Art that Changed the World I Sự Ra đời của Phong trào Phục Hưng
Art_Painting Phong trào Phục Hưng xuất phát từ xu hướng khôi phục tài liệu cổ đại và bắt đầu phát triển bùng nổ vào thế kỉ XIV tại Ý và sớm lan tỏa khắp châu Âu. Một trong những đặc điểm nổi bật từ thời kì này là sự xuất hiện của tính cảm xúc, nhân văn trong tranh thay vì coi nghệ thuật đơn thuần là một công cụ như thời cổ đại. Ngoài ra những thay đổi trong Công giáo cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến xu hướng nghệ thuật thời Phục Hưng.
Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.
Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.
Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.
Chương 2: Phong trào Phục Hưng và Trường phái Kiểu cách (Mannerism)
Phong trào Phục Hưng - khám phá lại những vẻ đẹp, nghiên cứu, sách vở cổ điển để ứng dụng vào trong khoa học và nghệ thuật - bắt đầu bùng nổ vào thế kỉ thứ XIV tại Ý với những bức bích họa rực rỡ của Giotto, thể hiện rõ trường phái hiện thực và tính nhân văn sâu sắc trong thời kì này. Nền nghệ thuật Phục Hưng đạt đến đỉnh cao vào thế kỉ XV, với những bức tranh hài hòa, thể hiện chân thực góc nhìn của người vẽ. Mặc dù những nghệ sĩ tại Florentine đã dần đầu trong thời kì này nhưng các đóng góp đối với nghệ thuật của những nghệ sĩ tại Venice cũng không kém phần quan trọng. Nhiều nền truyền thống hội họa đã phát triển đột phá trong thời kì này do được nhiều họa sĩ quan tâm, ví dụ như kĩ thuật tranh sơn dầu được những nghệ sĩ Phục Hưng học hỏi và nghiên cứu từ những họa sĩ tại khu vực Bắc Âu.
Giotto - Cha đẻ của Thời kì Phục Hưng. Giotto là cái tên nghệ sĩ nổi tiếng đầu tiên tính từ thời cổ đại cho đến thời điểm đó. Những nghệ sĩ lẫy lừng lúc ấy - bao gồm Dante, Boccaccio và Petrach - đều hết lời khen ngợi ông, còn danh tiếng của ông thì đi khắp đất nước Ý. Ông được cho là một môn đệ của Cimabue. Có một số tranh cãi về nguồn gốc tác phẩm của ông, nhưng một điều chắc chắn ông là tác giả của các bức bích họa nổi tiếng tại nhà nguyện Arena ở Padua hay tại hai nhà nguyện Bardi và Peruzzi ở S.Croce thuộc Florence.
Những nghệ sĩ Bắc Âu theo phong trào Phục Hưng cũng thiên về trường phái tự nhiên như các nghệ sĩ Ý, nhưng nó được dựa trên sự quan sát tỉ mỉ của bản thân họ thay vì dựa trên những tài liệu nghiên cứu cổ điển. Nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và đạt đến đỉnh cao vào thế kỉ XV, thời kì Thượng Phục Hưng với những kiệt tác nổi tiếng bởi độ chi tiết đáng kinh ngạc và kĩ thuật phức tạp. Những đặc điểm này sau đó tiếp tục được mài dũa và phóng đại hóa tạo thành trường phái tinh tế mang tên Trường phái Kiểu cách (Mannerism), lần đầu xuất hiện ở Ý và sớm lan tỏa ra khắp châu Âu.
