288
12 Tháng 01 7:49 pm

Lê Bá Đảng người họa sĩ tạo hình cõi sống

 Nghệ thuật của một dân tộc chỉ có thể tồn tại được nếu nó bám rễ vào đời sống và mang cá tính độc đáo của dân tộc ấy

Khởi nguồn ra đời Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng ở thị xã Hương Thủy là nguyên do: Sinh thời, họa sĩ mong muốn có một bức tranh không gian với chiều kích thật. Ông từng về Huế tìm mảnh đất thích hợp nhưng vì vấn đề về sức khỏe không thể về Việt Nam và ngày 7/3/2015, ông qua đời tại Paris. Năm 2014, bà Lê Cẩm Tế - chủ đầu tư dự án nghệ thuật “Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng”, từ hơn 20 năm trước cùng với họa sĩ đi tìm nơi để thực hiện giấc mơ của ông, một dịp tình cờ nhìn thấy mảnh đất nay là Không gian lưu niệm. Trước khung cảnh hữu tình, tưởng như đang xem bức tranh “Không gian” của Lê Bá Đảng nên bà Tế mua làm một khu vườn. Đến năm 2016, bà Myshu LeBaDang, phu nhân họa sĩ, trong dịp về dự kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, đến thăm nơi này, bà muốn biến nó trở thành bức tranh chiều kích thật của chồng như mơ ước của ông. Suốt 4 năm, đội ngũ xây dựng công trình làm việc cật lực bằng sự hứng thú, trân quý dành cho họa sĩ. KTS. Hồ Viết Vinh, người thiết kế công trình đã xem, nghiền ngẫm tác phẩm của Lê Bá Đảng và nhìn thấy trong đó tinh thần, tinh hoa của người Việt. Theo KTS Hồ Viết Vinh tâm sự với báo giới: “Sáng tạo của họa sĩ Lê Bá Đảng về mặt không gian rất độc đáo, ở đó ông thỏa nguyện giấc mơ của mình và lột tả tất cả cái đẹp của quê hương, đất nước Việt Nam. Khi thiết kế công trình này, tôi dựa hoàn toàn vào cảm xúc với khung cảnh hoang sơ của mảnh đất ấy và tác phẩm của Lê Bá Đảng chứ không dùng tư duy thiết kế thông thường, kể cả việc tổ chức không gian, sắp đặt công năng”.

Không gian bên ngoài Lebadang Memory Space

“Khu vườn chính là tâm hồn và tình cảm của tôi dành cho ông Lê Bá Đảng và bà Myshu” Bà Cẩm Tế cho biết. Suốt 5 năm từ 2014 đến 2019, bà Tế không biết mệt mỏi chăm sóc khu vườn dù đã mấp mé tuổi 60. "Khu vườn này chính là giấc mơ của ông Lê Bá Đảng, và đó cũng là giấc mơ của tôi. Trong suốt khoảng thời gian xây dựng khu vườn này, tôi không còn biết bản thân mình là ai, chỉ biết tôi là một phần của công việc, của khu vườn, và tôi làm theo sự thúc đẩy của trái tim, sự đam mê, sự hiểu biết và tình cảm sâu đậm với vợ chồng ông Lê Bá Đảng."

Cách cô chăm sóc khu vườn cũng vô cùng đặc biệt. "Cây cỏ ra hoa kết trái đều có tình yêu, sự sống riêng của nó. Khi một chiếc lá lìa cành, hay những ngọn cỏ mơn mớt ùa tàn rồi héo đi, chính bản thân những cái cây và những cọng cỏ cũng cảm thấy đau đớn, mất mát như con người vậy." Với quan điểm đó, bà Tế luôn dành sự quan tâm tỉ mỉ, tinh tế nhất đối với từng nhánh cây trong khu vườn để tạo ra một không gian hài hòa nhất với thiên nhiên. Khu vườn chưa bao giờ xuất hiện những hóa chất độc hại, tất cả cây cối đều được vun đắp bởi phân bón hữu cơ và trừ sâu bằng những chú cánh cam khắp khu vườn. Cô hiểu rõ "lai lịch" của từng tên, khả năng chịu mưa, chịu nước và những ngày chúng ra hoa rực rỡ nhất. Trong đợt bão lũ khắc nghiệt vừa qua tại Huế, chính bà Tế đã thức trắng đêm để cùng đội ngũ nhân viên bảo vệ từng 'sinh linh' trong mảng vườn. "Các em nhân viên làm vườn ở đây cũng đã theo tôi suốt 5 năm qua, là những người hiểu rõ tôi nhất và cũng dành một tình cảm sâu đậm đối với khu vườn này. Đa số họ đều là những nghệ sĩ lãng mạn tình nguyện góp sức bảo vệ không gian lưu niệm Lê Bá Đảng, và họ đều phải dành thời gian học hỏi thật kĩ những phương pháp làm vườn khoa học, hòa hợp với thiên nhiên nhất."

