288
20 Tháng 07 2:12 am

Le Corbusier: Cột móng của kiến trúc chủ nghĩa Hiện đại

 “Hơn nửa thế kỷ qua, những bài phê bình, chỉ trích, nghiên cứu và các thiết kế không phải để chất vấn Le Corbusier mà là để hòa tan các lý tưởng của ông vào dòng huyết mạch của thời đại… Le Corbusier đã không trở thành đối tượng trong những cuộc tranh luận của chúng tôi, mà ông là chính là nền tảng mà các cuộc tranh luận được hình thành nên.”

Le Corbusier là một trong những kiến trúc sư vĩ đại và gây tranh cãi nhất thế kỷ 20. Được tôn trọng bởi kiến trúc sư trên toàn thế giới, Le Corbusier đã thiết kế hơn 300 công trình và chắp bút 24 quyển sách. Ông cũng là một nhà văn, nhà lý luận học, nhà điêu khắc, thiết kế đồ nội thất, và là một họa sĩ kiệt xuất.

Điều gì khiến tiếng tăm của Le Corbusier vang vọng đến vậy? UNESCO đã từng phát biểu rằng các tác phẩm của ông là “nền tảng để sáng tạo nên một loại ngôn ngữ kiến trúc mới tách biệt với quá khứ” Đáng chú ý nhất phải kể đến những đóng góp của ông cho Chủ nghĩa Hiện đại và Phong cách Quốc tế, cả hai đều là những phong cách thiết kế vượt thời đại lúc bấy giờ. Các thiết kế của ông phủ nhận sự trang trí xa hoa và mang hình thù độc đáo, bố cục bất đối xứng. Một số đặc trưng khác của kiến trúc chủ nghĩa Hiện đại bao gồm: ưu tiên sử dụng các vật liệu công nghiệp - bê tông, thép; sử dụng kính để tận dụng ánh sáng tự nhiên; bảng màu thiên về các gam màu xám, trắng, hoặc các gam màu trung tính. Tầm nhìn của Le Corbusier được ảnh hưởng bởi những phong trào quan trọng diễn ra vào những năm đầu của thập niên 1900, bao gồm Art Nouveau và Bauhaus. Bất kể dự án của ông là gì, nhà villa, khu phức hợp, nhà cộng đồng, nhà thờ, hay tượng đài công cộng, thiết kế của ông luôn luôn khác biệt và không thể lẫn lộn được.

Tiểu sử và những ảnh hưởng

Sinh ra tại thành phố nhỏ La Chaux-de-Fonds của Thụy Sĩ, Charles-Édouard Jeanneret-Gris, hay còn được biết đến với tên gọi Le Corbusier (6/10/1887 - 27/8/1965) - được công nhận là một trong những kiến trúc sư có tầm ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20.

Là một kiến trúc sư tài năng, một nhà văn truyền cảm hứng, nhà quy hoạch đô thị táo bạo, họa sĩ kiệt xuất, và thậm chí là một chính trị gia lỗi lạc, Le Corbusier đã truyền cảm hứng đến nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng trên thế giới, để lại dấu ấn không thể phai mờ trong kiến trúc ở nhiều quốc gia khác nhau.

Philips Pavilion

Sau khi được đào tạo về kiến trúc ở quê nhà, chàng trai Jeanneret trẻ tuổi đã rời khỏi Chaux-de-Fonds để ghé thăm Ý, Budapest rồi tới Vienna. Ông cũng đã từng làm việc cho August Perret tại Paris, trước khi đến Đức làm việc tại văn phòng của Peter Behrens, người đầu tiên được công nhận là nhà thiết kế công nghiệp và là người theo chủ nghĩa hiện đại.