PHẦN 2A: SỰ RA ĐỜI CỦA PHONG TRÀO PHỤC HƯNG
1300 – 1430: TRƯỜNG PHÁI TỰ NHIÊN LÊN NGÔI
The Lamentation of Christ, Giotto di Bondone, 1303 - 1306, Nhà thờ Scrovegni, Padua, Ý. Tranh bích họa
Phục Hưng là một phong trào tri thức, nghệ thuật bắt nguồn từ Ý vào thế kỉ XIV, được truyền cảm hứng bởi xu hướng đương thời là khôi phục những tài liệu nghiên cứu cổ điển và áp dụng vào nghệ thuật, khoa học. Về mặt hội họa trực quan, những tác phẩm của bậc thầy người Florentine, Giotto di Bondone, từ lâu được coi là ‘điểm ngoặt’ dẫn đến sự bùng nổ của phong trào Phục Hưng. Các tác phẩm của Giotto như là tấm bích họa tại Nhà thờ Scrovegni đánh dấu sự chuyển giao từ phong cách cách điệu, huyền ảo của nghệ thuật Byzantine sang một phong cách chân thực, tự nhiên hơn như nghệ thuật La Mã cổ đại trước đây. Ngoài ra, Giotto cũng là một trong những họa sĩ đầu tiên có khả năng truyền tải cảm xúc cá nhân và tạo không gian ba chiều trong bức tranh. Các tác phẩm của Giotto ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế hệ nghệ sĩ Florentine sau đó. Nhiều phong cách khác nhau được hình thành và phát triển vào thế kỉ XIV tại Ý, đặc biệt là ở thành phố Siena, nơi ra đời của những nghệ sĩ nổi tiếng như Duccio và Simone Martini. Một trường phái quý tộc, sang trọng khác là Gothic Quốc tế cũng trở nên phổ biến trong giai đoạn này. Tuy nhiên, phải hơn một thế kỉ sau khi các kiệt tác của Giotto ra đời mới xuất hiện một tài năng hội họa có khả năng thừa kế trọn vẹn những tinh hoa nghệ thuật của Giotto và tiếp tục phát triển nó, đó chính là bậc thầy người Florentine, Masaccio.
BỐI CẢNH
Triumph of Death, Andrea Orcagno, 1344-1345, S.Croce, Florence, Ý
Vào thế kỉ XIV, Ý vẫn chưa phải là một đất nước thống nhất. Ở phía nam có hai lãnh địa khác nhau là Vương quốc Napoli và một số khu vực xung quanh Rome nằm dưới sự cai trị của Đức Giáo hoàng, mặc dù hội đồng giáo xứ đã chuyển về thành phố Avignon, Pháp vào năm 1939. Ở khu vực trung tâm và phía bắc nước Ý, thương mại phát triển mạnh mẽ dẫn đến những thành phố thịnh vượng tự trị như Florence, Siena, Venice và Milan. Những thành phố này liên tục tranh đấu với nhau về quyền lực, độ phú quý và tạo nên bầu không khí chính trị vô cùng căng thẳng. Đó là bối cảnh khi mà phong trào Phục Hưng tại Ý bắt đầu bùng nổ.
Sự phát triển của hệ thống ngân hàng, giao thương cũng như vải dệt tại Ý đã giúp cho đất nước này đô thị hóa mạnh mẽ hơn phần còn lại của châu Âu. Nhiều nghệ sĩ được thuê vẽ tranh cho các nhà thờ và trung tâm dân sự trong thành phố, trong số này cũng có những tác phẩm vĩ đại như là bức bích họa ‘Allegory of Good and Bad Government’ của Ambrogrio Lorenzetti vẽ cho tòa thị chính của thành phố Siena. Tuy nhiên, phần lớn những bức tranh được đặt vẽ vào thời kì Đầu Phục Hưng đều là tranh thờ phụng Công giáo.
Các bức bích họa trên trần tòa nhà thị chính Siena (Ảnh chụp năm 2016)
Một động lực khác thúc đẩy sự bùng nổ của phong trào Phục Hưng là sự khôi phục những tài liệu nghiên cứu văn học và nghệ thuật của La Mã cổ đại. Ta có thể thấy quá khứ cổ đại nước Ý được tái hiện qua những di tích và các kỉ vật thuộc thời kì này. Sự tái sinh của nền văn hóa cổ điển cũng dẫn đến sự phát triển của trường phái hội họa tự nhiên và chủ nghĩa nhân văn - một triết lí đề cao giá trị con người hơn là những giá trị tinh thần như tôn giáo. Điều này cũng dẫn đến sự biến mất của những yếu tố tâm linh bắt nguồn từ Công giáo thời kì Trung cổ. Tuy nhiên, một thay đổi quan trọng khác về mặt tôn giáo xuất hiện vào thế kỉ XIII, khi mà những thầy dòng và người theo đạo thuộc dòng tu St.Francis bắt đầu đi truyền giáo về chúa Jesus Christ và giúp đỡ những người nghèo khổ thay vì chỉ tập trung thờ phụng trong nhà thờ như trước đây.