Sự quan tâm, chăm sóc tỉ mỉ cũng như tình cảm lớn lao mà cô Tế dành cho khu vườn Lê Bá Đảng cốt cũng xuất phát từ những triết lí, quan điểm sống đương thời của người nghệ sĩ. "Thiên nhiên tạo hóa là một bài thơ, nếu mình không dựa vào đó làm mỹ thuật thì ắt sẽ thất bại" Đó là câu mà ông đã nói với bà Tế từ ngày đầu gặp mặt, và cũng là tôn chỉ mà cô vẫn tuân theo cho đến tận hôm nay. Tâm hồn thi sĩ lãng mạn, bay bổng, đầy chất thơ của Lê Bá Đảng đã thay đổi con người, quan điểm và triết lí sống của cô Tế, không chỉ vậy khả năng sáng tạo không ngừng nghỉ của ông đã truyền cảm hứng cho biết bao con người ở trong và cả ngoài nước. Để đến ngày hôm nay, Lebadang Memory Space trở thành món quà tinh thần đầy ý nghĩa, nhân văn mà cô Tế cũng như những người bạn trong và ngoài nước dành tặng cho nhà tư tưởng xuất chúng, để những cống hiến đậm chất Việt Nam mà ông đã mang lại cho đời được lưu truyền cho con cháu sau này.

"Thiên nhiên tạo hóa là một bài thơ, nếu mình không dựa vào đó làm mỹ thuật thì ắt sẽ thất bại"

Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng được thiết kế tinh tế, sang trọng, hòa với thiên nhiên và giàu tính nghệ thuật. Tòa nhà chính xây dựng trên độ cao 10 m và được thiết kế dựa trên một tác phẩm cắt giấy của họa sĩ. Điểm nhấn là không gian trưng bày 50 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, ký họa, với đủ loại chất liệu, phương pháp tạo hình… thể hiện các bước ngoặt của những giai đoạn sáng tác. 

"Nghệ thuật không chỉ dành riêng cho một số ngườì may mắn có khả năng mua tranh, mua tượng, hoặc chỉ nằm khô trong viện bảo tàng, mà phải hòa hợp với thiên nhiên, đi vào đời sống, để tất cả mọi người dù ở tầng lớp nào, cũng có thể thưởng ngoạn." _Lê Bá Đảng

Trong không gian rộng lớn đó có sáu không gian nhỏ như là sáu khu chức năng. Không gian chính là khu nhà tôn vinh nghệ thuật Lê Bá Đảng, nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật hội họa, đồ họa, điêu khắc, với đủ loại chất liệu, phương pháp tạo hình, đã làm nên tên tuổi Lê Bá Đảng - bậc thầy của hai thế giới Đông - Tây. 

Trong tương lai, mỗi tác phẩm, thời kì đều sẽ được đặt những câu chuyện về cuộc đời Lê Bá Đảng, không chỉ để khắc họa những thăng trầm trong cuộc đời hay hành trình sáng tạo của nhà tư tưởng xuất chúng từ Việt Nam, mà còn là để thể hiện những triết lí sâu sắc về văn hóa, để những khách thưởng lãm có thể tìm hiểu sâu về các công trình tinh thần bay bổng và nhân văn vô cùng của người đã dành trọn sự sống ngắn ngủi của mình cho nghệ thuật.

 

Trên mái của ngôi nhà này là Vườn địa đàng, nơi sắp đặt những tác phẩm của ông tạo thành một tác phẩm, theo chiều ngắm từ trời cao nhìn xuống. Cũng từ đây nhìn xuống toàn bộ quang cảnh chung quanh sẽ thấy một bức tranh kết hợp giữa thiên nhiên sẵn bày và sự sắp đặt của bàn tay con người. Một đường hầm dài dài 50m đi dưới sườn đồi là nơi trưng bày nghệ thuật ánh sáng của Lê Bá Đảng. Phía trên đường hầm là không gian biểu diễn. Và các khu vực dành cho du khách nghỉ ngơi, ẩm thực, hàng lưu niệm...

Khu vực tầng hầm

“Từ thưở sơ khai, con người đã biết sống hài hòa cùng tạo hóa thiên nhiên và đã thấy cần thiết để lại cái gì mang dấu ấn đi qua. Nghệ thuật là con đường ngắn nhất nối liền người này qua người khác, qua cả không gian và thời gian. Đây là ý chính trong “Không gian của tôi”. Vừa là tượng, vừa là tranh, cũng vừa là chạm nổi, mật thiết, chen chúc cùng nhau gây nên bầu không khí hài hòa trong khung cảnh ở đây để gặp nhau đầy tình cảm”.  _ Trích dẫn Lê Bá Đảng tại Không gian tưởng niệm

Nghệ thuật của Lê Bá Đảng đa dạng, biên giới rộng nhưng lại thống nhất trong ngôn ngữ riêng, những điều này giúp nghệ thuật của ông có một nguồn mạch thực sự, nguồn mạch đó là chiều sâu trong căn tính dân tộc, chiều sâu ở thế giới tâm linh, một thế giới rộng lớn có thể tạo nguồn cảm hứng cho các nghệ sỹ về sau.

