288
23 Tháng 04 2:18 pm

Bàn về tính sáng tạo trong nghệ thuật

 Nếu hỏi, Người nghệ sĩ phải có một năng khiếu nào không thể thiếu, thì thường câu trả lời là, Nghệ sĩ phải có óc sáng tạo. Ta hãy thử xoắn sâu thêm vào, Thế Sáng tạo là gì, thì đa số chúng ta sẽ trả lời, Là tạo ra cái gì MỚI. Vậy làm sao thẩm định được Cái Mới trong nghệ thuật?

*Bài viết và hình ảnh được cung cấp từ họa sĩ Trần Đán*

Đến đây chúng ta thường dừng lại, không đi xa hơn. Ta ngại vấp phải vòng luẩn quẩn của phản đề, Không phải tất cả cái mới là sáng tạo. Ví dụ máy vi tình có thể tạo ra một bức tranh chưa ai từng thấy (mới), nhưng không ai cho nó là một tác phẩm do sáng tạo nghệ thuật. Vậy thì cái mới phải có những đặc tính gì mới đáng được xem là sáng tạo?

Tôi đề nghị chúng ta nên xét đến hai yếu tố chính: một là lĩnh vực tác động, và hai là chất lượng. 

Leonardo da Vinci - Mona Lisa (1503)

Về yếu tố lĩnh vực tác động trong nghệ thuật, ta phải xét xem cái mới thuộc lĩnh vực Tạo Hình hay Tạo Nghĩa. Về đề tài này mời bạn đọc tiểu luận đã đăng của tôi “Tạo Hình Và Tạo Nghĩa Trong Nghệ Thuật Thị Giác.” Nói ngắn gọn, người nghệ sĩ có thể sáng tạo trong cách nhìn mới về sự vật hay tạo ra những hình thể mới không có trong thiên nhiên (tạo hình) hay trong cách biểu đạt ý tưởng một cách mới (tạo nghĩa). Đa số nghệ sĩ không rõ mình đang giải một bài toán tạo hình hay tạo nghĩa, những quan tâm quá xa vời đối với họ. Nhưng tất cả các nghệ sĩ lớn, những người mở đầu cho các trường phái nghệ thuật, đều ý thức về việc đóng góp của họ nhằm đem lại một lời giải cho bài toán nào nói trên.

Ở đây tôi tập trung bàn về yếu tố thứ 2, tức chất lượng của cái mới. Mọi người đều biết không phải kết quả của sáng tạo đồng đều như nhau.  Cùng sáng lập ra Lập Thể nhưng vì sao Picasso nổi tiếng hơn Braques. Cùng thực hành Siêu Thực nhưng vì sao Rene Magritte được trân trọng hơn Salvador Dali, Y Tanguy, Max Ersnt? Trong nghệ thuật cũng như trong dân chủ: có sự bình đẳng trong CƠ HỘI sáng tạo, nhưng không nhất thiết có sự bình đẳng trong KẾT QUẢ sáng tạo. Vậy điều gì khiến tác phẩm này được xem có chất lượng hơn cái kia? Xoắn sâu thêm nữa, ta sẽ phải thẩm định 3 chiều kích khác nhau của chất lượng.

Ba chiều kích của chất lượng

Chiều kích thứ nhất là CHIỀU SÂU của biến đổi. Tức ta cần trả lời câu hỏi, Từ cái cũ sang cái mới, sự khác biệt rất đậm nét hay chỉ lướt qua, tận gốc hay chỉ bề nổi? Nó đã làm đảo lộn cái gì mà trước đó ta cho là đương nhiên?

