Kiến trúc sư Moon Hoon: Tạo sự khác biệt từ những bản vẽ ngẫu hứng
Interior / Architects "Một vài khách hàng không rõ họ muốn gì, họ chỉ yêu cầu nó phải độc đáo." Để đáp ứng những yêu cầu về sự khác biệt trong kiến trúc, Moon Hoon đã lấy cảm hứng từ những bản vẽ 'nguệch ngoạc', một thú vui thuở bé, và cũng là cách mà anh 'tiếp cận tiềm thức của mình.'
Đối với Moon Hoon, người kiến trúc sư đã tạo nên những công trình bắt mắt khắp Hàn Quốc, nguồn cảm hứng có thể đến từ bất kì đâu. “Tôi bị ảnh hưởng bởi vô vàn thứ khác nhau, từ kiểu tóc của khách hàng cho đến món tráng miệng,’ Moon hoon chia sẻ với tờ Designboom. ‘Cảm hứng không có giới hạn’. Moon Hoon cho rằng trong tương lai, kiến trúc sẽ dần ảnh hưởng đến một loạt lĩnh vực khác nhau. ‘Cảm hứng không chỉ đến từ các kiến trúc sư đồng nghiệp hay những nghệ sĩ, mà nó còn đến từ khí hậu, môi trường, tin tức, đặc biệt là công nghệ, tôi tin công nghệ sẽ ảnh hưởng và truyền cảm hứng mạnh mẽ đến các công trình sắp xuất hiện,’ Anh giải thích.
Moon Hoon không ngừng lại ở những công trình bê tông cốt thép phổ thông, mà anh đã từng phục vụ những khách hàng ‘khác thường’ với những yêu cầu kì lạ không kém. Một vài ví dụ có thể kể đến là khu phức hợp dành cho một vị khách nghĩ mình là ma cà rồng, hay một dãy nhà ở cho nghệ sĩ chơi bass của một ban nhạc rock nghiệp dư. ‘Một vài khách hàng không biết họ muốn gì, nhưng họ biết chắc chắn rằng họ muốn sự khác biệt,’ Hoon chia sẻ.
Ý tưởng sáng tạo của Moon Hoon thường được phác ra trên các bản vẽ ngẫu hứng. ‘Tôi có thói quen vẽ vời từ khi 4 tuổi,’ anh chia sẻ. Các bức tranh này lần đầu được công khai với công chúng quốc tế vào năm 2014 như một phần gian hàng của Hàn Quốc trong triển lãm Venice Biennale.
Bảo tàng Samsang
Moon hoon cũng làm phim ngắn, thường là để trình bày những dự án đã hoàn thành của anh. Người kiến trúc sư đến từ Seoul chia sẻ rằng những đoạn phim này tìm cách ‘hồi sinh những gì đã mất trong quá trình hình thành nên môi trường đã được xây dựng’. Quá trình làm phim giúp anh ‘phủ một lớp tưởng tượng lên thực tại’, một kỹ thuật mà anh so sánh với Augmented Reality (AR - Tương tác thực tế ảo.) ‘Theo tôi, lĩnh vực kiến trúc quá nghiêm túc. Tôi muốn thêm chút hài hước vào nó, thứ sẽ giúp chúng ta thư giãn và khai mở óc sáng tạo của mình,’ Moon Hoon giải thích. Sau đây, hãy cùng theo dõi đoạn phỏng vấn độc quyền giữa kiến trúc sư Moon Hoon và tạp chí thiết kế Designboom.
Công trình Rock it Suda
Trong bài phỏng vấn trước đây vào năm 2014, anh chia sẻ với chúng tôi rằng anh thường vẽ vời những lúc không quá bận rộn. Anh có bao giờ nghĩ rằng các bức vẽ đó sẽ được Bảo tàng MoMa tại New York mua lại?
Thật ra tôi đã bắt đầu vẽ ngẫu hứng từ lúc 4 tuổi rồi. Cho đến nay vẫn vậy. ‘Triển lãm cá nhân’ đầu tiên của tôi được tổ chức trong thư viện trường khi tôi ở tuổi vị thành niên. Điều bất ngờ ở đây là tất cả bức tranh đều được mua lại, mặc dù tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một nghệ sĩ. Lần đầu tiên tôi tiếp cận công chúng quốc tế là vào năm 2014, khi 40 bức tranh của tôi được trưng bày tại gian hàng Hàn Quốc trong triển lãm Venice Biennale. Đơn đặt hàng đầu tiên là từ Bảo tàng Tchoban tại Berlin. Ông Tchoban, nhà sưu tầm, họa sĩ và kiến trúc sư đã mua lại 6 bức vẽ của tôi. Năm 2015, tôi được mời để trưng bày các tác phẩm của mình tại Lễ khai mạc triển lãm Chicago Biennale. Một năm sau, tôi được bảo tàng MoMa liên lạc, họ đề nghị mua lại 6 bức tranh từ bộ sưu tập của tôi. Cá nhân tôi cảm thấy rất danh dự khi các bức vẽ của mình là một phần của bộ sưu tập thường niên, bên cạnh tác phẩm từ những kiến trúc sư tiếng tăm khác. Năm 2020, Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Hàn Quốc (MOCA) cũng đặt mua tranh vẽ của tôi.
