288
29
Tháng 08 11:07 am
Art that Changed the World I Tân Cổ điển
Art_Painting "Chỉ khi học hỏi từ văn hóa cổ đại thì ta mới có thể chạm đến đỉnh cao." Sử gia nghệ thuật Johann Joachim Winckelmann. Phong trào Tân Cổ điển ra đời với mục tiêu ban đầu là phâ tích và phục hồi những hình dáng cổ điển. Tuy nhiên, khi phong cách dần trở nên phổ biến, các nghệ sĩ dần chú trọng hơn vào việc tái tạo những giá trị đạo đức của người cổ đại.
Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.
Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.
Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.
PHẦN 3G: TÂN CỔ ĐIỂN (1750 - 1820)
Sự hấp dẫn của những điểm khảo cổ
Vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, Tân Cổ điển là trường phái thống trị nghệ thuật phương Tây. Phong trào này lấy cảm hứng từ những khám phá khảo cổ mới tại Pompeii và Herculaneum ở Ý, nhưng nó không đơn thuần là bắt chước nghệ thuật cổ đại. Một số họa sĩ Tân Cổ điển cố gắng thể hiện những giá trị đạo đức và tâm linh của Hy Lạp và La Mã, trong khi một số khác muốn trực quan hóa những dòng thơ hay chiến công của các vị anh hùng. Trước đây đã có nhiều nỗ lực phục hồi những giá trị cổ điển, nhưng lần này các nghệ sĩ chú trọng hơn vào tính chính xác về mặt lịch sử. Ví dụ, trong bức The Ancient Town của Valencienne, người nghệ sĩ khắc họa một truyền thống cổ đại cũng như làm nổi bật lên những di tích quan trọng còn sót lại tại Arigentum - Đền thờ Concord.
The Ancient Town of Agrigentum, Pierre-Henri de Valenciennes, 1787, Louvre, Paris, Pháp
Valenciennes đã ghé thăm nhiều điểm khảo cổ tại Ý và đặc biệt ấn tượng đối với những di tích Hy Lạp mà ông phát hiện tại Sicily. Tại đây, ông khắc họa những truyền thống địa phương cổ đại liên quan tới việc gởi nô lệ ra đón chào khách tham quan khi họ ghé thăm thành phố.
BỐI CẢNH
Hòa hợp với thời đại
Sự phát triển của trường phái Tân Cổ điển bị ảnh hưởng bởi một phong trào quy mô lớn hơn hẳn, phong trào Khai sáng, thứ đã định hình văn hóa châu Âu vào thế kỷ 18. Những người dẫn đầu phong trào đã rất chú trọng vào tư duy logic, triết học và các nghiên cứu khoa học; khuyến khích ứng dụng chúng để thách thức những niềm tin, truyền thống hay cả những cá nhân có thẩm quyền trước đây. Trường phái Tân Cổ điển, vốn chú trọng vào sự hài hòa và minh bạch, đã hoàn toàn hòa hợp với những luồng tư tưởng mới này.
Venus, Wounded by Diomesdes, is saved by Iris, Joseph-Marie Vien, 1775, Columbus Museum of Art, Ohio
Thái độ tư duy của các nghệ sĩ và những nhà tư tưởng đã giúp hình thành nên một góc nhìn rất mới đối với thế giới cổ điển. Những tiểu thiên thần trong nghệ thuật Rococo được thay thế bằng những nhân vật nghiêm trang hơn trong lịch sử cổ đại, và các họa sĩ luôn nỗ lực để chúng có vẻ ngoài chân thật nhất có thể. Ví dụ, bối cảnh bức Agrippina của Benjamin West được dựa trên tranh minh họa di tích La Mã tại Spalatro của Robert Adam. Tương tự, các khung cảnh Tân cổ điển của Joseph-Marie Vien thường bao gồm những hình ảnh chi tiết của các cổ vật được khai quật tại Herculaneum. Những chủ đề thần thoại vẫn được chấp nhận, nhưng thường chỉ những cảnh anh hùng từ thơ Homer, thay cho những ham mê ái tình giữa các vị thần như trước đây.
