Art that Changed the World I Rococo bên ngoài nước Pháp
Art_Painting Phong cách Rococo xuất hiện lần đầu trên vật trang trí, và cũng từ những chi tiết trang trí mà nó nhanh chóng được phổ biến ra các quốc gia khác từ Pháp, đặc biệt là thông qua những tác phẩm chạm khắc. Đức là nơi trường phái này bùng nổ nhất, đây cũng là khu vực đang phục hưng văn hóa mạnh mẽ vào thế kỷ 18, nhưng nghệ thuật của đất nước này thì đã đang đi xuống từ thế kỷ 16. Trong khi đó Venice dần trở thành trung tâm hàng đầu của hội họa Rococo, được truyền cảm hứng bởi các bậc tiền bối như Paolo Veronese.
Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.
Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.
Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.
PHẦN 3F: ROCOCO BÊN NGOÀI NƯỚC PHÁP (1700 - 1780)
Phong cách Rococo lan tỏa từ Pháp theo nhiều cách khác nhau - thông qua các nghệ sĩ, thương nhân, hay qua các bản chạm khắc hoặc tranh vẽ minh họa sách. Trường phái này đặc biệt nổi tiếng tại khu vực phía Nam nước Đức và một vài vùng khác ở trung tâm châu Âu, lan đến tận Nga và Bồ Đào Nha. Mỗi đất nước có một phiên bản khác nhau của trường phái bắt nguồn từ sự pha trộn với văn hóa địa phương. Vương quốc Anh không ưu chuộng sự hào nhoáng của Pháp, nhưng phong cách Rococo vẫn có những ảnh hưởng đáng kể trong các lĩnh vực như đồ nội thất và dụng cụ làm bếp, trong tranh vẽ ta có thể thấy những ảnh hưởng sâu sắc thông qua các tác phẩm tinh tế của những nghệ sĩ như Allan Ramsay và Thomas Gainsborough. Một số tác phẩm tiêu biểu thuộc trường phái này được tạo ra ở những đất nước không có trung tâm nghệ thuật lớn - chẳng hạn như các bức tranh của Jean-Étienne Liotard tại Thụy Sĩ hay Alexander Roslin tại Thụy Điển.
The Artist’s Wife, Allan Ramsay, 1758–60, Scottish National Gallery, Edinburgh, Vương quốc Anh
Ramsay là một tâm hồn thích phiêu lưu và đã dành nhiều thời gian du lịch nhiều nước khác nhau. Rất có thể ông đã vẽ bức chân dung vào chuyến ghé thăm Ý lần thứ hai năm 1757. Các tác phẩm của ông - tinh tế và lý tưởng - giúp phổ biến phong cách Rococo đến Vương quốc Anh.
BỐI CẢNH
Sự tái sinh của nước Đức
Khi phong cách Rococo lan tỏa ra ngoài nước Pháp, nó được thể hiện theo nhiều cách khác nhau tại từng quốc gia. Đức là nơi trường phái này bùng nổ nhất, đây cũng là khu vực đang phục hưng văn hóa mạnh mẽ vào thế kỷ 18, nhưng nghệ thuật của đất nước này thì đã đang đi xuống từ thế kỷ 16 (một phần vì những ảnh hưởng của phong trào Cải cách). Sau đó, vào nửa đầu của thế kỷ 17, Đức (lúc bấy giờ là một tập hợp những tiểu bang chắp vá, cả lớn và nhỏ, chứ không phải là một đất nước thống nhất) bị tàn phá nặng nề bởi cuộc chiến 30 năm (1618 - 48). Cuộc chiến này diễn ra chủ yếu trên lãnh thổ của Đức và theo ước tính thì khoảng 20-30% dân số nước này đã chết - vì đói nghèo và dịch bệnh cũng như những hoạt động quân sự tại đây.
