THINH - THING - THINK: Tác phẩm tối giản, ý niệm hay gì khác?
Art_Painting Trong thế giới song song do mình tạo ra, nghệ sĩ Đào Châu Hải đã thuần thục và thậm chí giải phóng các tác phẩm khỏi hai chủ thuyết phổ biến nhất trong điêu khắc cận đại là tối giản và ý niệm, tự do khai phá không gian, vật thể và ý tưởng như trong tựa đề THINH - THING - THINK.
Bước vào thế giới song song mà Đào Châu Hải bày ra trong không gian Manzi, một quần thể điêu khắc/sắp đặt, đã thật sự làm tôi chấn động thị giác. Đầu tiên là cảm giác bơi trong bóng tối bao trùm. Mất một khoảng khắc mắt tôi mới có dịp lội về những ngọn hải đăng ánh sáng chiếu từ trần xuống hay tự đất lên. Dần dần mới nhận ra có những cái đập vào mắt và có những cái thấp thoáng. Có những cái sắc bén và có những cái mềm mại. Có những cái trụ mặt đất và có những cái lủng lẳng trên không. Từ từ tôi để các kích thích thị giác ngấm vào não như các hương vị từ một tô bún bò Huế - những thứ mà tôi gọi là cảm-xúc-tiền-tư-duy.
Chẳng bao lâu thì cái tư duy của tôi nó lại nổi lên một cách rất phiền toái và đặt ra những câu hỏi loạn xà ngầu: Cái này gợi những ý tưởng gì? Cái kia biểu tượng cho cái gì? Phiền toái bởi vì mình phải đối diện với cái không-có-gì-rõ-ràng-trong-nghệ-thuật-hiện-đại, cái xa-cách-bất-khả-liền-giữa-tác-giả-tác-phẩm-và-người-xem. Toàn là đoán mò. Nhưng có thể tác giả đang diễu cợt tính tò mò tư duy của người xem và muốn châm chọc, chằng có gì sâu sắc để HIỂU, Cứ việc NHÌN cho đã con mắt là được?
Suy tư vì cái phản ứng mông lung của mình tôi cố tra tìm xem các vị tiền bối trong nghệ thuật thế giới đã nghĩ thế nào về nghệ thuật điêu khắc cận đại với hi vọng tìm được cách diễn giải các tác phẩm của Đào Châu Hải. Hai chủ thuyết ứng dụng nhất vào điêu khắc cận đại là Tối giản và Ý niệm. Vậy ta thử xem họ nói gì.
Năm quy định trong Tối giản
Tối giản là một chủ thuyết nghệ thuật phản kháng lại Biểu Hiện Trừu Tượng lúc bấy giờ ở Mỹ vào thập kỉ 1950. Chủ yếu nó quan niệm chủ đề của nghệ thuật không phải là nghệ sĩ/tác giả - phát hiện ra họ cảm xúc gì, làm gì, nghĩ gì khi tạo ra tác phẩm - mà chủ đề của nghệ thuật là vật thể của tác phẩm - nó hiện ra như thế nào, tương tác với không gian xung quanh ra sao. Dần dần chủ thuyết đó đặt ra những qui định về thực hành nghệ thuật khá chặt chẽ. Chúng ta thử xem đó là những qui định nào và tác giả có tuân thủ hay không. Dưới đây tôi liệt kê các qui định cơ bản nhất nhưng không theo thứ tự về độ quan trọng.
Qui định thứ nhất là khai thác triệt để các thuộc tính của vật liệu. Châu Hải đã chọn chất hợp kim nhôm, một loại kim khí có độ đặc bằng 1/3 của sắt, tức mềm hơn, dễ cắt hơn. Nó cũng đễ tương tác với chất oxy trong không khí để tạo ra một lớp mỏng ngoài có khả năng chống rỉ. Và mặt nó bóng, có khả năng phản chiếu ánh sáng. Một mặt tác giả ghép các miếng nhôm mỏng vào nhau để gợi cảm tưởng chuyển động như trong bức tranh Người Đàn Bà Bước Xuống Cầu Thang của Marcel Duchamp. Hoặc anh dùng chúng để tạo ra chiều sâu nhân tạo như trong phương pháp lập thể. Một mặt khác tác giả dùng tính phản chiếu của gương đặt trong bể nước, hoặc của chất nhôm chính nó, đế tạo ra những không gian ảo đánh lừa thị giác người xem. Cộng vào đó là việc anh dùng bóng tối như một chất liệu liên kết tất cả các cấu trúc trên, như một chất keo vô hình hòa quyện không gian. Qua hình dạng khá khúc mắc và nhiều chiều của các phức hợp nhôm, qua cách chơi bóng đỗ như một bản hòa tấu, và qua sự tương phản giữa chất cứng và chất lỏng, ánh sáng và bóng tối, anh đã tạo ra một thế giới song song vô cùng hấp dẫn. Nếu đó chỉ là một tác phẩm đơn thuần thị giác, hoàn toàn phi-ý-tưởng thì tôi cũng đã cảm thấy bị lôi cuốn.
