Ikebana cõi thiền thanh tịnh
Flowers "Khi cắm hoa ta lắng sâu vào cõi hư vô thiền định, bao trăn trở nguy khốn sẽ dừng lại tĩnh hòa. Sự vật minh quang cho tâm hồn thư thái, lại để ta mơ khát đến các chân trời mới lạ..." Fashionnet đã phỏng vấn và ghi lại buổi nói chuyện với nghệ sĩ Ikebana Thomas Mai Van Thai, khi anh tham dự lớp dạy cắm hoa tại Thành Phố Hồ Chí Minh
Ikebana cõi thiền thanh tịnh thường trực ngay đời sống của chúng ta với những nhành hoa, cuống lá mơn mởn hay khô bạc, lác đác cành khô được các nghệ sĩ tạo hình đường nét tinh tế hòa nhã giao hòa giữa thiên nhiên và đời sống con người. Người chơi hoa biết việc kết hợp âm dương và chuyển động của gió trong nghệ thuật cắm hoa Ikebana.
Nghệ thuật cắm hoa Ikebana đơn thể, đơn suy chỉ còn ta với điều mặc định. Cũng có lúc sóng sánh như bờ nước vỗ về đường dạo, khi gom chặt lại thành một tổng thể hòa hợp của vũ trụ vần xoay.
Ta chỉ thấy ta trước thiên nhiên mịch tịch – thanh tịnh, thu nạp một nguồn năng lượng vô biên để trở về ngày thực với những dự định mới"
Vẻ đẹp của Ikebana là đường nét, sự nhịp nhàng hài hoà của hoa, lá, cành, của màu sắc để diễn tả đời sống con người, và sự vận hành âm dương vũ trụ. Trong khi người phương Tây luôn nhấn mạnh vào màu sắc và số lượng của hoa, thì Ikebana lại chú tâm vào cách xếp đặt, lối bố cục, sự chuyển động, và họ đã phát triển nghệ thuật cắm hoa Ikebana như một môn nghệ thuật tinh tế, vượt bậc từ thế kỷ 14 tới nay.
LỊCH SỬ IKEBANA
Ikebana ra đời vào 14 thế kỷ trước, để tượng trưng cho một số quan niệm triết học của Phật giáo tại Nhật bản. Tuy nhiên, thời gian trôi dần qua, năng khiếu và thẩm mỹ của người Nhật đã làm cho nghệ thuật cắm hoa mất dần đi ý nghĩa tôn giáo ban đầu, và rồi đặc tính về thiên nhiên trong cách cắm hoa được nhấn mạnh. Trong cách cắm hoa, cần tới sự hiểu biết về dòng thời gian và người nào có con mắt phân biệt có thể dễ nhận ra được điều này. Sự cắm hoa phải biểu hiện được thời gian, tháng, mùa, cũng như sự thay đổi của vật liệu sử dụng.
Quá khứ: dùng hoa nở hết, trái cây khô hay lá cây khô.
Hiện tại: dùng hoa nở nửa chừng hay lá cây hoàn hảo.
Tương lai: dùng nụ hoa, nụ lá để hứa hẹn sự tăng trưởng sắp tới.
Sự cân nhắc về vật liệu sử dụng cũng cần phải đi đôi với cách xếp đặt, trình bày:
Mùa Xuân: cách xếp đặt đầy sức sống với các đường cong biểu hiện sinh lực.
Mùa Hạ: cách xếp đặt tỏa ra và tràn đầy.
Mùa Thu: cách xếp đặt mỏng và thưa thớt.
Mùa Đông: cách xếp đặt đượm buồn và lắng nghỉ.
Phương pháp cắm hoa phải mang tính cách tượng trưng, mô tả, nhưng một số hình thể của hoa lá lại phải được phối hợp với phong tục, tập quán và văn hóa. Vào các ngày quốc lễ, lại có một số cách cắm hoa được ấn định trước và vào các dịp lễ hội, các nghi lễ gia đình có thể bị coi là thiếu đầy đủ nếu không theo cách cắm hoa và không trưng bày thứ hoa thích hợp. Hoa Cúc trắng là hoa của ngày Tết đầu năm, trong khi vào ngày Tết Búp Bê (mồng 3 tháng 3), người Nhật chơi hoa Anh Đào, và hoa Diên Vĩ (Iris) là hoa của ngày Tết Con Trai (mồng 5 tháng 5).
Hoa được ưa thích nhất là thứ đang mọc tự nhiên trong vườn hay nơi miền quê. Hoa lại được phối hợp với đám lá, cành tự nhiên, điểm thêm vào là một vài bụi cây con hay bụi hoa nhỏ mọc tự nhiên.
Người Nhật Bản ít khi dùng loại lá hay loại hoa đã nở hết tầm cỡ, bởi vì các hoa lá được cắm vào lúc nở rộ nhất sẽ mau héo tàn, rủ xuống, diễn tả sự suy tàn, chấm dứt. Các cành cây có lá lớn hay các bụi cây nhiều lá cũng không được dùng đến, mà nụ lá, nụ hoa được ưa thích hơn. Ở trạng thái nụ, vẻ đẹp của cành hoa không bị che khuất và trong khi dùng các nụ, người ngắm hoa có được niềm vui là ngắm nhìn chúng nở ra từ từ, chậm chạp... Như vậy Nghệ Thuật Cắm Hoa phải mang theo ý nghĩa phát triển liên tục trong đời sống và phải diễn tả sinh lực của cuộc sống.
