288
18 Tháng 09 12:24 pm

Sáng tạo, sáng tạo, đó là chứng chỉ duy nhất của tài năng!

 Họa sĩ trừu tượng biểu hiện Trần Hải Minh: “Hãy đừng vẽ giống bất kỳ ai trên thế giới và không lặp lại chính mình!"

Tôi luôn tự hỏi không gian sống của một người đã dành cả cuộc đời mình cho nghệ thuật sẽ như thế nào. Liệu nó sẽ lộn xộn, hỗn loạn như tâm trí mơ mộng của người họa sĩ, hay gọn gàng và ngăn nắp như người làm khoa học. Một kẻ luôn truy cầu kiến thức mới, họ sẽ thích sống như thế nào. Liệu nơi đó có chứa đầy những vật thể màu sắc từ nhiều nền văn hóa khác nhau để tạo cảm hứng cho nghệ thuật của họ, hay đơn giản, họ chỉ muốn mọi thứ thật dễ chịu, để tập trung, tận lực cho sáng tạo thăng hoa. Ngày hôm nay, tôi đã đến, gặp một người nghệ sĩ thật đặc biệt, mà mọi thắc mắc về người đàn ông này, không đơn giản để có ngay câu trả lời. Tại M Gallery, tôi đã bị "nhấn chìm" vào hội họa của ông ấy, với nhiều cung bậc cảm xúc. 

Họa sĩ Trần Hải Minh và tác phẩm đang trong quá trình sáng tác

Tọa lại tại Dĩ An, Bình Dương, M Gallery của nghệ sĩ Trần Hải Minh nằm giữa một trang trại rộng lớn gần 1ha. Không gian được thiết kế mở, tạo điều kiện để đón nhận ánh sáng mặt trời, ở các thời điểm trong ngày. Đồ vật được bày trí ngăn nắp: kệ sách, bàn ghế được sắp xếp có chủ đích, hợp lý, gọn gàng, lối đi rộng rãi. Duy tại khu vực làm việc của ông, nơi vẫn còn đang trưng bức tranh khổng lồ đang trong quá trình sáng tác, dụng cụ, màu vẽ vương vãi khắp nơi, gói thuốc lá hút dở còn đặt trên bàn, có thể thấy ngay sự chuyên tâm, quên mình, quên tất cả mọi thứ của người nghệ sĩ khi họ sáng tác. 

Lối đi với hàng tre xanh trong M Gallery

Giá sách và những đồ đạc được trưng bày như những tác phẩm sắp đặt 

Khu vực tranh còn dang dở, màu vẽ luôn ở vị trí sẵn sàng cho những nét cọ 

Khung cảnh tại M Gallery

“Anh không gay go trong cách chọn cọ cho nét, chọn vật liệu cho mảng này, đường kia... mà gay go nhất là... chọn giờ để vẽ (Ánh sáng). Khác giờ, thì chỉ ngồi xem suy ngẫm (Dường như anh sợ màu nổi giận thì phải)”  - Họa sĩ Lê Quốc Thành từng viết về Trần Hải Minh.

Bề ngoài của Minh rất nghệ sĩ, phong trần. Gương mặt gầy gò, hốc mắt sâu thẳm nhưng đôi mắt rất sáng và toát lên sự điềm đạm trong thế giới riêng chất chứa đầy suy tư. Ngay sau khi bước vào gallery, Minh chậm rãi đi lấy nước uống mời khách, thong thả mở máy tính để trình chiếu các tác phẩm hội họa trước đây và những phác thảo cho giai đoạn sắp tới. Ông cũng không quên bật lên bản nhạc cổ điển lắng đọng, âm vang như một nghi lễ trước khi mọi người bước chân vào ngôi đền nghệ thuật mà ông đã dành cả đời để dâng hiến. Minh là một người chưa bao giờ dễ dãi với nghệ thuật, chỉ khi cảm thấy chúng tôi đã thật sự tập trung, bị thu hút và nghiêm túc chú tâm đến màn hình, ông mới bắt đầu mở lời dẫn dắt mọi người vào thế giới hội họa của ông.

