùm lên bức tranh một cảm giác bề thế, vĩ đại.

The Bard, John Martin, 1817, Laing Art Gallery, Newcastle upon Tyne, Vương quốc Anh

1817: Tranh của Martin minh họa một bài thơ bởi Thomas Grey, người kể lại sự đàn áp giới thi sĩ Wales của vua Edward I. Người thi nhân cuối cùng nguyền rủa binh lính Anh bên dưới trước khi gieo mình xuống vực.

Dedham Lock and Mill, John Constable, 1820 Victoria and Albert Museum, London, Vương quốc Anh

1820: Constable từng nói rằng: “Hội họa đối với tôi, đồng nghĩa với cảm xúc, và tôi liên hệ ‘tuổi niên thiếu vô lo’ của mình với tất cả những gì nằm trên bờ sông Stour.” Bức tranh minh họa chiếc cối xay của bố ông, hệ thống thoát nước của sông Stour và tòa tháp của nhà thờ Dedham

John Constable (1776 - 1837) được xếp ngang tầm với Turner và được xem là một trong những người khổng lồ của hội họa phong cảnh Anh. Cả hai đều tin rằng tranh phong cảnh quan trọng không thua kém gì tranh lịch sử. Tuy nhiên, phần lớn phong cảnh của Constable - thường là cảnh quan khu vực Suffolk trong tuổi thơ của ông - không vĩ đại theo cách hiểu thông thường; sức mạnh của chúng nằm ở cảm xúc sâu sắc của người nghệ sĩ đối với quê hương. Constable theo đuổi cái mà ông gọi là ‘hội họa tự nhiên’ - hội họa mô tả một cách chân thật cảnh thiên nhiên. Ông căn cứ theo những nghiên cứu hiệu ứng sơn dầu ngoài trời để hoàn thiện các tác phẩm của mình. Ông được ngưỡng mộ bởi những họa sĩ Lãng mạn Pháp.

The Magic Apple Tree, Samuel Palmer, 1830, Fitzwilliam Museum, Cambridge, Vương quốc Anh

1830: Samuel Palmer rời quê hương London từ khi còn trẻ để sống cuộc đời ẩn dật ở vùng Shoreham tại Kent. Những gam màu ấm áp, phong phú thể hiện một vùng nông thôn yên bình với tất cả nguồn tài nguyên cần thiết để sinh sống.

The Stages of Life, Caspar David Friedrich, 1835, Museum der bildenden Künste, Leipzig, Đức

1835: Những bức vẽ cảng biển Baltic của Friedrich là những lời mời cùng chiêm nghiệm về sự vô thường. Năm nhân vật trên bờ cũng như năm con thuyền ngoài xa, đều đang ở những giai đoạn khác nhau trong cuộc sống của mình.

Rain, Steam, and Speed, JMW Turner, 1844, National Gallery, London, Vương quốc Anh

1844: Những nét vẽ hào nhoáng, phô trương khắc họa cơn mưa ào ạt xuống đoàn tàu hơi nước trên cây cầu sắt. Chủ đề chính của bức tranh này là sự hấp dẫn của tốc độ, nhưng nó cũng đặt lên một câu hỏi. Liệu chú thỏ, có thể thấy ở khu vực phía dưới bên phải của tranh, đang chạy trước đoàn tàu, hay chạy trốn trong kinh hoàng?

Joseph Mallord William Turner (1775 - 1851) là một trong những họa sĩ phong cảnh vĩ đại nhất mọi thời đại. Vốn là một thiên tài, ông đã tham gia những chuyến phác họa ở các địa danh sở hữu vẻ đẹp Duy Mỹ từ thời niên thiếu. Đến đầu những năm 1800, ông là thành viên của Học viện Nghệ thuật Hoàng gia với một sự nghiệp rực rỡ, chuyên sản xuất những bức phong cảnh đầy tham vọng theo phong cách của những bậc thầy trước đây, như là Claude Lorrain. Cách tiếp cận của ông đối với phong cảnh và cảnh biển dần trở nên kịch tính và Lãng mạn hơn theo thời gian. Ông từng thực hiện vài chuyến phiêu lưu khắp Lục địa, từng vẽ ở Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Vùng đất thấp, và Ý. Trong hai thập kỷ cuối đời các tác phẩm của ông được thực hiện một cách ngẫu hứng, nhiều lúc gần như trừu tượng, với các chi tiết bị xóa mờ đi bởi màu sắc và ánh sáng.