St. Francis of Assisi Receiving the Stigmata, Giotto, 1300, Nhà thờ San Francesco, Assisi, Ý. Tranh bích họa
Sự tái sinh của nền văn hóa cổ điển và các thay đổi trong Công giáo chính là nền tảng cho xu hướng nghệ thuật mới trong thời kì này - không chỉ tập trung vào tính chân thực mà còn truyền tải tính nhân văn, tạo sự đồng cảm thay vì mang đến cảm giác tôn kính và huyền bí như là những bức tranh thờ phụng Chúa phong cách Byzantine trước đây.
KHỞI ĐẦU
The Last Judgement, Giotto, 1300, Nhà thờ Scrovegni, Padua, Ý
Một trong những đặc trưng của các bức tranh thời kì Phục Hưng là tính chân thực. Các nghệ sĩ không còn vẽ chủ yếu là những nét thẳng, thô sơ, hai chiều như nghệ thuật Byzantine trước đây, mà tận dụng những nét vẽ, form tròn trịa để tạo ra những vật thể và không gian chân thực nhất. Tranh thờ phụng Công giáo theo phong cách Byzantine trước đây luôn cố tình tạo cảm giác bí ẩn, huyền ảo như không thuộc về thế giới loài người. Tuy nhiên, Giotto, Duccio và những môn đệ của họ bắt đầu kể những câu chuyện trong Kinh Thánh một cách chân thực và gần gũi hơn. Các khung cảnh trong Kinh Thánh được tái hiện một cách chân thực nhất để phù hợp xu hướng thời đại, đồng thời được thêm vào những yếu tố cảm xúc và kịch tính, điều chưa từng xuất hiện trước đây.
ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT
Rất nhiều nhân tố đã ảnh hưởng đến bức bích họa tại nhà thờ Scrovegni. Phong cách kể chuyện kịch tính của Giotto được ảnh hưởng từ những bài giảng, vở kịch của dòng tu Francis, những nghệ sĩ đương đại thời đó cũng như là nghệ thuật cổ điển. Kiệt tác của Giotto không chỉ mang tính chân thực đáng kinh ngạc, vận dụng màu sắc một cách tài tình mà còn thể hiện trình độ bậc thầy của người nghệ sĩ đối với kĩ thuật vẽ bích họa ướt phức tạp đòi hỏi người nghệ nhân phải có khả năng vẽ nhanh, chính xác và có kế hoạch.
Quang cảnh bên trong Nhà thờ Scrovegni ngày nay
Những bài truyền giáo của Thánh Francis (1182 - 1226) và dòng tu của ông đã đưa tính nhân văn vào hội họa nước Ý thời đó: Đức chúa Jesus Christ được khắc họa là một người đàn ông phải chịu đớn đau cho nhân loại, thay vì hình tượng quyền lực, xa cách như trước đây. Thánh Francis cũng là một đề tài phổ biến trong Hội họa Phục Hưng Ý.
Renunciation of Wordly Goods, Giotto, 1295, Nhà thờ San Francesco, Assisi, Ý. Tranh bích họa.
Những bức tranh của Cimabue (Cenni di Peppi), người được cho là thầy của Giotto, thể hiện một phiên bản mềm mại hơn của các tác phẩm phong cách Byzantine cứng nhắc. Các chủ thể trong tranh có biểu cảm ôn hòa cũng như có cơ thể tự nhiên hơn.
Madonna and Child Enthroned, Cimabue, 1280 - 1290. Cimabue vẽ màu keo trên khung cho nhà thờ Santa Trinita tại Florence, Ý. Tác phẩm này cũng cho thấy cách Cimabue thử nghiệm với những hiệu ứng góc nhìn. Phần chân của chiếc ngai cong vào, dẫn ánh mắt vào bầu không gian ảo mà Cimabue tạo ra, tạo cảm giác như các chủ thể trong tranh đang chiếm không gian thực. Chiếc ngai khổng lồ tạo điều kiện để Cimabue lấp đầy bức tranh bằng 8 thiên thần bao quanh Đức mẹ, từ đó rút ngắn phần phía trước của chiếc ngai và đưa nó đến gần mắt người xem hơn, tạo ra chiều sâu trên mặt phẳng tranh.
