288
19 Tháng 08 10:15 am

Neri Oxman và những thiết kế nuôi dưỡng thiên nhiên

 Oxman coi phòng thí nghiệm của cô như một ‘con thuyền Noah’, nơi cô thực hiện nhiệm vụ giới thiệu ‘một loại hình thiết kế mới có thể đối phó với những khủng hoảng quan trọng” như sự nóng lên toàn cầu, nạn nghèo và hiện tại là COVID-19. Đối với cô, khoa học nên được ứng dụng không chỉ để tạo lợi ích cho nhân loại, mà nên được phục vụ để biến mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.

Oxman là giáo sư chuyên ngành nghệ thuật và nghiên cứu truyền thông tại Phòng nghiên cứu Truyền thông MIT, nơi cô ấy sáng lập và lãnh đạo tổ chức Mediated Matter. Cô tạo ra cụm từ “hệ sinh thái vật liệu” để giải thích quá trình tổng hợp những vật liệu khoa học, công nghệ chế tạo điện tử và thiết kế hữu cơ để tạo ra những kĩ thuật và vật liệu có cấu trúc, hệ thống và gu thẩm mỹ từ thiên nhiên. Bằng việc kết hợp các công thức máy tính với những nghiên cứu chuyên sâu về những hiện tượng tự nhiên, có thể nói hệ sinh thái vật liệu là sự giao thoa giữa sinh học, kỹ thuật xây dựng, khoa học máy tính và vật liệu. Mọi nhân tố trong thiên nhiên như cành cây bạch dương, cấu tạo của động vật giáp xác, hành vi của loài tằm, những biểu hiện của melanin hay hệ hô hấp của loài người đều giúp Oxman và các cộng sự tìm được những thiết kế hoàn toàn mới lạ. Mỗi dự án đều tạo nên những đột phá nhất định, nhưng khi đứng chung lại với nhau, chúng hình thành nên một nền tảng triết lý của riêng mình về thiết kế và xây dựng. Neri Oxman được mệnh danh là Leonardo Da Vinci thời hiện đại vì cô không ngừng tìm kiếm học hỏi để tạo ra các tác phẩm vô cùng độc đáo, ấn tượng.

 

Ví dụ như tác phẩm, Silk Pavilion I, được đặt trong gallery nơi cô đã cho thấy sự khéo léo ấn tượng của loài tằm nhỏ bé. Chỉ với một chút điều chỉnh ở môi trường sống của chúng, loài tằm đã có cơ hội phô bày khả năng kì diệu của mình đến với thế giới, mở ra những tiềm năng khổng lồ có thể đạt được nếu ta hợp tác với loài vật này.

Những cấu trúc ấn tượng được xây dựng bởi loài tằm trong Silk Pavilion II

Trong bối cảnh xã hội bất ổn, thật rõ ràng rằng chúng ta đang rất cần những người có thể hiện thực hóa giấc mơ như Oxman, những người có khả năng kết hợp các kiến thức đã có trong quá khứ với những công nghệ tiên tiến nhằm đưa ra các giải pháp chưa từng có trước đây. Neri Oxman, với những ý tưởng đột phá của cô đã tạo cơ hội để chúng ta xây dựng một thế giới mới. Thế giới không chỉ mang lại lợi ích cho chúng ta mà cho môi trường, các loài động vật và chính bản thân nó

Có phải rằng vai trò chính của bạn là giúp truyền cảm hứng để mọi người thỏa sức mộng mơ và sáng tạo, vượt khỏi mọi giới hạn của trí tưởng tượng con người và thách thức những hệ thống mà chúng ta đã thiết kế cho xã hội hiện tại?

Mỗi người chúng ta đều có những khả năng lớn hơn những gì bạn từng nghĩ. Chúng ta đều có các khả năng như suy nghĩ, mơ mộng, đặt câu hỏi. Ngay lúc này, hãy cùng tạm ngưng và xem xét lại hệ thống mà chúng ta thiết kế cho bản thân và cho môi trường, ít nhất là từ lúc cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu. Khi ta nhận ra những hiểm họa tiềm ẩn trong hệ thống hiện tại: nạn dịch và sự thay đổi khí hậu là một vài trong số chúng, lúc đó ta hiểu được rằng đơn giản là không còn cách nào khác. Tưởng tượng, suy nghĩ và xây dựng thế giới tương lai phương án tốt nhất mà chúng ta có thể thực hiện ngay lúc này.

