288
28 Tháng 02 1:19 pm

Giám tuyển Nghệ thuật phải làm những gì

 Tất nhiên một số nghệ sĩ trở nên nổi tiếng vì rất có tài, nhưng trong nhiều trường hợp, vinh quang chỉ đến với họ khi gặp được một nhà giám tuyển rất giỏi, người có thể phát hiện ra tài năng và sự sáng tạo của họ

Thông tin về bảo tàng và lĩnh vực nghệ thuật. Những phương cách khác nhau để học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm ở vai trò một giám tuyển. Những mẹo vặt và sự chuẩn bị cần thiết, thực tế để tổ chức một buổi triển lãm và cách để đưa nó đến gần hơn với công chúng. Cách tìm kiếm những công việc giám tuyển tự do. So sánh ngành giám tuyển với những công việc khác trong thế giới nghệ thuật. Những gợi ý để luôn luôn dẫn đầu trong ngành này. 

Đây là tuyển tập bài viết hướng dẫn tất cả những gì bạn cần biết để trở thành một Giám tuyển Nghệ thuật chuyên nghiệp, biên soạn bởi nhà xuất bản Fabjob và lược dịch bởi Fashionnet. Qua các bài viết này chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những công cụ và kĩ thuật cần thiết để bước vào thế giới nghệ thuật và làm việc tại bảo tàng hoặc làm việc độc lập. Nếu bạn là người chưa hề biết gì về giám tuyển, bài viết này sẽ cung cấp mọi thông tin bạn cần để bắt đầu. Nếu bạn có kinh nghiệm làm giám tuyển,  bài viết này sẽ cho bạn những ý tưởng để bạn phát triển và thăng tiến trong công nghiệp cũng như những cách để mở rộng mạng lưới đồng nghiệp và các nghệ sĩ.

Giám tuyển cần tình yêu lớn dành cho nghệ thuật - bất kì loại nghệ thuật nào, từ những bức tranh vẽ hang động thời tiền sử hay gốm sứ Nhật Bản hay các tác phẩm sắp đặt kết hợp trình chiếu. Bạn có đang dành thời gian rảnh để nghiền ngẫm những tờ tạp chí nghệ thuật hay ghé thăm bảo tàng và lùng sục những thông tin triển lãm mới nhất? Bạn có đang cố gắng lấp đầy không gian sống với những tác phẩm mà cá nhân bạn yêu thích vì một lí do gì đó, như là vì hình dáng, màu sắc, cảm giác về mặt vật lý và cảm xúc? Bạn có đang sắp xếp lại những hình chụp và thỏi nam châm trên tủ lạnh một cách đẹp mắt nhất? Nếu câu trả lời là có thì bạn chắc chắn nên cân nhắc việc trở thành một giám tuyển nghệ thuật!

Jacob Hashimoto, A Crippling Myth in One Breath, 2019, Gỗ, acrylic, tre, giấy và Dacron, 26 x 18,75 x 8,5 inch. Jacob Hashimoto mô phỏng thiên nhiên bằng cách tạo ra các cấu trúc ba chiều bằng ánh sáng giấy lấy cảm hứng dựa trên di sản Nhật của anh

