Hội An: miền đất hút hồn những nhà sáng tạo nghệ thuật và thời trang
Fashion Story Những nhà sáng tạo từ nghiệp dư hay chuyên nghiệp lớn lên từ phố Hội, vẫn tiếp tục làm ra nhiều sản phẩm thời trang Vintage và Exotica đặc trưng Hội An. Nhờ có nó mà nơi đây luôn là gạch nối nhẹ nhàng giữa đời sống hiện tại và quá khứ, không chỉ bằn đồ ăn thức uống, nghệ thuật, kiến trúc, mà còn bằng váy áo, giày dép, khăn túi, trang sức, mới đấy nhưng dường như vẫn được làm ra như thế tự ngàn đời. Như cỏ cây, mây nước, chim chóc và thơ nhạc sống động từng ngày trên bộ tranh tứ bình màu nước mang về từ phố Hội
Hội An trước hết là một bến thuyền, nơi dừng chân của thương nhân và du khách
Có dòng sông nhỏ chảy ra cửa biển - sông Hoài - nhánh hạ lưu của sông Thu Bồn, có những cây cầu ngắn như cây cầu Nhật bản ở ngay trung tâm phố cổ. Người ta đến rồi đi đều đặn và trôi chảy, xây nên những hội quán mang tên xứ lạ - Phúc Kiến, Triều Châu, Quỳnh Phủ và Quảng Đông; những đền chùa lặng lẽ, những tư gia yên ả, những quán ăn nhộn nhịp, những cửa tiệm bán đủ loại hàng đông tây kim cổ, tất cả dường như đều mang một nét duyên thầm.
Nét duyên ấy có lẽ phần nhiều bắt nguồn từ những dấu ấn ngoại lai - tinh hoa xứ lạ còn đọng lại nơi này. Người Hội An ăn mặc gọn gàng thanh thoát trong khi không khí lại ung dung tự tại. Phụ nữ vẫn hay mặc đồ bộ - áo quần có chất liệu và họa tiết như nhau nhưng không luộm thuộm quê mùa. Áo cổ gài cúc khít khao như cổ áo dài nhưng tà lại ngắn, vừa giống vừa không giống với xường xám của người Hoa. Không khí hoài cổ thấm đượm mọi nơi, có thể dễ dàng ngửi thấy hương quá khứ trong các đền chùa, vị ngọt của bát Cao lầu được nấu bằng nước lấy từ một chiếc giếng cổ, hay mùi khói bếp bay lãng đãng quyện vào những làn gió thổi trên mái phố.
Trong một lần đến Hội An, tôi mua được bộ tranh tứ bình bột màu Xuân Hạ Thu Đông của họa sĩ địa phương Trương Bách Tường, xuất thân nghiệp dư, với những nét vẽ duyên dáng thuần Việt kèm bốn câu thơ chữ Hán cổ của Thôi Hiệu:
Xuân du phương thảo địa.
Hạ thưởng lục hà trì.
Thu ẩm hoàng hoa tửu.
Đông ngâm bạch tuyết thi
Mang bộ tranh ấy, thêm vài món trang sức nhỏ, một tấm khăn và một chiếc áo đầm mua ở Hội An về nhà mà như mang theo những mảnh kỷ niệm hay chút phần hồn và phần xác của nơi chốn xuất xứ những sản phẩm Vintage và Exotica - cổ và lạ nhất nước ta.
Hội An còn là đô thị mang nhiều nét cổ kính
Nếp sống xưa bình dị lưu lại trong lề lối làm ăn theo phường, bày hàng theo phố. Có những phố chuyên đồ bạc đồ da đồ lụa, rồi những phố may quần áo, những xưởng vẽ hay thủ công mỹ nghệ. Việc gì ở đây cũng nhất nhất phục vụ cho sự đến và đi vốn có tự bao đời ở thương cảng xưa sầm uất. Hàng hóa sản vật dường như không dành cho cuộc sống hàng ngày của dân bản xứ, mà tập trung vào khách vãng lai. Từ xứ khác hay từ một thời khác cũng không rõ nữa. Vì thế đời sống Hội An đơn giản mà không đơn điệu, hối hả nhưng yên bình từ cách làm thức ăn đồ uống, từ quần áo phụ kiện đến cách bài trí các quán hàng cửa tiệm. Đâu đâu cũng hơi hơi có nét gì giống với Chợ Lớn hay những dãy phố Trung Hoa ở Đông Nam Á, mà vẫn không hẳn giống với một nơi nào.
