288
25 Tháng 01 3:03 pm

Lee Krasner: Không chỉ là quý bà Pollock

 Lee Krasner là nữ nghệ sĩ trường phái Trừu tượng Biểu hiện người Mĩ. Tuy phần lớn sự nghiệp của bà đứng sau cái bóng quá lớn của người chồng mình, Jackson Pollock, nhưng tài năng và những cống hiến của bà cho nghệ thuật luôn được những nghệ sĩ đương thời đánh giá cao và tôn trọng.

Trong những tác phẩm thành công nhất của Lee Krasner, các gam màu như những vòng xoáy xoay chuyển trên tấm bạt canvas và giao thoa với nhau theo cách độc đáo nhất: xanh mòng két và nâu mocha, hồng rực (hot pink) và tím… Những tông màu nóng lạnh đan xen với nhau tạo nên những hình thù quen thuộc trong đời sống thường ngày. Có thể là một cánh hoa, những cơn sóng dạt dào hay thậm chí là một con mắt lấp ló rồi bất chợt hiện lên phía sau những cơn lốc đa sắc. Thoạt nhìn qua, các tác phẩm của Krasner như một sự hỗn loạn vô chủ đích, nhưng càng nghiền ngẫm thì những hình họa trừu tượng được bà kết hợp một cách tài tình dần hiện rõ lên ngay trước mắt mình. Các tác phẩm của Krasner “không phải một bữa picnic ngoài trời nhẹ nhàng,” (trích dẫn nhà phê bình và nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Barbara Rose) để bạn có thể thảnh thơi thưởng thức. “Chúng mạnh mẽ, thách thức và yêu cầu người xem phải để tâm hồn mình đối đầu với những cảm xúc mà người nghệ sĩ đã gửi gắm vào.”
Lee Krasner, Desert Moon, 1955
 
Sự tài ba của Krasner là kết quả của những tháng ngày miệt mài nghiên cứu, khám phá và thử nghiệm. Bà đã dành hàng thập kỉ với nghiệp vẽ trước khi đạt đến đỉnh cao sự nghiệp của mình, trải qua hết những phong cách khác nhau như tranh tự họa, Lập thể, tranh khảm và cả nghệ thuật thị giác. Tuy nhiên,  phần lớn sự nghiệp của bà luôn bị phủ bóng bởi một thiên tài hội họa khác của thế kỉ XX, chồng của bà, Jackson Pollock.
 
Đáng mừng là trong một vài năm gần đây, các tác phẩm của Krasner đạt được sự nổi tiếng tương xứng, liên tục được săn đón trên thị trường và được những cơ quan có thẩm quyền công nhận. Tác phẩm bà vẽ năm 1960, The Eye Is The First Circle đã được bán với giá 11.6 triệu đô tại Nhà đấu giá Sotheby’s - giá trị cao nhất trong số tất cả các tác phẩm của bà. Vào ngày 30 tháng 5 năm 2019, Trung tâm triển lãm Barbican tại London đã tổ chức buổi triển lãm cá nhân quy mô lớn đầu tiên tại châu Âu, “Lee Krasner: Living Colour”, sau hơn 50 năm kể từ khi bà bắt đầu thành danh trong nghiệp vẽ
Chân dung Lee Krasner, 1938
 
Ngay từ những ngày đầu tiên, Krasner đã cho thấy sự cống hiến không ngừng cho nghệ thuật. Sinh ra tại Brooklyn vào năm 1908,  bà đã bắt đầu theo học nghệ thuật từ hồi Trung học. Năm 17 tuổi, bà theo học khóa học nghệ thuật tại Đại học Cooper Union ở Manhattan. Bà bắt đầu theo học nghệ thuật hàn lâm vào năm 1929  tại Học viện Thiết kế Quốc gia.
 
