288
10 Tháng 12 4:58 pm

Triển lãm hội họa Trừu tượng Biểu hiện Trần Hải Minh

 Bảo tàng Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh 97 Phó Đức Chính, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Từ 5:30 chiều, ngày 11 tháng 12 năm 2021 Khai mạc Triển lãm tranh - hội họa Trừu tượng Biểu hiện của họa sĩ Trần Hải Minh.

Làm chủ bút pháp sáng tạo và nhất quán trong cách thể hiện, họa sĩ Trần Hải Minh với con đường biểu hiện nghệ thuật độc đáo, trong khoảng hai năm 2020 – 2021 đã sáng tác hơn 70 bức tranh khổ lớn và nhỏ chất liệu acrylic, sơn dầu trên toan. Triển lãm lần này “trưng bày” những cung bậc cảm xúc, để người xem được nhìn thấy những tác phẩm thăng hoa trong im lặng. Trần Hải Minh được học tập và nghiên cứu phong cách Trừu tượng Biểu hiện* với những bậc thày của hội họa thế giới khi anh là sinh viên tại Berlin. Đã nhiều năm qua, anh cặm cụi làm việc, sáng tạo, thực hành nghệ thuật trong không gian riêng tại M Gallery Thành phố Dĩ An – Bình Dương. 

Poster triển lãm Trần Hải Minh

Người họa sĩ dồn tất cả tâm huyết sáng tạo cho nghệ thuật Trừu tượng Biểu hiện. Cô đơn, tài hoa và luôn trăn trở với nghệ thuật sáng tạo, điều này thúc đẩy anh tìm một “cõi riêng” cho không gian sống và thực hành nghệ thuật của mình. Hội họa Trần Hải Minh như những bản nhạc giao hưởng, bút lực của anh khi bùng nổ, tràn trề cảm xúc, khi tiết chế đúng lúc, đúng thời điểm, tất cả màu sắc và âm thanh hòa quyện thành bản giao hưởng đẹp đẽ thăng hoa. Màu sắc là ngôn ngữ của phong cảnh, của tâm trạng, của toàn bộ nhận thức của Trần Hải Minh về thế giới vật chất. Màu trong tranh Trần Hải Minh là thế giới nội tâm của anh. Là bình minh, là hoàng hôn và những đêm cô đơn trong thế giới hội họa, hay những trăn trở suy tư về cuộc sống, có cả tính biểu hiện và sự trần trụi cảm xúc. Chiều sâu và sự thu hút trong tranh Trừu tượng Biểu hiện của Trần Hải Minh luôn hiện hữu mạnh mẽ, vì ở đó ta luôn nhìn thấy một không gian mở ra. Luôn có một góc trời, có những góc gợi hình ảnh một vật thể từ thiên nhiên, con người... Không gian không phải là 2 chiều phẳng bẹt, mà luôn gợi đến 3 chiều, một không gian mở ra. Đó cũng là một điều mới của Trừu tượng Biểu hiện mà ít hoạ sĩ vẽ theo cách này. Đó cũng là sự khác biệt của Trần Hải Minh.   

Bản hòa tấu - Tranh sơn dầu trên toan khổ 1,4 x 2,6m

Trần Hải Minh đi con đường độc đạo, để bộc lộ sự sáng tạo từ con người của mình. “Tôi qua trời Âu học để trở thành nghệ sĩ người Việt có kiến thức châu Âu, không phải thành một nghệ sĩ châu Âu." Chính những đường nét táo bạo, màu sắc mạnh mẽ và sự tự do trong cách vẽ, mới thể hiện được bản ngã sáng tạo của người họa sĩ. Trần Hải Minh đã dành gần như cả cuộc đời mình cho trường phái Trừu tượng Biểu hiện, để anh có thể tự hào về những bức tranh của mình. Những bức tranh nói lên bản thân anh là ai và những thăng trầm mà anh đã trải trên con đường đã chọn. 