Tại Pháp, phần lớn những bức tranh tả cảnh lịch sử sản xuất vào những năm 1780 đều liên quan đến giai đoạn Cộng hòa của lịch sử La Mã. Điều này đã dẫn đến những phỏng đoán rằng các tác phẩm được thực hiện như một hình thức tuyên truyền chính trị. Nếu xét sự liên quan của Jacques-Louis David đối với phe lật đổ chính quyền - ông là thành viên của Quốc hội và đã bầu cho cái chết của vua Louis XVI - thì các giả thuyết này cũng dễ hiểu, nhưng vẫn chưa được xác nhận và đang được tranh cãi.
Intervention of the Sabine Women, Jacques-Louis David, 1799, Louvre, Paris, Pháp
Sau cuộc cách mạng, không thể phủ nhận rằng đôi khi các tác phẩm Tân cổ điển được thực hiện với chủ đích chính trị. Bức ‘Intervention of the Sabine Women’ của David (1799) được thực hiện nhằm kêu gọi người dân đoàn kết với nhau sau nhiều năm trời đổ màu vì cách mạng . Tương tự, bức ‘Return of Marcus Sextus’ của Pierre-Narcisse Guérin được thực hiện nhằm phản ánh hoàn cảnh của những người di cư, thông qua một phiên bản La Mã cổ đại độc đáo được sáng tạo bởi người nghệ sĩ. Phong cách Tân Cổ điển cũng có thể được ứng dụng vào các sự kiện đương đại, như trong bức Oath of the Tennis Court của David (1791).
Xu hướng này vẫn tiếp diễn dưới triều đại của vua Napoleon, người cũng bị cuốn hút bởi những đặc trưng hoành tráng, nhiệt huyết của trường phái này và đã đặt thực hiện nhiều tác phẩm nhằm tôn vinh các thành tựu của mình. Thay vì khắc họa sự vĩ đại của nền Cộng hòa La Mã, các nghệ sĩ chuyển sang các chủ đề liên quan đến Đế quốc La Mã, nhấn mạnh quyền lực và sự bề thế của vương triều vĩ đại một thời này.
Các di tích cổ điển còn lưu lại tại Rome từ lâu đã được thừa nhận là một trong những nền tảng cho văn hóa phương Tây. Thành phố này cũng là điểm nhấn trong truyền thống du lịch Grand Tour từ thế kỷ 17, còn người Pháp trao tặng các họa sĩ trẻ tuổi nổi bật giải thưởng Prix de Rome từ năm 1666. Tuy nhiên, chính những khám phá tại Herculaneum và Pompeii vào những năm 1700 đã khơi lên những niềm hứng thú mới, kết hợp với việc hình ảnh của các di tích này được kiểm soát một cách chặt chẽ. Bản in minh họa chính thức duy nhất được phát hành bởi trường Academia Ercolanese với số lượng giới hạn, và việc phác họa trực tiếp tại điểm khảo cổ bị cấm. Cũng trong thời điểm này, nhiều quyển sách nổi tiếng được xuất bản như tác phẩm của Winckelmann, các bản nghiên cứu di tích tại Palmyra (1753) và Balbec (1757) do Robert Wood soạn thảo, hay bản nghiên cứu đồ sộ 7 chương về cổ vật tại Hy Lạp, La Mã và Ai Cập (1752 - 67). Chúng đã truyền cảm hứng cho những bức tranh Tân Cổ điển quan trọng đầu tiên vào đầu những năm 1760.
NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT
Rome là nguồn cảm hứng cho nhiều khía cạnh của nghệ thuật Tân Cổ điển. Winckelmann từng làm thủ thư ở Rome cho Hồng y Albani, một nhà bảo trợ giàu có. Khách tham quan tại thành phố luôn mua các bản chạm khắc của Piranesi như quà lưu niệm.
