Năm 1400-1409: Thời trang nữ thế kỷ 15
Fashion Story Trong những năm đầu tiên của thế kỷ 15, bị chiến tranh tàn phá, thời trang cũng là một chiến trường. Tại đây, các nhà cầm quyền và triều thần tuyên bố quyền lực bằng việc trưng bày các mặt hàng dệt may sang trọng, những chiếc dao rựa tinh xảo, và các biểu tượng cá nhân huyền ảo.
Trong suốt một thập kỷ, những mẫu thời trang được tung ra tại triều đình Pháp đã ảnh hưởng đến phần còn lại của châu Âu. Ở Anh, Đức và Ý, các đạo luật xa xỉ nhằm duy trì sự khác biệt giữa tầng lớp quý tộc và thường dân cũng cho thấy của cải của tầng lớp trung lưu và khả năng tham gia vào lĩnh vực thời trang ngày càng tăng của họ.
THỜI TRANG NỮ
Vải lanh (linen) là chất liệu may mặc chung cho trang phục của tất cả phụ nữ, chỉ có chất lượng vải mới phân biệt được tầng lớp quý tộc với nông dân. Chiếc áo lót cơ bản này dài đến dưới đầu gối và có phần tay áo dài qua khuỷu tay; đường viền cổ áo, có thể được khâu cùng với dây rút, có thể thấp và rộng, phản chiếu đường viền cổ áo thấp ở lớp áo trong của trang phục, phần côte-hardie (tiếng Anh là kirtle, tiếng Ý cotta). Tiếp tục một xu hướng bắt đầu từ giữa những năm 1300, côte-hardie được mặc vừa vặn bên ngoài phần áo lót, có thể có phần dây buộc ở phía trước, ở một hoặc cả hai bên vạt áo, hoặc ở giữa lưng. Tay áo cũng thường vừa vặn, có viền ở cổ tay. Phần chân váy hơi xòe ra; có thể được thiết kế với phần vạt chéo ở hai bên hông và phía sau lưng. Giống như những năm 1300, phụ nữ trong thập kỷ này có thể xếp lớp côte-hardie này chồng lên lớp áo khác, lớp phía trên thường có tay áo dài chỉ đến khuỷu tay để lộ ống tay áo dài hơn ở phía dưới.
Nhiều nguồn, chẳng hạn như cảnh mô tả cuốn sách Thành phố của Quý Cô (The book of the city of ladies) của tác giả Christine de Pizan cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của phong cách thời trang này: một dải vải kéo dài sau phần tay áo của côte-hardie được gọi là tippet. Phần vải này có thể chỉ dài vài inch, hoặc chúng có thể kéo dài toàn bộ chiều dài của trang phục, thướt tha khi cô ấy bước đi và chuyển động theo từng cử chỉ. Côte-hardies thường được làm bằng len, với chất lượng và giá thành đa dạng, từ lông cừu nguyên tấm tại nhà cho đến những sản phẩm mịn nhất, mềm nhất của các nhà máy Flemish, được nhuộm và hoàn thiện ở Ý. Lụa tơ tằm, được sản xuất tại Ý hoặc Tây Ban Nha, thì chỉ những người rất giàu mới có thể tiếp cận được. Vải dệt thoi pha trộn giữa lụa với len có giá cả phải chăng hơn. Vải lanh được sử dụng để lót áo cứng và tăng cường mức độ độ bó sát vào cơ thể của nó. Lớp lót của côte-hardies có thể được nhìn thấy ở phần bên phải của bức tranh Saint Columba Altarpiece (Ngôi nhà thờ Saint Columba) giữa thế kỷ 15 của Rogier van der Weyden, hiện được trưng bày ở Alte Pinachotek tại Munich.
Hình 1 - Chủ nhân của Cité des Dames (Thành phố Quý cô). "Lý do dẫn dắt năm Sibyls (thầy bói) vào Thành phố của Quý bà", Cité des Dames của Christine de Pizan, 1400-1410. Paris: Thư viện Quốc gia Pháp, MS fr. 607 (fol. 31v). Nguồn: BNF Gallica
Lớp trang phục tiếp theo của phụ nữ còn tùy thuộc vào sự giàu có và địa vị xã hội của cô ấy. Để có thể trông sành điệu, cô sẽ mặc một chiếc houppelande thay vì áo choàng truyền thống bên ngoài. Van Buren và Wieck định nghĩa houppelande là “một bộ trang phục bên ngoài đầy đủ của nam giới và phụ nữ”. Mặc dù loại trang phục này có thể trông rất khác nhau tùy thuộc vào chất liệu và trang trí của nó, hầu hết các houppelandes đều có đường viền cổ cao và tay áo dài. Một số có phần cúc cài ở phía trước (Hình 2), trong khi những chiếc khác có phần cúc cài bên hông hoặc phía sau. Houppelande của phái nữ luôn có độ dài nhất định; để nhấn mạnh sự sang trọng, đôi khi chúng được làm dài đến mức phần vải được kéo theo phía sau. Các tay áo của houppelande, trong thập kỷ này, hầu hết đều theo kiểu bombard, hẹp ở vai và mở thành một cái phễu rộng kéo dài xuống dưới. Nó thời trang đến mức các côte-hardie cũng được tạo ra với những chiếc tay áo bombard.
