Góc khuất thiên tài bạc mệnh, Alexander McQueen
Designer Sau 8 năm kể từ cái chết bi thương của NTK Alexander McQueen, một bộ phim tài liệu mới, “McQueen”, với sự tôn vinh và ngưỡng mộ sâu sắc các tác phẩm của một huyền thoại, sẽ mang lại những cảm xúc khó quên cho người xem về những góc khuất trong cuộc đời nhà mốt huyền thoại này. "Nếu bạn muốn biết về tôi, hãy nhìn vào công việc của tôi"
Được biết đến với những thiết kế độc đáo, gây nhiều tranh cãi, bộ phim mới (ra mắt ở NYC và LA) khai thác mọi khía cạnh tâm lý nhà thiết kế người Anh tài hoa nhưng bạc mệnh, thông qua các cuộc phỏng vấn bạn bè và người thân của ông. Từng thước phim dẫn dắt người xem vào cuộc hành trình khi ông còn là một thiếu niên East End chưa có định hướng cho tương lai, trở thành người đàn ông gây dựng thành công cho mình thương hiệu thời trang thế giới, đến khi tự kết liễu đời mình vào ngày 11/2/2010.
Từ kí sự hài hước của người bạn trai cũ đến những thước phim đã mất từ lâu về cảnh McQueen chơi đùa trong studio, bộ phim tạo ra một cái nhìn đa chiều về cuộc đời của NTK này. Một số khoảng khắc sẽ được chúng tôi tiết lộ rõ hơn dưới đây.
BST TỐT NGHIỆP - DẤU ẤN ĐẦU TIÊN
Đồ án tốt nghiệp cho trường London’s Central của McQueen với tên “Jack the Ripper Stalks His Victims” cũng được ra mắt công chúng như BST đầu tiên của ông. “Tôi tìm thấy vẻ đẹp trong những điều kì quặc”. Isabella Blow – stylist quyền lực nhất ngành thời trang London lúc bấy giờ cũng đã yêu cầu mua lại toàn bộ BST của ông, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời thiết kế của “thiên tài lỗi lạc” . Với sự giúp đỡ của rất nhiều đồng nghiệp, McQueen dã tự xây dựng thương hiệu mang tên mình “Tôi sống sót nhờ trợ cấp thất nghiệp và sự yêu quý của mọi người, tôi mua tất cả vải bằng số tiền đó”.
THỜI THƠ ẤU KHÓ KHĂN
Bộ phim cũng phản ánh về sự lạm dụng, ngược đãi mà ông và chị ông Janet McQueen phải chịu đựng từ chồng cũ của Janet. Trong khi các nhà phê bình thời trang thường chỉ trích những BST của ông ẩn ý về nạn bạo lực phụ nữ ( như show “Highland Rape” năm 1995 ) thì Alexander McQueen lại khẳng định các thiết kế của mình đều nhằm bảo vệ và giúp phụ nữ trở nên mạnh mẽ, thậm chí là gai góc hơn.
“Tôi không muốn làm một show diễn khiến người xem cảm giác như mình vừa được thưởng thức bữa trưa ngon lành vào ngày Chủ nhật”, ông ấy nói trong phim. “Tôi muốn ngay cả khi kết thúc, mọi người có thể chỉ trích vì ghét bỏ hoặc thích thú với điều tôi đã cho họ thấy. Miễn đó là một cảm xúc. Nếu bạn rời đi mà không cảm nhận được gì, thì đáng buồn là tôi đã không làm việc đúng cách”
KẾ HOẠCH TỰ TỬ
Bạn bè và trợ lý thời trang, một đồng nghiệp cũ của ông - Sebastian Pons, cũng tiết lộ về “con quỷ” đã ám ảnh người bạn của anh và việc ông luôn nghĩ rằng công nghiệp thời trang đang chống lại mình. Trong phim, Pons chia sẻ về show thời trang tháng 10, 2009 : “McQueen nói với tôi rằng ông ấy muốn một chiếc thùng làm bằng kính acrylic, và ở giữa đặt một chiếc hộp bằng thủy tinh. Ngay khi show diễn kết thúc, McQueen sẽ bất ngờ xuất hiện và dùng súng bắn vào đầu, để máu và não của ông chảy xuống các mảnh kính.”