 

Dự án Silk Pavilion I

Bạn đã từng nói rằng mục tiêu của phòng thí nghiệm Mediated Matter là giải quyết hàng loạt vấn đề khác nhau, “từ bệnh sốt rét cho đến sinh sống tại sao Hỏa,” bằng cách ứng dụng thiết kế, công nghệ, khoa học, và sinh học. Quả là mục tiêu thú vị nhưng cũng vô cùng tham vọng.

Từng bước, từng bước một! Chìa khóa để chúng tôi thực hiện nhiều dự án ở nhiều quy mô khác nhau cùng một lúc là ứng dụng một góc nhìn có hệ thống. Sự nóng lên toàn cầu không có sự phân biệt giữa các công trình hay con người; những ảnh hưởng của chúng là không tránh khỏi và bao trùm lên tất cả. Vì vậy, các giải pháp của chúng tôi cũng phải tương tự như vậy: mang tính khả thi và có thể ứng dụng ở bất kì hoàn cảnh nào.

Lấy ví dụ: trong hai dự án gần đây, Aguahoja và Silk Pavilion, chúng tôi đã ứng dụng tác phẩm kiến trúc sắp đặt để thách thức ý niệm phân hủy và thuần hóa ở các quy mô khác nhau. Aguahoja khám phá quá trình sản xuất, tiêu thụ, và ảnh hưởng của những sản phẩm được thiết kế để phân hủy theo thời gian. Trong khi đó, đối với Pavilion, chúng tôi thiết kế một mái vòm kiến trúc rồi ‘mời’ các loài vật đã được thuần hóa cùng tham gia xây dựng.

Mặt nạ Vesper III với cấu trúc phức tạp được in 3D và các họa tiết được tạo ra bởi những vi khuẩn sống trong hơi thở con người

Đối với Vesper, ban đầu chúng tôi chỉ có ý định khám phá mặt nạ người chết cổ đại ở khía cạnh nghệ thuật nhưng cuối cùng nó trở thành một dạng vật liệu mới mà chúng tôi đặt tên là Hybrid Living Materials (HLMs) kết hợp giữa các vật chất sống và trơ;  tận dụng chức năng của cả chất hữu cơ và vô cơ. Đặc biệt đối với dự án này, một loạt tiềm năng xuất hiện liên quan đến việc kiểm soát sự lập trình của gen, ứng dụng nó vào công nghệ in ấn 3D. Lấy ví dụ, chúng tôi nghiên cứu cách tạo ra một loại mặt nạ đặc biệt, được tùy chỉnh để phù hợp với hệ di truyền của người dùng, có khả năng bổ sung những hợp chất hóa học có ích như vitamin, kháng sinh và kháng khuẩn. Một số ứng dụng khác có thể kể đến là bao bìa thông minh có thể phát hiện ô nhiễm hay lớp da được thiết kế để có thể liên tục thích ứng với các nhân tố trong môi trường.

Không thể phủ nhận rằng, nếu bạn giới hạn bản thân với một quy mô hay một lĩnh vực nhất định - bao bìa, quần áo, kiến trúc hay thành phố - bạn sẽ thu được một giải pháp chuyên sâu nhắm thẳng vào vấn đề. Tuy nhiên, chỉ khi bạn hoạt động theo một góc nhìn có hệ thống thì bạn mới có thể tìm ra những hướng đi mới có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực thiết kế khác nhau.

Quá trình thiết kế mặt nạ Vespers III

Trong góc nhìn này, mọi vấn đề đều quan trọng như nhau: hòa bình thế giới, xóa nạn đói nghèo, hay chữa ung thư. Các nhà thiết kế phác ra một hệ thống trong đó đa dạng các vấn đề được đề cập đến, trên nhiều quy mô theo nhiều quy tắc khác nhau. “Sản phẩm” giờ đây là một thực thể sống, được thiết kế với mục tiêu sinh thái học cụ thể. 

