Biến đổi khí hậu qua lịch sử hội hoạ
Art Các nhà sử học nghệ thuật đang khám phá những bộ sưu tập hội hoạ của mình thông qua lăng kính khí hậu, tiết lộ những mối liên hệ bị bỏ qua giữa quá khứ và hiện tại của chúng ta.
Cuối những năm 1850, nghệ sĩ Frederic Edwin Church quyết định điều hướng ngoài khơi bờ biển Newfoundland của Canada để chuẩn bị cho bức tranh tiếp theo của mình. Cuộc tìm kiếm Con đường Tây Bắc đã thu hút trí tưởng tượng của công chúng trong phần lớn thập kỷ đó và Church - họa sĩ phong cảnh nổi tiếng nhất nước Mỹ - cũng không nằm trong ngoại lệ. Ông thuê một người lái tàu lặn để tiếp cận băng biển và dành nhiều tuần giữa các khối đá đóng băng trước khi quay trở lại xưởng vẽ của mình ở New York với khoảng 100 bản phác thảo.
Bức tranh hoành tráng của Church - The Icebergs (Những tảng băng) đã được giới thiệu trong một cuộc triển lãm ở New York vào năm 1861, chỉ 12 ngày sau cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Cái tên ban đầu và mang tính chính trị hơn (Phương Bắc) phản ánh quan điểm thời đại về Bắc Cực và về băng.
The Icebergs của Frederic Edwin Church - họa sĩ nổi tiếng nhất nước Mỹ - phản ánh quan điểm của xã hội thế kỷ 19 về Bắc Cực (Nguồn: Bảo tàng Nghệ thuật Dallas)
Bức tranh tuyệt vời và hùng vĩ. Các đặc điểm sắc nét của tảng băng trôi như không có sức cản. Một cuốn sách được xuất bản trùng với buổi triển lãm, của một người bạn đã đi về phía Bắc với Church đánh giá rằng: “Rốt cuộc, con người yếu đuối biết bao trước những kỳ quan Bắc Cực này”. Trước khi bức tranh được triển lãm ở London hai năm sau, nghệ sĩ đã thêm một cột buồm bị gãy ở trung tâm của bức tranh, một lời nhắc nhở về sự mong manh của con người.
Karl Kusserow, người giám tuyển nghệ thuật Mỹ tại Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Princeton, giải thích: “Thông điệp đó hoàn toàn trái ngược với những gì các bức tranh về băng hiện đại đang truyền tải. Những tác phẩm nghệ thuật sau này nói về sự tan chảy của băng vì những gì loài người đã làm với nó”.
Kusserow đang nói về các tác phẩm như Ice Watch (Đồng hồ Băng), một tác phẩm sắp đặt của nghệ sĩ Đan Mạch Olafur Eliasson, hơn hai chục khối băng đã bị biến mất khỏi tảng băng của Greenland được đặt ở London, nhắc nhở những người tham quan về Bắc Cực đang tan, mỏng manh và dễ vỡ. Kusserow nói: “Nó cung cấp một góc nhìn cấp bách hơn khi sử dụng băng làm ẩn dụ."
Quan niệm của chúng ta về tự nhiên đã bị thay đổi đáng kể trong thế kỷ trước.
Hai tác phẩm cách nhau chỉ 150 năm - trong chớp mắt đối với loài người và thậm chí ít hơn đối với hành tinh lạnh - nhưng mối quan hệ giữa loài người và băng đã hoàn toàn thay đổi. Vào thời của Church, hiệu ứng nhà kính hầu như không được nhắc đến bởi các nhà khoa học như Eunice Newton Foote và John Tyndall, những người đã thưởng lãm bức tranh ở London. Vào năm 2020, chúng ta đang làm tan băng trên hành tinh theo đúng nghĩa đen.
Tác phẩm Ice Watch của Olafur Eliasson, băng là phép ẩn dụ cho những thiệt hại mà con người đã gây ra cho Trái đất (Nguồn: Olafur Eliasson / Minik Rosing
Khi các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và công chúng cố gắng tìm hiểu về cuộc khủng hoảng khí hậu, các nhà sử học đang nghiên cứu các tác phẩm nghệ thuật có thể tìm ra các câu trả lời (thêm vào đó là một số câu hỏi mới) về mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên đã thay đổi như thế nào, về quá khứ và trình bày ý tưởng của các xã hội về khí hậu và thậm chí về những thay đổi vật lý của hành tinh chúng ta.