Mặc dù phụ nữ bị chỉ trích vì thời trang của họ nhiều hơn nam giới, trang phục houppelande với phần tay áo bombard được cả hai giới mặc. Tuy nhiên, các mép tay áo của phụ nữ thường không được trang trí bằng dagging, được định nghĩa là “phần trang trí của vải được cắt hoặc chèn vào viền trang phục”. Dagging cũng là một trong những dấu ấn nổi bật của thập kỷ này trong thời trang nam giới, việc này đã khiến giá thành của bộ trang phục tăng cao. Tư liệu lưu trữ và các tài liệu khác cho thấy hàng may mặc dành cho phụ nữ thường có giá thấp hơn, và phụ nữ chi tiêu cho trang phục của họ ít hơn nam giới.
Một số chi phí là bắt buộc, được quy định bởi các yêu cầu theo cấp bậc. Nữ hoàng, công chúa, hoặc quý tộc tại triều đình sẽ cần một tủ quần áo nghi lễ và một tủ quần áo thời trang. Các nghi lễ của triều đình bảo tồn những bộ quần áo có niên đại từ một thế kỷ trở lên, chẳng hạn như chiếc surcote (áo choàng) không tay (Hình 1) và chiếc áo choàng được làm từ lông chồn ermine. Theo một phong tục có từ những năm 1300, các quan chức cấp cao của triều đình được mong chờ sẽ tặng những món quà thường xuyên cho gia đình của họ, gọi là liveries. Liveries có thể là vải vóc hoặc những bộ trang phục, có thể cho người hầu cận của những quý cô mặc. Năm 1401, để kỷ niệm ngày sinh của cô con gái Catherine, Nữ hoàng Pháp Isabeau de Bavière đã tặng cho tất cả các phụ nữ trong gia đình mình một tấm len màu xanh lam. Hai năm sau, cô cho những người phụ nữ làm việc trong vườn ươm hoàng gia những chiếc houppelande xám.
Hình 2 - Chủ nhân của Cité des Dames. "Christine de Pizan giới thiệu bộ sưu tập các tác phẩm của mình cho Nữ hoàng Pháp, Isabeau de Bavière," The Book of the Queen (Cuốn sách của Nữ hoàng của Christine de Pizan), năm 1410-1414. Giấy da. London: Thư viện Anh, Harley MS 4431. Nguồn: Thư viện Anh
Những chiếc houppelandes của riêng Nữ hoàng, như được thấy trong các bản thảo đương thời (Hình 2) có thể được làm bằng lụa đính hoặc thêu bằng vàng, với tay áo bombard có viền lông ermine và cổ áo rộng, bẻ xuống. Bộ lông chồn ermine thật vốn đã gắn liền với hoàng gia và giới quý tộc từ lâu, được ưa chuộng đến mức những chiếc đuôi màu đen đặc trưng của nó được bắt chước bằng những vật liệu khác, như lông cừu đen hoặc lông cừu trắng. Trong Lịch sử Kinh thánh (Hình 3) Nữ hoàng Sheba mặc chiếc houppelande màu xanh lá cây xếp bằng lông cừu ermine với cổ áo cao, bẻ lên và tay áo bombard. Ở cổ tay của cô là bằng chứng về một loại trang phục tương đối hiếm, được gọi là rochet. Rochet, cũng được mặc bởi nam giới, được Van Buren và Wieck định nghĩa là “một chiếc áo dài được mặc giữa trang phục bên dưới và bên ngoài, thường được làm bằng blanchet, một loại len trắng”. Phụ nữ thường thắt lưng cho houppelande ở vòng eo cao. Nữ hoàng Sheba đeo một chiếc thắt lưng mạ vàng, cùng với một chiếc vòng cổ bằng vàng (Hình 4). Trang sức được coi là dấu hiệu của phẩm giá và đức hạnh. Chính vì thế, các thợ kim hoàn cung cấp đồ trang sức mạ vàng và đồng mạ vàng cho những người không đủ tiền mua vàng nguyên khối.
