Art that Changed the World I Chủ nghĩa Lãng mạn
Art_Painting Chủ nghĩa Lãng mạn trong nghệ thuật bắt đầu được định hình vào cuối thế kỷ 18, nhưng chỉ thật sự chín mùi sau năm 1800. Vào thế kỷ 19 tại Pháp, thế giới nghệ thuật được chia thành hai nhóm đối lập nhau - Nhóm Tân Cổ điển, dẫn dắt bởi Ingres, chú trọng vào các đường nét, và nhóm Lãng mạn, dẫn đầu là Delacroix đề cao màu sắc. Trên thực tế, các tác phẩm của hai nhóm này có nhiều điểm tương đồng, và cả hai đều khắc họa những lý tưởng bất khả thi như sự cao thượng, vĩ đại. Phong trào Lãng mạn dần lụi tàn vào cuối thế kỷ 19, nhưng tinh thần nổi loạn, chống lại hệ thống của chủ nghĩa này vẫn đang được tiếp diễn trong thế giới hiện đại.
Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.
Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.
Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.
Chương 4: Thế kỷ 19
Vào đầu thế kỷ 19, thế giới nghệ thuật bị thống trị bởi trường phái Lãng mạn, vốn đề cao cảm xúc, tính cá nhân, trí tưởng tượng, và tôn vinh những nguồn năng lượng vượt xa khỏi tầm hiểu biết duy lý mà trước đây được tôn vinh bởi chủ nghĩa Tân Cổ điển. Nhiều nghệ sĩ Lãng mạn bị cuốn hút bởi phong cách Gothic và văn hóa trung cổ, trong đó những họa sĩ Tiền Raphael tại Anh là những người hưởng ứng nhiệt liệt nhất với các bức tranh chân thật, chi tiết của họ. Chủ nghĩa Hiện thực, bùng nổ vào khoảng giữa thế kỷ 19, chú trọng vào thế giới đương đại và mong muốn truyền tải vẻ đẹp bình dị của tầng lớp lao động thay vì tôn vinh những cử chỉ anh hùng như trong quá khứ. Các họa sĩ Ấn tượng cũng tập trung vào thế giới xung quanh, phân tích những hiệu ứng quang học trong thiên nhiên. Đến cuối thế kỷ, các họa sĩ bắt đầu khám phá thế giới bên trong thay cho hiện thực bên ngoài. Những họa sĩ Hậu Ấn tượng thử nghiệm khả năng biểu hiện của đường nét và màu sắc, trong khi các họa sĩ Biểu tượng khơi gợi một thế giới huyền bí, mới lạ trong tác phẩm của mình.
PHẦN 4A: CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN (1780 - 1850)
Chủ nghĩa Lãng mạn khởi đầu như một phản ứng chống lại sự trật tự và duy lý cốt lõi của chủ nghĩa Tân Cổ điển. Các họa sĩ Lãng mạn đáp lại những biến động chính trị vào thời đại mình bằng cách chống lại sự bảo thủ và kiểm soát, ưu tiên sự ngẫu hứng của trí tưởng tượng và nhấn mạnh sự quan trọng của trải nghiệm cá nhân. Các chủ đề phương Đông - một thế giới độc đáo, mới lạ, tràn đầy đam mê và quyết liệt - được ưu chuộng bởi các họa sĩ, cũng như các câu chuyện lãng mạn phong nhã thời Trung cổ. Sự lãng mạn trong nghệ thuật được triển khai theo nhiều cách khác nhau: Ở Pháp, Delacroix và các đồng môn đã thực hiện những tác phẩm hào nhoáng với các gam màu bùng nổ, chú trọng thể hiện kỹ năng điêu luyện của người nghệ sĩ. Trong khi đó ở Đức, sự lãng mạn toát lên trong những bức tranh canvas trau chuốt được truyền cảm hứng bởi tôn giáo của Friedrich, Runge và nhóm họa sĩ Nazarenes. Những bức tranh viễn tưởng u ám của Goya thống trị nghệ thuật Lãng mạn Tây Ban Nha, trong khi đó ở Anh Quốc, sự lãng mạn được thể hiện một cách nguyên bản nhất thông qua tầm nhìn độc nhất vô nhị của William Blake.
