288
29 Tháng 06 6:03 pm

Lằn ranh mỏng giữa "tôn trọng văn hoá" và "xâm lược văn hoá"

 Văn hoá thể hiện bản sắc cá nhân của từng dân tộc, khiến dân tộc đó trở nên khác biệt và có chất riêng. Hội nhập và toàn cầu hoá đã giúp chúng ta có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với những nền văn hoá khác nhau. Tuy nhiên, lằn ranh giữa "tôn trọng văn hóa" và "xâm lược văn hóa" lại trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết

Đã từ rất lâu, hành vi “xâm lược văn hoá” được các hãng thời trang lớn bình thường hoá. Chỉ đến khi mọi người bắt đầu quan tâm và nhạy cảm hơn với những vấn đề chính trị, xã hội diễn ra xung quanh mình, “xâm lược văn hoá” mới được đánh giá một cách đúng đắn hơn về mức độ nghiêm trọng của nó.

Vậy “tôn trọng văn hoá” và “xâm lược văn hoá” khác nhau như thế nào?

“Tôn trọng văn hóa” (cultural appreciation) là khi một cá nhân đầu tư công sức và học hỏi để có hiểu biết chuyên sâu về một nền văn hóa không phải của mình với một thái độ và tư duy cởi mở. Đồng thời, cá nhân đó cũng sẵn sàng tôn vinh, trân trọng phong tục tập quán đó mà không có tư duy trục lợi cho riêng mình.

Trong khi đó, “xâm lược văn hóa” (cultural appropriation) có thể được hiểu là hành vi sử dụng hoặc trục lợi từ một nền văn hóa cụ thể với rất ít hiểu biết về nó, và đặt nó ra khỏi bối cảnh quen thuộc. Thêm nữa, cá nhân hoặc tổ chức đó còn không trích dẫn nguồn gốc hoặc thừa nhận mình đang lấy ý tưởng từ nền văn hoá khác. Điển hình là từ nhóm thống trị của xã hội, cụ thể là các thương hiệu thời trang lớn hoặc những người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng.

Hành vi chiếm đoạt này có thể xuất phát từ tâm lý “Phương Tây và phần còn lại” (The West and the rest) ăn sâu vào quan điểm của chủ nghĩa châu Âu về thế giới, nơi mọi thứ tốt đẹp và đáng giá đều phải đến từ phương Tây - như thể phương Tây là cái nôi của nền văn minh. Hệ tư tưởng này biện minh cho tâm lý thuộc địa của họ và bình thường hóa thái độ thượng đẳng của phương Tây đối với các truyền thống văn hoá khác. 

Trong bài báo "Thời trang và sự chiếm đoạt”, Susan B. Kaiser đã đưa ra một câu hỏi thú vị: “Ai sẽ thu lợi từ việc chiếm đoạt, và ai sẽ bị tổn thương hoặc bị bóc lột: về mặt văn hóa, kinh tế, chính trị, tâm lý, v.v.?”. Điều nguy hiểm khi mang các nền văn hóa khác nhau ra khỏi bối cảnh của nó, là nền văn hoá đó có thể bị hiểu sai, theo nghĩa tiêu cực trên diện rộng. Khi sức mạnh của những thương hiệu thời trang lớn này có thể dễ dàng át đi tiếng nói của nhóm người yếu thế hơn, liệu những ‘hiểu nhầm’ có thể được khắc phục sau khi được tuyên truyền rộng rãi? Hay nét văn hoá truyền thống này sẽ bị làm cho méo mó? Dưới đây là một số ví dụ về hành vi “xâm lược văn hoá” được thực hiện bởi các hãng thời trang lớn.

1. Vụ việc Balenciaga lấy ý tưởng từ đồ án của sinh viên gốc Việt, Tra My Nguyen.

Ý tưởng gốc của Tra My Nguyen

Và bản “dupe” của ông lớn thời trang Balenciaga

Vào năm 2020, thương hiệu nổi tiếng Balenciaga bị cáo buộc lấy cắp ý tưởng từ đồ án tốt nghiệp của một nhà thiết kế thời trang gốc Việt, Tra My Nguyen. Điều đáng nói là nguồn cảm hứng từ tác phẩm này liên hệ mật thiết đến chính quê hương của cô, Việt Nam, nơi mà cái nắng như thiêu như đốt mùa hè sẽ tự động biến những người tham gia giao thông thành các “Ninja đường phố”. Tra My chia sẻ thêm về dự án này : “Tôi đã cắt ghép và đính những bộ quần áo chống nắng đặc trưng của Việt Nam lên chiếc xe máy, tạo thành những bức “điêu khắc có hồn”. Dự án đặt những nữ lái xe làm nhân vật chính, thách thức những trải nghiệm bị phân biệt  đối xử của họ”.