“Và khi đã đạt một tầm nào đó thì suy tưởng cũng là vẽ, đàm đạo cùng bạn bè cũng là vẽ, vẽ cả trong tâm thức, trong im lặng…” - Trần Hải Minh

Họa sĩ Trần Hải Minh học trung cấp tại trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội, trước khi du học tại trường Đại học Nghệ thuật Berlin (Kunstshochule-Weissensee 1986 - 1992), từ 1992-1997 ông là họa sĩ tự do tại Đức. Được trau dồi, học tập hội họa cơ bản rất vững chắc từ trong nước, lại có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu tại trung tâm nghệ thuật thế giới, rồi những cuộc trò chuyện và sự ảnh hưởng từ bạn đồng môn Neo Rauch, người sau này trở thành nghệ sĩ vĩ đại trong lịch sử hội họa, thật không quá khó hiểu khi Minh có một nền tảng kiến thức chuyên sâu, phong phú, và một bản tính cực đoan trong nghệ thuật.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm và họa sĩ Trần Hải Minh 

Minh cho rằng một người nghệ sĩ không thể nào sống hời hợt, phải phấn đấu và luôn nghiêm túc trong công việc (Minh rất khó tính, một bức tranh có thể xóa đi vẽ lại hàng chục lần). Đặc biệt đối với Minh, hội họa phải có sự quyết liệt, chính vì vậy nên “Trong số những họa sĩ lừng danh được ghi tên vào lịch sử nghệ thuật, không có bất kì người phụ nữ nào.” Sự quyết liệt theo Trần Hải Minh chính là sự nhất quán, biết bản thân mình muốn gì, vẽ như thế nào và phát triển ra sao. Từ đó kết hợp với kĩ năng vẽ thuần thục, kinh nghiệm sống dày dặn và vốn tri thức văn hóa phong phú để định hình lên phong cách riêng của mình, sau đó không ngừng học tập và thay đổi để phát triển phong cách đó lên đỉnh cao nhất. Một câu nói mà Minh tự coi là khẩu hiệu (slogan) của bản thân chính là: “Hãy đừng giống bất kỳ ai trên thế giới, và không lặp lại chính mình.”

Giai đoạn Trần Hải Minh vẽ với hình tròn

“Trung thực với tình cảm của cá nhân mình, bút pháp nhất quán, sự kiên định về nhận thức thẩm mỹ. Hãy tìm cho mình một con đường, tạo ra cho mình một phong cách. Đó là điều khó khăn nhất của nghệ thuật: Biểu đạt và khẳng định được chính cá nhân mình. Với Hội họa, khi có được phong cách là người họa sĩ đã gần như đến được đích của nghệ thuật: sự Sáng tạo, và Sáng tạo đó là chứng chỉ duy nhất của tài năng.” - Trần Hải Minh

Một bức tranh chưa hoàn thiện của họa sĩ Trần Hải Minh

Màu sắc là ngôn ngữ của phong cảnh, của tâm trạng, của toàn bộ nhận thức của Trần Hải Minh về thế giới vật chất. Màu trong tranh Trần Hải Minh là thế giới nội tâm của anh. Là bình minh, là hoàng hôn và những đêm cô đơn trong thế giới hội họa, hay những trăn trở suy tư về cuộc sống, có cả tính biểu hiện và sự trần trụi cảm xúc. Chiều sâu và sự thu hút trong tranh trừu tượng biểu hiện của Trần Hải Minh luôn hiện hữu mạnh mẽ, vì ở đó ta luôn nhìn thấy một không gian mở ra. Luôn có 1 góc trời. có những góc gợi hình ảnh một vật thể từ thiên nhiên, con người... Không gian không phải là 2 chiều phẳng bẹt, mà luôn gợi đến 3 chiều, một không gian mở ra. Đó cũng là một điều mới của Trừu tượng Biểu hiện mà ít hoạ sĩ vẽ theo cách này. Đó cũng là sự khác biệt của ông. De Kooning có một kiệt tác tên "Cửa mở ra dòng sông" là bức tranh duy nhất của ông vẽ theo cách này.

Trước khi gặp ông, tôi vẫn luôn ngờ vực. Lịch sử hội họa đã kéo dài suốt hàng thế kỉ, bắt đầu từ tận thời kỳ tiền sử. Làm sao để có thể định hình một phong cách tách biệt hoàn toàn với bức tường khổng lồ mang tên ‘thời gian’ này? Đặc biệt với sự phát triển của Internet và công nghệ, thật dễ dàng để một nghệ sĩ có thể ‘lấy cảm hứng’ từ những tác phẩm bên trời Âu, thậm chí gặt hái thành công và tiền bạc từ nó. Minh cũng bộc bạch rằng, nhiều nghệ sĩ ngày nay khi đứng trước ngã ba đường đã quyết định ‘rẽ trái’. Họ không chọn con đường chông chênh, gập ghềnh để phát huy được bản ngã sáng tạo của mình, mà họ đi theo con đường an toàn, rải hoa để tiến tới danh vọng và của cải.

Thực tế đáng buồn này từ lâu đã là một nỗi niềm đau đáu của Trần Hải Minh. Trước đây, ông đã từng viết: “Là họa sĩ, chúng ta không những phải biết truyền thống nghệ thuật từ quá khứ, mà cò phải có tri thức đầy đủ về nghệ thuật hiện đại, tri thức đó giúp chúng ta hiểu và cảm nhận được các trào lưu hội hoạ đương đại thế giới. Chúng ta chẳng những cần phải tiếp cận các giá trị nghệ thuật mới mà còn phải sống và làm việc với một ý thức tiên tiến rõ rệt...