The Death of Sardanapalus, Eugène Delacroix, 1827–28, Louvre, Paris, Pháp
Được truyền cảm hứng bởi bài thơ Sardanapalus (1812) của Byron, bức tranh canvas khổng lồ của Delacroix khắc họa vị vua nước Assyria cổ đại, người bị quân nổi loạn đánh chiếm lâu đài của mình. Đáng chú ý là vẻ mặt vô hồn khi ông chứng kiến các nô lệ và tình nhân của mình bị tàn sát, trước khi ông tự kết liễu bản thân. Bối cảnh phương Đông, sự đẩy mạnh cao trào cảm xúc ở các chủ thể, kỹ thuật vẽ hào nhoáng, phô trương và bảng màu rực rỡ đều là những đặc trưng của trường phái Lãng mạn.
BỐI CẢNH
“Con người sinh ra trong tự do nhưng luôn luôn sống trong xiềng xích” câu mở đầu bản Khế ước Xã hội (1761) viết bởi nhà triết gia người Pháp Jean-Jacques Rousseau. Sự tự do là một chủ đề thường thấy trong nghệ thuật, văn học, và âm nhạc thời kỳ Lãng mạn. Nó đánh dấu sự kiện chính trị quan trọng nhất của thời đại - cuộc Cách mạng Pháp - bùng nổ vào năm 1789, khi vua Louis XVI của Pháp có ý định nâng mức thuế. Quốc hội Phong kiến Pháp (Estaté General) bao gồm các đại diện được bầu cử được nhà vua triệu hồi để triển khai kế hoạch của mình, nhưng các thành viên đã nổi loạn và yêu cầu một hiến pháp mới. Trong bối cảnh các cuộc bạo loạn vì nghèo đói đang nổi lên khắp Paris, Quốc hội Lập hiến mới ra đời đã bãi bỏ chính quyền cũ và ban hành Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền, quy định công dân được quyền “Tự do và Bình đẳng.” Gia đình hoàng gia bị tống giam, vua và hoàng hậu bị xử tử. Các công trình công cộng vốn là biểu tượng của thể chế chính trị cũ bị phá hủy, trong đó có nhà tù Bastille, nơi các tù nhân chính trị bị giam giữ. Thập kỷ sau sự kiện này chìm trong những bất ổn cho đến khi một vị tướng trẻ đầy tham vọng mang tên Napoleon Bonaparte xuất hiện, đưa nước Pháp vào một thời đại và một Đế chế mới.
Storming of the Bastille, Jean-Pierre Houël, 1789
Ở Đức vào cuối thế kỷ 18 vẫn chưa là một đất nước thống nhất. Sự lãng mạn được thể hiện thông qua âm nhạc, triết học và văn học. Nhà thơ Goethe và Schiller xuất bản một loạt tác phẩm tôn vinh cảm xúc, tuổi trẻ, niềm tin và tâm linh. Tác phẩm nổi tiếng nhất có thể kể đến tập thơ “Ode to Joy” của Schiller - ban đầu được đặt tên là “Ode to Freedom” (1786) - tôn vinh sự đoàn kết của nhân loại. Tập thơ này sau đó được Beethoven dùng để tạo nên đoạn kết bùng nổ trong Bản giao hưởng số 9 (1824) - kiệt tác ngày nay được đánh giá là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của âm nhạc.
Chủ nghĩa Lãng mạn khởi đầu là một phong trào văn học vào cuối thế kỷ 18 tại Đức, tuy nhiên những nguyên lý của nó - chú trọng vào cảm xúc và suy nghĩ chủ quan của cá nhân - sớm ảnh hưởng đến các loại hình nghệ thuật trực quan, khuyến khích các nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm bay bổng, cá nhân. Cự tuyệt bố cục hài hòa đặc trưng của nghệ thuật Tân Cổ điển, các họa sĩ đã sáng tác một loạt bức tranh canvas đắm chìm trong sự hỗn loạn hoặc huyền bí. Họ bắt đầu khắc họa những chủ đề u sầu và ám ảnh như một cách nhấn mạnh sự mong manh của nhân loại trước một thế giới hỗn mang, loạn lạc.