Hình 3 - Chủ nhân của Lễ đăng quang Trinh nữ. "Solomon Tiếp nhận Nữ hoàng Sheba," Kinh thánh Sử học Lớn, năm 1395-1401. Paris: Thư viện Quốc gia Pháp, BnF MS fr. 159 (fol. 289v). Nguồn: BnF Gallica
Hình 4 - Giovanni Boccaccio (người Ý, 1313-1375). "Người phụ nữ mệnh danh thần Vệ nữ được những người yêu mến tôn thờ", Des Cleres et Noble Femmes, năm 1401-1500. Paris: Thư viện Quốc gia Pháp, MS fr. 12420 (trang 15). Nguồn: BNF Gallica
Phụ kiện quan trọng nhất của phụ nữ là những chiếc khăn choàng đầu, có hai loại chính, bourrelet và mạng che mặt. Cả hai đều bắt nguồn từ kiểu tóc được gọi là "một cặp thái dương", bởi vì tóc được búi thành hai hình nón trên thái dương để tạo thành hình dạng sừng. Những chiếc kẹp tóc, ghim và mũ bằng lụa mịn có nhiều tên gọi khác nhau là coifs hoặc howves giữ tóc cố định. Người phụ nữ có thể cố định tóc của mình bằng bourrelet, một cuộn vải tròn có hình sừng, được giữ cố định bằng ghim và dây, hoặc cô có thể phủ một tấm mạng vải lanh mịn lên, cũng được cố định bằng dây. Hình 2 minh hoạ về cả 2 kiểu tóc. Kèm với việc nhổ mạnh lông mày và chân tóc của người phụ nữ, tất cả các phương thức làm đẹp trên đều có tác dụng mong muốn là mở rộng kích thước của phần đầu. Bourrelet có thể tô điểm cho làn da người phụ nữ bằng những mẫu vải màu sắc được trang trí bằng hình thêu, đính đồ trang sức hoặc được trang trí bằng lông vũ hoặc lông thú. Mặt khác, mạng che mặt dồn sự chú ý vào các đường nét trên khuôn mặt thanh tú, và vẻ xanh xao thời trang. Mặc dù những chiếc mũ đội đầu phức tạp này đã thu hút sự chỉ trích từ những nhà cải cách tôn giáo đầu tiên của thế kỷ, nhưng chúng vẫn tiếp tục phát triển về mặt quy mô trong suốt cả thập kỷ.
Triều đình Pháp vẫn là trung tâm của thời trang cho cả nam và nữ. Christine de Pizan phàn nàn rằng thời trang Pháp thay đổi quá nhanh, trái ngược với thời trang Ý ổn định hơn. Vào năm 1401, thành phố Bologna đã tìm cách hạn chế việc tiêu thụ các loại vải xa xỉ của phụ nữ và theo đuổi các xu hướng mới nhất, chẳng hạn như tay áo kiểu bombard. Phụ nữ sẽ phải đăng ký các sản phẩm may mặc bằng nhung lụa và lụa đính vàng và bạc. Thêm vào đó, họ phải trả một khoản phí để có quyền tiếp tục mặc chúng. Chỉ trong hai ngày, đã có 210 phụ nữ đăng ký mua trang phục Luật giới hạn chiều rộng của tay áo ở mức 4 feet (khoảng 122 cm) và chiều dài của tay áo không được vượt qua tay người mặc. Tuy nhiên, vợ và con gái của các hiệp sĩ, luật sư và bác sĩ được phép có tay áo rộng hơn. Các nhà phê bình thời trang cho rằng nó dẫn đến chi tiêu lãng phí và khuyến khích sự phù phiếm tội lỗi, trong khi các luật xa xỉ cho thấy có sự lo lắng lan rộng về của cải trong tay những người dân thuộc tầng lớp trung lưu “bình thường”, những người không có tư cách chuyên nghiệp, những người được coi là mối đe dọa đối với trật tự xã hội truyền thống.
BIỂU TƯỢNG THỜI TRANG: ISABEAU DE BAVIÈRE (1370-1435)
Isabeau de Bavière (1370-1435) (Hình 1) đã là Nữ hoàng của Pháp trong mười lăm năm và được coi là một nhà tiên phong thời trang khi thế kỷ mười lăm bắt đầu. Công chúa xứ Bavaria này đã kết hôn với Vua Charles VI vào năm 1385, khi cả hai đều là những thiếu niên trẻ tuổi, bà đã nắm trong tay quyền lực đáng kể sau năm 1392, khi Nhà vua phát bệnh tâm thần lần đầu tiên. Trong thời kỳ này, Nữ hoàng đóng vai trò là Nhiếp chính cho các con trai của bà, Dauphin Charles, người qua đời vào năm 1401 khi mới 8 tuổi, và Louis, người kế vị ông. Những cuộc tranh giành quyền lực chết người trong gia đình hoàng gia và Cuộc chiến 100 năm với Anh diễn ra song song khiến vai trò của bà trở nên vô cùng thách thức. Bối cảnh này giúp chúng ta đánh giá cao cách bà sử dụng thời trang để tạo dựng hình ảnh và củng cố tuyên bố của mình đối với quyền lực hoàng gia.