Càng không thể so Hội An với Thượng Hải, dù có nét Trung Hoa, có bến và có phố, vì Thượng hải là một đô thị quá lớn. Vậy nên bạn có thể ngạc nhiên khi tôi muốn so sánh Hội An với Venizia (Venice) và Fienze (Florence), dù Hội An có nhiều dấu ấn ngoại lai nhưng hầu hết không liên quan đến nước Ý. So sánh như vậy vì những nơi này đều nhỏ, đều gần với nước, đều có sự đến và đi của con người ; và có đời sống văn hóa nghệ thuật, cả thời trang nữa, rất Vintage và Exotica.
Riêng về thời trang, những bến phố này đều không hề có vị trí đặc biệt quan trọng, không là và không thể trở thành kinh đô thời trang trong tương lai gần
Có lẽ vì sự phát triển văn hóa, thương mại và dịch vụ, làm nền và bổ trợ cho sáng tạo thời trang ở những miền đất này mạnh hơn cảm hứng và tính chuyên nghiệp của các nhà thiết kế. Nhưng cả ba đều có dấu ấn phong cách riêng, không chỉ vì cổ và lạ. Venezia là quê hương của nhãn hiệu thời trang Bottega Venetta, khởi đầu với những sản phẩm da khiêm nhường vốn được các nữ tu đan tay và phương châm “Chỉ cần tên của bạn là đủ” (nhãn hiệu không quan trọng lắm đâu). Ở Firenze có một cây cầu biểu tượng, là trung tâm mua sắm của thành phố, với nhiều đồ thời trang mỹ nghệ đến từ mọi nơi mọi chỗ, và vì thế thể hiện đậm nét chất tứ xứ. Firenze cũng là thủ phủ hiện nay của hãng thời trang do Salvatore Ferragamo. Ferragamo xuất thân là thợ giày sinh ra ở Napoli, lớn lên ở Boston và Los Angeles, nhưng đã chọn Firenze làm điểm dừng chân, và dựng nên ở đây ba cửa tiệm cực lớn. Tư duy sáng tạo đậm chất thực dụng và dịch vụ đã giúp cả hai nhà mốt lâu đời sống qua nhiều thăng trầm và nguy cơ phá sản; và dù phải thay đổi tiêu chí làm ăn từ hàng thủ công sang trọng nền nã sang hàng hiệu thời thượng, cả hai vẫn ít nhiều giữ được hình ảnh nguyên thủy của Vintage và Exotica.
Quay về với Hội An, Vinatge và Exotica vừa liên quan vừa không liên quan đến dịch vụ quần áo may sẵn rất thịnh hành ở đây. Có thể nói ở Việt Nam dịch vụ này bắt đầu ở Hội An. Từ khi Việt Nam mở cửa đầu thập kỷ 1990, các nhà may đã đến từng khách sạn nhận đặt may và chỉnh sửa quần áo may sẵn chỉ trong vài tiếng đồng hồ, trong khi ở các thành phố lớn khác đều chưa có dịch vụ này. Hội An không có xưởng sản xuất hay cửa hàng bán nguyên liệu may mặc riêng, toàn bộ vải vóc phụ liệu đều được mang đến từ nhiều nơi khác trong và ngoài nước: từ lụa Hà Đông, gấm Thái Tuấn đến vải Campuchia, Thái Lan, Trung quốc. Nhưng tại sao đến Hội An lại cứ phải tìm mua đặt may một món thời trang nào đó?
Dấu ấn Hội An trong các sản phẩm thời trang mang cả phần xác và phần hồn của miền đất ấy, áo quần mua ở đây mang hơi hướng không khí phố Hội chứ không phải sản phẩm đơn thuần, là phong cách chứ không phải dịch vụ. Kiểu dáng linh hoạt thoáng đãng hơn, chứ không quá khuôn phép kiểu cách, ngay cả với áo dài. Áo dài ở đây được may cắt cho du khách nước ngoài rộng rãi hơn, nhang nhác một chiếc tunic cắt suôn của phương Tây, để khách vẫn có thể mặc trong nhiều dịp khác khi về nhà. Từ ba thập kỷ nay, Hội An cũng là nơi bán nhiều khăn nhất nước, trước cả Sài Gòn và Hà Nội. Mua khăn ở Hội An như gói theo phần hồn, những khoảnh khắc kỷ niệm của nơi này đi về những vùng đất khác. Với nhiều người kỷ niệm về không gian sống tĩnh tại và sâu lắng của Hội An, nhờ những mảnh khăn mỏng manh, đã đi sâu vào đời sống họ nhiều năm sau.