Qui định thứ 2 – đưa đến việc đặt tên chú thuyết này là Minimalism hay Tối giản - là hình thể tự nhiên phải được tiết lọc ra thành các hình thể hình học đơn thuần nhất. Vì thế các bức điêu khắc tối giản đều cấu trúc từ hình trụ, hình cầu, hình nón, v.v… Trong các tác phẩm trước đây của Hải, khuynh hướng tối giản khá mạnh vì hoàn toàn không có bóng dáng của vật thể nào có trong hiện thực. Nhưng trong dự án này thì các hình thể, tuy rất tinh giản, nhưng vẫn chưa đủ “tối giản”. Trong số lớn tác phẩm, ta vẫn còn nhận ra hình thù, tuy đã được trừu tượng hóa khá nhiều, gợi ý về con chim trong hiện thực. Điều này được xem là tối kỵ trong Tối Giản. Theo tôi thì Hải đã không tuân thủ qui định này và ta sẽ thấy vì sao.
Qui định thứ 3 là bàn tay người nghệ sĩ không được tham gia trong qui trình cấu tạo tác phẩm. Các tác phẩm của Donald Judd, Frank Stella, Sol De Witt là những khối vật liệu công nghiệp hiện đại như sắt thép được cắt, đúc, hàn tại những công xưởng chuyên nghiệp. Dan Flavin thì chuyên sử dụng các đèn huỳnh quang (fluorescent) thương mại. Khi sử dụng chất nhôm công nghiệp được cắt bằng kĩ thuật số CNC bởi các các thợ chuyên, Hải đã tuân thủ qui định này.
Qui định thứ 4 là không biểu đạt cảm xúc của tác giả. Như ta thấy trong các tác phẩm Trừu tượng Biểu hiện (De Kooning, Jackson Pollock, Robert Motherwell) sự thể hiện một cách phóng túng cảm xúc của tác giả qua đường nét và màu sắc dữ dội, thậm chí đầy bạo lực như trong tác phẩm "Người Đàn Bà" của De Kooning, được khuyến khích. Tối giản chủ trương ngược lại. Đứng trước các khối hình đa phần với kích thước đồ sộ của họ, các nghệ sĩ tối giản khuyến khích cảm xúc trầm ngâm, tĩnh lặng, mời người xem thâm nhập vào sự hiện diện của vật thể. Rõ ràng là Hải gần gũi với Tối Giản hơn Trừu Tượng Biểu Hiện.
Qui định thứ 5 và là qui định quan trọng cuối cùng tôi muốn bàn đến là tác phẩm không được ẩn chứa bất cứ một ý tưởng nào. Theo thuyết Tối giản, mọi ý tưởng đều phù du và tạm thời. Chỉ có vật chất là tồn tại. Hơn nữa họ quan niệm tư tưởng là phạm trù của triết hoc, xã hội học, văn chương, tâm lý học, nghiên cứu lịch sử... nhưng nhất quyết là không phải của nghệ thuật thị giác. Họ muốn nghệ thuật thị giác chỉ quan tâm đến những gì dính dáng đến NHÌN. Một qui định phụ kèm theo là một tác phẩm tối giản không được có đề tựa vì đề tựa có thể ẩn chứa mật mã để giải mã ý nghĩa của một tác phẩm. Vì lý do đó nên nhiều tác phẩm tối giản mang tên “ Vô Đề” kèm theo một con số.
Đến đây thì rõ ràng Châu Hải đã cố tình vi phạm một qui định cơ bản của tối giản. Qua việc anh đặt tên cho dự án là THINH – THING – THINK, anh đã từ chối tự trói mình trong khuôn khổ của Tối giản. Thoạt đầu qua hai yếu tố THINH - THING, tôi ngỡ anh khẳng định mình theo con đường Tối giản. Thinh không và vật thể đều là sân chơi của Tối giản, Nhưng khi anh thêm vào yếu tố THINK, thì anh đã bắt tôi, người xem, phải suy nghĩ. Hình dạng nửa-chim-nửa-người được lập đi lập lại biểu tượng cho gì? Có phải cấu trúc cột trụ có ý nghĩa tôn giáo như cây totem trong các nền văn hóa bản địa không? Có phải anh đã khởi đầu theo con sông Tối giản rồi khi thấy nó quá chật chội anh đã chọn con đường cam go hơn là tiến ra biển khơi Ý niệm bao la, bát ngát? Ta hãy nghiệm tiếp.
Chủ thuyết Ý Niệm nói gì?