Sau một khoảng thời gian chu du vùng Balkans và Hy Lạp, Jeanneret quay về Chaux-de-Fonds để dạy học và ở lại đó xuyên suốt thời kỳ Thế chiến thứ Nhất. Từ năm 1914 đến 1915, ông phát triển công trình mang tính học thuyết quan trọng đầu tiên của mình, Dom-Ino Houe: một bộ khung bê tông gia cố có thể sản xuất hàng loạt để xây nhà mặt bằng tự do (1)

Kiến trúc Le Corbusier thời kỳ đầu: Hướng về nền Kiến trúc mới

Sau khi chiến tranh kết thúc, Jeanneret trở về Paris, nơi ông tiếp tục theo đuổi kiến trúc với anh họ Pierre Jeanneret, người mà ông duy trì mối quan hệ cộng tác trong phần lớn sự nghiệp của mình. Ông cũng đã gặp Amédée Ozenfant, họa sĩ trường phái lập thể Pháp, người đã phát triển chủ nghĩa Thuần túy (Purism) cùng với ông. Bộ đôi này sau đó đã xuất bản tập san L’Espirit Nouveau vào năm 1920, và đây cũng là nơi biệt danh Le Corbusier ra đời. Ông đã lần đầu đưa ra 5 luận điểm kiến trúc nổi tiếng của mình trong tập san này, có thể tóm gọn như sau:

1.Các công trình nên được xây trên những “trụ đỡ” (piloti), giải phóng những bức tường khỏi công năng cấu trúc đơn thuần (chịu lực)

2.Khi những bức tường đã được giải phóng khỏi cấu trúc truyền thống, mặt bằng tự do nên được thêm vào

3.Tương tự, các mặt đứng nên được thiết kế tự do

4.Các hệ cửa sổ dàn ngang, được tạo nên từ những mặt đứng tự do, nên được dùng để chiếu sáng các gian phòng

5.Mái nhà nên phẳng và có vườn, bù lại cho phần mặt đất đã được dùng để dựng lên tòa nhà

Villa Savoye

Năm 1923, Le Corbusier xuất bản quyển sách kiến trúc nổi tiếng ‘Vers une archietecture’ - dịch theo bản tiếng Anh là “Hướng đến một nền Kiến trúc Mới.” Trong sách, ông đã thể hiện tầm nhìn kiến trúc hiện đại, ứng dụng các nguyên tắc của xe hơi, máy bay, tàu thuyền vào những công trình. Cũng trong quyển này ông đã khẳng định rằng tòa nhà là “một cỗ máy để sống bên trong,” khái niệm này đã tóm lược cách tiếp cận ban đầu của ông đối với thiết kế và đặt ra nền tảng kiến trúc chủ nghĩa Hiện đại.

“Hiểu được lịch sử là một kỹ năng thiết yếu, ai có khả năng này sẽ hiểu được cách để tìm thấy sự tiếp nối giữa những gì đã là, những gì đang là, và những gì sẽ là.”

Trong số những công trình thực hiện bởi Le Corbusier vào thời kỳ đầu, không có tác phẩm nào thể hiện 5 luận điểm kiến trúc của ông thành công hơn Villa Savoye, hoàn thành năm 1931. Bằng cách nâng không gian sinh hoạt chính lên tầng trên, tầng dưới được thiết kế với một đường cong hỗ trợ cho việc xoay trở xe cộ và những con dốc để đi lên phần mái.

Kiến trúc Le Corbusier 1930 - 1960: Sự tương phản vật liệu

Convent of La Tourette

Tuy nhiên, Villa Savoye vừa là đỉnh cao của các lý tưởng kiến trúc ban đầu của Le Corbusier, vừa là công trình cuối cùng trước khi ông thay đổi phong cách thiết kế của mình. Trong quyển Modern Architecture: A Critical History, nhà phê bình Kenneth Frampton đã chia sự nghiệp kiến trúc của Le Corbusier làm 2 giai đoạn, trước năm 1930 và từ năm 1930 - 1960. Frampton cho rằng qua dự án Weekend House thực hiện tại vùng ngoại ô Paris năm 1935, “tác phẩm thể hiện sự phân biệt rạch ròi giữa các loại vật liệu có chủ đích, phát huy tính trừu tượng và tối giản của phong cách Thuần khiết… Từ đây, sự sắp đặt kề cạnh của các vật liệu tương phản trở thành một yếu tố chủ đạo trong phong cách của Corbusier, không chỉ đơn thuần mang tính trang trí mà như một phương cách xây dựng của người kiến trúc sư.”

