288
17 Tháng 06 8:18 pm

Ayham Hassan: Những biến động tại Palestine qua góc nhìn của thời trang

 “Tôi tìm thấy tiếng nói của mình qua thời trang, và tôi muốn dùng nó để thể hiện bản thân cũng như những gì đang diễn ra xung quanh tôi." Ayham Hassan gây ấn tượng với những BST mang đậm nét văn hóa Palestine cũng như khắc họa những biến động đang diễn ra nơi đây, giúp anh nắm chắc một suất tại Đại học Central Saint Martins danh giá.

Ayham Hassan lần đầu nhận ra sức mạnh của thời trang là khi anh 13 tuổi. Tại nhà ở Ramallah, trong khi đang giết thời gian với Yotube, anh bị thu hút bởi video “Bad Romance” của Lady Gaga, hay chính xác hơn là đôi giày cao gót họa tiết vảy armadilllo mà cô đang diện. “Tôi tìm hiểu thêm và phát hiện ra rằng chúng được tạo ra bởi Alexander McQueen,” Hassan chia sẻ. “Tôi xem qua vài show diễn của anh ấy và ngay lập tức bị ám ảnh bởi tính thơ văn, sự nhiệt huyết và thông điệp mà chúng gởi gắm. Tôi sớm nhận ra rằng thời trang là thứ tôi muốn cống hiến cho nó.”

Sau khi học xong trung học, tài năng trẻ người Palestine đăng ký một khóa học thiết kế tại Đại học Birzeit, mặc dù anh phải thừa nhận rằng, anh không hẳn nhìn thấy tương lai của mình trong thế giới thời trang. “Trong xã hội chúng tôi, không ai thực sự theo đuổi nó.” Sau khi dành một vài khóa học về nội thất, sản phẩm và thiết kế đồ họa, anh gặp Omar Joseph Nasser Khoury, người thấy từng học tại Đại học Thời trang London. Nhận ra tài năng của Hassan, Khoury khuyến khích học trò chuẩn bị bản portfolio và thúc giục anh đăng ký khóa học thời trang tại Đại học Central Saint Martins.

Trong những tháng sau đó, Hassan chuẩn bị nghiêm túc mọi thứ cần thiết để ứng tuyển vào ngôi trường danh giá tại London. Không chỉ được truyền cảm hứng bởi McQueen, Hassan còn bị cuốn hút bởi sự tiên phong, phá vỡ mọi quy luật của những Rei Kawakubo, Yohji Yamamoto, và John Galliano. Nhà thiết kế trẻ lấy đời sống và trải nghiệm thường nhật của mình làm chất liệu tạo nên những bộ sưu tập ấn tượng về mặt ý tưởng với những câu chuyện sâu sắc phía sau nó. Một BST trong portfolio của anh, Pose for Inspection, lấy cảm hứng từ phục trang mang tính che giấu bản thân của những người dân sinh sống tại Palestine, nơi mà sự sống của bạn phụ thuộc vào việc liệu bạn có đang tỏ ra là một mối đe dọa với quân đội Israel không.

Những thiết kế che kín cơ thể, chỉ hé lộ một chút về con người đằng sau tấm vải, được điểm xuyến bằng các chi tiết thêu thùa tinh tế được tạo từ những công cụ may mặc thông thường - như kéo và kim chỉ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại gặp nhiều khó khăn vì những vật dụng quá đỗi thông thường này lại bị cấm tiệt mỗi khi đi qua các trạm kiểm soát rải rác khắp thành phố Ramallah. “Tôi tìm thấy tiếng nói của mình qua thời trang, và tôi muốn dùng nó để thể hiện bản thân cũng như những gì đang diễn ra xung quanh tôi,” anh chia sẻ. Một số nguồn cảm hứng khác đến từ những bối cảnh hậu tận thế như trong phim Mad Max, hay những người thân họ hàng của Hassan.

Tính bền vững cũng là một điểm trọng tâm trong các tác phẩm của nhà thiết kế đến từ Palestine. Do các hạn chế về xuất nhập khẩu tại đây, những thớ vải và vật liệu chất lượng thường không dễ dàng mua được, đồng nghĩa với việc anh phải tận dụng tối đa những gì có sẵn. Những chiếc đinh gỉ thu thập được từ các ngôi nhà đổ nát sau khi bị chiếm đóng đã được Hassan dùng để in hình lên váy lụa hay satin. Ngoài ra, thể sợi (mycelium) - vật liệu trích xuất từ nấm - cũng được ưu tiên trong các thiết kế của anh, mặc dù mẹ anh không quá hài lòng với điều đó. “Cô ấy lúc nào cũng nói “Đừng để chúng trong nhà, mùi khó chịu quá!” anh cười trong lúc hồi tưởng lại khoảng thời gian mới bắt đầu nuôi cấy chúng bên cạnh khung cửa sổ

