288
23 Tháng 02 1:09 pm

Thời trang Siêu thực: Khi thiết kế phá vỡ thực tại

 Thế giới thời trang đã ứng dụng một loạt những chủ đề và kĩ thuật đặc sắc từ phong trào Siêu thực để tạo ra một cuộc đối thoại giao thoa giữa hai loại hình nghệ thuật.Đến tận hôm nay, Siêu thực vẫn là một nguồn cảm hứng dồi dào để các nhà mốt hàng đầu như Schiaparelli, Comme des Garcons, Thom Browne... tiếp tục khám phá trong những BST mới.

Nhân dịp buổi triển lãm thời trang siêu thực Mode Surreal đang được tổ chức tại Tokyo, hãy cùng Fashionnet nhìn lại sự giao thoa giữa Siêu thực, một trong những phong trào hội họa quan trọng nhất thế kỉ 20, và thời trang, nơi mà những ý tưởng cấp tiến từ Siêu Thực đã đưa lên vải vóc thông qua những bộ óc sáng tạo với tầm nhìn phi thường. 
Poster triển lãm Mode Surreal được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Tokyo Metropolitan Teien từ ngày 15/1 đến 10/4
Siêu thực là một phong trào văn hóa xuất hiện vào khoảng đầu thập niên 1920, nổi tiếng nhất với những tác phẩm trực quan và văn thơ. Mục tiêu của phong trào này là “giải quyết tình trạng mâu thuẫn trước đây giữa giấc mơ và thực tại”. Các họa sĩ vẽ những khung cảnh kì quái, vô lí với độ chân thực chính xác như ảnh chụp, sáng tạo ra những sinh vật kì lạ từ các đồ vật giản dị, cũng như phát triển những kĩ thuật hội họa để tạo điều kiện cho tiềm thức được hữu hình hóa, thể hiện chính mình trên tác phẩm. Phong trào sớm phát triển mạnh mẽ, và ngay từ năm 1924, nó đã liên kết với nghệ thuật, triết học, và cả văn học để nói về những ý tưởng liên quan đến tâm trí, tiềm thức, ranh giới giữa thực tại và trí tưởng tượng, sự phi lý. 
 
Các tác phẩm Siêu thực có đặc trưng là những bố cục bất đối xứng độc đáo, gây sốc và không nhất quán (non sequitur); tuy nhiên, nhiều họa sĩ và nhà văn Siêu thực coi tác phẩm của họ trước hết như một cách để biểu hiện những triết lý của phong trào này: coi tác phẩm như một món cổ vật không thuộc về thế giới này. Người dẫn đầu phong trào André Breton đã khẳng định chắc nịch quan điểm của ông rằng phong trào Siêu thực, trên hết cả, là một phong trào cách mạng.
 
Schiaparelli vẫn là một trong những nhà mốt sở hữu những thiết kế thời trang siêu thực ấn tượng nhất ngày nay (Hình: Schiaparelli couture SS22)
Nhìn chung, nghệ thuật siêu thực ứng dụng những mô-típ lấy từ các vật thể dễ dàng nhận biết được - như là động vật, cơ thể con người, nhạc cụ, và các khối hình học - để biểu hiện cảm giác mơ hồ, huyền ảo cho tác phẩm. Đặc trưng kì quặc, khác thường của nghệ thuật Siêu thực đã cuốn hút các nhà thiết kế thời trang, mời gọi họ khám phá phong trào này và những thiết kế lấy cảm hứng từ Siêu thực đầu tiên đã ra đời từ thập niên 1930.
“Tại Paris vào thập niên 1930, các nghệ sĩ và nhà thiết kế Siêu thực đã bắt đầu tích cực xóa nhòa đi ranh giới giữa nghệ thuật và thương mại, vùi đầu nghiên cứu, tận dụng mọi loại dụng cụ để đi tìm một ngôn ngữ biểu hiện mới lạ và quyết liệt hơn. Các nghệ sĩ Siêu thực thường xuyên làm méo mó và sắp xếp lại cơ thể con người. Họ đã sử dụng những hình ảnh liên quan đến thời trang như ma-nơ-canh hay cắt ra từ các tờ tạp chí thời trang, như trong bức “The Cloak of Secrecy” của Conroy Maddox năm 1940  hay trong những tác phẩm “Cadavre Exquis” do André Breton, Jacqueline Lamba, và Yves Tanguy cùng thực hiện.
 
