288
24 Tháng 04 5:01 pm

Sắp đặt "Giăng tơ" và "Trở về" của nghệ sĩ Thu Trần

 Họa sĩ Trần Đán: "Tuy Thu Trần muốn biểu lộ một nhân cách Việt, muốn tôn vinh một truyền thống Việt, muốn “trả ơn” cho văn hóa Việt, nhưng tác phẩm chính nó đã vượt khỏi tay cô, đã thuộc về nghệ thuật của nhân loại khi biểu đạt được một nguyên tính của cuộc sống: sự cộng sinh của muôn loài. "

*Bài viết và hình ảnh được cung cấp từ họa sĩ Trần Đán*

Để viết bài này, rất tiếc tôi chỉ được xem ảnh của 2 tác phẩm mang tên Giăng Tơ (tháng 4, 2019) và sau đó là Trở Về (tháng 1, 2021) của nữ nghệ sĩ Trần Thị Thu. Hai tác phẩm dùng cùng một biểu tượng là khung cửi dệt lụa. Đối với Trở Về tôi không có dịp đứng dưới chân đồi PAM Hill tại bản Chiềng Đi, xã Chiềng Đi, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, để nhìn tác phẩm lên màu rực rỡ trong đêm nhờ các ánh đèn LED đủ màu. Tôi không được đứng gần ngước nhìn lên nó để đủ cảm nhận tầm vóc của cái khung cửi 5 mét  đường kính, không được nhìn xuống ruộng đồng xung quanh và đồi núi xa xa ôm nó vào lòng, không được nghe tiếng gió lộng trong các “đuôi” dài bằng lụa. Nhưng tôi vẫn tưởng tượng ra được sự hoành tráng của nó. 

Nghệ sĩ Trần Thị Thu

Trên thế giới ngày nay sắp đặt là hình thái nghệ thuật được ưa chuộng của nhiều nghệ sĩ lớn. Vì sao? Nghệ thuật sắp đặt chủ trương điều gì, sinh ra trong hoàn cảnh nào? 

Nghệ thuật sắp đặt được triển khai một cách có hệ thống và đa dạng nhất là từ thập niên 1960 trở đi bên phương Tây. Nó xuất hiện do nhu cầu biểu lộ những ý tưởng ngày càng phức tạp của trường phái nghệ thuật ý niệm. Ta có thể xem nó là sự lai giống giữa điêu khắc và ý niệm. Với cấu trúc ít nhất 3 chiều (còn có thêm nhiều chiều khác như thời gian và âm thanh nếu ta thêm video), không giới hạn loại vật liệu, thường là kích thước lớn để hòa nhập vào cảnh quan xung quanh, và với mục đích không phải để trang trí hay mô phỏng sự vật mà là để chuyển tải một ý nghĩa, nghệ thuật sắp đặt trở thành một hình thái cần thiết cho các nghệ sĩ ý niệm muốn vượt khỏi khả năng biểu ý chật hẹp và những giới hạn về vật liệu của điêu khắc hay hội họa. Không những thế sắp đặt còn cho phép kết nối trong cùng một tác phẩm nhiều hình thái nghệ thuật khác nhau như hội họa, điêu khắc, video.

Khu vườn Narcissus, Yayoi Kusama (Ảnh: DailyArt)

Cũng như Trần Thu, Yayoi Kusama khởi đầu là họa sĩ với các “chấm polka”. Nhưng tác phẩm làm cô nổi tiếng là Khu Vườn Narcissus đặt ngoài trời. Đó là một khu vườn Nhật thanh lịch, với những ao sen thơm ngát. Trôi trên nước là 1500 quả cầu bằng thép không rỉ phản chiếu gương mặt người xem được thu nhỏ lại. Nó tái tạo nhân vật Narcissus trong huyền thoại Hy Lạp vì qua mê say nhan sắc của mình trong gương nên tự vẫn vì không chiếm hữu được nó. Tác phẩm giễu nhại lòng ái kỷ của con người. Doris Salcedo tái tạo sự mất mát về cả thế xác lẫn linh hồn sau những năm dài tăm tối dưới nền độc tài quân phiệt Columbia bằng những biểu tượng như chiếc bàn, chiếc ghế mất một chân, một tay. Nghệ sĩ Ann Hamilton nói về những người lao động bị lãng quên qua tác phẩm Màu Xanh Chàm, thu gom các quần jeans của những lao động nông nghiệp nhập cư còn đẫm mồ hôi. 