Notre-Dame-du-Haut

Vào những năm 1930s và xuyên suốt Thế chiến thứ Hai, Le Corbusier thực hiện ít công trình hơn thời kỳ đầu, nhưng khi cuộc chiến dần đi đến kết thúc, sự nghiệp của ông bắt đầu bùng nổ trở lại. Tuy nhiên, vào thời điểm này, ông đang thử nghiệm với một phong cách khác hẳn với sự hiện đại, trau chuốt của thập niên 1920s; thay vào đó ông cách thiết kế bê tông hở cũng như xây dựng trên quy mô lớn hơn. Về sau, phong cách này được tiếp nhận rộng rãi và được biết đến với cái tên “Brutalism.”

“Chủ nghĩa hiện đại không phải xu hướng, mà là một trạng thái” 

Cũng trong giai đoạn này, Le Corbusier đã hoàn thành phần lớn các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, bao gồm Unité d’habition tại Marseile (các thiết kế tương tự cũng xuấ thiện tại Nantes-Rezé, Berlin, Briey và Firminy), nhà nguyện Notre Dame du Haut tại Ronchamp, Tu viện La Tourette và Trung tâm nghệ thuật Carpenter Center for the Visual Arts, công trình duy nhất của ông tại Mỹ.

Le Corbusier và thuyết màu sắc

Le Corbusier sống trong thời đại mà các nhà thiết kế và nhà sản xuất coi màu sắc đơn thuần như một món đồ trang trí. Henry Ford, người sống cùng thời với ông, cho rằng màu đen là gam màu hoàn hảo cho bất kì phương tiện nào bởi vì đó là màu sơn khô nhanh nhất. Nhiều kiến trúc sư đương đại cũng có suy nghĩ tương tự khi ưu ái màu trắng.

Tuy nhiên, là một họa sĩ kiệt xuất, Le Corbusier hiểu rõ bánh xe màu sắc và những ảnh hưởng mạnh mẽ cả về mặt trực quan lẫn cảm xúc mà các gam màu có thể mang lại với người xem. Trong quyển “Architectural Polychromy” xuất bản vào đầu những năm 1930, Le Corbusier đã nêu ra sự quan trọng của màu sắc trong kiến trúc, cũng như cách nó tác động đến người sinh sống bên trong. Năm 1932, công ty giấy dán tường Thụy Sĩ Salubra đã mời Le Corbusier thực hiện bộ sưu tập mẫu giấy dán tường, và ông đã soạn ra danh sách những gam màu ông tin rằng phù hợp nhất với kiến trúc.

“Màu sắc trong kiến trúc - một công cụ mạnh mẽ không kém phần nền hay mặt cắt. Tốt hơn hết, hãy ứng dụng nhiều sắc màu, coi nó như một thành tố gắn liền với phần nền hay mặt cắt.”

Nếu bạn đã từng chọn màu sơn cho căn nhà của mình, chắc hẳn bạn cũng đã đắn đo liệu các gam màu mình chọn xét về tổng thể có hài hòa với nhau không, màu nào đẹp hơn, có tạo cảm giác ấm cúng của căn nhà không… Tuy nhiên, với BST màu của Le Corbusier, bất kì ai cũng có thể chọn ra những gam màu “hài hòa một cách tự nhiên” và đảm bảo rằng kết quả hoàn thiện sẽ đúng như mong muốn ban đầu. 

Bảng màu năm 1939

Được đặt tên Les Couleurs, bộ sưu tập gồm hai phần. Phần thứ nhất được Le Corbusieur thực hiện năm 1931 với 43 gam màu xếp thành 14 dãy màu. Các dãy màu này được cấu thành từ những màu cơ bản và được tăng độ sáng dần một cách tài tình. Năm 1959, ông thêm vào danh sách này 20 gam màu sặc sỡ, táo bạo hơn.