Một mối quan hệ đang thay đổi
Một trong những kết luận chính mà các nhà sử học nghệ thuật đưa ra là quan niệm của chúng ta về tự nhiên đã bị thay đổi đáng kể trong thế kỷ trước. Nếu bạn đã đến thăm Bảo tàng Nghệ thuật Princeton trong triển lãm Nature’s Nation: American Art and Environment năm 2018, bạn có thể đã thấy thoáng qua về quá trình chuyển đổi này (mặc dù quá trình chuyển đổi lộn xộn, phi tuyến tính và còn lâu mới hoàn thiện), từ bản chất bất biến sang yếu ớt dần.
Yosemite của Albert Bierstadt, là sự tôn vinh sức mạnh của thiên nhiên trong những năm 1870 và là một phần của triển lãm Nature’s Nation năm 2018 (Nguồn: Bảo tàng Nghệ thuật Bắc Carolina)
Triển lãm do Kusserow đồng phụ trách đã tiếp nối hành trình hơn ba thế kỷ của nghệ thuật Hoa Kỳ. Nature's Nation bao gồm các tác phẩm như Bridal Veil Falls (toàn cảnh thác Bridal Veil), Yosemite của Albert Bierstadt, một lễ tôn vinh sức mạnh của thiên nhiên Hoa Kỳ trong những năm 1870, cho đến tác phẩm tái hiện thế kỷ 21, Fallen Bierstadt (Bierstadt rụng rơi) của Valerie Hegarty, miêu tả một cảnh quan đã từng là tượng đài đang thối rữa, như thể bị xói mòn bởi thời gian hoặc lửa.
Fallen Bierstadt (Bierstadt rụng rơi) của Valerie Hegarty, miêu tả một cảnh quan đã từng là tượng đài đang thối rữa, như thể bị xói mòn bởi thời gian hoặc lửa
Kusserow nói: “Có một sự chuyển đổi chóng mặt từ một thế giới mà chúng ta không kiểm soát được sang một thế giới mà chúng ta buộc phải kiểm soát số phận của nó, và nhận ra rằng chúng ta đang không làm tốt công việc đó”.
Ông lập luận rằng một sự chuyển đổi đáng chú ý, ít nhất là ở Hoa Kỳ, đã xảy ra trong những năm 1960, được thúc đẩy bởi phong trào phản văn hóa và những cuốn sách như Silent Spring của Rachel Carson - chương đầu tiên cũng là một truyện ngắn hư cấu suy đoán. Những thập kỷ tiếp theo, các nghệ sĩ đã chủ động sáng tác những tác phẩm về vấn đề môi trường, vượt lên trên những hình ảnh đại diện lãng mạn về thế giới tự nhiên.
Một trong những tác phẩm đó là Ocean Landmark, một tác phẩm sắp đặt bất chấp khái niệm của Betty Beaumont, được xây dựng từ năm 1978 đến năm 1980. Nó thuộc lĩnh vực ‘nghệ thuật thực địa’ (land art) tương đối nhỏ gọn, được thực hiện trực tiếp trong cảnh quan, điêu khắc từ những nguyên vật liệu tự nhiên.
Ocean Landmark, do Betty Beaumont xây dựng từ năm 1978-1980, là một cách tiếp cận với môi trường trực tiếp hơn đối với nghệ thuật phong cảnh (Nguồn: Betty Beaumont)
Được tài trợ một phần bởi Bộ Năng lượng Hoa Kỳ và Viện Smithsonian, Beaumont đã lấy 17.000 khối tro bếp than đã được trung hòa và đổ chúng cách xa bờ biển New York tới 3 dặm (5km). Than sâu tới 70ft (21,3m) và nằm yên dưới đáy Đại Tây Dương, nơi nó trở thành vật lai tạo giữa tác phẩm điêu khắc và rạn san hô nhân tạo. Tuy nhiên, sự xa xôi của nó và quyết định tạo ra nghệ thuật cho thiên nhiên cũng nói lên điều gì đó khoảng thời gian này.
