Dzũng Yoko: Sáng tạo là phải chấp nhận rủi ro
Beauty Dấu ấn đặc trưng của Dzũng Yoko là niềm đam mê và khả năng vẽ các phác thảo (sketch) để định hướng các bộ hình một cách cụ thể nhưng nên thơ. Nhìn vào các sáng tạo nghệ thuật của anh có thể thấy được một tâm hồn nghệ sỹ bay bổng nhưng dữ dội cùng trí tưởng tượng không có giới hạn.
Tốt nghiệp Thủ khoa ĐH Kiến Trúc TP.HCM năm 1998, Dzũng Yoko sau đó đã nhanh chóng khẳng định tên tuổi của mình trong lĩnh vực Thiết kế Thị giác, đặc biệt là với những sáng tạo hình ảnh cho các danh ca tại Việt Nam. Những năm gần đây, anh nắm giữ vị trí Giám đốc Sáng Tạo tại các tạp chí thời trang quốc tế quan trọng tại Việt Nam như ELLE và L’OFFICIEL
Điều gì khiến anh luôn làm việc say mê?
Tôi yêu thích công việc tôi đang làm, nó khiến tôi luôn phải tư duy, tìm tòi hình ảnh mới mẻ gây ấn tượng đủ để truyền cảm hứng mỗi ngày, cho tôi nảy ra ý tưởng mới lạ.
Anh thích đồ hoạ trên máy tính hay vẽ tay? Công nghệ hiện đại ảnh hưởng thế nào tới công việc của anh?
Tôi thích vẽ tay hơn vì như vậy tôi mới thấy gần gũi với tác phẩm của mình, như tôi thổi hồn vào các bản vẽ, qua đó thể hiện tâm tư của tôi. Công nghệ hiện đại làm tôi thấy việc sáng tạo dễ dàng hơn nhiều. Ví dụ như khi tôi ở quán cà phê hay ở đâu đó thì bỗng dưng tôi nảy ra một điều gì, lúc ấy tôi không có bút giấy sẵn ở cạnh bên thì tôi có thể dùng điện thoại của mình vẽ lại. Tôi thấy rất tiện lợi. Quan trọng là chúng ta phải biết dung hoà và không quá lạm dụng vào công nghệ. Một tác phẩm có thể hơi thiếu sót một chút nhưng có tình cảm, có hồn vẫn hay hơn là một tác phẩm đẹp quá hoàn hảo, nhưng lại không gợi bất cứ một cảm xúc gì.
Anh đang làm việc với nhiều cộng sự trẻ tuổi mới vào nghề, anh có lời khuyên gì dành cho họ khi làm việc với Dzũng Yoko không?
Tôi thích những bạn trẻ chủ động trong công việc, không ngần ngại bày tỏ quan điểm cá nhân, không ngừng trau dồi và học hỏi, thêm nữa là khiêm tốn và hiểu biết. Tôi mong các sản phẩm của mình có thể thức tỉnh tình yêu nghệ thuật của các bạn. Làm nghệ thuật trong ngành thời trang thì càng phải kiên trì, bạn đủ yêu và hiểu mới kiên nhẫn làm ra sản phẩm chất lượng.
Ai cũng cần có thời gian nghỉ ngơi, những lúc rảnh rỗi, anh sử dụng sự sáng tạo vào việc gì?
Vẽ và chụp ảnh.
Đâu là thử thách sáng tạo lớn nhất anh từng làm trong sự nghiệp của mình?
Đó là khi tôi bắt đầu đến với con đường nhiếp ảnh, tự chụp các tác phẩm của mình.
Vẻ đẹp của nhiếp ảnh còn bao gồm ánh sáng, anh chưa mạnh ở kỹ thuật nhiếp ảnh, điều này có hạn chế sự sáng tạo trong sản phẩm của Dzũng Yoko không?
Tôi đọc và xem những bức ảnh của Tim Walker, ông cũng đã từng lo lắng vì không quá giỏi về kỹ thuật của nhiếp ảnh, cũng do điểm yếu này mà ông đầu tư vào sáng tạo, bố cục sắp đặt và ý tưởng của bức hình. Ông chỉ dùng 1 nguồn sáng, như mặt trời rọi vào mọi thứ, bạn sẽ nhìn thấy 1 nguồn sáng, và những bức ảnh của Tim Walker, hay những gì bạn nhìn thấy từ cuộc sống, vẫn đẹp với 1 nguồn sáng đó chứ. Quan trọng là bạn nhìn thấy gì, chứ không hẳn ánh sáng là yếu tố quan trọng nhất của một tác phẩm. Mặt khác, thời đại social media khiến mọi thứ chao đảo, chóng vánh, ảo nhiều hơn thực. Ngay cả trong nhiếp ảnh, photoshop có thể làm bức ảnh giả tạo quá đà. Dần dần, người ta muốn nhìn thấy mọi thứ chân thực hơn, thậm chí có những bức ảnh nhìn file raw, lại thấy có nhiều cảm xúc hơn là sau khi sửa.
Anh sản xuất ra bao nhiêu sản phẩm hình ảnh trong vòng một tháng?
Ngoài những bộ hình sản xuất cho Elle Việt Nam, tôi còn sản xuất các bộ hình riêng cho DzungYoko Artbook, đôi khi còn có các campaign, quảng các v.v... Chắc đâu chừng 5-6 bộ hình cho một tháng.
Kế hoạch tiếp theo của Anh là gì? Trong 5 hay 10 năm nữa, anh muốn thấy mình sáng tạo trong lĩnh vực nào khác không ngoài hình ảnh?