Mỗi bài viết đều phục vụ một mục đích nhất định. Phần giới thiệu sẽ bao gồm những thông tin cơ bản trong việc làm một giám tuyển nghệ thuật - công việc của họ là gì và vai trò của họ trong một bảo tàng - cũng như những tài nguyên sẵn có trong không gian trưng bày. "Giám tuyển Nghệ thuật phải làm những gì?" sẽ giải thích rõ cách một người giám tuyển làm việc và trách nhiệm của họ ở từng vị trí khác nhau. "Những kĩ năng cần thiết ở một người giám tuyển" nói về độ quan trọng của giáo dục (cả chính thống và tự học), tự phát triển những kĩ năng như viết về nghệ thuật cũng như viết cho công chúng, cách để tìm cơ hội tình nguyện và thực tập. "Cơ hội việc làm cho ngành giám tuyển" giải thích những yếu tố để giám tuyển tìm được việc làm, cách để ứng tuyển cho một vị trí, và những điều cần có trong sơ yếu lí lịch để chuẩn bị khi có cơ hội thực tập. "Trở thành một Giám tuyển Độc lập" đưa ra những cách để trở thành Giám tuyển Nghệ thuật mà không cần phải có một công việc chính thức tại Bảo tàng, miêu tả những công việc cần thực hiện để lên kế hoạch và thực hiện một buổi triển lãm. "Những cơ hội việc làm khác cho Giám tuyển" nói về các công việc khác, như thẩm định mỹ thuật, buôn bán tranh, và thành lập doanh nghiệp giám tuyển, với những thử thách không hề thua kém vị trí giám tuyển trong bảo tàng. "Để trở thành một Giám tuyển thành công" đưa ra những gợi ý để tiếp tục nâng cao kiến thức, phát triển mạng lưới và thăng tiến trong công việc. Hành trình trở thành một giám tuyển nghệ thuật đầy thách thức, nhưng tuyển tập bài viết này sẽ dẫn dắt bạn xuyên suốt quá trình đó, bắt đầu từ những suy nghĩ mơ mộng, đầy tham vọng đến việc hiện thực hóa mục tiêu của mình. Phần thưởng của việc bao quanh bản thân với nghệ thuật và những con người sáng tạo có thể (và nên!) mang đến cho bạn nguồn cảm hứng để luôn sẵn sàng bật dậy khỏi giường hằng ngày, đương đầu với mọi thử thách của thế giới cũng như tận hưởng những niềm vui mà nó mang lại. 

Công việc của người Giám tuyển Nghệ thuật là gì?

Bạn đã bao giờ lập một danh sách những tác phẩm nghệ thuật mà bạn muốn trưng tại nhà? Nhìn thấy một tác phẩm nào đó và không thể ngưng nghĩ về nó? Giải thích say sưa lí do tại sao bạn thích một tác phẩm điêu khắc với một người bạn hay các thành viên trong gia đình? Nếu câu trả lời là có, bạn có lẽ đã có sẵn niềm đam mê và tính tò mò cần thiết để trở thành một nhà giám tuyển nghệ thuật thành công.

Jean Arp (Hans Arp), Sculpture to be Lost in the Forest, 1932, Đồng, Vật thể: 90 × 222 × 154 mm, 60 × 120 × 100 mm và 65 × 55 × 93 mm (4,6 kg), Tate Collection. Hans Peter Wilhelm Arp là nghệ sĩ thiên tài người Pháp-Đức trường phái Dada và Trừu tượng

Khi những bảo tàng mới được thành lập, người giám tuyển là người giám sát và sắp xếp những vật thể khác nhau, thường là những món cổ vật hoặc những thứ quý hiếm tương tự, để trưng bày trong các buổi triển lãm. Ngày nay, cũng như những công việc khác trong bảo tàng, vai trò của một nhà giám tuyển đã mở rộng ra với nhiều trách nhiệm khác nhau. Họ về cơ bản có ba trách nhiệm chính:

Lên kế hoạch cho Bộ sưu tập 

Theo truyền thống, người giám tuyển sẽ đảm nhiệm việc nghiên cứu những tác phẩm trưng bày thường niên tại bảo tàng (những tác phẩm nghệ thuật mà bảo tàng sở hữu) để viết các bài viết giới thiệu và tổ chức những triển lãm. Một số bảo tàng thu thập nghệ thuật với nhiều phong cách và xuất xứ khác nhau, ví dụ như Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia tại Washington, D.C sở hữu những bức tranh thờ từ thời Trung cổ cũng như những tác phẩm điêu khắc đương đại của Mĩ. Trong khi đó một vài bảo tàng khác sẽ tập trung những lĩnh vực nhất định, như là Bảo tàng Nghệ thuật châu Á tại San Francisco. Người giám tuyển cũng sẽ truy cứu và thẩm định những tác phẩm mới để thêm vào bộ sưu tập nếu kinh phí cho phép hoặc khi một nhà sưu tầm tranh có ngỏ ý quyên góp một tác phẩm nghệ thuật.