“Lý do tại sao tôi thích tác phẩm này là bởi bạn không thể trực tiếp nhìn thấy nó. Bởi vì nó ở dưới nước, nó sẽ luôn tồn tại, ở một nơi khác. Tác phẩm cho thấy chúng ta có thể kết nối với môi trường, nhưng không nhất thiết phải chiếm nó làm của riêng,” Francesca Curtis nói, cô sẽ trình bày một bài báo về tác phẩm này tại một hội nghị về lịch sử nghệ thuật và biến đổi khí hậu do Viện Nghệ thuật Courtauld tổ chức vào giữa năm 2020. "Không gian đại dương ở đó, và nó tồn tại, nhưng nó không phải của chúng ta.”
Ocean Landmark cũng thách thức khái niệm thiên nhiên như một thứ gì đó đối lập hoặc ít nhất là khác với văn hóa. Tác phẩm nghệ thuật là rạn san hô, hiện được coi là thiên đường của cá bởi chính phủ Hoa Kỳ. Curtis, một nghiên cứu sinh tại Khoa Lịch sử Nghệ thuật của Đại học York, cho biết: “Bạn không thể tách ý tưởng về môi trường khỏi tất cả các vấn đề chính trị tồn tại ngày nay, chính vì những thứ như biến đổi khí hậu”.
Phần nổi của tảng băng chìm?
Khi Thế kỷ 20 đưa ra những thách thức to lớn đối với môi trường, và những lo lắng xung quanh việc quản lý chất thải, năng lượng hạt nhân và ô nhiễm không khí, nước và hóa chất tăng lên gấp bội, ranh giới giữa tự nhiên và văn hóa bị xóa nhòa.
Cách Ocean Landmark nửa vòng trái đất, một nhóm nghệ sĩ Ấn Độ đã phản ánh và tạo ra tác phẩm về một trong những điểm giao nhau giữa tự nhiên và con người: những vụ tự tử của nông dân. Nhà sử học và giáo dục nghệ thuật Preeti Kathuria đã theo dõi sự phát triển của lĩnh vực này từ đầu những năm 2000, bao gồm tác phẩm của các nghệ sĩ như Kota Neelima, tập thể The Gram Art Project và bộ đôi Thukral và Tagra, đồng thời cô cũng sẽ trình bày tác phẩm của mình tại hội nghị Courtauld.
Bộ đôi người Ấn Độ Thukral và Tagra đã tạo ra các công trình thay đổi khí hậu trong sáu năm, bao gồm một loạt các ngôi nhà trên không, Dominus Aeiris (Nguồn: Thukral và Tagra Studio)
Cô đã nhận thấy sự chuyển đổi ngay cả trong vài thập kỷ qua. Khi các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ nét, các phương pháp tiếp cận của nghệ sĩ cũng vậy. Kathuria cho rằng ô nhiễm không khí là một ví dụ, trong đó những thay đổi trong thành phố đang buộc các nghệ sĩ phải phản ứng. Cô nói thêm: “Đột nhiên, chúng ta không thể tồn tại nếu không có máy lọc không khí. Trước đây chúng tôi chưa bao giờ cần máy lọc không khí ở Delhi. Vấn đề bây giờ đang trở nên trực diện, vì vậy tự nhiên phản ứng của nghệ sĩ trở nên trực tiếp hơn nhiều”.
Các nhà khoa học và nghệ sĩ cũng đã nghiên cứu các tác phẩm nghệ thuật để giúp họ tái tạo lại các điều kiện thời tiết và khí hậu trong quá khứ. Nhà sử học nghệ thuật Theo Gordon, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Courtauld và là người tổ chức hội nghị sắp tới cho biết điều này một phần là do “ý thức về khí hậu” mà người xem hiện đại sở hữu.
Chúng ta giới hạn bản thân trong mục đích đương đại của một nghệ sĩ hay chúng ta cố gắng nhìn thấy những điều khác nữa trong tác phẩm nghệ thuật?