Marc Quinn - Self (2016)

Chúng ta đều biết cái mới không “từ trên trời rơi xuống” mà nó được bồi đắp trên những cánh đồng đã cày cấy trước. Không có Cezanne thì không có Picasso. Không có Dada thì không có Siêu Thực. Không có Siêu Thực thì không có Trừu Tượng Biểu Hiện. Một minh chứng khác là mỗi nghệ sĩ lớn cũng kinh qua không ít nhiều phong cách của những nghệ sĩ đi trước, trước khi phát hiện ra một phong cách độc nhất cho riêng mình. Picasso vẽ lãng mạn biểu hiện trước khi vẽ lập thể. Pollock vẽ lập thể trước khi vẽ trừu tượng biểu hiện. Nhưng ta có thể nghiệm suy xem mỗi bước tiến tới là một bước “nhún” hay một bước “nhảy vọt.” 

Tôi xin lấy ví dụ: Từ Hậu Ấn Tượng của Van Gogh và Gauguin sang Biểu Hiện của Matisse, Edvard Munch và Franx Marc, sự thay đổi về phong cách khác nhau như thế nào? Trong cả hai chúng ta có thể nhận thấy màu sắc ngày càng xa rời màu trong thiên nhiên. Nhìn vào bức tranh Đêm Ngợp Sao (1889) của Van Gogh ta không khỏi cảm thấy choáng ngợp vì màu lam đậm phủ lên toàn thể cảnh quan từ ruộng đồng, nhà cửa, đến núi non và mây trời. Nhìn qua bức tranh Tiếng Gào của Edvard Munch ta lại thấy cảnh quan phía sau lồng lộng màu sắc. Và trong cả hai, các hình dạng cũng bị bóp méo không còn trung thực với thiên nhiên. Trong bức của Van Gogh, hàng cây phía tay trái bùng lên uốn éo như một ngọn lửa, còn trong bức của Munch con người ở tâm điểm cũng bị uốn vặn bởi những lực vô hình. Lý do là cả hai phong cách Hậu Ấn Tượng và Biểu Hiện đều muốn dùng màu và hình dạng để thể hiện cảm xúc một cách mạnh mẽ. Khác nhau chỉ ở chỗ Biểu Hiện thực hành một cách cực đoan và đồng bộ hơn. Thế thì sự chuyển đổi Hậu Ấn Tượng sang Biểu Hiện có thể được xem là có cường độ biến đổi loại “nông” (như trong nông cạn). Tôi cũng không hiểu vì sao lịch sử hội họa lại gọi hai phong cách đó bằng tên gọi khác nhau thay vì cho Van Gogh và Gauguin là hai vị thành lập ra trường phái Biểu Hiện. 

Ansel Kìefer - Rorate Caeli Desuper (2016)​

Ngược lại sự khác biệt giữa Biểu Hiện và Lập Thể là khá triệt để, và do đó ta có thể xem sự sáng tạo của Lập Thể có cường độ biến đổi “sâu” hơn.” Trong khi Biểu Hiện, đặc biệt qua Matisse, mặt tranh được biểu thị phẳng hơn, thì Lập Thể Phân Tích cấu trúc mặt tranh như 3 chiều gần như điêu khắc. Phương pháp Matisse sử dụng là loại bỏ luật xa gần, vẽ vật xa và vật gần cùng kích thước (ảnh hưởng của hội họa Nhật Bản) trong khi Picasso tái tạo hình dạng theo cách nhìn từ nhiều góc độ, tạo ảo giác 3 chiều. Lập Thể cũng phá vỡ hình dạng trong thiên nhiên thành từng cấu phần rồi ghép chúng lại theo một cấu trúc hình học. Ta lấy ví dụ bức Các Chi Em Xóm Avignon (1907) của Picasso. Những thân hình phụ nữ hoàn toàn mất nét mềm mại, được biểu thị  như những vách đá thô cứng, nứt rạn và lởm chởm. Bên tay mặt của tranh mặt của 2 thiếu nữ hiện ra như hai mặt nạ châu Phi, cho thấy ảnh hưởng từ đó. Việc làm này làm rối loạn cảm thụ thị giác đến cực độ nên lúc đầu phong cách này bị lên án dữ dội. Lầu đầu thấy bức tranh ấy bày tại Salon D’Antin năm 1916 (mặc dù đã hoàn thành năm 1907 và có tên Ổ Điếm Xóm Avigon), Matisse tưởng đâu là “trò đùa.” Chính Braques cũng phản ứng chống lại trước khi ông qui phục và cùng Picasso triển khai trường phái Lập Thể. Có phải lý do là vì trước đó ta xem chỉ có sự hài hòa thị giác mới là đẹp? Và Picasso đã cố tình phá nát sự hài hòa thị giác, mà vẫn tạo ra được một cái gì “càng nhìn càng đẹp”? So với một diễn tiến chậm chạp hơn như Hậu Ấn Tượng sang Biểu Hiện, Lập Thể là một cơn địa chấn trong lịch sử hội họa châu Âu, xứng danh là một cuộc “cách mạng.”


