Ikko Tanaka x Issey Miyake: Đồ họa gặp gỡ Thời trang
Art I Design_Study Issey Miyake: “Ngài Tanaka không ngừng thách thức sự hình thành của những giá trị mới, và tôi cũng muốn chia sẻ đến càng nhiều người càng tốt sự quan trọng và niềm vui của thiết kế bằng cách thể hiện các tác phẩm ấn tượng đó qua trang phục.”
Ikko Tanaka (1930-2002), một trong những nhà thiết kế đồ họa người Nhật nổi tiếng nhất vào nửa sau của thế kỷ 20. Sự thiên tài của nhà thiết kế nằm ở khả năng truyền đạt những thông điệp phức tạp thông qua những phương pháp tối giản, trực quan.
Sự sáng tạo và ngôn ngữ thiết kế của Ikko Tanaka kết hợp giữa chủ nghĩa hiện đại với bản sắc nghệ thuật cổ đại của quê hương. Sự độc nhất vô nhị của thiết kế Nhật Bản nằm ở chỗ chúng ta có thể ‘đọc’ những ý tưởng sâu sắc thông qua những hình thù đơn giản, màu sắc trơn, kết cấu rõ ràng. Ngoài ra, nghệ thuật đương đại Nhật Bản cũng có mối quan hệ sâu sắc với những truyền thống cổ đại.
Trong sự nghiệp kéo dài hơn 50 năm của mình, ông đã xây dựng danh tiếng quốc tế đáng nể và truyền cảm hứng cho những thế hệ nhà thiết kế và nghệ sĩ hậu bối. Số lượng tác phẩm ông thực hiện cũng như sự đa dạng trong thể loại được giới thiết kế khắp thế giới ngưỡng mộ.
Phong cách của Tanaka đặt trọng tâm vào tính hiệu quả (mục tiêu của áp phích suy cho cùng là để quảng cáo), sự đơn giản trong kết cấu và màu sắc, tính quán triệt và chính xác, và đặc biệt là sẽ luôn có các khoảng không “trống”. Bố cục bất đối xứng này giúp việc đọc chữ trên áp phích không bị cản trở và dễ dàng hơn.
Phông chữ trong các tác phẩm của Ikko Tanaka đóng một vai trò đặc biệt và ông cũng thể hiện kỹ năng typography xuất sắc. Đối với Tanaka, những kí tự không chỉ đơn thuần để truyền tải thông tin, mà nó trở thành hình ảnh chính trong các tác phẩm. Thông qua những thử nghiệm ông đã tự mình sáng tác phông chữ riêng của bản thân: cocho. Ở Nhật Bản, tùy thuộc vào cách thức viết, cũng một câu văn sẽ mang những giá trị cảm xúc khác nhau. Đôi khi người Nhật Bản có thể tiếp nhận nhiều thông tin qua hình ảnh chữ tượng hình hơn là bản thân các ký tự đó.
Một trong những nền tảng của thư pháp Nhật Bản là chữ viết tay cũng phải thể hiện gu thẩm mỹ. Hình ảnh trực quan của riêng con chữ cũng quan trọng không kém vẻ ngoài tổng thể của thiết kế. Về màu sắc, nghệ thuật Nhật Bản được ảnh hưởng rất nhiều từ tranh chạm khắc gỗ ukiyo-e. Những đặc tính của loại tranh truyền thống này luôn hiện hữu trong các thiết kế đồ họa Nhật Bản thế kỷ 20. Có thể kể đến là sự phức tạp và đa dạng trong cách phối màu, yếu tố hài hước và phóng khoáng, tính trang trí và cả tính thực dụng.
Qua sự nghiệp sáng tạo của mình, Ikko Tanaka đã chứng minh được rằng công thức tạo nên thành công của người nghệ sĩ không chỉ nằm ở tài năng của anh ta, mà còn phụ thuộc vào hành trình đi tìm tự do trong sáng tạo của người đó. Hành trình này phải được xây dựng từ những văn hóa truyền thống đã hình thành nên người nghệ sĩ.