“Đây là một quá trình sáng tạo, chẳng phải một thứ gì đó nhìn “là lạ” ngẫu nhiên” - Tra My nói thêm. “Cảm hứng của Balenciaga là gì? Tôi đã quá mệt mỏi khi nhìn thấy những thương hiệu thời trang lớn trục lợi từ những nền văn hoá không phổ biến”

Được biết rằng, nhà tuyển dụng của Balenciaga trước đó đã đến trường Đại Học Nghệ Thuật Berlin, nơi Tra My theo học và nhìn thấy tác phẩm của cô ở triển lãm. Sau đó, phía Balenciaga đã yêu cầu được xem portfolio của Tra My hai lần liên tiếp, với lý do là hãng này đang tuyển thực tập sinh. Tra My đã gửi portfolio của cô qua email (kèm với dự án về những chiếc xe máy được bọc áo chống nắng), nhưng sau đó không nhận được hồi âm.

2. Gucci và bộ sưu tập với mẫu áo cổ lọ “Blackface”

Gucci và mẫu áo sweater "blackface"

Qua việc 'lãng mạn hóa sự đau khổ', các thương hiệu thời trang lớn rõ ràng đã nhiều lần thu lợi từ nền văn hóa của các cộng đồng thiểu số. Một ví dụ điển hình là chiếc áo cổ lọ “Balaclava” mô phỏng gương mặt người da đen trong bộ sưu tập Thu/ Đông năm 2018 của Gucci. Sau khi nhận được phản ứng dữ dội và phẫn nộ từ công chúng, Giám đốc điều hành Marco Bizzarri của Gucci đã nói trong một tuyên bố: "Chúng tôi đến từ một nền văn hóa khác. Chúng tôi là người Ý. Chúng tôi không thể biết được tất cả những sự khác biệt về văn hóa". Điều đó là sự thật, tuy nhiên, Gucci hoàn toàn có thể nghiên cứu kỹ hơn về mặt ý tưởng trước khi quyết định thực hiện bộ sưu tập này. Nhưng họ đã không. 

Tại sao chiếc áo cổ lọ mô phỏng gương mặt da đen (blackface) này của Gucci lại gây phẫn nộ đến như vậy?

Nguồn gốc của blackface (gương mặt da đen) bắt nguồn từ các buổi biểu diễn sân khấu của những năm giữa thế kỷ 19. Trong những buổi biểu diễn như vậy, những người da trắng đã cố tình làm đen da của họ bằng nút chai và si đánh giày, mặc quần áo rách nát và phóng đại quá mức các đặc điểm trên khuôn mặt họ để trông “giống người da đen” một cách rập khuôn, bao gồm cả đôi môi đỏ au, to phồng.

Những buổi biểu diễn như vậy thường xoay quanh quá trình những người châu Phi bị bắt làm nô lệ trên các đồn điền, người da đen bị miêu tả là ngu dốt, hèn nhát và lười biếng. Các buổi biểu diễn nhằm mục đích gây cười cho khán giả da trắng, nhưng đối với cộng đồng người da đen ở Mỹ, chúng gây tổn thương một cách nặng nề.

Những miêu tả tiêu cực về người da đen như vậy đã để lại một di sản tai hại trong văn hóa đại chúng, đặc biệt là ngành giải trí và phim ảnh; tuy nhiên, sự bài trừ đối với blackface đã tràn vào ngành công nghiệp thời trang.

Chính vì thế, một cách vô tình hay cố ý, sự thiếu nhạy cảm của Gucci khi trình diễn mẫu áo này trên những sàn diễn thời trang lớn lại gợi nhớ một cách tàn nhẫn về thời kỳ nô lệ của người da màu, thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử của họ.