Như các nghệ sĩ sắp đặt giới nữ trên thế giới vừa nói, Trần Thu trước hết là một nghệ sĩ ý niệm. Hoặc nói cách khác, nếu không khởi đầu bằng một ý niệm nào đó thì không thể có tác phẩm sắp đặt. Tác phẩm không được làm ra chỉ từ cảm xúc hay từ sự ngẫu hứng. Nó cũng không được dừng ở khía cạnh tạo hình, chỉ nhằm làm đẹp cảnh quan, mà phải đi sâu vào tạo nghĩa.  Nó phải được thai nghén từ một ý niệm. Và ý niệm càng nhân bản chừng nào thì tác phẩm càng thấm vào lòng người bấy nhiêu. 

Vậy ý niệm của cô là gì trong hai tác phẩm này?

Tác phẩm sắp đặt "Giăng tơ" của Trần Thị Thu, Hội An, 2019

Tôi, một người xem, phải cảm ơn cô vì đã cô đã minh bạch ý niệm bên trong qua tên đặt tác phẩm: Giăng Tơ và Trở Về. Từ đó tôi dễ dàng suy đoán tác phẩm thứ nhất gợi ý cuộc sống là một tiến trình “giăng tơ." Nếu kiếp con tằm là chăm chỉ ăn lá dâu và nhả tơ, rồi tơ được dệt thành lụa, thì con người cũng thế, không những giăng tơ theo nghĩa vật chất, tức chắp nối các cấu trúc di truyền thành cơ thể, xung điện qua các cụm não bộ để thành tư duy, mà còn theo nghĩa tinh thần, tức liên kết với gia đình và cộng đồng để sinh tồn và phát triển. Người nghệ sĩ cũng thế, dù muốn dù không, cũng cọ xát với thực tế, giao tiếp với lịch sử, xã hội để nhả ra những tác phẩm nghệ thuật. Còn Trở Về là sự trở về của chính nghệ sĩ, đem đứa con tinh thần của mình – tác phẩm Giăng Tơ– về trong vòng tay ôm ấp của Người Mẹ Thiên Nhiên đã nuôi dưỡng chuỗi sáng tạo dâu-tằm-tơ-lụa-nghệ-thuật.

Ý tưởng đó từ đâu đến? 

Trần Thu lớn lên trên vùng Tây Bắc từ lúc lên 8, khi cô đi cùng cha mẹ lên vùng kinh tế mới. Lúc thiếu thời nhìn những người đàn bà vùng núi miệt mài quay tơ, cô thấy đó là biểu tượng của sự cần cù, nhẫn nại, tiếp nối hành trình nhả tơ của con tằm. Người và sinh vật cùng chia sẻ một chuỗi sinh tồn. Lớn lên cô được đào tạo bài bản tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà nội, và đã có gần 20 năm kinh nghiệm thực hành nghệ thuật.  Qua nhiều năm tháng, cô ấp ủ 2 điều: một là đi xa hơn thiên nhiên một bước, không để chuỗi sáng tạo tự nhiên đó dừng ở sinh tồn mà phải nối liền nó với nghệ thuật, với khả năng của nghệ thuật tạo ra những thế giới song song vô cùng phong nhiêu làm giàu thực tại, và hai là làm điều gì đó để bồi đáp sự nuôi nấng tinh thần mà cô nhận được từ thiên nhiên, từ những người phụ nữ Việt trong truyền thuyết hay văn chương, từ cả nền văn hóa Việt. Cô nói, cô “cần sửa mình mỗi ngày để tác phẩm được đẹp hơn để trả lại cho cuộc đời một sự trả ơn nào đó mà chính tôi không làm được.”  Dần dần cô nhận ra sắp đặt là phương tiện lý tưởng để cô thỏa mãn hai ước vọng trên. Điều đặc sắc trong cô, khác với các nghệ sĩ sắp đặt hàng đầu thế giới, là cô đem cả hội họa vào sắp đặt, tạo ra những giao cảm thị giác độc đáo. 

Sắp đặt "Giăng tơ" rực rỡ nổi bật khi về đêm

Quyết định đặt tác phẩm sắp đặt đầu tay của cô tại thành phố Hội An, ngày xưa gọi là cảng Faifo, cũng có chủ ý. Từ thế kỷ thứ 15 đến 19, đó là một hải cảng sầm uất của người Chăm, rồi sau đó của người Việt, tấp nập các thuyền buôn từ Trung Quốc và Nhật Bản, đem hàng lụa và gốm Việt đi tứ xứ (có cái được tìm thấy tận Ai Cập.) Họ gọi đó là “con đường tơ lụa trên biển.” Thế nhưng , đối với Trần Thu, những bàn tay và khối óc của những người phụ nữ làm ra chúng ít được biết đến. Đó là động lực khiến cô chọn thành phố vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới để nói về nghề tơ lụa.   

Cô thực hiện dự án đó như thế nào ?

