Sự bền vững dưới góc nhìn của ba nhà thiết kế trẻ
Fashion Story "Tôi mong rằng sẽ đến lúc chúng ta coi sự bền vững trong thiết kế là điều hiển nhiên - không phải là một lựa chọn hay là điều nên làm"
Ngành công nghiệp thời trang từ lâu đã bị ép buộc phải thừa nhận những ảnh hưởng tiêu cực của nó lên hành tinh này, và những thương hiệu hàng đầu như Gucci, Burberry hay Prada đều đã phải cam kết trung hòa carbon vào năm 2019. Nhưng đối với thế hệ nhà thiết kế mới, sự bền vững đã trở thành nền tảng trong thiết kế của họ.
Từ Collina Strada và Eckhaus Latta tại New York, đến Bethany Williams, Richard Malone và Phoebe English tại London, chúng ta có thể thấy sự quan tâm đến môi trường ngày càng rõ rệt, đề cao kĩ thuật may mặc, những thiết kế tái chế, tái sử dụng, tính minh bạch và trung thực trong lượng nhiên liệu và vật liệu tiêu thụ
Cho dù Covid-19 đã ảnh hưởng rõ rệt đến những tuần lễ thời trang - các show diễn được đưa lên nền tảng trực tuyến và lượng người tham gia trực tiếp giảm mạnh, - ngành công nghiệp này vẫn còn nhiều thứ phải làm để bảo vệ hành tinh và những người sinh sống trên nó. Sau đây, hãy cùng trò chuyện với 3 nhà thiết kế thời trang trẻ về những thay đổi tích cực của họ mùa này tại London, Milan, Paris và những hi vọng của họ đối với tương lai của ngành thời trang.
Priya Ahluwalia
Kể từ khi tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ tại Đại học Westminter, Priya Ahluwalia - một trong những nhà thiết kế đồng thắng giải thường LVMH năm 2020 - đã nằm trong danh sách những cái tên đáng theo dõi nhất. Thương hiệu quần áo nam của nhà thiết kế người Anh - có mẹ người Ấn Độ và ba là người Nigeria - đã kết hợp những thiết kế thể thao với kĩ thuật may mặc điêu luyện, đặc biệt tất cả thiết kế đều tái sử dụng những sản phẩm vintage hay vải vóc dư thừa (deadstock). Cô vừa ra mắt bộ sưu tập SS21 tại Tuần lễ Thời trang London.
Điều gì đã truyền cảm hứng cho bộ sưu tập mới nhất của bạn?
“Tôi đã sưu tầm rất nhiều sách, và dạo gần đây tôi hứng thú với những tấm hình chụp những người da đen tham gia biểu tình. Có một quyển sách tổng hợp rất nhiều hình ảnh của bọn họ trong những bộ trang phục truyền thống của Nigeria. Từ đó, tôi quyết định hợp tác với nhà thiết kế đồ họa Dennis McInnes, cũng là người Nigeria, bởi vì tôi muốn bộ sưu tập của mình chân thực và sống động nhất.”
Bạn có thể kể lại quá trình thu thập nguyên vật liệu cho bộ sưu tập lần này không?
“Chúng tôi làm việc với Reskinned, một công ty giúp các thương hiệu thời trang tái chế vật liệu của họ hoặc phân phối tới các địa điểm khác, chính vì vậy nên họ có một lượng lớn vải thừa. Một khi tôi đã phát triển được bảng màu cũng như xác định được loại vật liệu mà mình muốn sử dụng, đội ngũ của tôi chỉ việc bắt tay vào làm, tận dụng mọi thứ mà mình đang có. Chúng tôi cũng sử dụng cả những vật liệu địa phương.”
Vì sao bạn chọn sự tái sử dụng là nền tảng trong triết lí thiết kế của mình?
“Quay lại khi tôi mới bước chân vào ngành, khi đó tôi vừa ra mắt quyển Sweet Lassi, một tập sách về ngành công nghiệp quần áo secondhand và những gì sẽ xảy ra với quần áo của chúng - chúng thường sẽ được chuyển tới các nước khác trên thế giới và vô tình phá hoại nền kinh tế địa phương của họ. Một khi bạn đã biết về Panipat (ở miền Bắc Ấn Đô, là nơi ‘thủ đô’ của những quần áo bị thế giới vứt đi ), bạn không thể làm ngơ vấn đề này được nữa. Tôi đã nghiên cứu và tìm hiểu rất nhiều, chính vì vậy tôi không thể quay lại với những nguyên vật liệu mới tinh được nữa. Việc tái sử dụng, đối với tôi, là điều hiển nhiên.”
Nạn dịch đã ảnh hưởng đến công việc của bạn như thế nào?
