Làm gì để sinh tồn trên ốc đảo thời trang
Fashion Story Ốc đảo thời trang là nơi sinh sống của các nhà mốt, nhà thiết kế và cây bút thời trang. Nữ biên tập và bình luận thời trang Lidewij Edelkoort vừa đưa ra một nhận định khá bi quan rằng: “Ngày nay Fashion với chữ F viết hoa không tồn tại”, rằng thời trang đang dần xa rời thời cuộc sống và văn hóa đương đại, ngày càng đi vào những lối mòn xưa cũ; hay nói cách khác, mốt lại đi tới một ngưỡng của sự khốn cùng - không còn lửa đam mê, vẻ đẹp lộng lẫy và những kỳ vọng vào tương lai.
Ốc đảo thời trang là nơi sinh sống của các nhà mốt, nhà thiết kế và cây bút thời trang. Nữ biên tập và bình luận thời trang Lidewij Edelkoort vừa đưa ra một nhận định khá bi quan rằng: “Ngày nay Fashion với chữ F viết hoa không tồn tại”, rằng thời trang đang dần xa rời thời cuộc sống và văn hóa đương đại, ngày càng đi vào những lối mòn xưa cũ; hay nói cách khác, mốt lại đi tới một ngưỡng của sự khốn cùng - không còn lửa đam mê, vẻ đẹp lộng lẫy và những kỳ vọng vào tương lai. Mặt khác ngành công nghiệp thời trang ngày nay đang đến độ bão hòa và dường như bị khống chế bởi những lợi ích vật chất chứ không phải bằng những giá trị tinh thần, hay những khải tượng (tầm nhìn) rộng lớn.
Kết để mở
Tuy vậy Li – tên thường gọi trên truyền thông của một trong 25 người có ảnh hưởng lớn nhất đến thời trang đương đại - theo bình chọn của tờ Times – cũng cho rằng đây chính là một kết thúc may mắn. Một khi người ta tập trung làm quần áo thực chứ không quá để ý đến những giá trị “ảo” của sáng tạo như cảm hứng, khát vọng, đam mê thì chính là lúc rất nhiều giá trị thực - cả mới lẫn cũ - được quan tâm hơn - chất liệu vải, công nghệ in họa tiết mới, và kỹ thuật thêu thùa đính kết cắt may tay truyền thống. Biết đâu đây cũng là sự khởi đầu cho một thời kỳ mới, khi nhiều nhà thiết kế trẻ dần tập trung làm những việc thiết thực hơn như tự tay chọn vải và phụ kiện, tự tay dựng áo đầm, mũ, giày cho những dự án nhỏ chứ không lo lăn lộn thực tập không công cho những nhà mốt lớn và những show thời trang lớn.
Nhà thiết kế trẻ Alexander Wang chuẩn bị cho show diễn
Ngày nay khi hàng chợ xuất hiện ngày một nhiều hơn trên mạng và cả những trung tâm bán lẻ lớn, các show thời trang nhạt nhòa tràn ngập các fashion week, chính là lúc những trang phục do các nhà thiết kế trẻ công phu thực hiện bắt đầu tìm được những con đường riêng để tiếp cận với công chúng và khách hàng qua những cánh cửa hẹp của các thương hiệu cá nhân, boutique hay những nhãn hiệu trung cấp. Đặc biệt hơn, haute couture hiện đại – quần áo thửa đặt riêng được các nhà thiết kế trẻ tận tay chăm chút trở lại phổ biến và tạo dấu ấn cho một giai đoạn hài hòa hơn giữa thực và ảo của thời trang đương đại. Tôi cũng đồng ý với Li, cần phải có một kết thúc cho giai đoạn bão hòa và sáo mòn này của thời trang. Thử tưởng tượng xem, nếu bạn nhận được một tấm vé mời và đến dự một show diễn mùa mới của một nhà mốt ở một trong những kinh đô thời trang, bạn sẽ làm gì? Sẽ phải mất hàng giờ liền để phục sức và trang điểm, cố gắng tìm một vài món của nhà mốt có show thời trang bạn sắp xem để trưng ra, nếu không thì cũng lịch sự tránh không diện những món qúa nổi của nhà mốt khác. Sau khi lái xe hoặc đi taxi cả tiếng đồng hồ, rồi chào hỏi tán gẫu ở sảnh đợi với li cocktail hờ hững trên tay thêm nửa tiếng rồi mới được vào xem phần trình diễn kéo dài chừng 15 – 20 phút, có khi ngắn hơn, chỉ chừng 12 phút. Trong những phút ngắn ngủi ấy bạn vừa nói chuyện phone, vừa liếc nhìn vừa thì thầm bình luận về những nhân vật ngồi băng ghế đầu hoặc giơ smartphone không lóe đèn để chụp các người mẫu, mà không hề tập trung thưởng thức âm nhạc, ánh sáng, sự chuyển động của cơ thể, vóc dáng và cuối cùng quan trọng nhất là từng bộ trang phục với màu sắc, đường nét và những dấu ấn văn hóa và thời đại của chúng. Chỉ đến khi về nhà, bạn mới mở internet hay kênh Fashion TV để xem lại, rồi lại nhấc phone bàn tán với một ai đó.