Pablo Picasso - Guernica (1937)

Một câu hỏi phụ là có phải chiều sâu của cái mới còn có thể được xem là “sâu” khi ta đi từ một cái gì đơn giản sang một cái gì phức tạp? Ví dụ khi ta đi tự Tối Giản, mà theo lời Frank Serra  “cái gì bạn thấy là tất cả cái gì để thấy” sang Ý Niệm, nơi cái ý niệm trong tác phẩm thường bị khuất lấp, đòi hỏi người xem phải động não để thâm nhập vào. Theo tôi câu trả lời như sau: Để thực hành phương pháp tối giản, tiến trình không hề đơn giản như tác phẩm cuối cùng thể hiện. Ngược lại một tác phẩm ý niệm, trong tay một nghệ sĩ thiếu tài, dù có tham vọng được xem là phức tạp nhưng thật ra hời hợt, lỏng lẻo thì cũng thiếu chiều sâu. Nên ta cần cẩn thận khi đánh giá chiều sâu của cái mới. 

Chiều kích thứ 2 là CHIỀU RỘNG nhân văn. 

Ta hãy so sánh tác phẩm từ cùng một họa sĩ, ví dụ họa sĩ Biểu Hiện Edvard Munch. Vì sao người đời sau lại nhớ đến nhiều nhất bức Tiếng Thét của ông trong cả trăm bức ông đã vẽ? Có phải vì nó gợi đúng tâm tư con người cảm thấy bị thất lạc trong một xã hội trên đà kỹ nghệ hóa như vũ bão mà họ không còn hiểu nổi? Điều kiện đó không những xảy ra cho châu Âu vào thời của ông (cuối thế kỷ thứ 19) mà lần lượt xảy ra cho tất cả các nước trên thế giới. Nó báo hiệu con người trong thế giới phi lý theo chủ nghĩa hiện sinh của Kieerkeguard, Nietzsche và Sartre. Ta cũng biết tác phẩm Guernica của Picasso để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ người xem nào, dù họ đến từ Tây hay Đông. Vì sao? Vì tuy nhắc đến cuộc dội bom thành phố Guernica bởi Đức Quốc Xã trong Cuộc Nội Chiến Y Pha Nho, nhưng nó sử dụng nghệ thuật tạo hình độc đáo của Lập Thể để tả sự tàn phá nói chung của mọi cuộc chiến trên thường dân vô tội. Những tay chân đứt đoạn, những mắt miệng thét gào, những thú và người  đau đớn quằn quại, không hề biết quốc gia, dân tộc là gì. Nó có thể xảy ra bất cứ ở đâu. Bề sâu nhân văn cũng được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm Tân Biểu Hiện của Anselm Kiefer. Kiefer sinh ra tại Đức ngay khi  Đại Chiến thứ II chấm dứt. Trong khi hội họa thế giới nhất là từ Mỹ đã tránh đề cập đến những vấn đề bức xúc nhất của xã hội đương thời – phương châm của Trừu Tượng Biểu HIện, Tối Giản, Pop Art – thì Kiefer không ngại bộc bạch các đề tài nóng bỏng của nước Đức của ông, nhưng cũng là của cả nhân loại: Làm sao hàn gắn tội lỗi của cả một dân tộc, mầm mống của sự tàn ác từ đâu ra và phải trừ khử thế nào, v.v…?  