Sự hồi phục diễn ra rất chậm rãi, nhưng cho đến những năm đầu thế kỷ 18 Đức đã dần ổn định trở lại, và tại đây đã ra đời một vài tác phẩm Rococo tiêu biểu nhất. Chúng được tạo ra chủ yếu ở khu vực phía nam nước Đức, nơi phần lớn theo đạo Công giáo, trong khi lãnh thổ phía Bắc là nơi cư trú của những người theo Tin lành, thị hiếu nghệ thuật tại đây cũng đa dạng, thế tục hơn. Các tác phẩm Rococo Đức nổi tiếng nhất thường không ở dạng tranh vẽ, mà ở các lĩnh vực khác, bao gồm đồ gốm sứ - nhà máy Meissen là nhà sản xuất đồ sứ lớn đầu tiên ở châu Âu - và trang trí nhà thờ. Tại Pháp và những nước khác, trường phái Rococo được thể hiện chủ yếu qua nghệ thuật thế tục, nhưng ở Đức nó lại phù hợp với một thể loại nghệ thuật tôn giáo nhất định - mang tính mơ mộng và truyền cảm hứng hơn, như tại nhà thờ Vierzehnheiligen và Die Wies.
Nội thất nhà thờ Vierzehnheiligen, Đức
Nhà thờ Vierzehnheiligen choáng ngợp được thiết kế bởi Balthasar Neumann và được xây từ năm 1742 đến 1772. Một trong những kiến trúc sư vĩ đại nhất bấy giờ, Neumann còn là người sáng tạo chính cung điện Residenz tại Würzburg, trang trí bởi Tiepolo.
Phong cách Rococo xuất hiện lần đầu trên vật trang trí, và cũng từ những chi tiết trang trí mà nó nhanh chóng được phổ biến ra các quốc gia khác từ Pháp, đặc biệt là thông qua những tác phẩm chạm khắc. Các bản in được bán ở nhiều thành phố khắp châu Âu. Ví dụ, một nhà sản xuất tủ đồ tại London và một thợ hoàn kim ở Lisbon có thể đã vay mượn những mô-típ thiết kế trang trí tân thời từ Pháp.
Trong hội họa, sự chuyển tiếp từ phong cách Baroque sang Rococo diễn ra chậm rãi và mơ hồ hơn, đặc biệt tại Ý, khi mà Baroque vốn đã phát triển mạnh mẽ và mỗi thành phố đều có truyền thống đặc trưng. Có thể thấy Rococo dần trở nên phổ biến thông qua sự thay đổi trong những tác phẩm mới: thay đổi trong cách vận dụng ánh sáng, sử dụng màu sắc tươi tắn hơn, nét vẽ phóng khoáng hơn, và bố cục thoáng đãng hơn. Tại Venice, nơi sau này trở thành một trung tâm hàng đầu của hội họa Rococo, các nghệ sĩ được truyền cảm hứng bởi màu sắc và quang cảnh lộng lẫy của bậc tiền bối từ thế kỷ 16 như Paolo Veronese.
NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT
Ricci thực hiện các tác phẩm của mình ở nhiều nước khác nhau, giúp cho phong cách Rococo được phổ biến rộng rãi. Năm 1716, thời điểm ông vẽ bức ‘Bacchus and Ariadne’, ông đã gặp Watteau và một số nghệ sĩ Pháp hàng đầu khác tại Paris. Tuy nhiên, lúc bấy giờ ông được ảnh hưởng nhiều hơn bởi các bậc tiền bối người Ý thay vì nghệ thuật Pháp. Tinh thần nhẹ nhàng đặc trưng của nghệ thuật Rococo cũng được thể hiện thông qua tác phẩm của một số họa sĩ Ý vào thế kỷ 16 và 17.
Bacchus and Ariadne, 1520-23, Titian, National Gallery, London, Vương quốc Anh
Bức vẽ của Titian là cách minh họa nổi tiếng nhất cho câu chuyện về Bacchus và Adriane, vì vậy nó cũng được sao chép và học hỏi bởi nhiều nghệ sĩ khác. Các tác phẩm của Ricci thể hiện một thời điểm khác trong câu chuyện, nhưng ông đã vay mượn chi tiết lọ hoa ở phần tiền cảnh.