Chúng thuộc về một hệ thống trong đó môi trường thiên nhiên và môi trường nhân tạo hòa hợp với nhau: các thực thể vừa tương tác với cơ thể con người vừa tương tác với môi trường xung quanh. Bằng cách thiết kế sự tương tác giữa các thực thể, cơ thể con người và môi trường sống, đội ngũ chúng tôi cũng giúp thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực Vật liệu Sinh thái (Material Ecology).

Bạn làm việc chủ yếu với các ý tưởng liên quan đến việc nâng cấp các vật chất sống, bạn có nghĩ rằng nhân loại đã sẵn sàng với những công nghệ cách mạng như vậy? 

Chúng ta chưa bao giờ sẵn sàng cho những điều mới. Trong đó bao gồm những sáng tạo như máy in ấn, kiến trúc sinh học hay các vấn đề nghiêm trọng như COVID-19.

Dự án Totems

Về cơ bản, nguyên liệu để thiết kế sự sống rất đơn giản: tất cả những gì bạn cần là một trung gian mang thông tin di truyền có thể kích hoạt sự phát triển, hoạt động chức năng, và những thay đổi diễn ra cho đến khi chết, cũng như quá trình tái sản xuất - nếu bạn quan tâm đến phần sinh sản. Tử cung nhân tạo và bào thai làm từ tế bào da vốn đang cách mạng hóa ngành sinh học sinh sản. Nhưng ở vai trò là một nhà thiết kế sản phẩm, việc tạo ra một sự sống không có chức năng sinh sản sẽ luôn dẫn đến việc thiết kế các thực thể sống, dù theo hướng tốt hay xấu. 

Những dự án có thể so sánh được sẽ không được công nhận. Chỉ khi những gì bạn đã tạo ra cần đến một hệ thống quản lý mới cho chính nó thì khi đó bạn mới thật sự đột phá. Sự mới mẻ yêu cầu bạn phải thách thức những niềm tin trước đây của mình, bỏ qua những giới hạn để trải nghiệm trọn vẹn những điều mới. Cho dù chúng ta chưa sẵn sàng thì chúng ta bắt buộc phải tiến bước với một tầm nhìn nhất định.

Theo kinh nghiệm của bạn, có bất kì khía cạnh nào của tự nhiên đã ‘khước từ’ sự tổng hợp nhân tạo (synthetic integration) từ các dự án, hay tự nhiên luôn có cách để tiến hóa thành các sản phẩm mới?

Quả là một câu hỏi tuyệt vời. Sự ‘tổng hợp nhân tạo’ chính là cốt lõi của mọi việc chúng tôi làm, và chúng chưa bao giờ có tính áp đặt. Thật ra là ngược lại, chúng tôi đã phát triển một hệ thống hợp tác với thiên nhiên gọi là ‘ khuôn mẫu’. Nói một cách đơn giản, một khuôn mẫu là một bộ khung có quy tắc cụ thể được đặt vào thiên nhiên với mục tiêu định hướng sự phát triển của nó nhằm thỏa mãn một điều kiện chức năng, cấu trúc hay môi trường nhất định. Dự án Langstroth - một tổ ong được thiết kế theo chiều dọc - là một ví dụ tiêu biểu: bộ khung cho phép loài ong xây tổ bên trong theo hình dáng mong muốn và nó cũng có thể được di chuyển một cách dễ dàng.

