288
16 Tháng 09 7:44 pm

Neo Rauch - Tranh đại diện cho những điều không thể miêu tả

 Là một trong những họa sĩ đương đại người Đức có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, và cực kỳ được coi trọng, nhưng Neo Rauch không nhận mình là người sáng tác tranh, mà là một người ‘thỏa mãn những yêu cầu của bức tranh.’

Neo Rauch theo trường phái siêu thực tượng hình, và ông luôn đảm bảo rằng những tác phẩm của mình được ông trực tiếp tạo ra mà không qua tay bất kì người trợ lí nào. Mặc dù nhiều người xem ông như một họa sĩ theo chủ nghĩa hiện thực xã hội, bản thân ông không hề mang yếu tố chính trị vào tác phẩm của mình.

“Tôi luôn hạn chế những ảnh hưởng của chính trị, thời trang hay bất cứ điều gì trong tác phẩm của mình. Tôi ghét cách người ta sử dụng sai nghệ thuật như vậy,” ông trả lời phỏng vấn tại gallery của David Zwirner, Hong Kong. “Tôi luôn giữ một vị trí trung lập. Chuẩn mực của tôi chỉ đơn giản là chất lượng tranh tốt hay không. Dựa trên tiêu chuẩn đó, tôi đang cố gắng biến những tác phẩm của mình trở nên bất tử với thời gian.” 

Vater uhd Sohn, 2016

Sinh ra ở Leipzig, Rauch trở thành trẻ mồ côi khi chỉ mới 4 tháng tuổi sau khi bố mẹ ông mất trong một tai nạn tàu lửa thương tâm cùng với 52 người khác. Ông bà của ông, cũng là người đã nuôi nấng ông, chưa bao giờ che giấu bi kịch này. Những bức hình chụp bố mẹ ông được trưng khắp nhà, cùng với các tác phẩm của họ (cả hai đều từng là sinh viên nghệ thuật tại Đông Đức thời đó.) Một bức tranh của Rauch miêu tả hình ảnh bố ông đang nâng niu một ‘Rauch trưởng thành trong kích thước em bé’, còn bóng hình nguời chủ nhà ga méo mó, dị dạng - có lẽ là người chịu trách nhiệm cho bi kịch trên - ở đằng sau theo dõi họ. Đó là một khung cảnh tương đối ám ảnh. Liệu những bức tranh của ông là một cách để ông tự điều trị bản thân?

“Đúng là nó giúp tôi chữa lành, nhưng đó không phải là ý định ban đầu. Nếu bạn thật sự nhìn sâu vào chính mình, tập trung vào thế giới quan bên trong, bạn có thể tự điều trị bản thân. Đó chính xác là những gì tôi đang làm. Một cách khác là nhìn ra bên ngoài bề nổi, tập trung vào những kì vọng từ khán giả và các chuyên gia,” ông giải thích.

Der Übergang, 2018, tranh sơn dầu trên canvas

Rauch bắt đầu vẽ tranh ở tuổi 21, được truyền cảm hứng bởi một nhóm nghệ sĩ độc đáo, họa sĩ tượng hình Francis Bacon; nghệ sĩ siêu thực Giorgio de Chirico và René Magritte; họa sĩ Baroque Diego Velázquez. Rauch cho rằng người ảnh hưởng nhiều nhất tới ông là Giotto, một họa sĩ vẽ tranh tôn giáo sống tại Florentine những năm cuối thời kì Trung cổ. “Tôi đang ở Ý khi mà bức tường Berlin sụp đổ, và tôi đã có cơ hội đến Assisi (một thành phố đồi núi được nổi tiếng với những Nhà thờ Giáo xứ Franciscan chứa đầy các bức bích họa của Giotto.) Và đó là khoảng thời gian quan trọng mang tôi trở lại với tranh tượng hình. Trước đó tôi vẫn có khả năng rẽ sai hướng và trở thành một nghệ sĩ trừu tượng tầm thường.” Ý ông là có những cách vẽ tranh trừu tượng mà bất cứ ai cũng có thể làm được bằng cách sử dụng những nét vẽ dày và rất nhiều màu sắc. “Đó chính là điểm ngoặt giúp tôi trở thành nghệ sĩ Neo Rauch ngày hôm nay.”

