288
19 Tháng 08 10:58 am

David Carson: Các nhà thiết kế ngày càng lười biếng

 "Các tác phẩm sẽ phát huy tối đa hiệu quả của nó nếu bạn lồng ghép một phần của bản thân vào. Nếu không, chúng ta sẽ không thật sự cần đến các nhà thiết kế, bất kì ai cũng có thể mua những phần mềm đó rồi thực hiện các tác phẩm ‘vừa mắt’. Tôi nghĩ rằng nhiều nhà thiết kế ngày nay đã trở nên lười biếng, và để cho các ứng dụng và máy tính thực hiện quá nhiều quyết định thay cho họ."

Hiện nay anh vẫn đang tiếp tục khám phá những tiềm năng của thiết kế đồ họa, đặc biệt ở việc sử dụng typography như một hình thức biểu hiện trên trang giấy hoặc video cho các thương hiệu hoặc những nghệ sĩ. Sau đây là bài phỏng vấn của tạp chí Designboom dành cho David về các tác phẩm cũng như những ảnh hưởng của anh.

Điều gì khiến anh muốn trở thành một nhà thiết kế đồ họa?

Tôi chưa bao giờ có ý định làm thiết kế đồ họa mãi cho đến năm 26 tuổi! Trước đây tôi tốt nghiệp chuyên ngành Xã hội học và đã làm giảng viên được một vài năm. Một cách tình cờ, tôi đăng ký tham gia khóa học mùa hè kéo dài 2 tuần tại Arizona về ‘thiết kế đồ họa’ và đó chính là bước ngoặt. Tôi thậm chí chưa từng biết đến cụm từ ‘thiết kế đồ họa’ khi ấy. Jackson Boelts, người giảng viên tuyệt vời và là người bạn thân thiết của tôi đến tận hôm nay, chính anh ấy là người nâng đỡ những bước chập chễnh đầu tiên của tôi trên hành trình tuyệt diệu này - một hành trình mà tôi chưa bao giờ tưởng tượng mình sẽ theo đuổi nó.

Tôi cảm thấy rằng mình là nhà thiết kế may mắn nhất hành tinh. Một quyết định ngẫu nhiên, dẫn đến một niềm đam mê bùng cháy liên tục thúc đẩy bản thân từ khi tôi khám phá ra nó. Sau hơn 25 năm trên hành trình này, tôi đã được mời ghé thăm và giảng dạy ở nhiều trường học trên toàn thế giới, khai trương một loạt triển lãm, viết vài quyển sách và nhận được rất nhiều những giải thưởng danh giá. Tôi đạt được tất cả những điều đó nhờ vào việc tôi đã khám phá ra thứ mà mình thật sự có đam mê, theo đuổi nó và chưa bao giờ ngần ngại hay hối hận. Tôi chưa bao giờ cảm thấy nó là một thứ ‘công việc cần phải hoàn thành’. Như tôi thường chia sẻ với mọi người rằng tôi “kiếm sống từ thú vui của mình”.

Năm 2014, tôi được nhận huy chương vàng từ Viện Nghệ thuật Đồ họa Mỹ (AIGA), và được nêu tên trong danh sách 30 nhà thiết kế đột phá nhất trong 3 thập kỷ của Apple - chỉ có 2 nhà thiết kế đồ họa được chọn, người còn lại là April Grieman. Họ gọi chúng tôi là “những nhà tiên phong với ảnh hưởng sâu sắc’ - cá nhân tôi rất vinh dự với danh hiệu đó.

Bìa tạp chí Beach Culture 10/1990 - Đây là một vài trong số những bức ảnh màu đầu tiên của nhiếp ảnh gia Anton Corbin. Khi chúng tôi đang dàn hình của anh ấy, tôi nhận thấy chủ đề lần này là ‘Cuối hè’ và cảm thấy rằng tấm ảnh này thật hoàn hảo. Nó thể hiện cảm giác mùa hè sắp kết thúc, mặc dù đó không phải mục tiêu ban đầu của bức ảnh.