The Muse, of Painting, 1560, Paolo Veronese, Detroit Institute of Arts, Detroit, Ml
Veronese, với tinh thần đầy năng lượng và màu sắc rực rỡ, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến hội họa Rococo tại Venice. Nền hội họa ở thành phố này cũng vực dậy mạnh mẽ vào thế kỷ 18 sau một thế kỷ bị chững lại.
The Triumph of Bacchus and Ariadne, 1597 - 1600, Annibale Carracci, Palazzo Farnese, Rome, Ý. Bức tranh này được đặt tại trung tâm trần cung điện Farnese.
Tác phẩm trang trí trần cung điện Farnese của Annibale Carracci, một trong những kiệt tác đương đại lúc bấy giờ tại Rome, được nhiều nghệ sĩ sinh sống vào thế kỷ 17 và 18 ngưỡng mộ, trong đó có Ricci. Phong cách của Annibale rất mạnh mẽ, nhưng vẻ hào nhoáng của phần trần nhà thể hiện những đặc tính của Rococo.
Head and Shoulder of Virign, 1670, thực hiện bởi Carlo Cignani, thể hiện kỹ năng vẽ phác kiệt xuất của người nghệ sĩ
Carlo Cignani là họa sĩ hàng đầu tại Bologna vào cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18. Ông rất được trọng vọng bởi những nghệ sĩ đương thời, và phong cách thanh lịch, ngọt ngào của ông cũng ảnh hưởng đến nhiều họa sĩ. Ông đã hỗ trợ Ricci trong những ngày đầu theo đuổi nghiệp vẽ.
ĐIỂM NGOẶT
Bacchus and Ariadne
Sebastiano Ricci, 1716, Schloss Weissenstein, Pommersfelden, Đức
Câu chuyện thần thoại cổ điển về Bacchus và Ariadne là chủ đề yêu thích của Ricci, thứ mà ông đã minh họa nhiều lần trong sự nghiệp của mình. Trong đó, bức vẽ này có lẽ là nỗ lực thành công nhất và chắc chắn là một trong những tạo tác tuyệt mỹ nhất ông từng thực hiện. Các nghệ sĩ đã từng minh họa nhiều khoảnh khắc trong câu chuyện tình này, tại đây Ricci đã chọn cột mốc đám cưới của họ. Hình ảnh cô nàng có cánh đứng giữa cặp tình nhân là Hymen, nữ thần hôn nhân của Hy Lạp. Ricci đã hấp thụ đa dạng những ảnh hưởng khác nhau trong cuộc đời phiêu lãng của mình, nhưng ông đã kết hợp lại với nhau một cách hài hòa, nhất quán đến mức tạo nên phong cách đặc trưng của người họa sĩ. Bố cục nhẹ nhàng, tinh tế thể hiện công sức lớn lao mà Ricci đã dành ra để xây dựng nên. Ông còn là một tay vẽ phác kiệt xuất và đã thực hiện nhiều bản vẽ mẫu trước khi hoàn thiện tác phẩm của mình.
Về tác giả: Sebastiano Ricci (1659 - 1734) là một trong những họa sĩ Ý hàng đầu trong giai đoạn chuyển giao từ Baroque sang Rococo. Ông dành phần lớn sự nghiệp tại Venice , nhưng ông cũng đã từng sáng tạo tại nhiều nơi khác, trong đó có Ý, Anh, Bỉ, Pháp, và Đức. Cuộc đời phiêu lãng này không chỉ thể hiện việc các tác phẩm của ông được săn đón ở nhiều nơi (giúp ông trở nên vô cùng giàu có), mà cả những mối tình đầy sóng gió của ông, thứ khiến ông phải liên tục di chuyển trong những năm đầu sự nghiệp. Chính sự phiêu bạt này đã giúp lan tỏa những đặc tính của nghệ thuật Rococo. Ricci có phong cách làm việc linh hoạt và chuyên nghiệp, sẵn sàng sáng tác đa dạng thể loại tranh khác nhau (chủ yếu là các chủ đề tôn giáo và thần thoại) bằng chất liệu sơn dầu hoặc vẽ tranh bích họa. Đôi khi ông cũng hợp tác với người em họ Marco Ricci (1676 - 1930), người chủ yếu vẽ tranh phong cảnh.
LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN QUA CÁC TÁC PHẨM
Mặc dù Pháp lúc bấy giờ có thể khẳng định vị trí dẫn đầu về nghệ thuật trực quan, Ý vẫn có tầm ảnh hưởng nhất định đến hội họa vào thế kỷ 18. Quốc gia này vẫn thu hút nhiều khách tham quan yêu nghệ thuật giàu có (đặc biệt là từ Anh quốc), và một vài họa sĩ Ý tiêu biểu nhất đương thời - như Batoni và Canaletto - vẫn làm việc hăng say để đáp ứng thị trường rộng lớn. Cho đến những năm 1780, vẻ quyến rũ của Rococo bắt đầu nhường chỗ cho sự trang nghiêm của Tân Cổ điển ở gần như tất cả quốc gia. Tuy nhiên, ở một số khu vực trung tâm châu Âu, trường phái Rococo vẫn phát triển mạnh mẽ cho đến tận cuối thế kỷ.
Self-Portrait With a Portrait of Her Sister, Rosalba Carriera, 1709, Uffizi, Florence, Ý
1709: Carriera là một trong số những họa sĩ chuyên môn tranh chân dung màu phấn đáng chú ý đầu tiên trên thế giới. Danh tiếng của cô ấy đã vươn tầm quốc tế, từng làm việc tại Paris, Vienna và cả Ý. Sự thành công của cô đã giúp tranh màu phấn tiếp tục phổ biến vào thế kỷ 18, đặc biệt đối với giới họa sĩ Pháp.
Venus and Cupid, Adriaan van der Werff, 1718, Wallace Collection, London, Vương quốc Anh
1718: Van der Werff là họa sĩ Hà Lan thành công nhất vào thời của ông, với danh tiếng vang xa nhiều nước khác nhau. Các tác phẩm tinh tế, trau chuốt tỉ mỉ của ông thể hiện cách mà chủ nghĩa tự nhiên của hội họa Hà Lan thế kỷ 17 đã mở đường cho vẻ đẹp lý tưởng kiểu Rococo vào đầu thế kỷ 18
The Baptism of Christ Francesco Trevisani, 1723, Leeds Art Gallery, Vương quốc Anh
1723: Vào thời điểm ông thực hiện tác phẩm này, Trevisani đã rất có thể là họa sĩ nổi tiếng và thành công nhất tại Rome. Ông kế thừa phong cách của Maratta, nhưng theo một cách nhẹ nhàng, ngọt ngào, và gần gũi hơn.
The Stonemason’s Yard, Canaletto, 1727, National Gallery, London, Vương quốc Anh
1727: Những ngày đầu sự nghiệp, Canaletto đã thực hiện những bức vẽ khung cảnh Venice sống động, giản dị như bức trên, nhưng sớm chuyển hướng sang vẽ những khung cảnh đẹp đẽ của thành phố - các bức này được săn đón nhiệt liệt bởi những học giả Anh Quốc khi ghé thăm Ý.
Cảnh quán rượu trong loạt tranh A Rake’s Progress , William Hogarth, 1735, Sir John Soane’s Museum, London, Vương quốc Anh
1735: Vào khoảng năm 1730, Hogarth nghĩ ra ý tưởng sử dụng một loạt tranh vẽ hoặc bản chạm khắc để truyền bá thông điệp đạo đức. Đây là bức thứ ba trong loạt tám bức vẽ kể về một nhân vật tên là Tom Rakewell, người đã phung phí tài sản thừa kế mình vào một lối sống buông thả và kết thúc cuộc đời mình trong một nhà thương điên.