Thuyết màu sắc của ông xoay quanh 3 trọng tâm chính: sử dụng các gam màu tự nhiên để tạo cảm xúc, ứng dụng màu nhân tạo để tạo sự tương phản, và phủ lớp màu trong suốt để thay đổi bề mặt mà không ảnh hưởng đến không gian. 

Bảng màu năm 1959

Ba trọng tâm này cũng chính là lí do vì sao ông hứng thú với lĩnh vực giấy dán tường. Ông muốn xem thử liệu những màu sắc mình đã chọn có thể được ứng dụng như cách ông đã mong muốn, điều ông không thể kiểm chứng với màu sơn thông thường. Chính vì vậy, ông đã sắp xếp 43 gam màu đầu tiên vào 12 danh mục, mỗi danh mục gồm 2 màu cố định. Hai màu này sẽ được phối với nhiều nhóm 3 màu khác theo chỉ dẫn của Le Corbusier để đảm bảo độ hài hòa. Trong sách, ông cũng đưa ra những lời khuyên màu nào nên dùng để sơn cả bức tường, và màu nào dùng để tạo sự tương phản, thường là một màu rực rỡ hơn.

Theo Christine von der Linn, chuyên gia tại nhà đấu giá Swann Auction Galleries, thuyết màu sắc cho phép “các nhà thiết kế thao túng thiết kế của mình và thỏa mãn những nhu cầu tâm lý của khách hàng.”

Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về bảng màu của Le Corbusier tại đây

Đặt nền tảng cho quy hoạch đô thị hiện đại

Secretariat Building, Chandigarh

Xuyên suốt sự nghiệp, bên cạnh các công trình kiến trúc, Le Corbusier còn là một nhà vận động quyết liệt, táo bạo với một tầm nhìn mới mẻ đối với các dự án quy hoạch đô thị hiện đại. Cũng như các tác phẩm kiến trúc thời kỳ đầu, những bản thiết kế đô thị của Corbusier đặt trọng tâm vào công năng và hỗ trợ tối đa các phương tiện giao thông. Bản kế hoạch đầu tiên của ông, “Ville Contemporaine” được thiết kế vào năm 1922, năm 1925 ông thiết kế bản “Plan Voisin”, với tham vọng phả bỏ một khu vực lớn tại trung tâm Paris để thay bằng những tòa tháp chủ nghĩa hiện đại, đặt giữa công viên và được kết nối với mạng lưới đường cao tốc trên cao. Mười năm sau, Le Corbusier đã phát triển thiết kế này thành một bản mang tính giả thuyết hơn, “Ville Radieuse”. Các bản vẽ này về sau ảnh hưởng đến thiết kế bản “Unités”: những ngôi làng tự cung tự cấp cho cả cộng đồng.

Các bản vẽ đô thị của Le Corbusier là tiền đề dẫn đến phần lớn chỉ trích đối với sự nghiệp và cuộc đời ông. Tận dụng vị trí là thành viên chủ chốt của Tổ chức Kiến trúc Hiện đại Quốc tế (Congres Internationaux d’Architecture Moderne - CIAM), Le Corbusier đã trình diện những nền tảng của một thành phố tập trung vào công năng mà ông đặt ra trong quyển Athen’s Charter. Quyển sách này về sau trở thành nền tảng cho quy hoạch đô thị hiện đại. Le Corbusier đã từng nhận rất nhiều chỉ trích vì đã tận dụng các mối quan hệ chính trị trong nỗ lực hiện thực hóa kể hoạch của mình

Bản vẽ quy hoạch đô thị Chandigarh

Những năm 1950, tầm nhìn kiến trúc và quy hoạch đô thị của Le Corbusier cuối cùng cũng được thừa nhận khi ông được mời để hoàn thiệt thiết kế của Chandigarh, thủ đô mới của bang Punjab tại Ấn Độ. Le Corbusier đã vẽ mặt bằng thành phố, và cũng tại đây ông đã tự tay thiết kế 3 công trình: Secretariat Building (Văn phòng chính phủ), Palace of the Assembly, và High Court (Tòa án Tối cao)