Sáng tạo, sáng tạo, đó là chứng chỉ duy nhất của tài năng! 
Câu nói này của anh, thể hiện quan điểm sáng tạo, sống và làm việc của họa sĩ Trần Hải Minh.

Dưới đây là phần cảm nhận của nhà phê bình nghệ thuật Trần Đán đối với hội họa Trừu tượng Biểu hiện tại Việt Nam và tranh của họa sĩ Trần Hải Minh, được trích từ bài viết đăng tải trên trang Facebook cá nhân của ông:

"Trong mươi năm gần đây, xảy ra những chuyển biến tích cực trong môi trường nghệ thuật Việt Nam. Tranh trừu tượng của Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ ở miền Nam trước 75, cũng như những bức trừu tượng hiếm có của Bùi Xuân Phái, Trần Lưu Hậu, được giới thiệu lại với công chúng. Tranh của Đào Trọng Lưu khơi dậy âm nhạc cổ điển Tây phương. Phạm An Hải thử nghiệm với Trừu tượng biểu hiện với tinh thần Á đông kiệm màu. Bùi Thanh Thủy nhòa màu rất nữ tính theo phong cách trừu tượng trữ tình, tuy cô dùng acrylic nhưng trông như màu nước trên lụa. Nguyễn Vân Chung triệt để tối giản: trong một số tranh, chỉ vỏn vẹn một đường quẹt sơn đen bằng một cây chổi dùng thay cọ trên nền trắng: Rất thiền! Trần Lưu Mỹ mạnh mẽ tìm cách thoát ly bóng của cha Trần Lưu Hậu trong cuộc triển lãm lần đầu thành công năm 2020. Và rất nhiều họa sĩ khác.

Vào thời điểm này vì sao các họa sĩ lại đâm ra say mê phong cách này? Vì sao công chúng và các nhà sưu tập bỗng dưng vồn vã? Phải chăng có một sự trưởng thành về nhận thức mỹ cảm?

Nhắc lại sự ra đời của phong cách Trừu tượng biểu hiện tại Mỹ là để giúp ta phần nào diễn giải vì sao ngày hôm nay, vào thập niên 2010, tức gần 50 năm sau, tại một nước xa xôi như Việt nam, phong cách đó lại được cả họa sĩ lẫn người xem yêu chuộng. Tôi không dám tự xưng mình là một nhà xã hội học, nhưng tôi có thể suy đoán, việc tư duy con người phản ảnh môi trường xã hội xung quanh là không tránh khỏi. Đối với các nước tiên tiến, có thể Trừu tượng biểu hiện không còn mới mẻ, nhưng đối với Việt nam đó là một luồng gió mới. Nó thổi lên một miền đất khô cằn, đang trông đợi cơn mưa rào. 

Trong lần triển lãm sắp đến, tôi tin họa sĩ Trần Hải Minh sẽ được đón nhận một cách nồng nhiệt. Sau nhiều năm mài dũa, anh có một số lợi thế như sau: 

1) Rõ ràng là anh có niềm đam mê. Từ khi ra trường đến nay, anh chỉ vẽ theo lối Trừu tượng biểu hiện. Nguyễn Trung nửa đường thì bỏ sang vẽ các cô gái lãng mạn, thơ mộng. Ông không đi tận cùng của tinh thần Trừu tượng biểu hiện. Một số khác vẽ Trừu tượng biểu hiện có vẽ máy móc, rụt rè, cẩn thận, như những con sông trôi giữa hai bờ đê. Một số khác nữa thiếu “bản năng” về màu sắc, một năng khiếu do bẩm sinh nhiều hơn do đào tạo từ trường lớp. 