Kazimir Malevich - Dynamic Suprematism (1915)

Nói cho rõ, cái chiều rộng nhân văn tôi nói ở đây không chỉ là một thái độ, một thông điệp về xã hội rộng lớn. Khi Monet, Renoir, Degas dạy ta cách nhìn mới về ánh sáng, truyền cho ta cảm giác thư thái vô biên khi nhìn bức tranh ấn tượng, đó theo tôi cũng nằm trong chiều rộng nhân văn. Khi Kandinski, Klee, Mondrian chỉ cho ta thưởng thức một bức tranh trừu tượng dựa trên kết cấu màu sắc, đường nét tinh tế của nó mà không hề nhắc nhở đến tính dân tộc, tính văn hóa địa phương, thì vô hình chung đã “nối vòng tay lớn” nhân loại. 

Chiều rộng của cái mới còn được thể hiện qua tầm ảnh hưởng của nó lên các nghệ sĩ khác. Đơn giản mà nói đó là những người lập ra các “trường phái” nghệ thuật. Họ là những người tiết ra từ những “phong cách” mới những nền tảng tư duy và nguyên tắc thực hành cơ bản, lập thành một hệ thống chỉnh chu mà ta gọi là “trường phái.” Từ đó các thực hành viên tự nguyện tham gia và giúp nó lan rộng.Tất nhiên so sánh hai trường phái về độ ảnh hưởng không hề dễ. Ta chỉ có thể so sánh số nghệ sĩ thành công khi theo một trường phái nào đó, không thể đếm hết những người thực hành trường phái đó. Theo cách thẩm định đó thì Malevich và Kandinski là hai người có chiều rộng tầm cỡ như 2 sáng lập viên của trường phái trừu tượng. Malevich và trường phái Tối thượng (Suprematism) của ông chính là cội nguồn của toàn bộ hội họa trừu tượng, nhưng rất tiếc ông bỏ ngang nó khi tham gia cách mạng tháng 10 bên Nga. Kandinski bỏ Nga sang Đức và trở thành người hoàn chỉnh tinh thần và các qui tắc của nó. Từ đó đến nay số các tác phẩm hội họa trừu tượng ngang ngửa với số có hình.

Chiều kích thứ 3 là CHIỀU DÀI thời gian tức tầm ảnh hưởng theo thời gian. 

Nhằm thẩm định chiều kích này ta sẽ tìm cách trả lời câu hỏi, tác động của tác phẩm nghệ thuật có bền vững với thời gian không? Dĩ nhiên điều này cần chính thời gian trả lời và do đó ta không thể đánh giá chiều kích này đối với các tác phẩm sinh sau. Nhưng ta có thể đánh giá những tác phẩm xa xưa còn được lưu giữ trong các bảo tàng viện, hoặc các tác phẩm gần hơn được mang ra trưng bày trong những cuộc triển lãm hồi cố một nghệ sĩ (retrospective). Trong 4 danh họa Ý thời Phục Hưng Michelangelo, Da Vinci, Raphael và Titian, chỉ bức chân dung Mona Lisa của Da Vinci là còn lan tỏa vẻ đẹp huyền bí đến tận hôm nay (lý do vì sao xin dành cho bài viết khác.). Về Van Gogh, suốt cuộc đời ông chỉ bán được vỏn vẹn 1 bức tranh, nhưng đến cuối đời tiếng tăm bắt đầu lan tỏa khắp châu Âu và các đồng nghiệp bắt đầu sưu tập tranh ông (Anna Boch, Paul Gauguin, Émile Bernard, Toulouse-Lautrec, Émile Schuffenecker, Edgar Degas.) Đại chiến thứ I xảy ra, các nhà sưu tập châu Âu sa sút, các nhà sưu tập Anh và Mỹ có dịp vét tranh ông.Từ đó đến nay thanh danh của ông lên như diều.

