Art that Changed the World I Trường phái Lập thể
Art_Painting Là kết tinh sáng tạo của Georges Braque và Pablo Picasso, Lập thể được đánh giá phong trào hội họa hiện đại mang tính cách mạnh nhất và đã truyền cảm hứng cho nhiều phong trào khác trên thế giới
Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.
Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.
Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.
PHẦN 5B: TRƯỜNG PHÁI LẬP THỂ (1907 - 1920)
Phá vỡ để kiến tạo
Trường phái Lập thể - cũng như chủ nghĩa Biểu hiện - được phát triển trong thời đại khi xe hơi, máy bay, rạp chiếu phim vừa xuất hiện và nhiếp ảnh đang dần trở nên phổ biến. Sự phát triển của nhiếp ảnh đóng vai trò quan trọng, bởi vì điều đó cũng có nghĩa rằng hội họa không còn gắn liền với vai trò truyền thống là tái tạo hình ảnh con người, địa điểm và vật thể một cách chân thật trên mặt phẳng. Thay vào đó, các họa sĩ có thể khám phá những góc nhìn mới đối với các vật thể, đôi khi là từ những góc nhìn khác nhau trong cùng một thời điểm, như trong bức "The Smoker" của Juan Gris. Trường phái Lập thể xuất hiện vào khoảng năm 1907, ban đầu chỉ trong tranh của hai họa sĩ Pablo Picasso và Georges Braque. Nhưng cho đến năm 1911 nó đã nổi tiếng nhờ vào các tác phẩm của những nghệ sĩ cấp tiến tại Paris như Gris, Marcel Duchamp, Fernand Lesger, Robert & Sonia Delaunay và Jean Metzinger. Sau đó nó tiếp tục được phổ biến rộng rãi đến Ý, Anh, Nga và cả Mĩ với các tác phẩm của họa sĩ Charles Sheeler.
The Smoker, Juan Gris, 1913, Museo Thyssen-Bornemisza, Madrid, Tây Ban Nha
Trong bức chân dung vẽ nhà tài trợ nghệ thuật người Mĩ Frank Haviland, Gris đã phân tách những nhân tố cấu thành khuôn mặt và sắp xếp lại chúng. Những gam màu mạnh mẽ sau này mới trở thành đặc trưng của chủ nghĩa Lập thể - các tác phẩm trước đó gần như chỉ có các tông màu đơn sắc.
BỐI CẢNH
Vào thời điểm chuyển giao của thế kỉ 20, các ngành khoa học, công nghệ, du lịch, và truyền thông phát triển vượt ngoài tầm tưởng tượng. Albert Einstein khi ấy đang cách mạng hóa thế giới với vật lý, dấu vân tay được sử dụng lần đầu tiên để điều tra các vụ án mạng, và thiết bị radio (điện tín không dây) được lắp đặt tại văn phòng và trên tàu thuyền. Đối với hội họa thời điểm này, Pablo Picasso và Georges Braque là hai nhà tiên phong của cuộc cách mạng mang tên "Lập thể."
Các loại hình nghệ thuật khác cũng đang chứng kiến những cuộc cách mạng của riêng mình. Ví dụ, Igor Stravinsky đã biên soạn bản hòa nhạc “The Rite of Spring” cho đoàn múa ba lê của Serge Diaghilev. Vào đêm mở màn tại Paris năm 1913, nhà hát gần như đã nổ tung khi khán giả phấn khích với tính chất avant-garde của âm nhạc và vũ đạo của Vaslav Nijinsky. Hội họa đương đại cũng có khả năng khơi gợi những phản ứng mạnh mẽ như vậy. Vào thời điểm đó, trường phái Lập thể đã có thể đi theo xu hướng lúc bấy giờ là phản ứng, hay minh họa những học thuyết nâng cao của khoa học và triết học, nhưng Picasso và Braque chưa bao giờ hình thành mối liên hệ đó, và cũng không dành thời gian cho chúng. Những sự thay đổi liên tục khắp thế giới chắc chắn đã thúc đẩy những phong cách mới được hình thành, nhưng Picasso đã khẳng định rõ ràng rằng: “Trường phái Lập thể đã có và sẽ luôn nằm trong những giới hạn của hội họa, và cũng sẽ không bao giờ giả vờ như đã vượt qua chúng.” Picasso và Braque chưa bao giờ chọn những tư tưởng hiện đại hay công nghệ làm chủ đề tranh. Mặc dù phong cách Lập thể mang tính đột phá, họ vẫn chọn những chủ đề quen thuộc như phong cảnh, con người, nhạc cụ và tĩnh vật như cách những họa sĩ trước đây đã làm.