Pietro Cavallini được truyền cảm hứng bởi nghệ thuật La Mã cổ đại và phát triển một trường phái thiên hướng tự nhiên hơn. Cách ông khắc họa chủ thể con người trong tranh dưới không gian ba chiều và truyền thêm tính nhân văn vào đã ảnh hưởng đến nhiều nghệ sĩ, trong đó có Giotto.
The Last Judgement, Pietro Cavallini, 1290 - 1300, Nhà thờ Santa Cecilia, Trastevere, Ý. Tranh bích họa.
Nicola và Giovanni Pisano có những đóng góp quan trọng cho nghệ thuật điêu khắc không kém gì những đóng góp của Giotto cho hội họa. Được truyền cảm hứng bởi nghệ thuật cổ đại, cặp cha con này đã truyền tải cảm xúc và sự kịch tính vào tác phẩm của mình. Các tác phẩm của họ thường bao gồm nhiều bức tượng tạo thành một câu chuyện kịch tính, tương tự như những bức bích họa của Giotto.
Crucifixion, Giovanni Pisano, 1297 - 1301, Nhà thờ Sant'Andrea, Pistoia, Tuscany.
ĐIỂM NGOẶT
THE BETRAYAL OF CHRIST
Giotto di Bondone, 1303 - 1306, Nhà thờ Scrovegni, Padua, Ý. Tranh bích họa
Khung cảnh kịch tính này thuộc loạt tranh bích họa của Giotto cho nhà thờ Scrovegni. Nó miêu tả khoảnh khắc Judas Iscariot phản bội Chúa Jesus bằng cách trao cho Chúa một nụ hôn chào đón để ra hiệu cho những kẻ mai phục. Tên phản nghịch bao trùm chúa Jesus trong chiếc khăn choàng của hắn, trọng tâm của tranh là ở những biểu cảm đối nghịch nhau, trong khi những cây vũ khí được sử dụng làm nền để báo hiệu cho những gì sắp diễn ra. Khuôn mặt không hề nao núng và ánh mắt thong thả của Chúa Jesus khi ông nhìn chằm chằm vào khuôn mặt căng thẳng của Judas tạo nên một hiệu ứng mạnh mẽ, kịch tính dưới góc nhìn tâm lí.
Những bức bích họa tại nhà thờ Scrovegni đều nổi tiếng với độ chân thực đáng kinh ngạc, sự choáng ngợp về mặt thị giác, câu chuyện mạnh mẽ và tràn đầy cảm xúc. Chúng là một trong những tượng đài nghệ thuật đầu tiên xuất hiện vào thời kì Phục Hưng, được công nhận và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này.
CÁC CỘT MỐC QUAN TRỌNG
Nền hội họa Ý từ thế kỉ XIV đến đầu thế kỉ XV không bị thống trị bởi một trường phái nhất định nào. Nếu ở Florentine, trường phái tự nhiên truyền thống đang phổ biến thì Duccio và những nghệ sĩ Sienese khác cũng đã phát triển một phong cách khác thiên về trang trí hơn. Cả hai trường phái này tiếp tục lược bỏ đi sự thô ráp, huyền bí của nghệ thuật Byzantine để trở nên chân thực, cảm xúc mà mang tính nhân văn hơn. Vào cuối thế kỉ XIV, khi mà mối quan hệ giữa các vương quốc khắp châu Âu đã bớt phần căng thẳng, một phong cách mới mang đậm nét cung đình và quý tộc mang tên Gothic Quốc tế xuất hiện.
1300 - 1305: Vào khoảng năm 1303, Enrico Scrovegni đặt Giotto vẽ những bức bích họa trong nhà nguyện Arena, Padua như một nỗ lực chuộc lỗi cho tội cho vay nặng lãi của bố ông.