Bánh màu nước là một hình thức lưu trữ và sử dụng màu tiện dụng. Người sáng chế ra nó, William và Thomas Reeves nhận giải thưởng từ Hiệp hội Nghệ thuật Anh vào năm 1781. Những sản phẩm ban đầu rất cứng và cần được mài ra.
View of the Colosseum, 1761, Piranesi. Hình ảnh con người nhỏ bé giúp kì quan La Mã cổ đại trở nên vĩ đại, khổng lồ hơn
Giovanni Battista Piranesi thành công với loạt tranh Vedute khắc họa phong cảnh La Mã. Ông vẽ các di tích một cách phóng đại để khiến chúng trở nên bề thế hơn.
Công trình Syon House được cải tạo bởi Robert Adam từ năm 1762 - 69. Bức tượng trong hình là một phiên bản sao chép của kiệt tác điêu khắc Dying Gaul, một trong những tác phẩm cổ đại nổi tiếng nhất lúc bấy giờ.
Các tác phẩm kiến trúc và nội thất của Robert Adam giúp phổ biến trường phái Tân Cổ điển tại Mỹ và vương quốc Anh. Phần lớn cảm hứng của ông đến từ việc nghiên cứu Cung điện Diocletian tại Spalatro - một trong những di sản vĩ đại nhất của La Mã còn tồn tại.
Portrait of Johann Joachim Winckelmann, German School, 1750s, Royal Castle, Warsaw, Ba Lan. Bao quanh Winckelmann là những di tích cổ điển, thứ đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các tác phẩm của ông.
Johann Joachim Winckelmann (1717 - 68), là nhà khảo cổ học và sử gia nghệ thuật người Đức. Tác phẩm nghiên cứu nghệ thuật cổ đại của Winckelmann: Reflections on the Painting and Sculpture of the Greeks (1755) đã ảnh hưởng sâu sắc đến Mengs.
ĐIỂM NGOẶT
The Cupid Seller
Joseph-Marie Vien, 1763, Château de Fontainebleau, Pháp
Bức tranh này là một cột mốc trong lịch sử nghệ thuật Tân Cổ điển và là một ví dụ tiêu biểu cách mà các nghệ sĩ đã lấy cảm hứng trực tiếp từ những phát hiển khảo cổ. Nó được dựa trên một bức tranh treo tường được phát hiện gần thành phố La Mã Herculaneum. Vien dùng một nguồn hình ảnh duy nhất, một hình minh họa được xuất bản bởi Academia Ercolanese, nhưng ông điều chỉnh nó đáng kể, sáng tạo bối cảnh và thêm thắt các chi tiết cổ điển phù hợp. Nhìn chung, bối cảnh và nét đẹp của các nhân vật vẫn được ảnh hưởng bởi trường phái Rococo. Vien trưng bày bức tranh này tại Paris vào năm 1763.
Về tác giả: Vien là một trong những nghệ sĩ đầu tiên theo đuổi trường phái Tân cổ điển tại Pháp và cũng là một giáo viên có sức ảnh hưởng tại đây. Ông đoạt giải Prix de Rome năm 1743 và dành 6 năm tại Ý. Tại đây, Vien bị cuốn hút bởi những ý tưởng và khám phá khảo cổ học của Winckelmann. Ông tận hưởng việc lồng ghép các yếu tố cổ điển vào tác phẩm của mình, kết quả thu được thường phóng khoáng, quyến rũ hơn các tác phẩm cổ điển trang nghiêm. Sự nghiệp của ông rất thành công: ông trở thành Hiệu trưởng học viện Pháp tại La Mã vào năm 1775 và trở thành họa sĩ hoàng gia phục vụ trực tiếp cho nhà vua vào năm 1789.
LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN QUA CÁC TÁC PHẨM
Phần lớn các tác phẩm Tân Cổ điển đầu tiên được tạo ra tại La Mã, nơi trường phái này được hình thành bởi hai nhân vật chính: Nhà tư tưởng vĩ đại Winckelmann và bạn của ông, Mengs, người truyền đạt tư tưởng của mình qua hàng loạt bức tranh nổi tiếng, ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nghệ sĩ sau này. Ban đầu, mục tiêu chính là phân tích và phục hồi những hình dáng cổ điển, tuy nhiên, khi phong cách này càng phát triển và trở nên phổ biến, các nghệ sĩ dần chú trọng hơn vào việc tái tạo những giá trị đạo đức của người cổ đại. Xu hướng này có thể được thấy rõ rệt nhất ở Pháp, nơi mà Tân Cổ điển gắn liền với cuộc Cách mạng Pháp và sự nổi lên của Napoleon.
Jupiter Kissing Ganymede Anton Raphael Mengs 1758–59 Galleria Nazionale d'Arte Antica, Rome, Ý
1758: Ban đầu Mengs sao chép tấm bích họa tại di tích Herculaneum như một trò đùa nhằm đánh lừa người bạn Winckelmann (người thật sự tin rằng đây là một tác phẩm La Mã cổ đại thật sự). Mengs cố tình chọn chủ đề tình yêu đồng giới mà Winckelmann đang có hứng thú lúc bấy giờ.
The Death of Lucretia, Gavin Hamilton, 1763–67, Yale Center for British Art, New Haven, CT
1763: Còn được biết đến là ‘The Oath of Brutus’, bức tranh lấy cảm hứng từ lịch sử La Mã cổ đại thời kỳ sơ khai. Lucretia đức hạnh tự kết liễu bản thân trong lúc bị cưỡng bức, trong khi đó ở góc bên phải, bạn của cô ấy thề trả thù cho cô. Tác phẩm này có thể đã ảnh hưởng đến bức The Oath of the Horatti của David
Gavin Hamiltion (1723 - 1798) là một họa sĩ Scotland có ảnh hưởng, nhà buôn bán tranh, và nhà khảo cổ. Hamilton lần đầu đến Ý vào năm 1748. Ông được đào tạo bởi Agostino Masucci và dành phần lớn sự nghiệp tại Rome, nơi ông trở thành một phần vòng tròn xã hội của Mengs và Winckelmann, một ảnh hưởng quan trọng trong sự nghiệp người nghệ sĩ gốc Anh. Là một họa sĩ, Hamilton nổi tiếng nhất với loạt tranh canvas khắc họa các câu chuyện anh hùng trong thơ ca Homer. Ông thu được rất nhiều lợi nhuận từ việc bán tranh cũng như các cổ vật ông thu thập được từ các chuyến khảo cổ cho du khách.
Chamber of Roman Ruins, Charles-Louis Clérisseau, c.1766S. Trinità dei Monti, Rome, Ý
1766: Bức bích họa trompe-l’oeil (đánh lừa thị giác) minh họa di tích La Mã cổ đại dưới ảnh hưởng của thiên nhiên theo thời gian. Bàn ghế trong tranh thực chất được tạo nên từ những mảng kiến trúc vỡ vụn, hay từ một chiếc quan tài bị hư hỏng.
Agrippina Landing at Brundisium With the Ashes of Germanicus, Benjamin West, 1768, Yale University Art Gallery, CT
1768: Được đặt vẽ bởi tổng giáo mục York, bức tranh Tân cổ điển trang nghiêm này đã thổi bùng danh tiếng của West tại Anh khi thu hút một đám đông lớn đồng cảm với câu chuyện trong tranh, được trích từ ghi chép của sử gia La Mã Tacistus: Agrippina đối đầu với người đàn ông chịu trách nhiệm cho cái chết của chồng cô.