BST Mùa Thu 2018 của Saint Laurent dưới chân tháp Eiffel, Paris
Rồi tay bạn vô tình lướt sang một trang báo mạng, Dezeen chẳng hạn, mắt chạm vào những hình ảnh tuyệt đẹp của bộ sưu tập ra mắt của John Galliano với Maison Martin Margiela, được một cây bút thời trang mô tả thuyết phục: Bộ sưu tập là một cam kết cho việc tạo ra những tuyệt tác siêu thực của Maison Martin Margiela và sự lên ngôi lần nữa của nghệ thuật làm haute couture. Thế là bạn không rời mắt khỏi sự pha trộn táo bạo của len dạ dày ấm và voile mỏng mảnh, giữa những nhát cắt thẳng đơn giản và những bèo diềm, nơ, mặt nạ trang trí cầu kỳ, giữa những gam màu lạnh và ấm nóng. Tất cả làm thành những trang phục nét dáng đầy đặn, sung mãn, phô bày nhiều hơn nhưng cũng duyên dáng bí ẩn hơn. Và như thế niềm cảm hứng thời trang lại như sống dậy và lan tỏa quanh bạn, không rõ từ đâu. Do sự trở lại của John Galliano, do khung cảnh show diễn hoành tráng của Maison Martin Margiela ở Grand Palais, hay do bài báo trên Dezeen? Thế giới thời trang quanh bạn tưởng đã đi đến cùng của sự nhàm chán lại nhen nhóm đam mê trở lại, từng chút từng chút một, bởi những công trình sáng tạo cá biệt như thế.
Thiết kế của John Galliano cho BST Mùa Xuân 2018 nhà Maison Margiela
Dù sao thì thời trang với chữ F viết hoa cũng đang có những dấu hiệu hồi sinh, không chỉ vì sự trở lại của những gương mặt cũ như John Galliano, hay những biên tập viên thời trang gạo cội như Li. Sự xuất hiện của nhiều nhà thiết kế trẻ tài năng vừa hăng hái mưu sinh vừa không ngừng tìm tòi sáng tạo, những blogger hay cây bút thời trang trẻ đang làm giàu có và mở mang ốc đảo thời trang, cùng lúc làm cho nó hòa đồng và gần gũi với đời sống hơn.
Chỗ đứng của tôi
Câu chuyện John Galliano trở thành giám đốc sáng tạo cho Maison Martin Margiela tuy gây ngạc nhiên nhưng cũng ít nhiều được chờ đợi từ lâu. Chính việc Martin Margiela hiện nay đang làm gì và ở đâu mới là một bí ẩn. Tập đoàn OTB Group, chủ của nhãn hiệu này cùng những nhãn nổi tiếng khác như Marni, Viktor & Rolf và Diesel đã cho biết từ 2009 là Martin không còn tham dự thiết kế cho nhãn hiệu mang tên ông và một đội ngũ thiết kế mới không có giám đốc sáng tạo đảm nhận vai trò này suốt 5 năm từ 2009 đến tháng 10 năm 2014 khi John Galliano nhậm chức. Việc một nhãn hiệu lớn không có giám đốc sáng tạo trong một thời gian dài và cuối cùng lại chọn một người cũ trong làng mốt làm nhiều người băn khoăn, liệu những nhà thiết kế mới có tìm được chỗ đứng cho mình trong công nghiệp thời trang?