“Ngài Tanaka không ngừng thách thức sự hình thành của những giá trị mới, và tôi cũng muốn chia sẻ đến càng nhiều người càng tốt sự quan trọng và niềm vui của thiết kế bằng cách thể hiện các tác phẩm ấn tượng đó qua trang phục.” Issey Miyake chia sẻ
Nhà thiết kế người Nhật Issey Miyake theo học thiết kế đồ họa vào khoảng cùng thời điểm Ikko Tanaka bắt đầu sự nghiệp thiết kế của mình. Miyake tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Tama tại Tokyo, và sau đó làm việc tại Paris và New York. Năm 1970, ông quay lại Tokyo và thành lập Miyake Design Studio, bảy năm sau khi Tanaka mở studio thiết kế của mình. Phần lớn các thiết kế thời trang của Miyake được thúc đẩy bởi những đột phá trong thiết kế và công nghệ, nhằm khai phá tiềm năng văn hóa quê hương để tạo các thiết kế mang đậm tính Nhật Bản trên thị trường quốc tế.
Ikko Tanaka trong studio vào những năm 1970
Ikko Tanaka gặp Miyake vào những năm 1960 khi cả hai đều đang sống tại Tokyo, và hình thành một tình bạn thân thiết kéo dài đến tận khi Tanaka qua đời vào năm 2002. Cả hai đã hợp tác với nhau trong nhiều dự án, Ikko Tanaka thiết kế các poster cho những BST của Issey Miyake, và nhà thiết kế thời trang đã đưa những tác phẩm đồ họa ấn tượng vào những thiết kế thời trang đột phá không kém của mình.
Tanaka và Miyake không chỉ đơn thuần có gu thẩm mỹ tương tự nhau. Cả hai đều sinh vào những năm 1930, và thuộc thế hệ đang xây dựng lại Nhật Bản sau chiến tranh. Những thử nghiệm, sáng chế, đột phá, và, đặc biệt, tinh thần đồng đội là những khía cạnh quan trọng trong hành trình sáng tạo của cả hai. Cũng có thể cho rằng niềm đam mê chung đối với hình thù trừu tượng, khối màu (color block), kết cấu hình học của khuôn mặt và cơ thể chính là những yếu tố đã kết nối hai biểu tượng Nhật Bản này.
Tanaka đã từng thiết kế nhiều áp phích cho các bộ sưu tập mới của Issey Miyake. Trong đó, Tanaka sử dụng những thiết kế và phụ kiện trong bộ sưu tập của Issey Miyake để tạo nên một bố cục mới tương tự với các tác phẩm hình học của ông. Những hình thù tạo nên từ các thiết kế thời trang rất phức tạp và đặt ra nhiều giới hạn, tuy nhiên Tanaka đã khéo léo sắp xếp để chúng hài hòa với nhau bên trong cấu trúc khung áp phích. Tấm áp phích có thể coi như cách mà hình ảnh đồ họa của Tanaka tương tác với những tác phẩm do Miyake tạo ra, và cũng là những ví dụ tiêu biểu cho thấy sự tương hợp giữa họ về gu thẩm mỹ.
Các bộ sưu tập IKKO TANAKA x ISSEY MIYAKE
BST Ikko Tanaka x Issey Miyake đầu tiên
Thương hiệu Issey Miyake ra mắt bộ sưu tập Ikko Tanaka đầu tiên vào tháng 1 năm 2016. Sự nghiệp của Tanaka, người đã phá vỡ rào cản văn hóa với những thiết kế mang tính quốc tế, nổi tiếng với những cuộc ‘chơi đùa’ có chủ đích với họa tiết hình học để khám phá giới hạn giữa hai trường phái đối nghịch: chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa trừu tượng. Trong BST đầu tiên, ba tác phẩm nổi tiếng của Tanaka được đưa vào thiết kế của Issey, bao gồm ‘Nihon Buyo’ (1981), ‘200th anniversary of Sharaku’ (1995), và ‘Variations of Bold Symbols’ (1992). Issey khéo léo lồng ghép hình ảnh Nihon Buyo vào váy, áo choàng, và túi nhằm biểu hiện sự quyến rũ kín đáo của geisha Nhật Bản truyền thống. Hai tác phẩm còn lại, với những khối tròn và biểu tượng hình vuông đơn sắc, được dùng làm điểm nhấn chính trên trang phục. Cả bộ sưu tập này được thực hiện với mục tiêu tôn vinh sự hoa mỹ và năng động trong thiết kế và gu thẩm mỹ của Tanaka.