Các bức tranh của họ khắc họa một vũ trụ tưởng tượng trong đó gồm những cảm xúc cực đoan, sự bạo lực, kinh dị và những lực lượng siêu nhiên vượt xa khỏi tầm hiểu biết và kiểm soát của con người. Mặc dù họ chống lại sự trật tự và duy lý của nghệ thuật Tân Cổ điển, các tác phẩm đầu tiên của chủ nghĩa Lãng mạn thực hiện bởi Fuseli và những họa sĩ đương thời vẫn tham khảo nghệ thuật cổ đại, nhưng cường điệu hóa và làm méo mó hình dáng của chúng nhằm tạo nên các cơ thể phi thực tế và các động tác kịch tính quá lố.
NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT
Những nghệ sĩ Lãng mạn đầu tiên có thể đã muốn xé nát những quy tắc trong nghệ thuật, nhưng dù vậy họ vẫn phải chọn lọc những yếu tố nhất định từ nghệ thuật quá khứ, sắp xếp lại và tạo ra các hình ảnh mới. Ví dụ, trong bức Nightmare của Fuseli, cô gái đang ngủ mặc chiếc áo choàng cổ điển thường thấy trên các pho tượng La Mã, và tay chân thì thon dài như trong nghệ thuật Kiểu cách.
The Horse Tamers, Rome, Ý
Các tác phẩm điêu khắc cổ điển vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều họa sĩ Lãng mạn. Có thể thấy đầu con ngựa cái trong bức The Nightmare của Fuseli có nhiều điểm tương đồng với pho tượng Horse Tamers nổi tiếng trên đồi Quirinial ở Rome.
Bản khắc gỗ Sleeping Groom and Sorceress, Hans Baldung Grien, 1544
Phù thủy là một chủ đề lâu đời và giờ đây thu hút nhiều họa sĩ Lãng mạn bởi vì nó khơi gợi sự bất lực của nhân loại trước những thế lực vô hình.
David Garrick as Richard III, 1745, William Hogarth, Walker Art Gallery, Liverpool, Vương quốc Anh. Bức tranh mô tả biểu cảm vị vua khi chứng kiến hồn ma nạn nhân của mình
Ma quỷ và giấc mơ từ lâu cũng là chủ đề phổ biến trong hội họa. Bức tranh trên minh họa cảnh nam diễn viên trên sân khấu thể hiện sự kinh hoàng khi thấy ma. Nhiều nghệ sĩ Lãng mạn sau này trở thành bậc thầy trong việc khắc họa tâm lý kinh hoàng của nhân vật khi chứng kiến các hiện tượng ma quỷ.
Death of Dido, 1781, Sir Joshua Reynold, Royal Collection, Vương quốc Anh
Các bức tranh của Sir Joshua Reynold thường thể hiện những thời điểm kịch tính cao trào và được ngưỡng mộ bởi nhiều nghệ sĩ Lãng mạn. Fuseli, người được tận mắt chứng kiến bức Dido của Reynold khi nó còn trên giá vẽ, đã được truyền cảm hứng để thực hiện bức The Nightmare.
ĐIỂM NGOẶT
The Nightmare
Henry Fuseli, 1781, Detroit Institute of Arts, MI
Tác phẩm nổi tiếng nhất của Fuseli, bức tranh này thể hiện đặc tính sân khấu của trường phái Lãng mạn. Nó nổi tiếng đến mức người họa sĩ đã thực hiện ít nhất ba phiên bản khác. Có thể ông đã biết đến câu chuyện lưu truyền về những người phụ nữ bị ác quỷ ghé thăm và cưỡng bức vào đêm khuya nhưng sau đó lại tưởng rằng đó chỉ là giấc mơ. Tuy nhiên, bức tranh này còn thể hiện một câu chuyện riêng tư hơn của người nghệ sĩ. Đằng sau tấm canvas là chân dung của Anna Landholdt, người Fuseli yêu say đắm nhưng đã khước từ lời cầu hôn của ông. Sự khiêu gợi nhuốm màu bạo dâm này có thể đã phản ánh nỗi khao khát bị ngăn chặn của người nghệ sĩ.
Về tác giả: Henry Fuseli (1741 - 1825) đã thực hiện nhiều tác phẩm tiêu biểu của thời kỳ Lãng mạn. Sinh ra ở Thụy Sĩ, ông dành phần lớn sự nghiệp làm việc tại Anh Quốc. Trong khoảng thời gian ông ở lại Rome (1770 - 78), ông đã phát hiện các pho tượng điêu khắc La Mã và các tác phẩm của Michelangelo. Nghệ thuật của Fuseli được dựa trên tác phẩm văn chương, và thường minh họa những câu chuyện bạo lực, bi kịch hay dị thường. Ở vai trò là Giáo sư Hội họa tại Học viện Hoàng gia, ông đã đào tạo thế hệ họa sĩ Anh Quốc sau này, trong đó có Constable.
LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN QUA CÁC TÁC PHẨM
Chủ nghĩa Lãng mạn trong nghệ thuật bắt đầu được định hình vào cuối thế kỷ 18, nhưng chỉ thật sự chín mùi sau năm 1800. Vào thế kỷ 19 tại Pháp, thế giới nghệ thuật được chia thành hai nhóm đối lập nhau - Nhóm Tân Cổ điển, dẫn dắt bởi Ingres, chú trọng vào các đường nét, và nhóm Lãng mạn, dẫn đầu là Delacroix đề cao màu sắc. Trên thực tế, các tác phẩm của hai nhóm này có nhiều điểm tương đồng, và cả hai đều khắc họa những lý tưởng bất khả thi như sự cao thượng, vĩ đại. Phong trào Lãng mạn dần lụi tàn vào cuối thế kỷ 19, nhưng tinh thần nổi loạn, chống lại hệ thống của chủ nghĩa này vẫn đang được tiếp diễn trong thế giới hiện đại.
The Three Witches, Henry Fuseli, 1783, Royal Shakespeare Theatre, Stratford-upon-Avon, Vương quốc Anh
1783: Các vở kịch của Shakespeare là một kho tàng cảm hứng cho những nghệ sĩ Lãng mạn, ví dụ trong bức này, Fuseli minh họa ba bà phù thủy trong vở Macbeth. Hiệu ứng sân khấu kịch tính được hình thành nên bởi sự tương phản mạnh mẽ trong màu sắc và sự đồng điệu bất thường của ba nhân vật.
God Judging Adam, William Blake, 1795, Tate Britain, London, Vương quốc Anh
1795: Chúa của Blake là một tên bạo chúa nghiêm khắc ngồi trên cỗ xe ngựa bừng cháy. Adam quỳ lạy trước mặt ông, thể hiện thái độ tiêu cực của người họa sĩ đối với vị Chúa trong Cựu ước. Tác phẩm này được khắc axit trên một tấm kim loại đồng, hoàn thiện thủ công rồi in lên giấy. Các nhân vật được tô viền theo phong cách viền thô mà Blake thường dùng cho các tác phẩm in ấn của mình.
William Blake (1757 - 1827) là một trong những cái tên tiêu biểu của giai đoạn Lãng mạn. Là một người có niềm tin sâu sắc vào thế giới tâm linh, ông đã từng chứng kiến các hiện tượng dị thường từ nhỏ và tự mình phát triển một hệ thống triết học tâm linh huyền bí cho bản thân. Ông làm việc với các bản in, màu keo và màu nước, ghét sơn dầu và các phương pháp giảng dạy nghệ thuật truyền thống. Vào khoảng năm 1787, ông đã phát triển một phương pháp in màu mới cho tập thơ của ông, trong đó các dòng thơ và hình minh họa đan xen với nhau. Mặc dù bị những nghệ sĩ đương thời xem là lập dị, tài năng của Blake sau này được phát hiện vào khoảng giữa thế kỷ 19 bởi một nhà thơ khác, Dante Gabriel Rossetti.
Napoleon at Arcola, Antoine-Jean Gros, 1798, Louvre, Paris, Pháp
1798: Gros đã có mặt tại nơi Napoleon giương quốc kỳ Pháp tại Arcola ở Ý sau khi chiến thắng. Ông là học trò của Jacques-Louis David, nhưng bố cục quyết liệt này khác biệt hoàn toàn so với phong cách Tân Cổ điển của thầy ông.
Death on the Pale Horse, Benjamim West, 1796, Detroit Institute of Arts, MI
1796: Bức tranh minh họa Ngày Tận thế trong đó Thần chết ngồi trên con ngựa trắng, theo sau là một đàn quỷ dữ. Bố cục độc đáo đan xen giữa người và thú vật được học tập từ những bậc thầy Baroque trước đây như Rubens.
The Flood, Anne-Louis Girodet, 1806, Louvre, Paris, Pháp
1806: Girodet kết hợp phong cách của cả Tân Cổ điển và Lãng mạn. Ông kế thừa kỹ thuật trau chuốt của thầy mình, Jacques-Louis David, nhưng thường chọn những chủ đề giàu cảm xúc và sử dụng hiệu ứng ánh sáng kịch tính.