Các tác phẩm tiêu biểu tại Le Ba Dang Memory Space

Mèo

Lê Bá Đảng không vẽ chữ, ông lấy vật làm chữ. Tại sao ông lại chọn Mèo? Vì hình như Mèo có mệnh hệ gắn bó với họa sĩ từ lâu: Mèo là con vật đầu tiên giúp Lê Bá Đảng thành danh (những bức tranh đầu tiên ông vẽ và bán được là những bức tranh mèo). Đối với Lê Bá Đảng, Mèo không chỉ là nguồn gốc phát xuất một tài năng, một tên tuổi. Mèo còn là chữ ký của tác giả.

Ông dùng mèo như một ký hiệu thuần túy tự họa. Nét mèo của ông, ở đây là ngôn ngữ, một thứ ngôn ngữ hội họa đầy thư pháp và thi pháp Đông phương, nhưng lại hiện ra như một thứ ngôn ngữ trừu tượng, siêu hình, rất Tây phương. Như dấu ấn hiện hữu của cái có, cái không, của cái hữu hình vô thể trong toàn bộ tác phẩm Lê Bá Đảng. Mèo vừa là chim, vừa là rắn. Mèo là những dấu hỏi: Đảng là ai? Là Tôi, hay là một tiền kiếp, hậu kiếp nào khác? Đảng có hay không? Mèo-Đảng là những dấu hỏi về cuộc đời, về những gì mà ta chưa biết, đã biết. Bởi người nghệ sĩ luôn luôn tự hỏi về mình, đến từ đâu, đi về đâu, như con chim trong nét mèo của ông, đã bay qua khắp nẻo, đo lường không gian, sải cánh thời gian để tìm tòi khám phá chiều sâu của vô tận. Bởi người nghệ sĩ luôn luôn trắc khảo cái đáy lòng người, hiểm sâu như rắn và rộng cao như trời đất.

Tấn tuồng nhân loại

Có thể nói mỗi thời kỳ hội họa của Lê Bá Đảng, đều phát xuất từ bi kịch cá nhân. Cuộc đời trực tiếp của tác giả và những người thân đã là củi lửa cho tác phẩm, những kịch người mà ông đặt tên là tấn tuồng nhân loại (comédie humaine) thoát thai từ những trò đời, trò điếm, mà tác giả đả trải qua.

Năm 1981, Lebadang bắt đầu vẽ tranh với chủ đề “Tấn tuồng nhân loại” (La comédie humaine) lấy cảm hứng từ tác phẩm cùng tên của Honoré de Balzac, thể hiện quan điểm cá nhân của ông về hoàn cảnh con người. Nhóm tác phẩm này bao gồm các bức vẽ, tranh màu nước, các bức tranh, bản khắc, in thạch bản, các tác phẩm dán ghép và điêu khắc. Loạt tranh được tạo ra từ những giấc mơ và hồi ức, từ những hình ảnh được truyền cảm hứng từ thiên nhiên và phong cảnh đất nước mà Lebadang đã đưa vào trong đó hình bóng con người và hình ảnh về cuộc sống thường ngày. Dựa trên các bài viết của ông, trong tác phẩm này, ông tường thuật lại quá khứ, hiện tại và tương lai, niềm vui và nỗi buồn, sự ngây thơ của thời thơ ấu, sự nhiệt thuyết của tuổi trẻ và tuổi già, sự kết hợp giữa sự yên bình và nỗi đau.

Không gian Lê Bá Đảng (Le Ba Dang eSpace)

Dòng tranh "Không gian" tại Lebadang Memory Space

Trên hành trình nghệ thuật, Lê Bá Đảng không chịu bắt chước ai, không phụ thuộc Đông, không ảnh hưởng Tây. Ông tạo ra một khái niệm trong hội họa, gọi tên “Không gian Lê Bá Đảng” (Le Ba Dang Espace). Về mặt kỹ thuật, đó là sự gặp gỡ giữa nhiều ngành nghệ thuật: Kiến trúc, điêu khắc, hội họa... Lê Bá Đảng không chỉ vẽ, ông tạo hình. 

“Không gian” là một ý tưởng được Lê Bá Đảng hun đúc từ những năm 1980. Cuộc đời của người nghệ sĩ thường mang những cung bậc thăng trầm vô thường, mà nốt trầm khắc họa lên một Lê Bá Đảng mày mò sáng tạo là chính từ sự việc con trai của ông ra đi mãi mãi. Người con trai đã theo tiếng gọi nơi thiên đường, bước từng bước chân rời xa hai ông bà. 

