288
12 Tháng 02 3:51 pm

Alexander McQueen và Haute Couture, những nếp gấp có hồn của vải vóc

 Kỉ niệm một thập kỉ trôi qua từ ngày mất Alexander McQueen - NTK tài hoa của các bộ couture, đến nay ông vẫn được giới thời trang rất tôn thờ vì sự sáng tạo bẩm sinh với những thiết kế và những giá trị nghệ thuật mà ông để lại. Bằng chính tài năng thiên bẩm và sức sáng tạo phi thường của mình, McQueen gần như mê hoặc, bỏ bùa và dẫn dắt người xem bước vào một thế giới siêu thực với những màn trình diễn vượt ra khỏi giới hạn của không gian và thời gian. “Đối với Lee, tất cả đều bắt nguồn từ cảm xúc" – là lời nhận xét của Isabella Blow, cố giám đốc thời trang của Tatler và là người bạn thân thiết của McQueen, chúng ta hãy cùng nhớ lại những gì ông đã cống hiến cho thời trang Haute Couture

Khi người đàn bà cười, xiêm áo của nàng cũng phải cười theo - Madeleine Vionnet

Khó có thể dịch một cách chính xác thuật ngữ tiếng Pháp Haute Couture, y phục nữ cao cấp được thiết kế và cắt may riêng cho từng khách hàng. Vì vậy chỉ có thể dùng từ gốc này hay từ rút gọn của nó là 'couture' để gọi những tuyệt phẩm dành cho phái đẹp, biểu tượng của sự giao hòa giữa tính cá biệt và tính phổ cập của thời trang. Song chính Madeleine Vionnet, một trong những nghệ nhân may couture (couturier) nổi tiếng nhất thế giới, người đầu tiên sử dụng những nhát cắt xéo (bias cut) trên vải một cách uyển chuyển để làm nên những bộ váy đầm mềm rũ và đẹp mê hồn, đã khẳng định một cách cực đoan rằng: thời trang, với tính cách tạm bợ và hời hợt của nó, không thể được dùng để chỉ những bộ haute couture đài các. Vì chúng trước hết mang vẻ đẹp vĩnh cửu của đàn bà.

Thời trang, với tính cách tạm bợ và hời hợt của nó, không thể được dùng để chỉ những bộ haute couture đài các. Vì chúng trước hết mang vẻ đẹp vĩnh cửu của đàn bà.

Một ngày cuối năm 2011, tôi hối hả tới Viện Công Nghệ Thời trang Hoa kỳ (Fashion Institute of Technology – FIT) ở góc Đường 27 và Đại lộ số 7, New York, để xem một triển lãm rất đặc biệt – những bộ haute couture, cùng các phụ kiện thời trang nổi tiếng của Daphne Guiness, một trong những phụ nữ được coi là sành điệu nhất thế giới hiện nay. Nghe đâu triển lãm cũng trưng bày lần đầu hơn hai tá váy áo do Alexander McQueen thực hiện.

Tiếc là triển lãm tạm đóng cửa trong dịp lễ Noel. Tôi chỉ còn biết tần ngần, dán mắt vào cửa kính ngắm những bộ váy đầm, cùng những xăng đan “gộc” lênh khênh, mũ ren, khăn choàng lông chim hay nữ trang rất thời thượng và lạ mắt. FIT chọn bộ sưu tập của Daphne Guiness có lẽ không phải vì bà có tới 2500 món haute couture cùng khoảng 450 đôi giày bespoke (được đặt đóng), hay vì bà là bạn thân của Alexander McQueen. Nói như thiết kế sư Tom Ford, bà là một trong những, nếu không nói là chỉ một, phụ nữ đương thời có phong cách nhất. Cách phục sức của bà không bao giờ, và không một chút nào, giống bất cứ ai.




Các bộ couture của Daphne đứng trang trọng như những tác phẩm điêu khắc cổ điển. Giống như bức tượng Pietà (Thương khó) nổi tiếng của Michelangelo ở nhà thờ Thánh Peter. Những nếp gấp của chiếc áo choàng phủ lên thân Chúa, tuy được tạc bằng đá hoa cương nhưng dường như ướt sũng và tuôn chảy không ngừng theo những giọt nước mắt của Mary. Những nếp gấp ấy đã trở thành cảm hứng cho không ít nghệ nhân haute couture, từ thời ông tổ Charles Frederick Worth, tác giả của những bộ haute couture đầu tiên vào giữa thế kỷ 19, hay Madame Grès, người trước khi cống hiến cho thế giới bộ áo đầm có những nếp li đơn giản và trang nhã, đã là một nhà điêu khắc.


