Ai đã may quần áo cho bạn?
Fashion Story Công nhân may mặc trên khắp thế giới làm tất cả mọi thứ, từ những chiếc túi xách sang trọng đến những chiếc quần legging của thương hiệu thời trang nhanh
"Đây là một nhà máy tốt, vì vậy không ai nghỉ việc." - Rumsinah, 44 tuổi . Nhân viên vận hành khoá kéo (phéc mơ tuya) tại PT. Fajarindo Faliman Zipper, tập trung phần lớn vào các thương hiệu nội bộ. . Địa điểm: Tangerang, Indonesia
Cô Rumsinah, người đã làm việc ở một nhà máy 26 năm cho biết: “Hầu hết các đồng nghiệp của tôi và tôi đều là những người kỳ cựu. Đây là một nhà máy tốt, vì vậy không ai nghỉ việc. Hiếm khi có bất kỳ cơ hội việc làm nào - chỉ khi ai đó nghỉ hưu thôi”. Cô được trả khoảng 3,4 triệu rupiah, tương đương 241 đô la mỗi tháng, mức lương mà cô nói là rất eo hẹp khi làm một người mẹ đơn thân. Con trai cô vừa học xong trung học. “Thằng bé không thể làm việc tại nhà máy của tôi vì hiện đang không cần người,” cô nói. "Nó muốn trở thành giáo viên, nhưng chúng tôi không có đủ tiền để cho con đi học đại học." Mặc dù công việc của cô rất mệt mỏi, nhưng cô nói “thực ra tất cả các công việc đều rất mệt mỏi,”. "Ít nhất là cuối tuần được nghỉ, và giờ giấc không quá tệ."
"Đôi khi kim bị gãy và mắc vào xương của bạn." - Waheed, 38 tuổi . May ga trải giường và rèm cửa tại nhà máy dệt . Địa điểm: Pakistan
Waheed đã làm việc trong ngành dệt may được 20 năm và làm việc bảy ngày một tuần để nuôi vợ và hai con trai nhỏ. Họ ở chung nhà với bố mẹ, chị gái và anh trai của anh. “Hầu hết các nhà máy đặt rất nhiều hạn chế đối với công nhân may mặc. Khi bắt đầu ca làm việc vào khoảng 8 giờ sáng, không thể biết được khi nào người giám sát sẽ cho họ về. Có thể là 8 giờ tối, hoặc cũng có thể là 10 giờ tối. Công nhân tại nhà máy của tôi không bị đối xử tệ như vậy. Đó là lý do tại sao tôi đã ở đây trong 10 năm qua. Đây là một nơi tốt để làm việc. Nhưng một số thứ người lao động cần lại không được cung cấp, chẳng hạn như bộ dụng cụ sơ cứu hoặc thẻ lương hưu. Việc ngón tay của bạn bị thương là điều khá phổ biến - đôi khi kim bị gãy và mắc vào xương nếu tay bạn vướng vào máy. Sau đó bạn phải đến bệnh viện và tự chụp X-quang. Thật khó để chi tiêu với số tiền lương mà tôi kiếm được. Tiêu dùng của tôi lên đến khoảng 2.000 rupee một ngày, bao gồm chi phí quần áo của con, chi phí học tập của chúng, tiền mua sắm của gia đình và các hóa đơn khác. Nhưng tôi chỉ kiếm được 1.000 rupee mỗi ngày”.
“Tôi cảm thấy mệt mỏi, nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác. Tôi phải làm việc”. - Seak Hong, 36 tuổi . May quần áo ngoài trời và túi xách tại Horizon Outdoor . Địa điểm: Khum Longvek, Kampong Chhnang, Campuchia
Sáu ngày một tuần, cô Hong thức dậy lúc 4:35 sáng để bắt xe tải từ làng đi làm. Một ngày làm việc của cô bắt đầu lúc 7 giờ sáng và thường kéo dài suốt 9 giờ, kèm thời gian nghỉ trưa. Vào mùa cao điểm, kéo dài từ hai đến ba tháng, cô làm việc đến 8:30 tối. Cô Hong đã làm việc trong lĩnh vực hàng may mặc được 22 năm. Cô kiếm được số tiền tương đương khoảng 230 đô la một tháng và hỗ trợ cha, chị gái, anh trai (người này bị khuyết tật) và con trai 12 tuổi của cô. Cô hy vọng con cô sẽ không phải làm việc trong một nhà máy, nhưng giá của một nền giáo dục chất lượng - khoảng 20 đô la mỗi tháng - vượt quá khả năng chi trả của cô. Trong khi cô đi làm, chị gái cô quản lý hộ gia đình, chăm sóc bò và trồng lúa để có thêm thức ăn. “Tôi cảm thấy mệt mỏi, nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác,” cô Hong nói. "Tôi phải làm việc."
