288
14 Tháng 12 5:47 pm

Tâm hồn đủ nhẹ thì mọi thứ đều có thể hoá thành nguồn cảm hứng

 Lần đầu cầm máy ảnh để ghi lại những chiếc lá vàng rơi thổn thức trong gió của mùa thu nước Nga, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Minh Đức chưa bao giờ dám nghĩ rằng mình sẽ đi sâu đến thế trên con đường này. Có lẽ vì tính cách nhút nhát, hướng nội, anh cần một cái gì đó trong tay để trấn an bản thân. Chiếc máy ảnh trở thành phương tiện để kết nối, anh chụp những người chưa biết nhưng bị say đắm bởi vẻ đẹp của họ. "Chúng tôi cười với nhau. Chiếc máy ảnh giúp tôi làm quen với nhiều người. Chiếc máy ảnh, khi ấy, trở thành một chiếc hộp lưu trữ những khuôn mặt, những nụ cười, những ánh mắt, những khoảnh khắc kỳ diệu không bao giờ có lại trong đời".

Đức và những bức ảnh mộng mị đầy chất điện ảnh, hoà trộn với một chút bình dị, thơ ngây, trong sáng của anh làm tôi bất chợt liên tưởng đến cuốn “Cậu bé mơ mộng” của văn hào Bulgaria Pavel Vezhinov. “Vâng. Tôi hay mơ màng về những giá trị xưa cũ và cảm giác bản thân chưa bao giờ thuộc về hiện tại.”, Đức thổ lộ như thế, khi mở đầu câu chuyện.

Và chiếc máy ảnh ấy cũng là cây bút để giúp anh viết nên một chuyện tình đẹp như cổ tích với một nàng thơ từ xứ sở mùa thu vàng?
Vâng. Năm thứ hai đại học, một lần lang thang trên phố, tôi bắt gặp một mái tóc đỏ thắm, rực lên giữa chiều vàng, và tâm hồn tôi lạc vào cánh rừng phong đầy hương vị cổ tích ấy. Natasha học ngành mỹ thuật. Chúng tôi có cùng quan niệm về thẩm mỹ và nàng cũng rất yêu nhiếp ảnh. Tôi bắt đầu đi khắp nơi để học về nhiếp ảnh, học về mỹ thuật và triết học nghệ thuật, bắt đầu chụp những bộ ảnh lấy cảm hứng từ những câu chuyện cổ.

Vâng, nhưng cũng như mọi nghệ sĩ khác, dù có bán ảnh đủ để mua đủ triệu bông hồng tặng nàng thơ, thì trước sau, anh cũng phải đối mặt với cơm áo. Anh đã làm thế nào để sống và nuôi dưỡng đam mê nhiếp ảnh, nơi xứ người?


Thời gian đó tôi sống bằng học bổng, kiếm được chút ít tiền thì dành trang trải chi phí studio và học phí ngành nhiếp ảnh. Có những khoá học kéo dài mà không có tiền thuê nhà, tôi đành xin ngủ nhờ ở một trạm xá y tế cách chỗ học khoảng 2 tiếng tàu điện ngầm. Mùa đông, nhiệt độ có khi xuống đến âm 30 độ thậm chí thấp hơn, nhưng tôi luôn cảm thấy ấm áp vì biết rằng mình đang theo đuổi con đường của mình và luôn được người thân ủng hộ.

Từ một tay máy nghiệp dư, anh nhanh chóng trở thành một nhà nhiếp ảnh thời trang chuyên nghiệp tại Nga, anh có thể nói thêm về quá trình học và tự học của mình được không?
Mỗi tối trước khi đi ngủ,  dù bận đến đâu, tôi vẫn phải dành thời gian để đọc về lịch sử nhiếp ảnh. Mỗi lần đọc tiểu sử của những nhiếp ảnh gia lỗi lạc trên thế giới thời kỳ sau Thế chiến thứ 2, tôi lại được truyền cảm hứng, vì hiểu rằng những gian nan của tôi vẫn chưa là gì so với họ.
Đầu năm 2018, tôi may mắn vì được tiếp cận và học nghề từ một tay máy vĩ đại - Peter Lindbergh - một thần tượng nhiếp ảnh thời trang mà tôi chưa bao giờ dám nghĩ sẽ được gặp ngoài đời. Hai điều lớn nhất tôi học được từ Peter: tinh thần làm việc, cách truyền năng lượng cho ekip và sự khiêm cung dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Peter để lại trong tôi hình ảnh của một ông già Noel hiền hậu.Việc cộng tác mật thiết với tờ tạp chí Glamour của Nga cũng cho tôi cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với nữ nhiếp ảnh gia hàng đầu thế giới - Sarah Moon khi bà đến thăm Moscow. Khi nghe Sarah Moon nói về triết lý cuộc sống trong nhiếp ảnh của bà, tôi cảm thấy như được khai sáng.