The Montgomery Sisters, Sir Joshua Reynolds, 1773, Private Collection
1773: Bức chân dung được đặt vẽ nhằm chúc mừng buổi hôn ước của Elizabeth Montgomery (ở giữa). Hôn thê của người họa sĩ hướng dẫn cách vẽ ba người chị em bên cạnh nhau: ‘ phải đại diện cho biểu tượng hay sự kiện lịch sử nào đó.” Nghe theo lời khuyên của tình nhân, Reynold đã vẽ cảnh họ tân trang tượng nữ thần Hymen, nữ thần hôn nhân của La Mã.
The Artist in the Character of Design, Angelica Kauffmann, 1782, Kenwood House, London, Vương quốc Anh
1782: Kauffman kết hợp họa tiết trang trí phong cách Rococo quyến rũ với yếu tố trữ tình trong nghệ thuật cổ điển. Trong bức chân dung tự họa phúng dụ này, cô phóng đại thành tựu bản thân trong vai trò là một nữ nghệ sĩ độc lập được truyền cảm hứng bới nữ thần Thơ ca.
The Death of Priam, Jean-Baptiste Regnault, 1785, Musée de Picardie, Amiens, Pháp
1785: Bức tranh minh họa cảnh tự sát này có thể mang mục đích chính trị vì nó được thực hiện ngay trước khi cuộc Cách mạng Pháp nổ ra, nhưng mỉa mai thay nó được đặt vẽ bởi giới hoàng gia. Regnault đang theo đuổi phong cách nghệ thuật Ý lúc bấy giờ, thậm chí còn lấy biệt danh “Renaud xứ Rome”.
Jean-Baptiste Regnault (1754 - 1829) được đào tạo bởi Jean Bardin và Nicolas-Bernard Lépicié và đã đoạt giải Prix de Rome vào năm 1776. Ông dành 4 năm ở lại Rome, cùng thời điểm David làm việc tại đây, trước khi nhận vẽ loạt tranh hoàng gia tại Paris. Regnault điều hành một studio lớn thời bấy giờ - Guérin là một trong những học trò của ông - và ông cũng đã khôn khéo duy trì sự nghiệp của mình qua giai đoạn cách mạng, được nhận việc làm từ Đảng Cộng hòa và vua Napoleon. Ông nổi tiếng với những bức tranh thần thoại trau chuốt, nhưng ông thiếu sự kịch tính và sự nguyên bản như David.
Goethe in the Roman Campagna, Wilhelm Tischbein, 1786–87 Städelsches Kunstinstitut, Frankfurt, Đức
1786: Bức chân dung nhà biên kịch người Đức nổi tiếng Johann Wolfgang von Goethe nhấn mạnh niềm hứng thú của Goethe với thế giới cổ điển. Bức chạm khắc bên cạnh ông liên quan đến vở kịch Iphigenia in Tauris, một bi kịch viết bởi Euripides mà Goethe đã viết lại nhiều lần.
Lady Hamilton as a Bacchante, Elisabeth Vigée-Lebrun, 1791, Walker Art Gallery, Liverpool, Vương quốc Anh
1791: Ngọn núi Vesuvius ở phần hậu cảnh là dấu hiệu cho thấy rằng bức chân dung này được vẽ tại Naples, nơi Emma Hamilton (nổi tiếng là tình nhân của Lãnh chúa Nelson) đã sống một vài năm trước lễ cưới của cô vào năm 1791. Cô được vẽ theo hình mẫu của Bacchante - một nữ môn đồ của thần rượu Bacchus.
Trước khi cuộc cách mạng Pháp nổ ra, Elisabeth Vigée-Lebrun (1755 - 1842) đang có một sự nghiệp vẽ chân dung xã hội rực rỡ. Cô được ưu ái bởi nữ hoàng Marie-Antoinette và cũng từng vẽ bà ấy nhiều lần. Năm 1789, những mối liên hệ với hoàng gia đặt cô vào vị trí nguy hiểm, vì thế cô phải tạm lánh ở Pháp. Các tác phẩm của cô vẫn rất được săn đón, và đã thành công ở Ý, Nga, và Anh trước khi trở về Pháp vào những năm cuối đời.