“Họ cung cấp cho chúng tôi rất nhiều lợi ích ở đây” - Yurani Tascon, 34 tuổi . Theo dõi số lượng sản xuất hàng ngày tại Supertex, công ty làm việc với các thương hiệu quần áo thể thao lớn. . Địa điểm: Yumbo, Colombia
Cô Tascon nói: “Họ cung cấp cho chúng tôi rất nhiều lợi ích ở đây. Đây là một công việc ổn định. Nơi làm việc của cô bùng nổ âm nhạc - thường là điệu salsa hoặc thứ gì đó truyền thống - nhạc bật suốt cả ngày trong khi nhân viên may áo khoác, đồ tắm và đồ thể thao. Vào lúc 11 giờ sáng, nhân viên được “pausas activas”: giải lao tích cực với âm nhạc.
‘Bạn phải dám ước mơ, làm thế nào để đạt được điều đó, hãy đặt câu hỏi cho một thời điểm khác’. - Sarjimin, 39 tuổi . Đóng giày cho thương hiệu giày dép tại PT. Dwi Naga Sakti Abadi . Địa điểm: Tangerang, Indonesia
Anh Sarjimin đã làm việc tại nhà máy này khoảng 12 năm. Công việc tương đối ổn định, nơi làm việc rộng rãi, sáng sủa, an toàn. Anh kiếm được số tiền tương đương 250 đô la một tháng, và vợ anh cũng làm việc tại một nhà máy. Họ có thể cho con, một bạn 13 tuổi và một bạn 9 tuổi, học những ngôi trường tốt. Gần đây, họ đã mua một chiếc máy tính cho cậu con trai lớn của mình, cậu bé đam mê công nghệ. Anh Sarjimin nuôi cá trê để kiếm thêm tiền mua thực phẩm cho gia đình. Anh bắt đầu cách đây sáu tháng, thử nghiệm với một thùng cá lớn. Hiện anh có hai thùng phuy, mỗi thùng 300 con cá và anh chủ yếu bán cho bạn bè, gia đình và hàng xóm. Một ngày nào đó, anh muốn nuôi cá trê toàn thời gian. “Có một lần tôi đã nghe một diễn giả truyền động lực, “ Bạn phải dám ước mơ, làm thế nào để đạt được điều đó, hãy đặt câu hỏi cho một thời điểm khác,” anh nói. "Tôi rất nhớ những câu nói đó"
"Chúng tôi đang có quá nhiều thứ phải chi trả." - Saida, 38 tuổi . Người vận hành máy may tại Pinehurst Manufacturing, công ty làm việc với các thương hiệu trang phục thể thao lớn. . Địa điểm: San Pedro Sula, Honduras
Nhà máy nơi Saida đã làm việc trong 12 năm qua là một trong số ít nhà máy trong khu vực. Cô kiếm được khoảng 8.200 lempira mỗi tháng, tương đương 331 đô la. “Nó không đủ cho tất cả chi phí,” cô nói. "Vivimos sobregirados." ("Chúng tôi đang có quá nhiều thứ phài chi trả.") Saida sống với mẹ và cô con gái 19 tuổi đang đi học. “Tôi là người cung cấp mọi thứ ở nhà. Tiền nhà, điện, nước” cô nói. "Bạn phải ngừng mua một số thứ để có thể trang trải những nhu cầu cần thiết." Đơn vị của cô hiện có một khách hàng chính là thương hiệu quần áo thể thao lớn. Đây là căn nguyên nỗi lo lắng của cô và các đồng nghiệp vì họ sợ bị sa thải hàng loạt nếu khách hàng rời bỏ công ty. “Thực sự khó khăn khi chỉ có một khách hàng,” cô nói.