Ngoài không khí cổ tích và yếu tố hình thể gợi nhớ tinh thần của nghệ thuật cổ điển phương tây, ánh sáng trong ảnh của anh còn khiến người xem dừng lại rất lâu bởi sự phân lớp, hiệu ứng chuyển động mang tính cinematic. Có vẻ như anh muốn kể nhiều hơn một câu chuyện trong khoảnh khắc?

Tôi đã từng mơ trở thành một đạo diễn điện ảnh. Bên cạnh đó, tranh Phục hưng và văn hoá châu Âu là nguồn cảm hứng lớn nhất của tôi, thành ra ảnh của tôi thiên về ngôn ngữ hình thể và ánh sáng. Tôi dùng ánh sáng Rembrandt và ánh sáng Roversi để tạo độ sâu cho tác phẩm của mình. Tôi thích chơi với ánh sáng, tạo ra những thứ ánh sáng ảo diệu và đôi lúc khó hiểu để gây hiệu ứng drama giống như những bộ phim Noir ngày xưa. Thứ ánh sáng mà tôi yêu nó phải ảo diệu, thần kỳ, nó có thể khó mà đơn giản, có thể gắt mà dịu, có thể uyển chuyển như chính tính cách của người chụp.

Còn nhân vật trong ảnh thì sao? Có vẻ như các mẫu anh sử dụng có chung một đặc điểm: không tuân thủ chuẩn đẹp của số đông, có chiều sâu nội tâm và ẩn giấu nhiều điều qua ánh mắt, cử chỉ, thần thái.
Nhân vật trong những bức ảnh của tôi cũng rất quan trọng bởi lẽ họ mới chính là người kể nên những câu chuyện. Đối với tôi, không quan trọng bạn chụp như thế nào mà quan trọng bạn chụp ai, người đó gây cảm hứng cho người chụp như thế nào.

Anh có thể nói thêm về quyết định cùng nàng thơ của mình về Việt Nam được không?
Lấy xong bằng Thạc sĩ Luật, tôi và Natasa về Việt Nam để đoàn tụ với gia đình vì đã ở Nga quá lâu. Tôi vừa tham gia giảng dạy ở đại học Luật TP.HCM vừa tiếp tục theo đuổi nghề nhiếp ảnh. Cuộc sống ở Sài Gòn của chúng tôi rất dễ chịu. Hai đứa chỉ quanh quẩn đi dạy, sáng tác, đọc sách, học tập và truyền cảm hứng cho nhau.

Giảng viên Luật Hình sự và nhiếp ảnh gia, logic và mơ mộng - làm sao mà anh có thể thu xếp được cả thời gian lẫn tâm trí để nuôi dưỡng hai con người có vẻ đối lập như thế trong cùng một quãng đời? 
Trong tôi có cả hai con người đó, và họ chung sống hoà bình.


Một người mơ mộng, yêu thích những giá trị văn hoá cổ điển như vậy, mà về Sài Gòn, sống giữa thành phố trẻ, bụi bặm, xô bồ, Đức cảm thấy thế nào?

Tôi theo nhiếp ảnh sáng tác nên nghĩ nếu tâm hồn đủ bay, đủ nhẹ thì mọi thứ đều có thể hoá thành nguồn cảm hứng. Sài Gòn là nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều người và trong đó có tôi. Thật kỳ lạ, nhưng tôi hầu như rất ít khi nhớ đến những yếu tố tiêu cực như kẹt xe, bụi bặm, xô bồ, có lẽ vì quá ít thời gian.

Những bức ảnh của Đức từ ngày về Sài Gòn có gì khác với trước đây?
Ngoài nhân vật ra thì có lẽ không có gì thay đổi. Tôi vẫn giữ được nét Âu và phong cách của bản thân. Tôi nghĩ không quan trọng bạn ở đâu, quan trọng bạn có đủ dũng cảm để không đánh mất bản thân không.


Vì sao anh nhận lời tham gia Connoisseur Art Club?

Tôi tham gia chương trình này vì nghĩ đây là một cơ hội tốt để có thể chia sẻ câu chuyện của mình đến nhiều người. Tôi còn trẻ nên đây cũng là cơ hội để được gặp gỡ và học tập từ những anh chị yêu nghệ thuật. 

Đức sẽ mang gì tới đó?
Tôi có cơ hội trưng bày những bức ảnh với ý tưởng về sự hồi sinh, vẻ đẹp của những mầm xanh giữa sa mạc, chất tự nhiên của đấu tranh sinh tồn, và sức sống mãnh liệt của tạo hóa. Bộ ảnh được chụp tại Phan Thiết, với thành quả của ekip 30 người. Sau khi ý tưởng hình thành, tôi làm việc với ekip và chọn trang phục và người mẫu, cũng như chuẩn bị mọi thứ rất công phu trong vòng một tháng. 