“Đây là một bộ sưu tập nhỏ hơn so với bình thường - tôi không có ý định làm một show diễn lớn mùa này. Tôi đã ra mắt thành công quyển sách mới nhất của mình trước đó, Jalebi, trong lúc đang giãn cách xã hội. Chúng tôi đã tổ chức một buổi diễn ảo và được công chúng đón nhận nhiệt liệt - điều đó giúp tôi nhận ra có rất nhiều thứ bạn có thể đạt được khi bước chân vào nền tảng điện tử. Tôi không nghĩ rằng nó sẽ thay thế sự phấn khích và tương tác trong một buổi diễn vật lí, nên tôi tin chắc rằng nó vẫn sẽ còn được tổ chức trong tương lai, nhưng tôi nhận ra rằng bạn không nhất thiết phải bám theo quá trình tổ chức show lặp đi lặp lại mỗi mùa này.”
Bạn nghĩ sao về tầm quan trọng của việc có nhiều tiếng nói khắp thế giới liên quan đến vấn đề sự bền vững?
“Nó rất quan trọng. Mọi người thường quên mất rằng sự bền vững là một vấn đề toàn cầu. Khi Covid diễn ra, nhiều công ty đã không trả tiền cho các nhà máy của họ - những nhà máy này thường nằm tại Ấn Độ, Bandladesh, Ethiopia… Cho nên, thật vô nghĩa khi bạn tuyên bố với thế giới ‘Chúng tôi muốn trở nên bền vững’ hay ‘Chúng tôi ủng hộ tính mạng người da đen’ nhưng dây chuyền sản xuất của bạn lại làm ngược lại.
“Sự bền vững nhằm bảo vệ không chỉ hành tinh mà cả nhân loại, và đồng thời cũng là thể hiện sự tôn trọng với tất cả mọi người trên thế giới. Không có vế sau, thì không ai thật sự bền vững cả. Nếu bạn không có nhiều tiếng nói khác nhau, thì sẽ không có ai làm rõ vấn đề này với bạn.”
Sindiso Khumalo
Được biết đến với chiếc váy prairie đặc trưng của mình, Sindiso Khumalo khẳng định tay nghề thủ công điêu luyện qua thương hiệu cùng tên cô ra mắt năm 2014, làm việc trực tiếp với một nhóm thợ may thủ công nữ tại Burkina Faso, Tây Phi. Nhà thiết kế gốc Cape Town, người đồng thắng giả LVMH năm nay và cũng là một sinh viên tốt nghiệp từ trường Đại học Central Saint Martins, vừa ra mắt bộ sưu tập mới nhất của mình thông qua một đoạn phim ngắn tại Milan Fashion Week
Câu chuyện đằng sau bộ sưu tập SS21 của bạn là gì?
“Tôi tìm hiểu về cuộc đời phi thường của Harriet Tubman, về ý nghĩa của sự giải phóng 70 nô lệ và cảm giác khi thực hiện công việc mạo hiểm đó. Bộ sưu tập xoay quanh bà và tuổi thơ mà bà lẽ ra phải có. Khi chỉ mới 6 tuổi, bà đã phải làm việc ở nhiều nông trại khác nhau. Đó là những chiếc váy xinh xắn mà bà đã bị lấy cắp đi. Đương nhiên đây là chủ đề rất nhạy cảm, nhưng tôi tin rằng nó cần được kể lại.”
Tính bền vững trong bộ sưu tập của bạn là gì?
“Tất cả mọi thứ bạn làm trong ngành công nghiệp này đều phải có ý nghĩa. Tôi muốn ứng dụng sự bền vững chủ yếu vì những ảnh hưởng về mặt kinh tế-xã hội mà nó mang lại; Tôi muốn tạo cơ hội cho những người đang phải sinh sống trong cảnh nghèo có thể vươn lên. Các thiết kế của tôi chủ yếu được may thủ công từ châu Phi, chúng tôi đã ưu tiên những người thợ suốt hàng năm qua. Tôi luôn tự đặt câu hỏi, ‘Làm sao tôi có thể mang những tác phẩm thủ công này vào bộ sưu tập của mình?’
‘Tôi luôn cố gắng đảm bảo tất cả những vật liệu mình sử dụng có nguồn gốc từ thiên nhiên. Tôi sử dụng loại cotton bền vững từ công ty Better Cotton, và cotton tại địa phương châu Phi dành cho tất cả sản phẩm may thủ công của mình. Dạo gần đây tôi cũng sử dụng rất nhiều gai dầu, cũng là một phương án hiệu quả thay thế cho cotton.”
Bạn có nghĩ rằng tính xã hội đang không được đề cao khi nhắc tới vấn đề bền vững?
“Chắc chắn là vậy. Mỗi khi trên đường tới siêu thị tại Cape Town, tôi đều đi ngang qua ít nhất năm hay sáu gia đình phải sinh sống ở ngoài đường phố. Một số xin ăn, số khác cố gắng mưu sinh bằng cách buôn bán tại những ngã tư đường. Tại đây, sự cách biệt kinh tế rõ rệt đến mức bạn không thể né tránh nó. Tôi nghĩ rằng tính xã hội chưa thật sự được quan tâm bởi vì những người đang theo đuổi vấn đề bền vững này chưa trực tiếp trải nghiệm nó.”