Niềm đam mê mãnh liệt toát ra từ Hassan mỗi khi anh chia sẻ về tác phẩm của mình, sức nặng của những ý tưởng và ảnh phác họa ấn tượng trải dài xuyên suốt portfolio là những yếu tố giúp anh dễ dàng đạt được học phần tại Saint Martins. Không chỉ vậy, thay vì học khóa nền tảng như dự định, ngôi trường tại London đã ưu tiên nhà thiết kế người Palestine, đưa tên anh vào danh sách học Cử nhân học phần Thời trang Nữ giới bắt đầu vào tháng 9 năm nay.

Tuy nhiên, vấn đề mà Hassan phải đối mặt hiện tại là chi phí sinh hoạt và chi trả cho khóa học này. Cũng như nhiều người khác ở quê hương và trên thế giới, Hassan phải xoay sở một khoảng học phí khổng lồ, và nếu không giải quyết được điều này thì cơ hội được học tại London của anh cũng sẽ trôi qua uổng phí. “Mục tiêu ban đầu của tôi chỉ là được nhận vào trường,” anh ta chia sẻ. “Và giờ tôi phải suy nghĩ làm sao để mình theo đuổi nó, bởi vì học phí thật sự rất đắt đỏ.”

Ngoài danh sách nhà tài trợ tiềm năng kéo dài vô tận, bạn bè và đồng nghiệp của Hassan khuyên anh nên thành lập một quỹ Gofundme để giúp anh đến được London. Hiện tại, anh phải chuẩn bị tổng số tiền cần thiết là 52,000$ , trong khi số tiền quyên góp vẫn còn dưới 2,000$, và chỉ còn 3 tháng nữa là bắt đầu học kì. Tuy mục tiêu của anh vẫn còn xa vời, nhưng sự kiên định của nhà thiết kế trẻ đã chứng tỏ rằng bản thân hoàn toàn xứng đáng với vị trí của mình, bất kể anh có kịp xoay sở để theo đuổi tới cùng không.

Sau đây là toàn bộ đoạn phỏng vấn độc quyền giữa tờ Dazed và Ayham Hassan:

PV: Xin chào Ayham. Bạn có thể kể cho tôi một chút về lần đầu tiên bạn hứng thú với thời trang, hoặc có thể là thời điểm mà bạn nhận ra sức mạnh của nó?

Câu chuyện bắt đầu khi tôi khoảng 13 tuổi và đang say mê video “Bad Romance” của Lady Gaga. Tôi rất ấn tượng với đôi giày cao gót họa tiết vảy armadillo, nên đã tìm hiểu thêm và phát hiện ra tác giả tạo ra chúng, Alexander McQueen, cũng như những thiết kế tuyệt đẹp khác của ông. Tôi thực sự không biết nhiều về thiết kế thời trang, nhưng tôi thường phác họa và tạo kiểu cho những con búp bê Barbie khi tôi còn nhỏ. Tuy nhiên, sau khi phát hiện ra McQueen và bắt đầu theo dõi những show diễn của ông, tôi ngay lập tức bị thu hút bởi tính thơ văn, sự nhiệt huyết và thông điệp mà chúng gởi gắm. Đó cũng là lúc tôi bắt đầu tìm hiểu về thế giới thời trang, và nhận ra rằng bản thân muốn cống hiến cho nó. Lee (McQueen) đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi.

PV: Và sau đó bạn ứng cử vào Đại học Birzeit, nơi bạn đang học hiện tại. Khoảng thời gian học ở đó như thế nào? 

Thật ra tôi không chắc rằng mình có muốn theo học thiết kế thời trang không, bởi vì trong xã hội của chúng tôi, không ai thực sự theo đuổi nó! Tôi không biết bất kì ai từng học thiết kế thời trang - thị trường thời trang ở Palestine rất nhỏ và sơ khai. Vì thế tôi chưa từng thật sự muốn theo đuổi sự nghiệp thời trang, tôi chỉ muốn học về nó, hay tôi sẽ khám phá và sáng tạo ra các thiết kế - nhưng không coi nó là sự nghiệp của mình. Tôi đến Birzeit để học Marketing vào năm đầu tiên trước khi chuyển sang khóa học thiết kế tổng quát - bao gồm thiết kế sản phẩm, đồ họa và nội thất. Trong quá trình học, tôi gặp người thầy trước đây từng theo học Đại học Thời trang London, và tôi đã xác định rõ đó là nơi tôi muốn học. Chính người thầy ấy, và những người bạn của tôi như Yasmeen Mjalli hay người cố vấn Keanoush Da Rosa đã khuyến khích tôi nộp đơn vào Central Saint Martins.