Sắp xếp Triển lãm

Người giám tuyển chọn ra những tác phẩm được trưng bày trong không gian bảo tàng. Điều này có nghĩa là chọn ra những tác phẩm từ bộ sưu tập thường niên xoay quanh một chủ đề nhất định (ví dụ: Ảnh hưởng của Albrecht Dürer đến những thợ in đời sau) và có thể là bổ sung vào bộ sưu tập với những tác phẩm mượn từ các tổ chức khác. Người giám tuyển cũng làm việc với các giám tuyển từ những bảo tàng khác để tổ chức những buổi trưng bày cộng tác bao gồm cả các tác phẩm từ nhiều tổ chức. Trong trường hợp này buổi trưng bày thường sẽ di chuyển luân phiên giữa các bảo tàng cộng tác. Một nhà giám tuyển nghệ thuật đương đại cũng sẽ ghé thăm studio của người nghệ sĩ để tìm hiểu về tác phẩm của họ và chọn ra những tác phẩm phù hợp đưa vào triển lãm. Tại tất cả bảo tàng, người giám tuyển sẽ đưa ra kế hoạch trưng bày tác phẩm, từ thứ tự treo tranh, cách sắp xếp cho đến việc viết những dòng miêu tả tác phẩm.

Viết bài

Trừ khi tổ chức có quy mô rất lớn, người giám tuyển thường cũng sẽ đảm nhận công việc viết cho nhiều phần trong buổi trưng bày, bao gồm đoạn giới thiệu triển lãm và tiêu đề, brochure triển lãm, và các bài phân tích cho quyển catalogue đi kèm. Tại những tổ chức lớn hơn, bộ phận tổ chức triển lãm hay bộ phận giáo dục sẽ viết phần lớn những thứ mà khách tham quan sẽ đọc, như là lời giới thiệu và catalogue. Nhiều nhà giám tuyển sẽ đăng tải nghiên cứu của mình về bộ sưu tập của bảo tàng lên tạp chí nghệ thuật, tạp chí, và sách.

Vai trò người giám tuyển sẽ khác nhau tùy thuộc vào quy mô bảo tàng và buổi triển lãm. Tại những bảo tàng lớn, như Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York, người giám tuyển sẽ tập trung vào một phong cách hay một giai đoạn nhất định, như là Nghệ thuật Cổ đại Cận Đông. Ở quy mô nhỏ hơn, người giám tuyển có thể chịu trách nhiệm cho tất cả mọi thứ. Từ việc lên kế hoạch cho triển lãm cho đến cách sắp đặt tác phẩm và truyền thông để đưa buổi triển lãm đến với công chúng. Trong bối cảnh kĩ thuật số và nghệ thuật đa phương tiện, những bảo tàng trực tuyến như The Alternative Museum đang dần nổi lên. The Alternative Museum đóng cửa không gian vật lí ở thành phố New York vào khoảng đầu năm 2000, chọn ra những nhà giám tuyển chuyên về triển lãm nghệ thuật trực tuyến và tổ chức triển lãm ngay trên website.

Nếu một bảo tàng có quy mô nhỏ (với dàn nhân viên khoảng 30 người hoặc ít hơn), bộ phận giám tuyển thường sẽ chỉ bao gồm hai đến ba người. Ở các bảo tàng lớn hơn, bộ phận giám tuyển sẽ là một hệ thống bao gồm giám tuyển học việc, trợ lý giám tuyển, giám tuyển cộng tác, giám tuyển chính thức và trưởng bộ phận giám tuyển. Một số bảo tàng có những giám tuyển với vai trò riêng, ít chú trọng đến giáo dục công chúng và viết bài mà tập trung hơn vào việc quản lý dự án, như là quản lý kinh phí, lên lịch trình cho triển lãm ở bảo tàng, giám sát thiết kế và quy trình sản xuất của triển lãm.

Louise Bourgeois, Maman (Spider), 1999, Long Museum (West Bund), Thượng Hải, 2018. Nghệ sĩ người Pháp-Mĩ Louise Bourgeois nổi tiếng với những tác phẩm điêu khắc siêu thực khổng lồ và những tác phẩm sắp đặt lấy chủ đề tính nữ.

Tại sao bạn nên trở thành một nhà giám tuyển?