"Không gian đế tải không gian của Vũ trụ, tôi đã tạo ra “KHÔNG GIAN” mà trong không gian đó mang những ý tưởng, kích thước và hệ thống hòa hợp nhất với môi trường, có thể cho người không chỉ là cái nhìn tổng quan về vũ trụ mà là cơ hội hòa nhập và chia sẻ trong từng tác phẩm. Ta Đây là mục tiêu trong KHÔNG GIAN của tôi: làm sống động sa mạc, mặt nước, biển sâu; biến giới hạn thành những  không gian đẹp để đầy tình huynh đệ; tái tạo không gian sống, khu vườn, đài phun nước; tạo ra những không gian sống, giải trí, thiền định - thậm chí là cầu nguyện; đế cung cấp cho nghệ thuật một chức năng  năng lực mà không làm mất nội dung giá trị của nó. KHÔNG GIAN của tôi không phải là tác phẩm điêu khắc hay đắp nổi mà là một tổng hợp các dạng biểu thức, điều hòa nhập vào cảnh quan - đó  sa mạc miền núi, nông thôn, thành thị hay thủy mạc."_ Lê Bá Đảng

Năm 1985, Lebadang thực hiện những tác phẩm Không gian đầu tiên của mình. Đó là những tác phẩm trên giấy kết hợp nhiều kỹ thuật dán ghép và xếp chồng, giữa điêu khắc và phù điêu như một sự tổng hợp và vượt lên trên hai hình thức biểu đạt này.

Lebadang đặt làm giấy cho mình tại Moulin de Larroque ở Dordogne, một loại giấy bổi thủ công nguyên chất, rất dày, mà ông xé bằng tay và dán nhiều lớp chồng liên tiếp lên nhau. Ông cắt và ghép các hình khối để rồi chúng trở thành ao hồ núi non, sa mạc sông ngòi, những vùng đất hoang sơ và mới mẻ, phong cảnh nhìn từ trời cao. Các tác phẩm Không gian (Espaces) là những tác phẩm đơn sắc, trắng hoặc đen. Lúc bấy giờ, ông quan tâm đến các bức phong cảnh Nazca nhìn từ trên không của nhiếp ảnh gia người Mỹ Marilyn Bridges. Ông nhận thấy ở đó một mối liên kết giữa Con người và Vũ trụ. Sau đó Lebadang lồng ghép vào các tác phẩm Không gian (Espaces) những phần khắc nổi được nhấn mạnh bởi màu nước. 

Ở những mô hình Không gian thực tiễn, ông nhìn từ không trung, bằng con mắt loài chim, hay nhìn từ mặt trăng xuống đất. Ở Không gian ảo tưởng, ông tạo không khí siêu hình, giữa cõi sống và cõi chết. Ông "vẽ" cái hoang vu của hư vô, ông "vẽ" cái không và cái có. Trong loại không gian thứ ba, Không gian lịch sử-địa tầng, người xem mường tượng thấy ý niệm thời gian liên kết với không gian: Con đường xuyên suốt quá khứ-tương lai, giao thoa với viễn cận xuyên địa, từ cung trăng xuống địa cầu, xuyên xuống những lớp địa từng, địa đạo. 

Cảnh tượng hiện lên trong mắt người xem với những hình tượng đồi núi, những tán cây, những người phụ nữ gồng gánh rảo chân,... Tác phẩm đó như những trang sách khắc họa về quê hương Bích La Đông của tác giả. Đi qua từng tác phẩm ngỡ như ta vừa lật qua những trang sách về vùng Bích La Quảng Trị đầy nắng mưa, đầy nhọc nhằn. Quê hương đó cũng khơi nguồn cho ông biết bao điều từ thuở tấm bé “chính nơi sinh ra là nơi tôi học cách khám phá, tìm lại sự tươi trẻ.

Và đó cũng chính là nơi mà ông khám phá lại không gian đã hình thành nên mình. Vùng Bích La hiện lên như thế đó, có cái chân chất mà cũng hòa lẫn với những xúc cảm buồn vui, khiến cho quê hương của tác giả cũng chính như chốn quay về của người xem.

Ngoài việc tạo tác bằng tay, Lê Bá Đảng còn vẽ thêm vào đó những hình tượng với hai gam màu đỏ xanh đầy tương phản. Hai gam màu mang tính chất nóng và lạnh hòa quyện với nhau trong một không gian đồng quê. Điều đó đôi khi làm cho người xem nhận thức được những cái nắng gay gắt, những gồng gánh của sắc đỏ và những cơn mưa nặng hạt, những giọt mồ hôi của sắc xanh.