Vincent Van Gogh - Self-Portrait (1887)

Nói tóm lại đế đánh giá chất lượng của độ mới do sáng tạo, ta có thể đánh giá theo từng chiều kích rồi tổng kết lại. Phương pháp này không phải là hoàn hảo nhưng khả dĩ loại bớt tính chủ quan trong thẩm định. Và từ đó ta có thể đưa ra một nhận định về sáng tạo một cách phong nhiêu nhất. Một nghệ sĩ “sáng tạo” phải nhắm đến thay đổi được một nhận thức nghệ thuật trong chức năng tạo hình hay tạo nghĩa, hay cả hai. Về chất lượng, muốn được tương đối khách quan, tôi đề nghị nên nghiệm xét qua 3 chiều kích: 1) Chiều sâu biến đổi, 2) Chiều rộng nhân bản, 3) Chiều dài thời gian. Từ 3 chiều kích đó ta có thể nói thêm là cái mới sáng tạo nhất là cái mới tạo ra biến đổi sâu thẳm nhất, có giá tri nhân văn rộng nhất, và bền vững với thời gian nhất. 

Một yếu tố mà tôi để ngoài là môi trường. Cái này có thể mới trong một môi trường văn hóa, lịch sử nào đó (ví dụ nước đang phát triển hay “ngoại vi”) nhưng không mới với môi trường văn hóa, lịch sử khác (ví dụ nước phát triển hay “trung tâm”). Điều có thể nhận xét là với toàn cầu hóa và internet, các môi trường nói trên có xu hướng hòa nhập, cái mới ngoại vi sẽ được so sánh với cái mới trung tâm. Cái nào ảnh hưởng đến cái nào sẽ là một đề tài khác.

Gây shock để sáng tạo?

Một câu phản biện là "Thế gây shock có phải là cách đạt đến sáng tạo nhanh nhất không?" Ví dụ sau Thế Chiến Thứ Nhất nhóm Dada hô hào loại bỏ tôn giáo, lòng yêu nước, lật đổ lý tính, làm nghệ thuật phản-nghệ-thuật gây shock để phản kháng toàn bộ các giá trị của nền văn minh Tây phương họ cho là nguyên nhân của cuộc đại chiến. Francis Bacon vẽ chân dung Đức Giáo Hoàng như một con thú nhe nanh vuốt. Damien Hirst gây shock với tác phẩm Sự Bất Khả của Nỗi Chết Thể Xác trong Tâm Trí Một Người Sống khi trình bày một con cá mập ngâm trong một hồ nước chứa chất chống vữa formaldehyde. Gần đây các nghệ sĩ không ngại phô diễn bạo lực và dục tính. Một tác phẩm gây shock của Marc Quinn là bức tượng tạc đầu của ông, cứ 5 năm một lần được tái tạo từ 4,5 lít máu đông của chính ông rút dần trong 5 tháng để biểu hiện tiến trình già nua. Vậy có thể xem đó là sáng tạo không? Một câu hỏi thật gai góc. Ta không thể một mặt đòi hỏi sáng tạo phải tìm cái mới, mặt khác phủ nhận cái mới vì nó không đồng nghĩa với Cái Đẹp. Bạn có thể tham khảo bài viết của tôi về Vòng Luân Hồi của Cái Đẹp để thấy Cái Đẹp không phải là một khái niệm bất biến. Nhưng để trả lời ta phải có thái độ gì với các tác phẩm gây shock, tôi đề xướng: hãy để "trăm hoa đua nở." Nếu xã hội nào tạo ra nó lành mạnh trong căn cốt thì các loại tác phẩm đó sẽ dần bị đào thải, người xem sẽ mau chán, hoặc được chấp nhận trong tinh thần thấu cảm (ví dụ Bacon.). Còn nếu xã hội đó băng hoại từ trong căn cốt thì các tác phẩm đó sẽ không làm xã hội đó băng hoại thêm. Nguyên do của sự băng hoại nằm ở chỗ khác! Một cái có thể rất mới, rất khác lạ, cố ý làm kinh ngạc như Dada, nhưng không có chiều rộng nhân văn, sẽ không đạt được chiều dài thời gian, một trong 3 chiều kích cần thiết cho sáng tạo. Lịch sử nghệ thuật chứng thực điều đó: trào lưu Dada chỉ hưng thịnh trong vòng 8 năm (1916 – 1924.)