Bìa tạp chí Beach Culture 02/1993 - Nhân vật được phỏng vấn trên trang bìa, nhạc sĩ J.Mascis của nhóm Dinosaur Jr., chia sẻ về sự căm ghét của anh ta đối với báo đài, tạp chí, truyền thông,… - Và đây là cách tôi tương tác với quan điểm của anh ấy, sử dụng bức chân dung truyền thông được hãng thu âm gởi tới và lật ngược nó lại. Thật buồn cười khi thấy tạp chí của chúng tôi trong cửa hàng bị dựng ngược lên!

Bìa tạp chí Ray Gun 01/1995 - Trang bìa của Ray Gun không có một khuôn mẫu nhất định, thay vào đó họ cho phép chúng tôi tùy ý thiết kế và dàn trang dựa trên cá tính của nhân vật hay thứ âm nhạc họ làm. Mỗi bìa là một yêu cầu thiết kế mới hoàn toàn, điều này đặt ra nhiều công việc hơn so với các tạp chí khác, nhưng cũng tạo nhiều phấn khởi hơn khi làm việc, thứ mà tôi tin rằng sẽ dẫn đến những kết quả tốt hơn nhiều. Đối với trang bìa này, người biên tập cung cấp cho tôi một vài dòng tiêu đề trong đó có một dòng liên quan đến việc Keith Richards công khai thừa nhận những sự thật về tình dục, ma túy trong thế giới rock & roll… Tôi thấy tấm chân dung này và nhận ra rằng bạn không cần phải cung cấp thêm thông tin gì cả, những nét mặt của anh ta đã nói lên tất cả. Đây cũng là một đề tài được tranh luận gay gắt giữa giới biên tập, trong đó nhiều người tin rằng trên trang bìa nên có một mục lục, một số khác thì có quy tắc nghiêm ngặt về vị trí đặt tiêu đề các bài viết. Thật bất ngờ khi bản phát hành này, với một trang bìa không chứa bất kỳ tiêu đề nào, đã trở thành một trong những bản bán chạy nhất của chúng tôi - và cũng buồn cười khi chúng tôi đều tin rằng Keith khi đó trông thật lỗi thời. 

Anh sẽ miêu tả cách anh tiếp cận thiết kế ra sao?

Thử nghiệm, trực giác và độc quyền. Tôi đã không được đào tạo chuyên sâu, điều mà tôi tin rằng đã giúp đỡ bản thân rất nhiều bởi vì tôi chưa bao giờ được dạy những gì mà mình ‘đáng lẽ’ phải làm, tôi chỉ tập trung thực hiện những gì bản thân xem là hợp lý. Tôi nghĩ rằng mối quan tâm đối với xã hội học cũng định hướng cho các thiết kế bìa tạp chí, bởi vì đó là khi tôi đang làm việc với những câu chuyện thực tiễn, về những con người và sự kiện thật, đôi khi là âm nhạc.

Vì tôi không biết gì về hệ thống lưới, các công thức, những hệ tư tưởng,… nên tôi chỉ làm những gì bản thân cảm thấy đúng. Trong công việc, điểm khởi đầu của tôi đã và sẽ luôn là từ bản vắn tắt những yêu cầu của khách hàng hay bất cứ thông tin gì tôi được nhận. Chúng sẽ định hướng thiết kế cho tôi. Sau đó tôi sẽ cố gắng phát triển về mặt trực quan những gì được viết, được chia sẻ hay được hát lên. Tôi muốn các tác phẩm của mình kết nối với người xem ở mức độ cảm xúc, là lúc mà tôi cảm nhận rằng ảnh hưởng nó mang lai sẽ hiệu quả và sâu sắc nhất.

Nhiều ngôi sao nhạc rock chia sẻ về những giáo viên mà họ từng ‘thèm muốn’ trong bản phát hành lần này của tạp chí Beach Culture - bài viết tựa đề ‘Hot for teacher’. Tôi rất thích hình ảnh ‘nữ giáo viên’ này ngồi trên vài quyển sách, và cái cách mà những kí tự ngả về cô ấy như thể đang ‘thèm muốn’.