Cả hai người nghệ sĩ đều được bảo trợ tận tình bởi những người mua tranh, vì thế họ có thể tùy ý chơi đùa với cùng một chủ đề. Trái ngược với họ, những nghệ sĩ Lập thể khác phải cạnh tranh với nhau trên thị trường để mưu sinh, vì thế họ thường chọn những chủ đề bắt mắt hơn. Những phong trào xuất phát từ Lập thể như Vị lai và Vorticism được truyền cảm hứng bởi những đột phá công nghệ như ngành hàng không.
Nhà phê bình Louis Vauxelles đã vô tình đặt tên cho phong trào này khi ông nhận xét một buổi triển lãm diễn ra vào năm 1908 và 1909, sử dụng những thuật ngữ “khối lập phương” và “những khối lập thể kì quái.” Không lâu sau, nhiều họa sĩ khác bắt đầu theo đuổi nó, và trường phái Lập thể đã truyền cảm hứng cho những phong trào ở các địa điểm xa xôi khác - Chủ nghĩa Vị lai tại Ý, Vorticism tại Anh, Chủ nghĩa Kiến tạo (Constructivism) tại Nga, và Hiện thực Lập thể (Precisionism) tại Mĩ.
NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT
Picasso và Braque có cá tính rất khác nhau, nhưng tại thời điểm họ có chung tầm nhìn đối với các tác phẩm của mình. Thay vì tái tạo chính xác những gì họ thấy, họ thử nghiệm bằng cách “bóc tách” và sắp xếp lại chủ thể của mình, khiến nó trông như thể đang được xem từ nhiều góc nhìn cùng lúc trong cùng một thời điểm.
Mặt nạ nghi lễ tại Gabon, cuối thế kỉ 19 hoặc đầu thế kỉ 20 là một trong những tác phẩm nghệ thuật châu Phi tiêu biểu đã ảnh hưởng đến các họa sĩ Lập thể
Nghệ thuật châu Phi đã cuốn hút Picasso cũng như các nghệ sĩ Lập thể khác. Cũng như phần lớn những nghệ sĩ cấp tiến, họ bị phấn khích bởi sự rực rỡ và khả năng biểu hiện ấn tượng. Một số trong đó còn sưu tầm mặt nạ thổ dân châu Phi, lúc bấy giờ có giá thành rất rẻ và phổ biến tại những cửa hàng đồ cổ ở Paris.
Mont Sainte-Victoire, Paul Cézanne, 1904, Kunsthaus, Zürich, Thụy Sĩ
Paul Cézanne là một nguồn cảm hứng chính của trường phái Lập thể. Ông đã không cố gắng tạo chiều sâu với quy tắc phối cảnh truyền thống, mà thay vào đó thử nghiệm từ những góc nhìn khác nhau đối với chủ thể của mình. Ông không vẽ vẻ ngoài hoa mỹ của phong cảnh thiên nhiên, mà thay vào đó tìm cách tạo chiều sâu thông qua màu sắc, hình khối để khơi gợi cảm quan và cảm xúc người xem trước vẻ đẹp vĩnh cửu, tiềm tàng của thiên nhiên.
Daniel-Henry Kahnweiler chính là nhà buôn tranh đã kết nối Picasso và Braque với nhau. Ông cũng là người lăng xê trường phái Lập thể, đại diện cho Fernand Lesger, Juan Gris, và các họa sĩ Dã thú như André Derain và Maurice de Vlaminck.
Woman Holding a Fruit, Paul Gauguin, 1983, Hermitage Museum, St.Petersburg, Nga
Paul Gauguin đã truyền cảm hứng cho trường phái Lập thể thông qua cách sử dụng những hình khối phẳng tinh giản. Ngoài ra ông cũng có niềm đam mê với những nền văn minh “nguyên thủy” (đặc biệt là người Polynesia) và tinh thần phóng khoáng, tự do đặc trưng của ông được thể hiện rõ rệt qua các tác phẩm.