Thiết kế tổ ong trong dự án Synthetic Apiary

Mặt khác, các khuôn mẫu môi trường tận dụng những năng lượng điện từ như ánh sáng để định hướng và xác định thông tin vật liệu. Đối với Silk Pavilion I chúng tôi ứng dụng khuôn mẫu môi trường dưới dạng ánh sáng và nhiệt để định hướng di chuyển của các con tằm trên bề mặt kiến trúc, từ đó xác định kết cấu và quy tắc phân phối tơ tằm trên bộ khung. Cuối cùng, một khuôn mẫu di truyền ứng dụng các hợp chất hóa học được sử dụng để thúc đẩy sự tự tái tạo trên quy mô phân tử, từ đó cũng thúc đẩy sự phát triển của loài tằm. Nhà thiết kế đóng vai trò như một nhà tổ chức hay người làm vườn, tìm kiếm sự tương hợp giữa các nhân tố tham gia và cấu trúc bộ khung một cách cần mẫn. Thời điểm mà  tự nhiên có thể giải mã hệ thống có quy tắc này để thách thức nó cũng là thời điểm khuôn mẫu bị phá vỡ. Mọi thứ sẽ trở nên rất thú vị từ đây.

Một người Israel khác cũng đang là một nhà tiên phong trong lĩnh vực công nghệ nano giống bạn, Oded Shoseyov, anh ấy chia sẻ rằng, “Một điều khiến tôi bận lòng rằng khả năng cao sau khi tôi chết tôi vẫn không nhận ra và chú ý tới vô vàn thứ tuyệt vời mà thiên nhiên đã tạo ra.” Bạn có bao giờ suy nghĩ tương tự không?

“Khi mọi thứ kết thúc, tôi muốn nói rằng: cả cuộc đời tôi đã là một cô dâu kết hôn với điều kì diệu. Tôi là chú rể, ôm trọn thế giới vào vòng tay. Tôi không muốn chỉ ghé qua thế giới này.” Mary Oliver từng nói.

Tôi hiểu và trân trọng quan điểm của Giáo sư Shoseyov, và bản thân cũng rất ngưỡng mộ anh ấy. Tôi muốn được trình bày một góc nhìn khác, có lẽ mang tính bổ trợ cho câu của anh: “Nếu chúng ta có thể nhận thấy tất cả mọi thứ thiên nhiên đã tạo ra, cuộc đời ta sẽ chỉ còn lại những đáp án, và không còn bất kì câu hỏi nào được đặt ra, hay một điều kì diệu để đi tìm.”

Việc chúng ta sống mà không nhận thấy hết những điều kì diệu cũng là một phúc lành! Thiên nhiên vô cùng rộng lớn và nắm giữ vô vàn bí ẩn. Sau hàng thế kỷ nhân loại vẫn đang mò mẫm những định luật cơ bản của khoa học vật lý và bản chất sự tồn tại của chúng ta. Trách nhiệm của chúng ta là phải tạo điều kiện cho thế hệ sau được tận hưởng niềm vui chứ không phải buồn bã khi khám phá những điều kỳ diệu mà thế hệ trước đã không được thấy.

Chị có nghĩ rằng chúng ta cần phải chấp nhận rằng thiên nhiên luôn có những thứ không thể giải thích được và rằng những thứ đó có thể giúp đỡ chúng ta?

Sự bí ẩn là tiền đề cho sự mới mẻ. Nó có lý do riêng để tồn tại. Tôi tin rằng để có thể thiết kế hướng đi đối phó với những khủng hoảng môi trường mà chúng ta đã tạo ra thì trước hết phải học ngôn ngữ của mẹ thiên nhiên. James Lovelock tin rằng mọi thực thế sống và môi trường xung quanh tạo nên một hệ thống tổng  hợp phức tạp giúp duy trì điều kiện sống của mọi thực thể trên thế giới. Sự tự kiểm soát là cốt lõi ở đây. Khi chúng ta tuân theo những nguyên tắc của học thuyết Gaia, khái niệm quan trọng sẽ bị thách thức: Một công trình chỉ thật sự ý nghĩa khi sự lụi tàn của nó có thể nuôi dưỡng những sự sống mới.

Dự án Aguahoja II

Bạn coi thiên nhiên như một danh sách cơ hội, hay như một nguồn cảm hứng để bắt chước, hay cả hai?

Tôi muốn nhắc lại câu của Jorge Luis Borges “Tôi đã luôn tưởng tượng rằng Thiên đàng sẽ là một dạng thư viện.” Cũng tương tự như vậy tôi đã luôn coi thiên nhiên như một thư viện quy mô vũ trụ. Tuy nhiên chúng ta đã mượn của nó quá nhiều mà không trả lại, và bây giờ chúng ta đang phải trả giá.