Bìa tạp chí Ray Gun - đây là một trong những tác phẩm yêu thích của tôi, bức hình mở đầu cho một bài viết dài phỏng vấn ca sĩ/ nhà soạn nhạc Morissey. Khi xem qua bài viết, tôi tìm thấy câu nói tuyệt vời này: ‘Tôi không có hứng thú với bất kì hình thức nào để bản thân được chú ý (1)’ Tôi quyết định đặt câu nói đó lên trang bìa ở kích thước lớn, cắt bớt một phần chân dung anh ta để tạosự bí ẩn nhất định - và cũng phù hợp với bối cảnh lúc bấy giờ, khi tên tuổi anh ta vẫn chưa được biết đến rộng rãi.

Ai hay cái gì đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách tiếp cận của anh đối với thiết kế?

Một lần nữa, có lẽ là sự không được đào tạo chuyên sâu của tôi, kết hợp với những trải nghiệm cá nhân của bản thân. Tôi lớn lên ở vùng phía nam California, tôi nghĩ điều đó cung cấp cho tôi một cách tiếp cận phóng khoáng, cởi mở và sẵn sàng thử nghiệm đối với thiết kế nói riêng và cuộc sống nói chung.

Ngoài ra có thể kể đến cuộc gặp gỡ với nhà thiết kế tiên phong người Thụy Sĩ Hans Rudolf Lutz tại một workshop ở Switzerland. Ông đã ảnh hưởng sâu sắc đến các tác phẩm đầu tiên của tôi, được thực hiện chỉ một vài tháng sau khi tôi bắt đầu hành trình thiết kế đồ họa này. Khi ấy tôi đang thiết kế cho một tạp chí trượt ván, và về cơ bản thì nó cũng trở thành nền tảng cho tôi. Tôi phải tự mình học hỏi mọi thứ: viết chỉ dẫn in ấn cho các thợ in, cách những người in sáp làm việc, và đương nhiên là cách thiết kế.

Hiện nay tôi thường làm việc với nhiều ý tưởng cùng lúc cho cùng một chủ đề hay dự án, thực hiện một loạt thử nghiệm trong quá trình làm việc. Sau đó, tôi quay lại và trau chuốt, hoàn thiện những tác phẩm mà bản thân xem là hiệu quả nhất.

Bìa tạp chí Ray Gun - Tôi thường xuyên thử nghiệm với mọi thứ, có thể là các kiểu cột khác nhau, khoảng cách giữa chúng, hay các phông chữ khác nhau ở phần tiêu đề và nội dung bài viết. Đối với tác phẩm đầu tiên cho tạp chí Ray Gun, tôi vẫn nhớ mình đã sử dụng hằng sa số các kiểu chữ được gởi về. Đến lần thứ hai, tôi đã tự giới hạn bản thân lại với chỉ 5 kiểu chữ có sẵn trên máy tính của tôi. Đó là một thử thách thú vị, và tôi nghĩ kết quả gặt hái được không tồi chút nào, tuy nhiên tôi vẫn tiếp tục thay đổi phong cách bản thân vào các bản phát hành sau đó. Gần đây, tôi thường sử dụng các loại phông chữ được cách điệu nhưng vẫn giữ được tính cơ bản, dễ đọc.

Bức hình mở đầu cho bài viết trên tạp chí Ray Gun ‘Choice comes to pensacola’ - một trung tâm phá thai tại Florida bị tấn công và một bác sĩ bị giết, chỉ một ngày trước khi ban nhạc L7 đến trình diễn. Bài viết nói về tình huống hoang mang, kì quặc mà ban nhạc tình cờ bị cuốn vào khi đặt chân xuống Pensacola, liên quan đến cảnh sát địa phương, FBI, truyền thông, kẻ sát nhân, và cả những người cuồng giáo.