"Họa sĩ VN đương đại nói chung xác định sai mục tiêu và vì vậy đi sai đường. Thế hệ hoạ sĩ đầu tiên được người Pháp đạo tạo bài bản, nên mở ra thời kỳ rực rỡ của hội họa Việt nam, thời mỹ thuật Đông dương. Sau đó là nghệ thuật hiện thực XHCN rồi mở cửa rồi kinh tế thị trường... số đông họa sĩ không được học hành đầy đủ, lại sốt ruột với thành công, thiếu hiểu biết, sớm say tiền, háo danh... tất cả là nguyên nhân tạo ra chất lượng hội họa ngày hôm nay.” _  Trần Hải Minh

Con đường ‘rẽ phải’ ấy có thể chông gai, nhưng nó chính là con đường mà những Picasso, Van Gogh, Polke đã từng đi… Đó là con đường duy nhất để họ bộc lộ sự sáng tạo từ con người của mình. Chính vì vậy trong hội họa mới phải có sự quyết liệt, nhất quán, hòa nhập chứ không hòa tan. “Tôi qua trời Âu học để trở thành nghệ sĩ người Việt có kiến thức châu Âu, không phải thành một nghệ sĩ châu Âu.” Minh cũng thừa nhận rằng đã có nhiều lần chệch bánh trong hành trình sáng tạo của mình, nhưng ông cho rằng chính sự quyết liệt của bản thân đã kéo ông quay lại lối đi mà mình đã đặt ra.

Vườn đào  - 1m70 x 1m90/ Sơn dầu 2020 

Ngày hôm nay, Minh vẫn tiếp tục tiến về phía trước, tiếp tục phát triển kĩ năng sáng tạo hội họa của mình. Khi được hỏi về hướng đi sắp tới, Minh trả lời: “Hiện tại tôi đang nghiên cứu hội họa có hình và nội dung theo khuynh hướng mới, khác với những tác phẩm trước đây. Tôi đã dành 8 năm để nghiên cứu những hình thái mới cho tác phẩm ra mắt trong năm 2021. Hãy hình dung tranh của Neo Rauch, nhưng tất nhiên phải khác Rauch, tôi không thể vẽ giống Rauch được. Tôi không phải người Đức. Còn Raunch cũng không thể vẽ giống tôi, vì ông không phải người Việt. Nếu mình khác biệt thì mới được chấp nhận, nếu giống người ta thì mình vô nghĩa. Và một điều chắc chắn nữa, là tôi đã am hiểu nghệ thuật hơn, nên tranh không thể nào xấu hơn.”

Các tác phẩm mới của Trần Hải Minh

Có quan điểm cho rằng, với sự phát triển của máy ảnh, thì thời đại của hội họa miêu tả hình đã chấm dứt. Chính những đường nét táo bạo, màu sắc mạnh mẽ và sự tự do trong cách vẽ mới có thể thể hiện được bản ngã sáng tạo của người họa sĩ. Trần Hải Minh đã dành gần như cả cuộc đời mình cho trường phái Trừu tượng biểu hiện, để ông có thể tự hào trong lòng rằng những bức tranh của mình có thể nói lên bản thân ông là ai, và những thăng trầm mà ông đã trải trên con đường đã chọn. 

“Hãy đưa tranh của bạn đây, tôi sẽ nói bạn là ai.” - Picasso

Luôn đắm chìm trong thế giới nghệ thuật, nhưng Minh hiểu rõ cuộc sống thực như thế nào, và hơn ai hết ông hiểu con đường mình lựa chọn khó khăn đến đâu. “Mục đích tối thượng của nghệ thuật không phải là tiền. Nhưng họa sĩ nào nói không cần tiền là điên.” Tuy nhiên nghệ thuật là sáng tạo, mà lao động sáng tạo của người họa sĩ luôn đi trước, sự thấu hiểu của công chúng thì luôn đến sau. Muốn thấu hiểu được nghệ thuật thuật thì phải có kiến thức về nghệ thuật và muốn có kiến thức thì phải học, phải được giáo dục, muốn vậy phải có thời gian, không thể một sớm một chiều. 