Bộ sưu tập hợp tác giữa Elsa Schiaparelli và Salvador Dalí
Elsa Schiaparelli, có thể coi là nhà thiết kế nổi tiếng nhất liên quan đến phong trào siêu thực, đã từng cộng tác với nhiều nghệ sĩ thuộc phong trào; có thể kể đến các thiết kế “Lobster Dress (Váy Tôm hùm)” và “Shoe Hat (Mũ Giày” hợp tác với Salvador Dalí, cũng như một loạt tác phẩm thêu thùa được thực hiện cùng nhà thơ, nhà minh họa người Pháp Jean Cocteau. Mặc dù các tác phẩm của Schiaparelli không được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực mĩ học đương đại, nhưng các thiết kế của cô chắc chắn đã để lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả hai thế giới nghệ thuật và thời trang.
Lanvin, 1925, chụp bởi Man Ray
Man Ray chụp cho tờ Harper's Bazaar, trang phục của Chanel và tác phẩm "Albatross" của nghệ sĩ Giacometti ở hậu cảnh
Tương tự như vậy, vào thế kỉ 20, nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia Man Ray đã chụp một bộ hình thương mại cho Schiaparelli, cũng như Lanvin, Chanel và Vionnet, ứng dụng những kĩ thuật nghệ thuật để tạo hiệu ứng ánh sáng và đổ bóng một cách hiện đại, cũng như thể hiện kĩ năng xử lí ảnh bậc thầy. Giống như cách các tác phẩm của Man Ray trong nhiếp ảnh thời trang lấy cảm hứng và tận dụng những cái tiêu biểu nhất của siêu thực để phù hợp với máy chụp hình, thì thế giới thời trang đã ứng dụng một loạt những chủ đề và kĩ thuật đặc sắc từ phong trào Siêu thực để tạo ra một cuộc đối thoại giao thoa giữa hai loại hình nghệ thuật. Những kĩ thuật nổi bật bao gồm: kích thích thị giác, sự hợp nhất của những thứ trái nghịch, cấu trúc bất đối xứng độc đáo, cũng như những chi tiết, mô-típ trang trí phong cách siêu thực.
 
Đôi găng tay từ BST Schiaparelli Thu/Đông 1937
Một cột mốc đáng chú ý trong thời trang siêu thực có thể kể đến xu hướng kích thích thị giác của nhà thiết kế thông qua nhiều phương pháp và kĩ thuật đa dạng. Đôi găng tay đen do Schiaparelli thiết kế năm 1936 là một ví dụ tiêu biểu; trên mỗi đầu ngón tay là một mảng màu đỏ rực tạo hình móng tay, tái tạo hình ảnh bộ móng thông thường để ẩn ý rằng thiết kế có thể được coi như bộ da thứ hai của người mặc.
 
Thiết kế của Meret Oppenheim, 1985
Một ví dụ tương tự trong cách đánh lừa thị giác là bộ găng tay trắng được thiết kế với những đường chỉ đỏ tinh tế trông như mạch máu người mặc. Tác phẩm này được thiết kế vào năm 1985 bởi nghệ sĩ Meret Oppenheim.
BST couture Xuân/Hè 2003 của Jean Paul Gaultier
 
Nhà thiết kế couture đương đại người Pháp Jean Paul Gaultier đã tận dụng một loạt kĩ thuật siêu thực trong tác phẩm của mình, như là cách vật liệu “lơ lửng” trong bộ sưu tập couture mùa Xuân / Hè 2003; nhìn thoáng qua, những thiết kế trông không có gì đáng nói, nhưng khi xem xét gần hơn mới hé lộ rằng chúng được treo trước cơ thể người mặc như một cái tạp dề, để lộ cánh tay trần trụi của người mẫu.
Comme des Garcons Thu/Đông 2012 
Đối với bộ sưu tập Thu/Đông 2012, nhà thiết kế Rei Kawakubo của Commes des Garcons khám phá một khía cạnh khác trong ảo ảnh thị giác bằng cách xếp lớp những chiếc váy oversize màu sắc chồng lên nhau, khiến trang phục như nằm trên một mặt phẳng khi nhìn từ một góc nhất định.
Tear Dress, Schiaparelli, 1938
Tương tự như vậy, thiết kế “Tear Dress (Váy Xé)” của Schiaparelli vào năm 1938 sử dụng họa tiết với ẩn ý rằng một phần của chiếc váy dạ tiệc đã bị xé ra như giấy dán tường, để lộ gam màu ‘Shocking Pink’ đặc trưng của nhà thiết kế bên dưới lớp váy.
 