Hai điều rõ ràng bạn có thể lập tức nhận thấy khi nhìn tranh của Neo Rauch: kĩ thuật điêu luyện và nét bí ẩn đặc trưng của tranh. Có rất nhiều thứ để nhìn trong tranh. Những bức vẽ của ông thường là tranh khổ lớn và ngập tràn nhiều hoạt động khác nhau; mỗi nhân vật trong tranh đều đang làm một thứ gì đó; về mặt tổng thể dường như có nhiều thứ đang xảy ra nhưng không có một mục tiêu nhất định và cũng không có một kết quả rõ ràng. Vì vậy phía người xem khó có thể định hình một câu chuyện rõ ràng từ tranh Rauch. 

Vater, 2007

Tuy nhiên, những tác phẩm của Rauch luôn kể một câu chuyện, nhưng chúng ta không thể hiểu nó theo cách thông thường bởi vì tranh ông không cho phép như vậy. Trong một bức tranh mang tên ‘Vater/Father’ vẽ năm 2007, một người đàn ông u sầu, ăn mặc chỉnh tề đang nâng niu một con người cỡ nhỏ, ánh mắt nhìn xa xăm, bên cạnh đó là một người đàn ông khác đang cầm chiếc camera 35mm nhỏ. Ở chiếc bàn bên dưới còn có một số vật dụng cá nhân: một chiếc bình, ngực áo giáp, bốn cây nến nhỏ và món bánh meringue. Điểm độc đáo ở bức tranh là ba người đàn ông trong hình trông có vẻ bằng tuổi nhưng lại có 3 kích cỡ khác nhau. Nhân vật lớn nhất trong tranh - có thể là người cha, như tiêu đề bức tranh - thì lại đeo một đôi găng tay vàng kì lạ, vô lí, như thể được lấy từ phim hoạt hình. Rauch gợi ý rằng những nhân vật trong tranh là những bức chân dung tự họa và chúng thường sẽ nói lên một điều gì đó từ cuộc sống của người họa sĩ. “Thật ra nó khá hiển nhiên,” Rauch khẳng định, “rằng sự hỗn loạn này là phép ẩn dụ cho sự không thỏa mãn mà tôi phải trải qua thường xuyên khi sáng tác.”

Waiting for the Barbarians, 2007.

Rauch từng trả lời trong một buổi phỏng vấn rằng ông luôn cố gắng tìm ‘những thông điệp kính vạn hoa ẩn sâu trong tiềm thức của mình’. Ông cho rằng trí tưởng tượng của mình có thể so sánh với thể sợi (mycelium), một loại nấm dưới lòng đất với nhiều nhánh rễ khác nhau. Đối với ông, “tất cả mọi thứ đều kết nối với nhau.” Sâu bên trong tiềm thức của ông luôn hình thành nên “những họa tiết kì lạ và trong một số thời điểm nhất định, chúng phá vỡ lớp rào cản và dần hiện lên thành hình cụ thể.” Ông cho rằng “một bức vẽ tốt nên có tính trường tồn, gây tò mò và đặc biệt.” Dựa trên những tiêu chuẩn này, quả thật ông đã tạo ra những bức tranh rất có giá trị. 

Trước khi bắt đầu tác phẩm mới, để thâm nhập vào dòng chảy tiềm thức của mình, Rauch luôn có một nghi thức. Nó sẽ diễn ra tại studio của ông ở Leipzig, nơi mà trước đây từng là xưởng kéo sợi, và cũng là nơi ông ghé thăm hằng ngày. Ông làm việc tại đó với vợ ông, Rosa, người cũng là họa sĩ và đồng thời là quản lý của ông.

Neo Rauch tại studio của mình (Nguồn hình: BILLIONAIRE)

“Tôi phải rất tập trung. Vì vậy, tôi ngồi lên ghế của mình, nhìn lên tấm canvas và đôi khi chú chó pug Smilla cũng sẽ ngồi lên người tôi. Nó mang lại sự thoải mái, tôi sẽ chờ khoảng tầm một hai tiếng, thậm chí là cả ngày, trước khi nguồn cảm hứng sáng tạo ập đến.” 