3. Victoria’s Secret và chiếc khăn đội đầu của Người Mỹ bản địa (Native American)

Vào năm 2012, siêu mẫu Karlie Kloss bước trên sàn diễn của Victoria’s Secret với chiếc khăn đội đầu và mũ lông vũ đặc trưng của nền văn hoá Mỹ bản địa trong bộ đồ lót hai mảnh.

Bộ trang phục đã gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng người Mỹ bản địa, vì chiếc khăn và mũ lông vũ là những thứ thiêng liêng đối với các cộng đồng bản địa ở Bắc Mỹ. Bởi đây chính là dấu hiệu của một chiến binh hoặc một thủ lĩnh, mỗi chiếc lông vũ tượng trưng cho một thành tựu cá nhân và phải trải qua không ít khó khăn để có được nó. Giới phê bình cũng đặc biệt nhấn mạnh là trang phục của Kloss có ý nghĩa biểu thị tháng 11, khi Lễ Tạ ơn diễn ra và cũng gợi nhớ đến nạn diệt chủng người Mỹ bản địa bởi những người định cư châu Âu. Sau phản ứng dữ dội hướng đến Victoria’s Secret, Kloss đã công khai xin lỗi thông qua mạng xã hội và Victoria’s Secret quyết định cắt phần trình diễn đó ra khỏi chương trình phát sóng chính thức. 

4. Dior và mẫu áo đến từ Bihor, vùng Rumani

Bộ sưu tập mùa thu năm 2017 của Dior có những nét tương đồng rõ rệt với trang phục thủ công của Bihor, một vùng nhỏ của Romania, nơi những truyền thống văn hoá vẫn còn tồn tại. Người dân địa phương rất tự hào về di sản văn hóa của họ và vẫn làm thủ công những bộ trang phục gia truyền.

Dior đang bán những chiếc áo khoác tương tự với giá 30.000 Euro nhưng không có phần lợi nhuận nào được trích ra cho cộng đồng Bihor vì thương hiệu cho rằng mẫu áo truyền thống đó không phải là nguồn cảm hứng của họ.

Để đấu tranh chống lại trường hợp xâm lược văn hóa này, Beau Monde, tạp chí thời trang của Romania, đã phát động một chiến dịch mang tên “Bihor Couture” nhằm hỗ trợ thiết kế đích thực của Romania. Trên trang web chính thức, có ghi rằng “Bihor Couture là một thương hiệu Rumani đích thực với nhà thiết kế là các thợ thủ công địa phương. Nó được tạo ra để giúp những người sáng tạo tại địa phương bán quần áo và tiếp tục nghề truyền thống của họ”.

Bằng cách này, những người đam mê thời trang có cơ hội mặc những bộ quần áo thủ công đích thực được mua với mức giá thấp hơn nhiều (chiếc áo khoác mà Dior bán với giá 30.000 Euro chỉ có giá 500 Euro trên trang web của Bihor Couture). Điều đặc biệt là số tiền sẽ được chuyển đến cộng đồng địa phương và hỗ trợ họ tiếp tục bảo tồn những truyền thống thủ công này.

Ngoài những hãng thời trang lớn, người nổi tiếng cũng đã không ít lần phạm phải hành vi “xâm lược văn hoá”. Có thể kể đến Kacey Musgraves khi cô mặc chiếc áo dài, trang phục truyền thống của người Việt Nam nhưng lại “quên” không mặc quần; hay Kim Kardashian khi ra mắt bộ sưu tập đồ lót của mình dưới cái tên “Kimono”, vốn là trang phục truyền thống Nhật Bản.

Kacey Musgraves chỉ mặc phần thân trên của áo dài truyền thống Việt Nam

Trong bài báo “Tại sao thời trang cần sự phù hợp văn hóa”, tác giả Osman Ahmed đã viết: “Nếu không có quyền tự do nắm bắt trí tưởng tượng, sự tò mò và những cách diễn dịch khác nhau, rào cản vẫn tồn tại và các quy tắc khuôn mẫu vẫn còn nguyên vẹn - và điều gì có thể thụt lùi hơn thế?”. Nhưng tự do không ranh giới là gì? Liệu tự do có còn đẹp, còn đáng mơ ước nếu nó có khả năng gây ra những tổn thương về mặt tinh thần cho cả một cộng đồng? Có một ranh giới rất mỏng giữa chiếm đoạt và trân trọng, và cái giá phải trả sẽ cao hơn nhiều đối với nhóm người yếu thế hơn.