Maison Margiela Xuân/Hè 2009
Jean Paul Gaultier Couture Thu/Đông 2006
Một số nhà thiết kế chọn cách tận dụng những vật liệu độc đáo - như là tóc người - cùng các kĩ thuật cấu trúc mới mẻ để tăng tính đột phá cho tác phẩm . Bộ sưu tập Xuân/Hè năm 2009 nổi tiếng của Maison Margiela đã sử dụng tóc giả để làm áo khoác, trong khi bộ sưu tập Thu/Đông năm 2006 của Jean Paul Gaultier tạo hình tóc thật của người mẫu thành những chiếc mũ kiểu cách.
 
Thiết kế lấy cảm hứng từ Skeleton Dress của NTK Gaultier trong BST couture mùa xuân năm 2006
Marc Jacobs Xuân/Hè 2008
Ngoài ra, trong bộ sưu tập couture năm 2006, Gaultier tái tạo thiết kế kinh điển của Schiaparelli, “Skeleton Dress (Váy Khung xương)” bằng cách sử dụng loại vật liệu nhẹ, trong suốt thắt lại để tạo hình lồng ngực, trong khi đối với bộ sưu tập Xuân/Hè 2008, Marc Jacobs ra mắt một mẫu giày bị đảo chiều - tiếp tục lấy cảm hứng từ di sản của Schiaparelli - để bóp méo góc nhìn và quan điểm thông thường. Tất cả những ví dụ bên trên đã thành công trong việc kích thích thị giác bởi vì họ mời dụ người xem vào cái trông có vẻ như quen thuộc, bình thường nhưng thật sự khác thường khi ta nhìn kĩ hơn.
Thiery Mugler couture Xuân/Hè 1997
Comme des Garcons Xuân/Hè 2017
Một yếu tố quan trọng khác trong thời trang siêu thực là sự hợp nhất của những sự trái nghịch, và một cách tự nhiên, giới thời trang thích ứng với đặc trưng này bằng cách khám phá những ý tưởng, chủ đề nhị nguyên, bởi vì họ không thể nào hợp nhất làn da và vải vóc được. Từ đó, thực tại và trí tưởng tượng, sự tự nhiên và phi tự nhiên, vẻ ngoài và tâm hồn, cũng như nam tính và nữ tính đều là những thái cực mà các nhà thiết kế đã khám phá trong thiết kế của mình.
 
Nếu nghệ thuật siêu thực thường xuyên vật thể hóa cơ thể phụ nữ, thời trang siêu thực có xu hướng phá vỡ lằn ranh giới tính bằng cách hợp nhất các hình mẫu  lý tưởng của “nam tính” và “nữ tính” lại để tạo ra một tác phẩm hoàn toàn độc nhất.Ta có thể thấy tầm quan trọng của việc thách thức những vấn đề giới này bên trong thế giới thời trang bằng cách xem xét một vài ví dụ tiêu biểu: Bộ sưu tập couture Xuân/Hè 1997 của Thiery Mugler với một người mẫu nam mặc bộ váy đen sáng bóng kiểu “femme fatale”, trong khi bộ sưu tập Xuân/Hè 2017 của Commes des Garcons lấy cảm hứng từ khái niệm lưỡng giới, với người mẫu nữ mặc quần tây oversize che kín cả phần tay và ngực.
 
Các thiết kế "lưỡng giới" của nhà mốt Thom Browne
Tương tự như vậy, gần như trong mọi mùa, nhà mốt Thom Browne đều khám phá sự đồng nhất của hai giới tính trong các bộ sưu tập quần áo nam nữ của mình:  người mẫu nam mặc chân váy và váy dạ tiệc còn người mẫu nữ mặc quần tây và tuxedo.
Thiết kế Skeleton Dress kinh điển của Schiaparelli năm 1938
Trong số nhiều kỹ thuật cấu trúc liên quan đến thời trang siêu thực, phần đệm vai và những form dáng phóng đại vẫn là những xu hướng đáng chú ý nhất đến hôm nay. Năm 1938, chiếc váy “Skeleton Dress” lừng danh của Elsa Schiaparelli với cách ứng dụng những chi tiết nhô ra tinh tế để tạo nên cấu trúc bộ xương ở mặt ngoài chiếc váy - hợp nhất một cách hiệu quả phần bên ngoài và bên trong, cơ thể và chất liệu.
 