A Capriccio With Roman Ruins, Giovanni Paolo Panini, 1737, Fitzwilliam Museum, Cambridge, Vương quốc Anh
1737: Tại Rome, Panini đóng vai trò tương tự như người đồng nghiệp Canaletto tại Venice, với chuyên môn là những bức tranh vẽ chi tiết quang cảnh thành phố. Một số bức có độ chính xác đáng kinh ngạc; một vài bức khác, như ví dụ trên, là những capprico - sự sắp xếp đan xen giữa các yếu tố thực và ảo.
The Chocolate Girl, Jean-Étienne Liotard, 1743, Gemäldegalerie, Dresden, Đức
1743: Họa sĩ Thụy Sĩ Liotard đã làm việc ở nhiều nước khắp châu Âu và dành 4 năm sống ở Constantinople. Ông chủ yếu làm việc với màu phấn, như trong ví dụ trên, bức vẽ nổi tiếng nhất của ông, khắc họa một cô hầu nữ người Vienna.
The Last Judgment, Johann Baptist Zimmermann, 1750–54, Wieskirche, Steingaden, Đức
1750 - 54: Bức bích họa khổng lồ này phủ lên phần mái trần của nhà thờ Wieskirche (Nhà thờ Trắng), được thiết kế bởi Dominikus Zimmerman, anh trai của người họa sĩ. Câu chuyện ‘Phán xét cuối cùng’ trong kinh thánh đã truyền cảm hứng cho những khung cảnh khiếp sợ trong nghệ thuật (nổi tiếng nhất có thể kể đến trần nhà nguyện Sistine của Michelangelo), nhưng tại đây nó được thể hiện một cách mơ mộng, sáng ngời, ứng dụng màu sắc gốm sứ. Chúa Giê-su được minh họa đang ngồi trên cầu vồng.
Johann Baptist Zimmermann (1680 - 1758) xuất thân từ một gia đình có truyền thống nghệ thuật và thường hợp tác với người anh trai Dominikus. Cả hai anh em đều làm việc với vữa stucco - một loại vật liệu dùng để tạo sự bề thế cho tác phẩm điêu khắc và công trình kiến trúc. Phần lớn các tác phẩm của hai người anh em này được thực hiện cho những thể chế tôn giáo khu vực miền Nam nước Đức (Johann Baptist vẽ tranh thờ và bích họa), nhưng họ cũng từng thực hiện một số chủ đề mang tính thế tục.
Exhibition of a Rhinoceros at Venice, Pietro Longhi 1751, National Gallery, London, Vương quốc Anh
1751: Các loài vật lạ thường được trưng bày vào các dịp lễ hội tại Venice, nhưng tê giác là một loài cực kỳ hiếm. Trong tranh là Clara, nàng tê giác nổi tiếng này đặt chân đến Rotterdam từ Ấn Độ vào năm 1741 và liên tục được đưa đi diễn trong vòng 17 năm trước khi qua đời tại London năm 1758.
Portrait of Charles John Crowle, Pompeo Batoni, 1762, Louvre, Paris, Pháp
1762: Batoni là họa sĩ vẽ chân dung hàng đầu tại Rome và khách hàng của ông bao gồm nhiều vị khách ngoại quốc ghé thăm thành phố, trong đó có người đàn ông Anh quốc giàu có này. Phong cách của ông thiên về sự bề thế và trang nghiêm, nhưng cũng có dáng vẻ quyến rũ và nhẹ nhàng của Rococo.
The Chinese Garden, François Boucher, 1742
Một trong những khía cạnh quyến rũ nhất của nghệ thuật châu Âu thế kỷ 18 là chinoiserie: sự bắt chước và lấy cảm hứng từ tinh thần phóng khoáng trong những họa tiết trang trí Trung Hoa. Sự sao chép này vốn đã bắt đầu từ thời Trung Cổ (loại tơ lụa Trung Hoa tuyệt đẹp được sản xuất tại Ý vào thế kỷ 14 là một ví dụ tiêu biểu) nhưng chỉ đến thế kỷ 17 nó mới chính thức trở thành một nhánh tách biệt trong nghệ thuật châu Âu, và đạt đến thời kỳ đỉnh cao về sự sáng tạo và độ tinh tế trong giai đoạn Rococo. Chinoiserie ảnh hưởng gần như tất cả các loại nghệ thuật trang trí, bao gồm đồ gốm sứ, đồ nội thất, và dụng cụ bếp. Ta cũng có thể thấy nó được biểu hiện trong hội họa, điêu khắc, và kiến trúc. Các công trình sân vườn thường được thiết kế theo phong cách Trung Hoa, đáng chú ý là ngôi chùa (1761) do Sir William Chambers thiết kế tại Kew Gardens, London.