Nihon-buyo: Tấm áp phích này được thực hiện để quảng bá cho một buổi diễn vũ đạo Nhật Bản truyền thống tại Đại học California. Nó được cấu thành chỉ từ những hình khối phẳng đơn giản: hình tròn, tam giác, hình vuông… nhưng được sắp đặt khéo léo tạo thành hình ảnh rõ rệt minh họa người phụ nữ với mái tóc đậm chất Nhật Bản. Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của Tanaka, với bố cục hình học và màu sắc ấn tượng, kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp truyền thống Nhật Bản với sự duy lý của phương Tây.
Trong thiết kế này, Nihon Buyo được đưa vào chiếc áo choàng poncho. Khoảng màu trắng bên trên khuôn mặt nhân vật geisha nằm gọn gàng trên phần vai, trong khi khoảng màu đen, biểu thị cho mái tóc, giúp phần eo của người mặc trông thon gọn hơn.
200th anniversary of Sharaku, Ikko Tanaka, 1995
Một thiết kế trong loạt tranh Variations of Bold Symbols
Variations of Bold Symbols là loạt tranh khảm màu sắc kết hợp với biểu tượng được vẽ tay. Mục tiêu của nó là tôn vinh sự trừu tượng, tìm kiếm những hình thù phi tự nhiên, lạ lẫm đối với con người. Trong khi đó, tác phẩm kỉ niệm 200 năm ngày sinh của nghệ sĩ Tōshūsai Sharaku xếp chồng những khối hình tròn lên nhau để tạo thành hình ảnh khuôn mặt lấp ló, một loại hình tranh chân dung truyền thống mang tên Okubi-e, cũng là thể loại đã tạo nên danh tiếng của Sharaku.
Đối với BST thứ hai, Issey lấy cảm hứng từ những thiết kế thuộc bộ ‘Faces’ và ‘Bokugi’ của Tanaka. Cốt lõi của các thiết kế lần này là tôn vinh niềm vui của sự hợp tác, cùng nhau phát triển. Kết quả thu được từ sự giao thoa giữa hai cái tôi sáng tạo mạnh mẽ này là vẻ đẹp Nhật Bản thuần túy, đương đại nhưng không hề gượng ép.
Loạt thiết kế ‘Face’(Khuôn mặt) của Ikko Tanaka gồm hình ảnh những khuôn mặt siêu thực và độc đáo dùng để quảng bá các sự kiện vũ đạo và nghệ thuật kịch sân khấu - đặc biệt là những vở diễn Kabuki - cũng như là những buổi triển lãm, lễ hội, các thương hiệu truyền thông, mỹ phẩm và cả những nhà thiết kế thời trang. Phần lớn các nhân vật được khắc họa là người Nhật. Tanaka lấy cảm hứng từ phong cách thiết kế đồ họa của Mĩ và trường phái Bauhaus. Các tác phẩm của ông như cầu nối giữa văn hóa quê hương về mỹ thuật và thiết kế phương Tây. Mô-típ khuôn mặt sau này trở thành một trong những đặc trưng nổi bật nhất của Tanaka, được ông sử dụng từ những ngày đầu tiên cho đến các tác phẩm cuối cùng của ông.