Hội họa châu Á chúng ta trước giờ và cả ngày hôm nay vẫn xem lụa là chất liệu lý tưởng để biểu hiện sự mềm mại. Vẽ màu nước kết hợp với giặt nhiều lần cho phép tạo ra sự mờ ảo thơ mộng của tranh ta như trong tranh của Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ,  Lê Phổ, Lê Thị Lựu. Nhưng trong tay Trần Thu thì khác. Cô ấy chẳng tí nương tay. Cô ấy căng nhiều tấm lụa trên cây rồi cùng lúc “xử lý” chúng. Cô vừa tạt sơn, vừa quẹt sơn. Như một nhạc trưởng sung sức, cô làm mưa làm gió trên lụa. Cô biến các dải lụa trắng nhìn xuyên suốt thành những bức “tranh” trừu tượng biểu hiện độc đáo. Nhưng cô tự đặt cho mình thử thách còn khó hơn cả họa sĩ Trừu Tượng Biểu Hiện Jackson Pollock. Nếu Pollock chỉ bị gò ép trên mặt toan trong giới hạn của viền và mặt phảng toan kích thước lớn, cô phải vẽ trên các tấm lụa giăng khắp các thân cây và luôn chuyển động dưới gió, mà diện tích tổng thể có thể lớn hơn toan lớn nhất của Pollock. Tôi có thể suy ra tay chân và não của cô trong khi vẽ phải xử lý đồng thời nhiều chiều kích. Hơn nữa, theo lời cô, “quá trình làm bộ tranh 2 mặt là một trong những việc khó khăn nhất của tôi, tôi phải tính toán sao cho mỗi mặt của lụa trong nhìn thấu sang nhau mà vẫn hỗ trợ được cho nhau về không gian, hình mảng và ánh sáng tác động của bên ngoài vào.” Nói tóm lại cái mặt bằng cô phải làm việc với vừa rộng lớn hơn, vừa nhiều hướng hơn và vừa không ngừng chuyển động. Chỉ nhìn các bức lụa đó một cách riêng rẽ tôi cũng đã khâm phục năng lượng của lao động sáng tạo. 

Tác phẩm sắp đặt "Trở về", Sơn La, 2020

Tại Hội An tác phẩm Giăng Tơ gồm 7 khung cửi, mỗi cái quấn những dải lụa màu sắc khác nhau. Sau khi lụa vẽ xong, cô cho căng chúng trên những chiếc khung cửi bằng sắt khổng lồ đường kính 3,5m, chiều dày 3,50m, và nặng 240 kg. Các tấm lụa được đan xen trên khung cửi rất bắt mắt. Để làm được điều đó cô không còn đóng vai nghệ sĩ nữa, mà phải đóng vai nhạc trưởng: phác họa ý niệm, ấn định vật liệu, điều hành xây dựng. Đội cô phải mất 12 ngày mới xây xong tác phẩm. Nằm giữa khu nghỉ dưỡng hiện đại Almanity Hội An Wellness Resort, tác phẩm làm tăng thêm vẽ hiện đại của cảnh quan xung quanh. Theo tôi nó sẽ nổi bật hơn nữa nếu cô đặt nó giữa lòng phố cổ Hội An, như điêu khắc gia IM Pei đặt kim tự tháp bằng kính hiện đại giữa sân điện Louvres cổ kính. Không lâu sau, tác phẩm lại được dựng lại tại Coco Bay, Đà Nẵng. Ngoài ra từ các tấm lụa vẽ trừu tượng, cô cũng hợp tác với nhà thiết kế Phạm Hồng để có được những buổi trình diễn thời trang rất ấn tượng.

Trong tác phẩm Trở Về, tôi ngạc nhiên và khâm phục tinh thần mạo hiểm của cô. Cô đã lôi tác phẩm từ một nơi quen thuộc (đối với khán giả thị tứ) như khu nghỉ dưỡng và đặt nó lên một đồi cao trên vùng đất hoang vu của Sơn La (đất của gia đình người bạn nghệ sĩ dương cầm Phó An My.) Liệu hiện đại có hòa nhập được vào thiên nhiên? Liệu đó là một sự trở về suông sẻ hay đầy bất trắc? Tác phẩm gồm đơn độc một khung cửi đường kính 5,7m đặt trên một tháp bằng cây sắt nối lại. Những hôm gió lớn, tháp gần muốn đổ. Cô cài vào khung 5,000 mét lụa làm nên những chiếc đuôi dài phất phơ trước gió. Ban đêm hệ thống đèn LED tự động luân phiên thay màu thắp sáng tác phẩm giữa đêm khuya. 