Thương hiệu trẻ Doublet dành chiến thắng trong Giải thưởng LVMH 2018
Chính Li cho biết việc bắt đầu một thương hiệu mới ngày càng khó khăn đối với các nhà thiết kế trẻ, khi khả năng tiếp cận với thị trường của họ bị lấn át bởi những chào hàng rẻ tiền trên internet và các chi phí quảng cáo khổng lồ của các thương hiệu lớn. Thật khó có thể tìm được một bài bình luận ca ngợi những nhà thiết kế mới trên một tạp chí thời trang lớn, trừ phi nhà thiết kế ấy may mắn lọt vào mắt xanh của một tổng biên tập. Cũng rất ít nhà thiết kế trẻ được chọn làm giám đốc sáng tạo của các nhà mốt lớn. Những Marc Jacobs, Tom Ford, Raf Simons, Nicolas Ghesquière hay Alexander Wang đều đã khởi sự làm nhãn hiệu riêng trước khi đầu quân cho nhà mốt lớn, và chỉ thành công vượt bậc trong khi làm việc cho các nhà mốt ấy. Có lẽ tên tuổi của các nhà mốt đã ấn định cho thành công của họ, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Karl Lagerfeld thời Fendi không thể có một góc thành công của Karl Lagerfeld thời Chanel. Tài năng một phần, cơ may một phần, duyên nợ một phần, đã làm nên thành công ấy. Ở Chanel, Karl thành công tới nỗi bất cứ mẫu nào ông tạo ra cũng được đón nhận nồng nhiệt như một hiệu ứng truyền lửa, chưa biết đẹp xấu đến đâu. Thật khó tưởng tượng một Chanel thiếu vắng Karl, dù ngày này sớm muộn cũng phải tới. Vì thế cơ hội cho các nhà thiết kế trẻ có vẻ càng mong manh, không phải ai cũng may mắn như Alexander Wang được Balenciaga chọn làm giám đốc sáng tạo khi mới 29 tuổi.
Với các biên tập viên thời trang trẻ cũng vậy, mọi chuyện không dễ dàng hơn. Không phải ai cũng được như Anna Wintour, trở thành Tổng biên tập Vogue Mỹ khi mới 35 tuổi, hay những biên tập viên tiếng tăm khác chuyên đảm trách các mục quan trọng ở các tạp chí lớn. Trong suốt 32 năm qua ở cương vị Tổng biên tập Vogue Mỹ, Anna Wintour là hình ảnh đáng mơ ước cho nhiều biên tập trẻ, và có quyền lực vô hình với giới thiết kế trẻ. Bà đóng vai trò lớn trong việc định ra xu hướng thời trang, khám phá những nhà thiết kế mới, dùng quan hệ để tổ chức các show diễn thời trang tại những địa điểm đặc biệt nhất, làm việc không ngừng nghỉ để dẫn dắt tờ Vogue Mỹ qua những cơn khủng hoảng và suy thoái kinh tế khi quảng cáo bị cắt một phần lớn.
Các biên tập thời trang khác, đặc biệt những người trẻ không thể có quyền lực và trọng trách như thế, trong khi vẫn liên tục phải tham dự vào các hoạt động thời trang với vai trò khá tế nhị, và không phải lúc nào cũng được viết và trình bày minh họa theo ý mình. Nhiều tạp trí dành nhiều trang, kể cả trang bìa không phục vụ quảng cáo, để làm chuyên môn đúng nghĩa, để các nhà biên tập có thể giám tuyển trang phục không khác nào giám tuyển những bức tranh quí, công tâm tìm ra những giá trí thực của chúng. Song không phải lúc nào các biên tập viên thời trang cũng làm được điều mình muốn. Nếu một nhà mốt lớn bị đụng chạm kể cả trên những trang phi quảng cáo, thì tạp chí đăng bài viết đụng chạm có nguy cơ bị cắt quảng cáo từ nhà mốt ấy. Vậy chỗ đứng của tôi ở đâu? Các nhà thiết kế và cây bút thời trang trẻ có thể hơn một lần tự hỏi. Để rồi tự tìm ra câu trả lời, khi trên con đường sự nghiệp họ nhận ra được một chỗ thích hợp trên ốc đảo thời trang. Còn giới yêu thời trang thì băn khoăn xem nên tìm quần áo đẹp không nhãn lớn và bài viết thời trang hay ở đâu, cả báo giấy và trên các blog thời trang. Có lẽ bạn cũng không phải quá lo lắng; các biên tập thời trang trẻ tài năng và các nhà thiết kế sớm muộn cũng tìm được con đường đến với công chúng và khách hàng yêu thời trang, cũng như sống sót qua giai đoạn bão hòa của thời trang.