Bức hình mở đầu cho bài viết về ca sĩ Kate Bush trên tạp chí Ray Gun - tôi nghe thử album mới, đọc bài phỏng vấn rồi mới bắt đầu làm việc. Tôi đã không trích dẫn gì từ bài viết với mục tiêu tạo nên một mở đầu ảnh hưởng mạnh mẽ hơn - một mở đầu có thể hứa hẹn mở ra một bài viết thú vị. Sự giao tiếp luôn bắt đầu trước cả khi đọc chữ đầu tiên.

Có chủ đề hay dự án nào anh yêu thích nhất khi làm việc với nó không?

Bất kì thứ gì tôi chưa từng thử trước đây, một thử thách mới. Ví dụ, tôi từng có 2 tháng tuyệt vời trải nghiệm làm việc tại Microsoft và đã học hỏi rất nhiều điều thú vị tại đó. Điều tương tự cũng diễn ra khi tôi làm việc với một dòng thương hiệu thời trang mới từ Việt Nam… Cũng như đa số các nhà thiết kế khác, tôi hứng thú với bất kì cơ hội nào cho phép tôi quyền tự do sáng tạo, nhưng nếu không, thì đó cũng chỉ là một dạng thử thách khác. Tôi sẽ thường suy nghĩ như sau ‘hmmmm, QUẢ LÀ nhiều ràng buộc, làm thế nào tôi có thể tạo ra một tác phẩm phù hợp với họ - và bản thân vẫn hài lòng với tư cách là một nhà thiết kế?’ Tôi cũng thích làm việc với một đội ngũ sáng tạo, đó là khi tất cả chúng tôi có thể học hỏi lẫn nhau, phát triển một cách chuyên nghiệp đồng thời thúc đẩy lẫn nhau trở nên sáng tạo hơn.

Tôi đã sở hữu một studio riêng vài năm. Hiện tại, tôi cảm thấy bản thân đang ở giai đoạn mong muốn được tham gia một đội ngũ sáng tạo tuyệt vời, được chỉ dẫn và hi vọng là truyền cảm hứng cho những nhà thiết kế trẻ tuổi hơn, đồng thời tiếp tục học hỏi và phát triển một cách chuyên nghiệp.

Bìa đôi tạp chí Ray Gun - Chúng tôi vừa nhận một tay viết từ một tạp chí âm nhạc lớn hơn, và tôi đã rất nóng lòng được đọc bài viết của anh ấy. Tuy nhiên, tôi đã rất thất vọng khi nhận ra rằng nó chẳng khác gì những bài viết khác: tác giả đã dành 10 phút trước khi ca sĩ lên sân khấu để thực hiện đoạn phỏng vấn này, và anh ta chỉ ghi chép lại những thứ như họ đang mặc gì, trong phòng có cái gì… những thứ nhàm chán mà tôi đã đọc quá nhiều lần trước đây. Sau đó, tôi bắt đầu chọn phông chữ, nhưng không tìm được loại nào cảm thấy phù hợp. Cuối cùng, tôi lướt qua phông chữ dingbat trong danh sách mở rộng được thiết kế bởi Zapf Dingbats. Tôi vẫn nhớ bản thân bật cười một chút, rồi nghĩ rằng, tại sao không?

Hình ảnh minh họa bài viết ‘Mixed Messages’ từ tạp chí Beach Culture -  Điểm khởi đầu trong các tác phẩm trang bìa của tôi luôn là đọc qua bài viết. Đôi khi tôi chỉ được biết tiêu đề của bài, như trường hợp trên đây. Tôi cảm thấy rằng bản thân cái tựa ‘Mixed messages’ nên được đảo lộn lên. Đây là kết quả thu được sau khi in dòng tiêu đề trên 4 trang, khổ lớn nhất mà tôi có thể in trên máy lúc bấy giờ, dàn ra trên bàn, rồi bắt đầu cắt ghép, trộn chúng lại.

 Anh nghĩ kĩ năng anh mạnh nhất là gì?