Những ‘khuôn mặt’ mà Issey đưa vào thiết kế của mình được tạo ra vào những năm 90, cấu thành từ những khối màu vô cùng đơn giản. Chỉ một vài đường uốn lượn tinh tế được thêm vào để tạo thành hình khuôn mặt. Màu sắc của những thiết kế này được lấy từ cách phối màu Kasanenoirome, tên gọi của kỹ thuật phối màu xếp lớp kimono lưu truyền từ thời kỳ Heian (kéo dài từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 12). Chính các gam màu đó đã góp phần quan trọng tạo nên những hình ảnh đồ họa vô cùng ấn tượng và nguyên bản.
“Phong cách của Ikko Tanaka có thể tóm gọn lại là sự kết hợp ấn tượng giữa tính trừu tượng với sự hài hòa giữa những yếu tố đối nghịch; sự đơn giản đáng kinh ngạc này lại có khả năng biểu hiện sâu sắc, tinh tế và mạnh mẽ,” Corinna Rösner, nhà giám tuyển buổi triển lãm Faces tại Đức hồi năm 2018
Tương tự như tác phẩm Nihon Buyo trước đó, các khối hình học cấu thành nên khuôn mặt được đưa vào quần áo, nhưng theo một cách độc đáo hơn. Thay vì được đặt trên một mặt phẳng, chiếc váy này phụ thuộc vào những góc cạnh và chuyển động của người mặc để trưng ra phần mắt (dãy màu xanh dương ngang ngực), phần mũi (dãy màu xám giữa cơ thể), và phần môi (dãy màu hồng gần eo). Khi nhìn ở góc độ khác, chiếc váy vẫn gây ấn tượng với cách color block độc nhất vô nhị, nhưng khi chuyển sang một góc nhìn nhất định, chiếc váy sẽ hé lộ một tầng lớp giá trị nghệ thuật sâu sắc hơn.
Bokugi là thiết kế áp phích của Tanaka lấy cảm hứng từ thư pháp truyền thống và tranh mực. Các chi tiết trong những thiết kế này được Issey lồng ghép vào áo tunic, áo khoác và áo thun, và một bộ đèn di động có thể gập vào khi không dùng đến.
“Trong quá trình lựa chọn vật liệu, chúng tôi đã nghiên cứu các thiết kế gốc (của Tanaka) một cách nghiêm túc để cân nhắc cách để thể hiện chúng một cách hoa mỹ nhất trên phục trang,” thương hiệu Issey Miyake chia sẻ trên trang chủ.
“Bộ sưu tập này tôn vinh niềm vui trong quá trình tạo ra một thứ gì đó. Đây là thứ đã được truyền từ Ikko Tanaka đến Issey Miyake và đến cả đội ngũ thương hiệu cũng như tất cả những người liên quan trong khâu sản xuất quần áo. Khi niềm vui đó lan truyền đến cả những người mặc, chúng tôi hi vọng rằng những thiết kế lý tưởng này sẽ tự nói lên được tầm nhìn của người đã tạo ra nó.”
Tháng 3 năm 2018, Issey Miyake một lần nữa tri ân nhà thiết kế Ikko Tanaka thông qua bộ sưu tập thứ ba tiếp tục lấy cảm hứng từ những mô-típ xuất hiện nhiều lần trong sự nghiệp của Tanaka.
Không còn tập trung vào những khối hình học và khuôn mặt như 2 BST trước, lần này Issey tập trung hơn vào cách ứng dụng màu sắc, đường nét, typography và hình khối linh hoạt của Tanaka. Vẻ đẹp trọn vẹn của những thiết kế này chỉ có thể được chiêm ngưỡng khi chúng đang chuyển động, bằng cách đó những dãy màu rực rỡ và những họa tiết gợn sóng trên quần áo mới hiện lên rõ rệt nhất. Có thể thấy Issey cũng đã lấy cảm hứng từ lĩnh vực quần áo thể thao, qua cách ông chọn vật liệu nylon và phụ kiện mũ bóng chày, cả hai yếu tố cũng khơi gợi lên sự chuyển động.