Đó đã là khoảng thời gian đầy biến động đối với nghệ thuật Mĩ nói riêng. Năm đó, Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại tại New York được khai trương tại Manhattan. Xuyên suốt hai thập kỉ trước đó, những nhà tổ chức người Mĩ đã bắt đầu tổ chức những buổi triển lãm các tác phẩm của những nghệ sĩ avant-garde đương thời như Constantin Brâncuși, Marcel Duchamp, và Pable Picasso. Một số đông những người đam mê nghệ thuật và tư tưởng cánh tả dần hội tụ lại tại khu vực trung tâm Manhattan những năm đầu thập niên 30. Ở một căn hộ 2 tầng tại khu vực đó, một nhóm những nghệ sĩ và tri thức tạo nên Liên hiệp Nghệ sĩ, kết nối các nghệ sĩ với nhau và tạo ra những cơ hội nghề nghiệp cho họ. Krasner đã tham gia, cùng với hai họa sĩ khác là Arshile Gorky và Harold Rosenberg - người sau này trở thành một trong những nhà phê bình nghệ thuật tiếng tăm nhất của thế kỉ XX.
Lee Krasner, Self-Portraite, 1928
 
Cơ quan Quản lý Tiến độ Công việc (Work Progress Administration - WPA) cũng đã hỗ trợ nhóm tư tưởng cấp tiến này rất nhiều vào thời kì mới thành lập đầy trắc trở. Dự án của Tổng thống Franklin Delano Roosevelt giúp các nghệ sĩ vượt qua giai đoạn Đại suy thoái bằng cách tạo cho ho những công việc như vẽ tranh minh họa cho sách (Krasner đã từng vẽ tranh cho sách hải dương học), tranh tường, và những hoạt động cộng đồng liên quan đến nghệ thuật khác trên toàn đất nước. Cũng thông qua WPA mà Krasner đã gặp gỡ những nghệ sĩ Trừu tượng Biểu hiện lẫy lừng như Stuart Davis, Ad Reinhardt, và Willem de Kooning.
.
Lee Krasner, Mosaic Table,1947
 
Năm 1937, Krasner theo học những lớp nghệ thuật do họa sĩ người Đức Hans Hofmann đứng lớp tại Trường Đại học Nghệ thuật ở New York. Dưới sự chỉ dẫn của Hofmann, Krasner bắt đầu thử nghiệm với những tác phẩm trừu tượng được truyền cảm hứng bởi trường phái  lập thể của Picassso  và cấu trúc hình học của Piet Mondrien. Tác phẩm tranh khảm kết hợp nghệ thuật thị giác Mosaic Collage (ca.1942) do Krasner sáng tác trong thời kì này cũng đánh dấu những bước tiến đầu tiên của bà về mặt màu sắc trong hội họa.  Đỏ sẫm hòa lẫn với những mảng xanh serene và điểm xuyến bằng những nốt vàng hoa cúc. Mặc cho bà có thử nghiệm với nhiều trường phái khác nhau nhưng màu sắc của Krasner luôn mang sự sống động và khơi gợi đặc trưng. Chính Hofmann cũng nể phục các tác phẩm của bà, mặc dù ông được biết đến là một người căm ghét phụ nữ, “Các tác phẩm này quá tuyệt vời đến mức anh sẽ không biết rằng nó được tạo ra bởi một người phụ nữ,” ông từng nhận xét như vậy. 
Lee Krasner, Mosaic Collage, 1939 - 1940
 
Cuộc đời của Krasner tiến tới điểm ngoặt vào năm 1942, khi bà ghé thăm studio của Jackson Pollock trước khi cả hai người họ cùng tham gia vào một buổi triển lãm nhóm tại Phòng trưng bày McMillen. Bà ấy đã từng gặp Pollock trước đây, nhưng chính những tấm bạt canvas đầy cảm xúc mạnh mẽ đã khơi gợi cảm hứng nghệ thuật trong cô - và chắc hẳn là những cảm xúc dạt dào trong trái tim người nữ họa sĩ nữa. Họ cưới nhau ba năm sau đó và cùng chuyển tới một nông trại tại vùng Springs, New York. 
Lee Krasner, Palingenesis, 1971
 
Krasner ảnh hưởng mạnh mẽ đến những tác phẩm của mình. Một người bạn của bà và cũng là một họa sĩ, Elaine de Kooning từng nói rằng “như thể Jackson đã chìm đắm trong những gì mà Lee vẽ ra.” Mary Gabriel, tác giả của quyển nghiên cứu lịch sử Ninth Street Women từng viết: “Một Pollock vốn sáng tạo nay thêm phần mạnh mẽ từ Lee, và từ những tấm canvas của cô”
 