Trái đất đã tồn tại ít nhất được 4.5 tỷ năm, và chúng ta không hơn gì một ký tự trong quyển biên niên sử của nàng. Tuy vậy, chúng ta lại đang đe dọa đến sự tồn vong của cô ấy. Nếu thiên nhiên đối với chúng ta là người mẹ 200,000 tuổi thì con người là những đứa con tàn bạo, không biết suy nghĩ, thách thức sự kiên nhẫn của cô bằng cách đốt than và thải ra hàng nghìn tấn rác hằng năm. Trong khi chúng ta, những thành viên của nền văn minh nhân loại, vẫn chật vật sửa chữa những hậu quả do khí carbon và nhiên liệu đốt để lại - thì mẹ thiên nhiên vẫn đang già yếu đi, đến mức cô ấy không còn có thể chăm sóc cho chúng ta nữa. Câu hỏi cần đặt ra ở đây là thiết kế có ý nghĩa như thế nào với mẹ thiên nhiên? Và làm thế nào chúng ta có thể tạo ra sự tương tác giữa trái đất và con người? Nếu ta phải cứu một trong hai thì ta sẽ chọn ai? Và cứu như thế nào?

Từ dự án Wanderers cho đến Silk Pavilion, tất cả đều là những dự án tham vọng không thể tin được cho phép chúng ta nghĩ đến một tương lai nơi ta tạo ra những hệ thống biết tự suy nghĩ, nơi mà thiên nhiên bắt đầu tương tác với chúng ta thay vì chỉ bị lạm dụng. Bạn có đồng ý với nhận định này không?

Hoàn toàn đồng ý

Chỉ nói riêng các dự án của chúng tôi, chúng tôi đã định ra một loạt tương tác có thể xảy ra giữa nhà thiết kế và thế giới thiên nhiên, trong đó có việc bắt chước những nhân tố trong tự nhiên (Imaginary Beings). Sau đó chúng tôi chuyển sang việc xây dựng các nền tảng cho phép chúng tôi cộng tác với các loài động vật (Silk Pavilion). Và ngày hôm nay, thông qua việc úng dụng các công cụ như sinh học tổng hợp chúng tôi có thể thiết kế chính bản thân môi trường, và giúp đỡ thiên nhiên tự chữa lành nếu muốn. Mối quan hệ giữa chúng tôi với thiên nhiên tiến hóa từ việc bắt chước đến việc ‘nâng cấp’, thể hiện khả năng chăm sóc thiên nhiên qua thiết kế.

 

Dự án Aguahoja

Có loại vật liệu nào bạn đã đặt nhiều hi vọng nhất trên thế giới ở khía cạnh bền vững không và tại sao?

Câu hỏi này cũng giống như việc bạn hỏi tôi yêu thích đứa con nào hơn vậy. Tôi yêu tất cả các loại vật liệu như nhau, yêu những đặc tính của chúng. Tôi đã luôn chú trọng vào quá trình hình thành hơn là cấu trúc hoàn thiện của nó; hay quá trình điều chỉnh vật liệu hơn bản thân vật liệu đó . Đó là lí do vì sao tôi đặt tên nhóm nghiên cứu của mình tại MIT là ‘Mediated Matter’ (Vật chất Trung gian) - như một thông điệp rằng vật liệu là trung gian để thể hiện thiết kế và ý định của thiết kế.

Ở góc nhìn bền vững, chúng tôi đã đầu tư rất nhiều thời gian và tài nguyên vào các vật liệu tự nhiên và làm việc với các sinh vật hữu cơ.