Không thể đo đếm được những ảnh hưởng của Le Corbusier đến kiến trúc đương đại. Ông đã giúp hình thành nền tảng của phần lớn kiến trúc chủ nghĩa hiện đại và bản vẽ quy hoạch đô thị. Có thể nói phần lớn những lý thuyết đương đại chỉ là sự tiếp nối, hoặc phủ định, các giả thuyết, lý tưởng mà ông đã đưa ra. Không chỉ vậy, ông dường như đã thấy được hướng phát triển của kiến trúc: cây bút Hal Foster nhận định Le Corbusier như một “kiến trúc sư chính trị” đã tạo “phần nền” để các kiến trúc sư hiện đại xây dựng lên, như Rem Koolhaas. Trong phần giới thiệu quyển ‘The Le Corbusier Guide’ của Deborah Gans, giáo sư Alan Plattus đã viết:

“Hơn nửa thế kỷ qua, những bài phê bình, chỉ trích, nghiên cứu và các thiết kế không phải để chất vấn Le Corbusier mà là để hòa tan các lý tưởng của ông vào dòng huyết mạch của thời đại… Le Corbusier đã không trở thành đối tượng trong những cuộc tranh luận của chúng tôi, mà ông là chính là nền tảng mà các cuộc tranh luận được hình thành nên.”

Sau đây, hãy cùng điểm qua 10 công trình tiêu biểu nhất của kiến trúc sư Le Corbusier: 

1. Villa Savoye · Poissy, Pháp

Trên một cánh đồng bao quanh bởi rừng cây rậm rạp ngoài ngoại ô Paris là căn nhà nghỉ cuối tuần của gia đình Savoye, ‘Villa Savoye’, được thiết kế bởi Le Corbusier và người em họ Pierre Jeanneret. Thiết kế này mang tính tiên phong bởi vì nó bao hàm rõ rệt 5 luận diểm của Le Corbusier về nền kiến trúc mới được xác lập năm 1927: ‘Pilotis’, hay các cột trụ, được ứng dụng để nâng phần nền nhà; các bức tường không còn được sử dụng để chống đỡ; những khung cửa số ngang, dài; phần mặt đứng được giải phóng khỏi cấu trúc truyền thống; và phần mái phẳng được dùng làm vườn hoặc ban công. 

2. Villa La Roche · Paris, Pháp

‘Villa La Roche’, còn được biết đến là ‘Maison La Roche’, là một cặp nhà ở tách-biệt-một-phần, được xây cho anh của Le Corbusier, Albert Jeanneret, và Raoul La Roche, một nhà sưu tầm nghệ thuật Lập thể (Cubism) và là bạn thân của người kiến trúc sư. Dự án này được công nhận là tòa nhà theo chủ nghĩa Hiện đại thuần túy đầu tiên, với cấu trúc hình học lạ mắt, thẩm mỹ tối giản, và các gam màu lặng trung tính. Ngày nay, căn villa được sử dụng làm bảo tàng và không gian trưng bày cho Tổ chức Le Corbusier.

3. Saint-Pierre · Firminy, Pháp

Tọa lạc tại một thành phố nhỏ ở Pháp, công trình lớn cuối cùng của Le Corbusier khởi công vào năm 1961 và được hoàn thiện 41 năm sau khi ông qua đời. Nhà thờ được đặt trong khu vực công nghiệp và khai thác mỏ lâu đời, điều này lý giải cho hình thù của nó - Công trình trông như một nhà máy điện méo mó hơn là một nơi để thờ tụng. Trong quá trình thiết kế nó, Le Corbusier đã khẳng định rằng nhà thờ này bắt buộc phải “thật rộng để trái tim cảm thấy sự bình yên, và thật cao để đón nhận những lời cầu nguyện”.