2) Có thể nhận thấy từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, gam màu của anh không kém gì Matisse, Gauguin hay Kandinsky. Trong mỗi bức tranh, anh chọn màu như anh chọn những quân lính trung kiên, cùng nhau lâm trận.  Anh cho chúng quần thảo nhau một cách bất ngờ, ngẫu hứng. Anh sử dụng đường nét rất chừng mực, như những vệt tàn dư của ký ức. Về bút lực, ta cảm nhận được sức mạnh của sơn vuột ra khỏi cọ vồ lấy nền toan. Hơn nữa một lớp sơn chưa đủ, họa sĩ còn chồng lên nhiều lớp khiến màu sắc ẩn hiện, tăng cường kịch tính thị giác, khiến ta muốn biết “cái gì bên sau.” Toàn thể bức tranh là một giòng thác của màu chảy vào màu, nét nhập vào nét,  sơn che lấp sơn. Có thể nói hoạ sĩ đã nhập vào sắc màu. Nó không đòi hỏi một tư tưởng nào được cài cắm. Bức tranh  không nói về tự do, vì chính nó đã là biểu thị (làm hiện ra) sự tự do. Và đó chính là tinh thần của Trừu tượng biểu hiện!   

3) Kỹ thuật của Trần Hải Minh ngày càng tinh xảo. Vì sao? Vì anh không ngại thử nghiệm. Nhiều hôm anh trăn trở: Dùng cọ mềm hay cứng? Có nên pha trộn gì vào sơn? Dùng acryilic nước hay bột? Bao nhiêu lớp sơn thì đủ biểu hiện các cảm xúc chồng chất? Bồi thêm đến bao giờ thì đủ? Bôi đến bao giờ thì dừng? Đúng như lời mô tả của nhà phê bình Rosenberg: “trong bức tranh Trường tượng biểu hiện bạn sẽ không gặp một hình ảnh mà sẽ bước vô một đấu trường!” Họa sĩ vật lộn với cảm xúc vô hình: bức tranh là máu và mồ hôi chuyển thành di tích của cuộc tranh vật đó.

4) Người ta nghĩ anh được vô thức dẫn đắt khi vẽ, nhưng không đúng, vô thức thường mang nặng những buồn vui của linh hồn, những dằng xéo của cái tôi, đằng này, theo tôi, cái duy nhất dẫn dắt hội họa Trần Hải Minh là sự tương tác giữa cảm xúc và trí tuệ của anh với vật liệu và thao tác, tạo ra một năng lượng nội tại chất chứa trong bức tranh, sẵn sàng giao thoa với người xem. Cái mà tranh của Trần Hải Minh đã phóng thoát không phải là cái buồn vui của chính anh, mà là cái buồn vui của sơn, của bút, của toan. Anh thật sự đã nhập vào tinh thần của chất liệu.

5) Anh không tự thỏa dễ dàng, không ngại tự kiểm. Nhiều ngày anh thú nhận với tôi anh đã đốt một vài bức tranh không được vừa lòng, “không đến nơi đến chốn.” Vì sao thì khó có ai giải thích được, họa sĩ lại càng không. Không phải vì Trừu tượng biểu hiện là điệu vũ của ngẫu hứng và tự do mà “cái gì cũng chấp nhận được.” Không, nếu ta nghe bài God Bless the Child qua giọng hát của Billie Holiday và qua giọng hát của nữ ca sĩ jazz khác như Diana Ross, Aretha Franklin, Hary Belafonte, v.v... thì cách diễn đạt của Billie Holiday chắc chắn có hồn hơn. Tôi tôn trọng một nghệ sĩ khó tính với chính mình.

6) Với hơn 30 năm tìm tòi thử nghiệm anh đã dần loại bỏ các ảnh hưởng ngoại lai từ các bậc thầy Trừu tượng biểu hiện như Willem de Kooning, Antonie Tapies, Ashyle Gorky, Anselm Kieffer, cũng tương tự như những người này, trong những bước đầu gian nan của họ, đã dần dần loại bỏ ảnh hưởng của trường phái Siêu thực, Biểu hiện, Ấn tượng đi trước. Học của người trước đã khó. Bỏ đi những gì đã học lại càng khó gấp bội.   