TRIẾT LÝ TIỀM ẨN CỦA IKEBANA
Nói một cách tổng quát, cách cắm hoa Nhật Bản gồm ba nhóm hoa hay cành lá xếp đặt theo hình tam giác. Nhóm chính ở giữa, thẳng đứng, nhóm thứ hai nghiêng về một bên so với nhóm chính và nhóm thứ ba ngược lại, nghiêng về phía đối so với nhóm thứ hai. Thêm vào đó, ba đường nét chính trong bình hoa hay lẵng hoa là thứ tượng trưng cho Trời – Đất – Người (Thiên, Địa, Nhân). Chính trong cấu trúc này mà cách cắm hoa được tạo nên.
Đường nét quan trọng nhất là cành hoa tượng trưng cho “Trời” (shin). Đây là đường trung tâm của toàn thể bình hoa, lẵng hoa, vì thế người ta đã chọn cành hoa nào mạnh nhất làm công việc này. Tiếp theo cành chính là cành thứ (soe), đại diện cho con người (Nhân). Cành này phải được xếp đặt thế nào để diễn tả rõ đường hướng phát triển, bung ra từ đường trung tâm. Chiều cao của cành thứ bằng 2/3 chiều cao của cành chính, lại có phần hơi nghiêng về cành chính.
Cành thứ ba (hikae) tượng trưng cho “Đất” (Địa), là phần ngắn nhất, được đặt xoay về phía trước hay hơi đối nghịch với phía gốc của hai cành kia. Tất cả ba phần lại được cột chặt vào một bộ phận giữ và lại phải diễn tả cho thấy sự xuất phát từ một nguồn cội. Sau đó, các bông hoa khác được thêm vào mỗi phần nhưng cách bố cục khéo léo của ba phần chính kể trên được coi là quan trọng nhất.
Trong khi cắm hoa, người ta đặt chiếc khay đựng tất cả các hoa, lá, cành... về phía bên phải và bình hoa hay đĩa cắm hoa cách 60cm trước mặt người cắm hoa. Nếu đặt đĩa cắm hoa gần hơn thì dễ cắm hơn, nhưng để có thể dễ nhận ra cách bố cục thì nên đặt bình hoa xa hơn một chút. Bình hoa cũng nên được đặt hơi cao hơn là hơi thấp, bởi vì nếu đặt thấp, người ta sẽ quen với cách nhìn xuống và ảnh hưởng mang lại sẽ khác khi bình hoa sau này lại được bày trên cao.
NGHỆ THUẬT BẢO DƯỠNG HOA KHI TRƯNG BÀY
Hình dạng và cỡ lớn của bình hoa hay đĩa cắm hoa rất quan trọng bởi vì cách bố cục cũng tùy thuộc vào cỡ lớn, chiều rộng và chiều sâu của dụng cụ cắm hoa.
Sau khi các vật liệu cắm hoa đã được chọn lựa, bước kế tới là tỉa bớt. Các cành hay các hoa, dù cho đã mọc gọn gàng và thứ tự tới đâu, cũng có các phần dư thừa, đặc biệt là khi được dùng vào công việc sắp xếp một cách nghệ thuật. Vì thế chúng cần được tỉa bớt trước khi và trong khi các cành được tập hợp lại với nhau.
Để giữ cho hoa tươi mát, người ta dùng tới các phương thức vật lý và hóa học. Cách dễ nhất và đơn giản nhất là cắt cuống hoa trong nước (mizukiri). Phương thức này tránh cho cành hoa không bị cắt ngoài không khí làm kém đi sự hút nước. Về phương thức hóa học, một dung dịch loãng hydrochloric acid hay sulphuric acid sẽ làm sống lại hay làm tươi mát các bông hoa. Hoặc cho một chút muối vào đầu cuống hay cành hoa.
Các bông hoa và cành lá cần được xếp đặt chắc chắn, vững vàng và thăng bằng, bằng cách uốn cành dựa chắc vào phần bên trong của bình hoa hay đĩa cắm hoa. Việc uốn cành cây này cần phải làm rất chậm chạp và cẩn thận, làm bằng hai tay, tránh sao cành hoa không bị bẻ gẫy.
Sự phát triển lịch sử của Nghệ Thuật Cắm Hoa Nhật Bản đã đi qua các thể cơ bản là thể Cổ Điển Rikka, thể Tự Nhiên Nageire và thể Cận Kim Moribana.
Ngày nay tại Nhật Bản có nhiều trường phái cắm hoa. Các quy luật đặt ra bởi các trường phái này có thể khác nhau về quan niệm, về ý tưởng, về phương pháp... vì vậy mà có nhiều loại trường lớp dạy Nghệ Thuật Cắm Hoa.
Chiều 18.2.2017 Fashionnet đã tổ chức buổi workshop với anh Thomas Mai Van Thai và những người yêu Ikebana để hướng dẫn thực hành và nói chuyện về triết lý Ikebana tại The Factory Contempoary Art Center 15 Nguyễn Ưu Dĩ, Thảo Điền quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.
Thomas Mai Van Thai là thành viên quốc tế về nghệ thuật cắm hoa Ikebana. Anh tốt nghiệp trường đại học Ikenobo Japan, hiện nay anh là giáo viên dạy Ikenobo Ikebana tại Paris.
Học các bước cắm hoa cơ bản và lắng nghe triết lý nghệ thuật cắm hoa Ikebana từ nghệ nhân Mai Văn Thái, worrkshop do Fashionnet - Vietthi Media tổ chức tại The Factory Arts centre, Thảo Điền, Thp HCM.
Bài Fashionnet - Ảnh chụp tại workshop Ikebana từ Fashionnet và ảnh tư liệu www.maivan.flowers
________________________________________________
Art Design Center
vietnamcolor.vn - fashionnet.vn
Contact: 0903788646 - 0903975081
Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \
Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)
30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City
Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn.
HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.