Ví dụ đối với Aguhoja I, chúng tôi đã thể hiện cách xây dựng với các vật liệu phân hủy sinh học với thành phần có thể được điều chỉnh các thông số như vòng đời và tốc độ phân hủy qua công nghệ kỹ thuật số. Các polymer sinh học này, được tạo chủ yếu từ những vật liệu dồi dào trên hành tinh - cellulose, chitosan và pectin - được sản xuất bằng máy móc ở nhiều quy mô khác nhau từ milimet đến mét. Trong cuộc sống, các vật liệu này quy định các thành phần của mình để phản ứng lại các tác nhân nhiệt và độ ẩm; khi chết, chúng phân hủy trong nước để tạo nhiên liệu cho các sự sống mới. Trong dự án này, chúng tôi cho thấy cách các hợp chất hữu cơ có thể được tạm thời kéo ra khỏi môi trường sống tự nhiên của nó để tham gia vào việc xây dựng và bảo dưỡng các hệ thống sinh học và được thiết kế để phân hủy theo lập trình để tiếp tục vòng lặp đã sản sinh ra chúng, một vòng lặp không có chất thải.

Đối với Aguahoja II, chúng tôi ứng dụng vật liệu từ các dòng rác thải hữu cơ và nâng cấp chúng với các thành phần có thể cho phép chúng giao tiếp với các sinh vật hữu cơ khác, những loài cộng sinh trong môi trường sống. Chúng tôi ứng dụng những bước sóng ánh sáng khác nhau (màu sắc) cũng như nhiều vị và mùi hương (quế, củ nghệ, bột củ dền, matcha,…) và các đặc tính bề mặt (thô ráp và nhầy nhụa) để thu hút các con vật thụ phấn, chống côn trùng, và tương tác với các chất tổng hợp được thiết kế khác. Ví dụ, hệ sinh thái nhiều bướm và bướm đêm sẽ thu hút các loài không xương sống khác, thứ sẽ nâng cao sức khỏe của cả hệ sinh thái.

Liệu lĩnh vực thiết kế này có nguy cơ tiềm ẩn nào không?

Cũng như với các công nghệ mới hay những lĩnh vực khoa học, luôn tồn tại những rủi ro và phần thưởng cần được cân đo đong đếm liên tục. Khả năng thao túng hệ thống sinh học đã giúp tiến hóa những công nghệ tối tân hiện tại như tổng hợp gen, giải mã trình tự gen hay ngành vi chất lỏng với những ứng dụng như cảm biến sinh học, khám phá vũ trụ, hay các dược phẩm được thiết kế để điều chỉnh vi khuẩn sao cho chúng tự cảm nhận và phản hồi đối với từng giai đoạn ung thư.

Nhưng cũng như các dạng vật chất khác, sẽ luôn tồn tại một lượng rác thải nhất định và thậm chí một số nguy cơ tiềm ẩn. Tuy nhiên không có nghĩa rằng những công nghệ này không được phép phát triển. Thay vào đó, chúng nên được nghiên cứu kỹ để có thể được ứng dụng một cách sâu sắc và phù hợp.

Dự án Fiberbot - Dự án kiến trúc được xây dựng tự động bởi robot

Phòng nghiên cứu của bạn bao gồm nhiều thành viên từ các lĩnh vực khác nhau như nhà nghiên cứu vật liệu, nhà sinh học.. Bạn có nghĩ các ngành công nghiệp khác nên có sự tích hợp như vậy trong hệ thống của họ không?

Tôi coi đội ngũ của mình cũng như các dự án của chúng tôi là một dạng thử nghiệm cho một loại hình thiết kế mới nhằm giải quyết những khủng hoảng toàn cầu (sự ấm lên toàn cầu, nạn nghèo đói, ung thư, và hiện tại là COVID-19) thông qua thiết kế. Những loại vật liệu và kiến trúc nào chúng ta cần để sống sót qua những khủng hoảng về sinh thái học, văn hóa và công nghệ xung quanh ta? Nói cách khác: giả sử như thế giới sắp tan biến một cách đột ngột, và chúng tôi phải chạy đến phòng nghiên cứu, lấy bất kỳ thứ gì trong tủ lạnh và máy ấp rồi bảo tồn nó trong thuyền Ark, thì chúng tôi sẽ cứu những gì? Làm sao chúng tôi có thể nuôi dưỡng thiên nhiên bằng thiết kế đồng thời không làm hại đến các quy tắc tự nhiên? Những loại dự án nào có thể cứu thế giới khỏi chính nó? Aguahoja? Để đạt được điều này, chúng tôi cần những mô hình và phương pháp thiết kế mới, một hình thức hợp tác ít quy tắc hơn, linh hoạt hơn. 