The Lady With a Fan, Alexander Roslin, 1768, Nationalmuseum, Stockholm, Thụy Điển
1768: Nàng thơ trong bức tranh đẹp mê hồn này là vợ của người họa sĩ, Marie-Suzanne Giroust, người mà bản thân là một nhà vẽ chân dung màu phấn rất thành công. Roslins dành những năm đầu tại quê nhà Thụy Điển và sau này có một sự nghiệp bận rộn trên thị trường quốc tế, làm việc chủ yếu tại Pháp (nơi ông gặp vợ) và cũng từng sáng tạo tại Áo, Đức, Ý, Ba Lan, và Nga
The Honourable Mrs. Graham, Thomas Gainsborough, 1777, Scottish National Gallery, Edinburgh, Vương quốc Anh
1777: Bức chân dung minh họa Gainsborough ở thời điểm lộng lẫy, hào hùng nhất. Nó cố tình khơi gợi lại phong cách của van Dyck, người mà Gainsborough vô cùng kính trọng, nhưng thêm vào nét nhẹ nhàng đặc trưng của trường phái Rococo.
KIỆT TÁC
The Marriage of Frederick Barbarossa and Beatrice of Burgundy
Giambattista Tiepolo 1751–52 Kaisersaal, Würzburg Residenz, Đức
Tiepolo là họa sĩ Ý nổi trội nhất thời ông sinh sống. Ông sáng tác trên nhiều lĩnh vực, nhưng nổi tiếng nhất với các bức bích họa. Ông làm việc chủ yếu tại quê hương Venice hoặc khu vực phía Bắc nước Ý, nhưng tên tuổi ông được cả châu Âu ngưỡng mộ. Năm 1750, ông chấp nhận lời mời của Karl Phillipp von Greiffenklau, Hoàng tử - Giáo hoàng của Würzburg, và dành 3 năm làm việc cho ông ấy tại Đức - cũng là lần đầu tiên ông rời khỏi Ý.
Vị hoàng tử-giáo hoàng là một trong số nhiều nhà cai trị nhỏ tại Đức, nhưng ông vô cùng giàu có, và lâu đài của ông - Residenz - cũng tương xứng với số gia tài kếch xù của mình. Tiepolo đã trang trí phòng Kaisersaal (phòng ăn chính), và phần trần phía trên bậc thang. Các tác phẩm này đánh dấu đỉnh cao sự nghiệp của ông. Trong phòng Kaisersaal ông đã vẽ các khung cảnh minh họa lịch sử sơ khai của thành phố Würzburg, bao gồm hôn nhân của Hoàng đế Frederick I (biệt danh là Frederick Barbarossa nhờ bộ râu đỏ của ông). Đám cưới diễn ra vào năm 1156, nhưng Tiepolo không hề vẽ bối cảnh thực tế vào thế kỷ 12, mà thay vào đó sáng tạo ra một hình ảnh lý tưởng, mơ mộng về thời kỳ Trung cổ. Hình ảnh chủ đạo trong bố cục là người giáo hoàng đang tuyên thệ nghi thức hôn nhân, nhấn mạnh mục tiêu bức tranh của Tiepolo là để tôn vinh người bảo trợ cũng như gia phả vị hoàng tử - giáo hoàng.
Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - Bài dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép.
________________________________________________
Art Design Center
vietnamcolor.vn - fashionnet.vn
Contact: 0903788646 - 0903975081
Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \
Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)
30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City
Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn.
HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.