ĐIỂM NGOẶT
Les Demoiselles d’Avignon
Pablo Picasso 1907 MoMA, New York, NY
Bức tranh kinh điển này không chỉ được coi là sứ giả báo hiệu sự khai sinh của trường phái Lập thể, mà còn là một cột mốc quan trọng trong lịch sử hội họa. Vứt bỏ đi mọi ý tưởng phổ biến về hình dáng, màu sắc, và phối cảnh, cách nó tách biệt khỏi hội họa truyền thống quá mạnh mẽ và sáng tạo đến mức một vài người bạn thân thiết và cộng sự của Picasso cũng không khỏi bị choáng ngợp và kinh ngạc. Tác phẩm này không được xuất hiện trước công chúng mãi cho đến năm 1916. Năm người phụ nữ trong bức tranh đều là gái mại dâm - tiêu đề bức tranh cũng lấy cảm hứng từ con đường Carrer d’Avinyo của Barcelona, vốn nổi tiếng với những nhà thổ. Picasso đã thực hiện hàng trăm bản vẽ phác họa trước khi hoàn thiện bức tranh. Điều đó cũng thể hiện rằng ban đầu ông đã dự định thực hiện một phiên bản còn chi tiết và táo bạo hơn, có thể bao gồm cả một hoặc nhiều nhân vật nam trong đó.
Về tác giả: Là họa sĩ nổi tiếng nhất của hội họa hiện đại, Pablo Picasso (1881 - 1973) là con trai của một họa sĩ và giáo viên nghệ thuật, người đã chỉ ông cách vẽ từ khi ông còn rất bé. Ông đã theo học những trường nghệ thuật tại Barcelona và Madrid, nhưng sớm phát triển vượt bậc và tự mở một xưởng vẽ của riêng mình vào năm 16 tuổi. Năm 1900, ông ghé thăm Paris trước khi chuyển hẳn sang thành phố này ở vào năm 1904. Không lâu sau đó, các tác phẩm của ông trở nên nổi tiếng, lọt vào mắt xanh những nhà bảo trợ đẳng cấp như Gertrude và Leo Stein, và cho đến cuối cuộc Thế chiến thứ I, ông đã trở nên giàu có và thiết lập tên tuổi mình như một họa sĩ hàng đầu. Trong suốt quãng đời còn lại, Picasso trở thành một người đặc biệt có sức ảnh hưởng - không chỉ ở hội họa, ông còn là một nhà điêu khắc, chạm khắc, làm gốm và nhà thiết kế sân khấu đại tài. Ông không ngừng làm việc mãi đến tận khi qua đời ở tuổi 91.
LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN QUA NHỮNG TÁC PHẨM
Ngay sau khi Picasso và Braque hợp tác với nhau, mối quan hệ này đã trở nên gần gũi, mạnh mẽ và vô cùng năng suất. Cả hai thường xuyên gặp nhau để thảo luận và các tác phẩm của họ mang nhiều nét tương đồng đến mức các chuyên gia cũng khó có thể phân biệt những bức tranh của họ. Không lâu sau, nhiều họa sĩ avant-garde tại Paris cũng học hỏi phong cách mà họ đã thiết lập, và những biến thể của trường phái Lập thể xuất hiện ngày càng nhiều ở những đất nước khác. Trường phái Lập thể không chỉ được tiếp nhận và ứng dụng vào điêu khắc, nghệ thuật trang trí mà còn ảnh hưởng đôi phần đến cả kiến trúc.
Viaduct at L'Estaque, Georges Braque, 1908, Musée National d’Art Moderne, Paris, Pháp
1908: Đây là một trong những bức họa đã sản sinh ra thuật ngữ “Lập thể”. Cái tên này vẫn tiếp tục được dùng, mặc dù cả Braque và Picasso đã không còn sử dụng những hình khối như trong tranh, và trường phái Lập thể sau này nói chung cũng không liên quan gì đến các khối lập phương.
The Town No.2, Robert Delaunay, 1910, Musée National d’Art Moderne, Paris, Pháp
1910: Sinh ra tại Paris, Delaunay chủ yếu tự học hội họa và theo đuổi cả phong cách Ấn tượng và Hậu ấn tượng trước khi chuyển sang trường phái Lập thể. Trong bức này, cả thành phố như thể đang tan rã thành các khối tách rời, báo hiệu sự chuyển dịch của ông sang hội họa trừu tượng.