Chỉ bằng hai màu sắc tượng trưng, Lê Bá Đảng đã lồng ghép vào đó một tâm tư của nắng gió, của mây mưa, thật quá bình dị. Cùng với đó, tác phẩm vừa là điêu khắc lại vừa có tranh vẽ làm cho nó trở nên khác biệt. Nó vượt ra khỏi khuôn khổ nghệ thuật bình thường, đưa người xem bước vào một không gian của sự tưởng tượng. 

Điều đặc biệt trong những tác phẩm này là những dải hình thoi nhỏ nối liền nhau tạo thành một chuỗi đường dài. Những hình tượng đó được khắc họa xuyên suốt tác phẩm. Đó như những con đường chạy dọc các không gian mang những ý đồ nghệ thuật của Lê Bá Đảng. Hẳn vì thế mà nhiều tác phẩm khác của mình, hình tượng những “con đường hình thoi” luôn xuất hiện, làm cho nhiều người khi nhìn vào tác phẩm đều có thể dễ dàng nhận biết đó là những tác phẩm của Lê Bá Đảng .

Hình tượng trong tác phẩm mang một giá trị tâm hồn mà như Lê Bá Đảng nói: “Mọi thứ ở không gian đều có hồn.” Quả thật những hình tượng được khắc họa rất đỗi chất phác, mà ở đó, từng hình tượng với những tĩnh động khác nhau lại khiến cho bức tranh như trở nên rạo rực, sống động.

Tại “Không gian”, không còn khoảng cách giữa người và vật nữa. Từ góc nhìn không trung đầy bao la, Lê Bá Đảng xem vật như những thứ có hồn và chung sống cùng con người. “Không gian” là sự kết nối giữa những tâm giao của người và vật. Chính từ đó, vật lại thấu hiểu những lam lũ, vất vả của người và người lại đồng cảm với những sương gió, dãi dầu của vật. “Không gian” không còn là một tác phẩm, nó chính là sự giao thoa của những hình tượng tưởng chừng chẳng bám díu lấy nhau.

Bao quanh “Không gian” được Lê Bá Đảng xé tay tạo thành những hình tượng ôm ấp chính không gian đó. Đó có thể là hình tượng người phụ nữ với chiếc nón lá, không quản những nắng mưa để mang vác trong mình một bào thai quê hương.

Đó cũng có thể là hạt gạo trắng ngần, thứ mà quê hương Bích La xem như hạt ngọc trời, thứ mà Lê Bá Đảng ngậm ngùi thương cảm: “cả tỷ người ăn mà không ai nhớ đến nó.” Có thể thấy, bao quát “Không gian” mà những hình tượng gần gũi mà lắng đọng, để “Không gian” được nằm ẩn mình trong những giá trị của quê hương, thứ mà Lê Bá Đảng luôn nhớ về.

Không gian” quả thực là một tác phẩm mang đầy giá-trị-Lê-Bá-Đảng. Từ những con mắt với góc nhìn phong phú và đôi tay sáng tạo không ngừng nghỉ, Lê Bá Đảng đã tạo ra một tác phẩm mà đến những đời sau chiêm nghiệm còn mang được những giá trị của thời đại. Tác phẩm như bàn tay của tác giả dẫn lối người xem đến một không gian thực, ngắm nhìn xung quanh, nhận ra rằng mọi thứ quanh ta như những người bạn, không có khoảng cách nào ngăn cản được ta.

“Sự nhuần nhuyễn kỹ thuật hội họa Phương Tây là nền tảng để Lê Bá Đảng chuyển tải một cách trọn vẹn tâm thức và triết lý phương Đông.”

Từ một chất liệu của phương Tây, Lê Bá Đảng đã tạo ra một tác phẩm mang cái hồn của phương Đông. Đó chính là cái mới đã giúp Lê Bá Đảng đứng trên thứ bậc cao của nghệ thuật quốc tế. Hai trường phái phương Tây và phương Đông như nhập thành một, mà chính như nhiều người nhận định: những tác phẩm mang cái diện mạo phương Tây nhưng cốt cách, linh hồn và câu chuyện là của phương Đông. Những tác phẩm trong suốt cuộc đời mà nổi bật trong số đó là “Không gian” đã nâng tầm, khẳng định vị trí của Lê Bá Đảng trong trường nghệ thuật, nơi mà ông được nhắc đến với một danh xưng không ngoa: “Bậc thầy của nghệ thuật Đông Tây.”

Mỗi lần xem Không Gian Lê Bá Đảng là một lần khám phá. Tác phẩm của ông có nét hãnh tiến về tương lai, kèm nỗi khổ đau, trầm luân trong hiện tại và nỗi u hoài, nhớ về quá vãng.