The Child in the Meadow, Philipp Otto Runge, 1809, Hamburger Kunsthalle, Hamburg, Đức
1809: Đứa bé trong tranh của Runge được vẽ trong tư thế của Chúa Giê-su khi ông được hạ sinh. Ngoài mối liên hệ rõ rệt đến Công giáo, tác phẩm này cũng là biểu tượng cho một khởi đầu mới.
Grande Odalisque, Ingres, 1814, Louvre, Paris, Pháp
1814: Mặc dù các nhà phê bình đương đại thường cho rằng nghệ thuật Pháp được chia ra thành hai phần Tân Cổ điển và Lãng mạn, ranh giới giữa hai trường phái này khá mờ nhạt. Ví dụ, bức Grande Odalisque (1814) của Ingres thể hiện sự trau chuốt tỉ mỉ đặc trưng của hội họa học thuật Pháp, nhưng chủ đề được minh họa trong tranh - chủ thể khỏa thân trong bối cảnh ngoại quốc - là cảm hứng cho những bức tranh vẽ hậu cung sau này của Delacroix và các đồng môn một vài thập kỷ sau.
Raft of the Medusa ,Theodore Géricault, 1819, Louvre, Paris, Pháp
1819: Một biểu tượng cho hội họa Lãng mạn Pháp, bức tranh canvas khổng lồ này khắc họa sự đói khổ và tuyệt vọng của những người sống sót trong vụ đắm thuyền Méduse. Để minh họa một cách chân thật nhất, Géricault đã ghé thăm những nhà xác và bệnh viện để chứng kiến tận mắt cảnh người chết và hấp hối.
Saturn Devouring His Sons, Francisco de Goya, 1819–23, Prado, Madrid, Tây Ban Nha
1819 -23: Từ năm 1819 đến 1823, Goya trang trí nhà mình với 14 bức tranh tường chủ đề kinh dị như trên. Bức này minh họa câu chuyện thần thoại cổ điển về quái vật khổng lồ Saturn, người ăn thịt con mình khi nhận được tiên đoán rằng nó sẽ lật đổ hắn trong tương lai.
Disappointed Love, Francis Danby, 1821, Victoria and Albert Museum, London, Vương quốc Anh
1821: Tranh của Danby thể hiện sự u ám thường thấy trong hội họa Lãng mạn. Người phụ nữ trong tranh đang đau khổ vì tình cảm - được thể hiện qua bức chân dung tí hon vẽ tình nhân của cô đặt kế bên và các mảnh xé của lá thư trôi lềnh bềnh trên mặt hồ.
Mazeppa and the Wolves, Horace Vernet, 1826, Private Collection
1826: Đầy kịch tính và hành động, tranh của Vernet được dựa trên một vở kịch viết bởi Lord Byron. Nó kể về một người hầu Ba Lan bị trừng phạt vì gian díu với nữ hoàng bằng cách bị trói vào ngựa và đẩy vào rừng.
Liberty Leading the People, Eugène Delacroix, 1830, Louvre, Paris, Pháp
1830: Bức tranh canvas khổng lồ của Delacroix khắc họa luồng năng lượng quyết liệt và lí tưởng của cuộc Cách mạng Tháng 7 năm 1830. Hình ảnh phúng dụ của Nữ thần Tự do, trong hình hài giống con người hơn là nữ thần, dẫn dắt lực lượng cách mạng bao gồm các công nhân nhà máy, giới tư sản, nghệ nhân, và nông dân. Không chỉ sở hữu kỹ thuật vẽ bậc thầy, Delacroix đẩy mạnh hiệu ứng cảm xúc với một loạt hành động kịch tính và sắp đặt xác của phe đối lập ở phần tiền cảnh.
Các bức tranh đầy cảm xúc của Eugène Delacroix (1798 - 1863) là những luận điểm thuyết phục để các nhà phê bình khẳng định rằng ông là biểu tượng của hội họa Lãng mạn. Ông ngưỡng mộ các tác phẩm của Géricault - có thể thấy ảnh hưởng của họa sĩ này trong các bức tranh canvas quyết liệt Delacroix thực hiện những năm 1820 - và các họa sĩ Anh Quốc như Constable. Những năm 1830, Delacroix khám phá chủ đề phương Đông, cũng cùng thời điểm này ông nhận việc trang trí các công trình công cộng tại Paris. Những nét vẽ đầy cảm xúc và cách ông minh họa hiệu ứng quang học, màu sắc sau này trở thành nguồn cảm hứng lớn cho những nghệ sĩ Ấn tượng.