Khả năng giao tiếp trực quan và về mặt cảm xúc đối với đa dạng người xem và chủ đề

Tôi đã từng làm việc cho rất nhiều khách hàng, từ các nhà sản xuất xe hơi, hãng hàng không, công ty thời trang, đồ lướt sóng, công ty công nghệ và các ban nhạc như Nine Inch Nails. Đó là một ban rất đặc trưng và tôi nghĩ họ đã tìm đến tôi bởi vì tôi cả khả năng tiếp cận một số khách hàng đặc thù một cách trực quan.

Một concept mạnh mẽ và/hoặc khả năng viết tốt, kết hợp với thiết kế tốt sẽ phát huy tối đa hiệu quả khi có sự giao tiếp, và đó cũng là khi các tác phẩm đỉnh cao ra đời. Những trải nghiệm cuộc sống giúp tôi thay đổi và phát triển, điều tương tự cũng xảy ra với các tác phẩm. Tuy nhiên tôi cảm thấy rằng một cách tiếp cận cơ bản đối với chủ đề mà tôi đang cố gắng minh họa trực quan là nhân tố gắn liền với sự nghiệp sáng tạo của mình. Mới ngày kia tôi nhận được e-mail thể hiện những gì mà bản thân mong muốn các tấm áp phích sẽ truyền tải

‘Gởi David, anh chính là lí do tôi theo đuổi thiết kế đồ họa. Khi tôi học điện ảnh tại Bristol, tôi tình cờ bắt gặp tấm áp phích quảng bá buổi giảng về thiết kế đồ họa của anh (bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ đến thiết kế đồ họa từ khi bị đuổi khỏi lớp mỹ thuật hồi 14 tuổi). Tôi bị cuốn hút bởi tấm áp phích đó và quyết định tham gia lớp học của anh (vào khoảng năm 1999). Kể từ đó tôi ngừng học làm phim, mặc dù vẫn hoàn thành khóa học để lấy bằng nhưng tôi chưa từng cầm chiếc máy quay lên lại. Thay vào đó, tôi tự học thiết kế đồ họa. Thu thập bất kì ấn phẩm Ray Gun nào tôi tìm được. Tôi chỉ muốn nói lời cảm ơn vì hành trình mà anh đã mở ra cho tôi, tôi yêu từng khoảnh khắc của nó.”

Bản thân tôi tin rằng áp phích là một hình thức giao tiếp vô cùng hiệu quả. Bạn phải yêu những gì mình đang làm, bạn phải tận hưởng việc đi đến chỗ làm hằng ngày. Tôi thường phát biểu trong những buổi chia sẻ rằng, bạn phải tìm những thứ mà bản thân muốn làm cho dù mình có giàu có đến mấy. Đó sẽ là công việc tốt đối với bạn. Hay như cách Marshall McLuhan đã nói trong quyển sách của chúng tôi, PROBES ‘Nếu bạn hoàn toàn đắm mình vào một thứ gì đó, nó không còn là công việc nữa, mà là một cuộc chơi hay một thú vui.’

Quảng cáo NIKE Air - Đây là một bước ngoặt trong sự nghiệp tôi, sau một vài năm chủ yếu thiết kế trang bìa, NIKE liên hệ tôi qua agency Weiden + Kenedy để thực hiện một loạt áp phích, bảng quảng cáo và nhiều loại thiết kế khác để sử dụng trên quy mô quốc tế, ứng dụng nhiều ngôn ngữ và phông chữ khác nhau, chú trọng phần lớn vào nội dung. Tôi đã giữ các bức chân dung ở kích cỡ nhỏ, và sử dụng rất nhiều không gian trắng. Các tác phẩm của tôi sử dụng rất ít thủ thuật phần mềm, hay màu sắc. Thay vào đó, tôi chú trọng hơn vào phông chữ, cắt ghép và những thứ cơ bản, thường là những quyết định thiết kế mang tính trực giác, nhưng thứ mà tôi cảm thấy sẽ phù hợp với khách hàng, người xem, và bản thân tôi. Các angecy khắp thế giới cũng bắt đầu liên hệ tôi sau những tác phẩm này.

 Anh nghĩ sao về sự đặc thù hóa và sự khái quát hóa?