Gordon cho biết: “Cách mà chúng ta đang nghĩ về khí hậu ngày càng đáng báo động hiện nay lại cụ thể về mặt lịch sử,” Gordon nói, đề cập đến cách mọi người vào năm 2020 giải thích thông tin liên quan đến khí hậu, bao gồm nghệ thuật. Có nghĩa là, những người cùng thời với Church vào năm 1860 sẽ không thể hiện ý tưởng về 'khí hậu' với hành trang cảm xúc giống như chúng ta, điều này đặt ra những câu hỏi mới về cách xem những tác phẩm này. Chúng ta giới hạn bản thân trong mục đích đương đại của một nghệ sĩ hay chúng ta cố gắng nhìn thấy những điều khác nữa trong tác phẩm nghệ thuật? Một tảng băng trôi chỉ là một tảng băng trôi, hay nó là một phép ẩn dụ cho cách một xã hội nhìn nhận tảng băng?
Một số ngành cung cấp câu trả lời đơn giản. Các bức tranh và bản phác thảo cho phép các nhà nghiên cứu ở Thụy Sĩ hiểu cách Sông băng Lower Grindelwald, nằm trên dãy Alps, hoạt động như thế nào sau năm 1600 và trước khi nhiếp ảnh được phát minh. Các nhà nghiên cứu đã đồng ý một cách vui vẻ trong một bài báo học thuật được xuất bản vào năm 2018 rằng “với một số lượng lớn tài liệu hình ảnh chất lượng cao, có thể tái tạo lại lịch sử (Kỷ băng hà nhỏ) của nhiều sông băng trên dãy Alps ở Châu Âu từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19.
Bức tranh từ năm 1774 này cho phép các nhà nghiên cứu hiểu được cách sông băng Lower Grindelwald hoạt động như thế nào trước khi nhiếp ảnh được phát minh (Nguồn: Alamy)
Nói một cách đơn giản, nếu bạn so sánh phạm vi quá khứ của các sông băng trong các bức tranh cũ với các quan sát hiện tại, bạn có thể biết một sông băng đã tồn tại bao lâu trước khi chúng ta bắt đầu làm hành tinh nóng lên. Chính vì thế, nó cũng có thể cung cấp câu trả lời cho việc những tảng băng có thể biến mất nhanh như thế nào trong tương lai.
Theo cách tương tự, các học giả từ Hy Lạp và các quốc gia khác đã đề xuất trong một nghiên cứu năm 2014 rằng màu sắc của cảnh hoàng hôn do các nghệ sĩ nổi tiếng vẽ có thể được sử dụng để ước tính mức độ ô nhiễm trong bầu khí quyển của Trái đất trong 5 thế kỷ qua.
Khi nghiên cứu được công bố, nhà nghiên cứu Christos Zerefos, giáo sư Vật lý Khí quyển tại Học viện Athens ở Hy Lạp, cho biết: “Thiên nhiên nói hộ trái tim và tâm hồn của những nghệ sĩ vĩ đại, nhưng chúng tôi đã phát hiện ra rằng, khi tô màu hoàng hôn, cách não bộ cảm nhận màu xanh lá cây và màu đỏ có chứa thông tin quan trọng về môi trường”.
Một nghiên cứu năm 2014 gợi ý rằng các bức tranh bao gồm Hoàng hôn đỏ tươi của JMW Turner có thể được sử dụng để ước tính mức độ ô nhiễm trong 5 thế kỷ qua (Nguồn: Alamy)
Nếu bạn tìm kiếm xa hơn, như nhà sử học người Đức Wolfgang Behringer đã làm trong cuốn sách A Cultural History of Climate (Lịch sử văn hóa của khí hậu), bạn sẽ nhận thấy rằng trước những năm 1500 có rất ít sự xuất hiện của phong cảnh tuyết trong nghệ thuật Tây Âu. Behringer gợi ý rằng nhiệt độ thấp hơn bình thường trong Thời Kỳ băng hà nhỏ đã đẩy các nghệ sĩ châu Âu như Pieter Bruegel the Elder vào một nhánh mới của tranh phong cảnh: phong cảnh mùa đông.
Phân nhánh này bao gồm các tác phẩm như The Hunters in the Snow (Thợ săn trong tuyết) của Bruegel, một bản vẽ miêu tả chi tiết bằng dầu trên gỗ năm 1565 về cảnh mùa đông bình dị. Nhưng ngoài tuyết ra, những chi tiết nhỏ cũng tiết lộ về các khía cạnh văn hóa và xã hội, ví dụ như cách mọi người đang sống với ý tưởng về những thay đổi trong khí hậu.