"Tôi có thể hoàn thành 1.000 đến 1.200 sản phẩm mỗi ngày, tùy thuộc vào độ khó." - Bùi Chí Thắng, 35 tuổi . May quần Jean cho các thương hiệu tập trung vào tính bền vững tại Saitex International . Địa điểm: Biên Hòa, Việt Nam
Anh Bùi đã làm việc ở nhà máy của mình được bảy năm. “Nó phù hợp với kỹ năng của tôi,” anh nói, “và mức lương đủ cho gia đình.” Anh kiếm được từ 9 đến 10 triệu đồng một tháng (khoảng 388 đến 432 USD), số tiền này anh dùng để nuôi mẹ, vợ và con trai. Trong một ngày làm việc trung bình kéo dài 9 giờ, “Tôi có thể hoàn thành 1.000 đến 1.200 sản phẩm mỗi ngày, tùy thuộc vào độ khó,” anh nói.
"Tôi luôn cố gắng tìm cách tiết kiệm tiền, cách mua thức ăn, cách để không ăn ngoài quá nhiều." - Santiago, 48 tuổi . May móc cài và khóa kéo váy, áo và quần tại nhà máy . Địa điểm: Los Angeles
“Tôi đến từ Guatemala. Tôi đã làm công việc may mặc được 16 năm. Tôi bắt đầu vì đó là điều duy nhất tôi biết làm sau khi rời quê hương,” Santiago nói. “Tôi đến đây vì không có nhiều cơ hội trở về nhà, và với sáu đứa con, có rất nhiều chi phí.” Trong năm năm qua, anh đã làm việc trong năm đến tám nhà máy. Anh nói rằng chúng thường không có cửa sổ và bẩn thỉu, ít thông gió. Khi mới chuyển đến Los Angeles, Santiago đã làm việc theo ca 11 giờ, bảy ngày một tuần. Giờ đây, anh làm việc khoảng 50 giờ một tuần, mang về nhà số tiền lên tới 350 đô la. Phần lớn đồng nghiệp của anh - khoảng 30 người khác - là những người nói tiếng Tây Ban Nha từ Guatemala, El Salvador và Mexico. “Tôi chỉ kiếm sống qua ngày thôi,” anh nói. “Tôi luôn cố gắng tìm cách tiết kiệm tiền, cách mua thức ăn, cách không ăn ngoài quá nhiều”. Tuy nhiên, anh cũng nói rằng công việc tốt hơn những gì anh ấy kiếm được ở Guatemala.
"Về cơ bản, bạn phải tự sát trước một chiếc máy may để có tiền lo cho gia đình." - Maria Valdinete da Silva, 46 tuổi . Thợ may độc lập . Địa điểm: Caruaru, Brazil
Nhà máy cuối cùng mà cô da Silva làm việc sản xuất trang phục dạo phố dành cho nam giới. Cô đã dành tám năm ở đó, khâu các đường nối bên lại với nhau trong một dây chuyền lắp ráp với chỉ tiêu theo giờ. “Một số công ty, như công ty tôi từng làm việc, không còn nhân viên bên trong nhà máy và những người thợ may làm việc tại nhà,” cô nói. “Họ thành lập các nhóm nhỏ, các nhà máy nhỏ, và họ được trả tiền theo từng mặt hàng, vì vậy về cơ bản nhà máy có cùng chất lượng sản xuất mà không phải trả bất kỳ chi phí nào.” Để có mức lương tối thiểu, nhân viên thuê ngoài “phải làm việc từ ngày đến đêm”, cô nói. Giờ đây, cô da Silva sản xuất quần áo phụ nữ một cách độc lập, sản xuất ít mẫu mã hơn và bán chúng tại địa phương. Cô kiếm được "có thể là một nửa" mức lương tối thiểu, nhưng cô nói rằng nó xứng đáng khi cô làm việc với tốc độ của riêng mình. “Tôi yêu những gì tôi làm,” cô nói. “Tôi không còn tình trạng ngồi trước một cái máy làm những việc tương tự mỗi ngày nữa.” Cô đang có kế hoạch tham gia các khóa học thiết kế thời trang sắp tới. “Những người thợ may là nhân tố quan trọng trong chuỗi thời trang, chúng tôi là những người kết hợp những bộ quần áo lại với nhau,” cô nói. "Về cơ bản, bạn phải tự sát trước một chiếc máy may để có thể cung cấp cho gia đình mình."