1308 - 1311: Duccio di Buonisegna vẽ bức Noli Me Tangere. Bức tranh thuộc bộ kiệt tác trang trí đền thờ Maestà thể hiện cảnh chúa Jesus Christ nói Mary Madaglene không chạm vào mình. Cũng như Giotto, bậc thầy người Sienese là một trong những nghệ sĩ đầu tiên đưa tính nhân văn vào trong các câu chuyện kinh thánh.
Noli me Tangere, Duccio di Buoninsegna, 1308 - 1311, Bảo tàng dell'Opera del Duomo, Florence, Ý.
1333: Simone Martini cộng tác với anh rể của mình, Lippo Memmi để vẽ bức The Annunciation trang trí đền thờ. Kĩ thuật thủ công bậc thầy đã tạo nên sự truyền cảm, tinh tế cho tranh
The Annunciation, Simone Martini, 1333, Uffizi, Florence, Ý. Bức tranh khắc họa sự bất ngờ đến mức ngã quỵ của Mẹ Đồng trinh khi nghe Thiên thần Gabriel báo tin rằng bà sẽ trở thành mẹ của chúa Jesus.
1335 - 1340: Bức bích họa của Lorenzetti tại Tòa thị chính của Siena cho thấy một khung cảnh chân thực đáng kinh ngạc của một đô thị sầm uất và những người dân trong đó. Đây là một phần thuộc tác phẩm nổi tiếng ‘Allegory of Good and Bad Government’
The Effect of Good Government in the City, Ambrogio Lorenzetti, 1338, Tòa thị chính Siena, Ý.
1348: Cái chết Đen (Dịch hạch) vào năm 1348 là một trong những nạn dịch tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại, càn quét toàn cõi châu Âu. Nó để lại một bi kịch tang thương trong lịch sử châu Âu - hàng triệu người chết và cả châu lục phải mất 150 năm để hoàn toàn hồi phục.
1378: Cuộc Ly giáo Đông - Tây: Công giáo Phương Tây bị chia cách khi xuất hiện hai thế lực giáo hoàng đối địch nhau, một tại Rome và một tại Avignon, Pháp. Sự tranh chấp quyết liệt này tiếp diễn cho đến năm 1417.
1408 - 1410: Spinello vẽ bức Coronation of Alexander III. Ông là một trong những họa sĩ đầu tiên không thuộc Siena vẽ tranh cho tòa thị chính Siena, Ý. Bức bích họa này được vẽ tặng Đức giáo hoàng Alexander III. Spinello được cho là đã luyện tập ở Florence - những nhân vật quá khổ và đường viền sắc nét trong các tác phẩm của ông mang phong cách tương tự Giotto.
Coronation of Alexander III, Spinello Aretino, 1408 -1410, Tòa thị chính Siena, Ý.
1414: Đền thờ này được trang trí bởi Lorenzo cho một nhà nguyện tại Florentine nơi ông lập lời thệ ước của mình (Lorenzo Monaco trong tiếng Pháp có nghĩa là "Laurence Tu sĩ). Với màu sắc hài hòa và nét vẽ uốn lượn, nó thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật Gothic thời kì cuối tại Florence.
Coronation of the Virgin, Lorenzo Monaco, 1414, Uffizi, Florence, Ý.
1420: Được cho là một trong những tác phẩm đầu tiên của Pisanello, Đức Mẹ Đồng trinh trong bức Madonna of the Quail được khắc họa độc đáo theo phong cách Gothic Quốc tế. Pisanello đã tận dụng những chi tiết trong tự nhiên như chim chóc và trái quả để trang trí cũng như sử dụng những đường nét uốn lượn tạo thêm sức hấp dẫn cho bức tranh.
Madonna of the Quail, Pisanello, 1420, Castelvecchio, Verona, Ý.
1423: Một trong những cư dân giàu nhất Florence thời đó, Palla Strozzi, đã đặt vẽ đền thờ của mình và Gentile de Fabriano đã biến nó thành một kiệt tác phong cách Gothic Quốc tế. Nó mang đậm nét sang trọng, quý tộc nhằm nhấn mạnh sự giàu có và quyền lực của Strozzi. Được đặt trong một khung tranh trang trí tinh xảo, bức tranh hài hòa với những chi tiết trang trí đền thờ khác, và thể hiện cảnh một vị vua trong bộ trang phục sang trọng, quý phái. Đáng chú ý nhất là cách xử lí ánh sáng chân thực, đặc biệt là đối với cảnh bữa tối trên phần predella (những bức tranh nhỏ bên dưới khung tranh lớn nhất) .