Lê Bá Đảng - Tâm hồn thuần khiết Việt Nam

Lê Bá Đảng sinh ngày 27/6/1921 tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Năm 1939, chàng trai 18 tuổi bị đưa sang Pháp trong đoàn lính thợ của quân đội Pháp tham gia chống phát xít Đức. Hai năm sau, trốn ra ngoài, không nơi nương tựa, ông vừa đi làm, vừa đi học. 

Con đường đến với hội họa của Lê Bá Đảng là sự bất đắc dĩ vì “Tôi xin vào trường nào cũng bị từ chối, bởi không có văn bằng. Chỉ có trường mỹ thuật là nhận tôi học vẽ”. Sau 6 năm học Trường Mỹ thuật Toulouse, tốt nghiệp, họa sĩ tìm tới Paris - kinh đô nghệ thuật nhân loại trong hoàn cảnh “Tôi quanh quẩn giữa Paris như người đầu đường xó chợ vì thiếu thốn tất cả”. 

Người nghệ sĩ vốn lấy nghệ thuật của mình làm điều khởi sự. Thời gian sau đó ông bắt đầu vẽ những bức tranh mèo để bán, những bức tranh với nét vẽ đầy chân phương khắc họa được những khuôn diện khác nhau với trạng thái xúc cảm đầy khác biệt. Những bức tranh đó lại bán rất chạy, có tháng ông bán được đến 160 bức, số tiền thu lại cũng là khoản trang trải cho những ngày tháng bấp bênh của ông.

Cũng tại thời điểm đó, Lê Bá Đảng nhận ra rằng, trường học dạy cho ông cách vẽ, cách điêu khắc, trường đời lại dạy ông trở thành một người tự do hơn, chính chắn hơn và mang trong mình một tư tưởng không chịu làm nô lệ cho bất cứ khuôn khổ bó hẹp nào

Nhìn vào chiều sâu trong tư duy nghệ thuật của Lê Bá Đảng, chúng ta thấy đó là kiểu tư duy luôn biến dịch, điều này được chứng minh qua từng giai đoạn sáng tác. Mỗi giai đoạn, Lê Bá Đảng có một kiểu ngôn ngữ riêng, một cách thăm dò ngoại tại và nội tại riêng. Điều này khiến nghệ thuật của ông vừa đa dạng, vừa không ngừng nới rộng biên giới. Ông còn nổi tiếng với khả năng sáng tạo đa chất liệu và trí óc chưa bao giờ ngừng nghĩ về nghệ thuật. 

“Tôi chưa bao giờ rời bỏ quê hương. Dù cho trên thực tế tôi sống xa quê, nhưng tâm hồn tôi vẫn luôn gắn bó với quê nhà. Và trong lao động nghệ thuật, tất cả những gì tôi làm chỉ là phản ánh tình yêu vô cùng đa dạng đó.”

“Bàn chân Giao Chỉ” là một trong những dòng tranh khiến nghệ thuật Lê Bá Đảng trở nên riêng biệt ở phương Tây, bởi ở đây, ông đi vào thằm dò và khai phá cái riêng nhất của dân tộc mình để từ đó đưa ra một cách nhìn dị biệt với những căn tính của các dân tộc khác. Dòng tranh này lấy cảm hứng từ những huyền sử của dân tộc như Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, huyền thoại này là khởi sinh biểu tượng Bàn chân Giao Chỉ mà Lê Bá Đảng đã thực hiện trong nhiều năm. Vì thế mà dòng tranh này vừa vô hình vừa hữu hình, vừa huyễn mộng vừa như những chứng tích của lịch sử bi hùng trên đất mẹ.

Năm 1964, ông hoàn thành tập tranh Huit chevaux (Tám chú ngựa), tập tranh đầu tiên của ông được thực hiện dưới dạng khắc nổi, không mực và không màu với các bài thơ và thư pháp của người bạn Chou Ling, người đã khởi đầu những nghiên cứu đầu tiên của ông về chất liệu và kĩ thuật làm tranh in. Vào những năm 1970, Lebadang hoàn thành một vài tập tranh in với những kỹ thuật mới và sáng tạo: khắc nổi, in nổi, khắc trên nền được dập nổi, in thạch bản trên giấy đôi Nhật Bản, in thạch bản và đắp nổi, tranh in lụa sử dụng “Kỹ thuật mạ” mà ông đã phát triển trong các xưởng của phòng trưng bày Circle Fine Art ở Hoa Kỳ.

Năm 1966, các bức tranh tập trung vào những truyền thuyết Việt Nam đặc biệt là truyền thuyết về vị thần bếp, Táo Quân hay Ông Táo. Ông sử dụng màu đỏ và xanh. Ông cũng bắt đầu vẽ đề tài thuyền và ngựa. Ngựa đã trở thành một trong những chủ đề yêu thích mà ông thể hiện thông qua nhiều phương tiện và chất liệu khác nhau.