Comme des Garcons Xuân/Hè 1997
Những nhà thiết kế sau này tiếp tục sử dụng kĩ thuật đó để khai thác hiệu quả hơn tính kì lạ và khác thường trong thiết kế của mình. Một ví dụ kinh điển không thể bỏ qua là bộ sưu tập năm 1997 của Comme des Garcons “Dress Meets Body - Body Meets Dress,” trong đó Rei Kawakubo đã sử dụng đệm vai nhô và form dáng bồng bềnh để phóng đại những bộ phận cơ thể phụ nữ thường không được chú ý đến nhiều trong thời trang. Bằng cách lấy cảm hứng từ phong trào siêu thực, Kawakubo đã tìm ra một cách hiệu quả để đưa ra quan điểm mạnh mẽ về thái độ và hành vi trong thế giới, thông qua những sự tự biểu hiện khác nhau trên cơ thể phụ nữ.
Gareth Pugh Xuân/Hè 2019
Tương tự như vậy, bộ sưu tập Xuân/Hè 2019 của Gareth Pugh, như nhiều thiết kế khác của ông, đã sử dụng chi tiết xếp nếp tạo hình và cổ áo kiểu Elizabeth để nhấn mạnh những bộ phận cơ thể ít được chú trọng, như là phần cổ và cùi chỏ.
 
Thiết kế sweater thập niên 1920 của Schiaparelli
Có lẽ cấu trúc siêu thực được sử dụng rộng rãi nhất là trompe l’oeil, một kỹ thuật được phổ biến bởi những thiết kế sweater của Elsa Schiaparelli từ thập niên 1920. Trompe l’oeil - dịch sát nghĩa là “đánh lừa thị giác” - tạo ra những ảo ảnh thị giác trên bề mặt phẳng, thường bằng cách xếp lớp hoặc sử dụng các chi tiết trang trí.
Các thiết kế cuRudi Gernreich 
Rudi Gernreich, một nhà thiết kế thời trang năng động từ thập niên 1960 được biết đến với cách ông thể hiện cơ thể phụ nữ một cách khêu gợi và mang tính chính trị, tạo ra những chiếc áo và bộ quần áo trompe l’oeil tạo cảm giác như người mẫu đang mặc một bộ bikini, hay áo bra và quần đùi bên ngoài.
Karl Lagerfeld, Chanel, 1983
Tương tự như vậy, bộ sưu tập đầu tiên của Karl Lagerfeld thiết kế cho Chanel năm 1983 sử dụng kỹ thuật này để tạo nên chiếc váy dạ tiệc ấn tượng điểm xuyến bởi những chi tiết giả trang sức, hợp nhất couture và trang phục dạ tiệc theo cách mà đến cả Coco Chanel cũng sẽ tự hào nếu như bà chứng kiến nó.
 
Maison Martin Margiela Thu/Đông 1996
Trên: Moschino Thu/Đông 2001. Dưới: Thiết kế của Moschino trong bộ phim Kill Bill đình đám
Đối với bộ sưu tập Thu/Đông 1996, Martin Margiela ra mắt một bộ sưu tập chỉ toàn những chất liệu được in họa tiết trompe l’oeil, còn trong bộ sưu tập Thu/Đông 2001, Moschino ra mắt chiếc áo choàng trench trompe l’oeil sau này trở thành một thiết kế kinh điển khi xuất hiện trong bộ phim Kill Bill lừng lẫy của đạo diễn Quentin Tarantino, công chiếu năm 2003.
Comme des Garcons Thu/Đông 2009
Chi tiết Gucci Xuân/Hè 2016
Bộ sưu tập Thu/Đông 2009 của Comme des Garcons cũng sử dụng kỹ thuật trompe l’oeil theo cách tương tự để biến những chiếc áo choàng thành túi áo khoác, vạt áo vest hay tay áo, bên cạnh đó, bộ sưu tập Xuân/Hè 2016 của Gucci thể hiện kỹ thuật này ở đẳng cấp bậc thầy thông qua những chi tiết giả nhún xếp bên trên áo váy trong suốt.
Trên: Thom Browne Xuân/Hè 2017. Dưới: Thom Browne Thu/Đông 2017
Thom Browne cũng thường sử dụng cấu trúc trompe l’oeil để tạo hiệu ứng xếp nếp trên thiết kế; xuyên suốt bộ sưu tập Xuân/Hè năm 2017 của nhà thiết kế, tất cả trang phục đều trông như được cấu thành từ chân váy, phối layer với áo khoác, áo vest, sơ mi và nơ thắt, trong khi người mẫu thực chất chỉ mặc một bộ váy duy nhất.
 