Mục tiêu cuối cùng của bạn trong các dự án là gì? 

Mục tiêu ra đời của Bản giao hưởng số 9 (Ninth Symphony) là gì? Hay Sagrada Familia, kiệt tác kiến trúc tại Tây Ban Nha? Hay của những kỳ quan thế giới như Vườn treo Babylon?  Tôi không nghĩ rằng tôi sống vì một mục tiêu sống cụ thể hay coi những ‘thành tựu’ như những thứ truyền cảm hứng. Đội ngũ của tôi được thúc đẩy bởi những điều kỳ diệu trong cuộc sống và mong muốn đưa môi trường xây dựng đến gần hơn với thiên nhiên. Quy mô hay ứng dụng của thiết kế không thúc đẩy chúng tôi, thay vào đó, đội ngũ của tôi coi việc nghiên cứu này như một lối sống!

Bài dịch tổng hợp - Phúc Hồ - thuộc bản quyền của Fashionnet.vn, vui lòng ghi rõ nguồn khi muốn đăng tải. 

________________________________________________

G Studio 

Art Design Center 

vietnamcolor.vn - fashionnet.vn

Contact: 0903788646 - 0903975081

Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \

Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)

30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City 

 

Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn. 

HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.

Olafur Eliasson, nghệ thuật của không gian

Olafur Eliasson, nghệ thuật của không gian

Art I Design_Study Olafur Eliasson là một nghệ sĩ người Iceland - Đan Mạch được biết đến với nghệ thuật sắp đặt điêu khắc có quy mô lớn sử dụng các nguyên liệu cơ bản như ánh sáng, nước và nhiệt độ không khí để nâng cao trải nghiệm của người xem

Phần 2: Bước đầu của một giám tuyển nghệ thuật

Phần 2: Bước đầu của một giám tuyển nghệ thuật

Art I Design_Study Về cơ bản, bạn có thể trả lời rằng một giám tuyển nghệ thuật có trách nhiệm trông nom một bộ sưu tập hội họa và tổ chức các buổi triển lãm. Nhưng nếu bạn bị kẹt ở trên một chuyến bay đêm dài 42 tiếng, đây là một bối cảnh mà bạn có thể dùng để mô tả về nghề này.

5 điều bạn chưa biết về chủ nghĩa siêu thực

5 điều bạn chưa biết về chủ nghĩa siêu thực

Art I Design_Study Chủ nghĩa Siêu thực không phải là một phong cách - mà là một trạng thái của tâm trí. Nó muốn lật đổ thực tế, để tìm thấy điều kỳ lạ trong cuộc sống hàng ngày; để khai thác những mong muốn vô thức của chúng ta và mang lại những giấc mơ cho cuộc sống. Và đối với nhiều nghệ sĩ trên khắp thế giới, đó là một cách để thách thức quyền lực và tưởng tượng về một thế giới mới.


VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

Pro_Creative ĐI & VỀ, ĐI để vẽ nên màu của mình, chúng ta là Màu Việt Nam. Khi người nghệ sĩ chọn chất liệu, họ say mê bề mặt của giấy, toan, đất, vải, vóc, sơn hay bất kỳ kết cấu nào tạo ra cảm xúc để sáng tạo. Người thưởng ngoạn hít thở sâu, nhắm mắt, lắng nghe từ trực giác, mở mắt để thấu cảm màu sắc, hình, khối, vẻ quyến rũ từ chất liệu, tài năng của người nghệ sĩ, hòa nhịp làm nên câu chuyện sáng tạo. Khi bắt đầu chạm, sẽ hiểu rồi yêu, điều này vô cùng quý giá cho hành trình khám phá nghệ thuật ĐI & VỀ, ĐI của mỗi người.

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Subscription

Fashionnet

Follow us