Nghệ thuật cung cấp góc nhìn để tiếp cận cảnh quan khí hậu trong quá khứ, hiện tại và tương lai của chúng ta mà khoa học không bao giờ có thể làm được
George Adamson, một nhà sử học và địa lý học tại King’s College London, người tin rằng các tác phẩm nghệ thuật giúp chúng ta hiểu cách các xã hội trước đây tương tác với các sự kiện khí tượng, cho biết: “Những người thợ săn có những con chó ở sau lưng. Tôi đếm được 12 hoặc 13 con chó, vì vậy rõ ràng là họ đã ra ngoài để chuẩn bị cho một cuộc săn lớn, nhưng họ cũng có một con cáo trên lưng."
Những khung cảnh mùa đông đó đã để lại một ấn tượng ảm đạm vào những năm 1500, ông nói. Nhưng hãy nhìn vào lần tiếp theo nhiệt độ giảm nhẹ ở Tây Âu, sau những năm 1700, và bạn sẽ thấy một nhận thức khác về khung cảnh mùa đông. “Khi bạn nhìn thấy lại những cảnh tuyết rơi vào thế kỷ 19, họ có xu hướng không thể hiện quá nhiều khó khăn. Trên thực tế, bạn sẽ có được cái nhìn lãng mạn hơn về vùng nông thôn”.
Có ý kiến cho rằng Kỷ băng hà nhỏ những năm 1500 đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ vẽ phong cảnh mùa đông, chẳng hạn như The Hunters in the Snow của Bruegel (Nguồn: Bảo tàng Kunsthistorisches)
Adamson đưa ra một điểm quan trọng, mang nhiều sắc thái: các yếu tố chúng ta thấy trong một bức tranh không tự tạo nên khí hậu. Đây là các điều kiện khí tượng, hình ảnh về thời tiết, thời gian và địa điểm. Chúng ta nên quan sát sự thể hiện về văn hóa của con người sống trong những vùng khí hậu đó thông qua nghệ thuật.
Để lấy ví dụ, sự báo động về tình trạng khẩn cấp hiện tại của chúng ta không nằm trong biểu đồ nhiệt độ hoặc nồng độ carbon trong khí quyển tăng lên. Cuộc khủng hoảng khí hậu và ý nghĩa của nó đối với chúng ta vào năm 2020, được giải thích rõ hơn với các biển hiệu của những người biểu tình, các mảnh vỡ bị bỏ lại sau một cơn lốc xoáy và các bản phác thảo trên bản đồ cháy rừng. Để hiểu đầy đủ về khí hậu, ngay cả trong một bức tranh, chúng ta cần các đồ tạo tác văn hóa (artifacts); người ta phải quan sát những đôi giày và những con chó.
Adamson nói: “Những yếu tố đó có thể cho bạn biết nhiều điều về khí hậu hơn là chỉ quan sát cái nhiệt kế. Nghệ thuật cung cấp một góc nhìn vào cảnh quan khí hậu trong quá khứ, hiện tại và tương lai của chúng ta mà chỉ riêng khoa học không bao giờ có thể cung cấp, chính xác bởi vì nó phản ánh những thất vọng, hy vọng và lo lắng của chúng ta về thiên nhiên. Nó giúp chúng ta hiểu một điều gì đó mà một cuộc khảo sát về tảng băng trôi sẽ không bao giờ đạt được: cho dù tảng băng là nạn nhân hay kẻ phản diện”.
Nguồn dịch: https://www.bbc.com/culture/article/20200528-the-climate-change-clues-hidden-in-art-history
Bài dịch - Nhi Nguyễn
___________________________________________________________
Pro Creative Class I Khóa học SÁNG TẠO 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, học tư duy sáng tạo, để đổi mới, hiểu biết, hành trình của tự do. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM
Creative Class PRO: Những buổi học và bài giảng tạo ra những gợn sóng xung đột trong tâm trí và trái tim bạn, làn sóng cảm hứng bất tận, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng, đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Đây là hành trình của nghệ thuật và tự do, với lời mời hít thở bầu không khí đầy sức sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn và sự thăng hoa của tinh thần.