Gần đây tôi đã nhớ lại tôi yêu công việc của mình nhiều thế nào khi đang chỉnh sửa bài viết trong quyển catalogue của một buổi triển lãm Baroque trong lúc tận hưởng kì nghỉ Giáng sinh. Tôi nằm thư thả trên ghế sofa, nhâm nhi một tách cafe, tâm trí cuốn hút bởi hình ảnh bộ xương và cái chết trong những bản vẽ từ thời đầu thế kỷ 17. Không phải một hoạt động mà bạn sẽ thường làm khi có dịp nghỉ ngơi, nhưng lòng tôi vẫn có cảm giác lâng lâng sảng khoái. Chắc chắn rồi, tôi yêu công việc của mình.

Triển lãm là tác phẩm, và cũng là phần thưởng của bạn

Nhà giám tuyển độc lập Adam Lerner từng nói rằng điều ông thích nhất ở công việc giám tuyển là “gặp gỡ những người nghệ sĩ mà tôi thích, được trưng bày tác phẩm của họ và trò chuyện với công chúng về những tác phẩm đó. Tôi yêu cảm giác buổi triển lãm dần được hình thành, tất cả bức tranh được treo lên và ánh sáng sắp đặt đúng kế hoạch vào lúc 2:00 sáng, đêm cuối trước ngày tổng duyệt.

J.W.Mahoney, một nhà giám tuyển và phê bình nghệ thuật làm việc tại Washington, D.C, nói rằng giám tuyển “cũng giống như sáng tạo nghệ thuật. Đưa những tác phẩm nghệ thuật khác nhau vào một cái tổng thể, và cái tổng thể này vĩ đại hơn những thành phần tách rời. Cảm giác tuyệt vời nhất là khi bạn hoàn thiện layout triển lãm và tự cảm thán với bản thân, “Tốt, cái này ổn đấy.”

Cũng như Mahoney, tôi nghĩ rằng một buổi trưng bày khi được giám tuyển tốt sẽ biến chính bản thân nó thành một tác phẩm nghệ thuật. Một màn biểu diễn nghệ thuật, một thiết kế tinh xảo kết hợp với việc sắp đặt khéo léo nhằm tạo nên những câu chuyện xuyên suốt không gian triển lãm, nâng cao trải nghiệm khách tham quan, mang đến cho họ những ý tưởng và cảm xúc mà chỉ có thể xuất hiện trong không gian bao quanh bởi nghệ thuật.

Những buổi triển lãm cũng có thể mang đến cảm giác gần gũi, thân mật cho người giám tuyển, một điều không phải ở công việc nào cũng có thể tìm thấy. Chúng có thể mất vài tháng cho đến vài năm để hoàn thiện và đưa đến công chúng. Được thấy thành quả công sức mình bỏ ra trong không gian triển lãm có thể mang đến cho bạn một cảm giác sảng khoái và niềm vui khó mà đong đếm được.

Mark Rothko, No.17, 1957, Sơn dầu trên canvas, 91 1/2 x 69 1/2 inch. Mark Rothko là họa sĩ hàng đầu của phong trào Biểu hiện Trừu tượng. Bức tranh No.17 của ông đã được chào bán tại buổi đấu giá nghệ thuật đương đại của sàn Christie's hồi năm 2016 với mức giá ước tính từ 30 đến 40 triệu đô la Mĩ 

Truyền cảm hứng cho người xem  

Niềm phấn khởi khi tạo ra một buổi triển lãm tốt có thể nhanh chóng tiêu tan khi không có ai ghé thăm buổi trưng bày. Tuy nhiên điều quan trọng hơn cả số lượng khách tham quan chính là sự phấn khích của họ và số lượng người hiểu được những tác phẩm trưng bày. Nhiều nhà giám tuyển sẽ phát biểu hay có những hoạt động để giúp công chúng tiếp cận, tương tác với nghệ thuật. Một trong những nguồn động lực lớn lao nhất là biết được rằng một đứa bé có thể tạo nên một bức tranh lấy cảm hứng từ những tác phẩm mà bạn đã chọn. Có thể bạn đã góp phần dìu bước con người bé nhỏ này trên hành trình trở thành Van Gogh tiếp theo, hay giám đốc sáng tạo sau này của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan.