Có thể gọi tên ba mô-típ xuất hiện trong BST này lần lượt là: Sự chuyển màu, Q, và Dây thừng. (Gradation, Work: Q, and Rope). Đối với mô-típ đầu tiên, Tanaka chuyển một kí tự trong văn tự Nhật Hiragana hay trong bảng chữ tượng thanh âm tiết (syllabary) sang những khối hình học như hình tròn hay hình vuông. Sự chuyển động được thể hiện qua sự chuyển màu dần dần.
Mô-típ Q, như tên gọi của nó, ứng dụng hình dáng ký tự Q: cách nó di chuyển, chuyển đổi dần thành hình trụ, rồi thành hình cầu, chuyển đổi thành đa dạng hình thù khác nhau trong mỗi thiết kế.
Mô-típ cuối cùng, Dây thừng, lấy cảm hứng từ kỹ thuật cột nút thắt kiểu Nhật. Đây cũng là mô-típ đặc trưng và xuất hiện nhiều lần trong các thiết kế của Tanaka. Bản thân hình ảnh nút thắt khiến ta thường liên tưởng đến sự chặt chẽ, cứng rắn. Nhưng trong các tác phẩm của Tanaka, nút thắt không bao giờ được buộc chặt, nhằm thể hiện cấu trúc phức tạp của một nút thắt. Một nút thắt lỏng tạo cảm giác linh hoạt, trơn tru, như thể cả sợi dây thừng đang được nới lỏng dần.
Trong BST thứ 4, cũng là BST ra mắt gần đây nhất, các thiết kế của Tanaka tiếp tục được nghiên cứu kĩ lưỡng và màu sắc của chúng được đảm bảo tái tạo y nguyên. Tuy nhiên, mục tiêu lần này không chỉ đơn thuần là ‘trưng ra’ những mô-típ, thay vào đó, Issey mong muốn tạo ra những bộ trang phục tràn đầy năng lượng nhằm gia tăng vẻ đẹp của các thiết kế của Tanaka khi được đưa vào không gian ba chiều, khi được khoác lên người.
Lần này, hai tác phẩm của Tanaka được chọn để làm mô-típ chung: Continuos Symbol và Circle. Tập trung vào sự năng động và hài hước của từng tác phẩm, cũng như sự ấm áp mà chúng lan tỏa, vật liệu được chọn lựa kỹ càng trong từng chi tiết để tạo ra những thiết kế mang hơi hướng thể thao.
Mô-típ Continuos Symbol được Tanaka lấy cảm hứng từ bảo tàng Otemae Art Center, thiết kế bởi Tadao Ando và tọa lạc tại thành phố Nishinomiya, Hyogo. Những biểu tượng này được cấu thành từ các khối hình học sắp xếp gọn gàng, chặt chẽ, tương phản với những hình thù vẽ tay không kết cấu trong các tác phẩm trước đó của Tanaka.
Hai người bạn, hai cái tôi sáng tạo mạnh mẽ, hai biểu tượng văn hóa của đất nước Nhật Bản. Sự hợp tác của họ là một bằng chứng thép thể hiện rằng trên hành trình sáng tạo, tinh thần đồng đội là một trong những yếu tố cốt lõi nhất. Nhờ nó mà sự sáng tạo của mỗi cá nhân có thể giao thoa, nhường nhịn và tôn vinh lẫn nhau. Như lời Issey Miayke đã nói trong quyển 'Irving Penn Regards the Work of Issey Miyake': "Thiết kế quần áo không phải một công việc đơn độc, nó yêu cầu sự hợp tác từ nhiều người. Tôi muốn mọi người biết rằng tất cả mọi thứ đều là kết quả của tinh thần đồng đội.”
Bài dịch tổng hợp - Phúc Hồ - thuộc bản quyền của Fashionnet.vn, vui lòng ghi rõ nguồn khi muốn đăng tải.
________________________________________________
Art Design Center
vietnamcolor.vn - fashionnet.vn
Contact: 0903788646 - 0903975081
Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \
Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)
30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City
Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn.
HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.