Marcel Duchamp, the Dadaist - LHOOQ (Elle a chaud au cul - 1919)​

Nhiều bạn có phê bình là cách đánh giá của tôi quá “duy lý,” thậm chí quá “Tây phương.”  Còn nhiều kích thước khác mà phương Đông ta thường dùng như cái “thần” của nghệ sĩ. Khi được hỏi thế cái “thần” đó là gì thì họ không trả lời được. Tôi nghi ngờ đó là cái mà ta gọi “thiên tài,” hay tài năng thiên phú. Vì nhận thức này khó định nghĩa và chủ quan nên ta chỉ có thể tôn trọng hay không tôn trọng nó chứ không thể đem ra so sánh hay bàn luận. Còn tôi thì tin hơn vào nhận xét của nhà sáng chế Thomas Edison, “thiên tài là 1% xuất thần và 99% lao động.” 

Một nhận xét cuối cùng: Thử hỏi nghệ sĩ khi làm việc có quan tâm đến những điều nêu trên không? Đối với đa số thì tuyệt nhiên là không. Như những con thiêu thân, họ chỉ biết lao vào nghệ thuật theo bản năng, theo trực giác. Họ chỉ muốn “vẽ cái gì họ thích, vẽ cái gì họ cảm xúc”. Không ai cấm đoán điều đó. Họ cho phần phân tích là dành cho nhà phê bình, công chúng, và các nhà sưu tập. Họ quên rằng Van Gogh và Gauguin đã trao đổi với nhau hàng trăm bức thư phân tích, diễn giải cách nhìn và kĩ thuật của nhau, thúc đấy sự tìm tòi của nhau, cho đến ngày cả hai người đơm hoa kết trái. Tại salon của nhà sưu tập Gertrude Stein, Matisse và Picasso đã có những cuộc tranh luận sôi nổi về những hạt giống hội họa gieo bởi Cezanne để cuối cùng mỗi người chọn một được đi, đường nào cũng vang dội thế giới đến muôn đời sau.

Không có tìm tòi một cách có ý thức và hệ thống chúng ta sẽ không bao giờ có được sáng tạo sâu rộng, mà chỉ mong có được vài nghệ sĩ “thiên tài.” Đừng quên "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao." Hãy trân trọng từng viên gạch sáng tạo từ nhỏ đến lớn. Hãy đừng mơ tưởng đến một lâu đài nghệ thuật hoành tráng mà không có những viên gạch đó.

________________________________________________

G Studio 

Art Design Center 

vietnamcolor.vn - fashionnet.vn

Contact: 0903788646 - 0903975081

Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \

Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)

30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City 

 

Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn. 

HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Art_Painting Sinh viên tốt nghiệp tại trường Imperial College London, Nicole Stjernsward đã phát minh ra Kaiku, một hệ thống giúp chuyển hoá thực vật thành các loại bột màu từ quá trình ứng dụng công nghệ bay hơi.


VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

Pro_Creative ĐI & VỀ, ĐI để vẽ nên màu của mình, chúng ta là Màu Việt Nam. Khi người nghệ sĩ chọn chất liệu, họ say mê bề mặt của giấy, toan, đất, vải, vóc, sơn hay bất kỳ kết cấu nào tạo ra cảm xúc để sáng tạo. Người thưởng ngoạn hít thở sâu, nhắm mắt, lắng nghe từ trực giác, mở mắt để thấu cảm màu sắc, hình, khối, vẻ quyến rũ từ chất liệu, tài năng của người nghệ sĩ, hòa nhịp làm nên câu chuyện sáng tạo. Khi bắt đầu chạm, sẽ hiểu rồi yêu, điều này vô cùng quý giá cho hành trình khám phá nghệ thuật ĐI & VỀ, ĐI của mỗi người.

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Subscription

Fashionnet

Follow us