Bạn có nghĩ rằng chúng ta nên có nhiều tiếng nói từ những góc nhìn khác nhau hơn?
“Việc lắng nghe từ nhiều phía là rất quan trọng bởi vì mỗi người đều có những trải nghiệm riêng. Tôi đã học được rất nhiều điều về sự bền vững từ một người sinh sống tại Ý, và tôi học được những thông tin hoàn toàn khác từ một người sống tại Cape Town. Quan trọng là chúng ta phải chia sẻ kiến thức với nhau và nhận ra trách nhiệm của mình. Đối với tôi, cốt lõi của sự bền vững xuất phát từ việc cảm giác phải chịu trách nhiệm.”
Bạn hi vọng điều gì ở ngành công nghiệp thời trang trong tương lai?
“Tôi muốn được lắng nghe nhiều tiếng nơi hơn. Từ Ấn Đô, Brazil hay Trung Quốc chẳng hạn. Ngoài ra, sự khác biệt sắc tộc không nên chỉ dừng lại ở những người mẫu - mà còn phải nằm ở những giám đốc sáng tạo. Tôi biết chúng ta đang thay đổi, nhưng tôi cảm giác rằng vẫn không đủ sự khác biệt trong ngành công nghiệp này.”
Kévin Germanier
Sau khi tốt nghiệp trường Đại Học Central Saint Martins, nhà thiết kế gốc Paris ra mắt thương hiệu Germanier vào năm 2018, và nổi tiếng với những thiết kế tiệc tùng lộng lẫy lấy chất liệu từ sequin tái chế và chuỗi hạt. Ngày hôm nay, nhiều minh tinh hàng đầu như Tracee Ellis Ross hay Kristen Stewart đã đưa các thiết kế của lên thảm đó, và anh cũng có lượng người hâm mộ rất lớn, trong đó có Taylor Swift và Björk. Đối với mùa này, anh ra mắt bộ sưu tập của mình trên mạng trong lúc diễn ra Tuần lễ Thời trang Paris.
Nạn dịch đã thay đổi cách bạn tiếp cận bộ sưu tập SS21 như thế nào?
“Covid đã khai sáng tôi về tầm quan trọng thật sự của những thiết kế mang tính thương mai. Trong hoàn cảnh này, tôi tin rằng không có người phụ nữ nào muốn bỏ ra 4,000 euro cho một chiếc váy sequin. Chính vì vậy trong lúc giãn cách, tôi đã thiết kế bộ sưu tập mang tên Les Essentiels: áo thun, áo sơ mi, denim - những món đồ cơ bản nghiên về phía thương mại hơn, nhưng vẫn mang DNA của Germanier. Đối với bộ sưu tập SS21, bạn vẫn có thể thấy những chiếc váy lộng lẫy, nhưng chúng được phối với áo thun Swarovski, quần legging hay quần đùi đạp xe.
Bạn đã áp dụng tính bền vững vào bộ sưu tập của mình như thế nào?
“Chúng tôi upcycle những vật liệu dư thừa, những sequin bị bỏ đi vì không hợp màu. Đối với mùa này, tôi hướng đến con số 0 cho lượng chất thải ra môi trường. Dù rất khó khăn, nhưng tôi nghĩ là xứng đáng để chứng minh rằng chúng ta hoàn toàn có thể không thải bất kì thứ gì ra môi trường. Tôi muốn cho thấy rằng bạn cần phải nghĩ về tính bền vững ngay từ ở khâu thiết kế - và chỉ sử dụng cotton hữu cơ thôi là không đủ. Ngày hôm nay, bạn phải thật sự đột phá ở khâu cắt, hoàn thiện sản phẩm.”
Bạn có nghĩ rằng góc nhìn của mọi người đối với tính bền vững đã thay đổi trong những năm gần đây?
“Nhiệm vụ của tôi là chứng minh cho mọi người thấy bạn hoàn toàn có thể bám sát sự bền vững cho tới lúc hoàn thiện sản phẩm. Nếu bạn là yêu sự lộng lẫy và lấp lánh, bạn không cần phải thay đổi cách thiết kế của mình - bạn chỉ cần tìm những nguồn nguyên vật liệu tốt hơn. Một trong những lí do tôi thành lập Germanier là vì tôi muốn tạo ra một thương hiệu làm đồ lộng lẫy nhưng vẫn thân thiện môi trường.”
Bạn muốn thấy những thay đổi gì ở ngành công nghiệp thời trang trong tương lai?
“Tôi mong rằng sẽ đến lúc chúng ta coi sự bền vững trong thiết kế là điều hiển nhiên - không phải là một lựa chọn hay là điều nên làm.”
Nguồn Vogue - Bài PD