4. Palace of Assembly · Chandigarh, Ấn Độ

Dự án mang tính biểu tượng này là một phần của Capitol Complex, một khu phức hợp hành chính bao gồm ba công trình tọa lạc tại vùng phía Bắc Ấn Độ: Secretariat Building (Văn phòng chính phủ), Palace of the Assembly, và High Court (Tòa án Tối cao). Công trình khổng lồ, dài 250m bao gồm 8 tầng bê tông đúc, tựa vào dãy núi Himalaya hùng vĩ phía sau. ‘Palace of Assembly’ đã ứng dụng những lý thuyết chủ nghĩa Hiện đại của Le Corbusier trên một quy mô đáng kinh ngạc.

5. Corbusierhaus (Unité d’Habitation) · Berlin, Đức

Bị tàn phá bởi bom đạn, thành phố Berlin đã trải qua một giai đoạn khủng hoảng nhà nghiêm trọng ở sau cuộc Thế chiến Thứ II. Để đáp lại điều đó, Le Corbusier đã thiết kế dự án nhà cộng đồng trên cao bao gồm 530 căn hộ trải dài các tầng lầu - một biểu tượng cho sự hiện đại hóa của Đức sau chiến tranh. Ý tưởng ‘Unité d’Habitation’ thành công lần đầu tại Marseille; công trình đó được coi là tác phẩm phong cách Brutalism có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất mọi thời đại. ‘Unité d’Habitation’ được đưa đến vùng Westend thuộc Berlin vài năm sau đó, năm 1959, với mục đích cải thiện điều kiện sống cho cư dân nơi đây. 

6. The National Museum of Western Art (Bảo tàng Quốc gia Mỹ thuật phương Tây) · Tokyo, Nhật Bản

Tọa lạc giữa trung tâm Tokyo, viện trưng bày nghệ thuật công cộng này đã trở thành dấu ấn tiêu biểu cho phong cách Brutalism tại Nhật Bản. Bảo tàng này được làm từ những khung sắt gia cố đúc sẵn đặt trên các gờ thép, với phần mặt bằng trung tâm được thiết kế thành hình vuông. Theo một bài đánh giá từ tờ The New York Times, bản thân công trình đã thể hiện “vẻ đẹp mỹ thuật hoàn mỹ”, ngang ngửa những tác phẩm được trưng bên trong - trong đó bao gồm những bức của Picasso, Manet, và Pollock.

7. Couvent Sainte-Marie de la Tourette · Éveux, Pháp

Được thêm vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 2016, tu viện dòng Đa Minh (Dominican) tại Pháp được thiết kế như một khu dân cư khép kín cho cộng đồng linh mục. Tòa nhà phức tạp này được cấu thành từ nhiều không gian khác nhau: một trăm căn phòng ngủ tách biệt dành cho việc thờ phụng tịch mịch và nghỉ ngơi, một thư viện công cộng, một tu viện trên mái, một nhà thờ, và vài phòng học. Mỗi căn phòng ngủ đều có ban công hướng ra ngoài trời, với các dãy cửa sổ ngang nhằm mục đích chiếu sáng và cho phép các tu sĩ tận hưởng khung cảnh thiên nhiên xung quanh. 

8. Maison de la Culture · Firminy, Pháp

Trung tâm văn hóa này, tọa lạc tại Firminy gần Nhà thờ Saint-Piere, được hoàn thành cùng năm Le Corbusier qua đời. Công trình kéo dài 112m được xây trên một ngọn đồi nhân tạo với đặc trưng là phần mái bất đối xứng liên kết với mặt đứng dốc phía tây của tòa nhà. Bên trong gồm một khán phòng, phòng chơi nhạc, rạp hát, và một phòng trưng bày nghệ thuật. 