Những người lớn có thể không bộc lộ niềm phấn khởi của mình, mặc dù họ có thể sẽ trải lòng - hoặc trút cơn giận - lên quyển sổ bình luận. Nhưng nếu họ đang mày mò nghiên cứu quyển brochure và đặt câu hỏi, bạn đã làm tốt công việc của mình. Và nếu ai đó dành ra một chút thời gian trong lịch trình bận rộn của họ để ghé thăm buổi triển lãm, bạn đã đi được nửa đường đến thành công rồi.

Tôi làm việc trong một phòng trưng bày của trường đại học, vì thế việc mời gọi được những sinh viên cao đẳng bước ra khỏi kí túc xá để đến bảo tàng đã là một thành tựu lớn. Tôi cũng thường tổ chức những buổi tour triển lãm cho những sinh viên làm việc tại phòng trưng bày. Trong buổi tour đầu tiên, tôi đã đối diện với hai mươi gương mặt hoàn toàn không có cảm xúc. Tôi không thể biết liệu họ có thật sự đang nghe tôi nói không, và chỉ có đúng một người đặt câu hỏi. Nhưng một vài tuần sau tôi nghe được rằng một sinh viên đang dẫn dắt một nhóm nhỏ khách tham quan buổi triển lãm. Cô ấy không chỉ đang lặp lại một vài điểm tôi đã nói, mà cô còn chia sẻ những quan sát tuyệt vời của riêng cô ấy đối với các tác phẩm. Và sau đó tôi biết được rằng một sinh viên khác đang chuẩn bị viết một bài cảm nhận về buổi trưng bày trên báo trường. Tôi không thể nào tự hào hơn vì những sinh viên của mình!

Mark Rothko, Orange,Red,Yellow, Sơn acrylic trên canvas, 93 in × 81+1⁄4 in. Đây là bức tranh đắt giá nhất cho đến nay của họa sĩ Mark Rothko khi nó được gõ búa với mức giá 86 triệu đô la Mĩ vào năm 2012

Liên tục học hỏi / Liên tục phát triển

Với một số lượng bất tận những buổi triển lãm và các tác phẩm mới, người giám tuyển cần phải liên tục tìm hiểu nhiều hơn về lĩnh vực chuyên môn của mình cũng như gặp gỡ những người làm việc trong các bảo tàng khác khắp đất nước. Để nghiên cứu một tác phẩm nghệ thuật, người giám tuyển có thể cần phải trò chuyện với người quyên góp, nhà buôn tranh, một nhà bảo tồn, thủ thư, hay cũng có thể là một hoặc vài người giám tuyển từ bảo tàng khác có các tác phẩm tương tự. Đối với những buổi triển lãm, người giám tuyển làm việc với gần như tất cả nhân sự từ bảo tàng của họ, cũng như với người nghệ sĩ và những người cho mượn, thủ thư, nhân viên tại các bảo tàng cộng tác; cộng tác viên hoặc những nhà giám tuyển khác, nhà tài trợ, báo chí, và các thành viên trong bảo tàng.

Bởi vì Internet vẫn không thể thay thế được việc chứng kiến trực tiếp tác phẩm nghệ thuật, phần lớn những ai làm giám tuyển sẽ du lịch thường xuyên với mục đích nghiên cứu cũng như phát hiện những nghệ sĩ hay triển lãm mới. Những người làm ngành này cũng thường tài trợ các buổi họp và khóa học xuyên suốt các năm để kêu gọi tài trợ, chia sẻ thông tin, và quan trọng nhất là xây dựng mạng lưới quan hệ. Một điều quan trọng các nhà giám tuyển cũng phải nhớ là quan tâm đến những hoạt động nghệ thuật địa phương, vì thế họ có thể dành những ngày cuối tuần hoặc buổi tối ghé thăm các bảo tàng và phòng tranh lân cận, đặc biệt là những buổi sự kiện hay trò chuyện.