PV: Và bạn ngay lập tức được chấp thuận vào khóa học cử nhân Thời trang nữ giới, mặc dù ý định ban đầu là nộp đơn vào lớp nền tảng, đúng chứ? Tôi nghĩ điều này nói lên sức nặng tác phẩm của bạn.

Đúng vậy. Tôi vốn đã rất hạnh phúc nếu được nhận vào khóa học nền tảng, nhưng tôi còn vui mừng hơn nữa khi biết tin mình được nhận thẳng vào khóa học cử nhân. Tôi nhận tin vào khoảng cuối tháng 3 và đến bây giờ tôi vẫn chưa tin điều này là sự thật, bởi vì tôi hiểu rõ điều kiện đầu vào khó khăn nhường nào. Thực tế, mục tiêu ban đầu chỉ là được nhận vào trường, nhưng giờ đây tôi phải suy nghĩ làm sao để theo đuổi nó, bởi vì nó thật sự là một ngôi trường rất đắt đỏ.. Và đó là lí do vì Yasmeen lập quỹ Gofundme nhằm giải quyết bước đi tiếp theo này.

PV: Bạn có thể chia sẻ về thế giới sáng tạo tại Palestine? Cộng đồng của bạn như thế nào, và những người xung quanh ra sao?

Như tôi đã đề cập trước đó, thị trường thời trang của chúng tôi còn rất sơ khai, nhưng Palestine có rất nhiều nghệ sĩ. Nghệ thuật là một phần quan trọng của người dân địa phương - chúng là một phần của những cuộc biểu tình, nỗ lực giành lại mảnh đất của mình, giành lại lí tưởng của người dân. Nhưng những gì đang diễn ra nơi đây đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tác phẩm - đối với tôi, nguồn cảm hứng lớn nhất đến từ những gì tôi chứng kiến trong đời sống thường nhật, ở nơi công cộng hay trên tin tức, báo đài.

PV: Điều đó được thể hiện rõ trong rất nhiều thiết kế của bạn - ví dụ, một bộ sưu tập có các hình in được tạo ra từ đinh gỉ thu nhặt được từ các đống đổ nát, hay một vài thiết kế khác được lấy cảm hứng từ hình ảnh người phụ nữ hại bởi binh sĩ Israel tại trạm kiểm soát. Tại sao bạn nghĩ việc lấy cảm hứng từ các sự kiện diễn ra tại Palestine và chuyển hóa chúng thành nghệ thuật là điều quan trọng?

Tôi nghĩ rằng tôi đã tìm thấy tiếng nói của mình thông qua thời trang, và tôi muốn sử dụng nó để thể hiện bản thân và những gì đang diễn ra xung quanh tôi. Thời trang đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề gây tranh cãi và có khả năng truyền đạt thông tin cũng như ảnh hưởng người khác. Tôi cũng thường suy nghĩ về vai trò của thời trang cũng như tầm quan trọng của nó đối với cư dân tại Palestine - những gì bạn mặc có thể khiến bạn bị giết do chúng tạo hình tượng rằng bạn là tội phạm hay một mối họa với binh lính Israel; hoặc ngược lại chúng cũng có cứu bạn. Thời trang có thể được dùng để ngụy trang, nhưng ta có thể tận dụng nó để khám phá và thể hiện danh tính của mình. Nó đã giúp tôi khám phá bản thân cũng như tiếng nói của mình, hiểu được tôi là ai, muốn trở thành người như thế nào, và cách mà tôi muốn thay đổi thế giới ra sao.

PV: Bạn có bao giờ được cảm thấy tự do thế hiện bản thân thông qua thời trang không? Hay chỉ đơn thuần là bạn đang ngụy trang để tránh sự kích động - và nếu thật vậy, thì điều đó ảnh hưởng thế nào đến sự sáng tạo của bạn?

Đó là một trong những lí do chính khiến tôi muốn theo học tại Saint Martins, bởi vì tại đây, tôi không thể hiện trọn vẹn bản thân mình. Việc tôi theo học thời trang được coi là một hành động vô cùng nữ tính tại đây, và mặc dù tôi thừa nhận rằng mình có cả hai mặt nữ tính và nam tính trong bản thân, tôi muốn theo học Thời trang nữ giới là vì tôi đã đồng cảm nhiều hơn với phái yếu, đặc biệt ở Palestine, bởi vì chính phụ nữ là những người đảm nhiệm công việc thêu thùa, sản xuất vải vóc và các môn kỹ nghệ truyền thống.