Thiết kế Flying Saucer Dress trong BST Issey Miyake Xuân/Hè 1994
Như đã nhắc phía trên, tính phẳng đóng một vai trò quan trọng trong cấu trúc thời trang siêu thực, với bộ sưu tập “Flying Saucer Dress” của Issey Miyake năm 1994 là một ví dụ kinh điển. Những chiếc váy ứng dụng kĩ thuật xếp ly và tạo hình tròn một cách bậc thầy, cho phép nó trở nên hoàn toàn phẳng lì khi không mặc; chiếc váy đại diện cho lồng đèn giấy, một biểu tượng cổ xưa về tinh thần cộng đồng và lễ hội, đồng thời cũng tượng trưng cho dĩa bay, liên quan đến phong trào vị lai hiện đại.
 
Bộ sưu tập Xuân/Hè 1998 của Martin Margiela cũng có đặc tính tương tự: khi không mặc, các thiết kế có thể trở nên phẳng lì khi được treo trên giá.
 
Rihanna diện thiết kế Yves Saint Laurent Xuân/Hè 2014 trên bìa Vogue
Cuối cùng, thời trang siêu thực sử dụng hình ảnh họa tiết gần như hoàn toàn khác biệt so với các phong cách khác. Thông thường chúng được tận dụng để truyền tải một mô-típ hay chủ đề nhất định trong nghệ thuật siêu thực. Lấy ví dụ như hình ảnh đôi môi, thường thấy trong các tác phẩm của Man Ray, xuất hiện trong thời trang dưới dạng hình in, như đã thấy trong bộ sưu tập quần áo nữ mùa Xuân/Hè 2000 của Prada cũng như trong show diễn Xuân/Hè 2014 của Yves Saint Laurent, trong đó giám đốc sáng tạo Anthony Vaccarello đưa họa tiết hình đôi môi vốn được nhà mốt này phổ biến rộng rãi hồi thập niên 1970 quay lại thế giới thời trang đương đại.
Trên: Diane von Furstenberg Thu/Đông 2012. Dưới: Dior Couture Xuân/Hè 1999
Đôi tay là một mô-típ phổ biến khác trong phong trào siêu thực, thường được sử dụng để tạo hiệu ứng khác thường về mặt trực quan. Bộ sưu tập Thu/Đông 2012 của Diane von Furstenberg có một chiếc váy in đầy hình ảnh các bàn tay trắng đen trên phần ngực áo, từ đó tạo nên tính khêu gợi, trong khi John Galliano sắp đặt những đôi tay trên thiết kế váy dạ tiệc của ông trong bộ sưu tập Dior couture Xuân/Hè 1999.
Trên: Hussein Chalayan Xuân/Hè 2010. Dưới: Maison Martin Margiela Xuân/Hè 2001
Những nhà thiết kế khác đã chọn cách tiếp cận tế nhị hơn đối với mô-típ này: Hussein Chalayan sử dụng hình ảnh những ngón tay mảnh mai đan vào nhau trên một chiếc váy trắng trong bộ sưu tập Xuân/Hè 2010, khơi gợi dáng dấp chiếc áo tạo hình găng tay trong bộ sưu tập Xuân/Hè 2001 của Margiela.
Comme des Garcons Thu/Đông 2007
Ngoài ra, bộ sưu tập Thu/Đông 2007 của Comme des Garcons cũng ứng dụng những bàn tay ba chiều nhồi bông như những phụ kiện dí dỏm trên trang phục.
 
