Xấu xí có phải quy chuẩn mới của tính thẩm mỹ?
Fashion Story Trong một thế giới dễ dàng để tiếp cận với cái đẹp, có lẽ sự xấu xí là lối thoát duy nhất để nổi bật khỏi đám đông
Dường như chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự xấu xí được ưa chuộng, cuối cùng ta sẽ nhìn lại chúng với con mắt khinh bỉ lạ thường, giống như những năm 80s. Đôi giày mang tên Huarache của thương hiệu Nike, mặc dù nhìn chẳng khác gì bước ra từ bộ phim hoạt hình có tạo hình kì quái “Futurama”, bằng cách nào đó lại trở thành một trong những đôi sneakers nổi tiếng nhất hiện nay. Vetements đã trở thành ngôi sao của Haute Couture bằng cách tuyên bố một khái niệm thẩm mỹ hoàn toàn mới, những thiết kế mà chỉ có thế hệ Gothic trẻ mới cảm thấy hâm mộ.
Trong trường hợp của Vetements, ta có thể hiểu tại sao mọi người mặc sự sáng tạo "quá đà" ấy của tài năng Demna Gvasalia: sự cường điệu, độc nhất, tính uy tín với người tiêu dùng khi nhìn thấy giá niêm yết đắt đỏ trên những thiết kế đó, nhưng tất cả đều chỉ là triệu chứng của sự khao khát, thay vì chất xúc tác cần thiết. Không thể phủ nhận nghệ thuật trong các tác phẩm của anh ấy, ta có thể chiêm ngưỡng một bộ quần áo Vetements như một vật thể lạ, tuy nhiên, không ai có thể thuyết phục tôi rằng mình trông sẽ tuyệt đẹp khi khoác chúng lên người. Hương vị đó có thể mang tính cá nhân nhưng phải có nền tảng khách quan được hình thành: chất lượng như sự cân xứng và tỷ lệ. Kiến trúc cổ điển cảm thấy thỏa mãn vô cùng khi cấu trúc của nó được định hình bởi tỷ lệ của cơ thể con người. Nó phù hợp với tầm nhìn của chúng ta, khi ngắm nhìn chúng, ta cảm thấy hạnh phúc. Khi thiết kế có tỷ lệ vàng, tiềm thức của ta thấy chúng hấp dẫn theo bản năng, bất kể việc thị hiếu lại thường gắn liền với ý kiến và bản sắc. Những bộ trang phục “lộng lẫy”, quá khổ, không phù hợp của Vetements hoàn toàn bất đồng với những nguyên tắc thẩm mỹ này, tất nhiên chúng sở hữu sức hấp dẫn trái ngược của riêng mình và có lẽ đó là điểm mấu chốt: sự xấu xí chính là thứ khiến thương hiệu trở nên hấp dẫn.
Từ Instagram cho đến quảng cáo điện tử, rộ lên phong trào hình ảnh của những con người được tuốt tát hoàn hảo và một nụ cười không tì vết, lĩnh vực này trước nay đều tràn ngập những thẩm mỹ đẹp mắt. Ikea đã biến các căn hộ sinh viên trên toàn cầu thành các “phòng trưng bày” giá cả phải chăng với phong cách chủ nghĩa tối giản Scandinavia. Internet, bằng cách dân chủ hóa thông tin, cũng đã làm cho mạng lưới thẩm mỹ trở nên dễ tiếp cận hơn. Bên cạnh đó, khi trước đây, các kỹ thuật trang điểm chuyên nghiệp chỉ giới hạn cho các nghệ sĩ trang điểm và cộng đồng khách hàng biết tới họ, thì bây giờ các vlogger như Zoella, thậm chí trên kênh Youtube của các tạp chí như Vogue, Elle, luôn có chương trình dạy cho các bạn trẻ tuổi cách tự thực hành làm đẹp hay trang điểm. Bạn không còn phải thuê một nhà thiết kế nội thất để hô biến căn hộ của mình thành căn hộ trong mơ khi Internet chứa gần như hàng ngàn bài blog thiết kế nội thất bóng bẩy như trang web smut hay kho tàng Pinterest. H & M, hợp tác cùng Versace và Alexander Wang, cung cấp các nhãn hiệu xa xỉ với mức giá bằng giá sản phẩm từ xưởng nhân công rẻ mạt cho đối tượng khách hàng đại trà. Mặc đẹp không còn là một thách thức nữa, đó là tiêu chuẩn. Cuối cùng, thời trang cao cấp đặt ưu tiên lớn hơn cho việc khoe mẽ và độc quyền so với sự hấp dẫn về mặt thẩm mỹ. Tất cả những điều đó, sự thỏa mãn thị giác của chúng ta trong thế giới của Steve Jobs, nơi mọi người và mọi thứ đều vô cùng đẹp (theo nghĩa chuẩn của thuật ngữ này), rõ ràng nếu muốn nổi bật, ta phải khơi gợi sự nổi loạn và kì quái.