Hình 1 - Chủ nhân của Cité des Dames. "Christine de Pizan giới thiệu bộ sưu tập các tác phẩm của mình cho Nữ hoàng Pháp, Isabeau de Bavière," The Book of the Queen (Cuốn sách của Nữ hoàng của Christine de Pizan), năm 1410-1414. Giấy da. London: Thư viện Anh, Harley MS 4431. Nguồn: Thư viện Anh
Trang phục của bà bao gồm một chiếc áo choàng nhung lụa trắng được thêu chéo với dây vàng xâu chuỗi ngọc trai và các họa tiết kết hợp biểu tượng quyền lực, cây đậu chổi (broom plant) của Nhà vua với biểu tượng của chính bà, cây phiến lộ. Cây đậu chổi cùng phiến lộ cũng hòa quyện trên một chiếc côte-hardie bằng len trắng với ống tay áo bombard mà bà đã mặc vào năm 1401. Bà cũng có một chiếc thắt lưng bằng vàng có hình 32 bông hoa đậu chổi được đính bằng hồng ngọc và ngọc bích, với vỏ hoa bằng men xanh lục.
Isabeau yêu đồ trang sức và là người bảo trợ ban đầu cho kỹ thuật tráng men ronde-basse (tạo ra những hình khối 3D có độ bóng cao) trên vàng. Một ví dụ nổi bật được biết đến là The Little Golden Horse Shrine (Đền thờ ngựa vàng nhỏ) (Hình 2), được Isabeau tặng cho nhà vua như một món quà năm mới vào năm 1404. Bà là người đã giới thiệu các phong cách, chẳng hạn như mũ bourrelet, vẫn chiếm ưu thế trong thập kỷ này... Mặc dù các nhà biên niên sử người Anh và Burgundi tìm cách bôi nhọ danh tiếng của Isabeau, Christine de Pizan đã ca ngợi bà là một: “Một quý cô quyền lực, ấn tượng, được sinh vào một giờ may mắn”.
Hình 2 - Triều đình Paris. Virgin and Child in a Arbor with Child Saints Shrine, năm 1403-1404. Vàng và men. Altötting: Kho bạc Nhà Giáo hoàng Benedict XVI và Bảo tàng Hành hương. Nguồn: Wikipedia
Hình 3 - Chủ nhân của Cité des dames. "Building the City of Ladies (Xây dựng thành phố của Quý cô", Cité des Dames của Christine de Pizan, năm 1400-1410. Paris: Thư viện Quốc gia Pháp, BnF MS fr. 607 (fol. 2r). Nguồn: BNF Gallica
Trong bản thảo năm 1405 của de Pizan, Nữ hoàng, người giúp tác giả xây dựng Thành phố của Quý cô (The book of the city of ladies) (Hình 3) mặc chiếc surcote (áo choàng) không tay với lông chồn ermine trên chiếc côte-hardie. Isabeau thường mặc chúng trong các buổi lễ của triều đình. Trong bản thảo sau này, gồm một bộ sưu tập các tác phẩm của de Pizan mà Isabeau đã ủy quyền, bà ở trong phòng ngủ của mình. Phòng ngủ được trang trí bằng những tấm thảm treo thêu hoa bách hợp của Pháp, cùng với những người hầu cận (Hình 2 ở phần trang phục nữ ở trên) . Các quý cô rõ ràng đã được truyền cảm hứng thời trang từ Nữ hoàng (Hình 1). Nữ hoàng mặc bộ đồ nhung lụa màu đỏ trang trí bằng vàng, với ống tay áo bombard dài nhất, rộng nhất được xếp bằng lông chồn ermine, và kiểu tóc cao nhất với chiếc mũ bourrelet đồ sộ nhất . Vài năm sau, những chiếc mũ trùm đầu thậm chí còn cao hơn; một nhà biên niên sử còn tuyên bố rằng các người hầu cận phải quay đầu và cúi xuống để dọn sạch các ô cửa tại Château de Vincennes, nơi ở yêu thích của Nữ hoàng.
Nguồn: https://fashionhistory.fitnyc.edu/1400-1409/
Bài dịch: Nhi Nguyễn. Bản quyền thuộc về Fashionnet, vui lòng ghi rõ nguồn khi muốn sao chép.
________________________________________________
Art Design Center
vietnamcolor.vn - fashionnet.vn
Contact: 0903788646 - 0903975081
Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \
Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)
30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City
Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn.
HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.