Trên: Thiery Mugler couture Xuân/Hè 1997. Dưới: Vòng cổ đá hình bọ của Schiaparelli, 1938
Bên cạnh bộ phận cơ thể, thế giới hoang dã cũng là một chủ đề thường thấy trong cả nghệ thuật và thời trang siêu thực, thường nghiêng về các mô-típ động vật và côn trùng hơn là hoa lá. Một cái tên tiêu biểu có thể kể đến là Thiery Mugler, với những bộ trang sức và mũ đội đầu cỡ lớn lấy chủ đề côn trùng, rất có thể được truyền cảm hứng bởi chiếc dây chuyền đá tạo hình bọ của Elsa Schiaparelli thiết kế năm 1938.
Lanvin Thu/Đông 2013
Tương tự, bộ sưu tập Thu/Đông 2013 của Lanvin cũng có những chiếc đầm và trang sức tái tạo hình ảnh côn trùng.
Thiết kế mũ của McQueen hợp tác với Phillip Treacy trong BST Xuân/Hè 2018
Alexander McQueen Thu/Đông 2018
Bên cạnh đó, mối quan hệ cộng tác lâu năm giữa nhà thiết kế McQueen và người làm mũ Phillip Treacy đã ra đời những thiết kế mũ đội đầu với độ chân thực đáng kinh ngạc và ấn tượng, sử dụng mô-típ như côn trùng, các loài chim, tổ chim, lông vũ, và cả trứng. Sau khi McQueen qua đời năm 2010, nhà mốt vẫn tiếp tục phát triển các bộ sưu tập dựa trên những chủ đề này, bằng chứng là trong bộ sưu tập Thu/Đông 2018 của thương hiệu, một chiếc váy dạ tiệc trong suốt được trang trí với hàng trăm viên đá quý màu sắc hình côn trùng.
 
Miu Miu Xuân/Hè 2010
Tương tự như vậy, đối với bộ sưu tập Xuân/Hè 2010 của Miu Miu, nhà thiết kế Miuccia Prada sử dụng một loạt những họa tiết vẽ tay hình chó mèo trên vải , trong khi những nhà thiết kế khác lồng ghép hình ảnh động vật vào tác phẩm nhằm gởi gắm các thông điệp ý nghĩa hơn.
Bjork diện thiết kế của Marjan Pejoski tại lễ trao giải Oscar 2001
Teddy Bear Coat, Jean-Charles de Castelbajac, 1980-89
Armani couture Thu/Đông 2018
Chiếc váy hình thiên nga của Marjan Pejoski, được nàng thơ Bjork diện tại lễ trao giải Oscar năm 2001, là một tác phẩm siêu thực kinh điển, cũng như thiết kế “Teddy Bear Coat” của Jean-Charles de Castelbajac, hay gần đây hơn là chiếc áo choàng hồng hạc của Armani trong bộ sưu tập couture Thu/Đông 2018.
 
Trên: Viviene Westwood 1977. Dưới: Viviene Westwood diện thiết kế của mình, 2017
Cuối cùng, một chủ đề quan trọng xuyên suốt tất cả tác phẩm siêu thực là những mô-típ khêu gợi và cơ thể con người. Viviene Westwood thường đả kích cách cánh đàn ông tình dục hóa cơ thể phụ nữ, thông qua chiếc áo thun thiết kế năm 1977 cũng như một chiếc váy Xuân/Hè 2017, cả hai đều bao gồm những mô-típ bầu ngực vẽ tay, về cơ bản là nỗ lực chống lại xu hướng vật thể hóa cơ thể phụ nữ của nghệ thuật siêu thực và giành lại hình ảnh thuần khiết của phụ nữ.
Trên: Thom Browne Thu/Đông 2018. Dưới: Jean Paul Gaultier 2004
Thom Browne cũng khám phá câu hỏi tương tự trong bộ sưu tập Thu/Đông 2018, cũng như Jean Paul Gaultier, người đã thiết kế trang phục couture trong đó điểm nhấn là phần núm vú, lỗ rún, và lông mu phụ nữ.
Thiết kế "Spine Dress" của Shaun Leane cho nhà mốt Alexander McQueen, 1998
Alexander McQueen đã chọn một cách tiếp cận táo bạo hơn vào năm 1998, hợp tác với Shaun Leane trong một thiết kế corset khơi gợi hình ảnh chiếc váy “Skeleton Dress” kinh điển của Schiaparelli. Cách sử dụng corset - từ lâu đã là biểu tượng cho sự đàn áp phụ nữ - như một khung xương vừa nổi loạn vừa thu hút sự chú ý vừa là lời kêu gọi nâng cao nhận thức của thế giới thời trang về những tiêu chuẩn phi lý áp đặt lên phụ nữ.
 