Nude Descending a Staircase, No. 2, Marcel Duchamp, 1912, Philadelphia Museum of Art, PA
1912: Những bức họa lõa thể bán trừu tượng của Duchamp đã dấy lên một lượng lớn phản hồi tiêu cực khi nó được triển lãm tại buổi diễn Armory ở New York (1913). Một bình luận đã so sánh nó với “một thảm họa trong nhà máy ván lợp.” Tuy nhiên sự chú ý khổng lồ từ dư luận đã giúp Duchamp trở thành một người nổi tiếng tại Mĩ.
Về tác giả: Mặc dù ông đã để lại ảnh hưởng khổng lồ lên hội họa thế kỉ 20, Marcel Duchamp (1887 - 1968) thực chất thực hiện rất ít tác phẩm. Cũng như nhiều họa sĩ vào thời đại của mình, ông bị cuốn hút bởi những bức họa của Paul Cézanne, và vào khoảng năm 1910 ông bắt đầu theo đuổi phong cách Lập thể. Cho đến năm 1917, ông tiếp tục thử nghiệm với Dada trước khi chuyển sang chủ nghĩa Siêu thực, nhưng sự hài hước đặc trưng của ông luôn được thể hiện trong mọi tác phẩm. Duchamp đã chuyển sự chú ý từ vẻ ngoài của tác phẩm sang những ý tưởng đằng sau nó - một ý tưởng mang tính đột phá và vẫn có sức ảnh hưởng khổng lồ vào thế kỷ 21.
The Knife Grinder, Kasimir Malevich, 1912–13, Yale University Art Gallery, New Haven, CT
1913: Malevich đã thử nghiệm với nhiều phong trào Hiện đại. Phong cách của bức tranh này, kết hợp những yếu tố của chủ nghĩa Lập thể và Vị lai, đôi khi được gọi là Lập thể - Vị lai (Cubo-Futurist).
Dynamism of a Soccer Player, Umberto Boccioni, 1913, MoMA, New York, NY
1913: Boccioni là một trong những cái tên tiêu biểu của chủ nghĩa Vị lai, một nhánh phát triển của trường phái Lập thể tại Ý. Tác phẩm này thể hiện năng lượng tỏa ra từ người cầu thủ bóng đá thông qua sự tương tác giữa chuyển động của anh với bầu không khí xung quanh.
The Conquest of the Air, Roger de La Fresnaye, 1913, MoMA, New York, NY
1913: La Fresnaye thực hiện những tác phẩm hoàn toàn khác biệt và được ảnh hưởng mạnh mẽ bởi trường phái Lập thể. Bức họa nổi tiếng nhất của ông vẽ cảnh người họa sĩ và em trai đang thư giãn ngoài trời, với một cái bong bóng khổng lồ ở phần hậu cảnh.
On the Way to the Trenches, CRW Nevinson, 1915
1915: Nevinson thực hiện bản chạm khắc gỗ này cho tờ Blast, một tạp chí tồn tại trong thời gian ngắn của phong trào Vorticism tại Anh. Là một họa sĩ chiến tranh, ông đã chứng kiến tận mắt sự kinh hoàng của các trận chiến, và những tác phẩm ông thực hiện thể hiện những trải nghiệm ám ảnh của ông.
Still Life, Jean Metzinger, 1916, Private Collection
1916: Một trong những họa sĩ đầu tiên bị cuốn hút bởi trường phái Lập thể, Metzinger đã ứng dụng những yếu tố của nó theo thiên hướng trang trí nhiều hơn so với các đồng nghiệp. Cùng với Albert Gleizes, ông đã viết quyển sách đầu tiên về phong trào này, On Cubism (1912)
Portrait of Hanka Zborowska, Amedeo Modigliani, 1917, Galleria Nazionale d’Arte Moderna, Rome, Ý
1917: Cũng như những họa sĩ Lập thể đầu tiên khác, Modigliani say mê những chiếc mặt nạ châu Phi, và các bức chân dung vô cảm của ông cũng phản ánh điều này. Trong bức này, ông khắc họa vợ nhà buôn tranh của ông, Léopold Zborowski. Vào những năm cuối đời, cặp vợ chồng này đã cho phép người họa sĩ sử dụng nhà của họ như một xưởng vẽ.