Năm 1967, ông hoàn thành một tập tranh in thạch bản La nature prie sans paroles (Lời nguyện cầu không lời của tự nhiên) gồm 16 tranh màu in thạch bản được xuất bản bởi Weston Publishing và phần văn bản bởi Madeleine Petit, in trên giấy Arches bởi nhà xuất bản Guillard and Gourdon Press ở Paris.

Những năm 1970, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ tại Việt Nam ngày càng gay gắt, Lê Bá Đảng cũng tích cực tham gia ủng hộ các hoạt động chống chiến tranh Việt Nam. Ông thực hiện những bức tranh “Phong cảnh bất khuất”, nơi mà hai mảng trắng đen quấn quanh khung tranh. Cảnh tượng điêu tàn bon đạm, những bi thương chồng chất được Lê Bá Đảng khắc họa chỉ qua hai màu trắng đen, nhưng tự sâu trong đó, những gam màu đau thương lại sống dậy trong lòng người xem. Xuyên qua hai màu đen trắng đó là một dải đỏ của con đường mòn Trường Sơn đầy hùng vĩ của đất nước

Triển lãm "Phong cảnh bất khuất" được ông thực hiện ở Thụy Điển, Pháp, Mỹ... Lê Bá Đảng thể hiện tình cảm trong một bài viết: "Tôi đưa vào đây tất cả tâm hồn, tài nghệ và tấm lòng kiêu hãnh, kính trọng những con người không chịu bất khuất".

Năm 1973, ông thực hiện loạt tranh về ngựa mặc áo giáp. Màu chủ đạo là đỏ và đen cùng với những nét vẽ mạnh thể hiện nhiều về hình khối. Chúng là những tác phẩm kết hợp điêu khắc và tranh sơn dầu.

Năm 1977, ông thực hiện loạt tranh về chủ đề Hoa (Fleurs Série) và trưng bày tại phòng trưng bày Galerie Pierre Hautot ở Paris. Đó là những bức tranh sơn dầu cỡ lớn khắc họa hình ảnh gợi cảm của hoa phong lan với những hình dạng lạ mắt thông qua màu xanh và tím. Hình ảnh chiếc bình và cành cây xuất hiện trong bố cục màu xanh.

Năm 1980, một sự kiện đã đánh dấu bước chuyển biến trong cuộc đời của ông, người con trai duy nhất của ông đã ra đi mãi mãi. Thương nhớ con, ông xây cho người con một ngôi mộ bằng thép không rỉ. Ở ngôi mộ đó, ông cho khắc những hình tượng đầy nhớ nhung về những khoảnh khắc của gia đình từ ngày người con của ông còn bé bỏng.

Ngôi mộ con trai Lê Bá Đảng

Cũng từ đây, nghệ thuật của Lê Bá Đảng không còn nhìn mọi thứ từ góc nhìn trần thuật nữa mà nhìn từ phía trên cao, nơi cũng có người con trai ông dõi theo cùng.

 

“Mục tiêu nghệ thuật luôn là thơ, là sự hiện diện của các sự kiện quang cảnh đơn giản hay phương thức chuyển động ẩn những cảm xúc sâu kín. 

Điều tôi diễn đạt trong ngôn ngữ tạo hình của mình là chu kỳ muôn thủa của ánh sáng và của cuộc sống bên trong các sự vật, chung quanh các sự vật, bên  trên các sự vật, và vượt ra ngoài các sự vật. Vượt ra ngoài sự thể hiện qua nét bút trần gian.” _ Lê Bá Đảng

Dòng tranh “Có có không không” (tranh hai mặt, 1995) lại là cách Lê Bá Đảng đi vào khai thác cái nhìn đa diện về sự vật. Ở mỗi tác phẩm, mặt trái hay mặt phải cũng đều được xem là một tác phẩm nghệ thuật, nhìn vào hình thể, cách bố trí các biểu tượng, cách sắp xếp tác phẩm tương tác với không gian bên ngoài, chúng ta nhận thấy ý nghĩa của tác phẩm tùy thuộc vào từng góc nhìn, từng thời điểm nhìn. Sự liên tưởng tới một thế giới khác lạ, sự sâu hút của tiềm thức, sự mê hoặc quyến rũ của các huyền thoại… là những gì người xem có được sự trải nghiệm trong dòng tranh này.

Năm 1997, ông thực hiện Động Lê Bá Đảng, công trình kiến tạo nghệ thuật ở miền Baux de Provence, thắng cảnh miền Trung Nam nước Pháp, với những chủ đề Âu Cơ, Âu Lạc, như muốn tái tạo "một nguồn gốc Việt, một lịch sử Việt" trong hang động bên trời Tây. Đồng thời ông phác họa nhiều sơ đồ kiến tạo nghệ thuật trong thiên nhiên, hy vọng sẽ thực hiện trên đất Việt, chủ đích đem tác phẩm nghệ thuật vào Trường Sơn, lên núi Sóc Sơn - Phù Đổng... tạo ra những bảo tàng viện thiên nhiên không giới hạn, tất cả đều có thể tham dự: từ cánh chim, cọng cỏ, ngọn gió đến con người. 