"Không phải vì lương, tôi ở lại vì tất cả chúng tôi là một gia đình." - Antonio Ripani, 72 tuổi . Kiểm soát chất lượng da thuộc Tập đoàn Tod’s . Địa điểm: Casette d’Ete, Ý
Ông Ripani, người bắt đầu làm việc với da từ năm 14 tuổi, đã làm việc cho Tod’s hơn 40 năm, nơi ông đánh giá chất lượng “tất cả các mẫu da thuộc”. “Thật khó để làm mọi thứ một mình, vì vậy tôi có một nhóm người dưới quyền và tôi đã dạy họ mọi thứ mà tôi có thể hiểu được sau ngần ấy năm,” ông nói. Ông Ripani cho biết, dù không kiếm được nhiều tiền, nhưng ông đặt thời gian biểu cho riêng mình, thường ông làm việc từ 8 đến 12 giờ mỗi ngày. Ông có các trợ lý và đã nhận được giải thưởng cho công việc chuyên môn cao của mình. “Không phải vì lương, tôi ở đây vì tất cả chúng tôi là một gia đình,” ông nói. “Khi tôi bắt đầu, tôi để tóc dài. Bây giờ, tôi đã hói rồi”.
"Chúng ta phải chọn giữa việc mua thực phẩm và bánh roti hay trả tiền cho quần áo và thuốc men?" - Rukhsana, 48 tuổi An ninh tại Sitara Textile Industries . Địa điểm: Faisalabad, Pakistan
Rukhsana bắt đầu làm việc trong ngành may mặc ngay sau khi chồng cô qua đời cách đây 7 năm. Cô làm việc bảy ngày một tuần. “Điều khó nhất khi làm việc trong một nhà máy dệt là kiểu quản lý ngăn bạn với thế giới bên ngoài trong suốt thời gian làm việc. Nếu ai đó gọi cho bạn từ nhà - với tin tốt hoặc tin xấu - bạn không thể nhận cuộc gọi và ban quản lý sẽ không thông báo cho bạn cho đến khi hết ngày. Hai năm trước, cháu trai tôi bị tai nạn chết khi tôi đang làm việc. Anh trai tôi đã cố gắng gọi điện cho tôi, nhưng ban giám đốc không cho tôi biết về điều đó cho đến khi gia đình tôi tổ chức tang lễ cho nó. Tôi bực quá, tôi đã xin nghỉ việc. Bây giờ tôi đang làm ở trong lĩnh vực an ninh, tôi biết khi ai đó đến nhà máy và cố gắng liên hệ với một công nhân. Nhưng tôi vẫn không được phép nói với nhân viên rằng người thân của họ đã cố gắng liên lạc với họ. Không chỉ khó mà còn không thể tồn tại bằng mức lương mà các nhà máy dệt chi trả. Chúng tôi phải lựa chọn giữa việc mua thức ăn và roti hay trả tiền cho quần áo và thuốc men sao? Thêm vào đó là khoản tiền thuê nhà nữa " (Nhân viên cất điện thoại trong tủ khóa trước khi bắt đầu ca làm việc, một phát ngôn viên của công ty cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Thêm vào đó, họ không được phép rời khỏi tổ chức mà không có bất kỳ sự xác nhận nào bằng văn bản từ người quản lý. Nhân viên này nói thêm rằng gia đình có thể liên lạc với nhân viên qua điện thoại di động của họ hoặc bằng cách gọi điện trực tiếp cho nhà máy và anh không biết về bất kỳ sự cố nào mà gia đình đã bị ngăn cản hoặc trì hoãn liên lạc với nhân viên trong trường hợp khẩn cấp).