Về tác giả: Amedeo Modigliani (1884 - 1920) là một trong những họa sĩ phóng khoáng nhất của lịch sử hội họa. Sinh ra trong gia đình gốc Do Thái tại Ý, ông theo học nghệ thuật tại Florence và Venice trước khi chuyển đến Paris ở vào năm 1906, nơi ông gặp Chaim Soutine, Juan Gris, và nhà điêu khắc Lập thể Jacques Lipchitz, và cũng tại đây ông đã có một lối sống đúng chất chủ nghĩa Bohemia. Mặc dù không trực tiếp gắn liền với trường phái Lập thể (hay bất kì phong trào nào khác), Modigliani luôn dành sự tôn trọng lớn lao đối với Picasso. Ông thường gặp gỡ những họa sĩ thuộc nhóm này, và những bức chân dung trưng bày tại nhà ông cũng có chút hơi hướng méo mó của Lập thể. Xuyên suốt cuộc đời, Modigliani ít có những thành công về mặt thương mại, và qua đời khi chỉ mới 35 tuổi, mặc dù chỉ trong vài năm sau đó ông đã được công nhận như một trong những họa sĩ nguyên bản nhất của thời đại mình.
Bargeman, Fernand Léger, 1918, MoMA, New York, NY
1918: Phong cách Lập thể của Lesger có sự khác biệt đặc trưng, và đến năm 1912, ông đã đưa niềm đam mê công nghệ vào các tác phẩm của mình. Bức “Bargeman” vẽ một dòng sông nằm phía trước, phía sau là mảng tách rời của một căn nhà. Ở phần góc trên bên trái, nhân vật chính trong tranh, Bargeman (người lái tàu) bám vào bánh lái của mình với đôi tay sắc nhọn như móng vuốt và cánh tay hình ống khổng lồ.
Về tác giả: Ban đầu là người giúp việc cho một nhà vẽ phác họa kiến trúc, Fernand Léger (1881 - 1995) tiếp tục làm công việc đó để tự kiếm sống trong lúc ông theo học nghệ thuật trước khi trở thành một trong những cái tên tiêu biểu của trường phái Lập thể. Trở về sau cuộc Thế chiến thứ I, ông hình thành một phong cách đặc trưng trong đó ông vẽ cảnh thành phố và công nghệ với các gam màu mạnh mẽ và hình khối hình học. Trong cuộc Thế chiến thứ II, ông sống và làm việc tại Mĩ, trước khi về Pháp ở vào năm 1945. Là một người khổng lồ của nghệ thuật thế kỉ 20, Léger cũng thực hiện những tác phẩm kính màu, tranh ghép mosaic, tác phẩm thêu dệt và đồ gốm…
Tác phẩm gốm phong cách Art Deco của nghệ nhân Clarice Cliff, 1930
1925: Buổi triển lãm Exposition des Arts Descoratifs diễn ra tại Paris năm 1925 đã truyền cảm hứng cho cả thế giới, và phong cách trang trí Art Deco gần như thống trị nghệ thuật ứng dụng cuối thập niên 1920 và cả thập niên 1930. Phong cách này là kết tinh của nhiều nhân tố khác nhau: những thiết kế ấn tượng của Leeson Bakst và Alexandre Bernois cho vũ đoàn Ballets Russes, sự khai quật mộ của pha-ra-ông Tutankhamun dẫn đến sự lên ngôi của mọi thứ liên quan đến Ai Cập, và phong cách đặc trưng trong tranh Lập thể của Lesger, được thể hiện qua các tác phẩm của nghệ nhân làm gốm Art Deco, Clarice Cliff.
Pertaining to Yachts and Yachting, Charles Sheeler, 1922, Philadelphia Museum of Art, PA
1922: Vừa là nhiếp ảnh gia vừa là họa sĩ, Sheeler là người khai sinh chủ nghĩa Lập thể Hiện thực, một biến thể của trường phái Lập thể tại Mĩ. Ông vẽ những chủ đề đô thị và thành phố với phong cách tuyến tính, hài hòa - trong bức này, một vài con tàu khổng lồ đang lả lướt nhẹ nhàng trên mặt đại dương.