Nhiều bạn đọc của chúng tôi cũng được truyền cảm hứng bởi tranh vẽ của anh. Anh có coi đây là một phương tiện thú vị để truyền tải ý tưởng sáng tạo?
(Trái) Urban Robot, 2010 ; (Phải) Wind Museum, 2010
Thật tuyệt vời khi biết rằng tranh vẽ của tôi truyền cảm hứng cho người khác. Vì bản chất là môi trường xây dựng, các công trình kiến trúc phải vượt qua rất nhiều rào cản, thử thách, làm ý tưởng ban đầu dần dần đi lệch hướng. Mặt khác, tranh vẽ có thể giữ trọn vẹn ý tưởng nguyên bản mà không bị tác động bởi nhân tố bên ngoài, chính vì vậy nên nó giữ được sự thuần khiết như dự định ban đầu. Nó phủ định mọi quy luật về trọng lực, thời gian, không gian, và tạo ra một môi trường sáng tạo tự do, cũng chính là nguồn năng lượng thiết yếu đã định hình chính vũ trụ này. Nói cách khác, với mỗi bức vẽ, một vũ trụ mới đã được tạo ra.
Anh cũng đã từng làm phim ngắn liên quan đến công trình kiến trúc của mình. Thông điệp mà anh muốn truyền tải thông qua chúng là gì?
Tôi đã sớm có dự định thực hiện phim ngắn sau khi hoàn thành mỗi dự án. Tuy nhiên, chỉ mới một số ít được hoàn thiện, đó là khi tôi đã tìm được đúng người có kỹ năng chỉnh sửa video mà tôi cần. Tôi cũng thường vẽ storyboard cho các dự án. Chúng ta trải nghiệm các công trình kiến trúc thông qua chuyển động cơ thể và các giác quan của mình - nó là một trải nghiệm riêng biệt đối với mỗi góc nhìn. Bạn có thể coi những thước phim này như sự ‘tiếp nối’ trải nghiệm mà bạn đã có tại không gian do tôi tạo ra. Nội dung của chúng cũng giống như một bộ phim thông thường, nhưng điểm khác là chúng luôn luôn có kết thúc mở, cũng như kiến trúc vậy. Bạn có thể theo dõi chúng thông qua trang chủ của tôi.
Cách tiếp cận của anh đối với từng dự án như thế nào? Lịch trình hằng ngày của anh ra sao?
Tui thường vẽ vời một chút trên một mảnh giấy ghi chú hoặc giấy can, cố gắng thể hiện những suy nghĩ của mình về dự án mới đó. Đôi khi tôi dừng lại một chút, để mặc những ý tưởng trên mặt giấy như những mảnh ghép rời rạc. Các bản vẽ này là cách tôi tiếp cận tiềm thức của chính mình, có những lúc một hình ảnh hay một góc nhìn lóe lên trong tâm thức, và tôi cố gắng vẽ nó ra. Tôi được truyền cảm hứng rất nhiều từ những bản vẽ này, bởi vì trong đó, không hề có một sự soi xét hay phê phán nào.
Tôi thường làm việc và sáng tạo một mình buổi sáng. Sau đó, tôi gặp gỡ những người cộng tác hay khách hàng vào buổi chiều. Tôi cũng thích lái xe nên bạn sẽ thường bắt gặp tôi trên vô-lăng chạy đến một nơi vô định, không định hướng…
Ở một bài phỏng vấn trước đây, anh đã kể chúng tôi về nguồn cảm hứng lớn nhất của anh. Còn hiện tại, liệu anh đã tìm thêm nguồn cảm hứng mới từ những nghệ sĩ hay kiến trúc sư đương đại?
Busan Times
Tôi nghĩ sự khác biệt là thứ mà các kiến trúc sư đang hướng đến. Nguồn cảm hứng không chỉ giới hạn ở những đồng nghiệp hay các nghệ sĩ, chúng có thể đến từ khí hậu, môi trường, thông tin, và đặc biệt là công nghệ, tôi tin rằng nó sẽ trở thành một nguồn cảm hứng dồi dào và ảnh hưởng mạnh mẽ đến các công trình trong tương lai. Bản thân tôi còn có thể tìm ra cảm hứng từ những thứ thường nhật, như là kiểu tóc của khách hàng hay món tráng miệng hôm đó. Tôi tin rằng không có giới hạn trong việc lấy cảm hứng.
Anh đánh giá tình hình kiến trúc hiện tại ở Hàn Quốc như thế nào? Anh sẽ miêu tả thành phố Seoul ra sao?