Và đương nhiên việc góp mặt trong những bữa tiệc là điều không thể thiếu trong việc phát triển mạng lưới quan hệ, và đây cũng có thể coi là một phần của công việc này! Đa số các bảo tàng sẽ tổ chức những buổi khai mạc triển lãm xuyên suốt năm, cũng như những buổi gala gây quỹ và buổi tri ân những nhà tài trợ quan trọng. Các nhà giám tuyển thường được mời đến những sự kiện này để ‘quyến rũ’ đám đông, vì thế bạn không nên im lặng hay giữ khoảng cách mà đây là cơ hội tuyệt vời để bạn tiếp tục học hỏi và phát triển.

Dẫn đầu xu hướng trong nghệ thuật cũng đòi hỏi việc tự giáo dục bản thân liên tục, chủ yếu bằng cách tham quan những buổi triển lãm khác hoặc đọc tạp chí nghệ thuật, các quyển sách mới lên kệ, báo chí và những bài cảm nhận nghệ thuật, cũng như trên các chia sẻ trên trang mạng xã hội. Một nhà giám tuyển cần phải biết tác phẩm nào đang được quan tâm và những buổi triển lãm nào thu hút sự chú ý của giới phê bình. Các nhà giám tuyển không nhất thiết phải chạy theo xu hướng; thực chất nhiều người tự hào khi né tránh được mớ bồng bông của thế giới nghệ thuật. Tuy nhiên cũng chính những nhà giám tuyển đó phải đọc những sự phát triển mới nhất để họ có thể thảo luận và phản biện nó một cách chính xác, thông minh nhất.

Một trong những khía cạnh yêu thích nhất của tôi về việc làm giám tuyển, bên cạnh làm việc với nghệ thuật và nghệ sĩ, là được bao quanh bởi những tâm hồn yêu nghệ thuật và đầy sáng tạo. Bảo tàng nghệ thuật cũng tràn đầy những nguyên tắc chính trị như trong bất kì doanh nghiệp này, nhưng trong phần lớn hoàn cảnh, các đồng nghiệp của bạn sẽ luôn tận hưởng những cuộc trò chuyện trao đổi kiến thức và cùng phát triển gu thẩm mỹ, nếu không hứng thú với điều đó chắc hẳn bạn đã không theo đuổi công việc này. Tôi cũng chưa bao giờ gặp một người làm việc tại bảo tàng mà không có khiếu hài hước. Sau cùng thì khi bạn đã sắp đặt một tác phẩm điêu khắc yêu cầu cao, đến lần thứ năm trong buổi sáng, trước lễ khai mạc vào đêm cùng ngày, thì những cơn thịnh nộ sẽ chẳng thể giúp được ai.

Để biết thêm về những gì mà các nhà giám tuyển đương đại yêu thích (và ghét!) về công việc của mình, hãy xem qua quyển sách mang tên “Words of Wisdom: A Curator’s “Vade Mecum” on Contemporary Art”, một tập luận văn ngắn biên tập bởi tổ chức Curators International. Tất cả những nhà giám tuyển đều trông như thế họ yêu công việc của mình, nhưng mỗi người bọn họ đều có ý tưởng riêng trong cách tiếp cận lĩnh vực này, bắt kịp thời đại, trở nên thành công, và quan trọng hơn hết là tìm ra sự thỏa mãn trong công việc.

Về tác giả cuốn sách / N.Elizabeth Schlatter

Với hơn 15 năm làm việc tại các bảo tàng, N.Elizabeth Schlatter hiện tại làm việc ở Đại học Richmond tại Richmond, Virginia. Với vai trò là Phó Giám đốc và Giám tuyển Triển lãm, Elizabeth tổ chức những buổi triển lãm cho một vài khu trưng bày trong khuôn viên đại học, viết lời mở đầu, tiêu đề, và bài phân tích cho các buổi triển lãm và sách hướng dẫn, cũng như nghiên cứu những bộ sưu tập thường niên ở bảo tàng.

Trước khi chuyển đến Richmond, Elizabeth làm việc với những buổi triển lãm nghệ thuật và lịch sử dưới vai trò là quản lý dự án cho Smithsonian Institution Traveling Exhibition Services tại Washington, D.C. Cô còn làm giám tuyển độc lập cho Washington Projects for the Arts\Corcoran (D.C), School 33 tại Baltimore, Maryland, và Artspace tại Richmond, Virginia. Elizabeth còn là quản lý hội viên và tài chính thường niên cho Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại tại Houston, Texas.