____________________________

Nguyễn Minh Đức, sinh năm 1990. Tốt nghiệp Luật Đại học Tổng hợp  quốc gia Liên Bang Nga. Tốt nghiệp Nhiếp ảnh Art House Liên Bang Nga. Sau đó dạy tại đó cho tới khi trở về Việt Nam 2017. Học tập và trưởng thành tại nước Nga, Đức ảnh hưởng nhiều từ hội họa những cảm xúc mãnh liệt, chân thực về cơ thể và vẻ đẹp của chủ nghĩa biểu hiện trong tranh của họa sĩ Egon Schiele, Karavadjo. Nhiếp ảnh từ Paolo Roversi, IrvingPenn, Viviane Sassen. Hiện tại anh đang là giảng viên Đại học Luật đồng thời là giảng viên nhiếp ảnh. 

____________________________


Câu lạc bộ dành cho người sáng tạo nghệ thuật, yêu nghệ thuật và champagne, đã được khởi tạo khắp nơi. Từ cuối 2018, những "người yêu" gặp nhau và thành lập Connoisseur Art Club tại Việt Nam. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Đức cũng là một trong những khách mời đặc biệt đến dự Connoisseur Art Club sắp tới tại TPHCM. ​

Triết lý của Perrier-Jouet là thưởng thức nghệ thuật tinh tế, lãng mạn và say mê. Ngay từ đầu chủ nhân của thương hiệu này đã thường tổ chức những bữa tiệc, mời những vị khách quí lạc vào vương quốc Perrier-Jouet, thám hiểm nghệ thuật và thưởng thức loại champagne độc đáo. Những trải nghiệm quí báu tại khu vườn bí mật của gia đình dòng họ Perrier-Jouet, khiến thực khách không bao giờ quên, rồi học cách khám phá nét đẹp của những tác phẩm trang trí thủ công tinh xảo và nghệ thuật thiết kế trong ngôi biệt thự xinh đẹp. Tình yêu thiên nhiên, âm nhạc và nghệ thuật của đôi vợ chồng dành cho cây, hoa, lá cũng thật kỳ lạ. Tất cả, từ nghệ thuật, thiết kế, vẻ đẹp tự nhiên và hương vị nho độc đáo, hòa trộn tạo thành loại champagne tuyệt hảo. 

 
Bài Phạm Tường Vân - Bộ sưu tập ảnh sẽ triển lãm trong Connoisseur Art Club -  Nguyễn Minh Đức và ekip - trang phục Nhà thiết kế Lê Thanh Hòa 
Những cái tên trẻ tuổi đáng chú ý của nhiếp ảnh đương đại

Những cái tên trẻ tuổi đáng chú ý của nhiếp ảnh đương đại

Photography Theo danh sách của Wallpaper, đây là những nhiếp ảnh gia trẻ mới nổi, đã đạt thành công nhất định với vài dự án tiêu biểu và đang dần thu hút sự chú ý từ thế giới, cũng như cống hiến cho cộng đồng nhiếp ảnh gia. Các nghệ sĩ này không chỉ thể hiện sự tận tâm với ngón nghề của mình mà còn thể hiện tinh thần sẵn sàng thử nghiệm, thách thức những giới hạn và xây dựng tên tuổi trong ngành công nghiệp này.

Trung Hoa thế kỷ 19: Nhiếp ảnh thuở hồng hoang

Trung Hoa thế kỷ 19: Nhiếp ảnh thuở hồng hoang

Photography "Nhiếp ảnh là bảo bối vĩ đại nhất của lịch sử. "Trong nhiều năm, chữ viết là cách mà lịch sử được lưu truyền. Nhưng nghệ thuật nhiếp ảnh đời đầu đã bảo tồn văn hóa ở Trung Quốc và các nơi khác nữa. Nghệ thuật nhiếp ảnh đã tồn tại hàng trăm năm vì nó diễn ra cùng lúc với các cuộc cách mạng công nghệ đã thay đổi mọi thứ ."


VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

Pro_Creative ĐI & VỀ, ĐI để vẽ nên màu của mình, chúng ta là Màu Việt Nam. Khi người nghệ sĩ chọn chất liệu, họ say mê bề mặt của giấy, toan, đất, vải, vóc, sơn hay bất kỳ kết cấu nào tạo ra cảm xúc để sáng tạo. Người thưởng ngoạn hít thở sâu, nhắm mắt, lắng nghe từ trực giác, mở mắt để thấu cảm màu sắc, hình, khối, vẻ quyến rũ từ chất liệu, tài năng của người nghệ sĩ, hòa nhịp làm nên câu chuyện sáng tạo. Khi bắt đầu chạm, sẽ hiểu rồi yêu, điều này vô cùng quý giá cho hành trình khám phá nghệ thuật ĐI & VỀ, ĐI của mỗi người.

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Subscription

Fashionnet

Follow us