Khi nhắc tới Hàn Quốc, tôi thường nghĩ tới kiến trúc Nhật Bản thập niên 90. Cũng như Nhật Bản trước đây, nhiều khách hàng có điều kiện đang yêu cầu sự khác biệt ở nơi ở riêng của họ cũng như những khu vực công cộng, hay các công trình độc đáo mang tính biểu tượng. Hàn Quốc khác với những nền văn hóa khác ở chỗ xu hướng đương đại ảnh hưởng mạnh mẽ đến suy nghĩ khách hàng nơi đây. Nếu như các thiết kế bê tông hở đang hợp thời, thì nhiều người sẽ sẵn sàng theo đuổi, lựa chọn nó. Ở Hàn Quốc, mọi người luôn sẵn sàng ưu tiên và thích thú với những thiết kế đương đại.
Anh đã làm việc với những khách hàng mà yêu cầu của họ có thể nói là ‘dị biệt’. Đâu là một trong số những yêu cầu kỳ lạ nhất?
Two Moon
Phần lớn khách hàng của tôi đều rất khác biệt so với người Hàn Quốc thông thường, khác biệt ở chỗ rằng họ gặp tôi và yêu cầu rằng tôi phải tạo ra một cái gì đó hoàn toàn khác thường. Một vài người trong đó không rõ họ muốn gì, họ chỉ yêu cầu nó phải độc đáo. Tôi rất bất ngờ khi nhận ra có nhiều người đặc trưng đến vậy trong một xã hội tưởng như đã đồng nhất về tư tưởng. Nhiều người trong đó muốn thiết kế của họ thể hiện sự khác biệt so với bản chất của nó. Ví dụ, họ muốn một căn nhà với vẻ ngoài không phải là của một căn nhà.
Anh đã từng chia sẻ với chúng tôi về việc tạo ra một ‘không gian 3D’, thứ có thể dẫn đến những cảm giác khác thường, thậm chí có thể choáng ngợp người xem. ‘Không gian’ này khác gì ‘không gian 2D’?
Khi tôi nói về không gian 3D, ý tôi muốn ám chỉ không gian mà cảm quan về chiều dọc mạnh mẽ hơn. Một không gian hẹp, thẳng đứng, tác động tới cảm giác không gian người xem là điều tôi đang muốn nói đến. Tôi thường sẽ tạo ra những cây cầu hẹp, tưởng chừng như đang lơ lửng giữa không gian 3D. Tôi cảm giác rằng con người chúng ta nhận thức mạnh mẽ hơn khi đặt trong một không gian dọc. Chúng ta không nghĩ tới việc mình sẽ rơi xuống, nhưng cảm giác rơi xuống sẽ hiện hữu trong tâm trí ta.
Anh có bao giờ thấy khó chịu đối với những kiểu kiến trúc phổ thông?
Không hẳn, tôi chỉ tưởng tượng ra những khả năng có thể phủ lên nó. Bạn có thể coi như tôi đang mộng mơ hay suy nghĩ viễn vông cũng được.
Dự án trong mơ của anh là gì?
Không hẳn là dự án trong mơ, nhưng cũng gần như vậy. Tôi đang giám sát một công trình của mình tại Dubai, khu vực của Hàn Quốc trong hội nghị Expo 2020, dự án mà tôi đã đoạt được cùng cộng tác của mình trong một cuộc thi năm 2018. Thiết kế của nó rất ngẫu hứng, năng động, khác biệt với những đường nét có thể khiến người xem choáng váng khi bước vào. Cả công trình này là cách tôi nỗ lực thể hiện những tiềm năng trong việc trưng bày một công trình kiến trúc giống như những tác phẩm nghệ thuật bên trong nó. Những đường chéo năng động có thể nói là cốt lõi trong thiết kế của tôi: thứ sẽ cho phép làn gió thổi qua nó và những vị khách bên trong, trong khi các đoạn dốc sẽ cho phép người xem có một góc nhìn tuyệt vời và giải phóng họ khỏi sự tù túng thường gặp trong kiến trúc.
Nguồn dịch: https://www.designboom.com/architecture/interview-moon-hoon-influences-drawings-04-06-2021/?fbclid=IwAR3wzn0jNbeOhS4cFCwvuRdUS7MGldDmuBllOSvHYU16WXbVvNaGej3zfq4
Bài dịch - Phúc Hồ
___________________________________________________________
Pro Creative Class I Khóa học SÁNG TẠO 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, học tư duy sáng tạo, để đổi mới, hiểu biết, hành trình của tự do. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM
Creative Class PRO: Những buổi học và bài giảng tạo ra những gợn sóng xung đột trong tâm trí và trái tim bạn, làn sóng cảm hứng bất tận, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng, đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Đây là hành trình của nghệ thuật và tự do, với lời mời hít thở bầu không khí đầy sức sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn và sự thăng hoa của tinh thần.