Trong khoảng thời gian một vài năm sau khi cưới, Krasner sáng tác loạt tranh mà bà đặt tựa là “Little Images” (1946-50). Những mặt phẳng được lấp đầy bởi các kí tự và biểu tượng sắp xếp có chủ đích theo từng ô. Tuy nhiên cũng trong khoảng thời gian, Pollock dần trở nên nổi tiếng với các tác phẩm chảy giọt và kĩ thuật vẽ tranh “all-over”. Một bài báo đăng tải trên tạp chí Life vào ngày 8 tháng 8 năm 1949 từng đặt câu hỏi: “Jackson Pollock: Họa sĩ đương thời vĩ đại nhất tại Mỹ?”
Lee Krasner những năm làm việc cho tổ chức WPA, 1940
 
Mặc dù phải đứng sau cái bóng của chồng mình, nhưng Krasner vẫn được tôn trọng bởi giới nghệ sĩ chung thời. Buổi triển lãm lừng lẫy “Ninth Street Exhibition of Paintings and Sclupture,” tổ chức bởi Leo Castelli vào năm 1951 trưng bày một tác phẩm của bà. Nữ họa sĩ cũng xuất hiện tại buổi trưng bày cùng với Reinhardt, anh em nhà de Kooning, Philip Guston, Joan Mitchell, Franz Kline, Robert Motherwell, và một loạt họa sĩ tiếng tăm khác. Cũng vào thời điểm đó, cuộc hôn nhân của Krasner - và sự nghiệp của Pollock - bị tổn hại nặng nề bởi chứng nghiện rượu nghiêm trọng của ông. Năm 1956, Pollock mất trong một tai nạn giao thông cùng với Edith Metzger, bạn của tình nhân lúc đó của ông, Ruth Kligman, cô cũng là người duy nhất sống sót sau vụ va chạm.
Lee Krasner, Imperative, 1976
 
Krasner đối phó với bi kịch đó, và cả cái chết của mẹ bà vào năm 1959, thông qua nghệ thuật. Nữ họa sĩ từng chia sẻ về nỗi buồn của mình: “Hội họa không tách rời khỏi cuộc sống. Chúng là một. Tôi có muốn sống? Câu trả lời có - chính vì vậy nên tôi tiếp tục vẽ.” Trong loạt tranh “Umber” vẽ trong khoảng thời gian từ năm 1959 đến năm 1962, những nét vẽ bạo lực, uốn lượn gam màu nâu ảm đạm xuất hiện xuyên suốt mọi tác phẩm. Những tấm bạt canvas này khơi gợi lên nỗi buồn và bóng tối trong tâm hồn bà theo cách đẹp đẽ nhất.
Lee Krasner, The Eye is the First Circle, 1960
 
Những tác phẩm mạnh mẽ nhất của Krasner được thực hiện vào thập niên 60. “Khi Pollock còn sống, Krasner không thể thả mình vượt qua khỏi không gian nội tâm của bản thân bởi vì bà ấy, cũng như mẹ mình, đã quyết định chịu trách nhiệm cho mọi vấn đề thực tiễn trong đời sống hằng ngày,” Rose viết. Tâm trí bà mang thêm một chiếc gông nhưng nó lại tự do hơn bao giờ hết sau cái chết của chồng.
Lee Krasner, Bald Eagle, 1955
 
Những biểu tượng và cấu trúc của bà được chuyển hóa thành những hình thù mềm dẻo hơn đặt trong khoảng không gian thoáng đãng với nhiều khoảng trống hơn trước đây. Những nét tròn xuất hiện nhiều hơn, phủ lên các tác phẩm bà một cảm giác nhẹ nhàng, nữ tính hơn bao giờ hết. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Krasner, Gaea (1966), vẽ một loạt hình thù gam màu hồng-trắng tượng trưng cho mặt, ngực, trứng và miệng, tất cả như lơ lửng trên một nền tím thăm thẳm.
 