"Thời gian yêu thích của tôi là lúc 3 giờ chiều, khi chúng tôi có một buổi tập thể dục." - Vũ Hoàng Quân, 21 tuổi . May váy, áo sơ mi cho các nhà bán lẻ tại TAL Apparel - Địa điểm: Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, Việt Nam
Anh Vũ đã dành 4 năm qua làm việc trên dây chuyền sản xuất cùng với khoảng 30 nhân viên khác, từng người giám sát các bộ phận của quy trình may. Trung bình mỗi tháng anh kiếm được khoảng 10 đến 12 triệu đồng (khoảng $ 432 đến $ 518). Anh gửi phần lớn về cho gia đình. “Thời gian yêu thích của tôi là lúc 3 giờ chiều, khi chúng tôi tập thể dục,” anh nói. “Chúng tôi ở lại nơi làm việc của mình, tạm dừng quy trình làm việc, xếp hàng và làm theo hướng dẫn tập luyện của các trưởng nhóm ”. Gần đây anh đã tham gia một chương trình tài năng do công ty tổ chức, nơi anh biểu diễn vũ đạo hiện đại. “Tôi không có kế hoạch rời bỏ công việc này,” anh nói. "Tôi khá hài lòng với nó."
"Đó là niềm đam mê của tôi." - Catherine Gamet, 48 tuổi . Nghệ nhân đồ da tại Louis Vuitton . Địa điểm: Saint-Pourçain-sur-Sioule, Pháp
Cô Gamet bắt đầu làm việc với đồ da khi cô 16 tuổi và đã làm việc cho Vuitton được 23 năm. “Để có thể chế tạo những chiếc túi, và có thể ngồi sau chiếc máy may, may các sản phẩm thủ công, đó là niềm đam mê của tôi,” cô nói. "Đó là lý do tôi tham gia." Có khoảng 800 nhân viên làm việc tại Saint-Pourçain, trải rộng trên bốn địa điểm. Cô Gamet cho biết các hội thảo được tổ chức tốt, sáng sủa và hiện đại. “Thời gian cứ thế trôi qua,” cô nói.
"Chúng tôi thậm chí không có quyền tự do uống nước." - S, 33 . May quần và tất cho các thương hiệu Fast Fashion và quần áo thể thao tại Shahi Exports . Địa điểm: Ấn Độ
Ca làm việc của S. bắt đầu lúc 9 giờ sáng. Cô cảm thấy rất nhiều áp lực từ người giám sát khi phải đạt định mức khoảng 90 đến 120 sản phẩm mỗi giờ và cho biết nhiều công nhân ngại nghỉ giải lao hoặc sử dụng nhà vệ sinh vì sẽ lãng phí thời gian. Cô nói, những nhân viên không thể theo kịp thường bị kéo sang một bên vào cuối mỗi giờ, và những người giám sát sẽ quát mắng họ và đập bàn. Nhiều công nhân dành phần lớn thời gian nghỉ trưa 30 phút của họ để hoàn thành nhiều sản phẩm hơn để trở lại đúng tiến độ. “Chúng tôi thậm chí không có quyền tự do uống nước,” S. nói và cho biết thêm rằng ban quản lý không cho phép nhân viên mang chai nước vào. Thay vào đó, nước được cung cấp bởi nhà máy. Vào mùa xuân năm 2018, nguồn nước được cung cấp đã khiến công nhân phát ốm, và khi nhân viên đưa cho ban lãnh đạo một lá thư với nhiều yêu cầu cơ bản, bao gồm cả nước sạch, họ đã bị đánh. Trang phục của họ bị làm rách, và nhiều đồ đạc có giá trị của họ, bao gồm cả điện thoại và đồ trang sức, đã bị lấy đi. Các nhân viên đã khiếu nại lên bộ phận lao động. Các vấn đề đã được giải quyết ba tháng sau khi vụ việc xảy ra, sau khi nhà máy phải đối mặt với áp lực dư luận từ báo cáo của một nhóm giám sát Mỹ, phương tiện truyền thông xã hội và các thương hiệu làm việc với nhà máy. Một số điều kiện đã được cải thiện: Nhân viên được cấp nước khoáng bây giờ. Nhưng lương vẫn thấp, S. cho biết, và không gian làm việc chính không có cửa sổ, máy lạnh hay máy sưởi. “Chúng tôi muốn hỏi thêm lương, nhưng mọi người sợ hãi sau những gì đã xảy ra vào năm ngoái để có can đảm yêu cầu một lần nữa,” cô nói.