Tác phẩm của Worth, và những couturier tầm cỡ khác như Coco Chanel, Christian Dior, Yves Saint Laurent hay Cristóbal Balenciaga không phải là những mớ áo xống khô cứng, vô hồn. Nhờ những bàn tay và khối óc điêu luyện, và tình cảm chăm chút đặc biệt của các couterier, chúng mang dáng dấp và phong cách của từng nữ khách hàng, cùng thần thái của các nàng. Vào thời kỳ đầu, khách đặt may haute couture là những nữ quý tộc châu Âu. Váy đầm dạ hội vào đời năm 16 tuổi, áo cưới vài năm sau đó, và tủ áo gồm những bộ đầm quý giá làm của hồi môn. Haute couture vì thế có hai đặc tính – đẳng cấp và riêng biệt. Chúng còn thể hiện mối giao tình sâu sắc giữa các nghệ nhân và khách hàng, sâu sắc hơn tính chất thương mại thuần túy của những mối quan hệ kiểu này.

Một trong những câu chuyện nổi tiếng mà thế giới được biết đến, là tình bạn giữa chủ hãng thời trang, nam tước Hubert de Givenchy và nữ tài tử Audrey Hepburn. Sau cuộc gặp gỡ định mệnh giữa nhà thiết kế thời trang và nữ tài tử mới nổi vào năm 1953, Hubert đã thiết kế hầu hết các bộ couture trên phim và ngoài đời của Audrey, trong phim Sabrina, Bữa sáng ở Tiffany, Kỳ nghỉ hè ở Roma hay khi bà nhận giải Oscar. Mối quan hệ ấy sâu sắc tới mức, sau khi Audrey giải nghệ và thôi không mặc những bộ couture nữa, Hubert cũng ngưng không làm couture. Ông cùng những người đàn ông quan trọng khác trong đời Audrey đã đọc Unending Love của Tagore và ghé vai đưa thi hài bà về nơi an nghỉ. Khác với công việc may đo đồ veston cho nam giới, haute couture tạo nên một loại quan hệ cộng sinh, khi khách hàng khơi gợi cảm hứng sáng tạo của nghệ nhân. Audrey Hepburn đã giúp cho tiếng tăm của Givenchy vượt ra khỏi biên giới nước Pháp, và góp phần làm nên tên tuổi mang tầm cỡ thế giới của ông. Ngược lại, khó có thể tưởng tượng một Audrey Hepburn khả ái mà không có chiếc áo đầm đen xinh xắn cùng chuỗi hạt trai hay chiếc mũ rộng vành nổi tiếng của nhà Givenchy. Givenchy giải thích tên gọi của nước hoa L’Interdit có nghĩa là để dành riêng cho Audrey Hepburn.

'



Tính chất dành riêng, cao cấp cùng những quy định nghiêm ngặt khác đã làm cho những bộ haute couture trở nên vô cùng đắt giá. Theo qui định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp, một nhà mốt chỉ có thể làm haute couture nếu như họ có các nghệ nhân tiếp riêng từng khách hàng một, may đo và ướm thử trên mẫu và người thật ít nhất một lần. Phải có ít nhất 15 nghệ nhân làm việc toàn thời gian, và trên 20 thợ làm việc trong nhà mốt. Mỗi năm các nhà mốt này phải tung ra hai bộ sưu tập haute couture theo mùa. Vì các qui định nghiêm ngặt này, nhiều nhà mốt phải mở thêm dòng sản phẩm may sẵn để bù lỗ. Những người trung thành với haute couture như Vionnet, Madame Grès hay Balenciaga đều ngưng hoạt động khi haute couture thoái trào. Nếu có nhà nào mở lại, bán đồ may sẵn cùng phụ kiện và nước hoa, thì cũng phải sau rất nhiều năm, hoặc vì đổi chủ.



Những bộ haute couture của Daphne Guiness cũng vậy. Nếu như cơn gió thổi từ Upper Bay có thể tràn qua cửa kính, chắc sẽ làm chúng chuyển động và lướt ra ngoài phố. Người phụ nữ thừa kế gia sản của chủ hãng bia Guiness, cũng thừa kế khả năng định hướng thời trang của những Gabrielle “Coco” Chanel, Jacqueline Kennedy - Onassis, Audrey Hepburn hay Grace Kelly đã cùng với Kate Moss, Sarah Jessica Parker hay Isabella Blow (người có công phát hiện Alexander McQueen) trở thành những fashion icons, những biểu tượng thời trang đương đại trong những bộ haute couture vô giá.