“Khi nhìn, ngắm... một tác phẩm hội họa, người hiểu, có tri thức và đẳng cấp văn hóa thường đặt ra câu hỏi đầu tiên là: "Đâu LÀ TÍN HIỆU SỰ SÁNG TẠO?" Một bức tranh mà không có yếu tố căn bản và đầu tiên này, thì coi như XONG! Còn một đám đông thiếu hiểu biết thì có câu hỏi thường xuyên là: "Có bán được không? Bao nhiêu tiền?" Bởi vậy có khác nhau căn bản giữa HỌA SĨ (Người vẽ sáng tạo) và HỌA NŐ (Người vẽ chỉ để kiếm tiền, thương mại..dâm-tranh) Mà tán tụng của những người thiếu hiểu biết mà còn lâu ngày HỌA NÔ cứ tưởng mình là HỌA SĨ (Đôi khi hoang tưởng tưởng tượng lại mình là HỌA-DANH ” _ Trần Hải Minh

Bản hòa tấu không tên - 1m20x1m60/ Acrylic/Sơn dầu 2021

Minh thừa nhận nhờ buổi triển lãm năm 1995 thành công đã tạo điều kiện để bản thân có thể ẩn dật, tách rời với công chúng và tiếp tục ‘câu chuyện’ sáng tạo của mình. Ông chỉ chia sẻ tranh với những người bạn (có người trước đây từng là thầy), người thân gia đình. ‘Tôi không phải là người của công chúng. Nhưng quả thật tôi vẫn nợ họ buổi triển lãm. Nghệ thuật luôn cần đến công chúng.”

Hình bên trái và giữa: Nghệ sĩ sắp đặt, nhà điêu khắc người Đức Gunther Uecker _ hình bên phải Họa sĩ Trần Lưu Hậu, người Thày, người trước khi qua đời đã thúc đẩy Trần Hải Minh sớm ra mắt triển lãm 

Trần Hải Minh và tác phẩm của ông trong studio riêng tại Berlin - 1992 

Trần Hải Minh đang hoàn thành những tác phẩm khổ lớn để chuẩn bị cho triển lãm ngày 11.12.2021 tại Bảo tàng Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh 

Buổi triển lãm thành công trước đây là nhờ lượng công chúng được sinh sống trong nền văn hóa phát triển từ trước. Ngày nay, sự phát triển của Internet chắc chắn đã đem lại những ảnh hưởng tích cực đến gu thẩm mỹ của đại chúng. Sự mơ hồ và quá bao la của các kiến thức trên mạng càng khiến cho buổi triển lãm sắp tới của Trần Hải Minh thêm phần ý nghĩa. Đó sẽ là ngọn hải đăng soi sáng lối ‘rẽ phải’ cho những người họa sĩ còn sợ hãi, phân vân. Và những người nghệ sĩ ‘quyết liệt’ sẽ vững bước tiến theo tia sáng mập mờ mà ông đã dành cả đời để thắp cháy.

Triển lãm hội họa trừu tượng biểu hiện của họa sĩ Trần Hải Minh diễn ra từ 5:30 PM ngày 11.12 tới 17.12.2021 tại Bảo tàng Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh I Tham khảo các tác phẩm bày tại triển lãm tại đây www.tranhaiminh.vn 

 

Chỉ đạo thực hiện HươngColor   Bài viết: Hồ Thiên Phúc  Chân dung nghệ sĩ và studio: Phạm Tuấn Ngọc - Giang Lê . *trích dẫn quan điểm, hình ảnh từ nguồn tư liệu cá nhân của họa sĩ Trần Hải Minh 

Bài viết trong cuốn sách VietnamColor I Việt nam màu gì? Vui lòng ghi rõ nguồn từ VietnamColor I Việt nam màu gì và tên tác giả khi muốn sao chép.

________________________________________________

G Studio 

Art Design Center 

vietnamcolor.vn - fashionnet.vn

Contact: 0903788646 - 0903975081

Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \

Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)

30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City 

 

Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn. 

HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.

 
Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Art_Painting Sinh viên tốt nghiệp tại trường Imperial College London, Nicole Stjernsward đã phát minh ra Kaiku, một hệ thống giúp chuyển hoá thực vật thành các loại bột màu từ quá trình ứng dụng công nghệ bay hơi.


VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

Pro_Creative ĐI & VỀ, ĐI để vẽ nên màu của mình, chúng ta là Màu Việt Nam. Khi người nghệ sĩ chọn chất liệu, họ say mê bề mặt của giấy, toan, đất, vải, vóc, sơn hay bất kỳ kết cấu nào tạo ra cảm xúc để sáng tạo. Người thưởng ngoạn hít thở sâu, nhắm mắt, lắng nghe từ trực giác, mở mắt để thấu cảm màu sắc, hình, khối, vẻ quyến rũ từ chất liệu, tài năng của người nghệ sĩ, hòa nhịp làm nên câu chuyện sáng tạo. Khi bắt đầu chạm, sẽ hiểu rồi yêu, điều này vô cùng quý giá cho hành trình khám phá nghệ thuật ĐI & VỀ, ĐI của mỗi người.

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Subscription

Fashionnet

Follow us