Kindred Spirits, Asher B. Durand, 1849, The Crystal Bridges Museum of American Art, Bentonville, AR

1849: Các họa sĩ phong cảnh tại Mỹ có cách minh họa vẻ đẹp Vĩ đại của riêng họ: trong bức này họa sĩ Thomas Cole và nhà thơ William Cullen Bryant đang tận hưởng vẻ đẹp hoang dã của dãy núi Catskill.

KIỆT TÁC

The Oxbow
Thomas Cole, 1836, Metropolitan Museum of Art, New York City, NY

Nghệ sĩ gốc Mỹ sinh ra tại Anh Thomas Cole là người sáng lập nhóm họa sĩ Hudson River, nổi tiếng với những bức minh họa phong cảnh Mỹ và những vùng hoang dã. Kiệt tác này của người họa sĩ tả cảnh dòng sông Connecticut ở góc nhìn từ núi Holyoke tại Northampton, Massachusetts. “Thung lũng hoàn mỹ, yên bình nhất mà trí tưởng tượng con người có thể hình dung ra không là gì so với Thung lũng Connecticut,” Cole từng viết. Nhưng vào thời điểm ông vẽ bức này địa danh đó không còn yên bình như trong quá khứ, và núi Holyoke cũng luôn thu hút lượng lớn khách tham quan.

Người nghệ sĩ thường có thói quen phác họa ngoài trời, và trong lúc phác khung cảnh này ông đã liên tục thêm vào các ghi chú về màu sắc. Trong bức tranh ông cố tình sử dụng những mảng màu sáng tối kích cỡ lớn tương phản để hướng ánh nhìn đến vùng đất trồng trọt phía bên kia đồi. Những đám mây sấm sét bạo lực chiếm ngự khu vực hoang dã phía bên trái, nhưng những cánh đồng bên dưới thung lũng thì đang được đắm mình trong ánh nắng dịu dàng. Người nghệ sĩ cũng vẽ bản thân ở giữa bức tranh, đang phác họa khung cảnh trước mặt ông; chiếc ô tạo nên một cầu nối trực quan giữa hai nửa của bức tranh.

Đến nay vẫn không rõ là Cole ngưỡng mộ những mảng đất nông nghiệp phía dưới hay nuối tiếc sự hoang dã của Mỹ. Ở một sườn đồi, ông để lại một thông điệp ẩn: từ Noah trong ngôn ngữ Hebrew, một mật mã mà khi lộn ngược lại sẽ là Shaddai - Đấng Toàn năng. Có lẽ người nghệ sĩ muốn nói rằng qua phong cảnh này ta có thể hiểu thấu lời của Chúa.

Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - Bài dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép. 

 

________________________________________________

G Studio 

Art Design Center 

vietnamcolor.vn - fashionnet.vn

Contact: 0903788646 - 0903975081

Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \

Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)

30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City 

 

Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn. 

HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Art_Painting Sinh viên tốt nghiệp tại trường Imperial College London, Nicole Stjernsward đã phát minh ra Kaiku, một hệ thống giúp chuyển hoá thực vật thành các loại bột màu từ quá trình ứng dụng công nghệ bay hơi.


VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

Pro_Creative ĐI & VỀ, ĐI để vẽ nên màu của mình, chúng ta là Màu Việt Nam. Khi người nghệ sĩ chọn chất liệu, họ say mê bề mặt của giấy, toan, đất, vải, vóc, sơn hay bất kỳ kết cấu nào tạo ra cảm xúc để sáng tạo. Người thưởng ngoạn hít thở sâu, nhắm mắt, lắng nghe từ trực giác, mở mắt để thấu cảm màu sắc, hình, khối, vẻ quyến rũ từ chất liệu, tài năng của người nghệ sĩ, hòa nhịp làm nên câu chuyện sáng tạo. Khi bắt đầu chạm, sẽ hiểu rồi yêu, điều này vô cùng quý giá cho hành trình khám phá nghệ thuật ĐI & VỀ, ĐI của mỗi người.

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Subscription

Fashionnet

Follow us