Tuy vậy, điều đó không có nghĩa rằng những hành vi vay mượn văn hoá không nên tồn tại. Nếu sử dụng đúng ngữ cảnh, nó có thể tôn vinh và giới thiệu một nền văn hoá khác đến với công chúng một cách đúng đắn. Đơn cử như khi Rihanna mặc chiếc váy đến từ nhà thiết kế thời trang Trung Quốc Gou Pei tại Met Gala vào năm 2015. Chiếc váy được thiết kế bởi một người am hiểu truyền thống và màu sắc của Trung Quốc, là sự kết hợp hoàn hảo giữa couture (thời trang cao cấp) và văn hoá cung đình của đất nước này. Kể từ sau Met Gala, tên tuổi của Gou Pei cũng như một phần của văn hoá Trung Quốc đã được biết đến rộng rãi hơn tại Phương Tây.

Chiếc váy được thiết kế bởi Gou Pei tại Met Gala 2015

Thật khó khăn khi hiểu và đánh giá đúng một nền văn hóa không phải của mình. Nhưng trong mọi trường hợp, đó là điều tối thiểu các hãng thời trang này có thể làm trước khi họ có ý định trục lợi và làm tổn thương những nền văn hoá yếu thế hơn. Hai khái niệm “Tôn trọng văn hoá” và “xâm lược văn hoá” có thể rất dễ bị hiểu nhầm, nhưng với nỗ lực học hỏi cùng tư duy cầu thị, thời trang sẽ không còn là công cụ để đàn áp.

 

Tham khảo và dịch thêm từ:
1. https://www.theguardian.com/fashion/2021/jun/12/its-this-seasons-must-have-hermes-bag-and-its-made-from-fungus?fbclid=IwAR3MiEopDbsj9dINIKp1VUGy5JPVmkTOrPJcuE5TWbhV3PCTmJQDFWG53J8
2. http://www.lac.qmul.ac.uk/our-legal-blog/items/gucci-ceo-faces-blackface-backlash-we-made-a-mistake-a-big-one.html
3. https://hashtaglegend.com/culture/timeline-recent-cultural-appropriation-fashion/
4. https://analytica.questiagroup.com/cultural-appropriation/
5. https://www.businessoffashion.com/opinions/news-analysis/why-fashion-needs-cultural-appropriation

Bài viết - Nhi Nguyễn

___________________________________________________________

Pro Creative Class I Khóa học SÁNG TẠO 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, học tư duy sáng tạo, để đổi mới, hiểu biết, hành trình của tự do. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM

Creative Class PRO: Những buổi học và bài giảng tạo ra những gợn sóng xung đột trong tâm trí và trái tim bạn, làn sóng cảm hứng bất tận, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng, đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Đây là hành trình của nghệ thuật và tự do, với lời mời hít thở bầu không khí đầy sức sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn và sự thăng hoa của tinh thần.

Thuốc giải u sầu: phương thuốc thế kỷ cho bệnh trầm cảm của Robert Burton

Thuốc giải u sầu: phương thuốc thế kỷ cho bệnh trầm cảm của Robert Burton

Opinion Phát hiện đi trước thời đại trong khoa học: Bất kể một ai... khi bị lấn át bởi sự cô đơn, hay bị cuốn theo bởi nỗi sầu êm đềm và sự tự phụ vô nghĩa... hay bị chôn vùi trong những nỗi lo vô bờ bến, tôi có thể đưa cho họ một bài thuốc không gì hiệu quả hơn... đó là hãy tự đưa mình vào khuôn khổ của việc học hội họa hay khoa học.


AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Art_Painting Những gì làm nên một Nguyễn Tư Nghiêm như "một mệnh đề đứng riêng", theo cách nói của Thái Bá Vân, là các đề tài mang màu sắc văn hoá dân tộc, và cùng với đề tài là các hoạ tiết xuất xứ từ di sản nghệ thuật dân gian. Đề tài trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm là những điệu múa cổ, là hình ảnh Thánh Gióng, là hình ảnh Thuý Kiều & Kim Trọng - những nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học cổ điển Việt Nam, là 12 con giáp trong vòng xoay hoa giáp biểu tượng cho chu trình thời gian theo lịch pháp Á Đông...

Subscription

Fashionnet

Follow us