Câu hỏi đầu tiên của nhà phỏng vấn trường Saint Martins là tại sao tôi chọn theo học trường của họ - chính câu hỏi đó đã giúp tôi tự do thể hiện bản thân mình. Vì vậy tôi đã kể với họ rằng tại đây, tôi không thể thể hiện bản thân theo cách tôi muốn. Giả sử như tôi muốn mặc áo sweater len màu sắc rực rỡ, hay nhuộm tóc vàng, hay mang giày cao gót - những thứ tôi cực kỳ yêu thích, nhưng tại đây, tôi không thể. Điều tương tự cũng xảy đến với những mẫu thiết kế mà tôi muốn tạo ra.

PV: Bạn yêu thích bộ sưu tập nào nhất của McQueen? Có những nhà thiết kế nào khác mà bạn ngưỡng mộ hay được truyền cảm hứng không?

Tôi yêu bộ sưu tập Thu-Đông 2009 của McQueen (Horn of Plenty), và cả bộ Voss (SS01). Tôi thích cách ông ấy đã giơ ngón giữa vào ngành công nghiệp này, với những silhouette tuyệt vời do ông sáng tạo ra. Tôi vẫn bị ám ảnh bởi thiết kế bumster của ông, chúng chắc chắn là tác phẩm yêu thích nhất của tôi.

Tôi cũng đồng cảm sâu sắc với phong trào phản thời trang (anti-fashion) của những năm 80 và 90, cái cách mà những nhà thiết kế như Rei Kawakubo, Issey Miyake, và Yohji Yamamoto đã đứng lên ‘cách mạng hóa’ ngành công nghiệp này. Tôi thích tính tiên phong trong từng bộ sưu tập của họ, những silhouette phá vỡ mọi quy tắc, và cách mà họ luôn luôn truyền tải một thông điệp gì đó thông qua thiết kế của họ - từ các vấn đề liên quan đến môi trường, chính trị đến cá nhân hơn như danh tính. Càng tìm hiểu về ngành công nghiệp thời trang, tôi càng hiểu ra được rằng nó có khả năng, và sức mạnh để thay đổi.

PV: Và bạn mong muốn mình sẽ để lại ảnh hưởng như thế nào đến thế giới thời trang?

Tôi hi vọng một ngày nào đó mọi người cũng sẽ được truyền cảm hứng giống như tôi khi tôi thấy đôi giày của McQueen trong video của Lady Gaga - và rằng những con người tại Palestine và khu vực Trung Đông sẽ nhìn thấy chính bản thân họ trong thế giới thời trang nhờ vào các tác phẩm của tôi. Tôi hy vọng rằng thị trường thời trang ở Palestine sẽ phát triển, và nhiều người hứng thú với các tác phẩm mỹ nghệ và kỹ thuật, cũng như tìm hiểu về những truyền thống và trang phục lâu đời của chúng tôi. Tôi tin rằng bản thân sẽ có khả năng ảnh hưởng và truyền cảm hứng cho người khác, xoa dịu nỗi niềm của họ thông qua thời trang, cũng giống như cách tôi được xoa dịu vậy. Đối với tôi, thời trang đã cho phép tôi hình dung ra một thế giới mới, nơi không còn chiếm tranh hay những cuộc chiếm đóng tại Palestine.

PV: Các tác phẩm của bạn cũng đã tận dụng vật liệu tái chế và bền vững, và dường như bạn rất tập trung vào việc tạo ra các thiết kế bền vững. Bạn có thể chia sẻ một chút về những kinh nghiệm đó không, chẳng hạn như với nấm mycelium?

Tất nhiên, làm việc một cách bền vững vô cùng quan trọng đối với tôi. Giáo viên của tôi, người từng học tại London, chính là người đã để lại ảnh hưởng này - ông khai sáng tôi với sự thật rằng, bởi vì chúng ta đang sống tại Palestine và vải vóc rất hạn chế, chúng ta cần phải bảo tồn môi trường xung quanh và tận dụng mọi thứ ta tìm được. Vì vậy trong lúc tôi phác họa ra bộ sưu tập của mình, tôi thường nghĩ đến toàn bộ chu kỳ sản xuất và cả những ảnh hưởng của nó về mặt môi trường, xã hội, chính trị. Tôi luôn muốn tiếp tục phát triển, thay vì phá hủy.