Ngày nay haute couture không chỉ dành cho giới quý tộc châu Âu. Ngoài các nghệ sĩ nổi tiếng, còn có những người giàu có, hay thậm chí các công chúa Ả rập. Họ sẵn sàng bỏ ra một núi tiền để may những bộ couture chỉ để mặc trong lớp áo choàng đen kín mít. Nhưng haute couture vẫn tồn tại và phát triển, một phần vì những nhà mốt hàng đầu như Chanel hay Dior đã sáng suốt dùng chúng vào mục đích quảng bá thương hiệu. Nhưng hơn hết, vì vẻ đẹp độc đáo của các bộ couture luôn có sức sống mãnh liệt trong làng thời trang quốc tế.

Kỉ niệm một thập kỉ trôi qua từ ngày mất Alexander McQueen - một NTK tài hoa của các bộ couture, tuy vậy, ông vẫn được giới thời trang rất tôn thờ vì sự sáng tạo bẩm sinh và những thiết kế, giá trị nghệ thuật mà ông để lại. Bằng chính tài năng thiên bẩm và sức sáng tạo phi thường của mình, McQueen gần như mê hoặc, bỏ bùa và dẫn dắt người xem bước vào một thế giới siêu thực với những màn trình diễn đầy nghệ thuật vượt ra khỏi giới hạn của không gian và thời gian. “Đối với Lee, tất cả đều bắt nguồn từ cảm xúc" – là lời nhận xét của Isabella Blow, cố giám đốc thời trang của Tatler và là người bạn thân thiết của McQueen.





Bài Lã Hoa

FASHIONNET là một ngôi nhà lạc quan, sống động nhưng tràn đầy cảm xúc, với sự ấm áp, thân tình. Fashionnet, nơi chiếu những bộ phim tuyệt vời, những buổi gặp gỡ yêu thương của những người yêu nghệ thuật, champagne, trà và lụa. FASHIONNET là thời trang, làm đẹp, nhiếp ảnh, hội họa là một nguồn vui sống tích cực và sinh động, vì phụ nữ hạnh phúc thì thế giới mới tốt đẹp. Fashionnet tại 7 Bis Nguyễn Thị Minh Khai, phưòng Bến Nghé, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Hotline: 093 406 8088

Thời trang Siêu thực: Khi thiết kế phá vỡ thực tại

Thời trang Siêu thực: Khi thiết kế phá vỡ thực tại

Fashion Story Thế giới thời trang đã ứng dụng một loạt những chủ đề và kĩ thuật đặc sắc từ phong trào Siêu thực để tạo ra một cuộc đối thoại giao thoa giữa hai loại hình nghệ thuật.Đến tận hôm nay, Siêu thực vẫn là một nguồn cảm hứng dồi dào để các nhà mốt hàng đầu như Schiaparelli, Comme des Garcons, Thom Browne... tiếp tục khám phá trong những BST mới.

Năm 1460-1469: Thời trang nam thế kỷ 15

Năm 1460-1469: Thời trang nam thế kỷ 15

Fashion Story Trong những năm 1460, sự khác biệt giữa thời trang của Ý và của Bắc Âu ngày càng sâu sắc. Tại các triều đình của Burgundy và Pháp, phom dáng của nam giới và phụ nữ có hình dáng dài và góc cạnh, có thể thấy qua đỉnh mũ nón của phụ nữ cho đến phần mũi giày của nam giới. Ở Ý, lấy cảm hứng từ nghệ thuật và trang phục của thời cổ đại, tỷ lệ tự nhiên hơn và kiểu dáng xếp nếp bồng bềnh đã thịnh hành.

Năm 1460-1469: Thời trang nữ thế kỷ 15

Năm 1460-1469: Thời trang nữ thế kỷ 15

Fashion Story Trong những năm 1460, sự khác biệt giữa thời trang của Ý và của Bắc Âu ngày càng sâu sắc. Tại các triều đình của Burgundy và Pháp, phom dáng của nam giới và phụ nữ có hình dáng dài và góc cạnh, có thể thấy qua đỉnh mũ nón của phụ nữ cho đến phần mũi giày của nam giới. Ở Ý, lấy cảm hứng từ nghệ thuật và trang phục của thời cổ đại, tỷ lệ tự nhiên hơn và kiểu dáng xếp nếp bồng bềnh đã thịnh hành.


AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Art_Painting Những gì làm nên một Nguyễn Tư Nghiêm như "một mệnh đề đứng riêng", theo cách nói của Thái Bá Vân, là các đề tài mang màu sắc văn hoá dân tộc, và cùng với đề tài là các hoạ tiết xuất xứ từ di sản nghệ thuật dân gian. Đề tài trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm là những điệu múa cổ, là hình ảnh Thánh Gióng, là hình ảnh Thuý Kiều & Kim Trọng - những nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học cổ điển Việt Nam, là 12 con giáp trong vòng xoay hoa giáp biểu tượng cho chu trình thời gian theo lịch pháp Á Đông...

Subscription

Fashionnet

Follow us