Những tác phẩm trưng bày tại triển lãm Mode Surreal
Buổi triển lãm "Mode Surreal: A Crazy Love for Wearing" được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Tokyo Metropolitan Teien từ ngày 15/1 đến 10/4 năm 2022. Được giám tuyển bởi Kyoko Jimbo, triển lãm trưng bày mọi tác phẩm thiết kế lấy cảm hứng từ Siêu thực, từ những chiếc dĩa từ thế kỉ 17 cho đến các tác phẩm nghệ thuật đương đại.

Nguồn: Minnie Muse

Bài dịch: Phúc Hồ. Bản quyền thuộc về Fashionnet, vui lòng ghi rõ nguồn khi muốn sao chép. 

-------------------------------------------------------------------------------

Pro Creative Course I Khóa học SÁNG TẠO, 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM. 

Pro Creative Course I Trường đại học 6 ngày với những buổi học và bài giảng sẽ tạo ra những gợn sóng xung đột trong tâm trí và trái tim bạn, làn sóng cảm hứng bất tận, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Pro Creative Course sẽ như một cuốn sách hướng dẫn hành trình của bạn. Đây là lời mời hít thở bầu không khí đầy sức sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn và sự thăng hoa của tinh thần.

Năm 1460-1469: Thời trang nam thế kỷ 15

Năm 1460-1469: Thời trang nam thế kỷ 15

Fashion Story Trong những năm 1460, sự khác biệt giữa thời trang của Ý và của Bắc Âu ngày càng sâu sắc. Tại các triều đình của Burgundy và Pháp, phom dáng của nam giới và phụ nữ có hình dáng dài và góc cạnh, có thể thấy qua đỉnh mũ nón của phụ nữ cho đến phần mũi giày của nam giới. Ở Ý, lấy cảm hứng từ nghệ thuật và trang phục của thời cổ đại, tỷ lệ tự nhiên hơn và kiểu dáng xếp nếp bồng bềnh đã thịnh hành.

Năm 1460-1469: Thời trang nữ thế kỷ 15

Năm 1460-1469: Thời trang nữ thế kỷ 15

Fashion Story Trong những năm 1460, sự khác biệt giữa thời trang của Ý và của Bắc Âu ngày càng sâu sắc. Tại các triều đình của Burgundy và Pháp, phom dáng của nam giới và phụ nữ có hình dáng dài và góc cạnh, có thể thấy qua đỉnh mũ nón của phụ nữ cho đến phần mũi giày của nam giới. Ở Ý, lấy cảm hứng từ nghệ thuật và trang phục của thời cổ đại, tỷ lệ tự nhiên hơn và kiểu dáng xếp nếp bồng bềnh đã thịnh hành.

Năm 1450-1459: Thời trang nam thế kỷ 15

Năm 1450-1459: Thời trang nam thế kỷ 15

Fashion Story Tiếp nối những thay đổi đáng kể của thập kỷ trước, những năm 1450 là thời kỳ tương đối ổn định của thời trang. Các tỷ lệ và xu hướng mới của những năm 1440 đã phát triển thêm và được tinh chỉnh. Trang phục bên ngoài của nam giới ngày càng ngắn, còn kiểu tóc của nữ giới ngày càng cao, cho đến khi chúng trở thành những chiếc nón nhọn cao với mạng che treo lơ lửng, thu hút trí tưởng tượng của mỗi người kể từ đó.


AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Art_Painting Những gì làm nên một Nguyễn Tư Nghiêm như "một mệnh đề đứng riêng", theo cách nói của Thái Bá Vân, là các đề tài mang màu sắc văn hoá dân tộc, và cùng với đề tài là các hoạ tiết xuất xứ từ di sản nghệ thuật dân gian. Đề tài trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm là những điệu múa cổ, là hình ảnh Thánh Gióng, là hình ảnh Thuý Kiều & Kim Trọng - những nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học cổ điển Việt Nam, là 12 con giáp trong vòng xoay hoa giáp biểu tượng cho chu trình thời gian theo lịch pháp Á Đông...

Subscription

Fashionnet

Follow us