Năm 2002 là giai đoạn của loạt tranh với chủ đề Mắt (Yeux). Sự đan xen của các đường kẻ, hình xoáy, các hành tinh, các thiên hà mở rộng hoặc hình ảnh của vũ trụ, một đường màu đỏ ngang qua đôi mắt. Đôi khi, chúng được đặt trong một hình hộp, các cạnh của hình hộp cũng là các cạnh của bức tranh.

Dòng tranh “Thiền xanh” (2002) lại là nguồn cảm hứng có từ Phật Giáo. Qua dòng tranh này, chúng ta thấy được thế nào là một tài năng lớn trong cách phối màu, từ sự chuyển động của màu sắc sinh ra sự chuyển động của hình thể, từ sự chuyển động của hình thể sinh ra sự chuyển động của vạn vật, từ sự chuyển động của vạn vật sinh ra sự chuyển động của vũ trụ, từ sự chuyển động của vũ trụ quay về với cái Không của Phật giáo. 

Năm 2007, hội họa của Lê Bá Đảng chuyển sang một giai đoạn mới mà ông gọi là Cõi người ta. Cách đây hai mươi năm, họa sĩ đã tìm ra chất liệu thể hiện không gian Lê Bá Đảng, khai phá lối nhìn nhiều chiều về cõi nhân sinh trong hội họa. Cõi người ta là một họa trình mới, kết hợp không gian với tâm linh con người, thể hiện tâm hồn con người trong không gian và trong tạo vật. Cõi người ta cũng là cõi thiên nhiên đã được nghệ thuật hoá, là cõi người mà tâm thân gắn liền với tạo vật. Dồn dập, vũ bão, thanh lãng, vô vi, nghệ thuật Lê Bá Đảng ở tuổi tám sáu, như rượu vang càng ủ càng nồng, tựa những gì ông trải qua trong gần chín mươi năm sống đã đúc kết lại thành hai nguyên tố: trống - đầy, không - sắc.

Cõi người ta

Năm 2010, ông quay lại hình tượng Đức phật với đôi mắt nhắm và hình ảnh đứa trẻ với đôi mắt mở to. Những bức tranh huyền ảo nằm trong các tác phẩm Không gian (Espaces) với đôi mắt mở như bay lượn giữa đất trời và khuôn mặt đức phật hiện lên từ bên mặt lốm đốm của chất liệu. Trong bức tranh cuối cùng của ông (một bức tam liên họa 130 x 291cm), cùng với màu đỏ và vàng đất cùng với một chút màu nâu, ông quay lại màu sắc ban đầu trong một phong cách tinh khiết hơn. 

Tổng hợp Phúc Hồ. Hình ảnh và thông tin do Không gian Nghệ thuật Lê Bá Đảng cung cấp. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép. 

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Pro Creative Class I Khóa học SÁNG TẠO, 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết,

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Art_Painting Những gì làm nên một Nguyễn Tư Nghiêm như "một mệnh đề đứng riêng", theo cách nói của Thái Bá Vân, là các đề tài mang màu sắc văn hoá dân tộc, và cùng với đề tài là các hoạ tiết xuất xứ từ di sản nghệ thuật dân gian. Đề tài trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm là những điệu múa cổ, là hình ảnh Thánh Gióng, là hình ảnh Thuý Kiều & Kim Trọng - những nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học cổ điển Việt Nam, là 12 con giáp trong vòng xoay hoa giáp biểu tượng cho chu trình thời gian theo lịch pháp Á Đông...

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Art_Painting Sinh viên tốt nghiệp tại trường Imperial College London, Nicole Stjernsward đã phát minh ra Kaiku, một hệ thống giúp chuyển hoá thực vật thành các loại bột màu từ quá trình ứng dụng công nghệ bay hơi.


AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Art_Painting Những gì làm nên một Nguyễn Tư Nghiêm như "một mệnh đề đứng riêng", theo cách nói của Thái Bá Vân, là các đề tài mang màu sắc văn hoá dân tộc, và cùng với đề tài là các hoạ tiết xuất xứ từ di sản nghệ thuật dân gian. Đề tài trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm là những điệu múa cổ, là hình ảnh Thánh Gióng, là hình ảnh Thuý Kiều & Kim Trọng - những nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học cổ điển Việt Nam, là 12 con giáp trong vòng xoay hoa giáp biểu tượng cho chu trình thời gian theo lịch pháp Á Đông...

Subscription

Fashionnet

Follow us