Tôi đam mê thời trang nên mong muốn của tôi là làm cho nền thời trang Việt Nam ngày càng vươn xa hơn ra cả thế giới. Trong 5 tới 10 năm nữa, tôi muốn mình là một nghệ sĩ thị giác trong ngành sáng tạo thời trang, hay trong phim ảnh, tôi sẽ vẫn xuất bản artbook và tổ chức những buổi triển lãm riêng của mình. Bên cạnh đó, tôi là người nhạy cảm, tôi bị cảm giác rất buồn khi thấy môi trường bị hủy hoại. Ngay nơi mình sống giữa đô thi văn minh, người ta vẫn nghiễm nhiên xả rác, dùng túi nilon và hộp nhựa không suy nghĩ. Một bãi rác khổng lồ và luôn ô nhiễm bên cạnh không gian được xây dựng đẹp đẽ. Nên trong các tác phẩm thị giác, hình ảnh trong tương lai gần, tôi sẽ thể hiện điều này, thời trang và môi trường. Sự sáng tạo hình ảnh của thời trang phải có ý nghĩa, tôi luôn mong muốn thay đổi được nhận thức của người Việt Nam về môi trường.
Anh làm được nhiều việc thành công, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực nhiếp ảnh thời trang, anh có sợ các Creative Director và Photographer sẽ ghét anh không?
Dù mình làm giỏi hay dở thì đều có người nghét mình, lo sợ người ta ghét để rồi không làm được việc mình yêu thích thì không phải là người sáng tạo, người nghệ sĩ nữa. Tôi và anh trai tôi ít giao thiệp, buổi tối chỉ thích về nhà xem phim. Tôi muốn tập trung suy nghĩ, tư duy để tinh thần không bị tác động xấu. Người ta sẽ thích hay không thích sản phẩm của DungYoko, chứ không phải con người tôi.
Mỗi người sáng tạo đều có “thời hạn” của một chu kỳ rực rỡ, thời thanh xuân của các tác phẩm, sản phẩm nghệ thuật. Anh suy nghĩ mình sẽ làm gì khi “xuống thang” lúc không còn năng lượng sáng tạo dồi dào như bây giờ?
Tôi muốn được làm công việc sáng tạo cả đời với ekip giỏi giang, cầu tiến. Tôi vẫn cố gắng để phát triển tư duy trong sáng tạo, bên cạnh đó nhắm cái mới mình sẽ làm được để lao vào làm.
Nhưng sáng tạo lại cần mạo hiểm, đôi khi phải chọn một con đường khác, anh chưa từng đi, những người đã yêu thích anh, có khi còn không chấp nhận con đường ấy, bỏ anh một mình. Anh có nghĩ, mình đủ mạnh mẽ, bản lĩnh để rời xa hào quang anh đã có không?
Tôi đang hài lòng với công việc hiện tại nên không suy nghĩ quá nhiều, nhưng bản thân luôn thức tỉnh mình phải cố gắng nhiều hơn nữa. Chọn sáng tạo là phải chấp nhận rủi ro.
Tại sao anh lại nhận lời làm Ban Giám Khảo trong Color&Style Trophy 2018?
Với kinh nghiệm nhiều năm đảm nhận vị trí Giám đốc Sáng tạo cho các tạp chí thời trang, tôi nhận thấy mái tóc là một yếu tố rất quan trọng quyết định đến hơn 50% nét đẹp nữ giới, nhưng nếu không đồng điệu với trang phục, lối trang điểm, thần thái và phong cách cá nhân thì không thể đạt được vẻ ngoài hoàn hảo. Cuộc thi năm nay không chỉ là một sân chơi lành mạnh, mà còn là cơ hội cho nhiều thí sinh không chỉ ở lĩnh vực tóc mà còn là nơi cho các bạn có cơ hội tạo dấu ấn cá nhân cũng như thể hiện gu thẩm mỹ thanh lịch. Chính điều này đã khiến tôi thấy rất thú vị và hào hứng nhận lời làm Giám khảo của cuộc thi.
Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn thí sinh năm nay?
Sáng tạo nhưng vẫn mang tính ứng dụng cao, chú ý yếu tố thời trang và quan trọng là có sự hoà hợp về tổng thể.
Những gì anh thấy là sự tương quan giữa sáng tạo hình ảnh và kiểu, màu của mái tóc?
Sự sáng tạo hình ảnh và kiểu, màu của mái tóc theo tôi đều là những nghiên cứu, tìm tòi để tạo ra những gì đẹp nhất. Như tôi trong công việc sáng tạo luôn mong muốn các tác phẩm của mình mang tính duy mỹ cao nhất thì với một nhà tạo mẫu tóc họ cũng muốn làm sao mang đến cho khách hàng một mái tóc được cắt tỉa, tạo kiểu hay nhuộm màu đẹp nhất để bất cứ ai cũng phải đều trầm trồ trước tác phẩm của họ làm ra. Sự tán thưởng của khách hàng chính là niềm hạnh phúc lớn lao của nhà tạo mẫu tóc cũng như các nhà sáng tạo nói chung trong ngành nghệ thuật.
Xin cảm ơn anh! Bạn đọc luôn chờ đợi những tác phẩm đầy đam mê, sáng tạo của DzũngYoko, chúc anh luôn hạnh phúc trên con đường của mình!
Bài viết độc quyền bởi Fashionnet. Creative Director & Photographer Dzũng Yoko - Make up Tùng Châu
Hãy đăng ký cuộc thi nếu bạn yêu thích ngành thời trang, tạo mẫu tóc và chụp ảnh theo đường link https://colorstyletrophy.com.vn/