Sự khái quát hóa sẽ tăng cơ hội được nhận việc làm hơn, đặc biệt là đối với những khách hàng là các cửa hàng nhỏ lẻ, hay những dự án thông thường, không có gì thú vị. Tuy nhiên, câu nói ‘biết mọi thứ, nhưng không thông thạo lĩnh vực nào’ dường như vẫn đúng đến tận hôm nay. Vì vậy, tôi thường sẽ tìm một lĩnh vực chuyên môn cho bản thân, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại, khi mà bất kì ai cũng có thể mua một phần mềm và thực hiện tác phẩm ‘chấp nhận được’. Rất chuyên nghiệp nhưng cũng rất mờ nhạt. Tôi thật sự tin rằng nếu một người có khả năng đưa các đặc trưng cá nhân vào các tác phẩm của mình, chúng sẽ trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết. Bạn cũng sẽ tận hưởng quá trình làm việc hơn và gặt hái được những kết quả tốt nhất. Các tác phẩm sẽ phát huy tối đa hiệu quả của nó nếu bạn lồng ghép một phần của bản thân vào. Nếu không, chúng ta sẽ không thật sự cần đến các nhà thiết kế, bất kì ai cũng có thể mua những phần mềm đó rồi thực hiện các tác phẩm ‘vừa mắt’. Tôi nghĩ rằng nhiều nhà thiết kế ngày nay đã trở nên lười biếng, và để cho các ứng dụng và máy tính thực hiện quá nhiều quyết định thay cho họ.

Áp phích quảng bá sự kiện lướt sóng chuyên nghiệp tại Pháp, 2011 - đây là một tác phẩm hợp tác với họa sĩ minh họa George Bates và nhiếp ảnh gia Steve Sherman (người lướt sóng trong hình là Dane Reynolds)

Áp phích khai mạc một buổi triển lãm nghệ thuật tại Montreal, 2013 - nếu bạn thích tấm áp phích thì khả năng cao bạn cũng sẽ tận hưởng buổi khai mạc và những nghệ sĩ tham gia. Hi vọng rằng ít nhất tác phẩm của tôi đã thu hút sự chú ý và ảnh hưởng đến quyết định tham gia của bạn, rằng nó đã tìm ra một số nhân tố nhất định từ loạt tác phẩm được trưng bày để thu hút sự chú ý của bạn. Những hình ảnh minh họa trong tấm áp phích được thực hiện bởi Ola Carson.

Anh nghĩ rằng những tài nguyên thiết kế online ảnh hưởng như thế nào đến các tác phẩm đồ họa được sản xuất hiện nay?

Nó làm mọi thứ ít tính đột phá, ít ấn tượng, ít độc đáo và ít hiệu quả hơn. Nó hòa tan các tác phẩm với nhau và khiến chúng dễ quên, ít để lại ảnh hưởng tới người xem.

Hiện tại anh có đang hứng thú với cái gì không và nếu có thì nó đang ảnh hưởng đến các tác phẩm của anh thế nào?

Tôi rất hứng thú với cách mà mạng xã hội có thể tương tác với những thiết kế tốt để dẫn đến những kết quả mong muốn và hiệu quả. Tôi vẫn nghĩ rằng đó là một lĩnh vực khổng lồ chưa được khai phá. Tôi luôn luôn theo dõi dòng sự kiện thế giới, tin tức, lướt qua mọi thông tin tôi tìm được. Cuộc sống và tất cả những chi tiết trong nó không ngừng khiến tôi tò mò. Tôi đang theo dõi những phong trào môi trường, chính trị, các sản phẩm mới, và thường xuyên tự hỏi cách mà thiết kế có thể đóng một vai trò lớn, hiệu quả và quan trọng hơn trong những phong trào này.