Ông miêu tả “một bức tường trắng làm từ sương mù,” và Rauch phải “vươn tay ra nắm lấy các vật thể trong bức tường đó và đưa nó ra hiện thực”. Một khi ông đã vẽ xong vật thể đó lên tấm canvas, ông phải tiếp tục quay lại trạng thái thiền định đó để vẽ nhân tố tiếp theo trên tranh. “Nhưng những năm vừa qua những vật thể ấy xuất hiện thường xuyên hơn,” ông than thở. “Và tôi lo sợ rằng nguồn cảm hứng của mình sẽ dần cạn kiệt.”

Được chứng kiến ông vẽ là một trải nghiệm đáng nhớ. Mang trên tay đôi găng tay dày để bảo vệ bàn tay khỏi nhựa thông, Rauch dường như đang vật lộn với những vật thể mà ông tạo ra, ông liên tục đâm, quẹt và đôi khi vuốt ve chiếc cọ vẽ mình trên tấm canvas.

Der Hergang, 2020.

Ông có nhớ bức tranh vẽ đầu tiên của mình là gì không?
Khi tôi hai tuổi tôi từng vẽ một chim gõ kiến. Có lẽ tôi nên tìm lại nó và cho mọi người xem

Khi ông vẽ, ông có sẵn một chủ đề trước hay chủ đề sẽ đến với ông trong quá trình đặt bút lên giấy?
Như tôi đã nói, tôi luôn để nó tự tìm tới. Chủ đề sẽ tự hình thành trên giấy vẽ. Tôi không có bất kì kế hoạch gì khi bắt đầu.

Chúng tôi được biết rằng ông không muốn dán nhãn ‘hiện thực xã hội’ lên các tác phẩm của mình, nhưng có phải ông đã được ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hiện thực trong thời gian học tại Leipzig?
Chủ nghĩa hiện thực thì đúng, nhưng không phải hiện thực xã hội; ngay cả giáo viên của tôi cũng không còn bị ảnh hưởng bởi phong cách này. Những yếu tố chính trị sẽ không ảnh hưởng đến tiêu chuẩn cái đẹp tại Học viện Mĩ thuật trong khoảng thời gian tôi học ở đó. Hiệu trưởng của trường cũng nói rằng ông sẽ tránh những ảnh hưởng từ Cộng sản lên các học sinh của mình. Chúng tôi đã có cơ hội được sáng tạo theo ý muốn trong một môi trường an toàn.

Nếu bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các tiêu chuẩn đạo đức, yếu tố chính trị hay sự thái quá, một bức tranh có thể bị ‘nhiễm độc’. Điều đó cũng không có nghĩa là bức tranh phải hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi bất kì điều gì, mà quan trọng là bất kì ai cũng có thể tìm thấy mình trong tranh, dù họ có ‘nhiễm độc’ hay không.

Propaganda, 2018, tranh sơn dầu trên canvas

Trong buổi phỏng vấn với Robert Ayers năm 2007, ông từng nhắc đến “sự cân bằng bấp bênh giữa luận đề và phản đề, giữa trên và dưới, hiện thực và siêu thực”. Đó là mô hình triết học Hegel cổ điển, và nếu chúng ta dựa trên quan điểm triết học này, có phải một bức tranh vẽ là sự tổng hợp của những sự đối nghịch nhau như những thứ được nêu trên?

Là một họa sĩ, tôi phải vào vị trí của một người cân bằng. Tôi phải làm cho hình ảnh của mình cân bằng với mọi phía, bằng không các hình ảnh sẽ không hoạt động theo ý muốn và gây căng thẳng cho người xem, ảnh hưởng đến tâm trí của họ. Còn mô hình Hegel đối với tôi, là sự phản ánh trực tiếp hiện trạng xã hội.

Quan điểm này khiến tôi liên tưởng đến một ý tưởng khác của ông: Nguyên lý nền tảng của chủ nghĩa hiện đại là sự nghi ngờ. Có phải rằng một bức tranh sẽ thỏa mãn mục đích của nó nếu nó giữ được sự nghi ngờ trong người xem?