9. Pavillon Le Corbusier · Zürich, Switzerland

Còn được biết đến là ‘Le Corbusier House’, dự án này được nhà thiết kế nội thất Hedi Weber đặt thi công để làm nhà ở đồng thời là nơi trưng bày các bức tranh do Le Corbusier vẽ mà cô đã sưu tầm. Tòa nhà tọa lạc trên một bãi cỏ bên bờ hồ Zürich, được làm hoàn toàn từ thủy tinh và thép. Với đặc trưng là phần mái lơ lửng và các khung màu được sắp xếp như cục rubik, căn nhà này cũng là cột mốc đánh dấu sự thay đổi trong phong cách của Le Corbusier, khi ông rời xa bảng màu chủ nghĩa Thuần khiết mà bản thân đã xác lập trong quyển ‘Polychromie Architecturale’ năm 1931.

10. Notre-Dame-du-Haut · Ronchamp, Pháp

Nhà nguyện Công giáo La Mã này đánh dấu một sự thay đổi lớn khác của Le Corbusier, khi ông giảm bớt sự chú trọng vào tính công năng trong các tác phẩm của mình. Nhà nguyện được xây dựng trên một điểm hành hương từng tồn tại nhưng sau đó bị phá hủy hoàn toàn trong Thế chiến thứ 2. Phần mái bê tông cuồn cuộn được nâng đỡ bởi những bức tường cong dày, tạo nên những khung cửa sổ với hình thù kỳ lạ được sắp đặt độc đáo.


(1) Mặt bằng tự do: Trong kiến trúc, mặt bằng tự do là một mặt bằng lớn, thoáng đãng, không bị chia cắt bởi những bức tường chịu lực. (Nguồn: Wiki)

Nguồn dịch

1. https://www.archdaily.com/434972/happy-birthday-le-corbusier-2?ad_source=search&ad_medium=search_result_all

2. https://www.ignant.com/2019/04/12/ignants-guide-to-le-corbusiers-10-most-significant-buildings/

3. https://www.lescouleurs.ch/en/the-colours/colour-system

Bài dịch và tổng hợp - Phúc Hồ . Thuộc bản quyền Fashionnet.vn, vui lòng ghi rõ nguồn khi muốn đăng tải. 

________________________________________________

G Studio 

Art Design Center 

vietnamcolor.vn - fashionnet.vn

Contact: 0903788646 - 0903975081

Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \

Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)

30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City 

 

Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn. 

HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.

 

Top 10 kiến trúc xu hướng của Nhật Bản 2022

Top 10 kiến trúc xu hướng của Nhật Bản 2022

Interior / Architects có điều gì đó về kiến trúc của Nhật luôn khiến tâm hồn bạn trầm lắng, cảm giác được bao bọc trong sự mờ ảo và ấm áp như ánh mặt trời xuyên qua lớp sương mai. Có lẽ đó là cái độc đáo từ chủ nghĩa tối giản, sự sang trọng vượt thời không, cách sử dụng gỗ đầy nghệ thuật hay đơn gỉan hơn là sự vận dụng bản chất của Thiền Tông đến từ người bản xứ.

Những yếu tố giúp quán Cafe hoạt động hiệu quả

Những yếu tố giúp quán Cafe hoạt động hiệu quả

Interior / Architects Các quán cafe đã trở thành một điểm nóng của những người yêu thích cà phê và không gian thưởng thức. Một trong nhiều lý do quán cafe trở thành một tụ điểm phổ biến là do nội thất các quán được trang trí và thiết kế đẹp mắt.


VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

Pro_Creative ĐI & VỀ, ĐI để vẽ nên màu của mình, chúng ta là Màu Việt Nam. Khi người nghệ sĩ chọn chất liệu, họ say mê bề mặt của giấy, toan, đất, vải, vóc, sơn hay bất kỳ kết cấu nào tạo ra cảm xúc để sáng tạo. Người thưởng ngoạn hít thở sâu, nhắm mắt, lắng nghe từ trực giác, mở mắt để thấu cảm màu sắc, hình, khối, vẻ quyến rũ từ chất liệu, tài năng của người nghệ sĩ, hòa nhịp làm nên câu chuyện sáng tạo. Khi bắt đầu chạm, sẽ hiểu rồi yêu, điều này vô cùng quý giá cho hành trình khám phá nghệ thuật ĐI & VỀ, ĐI của mỗi người.

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Subscription

Fashionnet

Follow us