Áp phích cho hội nghị A.I.G.A vào mùa xuân năm 2014 - Có một vài quy luật mà bất kì ai cũng không bao giờ được phá vỡ. Chúng tôi không bao giờ thay đổi tác phẩm của một nhà thiết kế khác. Đặc biệt là nếu như không hề thảo luận chút gì với họ. Tôi được mời đến chia sẻ tại hội nghị A.I.G.A mùa xuân năm 2014 tại Austin, được tổ chức bởi người sáng lập của nó, Armin Vit. Tôi không được trả phí cho buổi chia sẻ đó, nhưng không sao cả. Tôi cũng có cơ hội thiết kế hai tấm áp phích mà bản thân rất ưng ý, và đã hỏi ông Vit rằng liệu chúng tôi có thể in chúng ra để mang tới buổi chia sẻ không. Anh ấy gởi email ‘Đương nhiên rồi, không thành vấn đề. Không có bất kì lí do nào anh không thể in chúng ra cả.’ Nhưng khi ông Vit nhận hai tấm áp phích của tôi, ông cho rằng chúng ‘thật lười nhác và không xứng tầm’ và vì vậy, ông ấy thêm thắt các thiết kế vào, đặt phông chữ lớn, phía TRÊN ĐỈNH tấm áp phích mà không thèm bàn bạc gì với tôi, trước và khi sự kiện sắp bắt đầu. Lần duy nhất ông nhắc về các tấm áp phích là ‘chúng vẫn chưa được in xong, và có thể rằng sẽ được mang đến khi tới buổi kí tên’. Không quan trọng rằng đó là tôi, một sinh viên trẻ, hay bất kì nhà thiết kế nào, bạn đơn giản là không có quyền thay đổi hoặc chỉnh sửa tác phẩm của ai mà không thảo luận trước với họ, và trong trường hợp này, che giấu những gì mình đã làm. Không thể bao dung được.

Đây là tấm áp phích thứ hai cho buổi chia sẻ - cái mà ông Vit đã đồng ý in. Nhưng đến khi nhận được nó, ông lại cho rằng nó không phù hợp khi in ra, một lần nữa không thỏa mãn những tiêu chuẩn của ông, và nói với tôi khi tôi hỏi về tấm áp phích rằng ‘máy in không in kịp’. Tôi rất thích sự tương phản giữa đơn giản và phức tạp giữa hai tấm áp phích. Nói chung, cả hai tấm áp phích đều không được công khai ở bất kì đâu mãi đến khi sự kiện đã kết thúc, vì vậy nên không thể nói chúng được sử dụng làm công cụ để quảng bá. Mặc dù chúng hoàn toàn có thể thỏa mãn điều đó, và đáng ra phải vậy (nếu được giữ nguyên thiết kế ban đầu). Các tấm áp phích đã bị chỉnh sửa bởi Vit được trao tặng như một món quà lưu niệm cho sự kiện.

 Anh có niềm đam mê nào khác ngoại trừ công việc không?

Gia đình, lướt sóng, âm nhạc…

Anh có một quy tắc hay niềm tin mê tín cố hữu nào không?

Tôi cố gắng không chia sẻ với gia đình hay bạn bè về các tác phẩm mới CÓ THỂ được thực hiện, đặc biệt là những dự án mới thú vị, bởi vì tôi sợ rằng ‘nói trước bước không qua’ và mình sẽ đánh mất công việc đó. Tôi nhận ra rằng bản thân đã đánh mất một vài dự án vì hành động đó.

Áp phích quảng bá Hội nghị Bangkok International Type Symposium 2014 - đối với chủ đề sự kiện và đối tượng người xem, tôi tin rằng thiết kế này sẽ là một công cụ hiệu quả để khơi gợi hứng thú tham gia đối với một sự kiện đặc thù như vậy. Có rất nhiều cách để giao tiếp - tôi chuộng cách thiên về mặt cảm xúc, bởi vì bằng cách đó, bạn có thể chạm tới khách hàng ở bất kì đâu trên thế giới.

Lời khuyên tuyệt vời nhất anh từng được nhận là gì?

Bố tôi từng nói rằng bất kể trải nghiệm nào mình trải qua, ‘nếu con hoặc cười hoặc học một điều gì đó mới, thì nó xứng đáng với thời gian của con.’.