Tôi cần có sự nghi ngờ, cũng như là những sự chắc chắn. Sự chắc chắn sẽ dẫn đến sự gia cố của những quan điểm chính trị, quy chuẩn đạo đức và tôn giáo, để rồi sau đó sự nghi ngờ sẽ thay đổi chúng. Sự nghi ngờ sẽ bảo vệ chúng ta không quá sa đà vào ý thức hệ của bản thân. Đối với tôi, sự nghi ngờ mang lại cảm giác hưng phấn, cảm hứng để tìm ra những cách vẽ mới cũng như là những cách vận hành xã hội mới.

Nếu vậy có phải ý nghĩa của nghệ thuật là một cách thể hiện bản tri thức luận của sự nghi ngờ?
Nếu nghệ thuật có bất kì ý nghĩa gì, thì có lẽ là vậy.

Sperre, 2018, tranh sơn dầu trên canvas

Có phải chủ nghĩa siêu thực đã luôn ảnh hưởng đến cảm hứng sáng tạo của ông?
Đúng vậy, khi tôi 15 hay 16 tuổi, tôi được ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những tác phẩm của Salvador Dalí hay René Magritte và cũng từ đó tôi quyết định theo học trường nghệ thuật tại Leipzig. Tại trường cũng có một giáo viên được ảnh hưởng bởi Dalí là Arno Rink. Đối với tôi, không có nơi nào ngập tràn nguồn cảm hứng như Học viện Nghệ thuật tại Leipzig.

Ông có đang ghi lại những giấc mơ của mình trên tác phẩm?
Không, những bức vẽ của tôi không tái hiện lại giấc mơ của mình. Tôi chỉ hứng thú với cách đưa bộ não của mình vào trạng thái như đang mơ, bằng cách đó tôi có thể thâm nhập vào luồng tiềm thức của mình.

Trái: Luz, 2018, tranh sơn dầu trên giấy canvas. Phải: Kap, 2018, tranh sơn dầu trên canvas

Có phải những nhân vật trong tranh được lấy cảm hứng từ lịch sử, hay họ đại diện cho cuộc sống ngày nay?
Tôi cho rằng cả hai. Những gì tôi đang làm hướng đến sự trường tồn, vượt thời gian. Tôi luôn tránh bị hạn chế trong một thập kỉ nhất định. Tôi luôn nhìn về xa hơn.

Có phải những tác phẩm của ông mang tính siêu huyền học?
Tôi mong là vậy. Nhiều khi cái cách mà chúng hình thành nên khiến tôi phải tự hỏi, “Những thứ này đến từ đâu? Ai đã dẫn dắt mình theo hướng đi này mà không phải hướng khác?” Tôi có thể miêu tả bản thân mình là một người trung gian, không hẳn là đi theo lý trí của mình. Tôi là người vẽ, không phải nghệ sĩ. Ở một số thời điểm nhất định, tôi chỉ đơn thuần thả mình theo bức tranh và cố gắng thỏa mãn những yêu cầu của nó một cách tận tụy.

Der Aufschneider, 2018, tranh sơn dầu trên canvas

Der Stammbaum, 2017, tranh sơn dầu trên canvas

Ông từng trả lời một bài phỏng vấn rằng “Tôi chỉ đang trò chuyện với bản thân, với tiềm thức của mình.” Có phải điều đó khiến các bức tranh của ông trở nên bay bổng, và khiến người xem khó có thể liên tưởng đến một câu chuyện hay một ý nghĩa nhất định cho tranh của ông?
Tôi tạo ra những lối đi cho người xem đi qua khu vườn là bức tranh của mình, nhưng thông thường các lối đi sẽ dẫn họ đến những cánh rừng nơi họ lạc lối trong đó và dẫn đến không hiểu được tranh của tôi. Trong những trường hợp đó, tôi nghĩ rằng cả tôi và người xem đã đi sai hướng. Nhìn chung, tôi tin rằng một bức tranh tốt sẽ là một khu vườn được chăm chút kĩ lưỡng; nơi những vị khách tham quan cảm thấy mình được chăm sóc, được nuôi dưỡng về mặt kiến thức, được hiểu sâu hơn về tranh mà không cảm thấy khó chịu, và nếu nhìn ngắm khu vườn ở một số góc độ nhất định: tìm được những quan điểm mới khai sáng họ. Đó là những gì tôi có thể chu cấp cho người xem với tư cách là một họa sĩ. Tôi sẽ để các công việc giáo dục hay truyền tải kiến thức cho những người có thẩm quyền khác.