KIỆT TÁC
Le Portugais (the Emigrant)
Georges Braque, 1911, Kunstmuseum, Basel, Thụy Sĩ
Braque đã phân tích hình dáng người nhạc sĩ, tách rời thành nhiều mảng khác nhau và sắp xếp lại để thể hiện những góc nhìn khác nhau từ nhiều thời điểm - chưa kể đến sự khác biệt trong ánh sáng và đổ bóng - để tạo nên bức chân dung đơn sắc Lập thể kinh điển này. Hiệu ứng trong tranh quá hoàn thiện và phức tạp đến mức người xem ban đầu khó có thể nhận ra chủ đề bức tranh là gì. Những chi tiết rõ ràng nhất chỉ có người nhạc sĩ ở trung tâm bức họa, tấm rèm phía sau và tấm hình tĩnh vật treo trên tường. Nhân vật được khắc họa là một nhạc sĩ guitar người Bồ Đào Nha mà Braque từng thấy ở quán bar tại Marseilles.
Sau khi cùng phát triển trường phái Lập thể vài năm, Braque và Picasso bắt đầu thử nghiệm với tranh tô khuôn và cắt dán. Bằng cách này, họ đã đưa Lập thể lên tầm cao mới khi thách thức quy trình truyền thống của hội họa cũng như cách nó thể hiện chủ thể. Ban đầu, các kĩ thuật này không thể hiện chức năng cụ thể do bị hòa vào bố cục chung. Tuy nhiên trong bức này, mặc dù toàn bố cục là những mảng vụn tách biệt, Braque đã tô khuôn một vài kí tự và con số nhất định để làm rõ mặt phẳng của bức tranh và cho nó một vai trò riêng, không đơn thuần là tấm bạt trống để vẽ lên. Đồng thời những yếu tố này cũng nhấn mạnh tính chất trừu tượng của tác phẩm. Ở góc trên bên phải, một mảng tô khuôn từ tấm áp phích quảng cáo phòng nhảy, GRAND BAL (một điệu nhảy) không chỉ phục vụ bố cục phức tạp của cả bức tranh, mà còn tạo không khí quán cafe phong cách Bohemia thịnh hành thời bấy giờ.
Le Portugais được vẽ vào một mùa hè khi Braque còn làm việc với Picasso tại Céret, một thành phố nên thơ của Pháp tọa lạc dưới chân núi Pyrenees, gần biên giới Tây Ban Nha - Pháp. Céret đã thu hút nhiều nhà văn, nhạc sĩ, và họa sĩ thời bấy giờ, trong đó có cả các họa sĩ Biểu hiện Henri Matisse và André Derain.
Về tác giả: Georges Braque (1882 - 1963) ban đầu kế nghiệp nghề thợ sơn nhà của bố và ông của mình, nhưng đồng thời cũng theo học hội họa. Năm 1900, ông chuyển tới Paris để được đào tạo trở thành chuyên gia trang trí, nhưng cũng dành thời gian tại các trường học vẽ. Những bức tranh đầu tiên của ông thể hiện ảnh hưởng mạnh mẽ từ trường phái Ấn tượng, nhưng sau khi chứng kiến các tác phẩm thuộc phái Dã thú vào năm 1905, ông đã tiếp thu phong cách của họ. Sau đó, vào năm 1907 ông đã gặp Picasso và chuyển sang tập trung phát triển phong cách mà sau này được biết đến với cái tên Lập thể. Họ làm việc cùng nhau cho đến năm 1914, khi Braque phải phục vụ trong cuộc thế chiến thứ I. Ông đã phải chịu đựng một vết thương nghiêm trọng ở đầu từ cuộc chiến này. Sau chiến tranh, phong cách của ông trở nên ít táo bạo hơn, chủ yếu sử dụng những gam màu lặng, tinh tế cũng như vẽ thiên nhiên theo xu hướng thực tế hơn. Ông tiếp tục làm việc tại Paris trong suốt quãng đời còn lại, xuyên suốt cả cuộc Thế chiến thứ II. Bên cạnh hội họa, Braque còn có thể thiết kế sân khấu, in thạch bản, chạm khắc, vẽ minh họa sách, điêu khắc, vẽ kính màu và thiết kế trang sức. Năm 1961, ông trở thành nghệ sĩ còn sống đầu tiên được triển lãm tại Bảo tàng Louvre.
Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - Bài dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép.
________________________________________________
Art Design Center
vietnamcolor.vn - fashionnet.vn
Contact: 0903788646 - 0903975081
Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \
Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)
30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City
Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn.
HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.