Saul Bass cũng từng nói với tôi rằng ‘Cứ tiếp tục làm những gì anh đang làm, đừng quan tâm hay theo dõi những lời phê bình.’ - Bản thân tôi tin rằng đây là một lời khuyên tuyệt vời và vẫn đang cố làm theo nó mỗi ngày.

Nhiều năm trước một bản fax ẩn danh được gởi đến chúc mừng bài viết về tôi trên tờ NY Times được đăng trên trang đầu. Bản fax viết rằng họ ‘hi vọng rằng tôi đã tiết kiệm tiền, bởi vì một khi họ đã xây dựng cái tên của tôi, họ cũng sẵn sàng và yêu thích việc xé xác, kéo tôi xuống vực thẳm’ - Có lẽ tôi nên chú ý hơn đối với lời khuyên đó!

Khẩu hiệu cá nhân của anh là gì?

Tại sao không?

(1) ‘I have no interest whatsoever in any aspect of whordom’: Whordom là từ được dùng để chỉ hành vi mại dâm. Câu này có thể ám chỉ các hành vi bất chấp danh dự bản thân để thu hút sự chú ý.

Nguồn dịch

1. https://www.designboom.com/design/interview-with-graphic-designer-david-carson-09-22-2013/

Bài dịch - Phúc Hồ . Thuộc bản quyền Fashionnet.vn, vui lòng ghi rõ nguồn khi muốn đăng tải. 

________________________________________________

G Studio 

Art Design Center 

vietnamcolor.vn - fashionnet.vn

Contact: 0903788646 - 0903975081

Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \

Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)

30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City 

 

Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn. 

HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.

Olafur Eliasson, nghệ thuật của không gian

Olafur Eliasson, nghệ thuật của không gian

Art I Design_Study Olafur Eliasson là một nghệ sĩ người Iceland - Đan Mạch được biết đến với nghệ thuật sắp đặt điêu khắc có quy mô lớn sử dụng các nguyên liệu cơ bản như ánh sáng, nước và nhiệt độ không khí để nâng cao trải nghiệm của người xem

Phần 2: Bước đầu của một giám tuyển nghệ thuật

Phần 2: Bước đầu của một giám tuyển nghệ thuật

Art I Design_Study Về cơ bản, bạn có thể trả lời rằng một giám tuyển nghệ thuật có trách nhiệm trông nom một bộ sưu tập hội họa và tổ chức các buổi triển lãm. Nhưng nếu bạn bị kẹt ở trên một chuyến bay đêm dài 42 tiếng, đây là một bối cảnh mà bạn có thể dùng để mô tả về nghề này.

5 điều bạn chưa biết về chủ nghĩa siêu thực

5 điều bạn chưa biết về chủ nghĩa siêu thực

Art I Design_Study Chủ nghĩa Siêu thực không phải là một phong cách - mà là một trạng thái của tâm trí. Nó muốn lật đổ thực tế, để tìm thấy điều kỳ lạ trong cuộc sống hàng ngày; để khai thác những mong muốn vô thức của chúng ta và mang lại những giấc mơ cho cuộc sống. Và đối với nhiều nghệ sĩ trên khắp thế giới, đó là một cách để thách thức quyền lực và tưởng tượng về một thế giới mới.


VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

Pro_Creative ĐI & VỀ, ĐI để vẽ nên màu của mình, chúng ta là Màu Việt Nam. Khi người nghệ sĩ chọn chất liệu, họ say mê bề mặt của giấy, toan, đất, vải, vóc, sơn hay bất kỳ kết cấu nào tạo ra cảm xúc để sáng tạo. Người thưởng ngoạn hít thở sâu, nhắm mắt, lắng nghe từ trực giác, mở mắt để thấu cảm màu sắc, hình, khối, vẻ quyến rũ từ chất liệu, tài năng của người nghệ sĩ, hòa nhịp làm nên câu chuyện sáng tạo. Khi bắt đầu chạm, sẽ hiểu rồi yêu, điều này vô cùng quý giá cho hành trình khám phá nghệ thuật ĐI & VỀ, ĐI của mỗi người.

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Subscription

Fashionnet

Follow us