Ông nghĩ sao về những thứ ‘không thể miêu tả được’?
Tôi tin rằng tranh vẽ có trách nhiệm đại diện cho những điều không thể miêu tả và không thể giải thích - những điều mà từ ngữ không thể miêu tả đầy đủ về nó. 

Die Herrin, 2018, tranh sơn dầu trên canvas.

Fremde, 2016, tranh sơn dầu trên canvas.

Ông từng nói rằng một điều ông cần khi vẽ tranh là “mong muốn có những cuộc gặp gỡ mạo hiểm.” Có bao giờ ông thấy cần phải nâng sự mạo hiểm trong tranh khi ông thấy nó quá an toàn?
Điều đó dựa trên tiêu chuẩn ‘mạo hiểm’ ở từng bức tranh, và sự mạo hiểm đó sẽ xuất hiện ở mặt luật pháp hay mặt nội dung trong tranh. Nếu một bức tranh quá an toàn và đơn giản, tôi sẽ tạo sự hỗn loạn trong kết cấu tranh, dẫn đến một sự ‘nứt vỡ’ hay một ‘hành vi bạo lực’ trong tranh.

Khi ông làm giáo sư, ông đã nói gì với học sinh về việc vẽ tranh?
Về việc vẽ tranh? Có lẽ tôi đã không tách rời hai khái niệm vẽ tranh và sáng tác tranh. Tôi luôn nói với họ rằng đừng quan tâm đến thế giới nghệ thuật, mà hãy quan sát bên trong mình. Họa sĩ người Đức Caspar David Friedrich từng nói, “Một người họa sĩ không chỉ vẽ cái anh ấy thấy trước mắt, mà còn là cái anh ấy thấy bên trong mình. Nếu, trong trường hợp anh ấy không thấy gì bên trong bản thân, anh ta nên tránh vẽ những gì anh ấy thấy.” Nhiều học sinh vẽ thế giới bên ngoài theo ‘trí nhớ chụp hình’, và tôi luôn khuyên họ tránh làm vậy, bởi vì điều đó sẽ đưa họ ra xa khỏi thế giới tưởng tượng của mình. Hãy phiêu lưu, dù nó khiến bạn không thoải mái, bởi vì khám phá những hang động tâm trí của chính bản thân mình sẽ luôn thú vị và hữu ích hơn hang động của những người lạ.

Được giới thiệu từ họa sĩ Trần Hải Minh 

Nguồn Tổng hợp từ  https://www.bllnr.com/art-craftmanship/interview-artist-neo-rauch

https://www.conceptualfinearts.com/cfa/2019/07/05/neo-rauch-interview/

https://bordercrossingsmag.com/article/the-garden-and-the-jungle

Bài dịch PD - Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép.

________________________________________________

G Studio 

Art Design Center 

vietnamcolor.vn - fashionnet.vn

Contact: 0903788646 - 0903975081

Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \

Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)

30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City 

 

Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn. 

HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Art_Painting Sinh viên tốt nghiệp tại trường Imperial College London, Nicole Stjernsward đã phát minh ra Kaiku, một hệ thống giúp chuyển hoá thực vật thành các loại bột màu từ quá trình ứng dụng công nghệ bay hơi.


VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

Pro_Creative ĐI & VỀ, ĐI để vẽ nên màu của mình, chúng ta là Màu Việt Nam. Khi người nghệ sĩ chọn chất liệu, họ say mê bề mặt của giấy, toan, đất, vải, vóc, sơn hay bất kỳ kết cấu nào tạo ra cảm xúc để sáng tạo. Người thưởng ngoạn hít thở sâu, nhắm mắt, lắng nghe từ trực giác, mở mắt để thấu cảm màu sắc, hình, khối, vẻ quyến rũ từ chất liệu, tài năng của người nghệ sĩ, hòa nhịp làm nên câu chuyện sáng tạo. Khi bắt đầu chạm, sẽ hiểu rồi yêu, điều này vô cùng quý giá cho hành trình khám phá nghệ thuật ĐI & VỀ, ĐI của mỗi người.

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Subscription

Fashionnet

Follow us