Adoration of the Magi, Gentile da Fabriano, 1423, Uffizi, Florence, Ý. Gentile da Fabriano là một bậc thầy trường phái Gothic quốc tế. Xuyên suốt sự nghiệp kéo dài hai thập kỉ của mình, ông đã làm việc tại những kinh đô nghệ thuật của Ý như Venice, Rome, Siena, Orvieto và Florence. Oong nổi tiếng với các kiệt tác trang trí lộng lẫy cùng độ chi tiết tỉ mỉ giúp câu chuyện trong tranh thêm phần sống động. Ngoài ra cách ông xử lí ánh sáng cũng như phần đổ bóng rất chân thực. Các tác phẩm của ông đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến những nghệ sĩ sau này như Pisanello, Jacopo Bellini, Masolino và Fra Angelico.
KIỆT TÁC
THE TRIBUTE MONEY
Masaccio, 1426 - 1428, Nhà thờ Brancacci, Florency, Ý.
Trong cuộc sống ngắn ngủi của mình, Tommaso di Ser Giovanni di Mone Cassai (1401 -28) đã trở thành một trong những nghệ sĩ có sức ảnh hưởng nhất trong thời đại của ông, và là một trong những người sáng lập ra nền nghệ thuật Phục Hưng. Ông thường được biết đến với bút danh là Massaccio, tạm dịch là “Tom bê tha” - Cái tên này là do ông quá đắm chìm vào nghệ thuật đến mức không có thời gian để quan tâm đến những vấn đề khác, như là chăm chút ngoại hình của mình.
Kiệt tác bích họa này là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Nó là một phần của vòng tròn bích họa tại nhà nguyện Brancacci ở Florence do Massaccio và người đồng môn Masolino di Panicale cùng vẽ. Bức bích họa miêu tả một câu chuyện kinh thánh hiếm khi xuất hiện trên tranh vẽ, nhưng đã được Masaccio xử lí một cách tài tình, chia câu chuyện thành 3 phần rõ rệt trong tranh. Ở phần giữa, chúa Jesus và các môn đồ đang đứng bên ngoài một thị trấn, có thể thấy qua những kiến trúc đương đại làm nền Khi bị một tên thu thuế đến đòi tiền, chúa Jesus đã kêu Peter đến bên cạnh hồ nơi ông ta tìm thấy một con cá chứa những đồng xu bên trong. Phần bên trái bức tranh miêu tả cảnh Peter phát hiện những đồng xu, còn bên phải là cảnh ông ta trả cho tên thu thuế “tiền dâng hiến”.
Những tác phẩm của Massacio mang vẻ trang nghiêm, cao quý, không tì vết khác biệt với phong cách tinh tế của những họa sĩ đương thời, như Lorenzo Monaco và Gentile de Fabriano. Tuy nhiên, ta có thể thấy nó được ảnh hưởng chủ yếu bởi những tác phẩm của Giotto, được vẽ từ hơn một thế kỉ trước đó. Nếu như cách Giotto khắc họa không gian ba chiều trước đây chủ yếu là dựa trên bản năng, thì Masaccio đã kiến tạo không gian trong tranh dựa trên những nguyên lí về góc nhìn, được phát triển bởi nghệ sĩ đương thời Leon Battista Alberti và Filippo Brunelleschi. Các nhân vật trong bức tranh của mang nét tương đồng với nghệ thuật cổ đại và các tác phẩm của nhà điêu khắc Phục Hưng người Florentine, Donatello. Một nguồn sáng duy nhất trong tranh đã tạo nên một bầu không gian chân thực với đầy đủ những yếu tố như ánh sáng, bóng đổ của các nhân vật, tòa nhà và khung cảnh cằn cỗi xung quanh.
Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - Bài dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép.
________________________________________________
Art Design Center
vietnamcolor.vn - fashionnet.vn
Contact: 0903788646 - 0903975081
Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \
Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)
30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City
Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn.
HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.