Linen rất được ưa chuộng ở Hội An, điều này liên quan đến tính chiều khách của dịch vụ may mặc. Linen là một chất liệu cổ điển có thể dùng trong nhiều dịp. Quần thụng đánh cá hay quần Alibaba cũng nổi tiếng ở đây. Du khách “ba lô” đã mang những chiếc quần vải thường hàng chợ Thái Lan về đặt copy ở Hội An bằng vải tốt hơn – lụa hay linen; dần dần ở Hội an quần này được may đẹp nhất. Mua một món thời trang ở Hội An để mang về một kỷ niệm phần hồn của nơi này, chứ không phải mang về một bộ cánh (outfit) phần xác, song sau này kỷ niệm “vùng miền” ấy lại trở thành một outfit gắn bó với bạn lúc nào không biết, và bạn thực sự sống với quá khứ, mang tên Indochine hay Colonial chẳng hạn, bằng một mảnh văn hóa dịch vụ nhỏ nhoi mang về từ Hội an. Dịch vụ may đo sửa đồ cấp tốc giúp những ước muốn nho nhỏ của du khách trên hàng trình đất lạ được thực hiện nhanh chóng; phong cách của quá khứ cũng được thể hiện nhẹ nhàng không khiên cưỡng. Một món đồ từ Hội An có thể mang dáng dấp Đông dương (váy đầm hoa, mũ cói, làn mây…) của nửa đầu thế kỷ trước mà vẫn không hề bị lạc mốt. Dịch vụ được nâng tầm sáng tạo nhờ những chi tiết văn hóa lối sống của một thời như thế. Đồ ở Hội An có giá phải chăng mà vẫn có chất lượng tốt. Hàng ít tiền thường không được giữ lâu, nhưng hầu như ai cũng giữ đồ Hội An khá lâu, dù không có mác mỏ nhãn hiệu nổi tiếng.
Thật ra ngay ở Hội An cũng có cửa hàng của một hãng thời trang nổi tiếng Việt Nam
Sống by Valerie McKenzie, của một nữ thiết kế sư người Pháp sống và lập nghiệp ở Việt Nam từ năm 1992. Chất Vintage của Sống mang đậm nét Indochine hoài cổ, và kiểu dáng thiên về tối giản cổ điển. Văn hóa và lối sống gần với thiên nhiên, với những nghề thủ công truyền thống như đan thêu, chạm khắc có ảnh hưởng mạnh lên sản phẩm của Sống, hơn cả xu hướng và phong cách vốn là cốt lõi của sáng tạo thời trang. Exotica – vẻ đẹp ngoại lai của Sống có thể được thấy rõ trong cách Valerie thiết kế một chiếc áo dài. Áo dài Sống là sự hòa trộn tinh tế giữa của yếu tố phương Tây vào tà áo dài phương Đông. “Tôi (Valerie McKenzie) luôn tâm niệm rằng khi tôi thiết kế một cái gì đó rất Việt Nam nghĩa là tôi phải truyền được phần cảm hứng phương Tây của mình vào sự tinh tế của người Việt Nam”.
Sau khi Sống by Valerie McKenzie đóng cửa, nhiều nhà thiết kế nước ngoài, hay xuất thân từ những miền đất khác trong nước, và cả những nhà sáng tạo nghiệp dư lớn lên từ phố Hội, vẫn tiếp tục làm ra nhiều sản phẩm thời trang Vintage và Exotica đặc trưng Hội An - những mảnh sáng tạo mang đậm chất dịch vụ hay những mảnh dịch vụ mang đậm chất sáng tạo. Chính con người và không gian sống của Hội An đã tạo nên mối giao hòa đặc biệt ấy. Nhờ có nó mà Hội An luôn là gạch nối nhẹ nhàng giữa đời sống hiện tại và quá khứ, không chỉ bằn đồ ăn thức uống, nghệ thuật, kiến trúc, mà còn bằng váy áo, giày dép, khăn túi, trang sức, mới đấy nhưng dường như vẫn được làm ra như thế tự ngàn đời. Như cỏ cây, mây nước, chim chóc và thơ nhạc sống động từng ngày trên bộ tranh tứ bình màu nước mang về từ phố Hội.
Bài Lã Hoa. Nguồn ảnh Vogue Korean, F Fashion
________________________________________________
Art Design Center
vietnamcolor.vn - fashionnet.vn
Contact: 0903788646 - 0903975081
Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \
Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)
30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City
Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn.
HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.