(Trong một email, người phát ngôn của Shahi Exports đã thừa nhận sự cố năm 2018 và chuyển tiếp một tuyên bố nêu rõ các biện pháp ngăn chặn mà công ty đã ban hành kể từ đó.
Trong một email riêng, một phát ngôn viên nói rằng việc mắng mỏ nhân viên theo bất kỳ cách nào “là hành vi sai trái” và các trường hợp khiến ban quản lý chú ý sẽ “có biện pháp” ngăn chặn. Người phát ngôn nói: “Mặc dù chúng tôi cố gắng thúc đẩy hiệu quả, nhưng không có luật được chỉ trích bất kỳ nhân viên nào về việc không đạt hiệu suất hoặc hiệu suất kém,”. Người này nói thêm rằng có "hệ thống thông gió đầy đủ" trong không gian làm việc và toàn bộ nhà máy "tuân thủ luật pháp.") S. là một phụ huynh đơn thân và kiếm việc làm thêm vào buổi tối, cùng với việc vay nợ để nuôi bản thân và con gái. Cô nói: “Có hàng ngàn người” ở thành phố của cô ở trong tình trạng tương tự. "Câu chuyện của tôi chỉ là một trong số đó."
"Bạn biết đấy, cũng có một số loại cây cảnh và cây dùng để trang trí." - Phool Bano, 38 tuổi. Thợ may tại Friends Factory . Địa điểm: Noida, Ấn Độ
Cô Bano đã là một thợ may khoảng 22 năm và làm việc tại một nhà máy tiến bộ chuyên sản xuất hàng may mặc nhỏ cho các thương hiệu độc lập cao cấp. Tòa nhà có những xa xỉ như máy lọc không khí. Cô Bano nói: “Thật tuyệt khi làm việc ở đây. “Nó sạch sẽ. Có một số cây cảnh và cây dùng để trang trí".
"Ước mơ của tôi là có một xưởng may đo của riêng tôi ở nhà." - Helena Lúcia Santos da Conceição da Silva, 54 tuổi . Thợ may tại Fantasia D! Kas Roupas . Địa điểm: Nova Friburgo, Brazil
“Tôi luôn nghĩ mình là một thợ may. Tôi thậm chí còn may chiếc váy cho sinh nhật 16 tuổi của con gái tôi. Nó trông giống như những cánh hoa chồng lên nhau. Đó là niềm tự hào lớn nhất của tôi. Tôi bắt đầu làm việc lúc 7 giờ sáng. Chúng tôi làm mọi thứ: quần dài, quần đùi, áo sơ mi. Tôi làm việc tám giờ một ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu, kèm với một giờ nghỉ trưa. Đó là một công ty nhỏ: chỉ có tôi và năm cô thợ may khác. Chúng tôi không có chỉ tiêu. Ở đây họ coi trọng chất lượng hơn số lượng. Tôi thậm chí không biết mình làm bao nhiêu sản phẩm trong một ngày nhất định. Chúng tôi không theo dõi. " Cô da Silva không kiếm đủ tiền từ công việc ban ngày của mình, vì vậy cô nhận thêm công việc từ các khách hàng tư nhân để hoàn thành vào buổi tối và cuối tuần, đôi khi làm việc đến 10 giờ tối. “Tôi thích làm việc cho nhà sản xuất này hơn vì tôi thuộc biên chế, tôi có quyền có những kỳ nghỉ. Nó an toàn hơn. Nhưng ước mơ của tôi là có một xưởng may đo của riêng tôi ở nhà. ”
Nguồn: https://www.nytimes.com/2019/12/19/style/garment-workers-around-the-world.html
Bài dịch: Nhi Nguyễn - bản quyền thuộc về Fashionnet.vn, vui lòng ghi rõ nguồn khi muốn đăng tải
________________________________________________
Art Design Center
vietnamcolor.vn - fashionnet.vn
Contact: 0903788646 - 0903975081
Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \
Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)
30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City
Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn.
HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.