BST Mùa Xuân 2018 Versace
Làm điều tôi yêu thích
Luôn có nhiều nhà thiết kế và biên tập thời trang thực sự đam mê, biết mình thích và cần làm gì. Như trường hợp của Olivier Theyskens, người đã từng làm giám đốc sáng tạo cho các nhà mốt cao cấp ở Paris là Rochas và Nina Ricci, rồi sau đó cho một nhãn trung cấp của New York là Theory. Mùa thu năm ngoái, Olivier bất ngờ nghỉ việc, mà theo như anh giải thích, trước mắt chỉ để tự tay làm một chiếc đầm cưới cho cô bạn thân trong vòng ba tháng. Olivier đã làm chiếc đầm cưới ấy thật, trước những con mắt ngờ vực cho rằng đây không phải lí do nghỉ việc của anh. Tôi thì tin Olivier, anh đã dũng cảm làm điều mình muốn, quay về làm những công việc mình yêu thích. Dám nghỉ việc nên Olivier cũng dám khuyên các nhà thiết kế trẻ khác có thể chuyển nghề sang ngành sales hoặc marketing thời trang, nếu như họ chưa dám theo đuổi đam mê thiết kế ở mức độ cao nhất. Nhờ có đam mê và thực sự thích việc mình làm, John Galliano mới có những màn trở lại ngoạn mục với các show haute couture của Oscar de la Renta và Maison Martin Margela.
BST Mùa Thu Đông 2018 cho nam giới của John Galliano
Cũng vậy, nhiều biên tập viên thời trang trẻ yêu viết và đam mê thời trang đã tìm được cách truyền cảm hứng và đưa ra những lời khuyên nên mua gỉ mặc gì đeo gì trước khi kiếm được trợ cấp mua quần áo 200 ngàn đô la một năm như của Anna Wintour để có thể chạm đến bất cứ món đồ cao cấp nào. Họ vẫn kiên trì làm những việc sự vụ như đi xem show, tham dự sự kiện hay viết bài giới thiệu sản phẩm, và dành thời gian rút lui vào ốc đảo để viết và và giới thiệu thời trang theo đúng cách riêng của mình không e sợ uy lực của các nhà mốt hay nhà thiết kế lớn. Trên ốc đảo thời trang không chỉ có các nhà thiết kế và biên tập thời trang, mà còn có cả công chúng yêu thời trang. Vẫn là câu muôn thuở: theo xu hướng nào, mua gì, xem gì, mặc gì, bạn nên có chính kiến riêng, dù không phải lúc nào điều này cũng giúp bạn có vẻ ngoài đẹp nhất. Một lần tôi bước vào tiệm Dior, trong tay xách chiếc túi Detective do John Galliano thiết kế cho nhà mốt này vào mùa hè năm 2005. Đã 10 năm trôi qua, chiếc túi vẫn tạo hưng phấn đặc biệt mỗi lần tôi xách nó, khiến rất nhiều người trầm trồ. Giám đốc bán hàng của hãng Dior niềm nở tiếp đón, tuy biết tôi không phải là một khách hàng tiềm năng săn lùng những mẫu túi mới. “Chị thật sành khi có một chiếc City Bag của John Galliano làm trong giai đoạn sáng tạo rực rỡ nhất, thật đẹp!”. Tôi biết anh gọi nhầm tên túi, nhưng điều đó không quan trọng. Trên ốc đảo thời trang, tôi có những lựa chọn của tôi, và niềm yêu thích nho nhỏ với chiếc túi Dior Detective chắc đã góp một ngọn lửa nhỏ cho chữ F viết hoa.
Tuần lễ thời trang 2018
Bài Hàm Tuyết - thuộc bản quyền của Fashionnet.vn, vui lòng ghi rõ nguồn khi muốn đăng tải.
___________________________________________________________
Pro Creative Class I Khóa học SÁNG TẠO 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, học tư duy sáng tạo, để đổi mới, hiểu biết, hành trình của tự do. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM
Creative Class PRO: Những buổi học và bài giảng tạo ra những gợn sóng xung đột trong tâm trí và trái tim bạn, làn sóng cảm hứng bất tận, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng, đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Đây là hành trình của nghệ thuật và tự do, với lời mời hít thở bầu không khí đầy sức sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn và sự thăng hoa của tinh thần.