"Thời trang phải là một hình thức chứ không phải là một dạng tù đày”
Ngày 6 tháng 10 năm 2009, bốn tháng trước khi qua đời, McQueen gây được hiệu ứng vang dội làm nức lòng tín đồ thời trang khi ra mắt BST Plato’s Atlantis. Bạn bè và người hâm mộ Lady Gaga cũng khiến mọi người ngạc nhiên khi công chiếu single mới của mình “Bad Romance” trong show diễn.
CÀNG THÀNH CÔNG, NỖI BUỒN CÀNG LỚN
Năm 27 tuổi ông giành giải thưởng British Fashion Awards’ Designer of the Year và cũng được mời làm nhà thiết kế của thương hiệu Givenchy. Dù khi làm việc ở Givenchy, ông đã tạo nhiều tiếng vang lớn, ghi dấu ấn trong lòng giới mộ điêụ thời trang nhưng McQueen sau đó cũng chấm dứt hợp đồng, tương tự khi ông ở Gucci, “Tôi đã thoát khỏi nhà tù của Gucci và xây nhà tù riêng mình”. Bạn bè ông từng nói rằng “Áp lực công việc, ám ảnh thành công, lo sợ thất bại chính là điều dẫn McQueen vào sâu trong bóng tối”. Không chỉ vâỵ, những định kiến bản thân về vóc dáng chính mình dần ăn mòn vào suy nghĩ của ông, kể từ đó ông bắt đầu thay đổi bằng cách chi trả rất nhiều để hút mỡ và cải thiện hình ảnh nhưng cũng không kéo dài được bao lâu. Đỉnh điểm của “ căn bệnh trầm cảm” là khi mẹ ông mất, nỗi cô đơn khiến ông gần như buông xuôi mọi thứ. McQueen suốt một thời gian dài chỉ quanh quẩn với các chất kích thích cũng như sự trợ giúp từ rất nhiều loại thuốc an thần và thuốc ngủ để có thể xoa dịu tinh thần.
NHỮNG CẢNH QUAY HIẾM HOI
Gia đình và bạn bè của ông cũng chia sẽ những thước phim chưa từng được công chiếu về McQueen, từ việc vui đùa cùng chú chó của mình đến huấn luyện chim ưng cùng Isabella Blow (người bạn thân - nàng thơ của của McQueen)
Đạo diễn Ian Bonhôte và Petter Ettedgui muốn McQueen có thể lên tiếng cho bản thân nhiều nhất có thể, vì vậy họ tìm hiểu mọi kho lưu trữ để có được thật nhiều cuộc phỏng vấn của McQueen. Nhờ vậy, giúp người xem cảm nhận chân thực nhất từng suy nghĩ và cả những cảm hứng, câu chuyện bí ẩn đằng sau cuộc đời thiết kế của ông.
Bài dịch Chip Phan - nguồn People
FASHIONNET là một ngôi nhà lạc quan, sống động nhưng tràn đầy cảm xúc, với sự ấm áp, thân tình. Fashionnet, nơi chiếu những bộ phim tuyệt vời, những buổi gặp gỡ yêu thương của những người yêu nghệ thuật, trà và lụa. FASHIONNET là thời trang, làm đẹp, nhiếp ảnh, hội họa là một nguồn vui sống tích cực và sinh động, vì phụ nữ hạnh phúc thì thế giới mới tốt đẹp. Fashionnet tại 7 Bis Nguyễn Thị Minh Khai, phưòng Bến Nghé, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Hotline: 093 406 8088