Tuy sau này những người theo chủ thuyết ấy tuyên dương Marcel Duchamp là sáng lập viên với tác phẩm Đài Phun Nước năm 1917 nhưng mãi đến thập niên 1950 chủ thuyết ấy mới bắt rễ. Đồng thời với Tối giản, Ý niệm là một phản ứng chống lại Trừu tượng Biểu hiện. Trong khi Tối giản chủ trương lấy vật chất làm trọng tâm thì hoàn toàn ngược lại Ý niệm đặt ý tưởng lên hàng đầu. Trong tác phẩm "Đài Phun Nước", Duchamp bày ra một bồn tiểu thông dụng, viết lên vài chữ rồi gọi nó là tác phẩm nghệ thuật. Họ xem nhẹ việc làm ra tác phẩm nghệ thuật và chỉ tuyên dương ý tưởng đã khai sinh ra tác phẩm ấy. Nói cách khác chức năng của nghệ sĩ Ý niệm là tạo nghĩa, không phải tạo hình.
Với thời gian một số các nghệ sĩ Ý niệm theo chân Duchamp và khinh thường kỹ năng tạo hình một cách thái quá. Trong tác phẩm của Damien Hirst "Tính Bất Khả Tín của Sự Chết trong Nhận Thức Một Người Sống" , một con cá mập được bảo dưỡng trong một lồng kính bằng chất formaldehyde. Con cá mập, lồng kính là những sản phẩm có sẵn trong thiên nhiên hoặc do công nghệ dân dụng làm ra, hoàn toàn không do trí sáng tạo của tác giả. Càng về sau, họ càng quay trở lại phát huy kỹ năng tạo hình bởi nghệ sĩ. Hình dạng hạt đậu khổng lồ làm toàn bằng gương của tác phẩm "Cổng Mây" (còn được gọi là Hạt Đậu) hoàn toàn do tác giả Anish Kapoor thiết kế ra. "Con Nhện" của Lousie Bourgeois, "Khu Vườn của Narcissus" của Yayoi Kusama là do nghệ sĩ tư duy ra mặc dù họ đều có đội ngũ chuyên viên hùng hậu để hoàn thành tác phẩm. Rõ ràng Châu Hải đã chọn khuynh hướng sau này: nhuần nhuyễn thể hiện cả hai kỹ năng tạo hình lẫn tạo nghĩa.
Vậy thì Hải muốn truyền tải ý tưởng gì? Tôi có hai cách để trả lời. Và trong tinh thần “hậu-hiện-đại” cả hai cách đều khả dĩ. Không có cách nào được xem là độc tôn.
Một là tôi hỏi thẳng tác giả. Và hai là tôi phải suy đoán từ tác phẩm.
Tôi mạn phép tác giả được suy đoán trước như một người xem độc lập khỏi tác giả. Ngẫm về những gợi ý qua hình thức tạo hình của anh, về cái cảm xúc bàng hoàng, hơi bị kích động, đi đôi với tâm thức mơ hồ, tôi chỉ có thể suy diễn ra một điều. Cái ý tưởng khai sinh ra tác phẩm này phải là ý tưởng Tự Do. Tự do khai phá không gian, vật thể và ý tưởng như trong tựa đề THINH- THING-THINK. Phải chăng anh đã đã tạo hình cho một cái gì vô hình là lòng khao khát tự do? Những cánh chim nhịp nhàng, những ánh sáng bay nhảy, những hình thể tự do, những thực thể cắt lớp, những phản chiếu đa chiều, và đặc sắc nhất là việc sử dụng bóng tối bao trùm để biểu tượng cho bản chất của hiện tại mà con người phải vượt lên trên. Thế thì cũng dễ hiểu vì sao lòng tôi lao xao, tư duy tôi vô định. Tôi, một con người, chỉ có thể hướng đến chứ không bao giờ biết được tự do tuyệt đối, làm sao không khỏi cảm thấy náo nức trong lạc lõng?
Chân dung nghệ sĩ Đào Châu Hải
Tôi chưa có dịp hỏi Hải, nhưng mặc kệ. Có phải Roland Barthes đã viết quyển “Cái Chết của Tác Giả” (1967) để nói khi một tác phẩm được sinh thành thì nó không còn thuộc về tác giả. Cái ý nghĩa mà tác giả đặt ra cho tác phẩm chỉ là một trong nhiều ý nghĩa, đa phần do người xem suy diễn, và không có ý nghĩa nào đúng tuyệt đối.
Dù thế nào đi nữa thì cái thế giới song song mà anh đã tạo ra, nơi hòa quyện sức sáng tạo mãnh liệt về cả tạo hình lẫn tạo nghĩa, cũng đáng trải nghiệm, đáng suy ngẫm không phải trong phút chốc mà trong dài lâu. Tôi tin rằng nó tạo được một bước ngoặt trong nghệ thuật Việt Nam.
Bài viết và hình ảnh được cung cấp từ họa sĩ Trần Đán
_____________________________________________________________________________
Pro Creative Class I Khóa học SÁNG TẠO 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, học tư duy sáng tạo, để đổi mới, hiểu biết, hành trình của tự do. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM
Creative Class PRO: Những buổi học và bài giảng tạo ra những gợn sóng xung đột trong tâm trí và trái tim bạn, làn sóng cảm hứng bất tận, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng, đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Đây là hành trình của nghệ thuật và tự do, với lời mời hít thở bầu không khí đầy sức sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn và sự thăng hoa của tinh thần.