Đa số tác phẩm sắp đặt trên thế giới đều nằm im bất động bên trong một kiến trúc nghiêm túc– một gallery, một viện bảo tàng.  Trong tác phẩm Trở Về, cô đã đưa nó ra ngoài thiên nhiên. Nơi đó cô – và người xem - dự phóng nhưng không bao giờ biết chắc hiệu ứng của sự tương tác giữa tác phẩm và gió, ánh sáng tự nhiên, thời tiết, và âm thanh từ ruộng đồng sẽ như thế nào. Điều này mang đến những cảm nhận bất ngờ. Những dải lụa dài chảy xuống đồi làm tôi liên tưởng đến những con suối nhỏ hòa quyện nhuần nhuyễn vào núi đồi xung quanh. Cảm nhận thị giác là sự mềm mại đan xen giữa tác phẩm và địa hình. Cảm nhận tư duy là người xem, cũng như con tằm, sợi tơ, khung cửi, cảm thấy mình là một phần của thiên nhiên bao la. Tuy Trần Thu muốn biểu lộ một nhân cách Việt, muốn tôn vinh một truyền thống Việt, muốn “trả ơn” cho văn hóa Việt, nhưng tác phẩm chính nó đã vượt khỏi tay cô, đã thuộc về nghệ thuật của nhân loại khi biểu đạt được một nguyên tính của cuộc sống: sự cộng sinh của muôn loài. 

Tác phẩm "Trở về" ma mị dưới ánh đèn vào buổi đêm

Nghệ thuật sắp đặt, tuy chưa đến công chúng một cách rộng rãi, đã được triển khai tại Việt Nam từ thập niên 1990. Gần đây nó được thực hành khá nghiêm túc tại TP.HCM (Sàn The Factory Art) và tại Hà Nội (nhóm Trần Lương) bởi nhiều nghệ sĩ trẻ.  Một số tác phẩm được đưa ra ngoài trời, ví dụ Mây Pha Lê đặt tại đồi Mâm Xôi, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái. Nó là quần thể gồm các cột tre kết hợp thép, phía trên sử dụng lưới thép mềm tạo hình đám mây và 59.000 hạt pha lê được treo trên cột tre tạo ra một khung cảnh thơ mộng. Tuy vậy tác phẩm này chưa đúng nghĩa là một tác phẩm sắp đặt vì nó gợi cảm ở tạo hình nhưng không mang một ý nghĩa nhân văn nào. Đúng ra nó nên được xem là một tác phẩm điêu khắc ngoài trời. Tác phẩm Giăng Tơ và Trở Về dứt khoát là những tác phẩm sắp đặt.  Chúng là những  tác phẩm nghệ thuật vừa tạo hình quyến rũ, vừa tạo nghĩa ẩn dụ đầy tính nhân văn. Đặc biệt với tác phẩm Trở Về, Trần Thu đã làm mới ở hai điểm: một là đưa tác phẩm ra khỏi không gian chật hẹp của gallery, và hai là kết hợp hội họa với sắp đặt, khác với đa số các nghệ sĩ sắp đặt sử dụng những vật liệu có sẵn thay vì những sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao do chính mình tạo ra. Salcedo, Hamilton và cả Ai wei wei đều thiếu kỹ năng đó. 

Được biết cô được mời sang Hà Lan và Mỹ (nhưng do cô vi nên lùi lại), tôi tin chắc cô sẽ theo Con Đường Tơ Lụa Trên Biển vươn xa hơn nữa.

---------------------------------------------------------------------------------------

Pro Creative Class I Khóa học SÁNG TẠO 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, học tư duy sáng tạo, để đổi mới, hiểu biết, hành trình của tự do. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM

Creative Class PRO: Những buổi học và bài giảng tạo ra những gợn sóng xung đột trong tâm trí và trái tim bạn, làn sóng cảm hứng bất tận, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng, đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Đây là hành trình của nghệ thuật và tự do, với lời mời hít thở bầu không khí đầy sức sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn và sự thăng hoa của tinh thần.

 

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Art_Painting Sinh viên tốt nghiệp tại trường Imperial College London, Nicole Stjernsward đã phát minh ra Kaiku, một hệ thống giúp chuyển hoá thực vật thành các loại bột màu từ quá trình ứng dụng công nghệ bay hơi.


VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

Pro_Creative ĐI & VỀ, ĐI để vẽ nên màu của mình, chúng ta là Màu Việt Nam. Khi người nghệ sĩ chọn chất liệu, họ say mê bề mặt của giấy, toan, đất, vải, vóc, sơn hay bất kỳ kết cấu nào tạo ra cảm xúc để sáng tạo. Người thưởng ngoạn hít thở sâu, nhắm mắt, lắng nghe từ trực giác, mở mắt để thấu cảm màu sắc, hình, khối, vẻ quyến rũ từ chất liệu, tài năng của người nghệ sĩ, hòa nhịp làm nên câu chuyện sáng tạo. Khi bắt đầu chạm, sẽ hiểu rồi yêu, điều này vô cùng quý giá cho hành trình khám phá nghệ thuật ĐI & VỀ, ĐI của mỗi người.

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Subscription

Fashionnet

Follow us