Tôi có kinh nghiệm làm việc với nấm mycelium khá lâu trước đây, khi yêu cầu của một trong những dự án của chúng tôi là sử dụng chất thải nông nghiệp để làm cảm hứng hoặc trực tiếp sử dụng nó. Thật khó để tìm thấy bất kỳ ai làm ra loại vật liệu này, vì thế tôi quyết định tự làm. Tôi vẫn đang nỗ lực để phát triển, phát triển và phát triển để có thể làm ra da thuộc thực vật. Tôi yêu thích việc kết hợp các kết cấu và vật liệu mới vào tác phẩm của mình, vì thế tôi rất hứng thú khi được thử nghiệm với những thứ độc đáo như mycelium.

PV: Câu hỏi cuối cùng - và cũng là một câu hỏi quan trọng. Bạn nghĩ sự nghiệp thời trang của mình đang phát triển như thế nào? Bạn mong đợi nó sẽ đưa bản thân tới đâu?

Tôi thực sự hào hứng khi được tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm trong vài năm - hy vọng là tại Saint Martins. Sau đó, tôi muốn làm việc cho một ai đó như Margiela, trước khi quay về Palestine tự bắt đầu sự nghiệp của mình - Tôi rất muốn tập hợp lại một nhóm và mở studio, làm việc với những nhà nghiên cứu sinh học và hóa học để thử nghiệm thời trang với các công nghệ mới, đồng thời phát triển ngành công nghiệp thời trang tại đây.

 

Nguồn dịch: https://www.dazeddigital.com/fashion/article/52874/1/ayham-hassan-palestinian-student-gofundme-saint-martins-womenswear?fbclid=IwAR3oeStjY2WJKZ7gSlK4dL-B1zMvMIJSENgqL1e0_2uVKvpCYDCsgHeBYbo

Bài dịch - PD

________________________________________________

G Studio 

Art Design Center 

vietnamcolor.vn - fashionnet.vn

Contact: 0903788646 - 0903975081

Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \

Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)

30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City 

 

Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn. 

HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.

NTK Tài Lê và sự phát triển bền vững của thương hiệu thời trang cao cấp

NTK Tài Lê và sự phát triển bền vững của thương hiệu thời trang cao cấp

Designer Với phong cách thời trang mang tính hiện đại, thời thượng và cá tính, thương hiệu TAILE ngày càng khẳng định rõ vị trí của mình trong làng thời trang Việt Nam. Là một thương hiệu thời trang cao cấp, TAILE mang trong mình những dấu ấn riêng biệt với những giá trị cốt lõi của một thương hiệu với sự đầu tư bài bản.

Virgil Abloh: Vị thủ lĩnh tinh thần của Off-White

Virgil Abloh: Vị thủ lĩnh tinh thần của Off-White

Designer “Theo một cách nào đó, cuộc sống của tôi đã trở thành một dự án trình diễn nghệ thuật khổng lồ, tuy nhiên tôi không phải người đứng dưới ánh đèn sân khấu. Thay vào đó, tôi gợi ý những ý tưởng, làm việc để phát triển chúng, giúp đỡ các nghệ sĩ chia sẻ chúng với thế giới và theo dõi những phản hồi.”

Bach Mai: Nhà thiết kế couture gốc Việt xuất hiện trên Vogue

Bach Mai: Nhà thiết kế couture gốc Việt xuất hiện trên Vogue

Designer Với kinh nghiệm làm việc cùng John Galliano, nhà thiết kế gốc Việt Bach Mai đang trên hành trình trở thành nhà mốt couture tiếp theo tại Mĩ. Được thừa hưởng tinh thần tò mò từ người bố làm kiến trúc sư, các tác phẩm của anh luôn thử nghiệm với những chất liệu độc đáo và sở hữu vẻ đẹp nữ tính cùng sự sang trọng quyến rũ


VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

Pro_Creative ĐI & VỀ, ĐI để vẽ nên màu của mình, chúng ta là Màu Việt Nam. Khi người nghệ sĩ chọn chất liệu, họ say mê bề mặt của giấy, toan, đất, vải, vóc, sơn hay bất kỳ kết cấu nào tạo ra cảm xúc để sáng tạo. Người thưởng ngoạn hít thở sâu, nhắm mắt, lắng nghe từ trực giác, mở mắt để thấu cảm màu sắc, hình, khối, vẻ quyến rũ từ chất liệu, tài năng của người nghệ sĩ, hòa nhịp làm nên câu chuyện sáng tạo. Khi bắt đầu chạm, sẽ hiểu rồi yêu, điều này vô cùng quý giá cho hành trình khám phá nghệ thuật ĐI & VỀ, ĐI của mỗi người.

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Subscription

Fashionnet

Follow us