The Return of Marcus Sextus, Pierre-Narcisse Guérin, 1797–99, Louvre, Paris, Pháp
1797: Marcus Sextus trở về từ nơi lưu đày chỉ để phát hiện ra vợ mình đã qua đời. Các nhà phê bình đánh giá rằng bức tranh này được ảnh hưởng sâu sắc bởi phong trào phản cách mạng, bởi vì nó được thực hiện cùng thời điểm giới hoàng gia Pháp trở về sau khi bị lưu đày. Tuy nhiên mục tiêu thật sự của Guérin vẫn chưa rõ ràng.
Tác phẩm gốm jasperware mang tên 'The Apotheosis of Virgil' (1776) do John Flaxman thực hiện
Thị hiếu trường phái Tân Cổ điển được thể hiện qua nhiều lĩnh vực khác nhau. Các bức hình minh họa sách của John Flaxman (1755 - 1826) nhấn mạnh sức ảnh hưởng của sự thuần khiết và đơn giản trong nghệ thuật cổ điển. Nguồn cảm hứng của ông chủ yếu đến từ đồ gốm Hy Lạp và các tác phẩm gốm của ông cũng rất được ngưỡng mộ. Vào những năm đầu trong sự nghiệp, Flaxman làm việc cho thợ gốm Josiah Wedgwood (1730 - 95).
Ossian Receiving Dead Warriors into Valhalla, Anne-Louis Girodet, 1800–02, Château de Malmaison, Rueil-Malmaison, Pháp
1800: Trong lúc cải tạo nhà của mình tại Malmaison, Napoleon đặt vẽ một cặp tranh để kỷ niệm quyển sách yêu thích của mình - một bộ sưu tập các dòng thơ hào hùng của một thi sĩ người Celt, Ossian. Về sau nhân vật này được phát hiện là không tồn tại, và các dòng thơ của ông thực chất bắt nguồn từ dân gian Ireland. Tuy nhiên, Ossian được coi là Homer phương Nam lúc bấy giờ, và đã truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ và cả phong trào Lãng mạn vào thế kỷ 18.
Anne-Louis Girodet (1767 - 1824) là học trò thiên tài nhưng tính khí thất thường của David. Sau một quãng thời gian ngắn đào tạo làm kiến trúc sư, ông theo học studio của thầy mình vào năm 1784 và giành giải thưởng Prix de Rome năm năm sau đó. Ông là một họa sĩ chân dung kiệt xuất và kế thừa kỹ thuật tỉ mỉ, tinh tế của David xuyên suốt sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, một vài khía cạnh trong các tác phẩm của ông có liên hệ đến chú nghĩa Lãng mạn, đáng chú ý là xu hướng vẽ các chủ đề bay bổng, tưởng tượng và thói quen vẽ tranh vào buổi tối, điều đã dẫn đến một vài hiệu ứng ánh sáng độc đáo. David rất kinh ngạc trước nhiều tác phẩm của Girodet, nhưng Napoleon mới là người hâm mộ nhiệt thành và đã đặt ông vẽ rất nhiều bức.
Portrait of Madame Récamier, François Gérard, 1805, Musée Carnavalet, Paris, Pháp
1805: Một trong những học trò ưu thích của David, Gérad phát triển một phiên bản nhẹ nhàng, tinh tế hơn của phong cách của thầy ông. Ban đầu bức tranh này được giao cho David thực hiện, nhưng người bảo trợ không hài lòng kết quả, nên công việc được giao lại cho Gérard.