Ugly Model, một công ty người mẫu hoạt động thành công từ năm 1969, đã xây dựng toàn bộ mô hình kinh doanh của họ dựa trên sự hiện thực hóa này, một mô hình đã làm điên đảo thị trường các khách hàng uy tín như Calvin Klein, Diesel và Vogue. Vượt trên cả tính thẩm mỹ thị giác, quảng cáo ca sĩ opera của GoCompare sử dụng những sản phẩm hình ảnh kích thích một cách khó chịu, được cho là một hình thức xấu xí khác, để khắc sâu vào tâm lý của bất kỳ ai không may phải chịu đựng chúng. Rõ ràng, có một sự hấp dẫn nhất định về sự xấu xí, điều mà Gvasalia đã nhận ra và khẳng định rằng: "Vetements luôn luôn thật xấu xí, đó là lý do tại sao chúng ta thích nó". Vetements mặc dù vẫn không thể hoàn toàn đột phá ở thế giới này, nó được xem như là sự miệt thị, hoặc đi ngược lại với giá trị thẩm mỹ, nhưng các nhà tư tưởng và nghệ sĩ đã bị thu hút bởi sự xấu xí đó trong hơn một thế kỷ. Nhà triết học người Đức, Karl Rosenkranz, đã đặt ra thuật ngữ "tính thẩm mỹ của sự xấu xí" từ năm 1853. Vào buổi bình minh của thế kỷ 20, các nhà theo chủ nghĩa biểu hiện của Vienna như Oskar Kokoschka, Egon Schiele, và người tiền nhiệm của họ, Gustav Klimt, đã thách thức khái niệm của thẩm mỹ tuyệt đối và đặt câu hỏi về niềm tin rằng vẻ đẹp là mục đích vốn có của tất cả các hình thức nghệ thuật.
Chủ nghĩa biểu hiện là một phản ứng chống lại vẻ đẹp cổ điển cũ kỹ của Makartstil, Áo, rất nổi bật vào thời điểm đó. Nó mô tả, tôn vinh vẻ đẹp của những người bệnh và bị biến dạng, gái mại dâm và những người bị thiệt thòi bởi quá trình đô thị hóa gần đây. Đó là một phong trào đồng hoá sự xấu xí với sự thật, và xem nghệ thuật chiếm ưu thế của thời đại là một "khu ổ chuột" đẹp và chân thực. Các nhà theo chủ nghĩa biểu hiện tin rằng vẻ đẹp của nghệ thuật cổ điển khiến nó bất lực trong việc minh họa hiện thực đáng ghét của thế giới xung quanh. Vẻ đẹp, trong tất cả các hình thức, là quá đơn giản để chấp nhận. Xấu xí lại có sức mạnh để lật đổ, như vậy, thường được quy vào lãnh thổ của sự cấp tiến. Nguyên tắc này cũng thể hiện ở các hình thức nghệ thuật khác. Trong bối cảnh khó khăn của thập niên 80, các ban nhạc như Black Flag và Minor Threat đã chống lại sự sản xuất quá mức nhạt nhẽo của kỷ nguyên rock tại sân vận động thập niên 70 và cách chơi nhạc punk giai điệu đơn giản. Thay vào đó là tiếng nhạc chói tai với những bản nhạc chỉ dài khoảng một phút. Giống như định nghĩa nghệ thuật của những người theo chủ nghĩa biểu hiện (Expressionist), đó là âm nhạc phản ánh vấn đề của thời kỳ. Nó hoàn toàn mang tính cách mạng, được nhớ đến như một trong những điều quan trọng nhất của thế kỷ 20, mà ảnh hưởng của nó vẫn còn vang dội cho đến ngày nay.
Có lẽ đó là điều ta nên nói về cái đẹp: nó thường quá thụ động để trở nên đáng nhớ. Nó làm dịu tâm hồn, sự hiện diện đơn thuần của nó là một nguồn cảm hứng đầy thỏa mãn. Không có gì thách thức khi nhắc tới nó. Apple, với nét hoàn hảo trong thiết kế, sẽ luôn đại diện cho sự “tù đày” của tình trạng thời đại. Mặt khác, xấu xí (đặc biệt là xấu xí có chọn lọc) lại sở hữu sức mạnh để lật đổ, người ta gọi chúng là sự cấp tiến. Nó có quyền lực thay đổi quan điểm, định hình hương vị và tất nhiên, điều đó hấp dẫn hơn gấp nhiều lần với sự đơn thuần.
Dịch: Chi Hoàng. Nguồn i-d
FASHIONNET là một ngôi nhà lạc quan, sống động nhưng tràn đầy cảm xúc, với sự ấm áp, thân tình. Fashionnet, nơi chiếu những bộ phim tuyệt vời, những buổi gặp gỡ yêu thương củanhững người yêu nghệ thuật, champagne, trà và lụa. FASHIONNET là thời trang, làm đẹp, nhiếp ảnh, hội họa là một nguồn vui sống tích cực và sinh động, vì phụ nữ hạnh phúc thì thế giới mới tốt đẹp. Fashionnet tại 7 Bis Nguyễn Thị Minh Khai, phưòng Bến Nghé, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Hotline: 093 406 8088