The Execution of Lady Jane, Grey Paul Delaroche, 1833, National Gallery, London, Vương quốc Anh
1833: Một trong những bi kịch trong lịch sử Anh quốc diễn ra vào năm 1554, khi Nữ hoàng Anh 16 tuổi, người chỉ mới lên ngôi được 9 ngày, bị chặt đầu tại Tháp London. Bức tranh lấy chủ đề Lãng mạn, nhưng kỹ thuật vẽ mang đặc trưng của nghệ thuật hàn lâm.
Francesca da Rimini, Ary Scheffer, 1835, Wallace Collection, London, Vương quốc Anh
1835: Được trích từ trường ca Inferno của Dante, cặp đôi ngoại tình Paolo và Francesca bị đẩy xuống tầng thứ 2 của Địa ngục - Nhục dục . Dante và người dẫn đường của ông, nhà thơ La Mã Virgil, dừng lại để chứng kiến sự trừng phạt này.
Portrait of Franz Liszt, Henri Lehmann, 1839, Musée Carnavalet, Paris, Pháp
1839: Các họa sĩ vẽ chân dung Lãng mạn thường chú trọng vào biểu hiện cảm xúc của người được vẽ. Franz Liszt, nhà soạn nhạc và nhạc sĩ piano người Hungary được vẽ hướng đối diện người xem, biểu hiện trên khuôn mặt ông cho thấy rằng ông đang vô cùng tập trung vào công việc của mình.
Desdemona Retiring to her Bed, Théodore Chassériau, 1849, Louvre, Paris, Pháp
1849: Phần lớn các tác phẩm đầu tiên của Chassériau kết hợp các yếu tố của Tân Cổ điển với Lãng mạn, nhưng ông sớm được ảnh hưởng bởi Delacroix, đặc biệt là tình yêu đối với chủ đề ngoại quốc và các gam màu rực rỡ. Vị nữ anh hùng Desdemona trong kịch Shakespeare được minh họa một cách quyến rũ, một đặc trưng thường thấy trong các tác phẩm Lãng mạn chủ đề phương Đông.
KIỆT TÁC
The Third of May 1808
Francisco de Goya, 1814, Prado, Madrid, Tây Ban Nha
Ít có khung cảnh nào mang cảm xúc mạnh mẽ hơn cách Goya khắc họa cảnh người nổi loạn Tây Ban Nha bị xử tử bởi binh lính Pháp sau khi thua cuộc trong gia đoạn Chiến tranh Peninsular. Trọng tâm của bức tranh là người đàn ông mặc áo trắng, biểu cảm của ông thể hiện rõ rệt sự bất lực, mắt mở to trong kinh hoàng, cánh tay vươn dài gợi nhớ đến hình ảnh Chúa Giê-su trên Thập tự giá. Bên cạnh ông, một người đàn ông nhìn chằm chằm vào những kẻ sắp xử tử mình, trong khi một thầy tu cúi gầm xuống đất và chắp tay cầu nguyện. Một nhóm nạn nhân khác đang lầm lũi bước lên đồi để đối diện số phận tang thương sắp đến. Chúng ta không được thấy khuôn mặt của những binh lính; họ vô danh và hành động đồng điệu như những cỗ máy giết người vô nhân tính.
Để tạo hiệu ứng kịch tính, Goya chọn thời điểm ban đêm (trên thực tế, cuộc xử tử diễn ra vào ban ngày), tận dụng sự tương phản giữa gam màu đen, nâu của buổi đêm với những gam màu sáng như màu đỏ của máu, màu trắng của chiếc áo và ánh sáng từ lồng đèn. Goya hoàn thiện bức tranh với ngón tay và dao thay cho cọ vẽ, tạo thêm sự hỗn loạn và năng động cho cả khung cảnh.
Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - Bài dịch Phúc Hồ. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép.
________________________________________________
Art Design Center
vietnamcolor.vn - fashionnet.vn
Contact: 0903788646 - 0903975081
Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \
Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)
30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City
Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn.
HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.