The Entry of Napoleon into Berlin, Charles Meynier, 1810, Château de Versailles, Pháp
1810: Napoleon đã đặt vẽ rất nhiều tác phẩm để kỉ niệm chiến dịch tấn công Phổ năm 1806, khi ông dẫn quân tiến vào Berlin sau thắng lợi tại trận Jena. Meynier đã vẽ vài bức tranh canvas chủ đề tôn vinh đất nước trước đó và sản xuất bản thiết kế cho các tác phẩm điêu khắc và hình chạm nổi trang trí Khải hoàn môn ở Paris.
Cupid and Psyche, Jacques-Louis David, 1817, Cleveland Museum of Art, Cleveland, OH
1817: Sau thất bại của Napoleon và sự phục hồi của chế độ lãnh chúa, David bị lưu đày ở Brussels. Trong các bức tranh sau này, ông cố gắng né tránh các chủ đề chính trị gây tranh cãi. Bối cảnh bức này được trích từ câu chuyện ngụ ngôn cổ đại của Lucius Apuleius, vẻ đẹp hoàn mỹ của Psyche tương phản với vẻ ngoài tự nhiên của Cupid.
Augustus Listening to the Reading of the Aeneid, Jean-Auguste-Dominique Ingres, 1819, Musées Royaux des Beaux-Arts, Brussels, Bỉ
1819: Vào những năm đầu, Ingres chuộng một phong cách trang nghiêm hơn của nghệ thuật Tân Cổ điển. Bức này ứng dụng chủ yếu gam màu lặng, các nhân vật lấy hình mẫu từ những pho tượng điêu khắc, nhưng phần bối cảnh không hề được chú trọng.
KIỆT TÁC
The Oath of the Horatii
Jacques-Louis David, 1784, Louvre, Paris, Pháp
Đây là bức tranh Tân cổ điển nổi tiếng nhất. Nó đã giúp danh tiếng David vang xa khắp thế giới, khẳng định vị trí của ông là họa sĩ quan trọng nhất của Pháp. Nó cũng là một ví dụ tiêu biểu cho trường phái này với sự đơn giản ấn tượng tương tự như các bức chạm khắc cổ điển.
Bức tranh minh họa một biến cố trong lịch sử thời kỳ sơ khai của La Mã. Thành phố này đang chiến tranh với thành phố lân cận, Alba, và cuộc chiến này chỉ có kết thúc bằng một cuộc chiến sinh tử giữa ba anh em Horatii của La Mã với ba anh em Curiatii của Alba. Bi kịch ở đây là hai gia đình này có quan hệ hôn nhân với nhau, vì vậy với mỗi sinh mạng bị lấy đi, mỗi người phụ nữ cũng sẽ mất đi người chồng hoặc một người anh em.
Trong một khung cảnh choáng ngợp, người họa sĩ đã thể hiện những phẩm chất cao quý nhất của con người - lòng can đảm, lòng hy sinh, lòng yêu nước, sức mạnh khi đối mặt khốn khó - và truyền tải nó đến người xem một cách rõ ràng nhưng không kém phần kịch tính.
David có thể đã lấy cảm hứng ban đầu từ Horace, một vở kịch được viết bởi Pierre Corneille, mặc dù biến cố này không được đề cập trong kịch bản. Ông đã tự mình tới Rome để đặt bản thân vào môi trường thích hợp để minh họa chủ đề cổ điển, đồng thời cũng trưng bày bức tranh lần đầu tại đó, vào tháng 7 năm 1785. Nó được đón chào nhiệt liệt tại đây, cũng như khi nó được trưng bày tại Paris sau đó. Mặc dù tác phẩm được hoàn thiện một vài năm trước khi cuộc Cách mạng Pháp nổ ra (1789 - 99), nó thường được coi như một lời kêu gọi ra trận đấu tranh vì nước Pháp, tuy nhiên không có chi tiết thể hiện rằng đây là mục đích của người họa sĩ.
Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - Bài dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép.
________________________________________________
G Studio
Art Design Center
vietnamcolor.vn - fashionnet.vn
Contact: 0903788646 - 0903975081
Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \
Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)
30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City
Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn.
HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.