Năm 1965, phòng trưng bày Whitechapel tại London tổ chức buổi trưng bày quốc tế đầu tiên cho các tác phẩm của Krasner. Marcia Tucker, một nhà tổ chức đương thời tại Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Whitney, tạo cơ hội cho Krasner sắp xếp một buổi trưng bày cá nhân tại Học viện New York vào năm 1973. 
Lee Krasner, Icarus, 1964
 
Kể từ những ngày làm việc với WPA, Krasner đã lánh đi khỏi những buổi thảo luận lớn liên quan đến nghệ thuật và chính trị. Bà đã không tham dự vào những buổi gặp mặt nổi tiếng tại Cedả Tarvern, nơi nhiều nghệ sĩ Trừu tượng Biểu hiện đặt ra những nền tảng thẩm mĩ của mình - cũng như uống say bét nhè sau đó. Tuy nhiên, vào năm 1972, bà tham gia một nhóm mang tên Women in the Arts và cùng biểu tình chống lại sự phân biệt giới tính tại MoMa. Hơn một thập kỉ sau đó, Barbara Rose tổ chức một buổi trưng bày quy mô lớn các tác phẩm của Krasner ngay tại MoMa. Buổi triển lãm bắt đầu đón khách vào tháng 12 năm 1984, sáu tháng sau khi bà qua đời. 
Lee Krasner, Gaea, 1966
 
Nhiều nhà tổ chức vẫn gặp nhiều thách thức trong việc trưng bày các tác phẩm của Krasner. Bà nổi tiếng là một người cực kì khắc nghiệt với bản thân và đã tự tay phá hủy nhiều bức tranh của chính mình. Một vài tác phẩm canvas của bà thì đã bị lạc mất theo thời gian. Điều này tạo nên những khó khăn nhất định trong việc miêu tả rõ nét quá trình phát triển trong sự nghiệp của bà. Tuy nhiên, người xem chưa bao giờ gặp khó khăn để thấy được những cảm xúc và sự thiên tài của bà khi họ có cơ hội thưởng thức các tác phẩm này. “Hội họa, đối với tôi, khi nó thực sự ‘xảy đến’ “ Krasner từng nói, “nó kì diệu như mọi hiện tượng trong thiên nhiên - như là, một lá rau diếp.”
 

Nguồn Artsy - Bài PD

Pro Creative Class I Khóa học SÁNG TẠO, 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM. 

Creative Class PRO I Trường đại học 6 ngày với những buổi học và bài giảng sẽ tạo ra những gợn sóng xung đột trong tâm trí và trái tim bạn, làn sóng cảm hứng bất tận, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Pro Creative Class sẽ như một cuốn sách hướng dẫn hành trình của bạn. Đây là lời mời hít thở bầu không khí đầy sức sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn và sự thăng hoa của tinh thần.

 
Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Art_Painting Những gì làm nên một Nguyễn Tư Nghiêm như "một mệnh đề đứng riêng", theo cách nói của Thái Bá Vân, là các đề tài mang màu sắc văn hoá dân tộc, và cùng với đề tài là các hoạ tiết xuất xứ từ di sản nghệ thuật dân gian. Đề tài trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm là những điệu múa cổ, là hình ảnh Thánh Gióng, là hình ảnh Thuý Kiều & Kim Trọng - những nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học cổ điển Việt Nam, là 12 con giáp trong vòng xoay hoa giáp biểu tượng cho chu trình thời gian theo lịch pháp Á Đông...

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Art_Painting Sinh viên tốt nghiệp tại trường Imperial College London, Nicole Stjernsward đã phát minh ra Kaiku, một hệ thống giúp chuyển hoá thực vật thành các loại bột màu từ quá trình ứng dụng công nghệ bay hơi.


AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Art_Painting Những gì làm nên một Nguyễn Tư Nghiêm như "một mệnh đề đứng riêng", theo cách nói của Thái Bá Vân, là các đề tài mang màu sắc văn hoá dân tộc, và cùng với đề tài là các hoạ tiết xuất xứ từ di sản nghệ thuật dân gian. Đề tài trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm là những điệu múa cổ, là hình ảnh Thánh Gióng, là hình ảnh Thuý Kiều & Kim Trọng - những nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học cổ điển Việt Nam, là 12 con giáp trong vòng xoay hoa giáp biểu tượng cho chu trình thời gian theo lịch pháp Á Đông...

Subscription

Fashionnet

Follow us