Với tinh thần “tiên phong” tôi tin Trần Hải Minh sẽ không dừng thử nghiệm, không dừng phá cách với chính mình, không dừng gột bỏ những ảnh hưởng từ ngoài, để đem lại cho chúng ta những tác phẩm ngày càng phiêu lưu, ngày càng “Hải Minh”. Tôi đã được xem một số phác thảo cho những hướng đi trong tương lai của anh, bỏ lại đằng sau những gì anh làm ngày hôm nay, không phải để phủ nhận nó, mà là để giải phóng năng lượng sáng tạo dưới nhưng dạng khác. Do đó có thể khẳng định Trừu tượng biểu hiện chỉ là một trạm dừng của Trần Hải Minh trên hành trình vạn dặm."

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, người Thày của họa sĩ Trần Hải Minh

Tiểu sử họa sĩ Trần Hải Minh:

Họa sĩ Trần Hải Minh sinh năm 1962 tại Hà Nội

1977 – 1982 Sinh viên hệ trung cấp Mỹ thuật 5 năm tại Đại học Mỹ Thuật Việt nam 

1982 Thi đỗ vào trường Đại Học Mỹ thuật Việt Nam hệ Đại học, bảo lưu để thực hiện nghĩa vụ quân sự 

1982 – 1984 Thực hiện nghĩa vụ quân sự, phục vụ tại Bộ tư lệnh pháo binh QĐND Việt nam 

1985 Sinh viên năm thứ 1 tại Đại học Mỹ Thuật Việt nam

1985 – 1986 Học tiếng Đức tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội 

1987 – 1993 Sinh viên Đại học Nghệ thuật Berlin – (Kunstshochule – Weissensee)

1993 Tốt nghiệp khoa Hội họa trường Đại học Nghệ thuật Berlin 

1992 – 1997 Sống và vẽ tại Berlin 

1997 tới nay, Sống và vẽ tại Berlin và Thành phố Hồ Chí Minh  

11.12 – 17.12. 2021 Triển lãm tranh - hội họa Trừu tượng Biểu hiện của họa sĩ Trần Hải Minh tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh 


Mọi thông tin báo chí, xin vui lòng liên hệ: www.tranhaiminh.vn 

Đại diện truyền thông  Mr. Hồ Thiên Phúc - Số điện thoại: 096 9675654 - Email: hothienphuc@fashionnet.vn 
Quản lý hình ảnh Tác phẩm: Mr. Ngô Hữu Khang Số điện thoại: 090 8182758

-------------------------------------------------------------------------------

Pro Creative Course I Khóa học SÁNG TẠO, 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM. 

Pro Creative Course I Trường đại học 6 ngày với những buổi học và bài giảng sẽ tạo ra những gợn sóng xung đột trong tâm trí và trái tim bạn, làn sóng cảm hứng bất tận, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Pro Creative Course sẽ như một cuốn sách hướng dẫn hành trình của bạn. Đây là lời mời hít thở bầu không khí đầy sức sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn và sự thăng hoa của tinh thần.

 

 

Nguồn gốc cổ đại của màu xanh lá

Nguồn gốc cổ đại của màu xanh lá

Art Màu xanh lá gắn liền với thiên nhiên và những phong trào vì môi trường - nhưng bạn có biết, sự liên hệ đã này bắt nguồn từ hơn hàng nghìn năm trước


AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Art_Painting Những gì làm nên một Nguyễn Tư Nghiêm như "một mệnh đề đứng riêng", theo cách nói của Thái Bá Vân, là các đề tài mang màu sắc văn hoá dân tộc, và cùng với đề tài là các hoạ tiết xuất xứ từ di sản nghệ thuật dân gian. Đề tài trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm là những điệu múa cổ, là hình ảnh Thánh Gióng, là hình ảnh Thuý Kiều & Kim Trọng - những nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học cổ điển Việt Nam, là 12 con giáp trong vòng xoay hoa giáp biểu tượng cho chu trình thời gian theo lịch pháp Á Đông...

Subscription

Fashionnet

Follow us