Cô đã chủ trì ba phiên họp tại buổi họp thường niên của Liên đoàn Bảo tàng Mỹ, gần đây nhất là buổi thảo luận mang tên “Have You Seen My Glass Ceiling?: Women Leaders in Museums Today.” Cô cũng đã từng trình bày bài viết tại College Art Association và tại Southeast College Art Conference. Ngoài ra cô còn làm phê bình nghệ thuật và cảm nhận sách cho các nhà xuất bản Photovision, SECAC Review, Art Papers, Curator Journal, Woman’s Art Journal, và Journal of the Print World. Cô còn đóng góp thường xuyên những bài luận văn về con người trong thế giới nghệ thuật cho American National Biography (Oxford University Press). Cô đã nhận bằng Thạc sỹ  ngành Lịch sử Nghệ thuật tại Đại học George Washington (1996) tại Washington, D.C, và bằng Cử nhân ngành Lịch sử Nghệ thuật tại Đại học Southwestern University (1989) tại ở Georgetown, Texas.

Nguồn: FabJob

Bài dịch: Phúc Hồ (Fashionnet) vui lòng ghi rõ nguồn khi muốn sao chép. 

-------------------------------------------------------------------------------

Pro Creative Course I Khóa học SÁNG TẠO, 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM. 

Pro Creative Course I Trường đại học 6 ngày với những buổi học và bài giảng sẽ tạo ra những gợn sóng xung đột trong tâm trí và trái tim bạn, làn sóng cảm hứng bất tận, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Pro Creative Course sẽ như một cuốn sách hướng dẫn hành trình của bạn. Đây là lời mời hít thở bầu không khí đầy sức sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn và sự thăng hoa của tinh thần.

Olafur Eliasson, nghệ thuật của không gian

Olafur Eliasson, nghệ thuật của không gian

Art I Design_Study Olafur Eliasson là một nghệ sĩ người Iceland - Đan Mạch được biết đến với nghệ thuật sắp đặt điêu khắc có quy mô lớn sử dụng các nguyên liệu cơ bản như ánh sáng, nước và nhiệt độ không khí để nâng cao trải nghiệm của người xem

Trao đổi về Visual Art Việt nam I 2012

Trao đổi về Visual Art Việt nam I 2012

Art I Design_Study TRỊNH CUNG, ANN PHONG, NGUYỄN QUỲNH, NGUYỄN MINH THÀNH, ĐỖ HOÀNG TƯỜNG – “Nhìn đồ vật như nghệ thuật, đừng nhìn nghệ thuật như đồ vật” (2) “Nhìn nghệ thuật như đồ vật, đừng nhìn đồ vật như nghệ thuật”. Với bộ hoành phi câu đối này, tôi muốn dùng chính lối sống sáo mòn bằng tụng niệm các khẩu hiệu làm chất liệu, chứ không phải vật chất. Các đồ vật có thật thì bị phong kín trong hộp không nhìn thấy.

Phần 2: Bước đầu của một giám tuyển nghệ thuật

Phần 2: Bước đầu của một giám tuyển nghệ thuật

Art I Design_Study Về cơ bản, bạn có thể trả lời rằng một giám tuyển nghệ thuật có trách nhiệm trông nom một bộ sưu tập hội họa và tổ chức các buổi triển lãm. Nhưng nếu bạn bị kẹt ở trên một chuyến bay đêm dài 42 tiếng, đây là một bối cảnh mà bạn có thể dùng để mô tả về nghề này.


AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Art_Painting Những gì làm nên một Nguyễn Tư Nghiêm như "một mệnh đề đứng riêng", theo cách nói của Thái Bá Vân, là các đề tài mang màu sắc văn hoá dân tộc, và cùng với đề tài là các hoạ tiết xuất xứ từ di sản nghệ thuật dân gian. Đề tài trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm là những điệu múa cổ, là hình ảnh Thánh Gióng, là hình ảnh Thuý Kiều & Kim Trọng - những nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học cổ điển Việt Nam, là 12 con giáp trong vòng xoay hoa giáp biểu tượng cho chu trình thời gian theo lịch pháp Á Đông...

Subscription

Fashionnet

Follow us