Art that Changed the World I Sự khai sinh của hội họa Trừu tượng
Art_Painting “Các họa sĩ đã tạo ra các tác phẩm mà những công nghệ tối tân và hiệu quả nhất sẽ không bao giờ tạo ra được.”- Kasimir Malevich.
Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.
Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.
Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.
PHẦN 5C: SỰ KHAI SINH CỦA HỘI HỌA TRỪU TƯỢNG (1910 - 1940)
Vượt lên giới hạn của hội họa
Trong số những loại hình nghệ thuật và phong trào ra đời vào thế kỉ 20, hội họa trừu tượng có lẽ là thể loại tồn tại lâu nhất. Bất kì tác phẩm nào không khắc họa thế giới một cách trực quan, qua con mắt thông thường đều có thể được xếp vào danh sách trừu tượng. Một số bức vẽ trừu tượng, như bức vẽ thực hiện bởi Sonia Delaunay, cố tình làm méo mó nhân vật hay vật thể được khắc họa mà không đánh mất bản chất của chúng. Một số bức tranh Lập thể, như bức “Nude Descending a Staircase, No.2” của Marcel Duchamp cũng tuân theo quy tắc tương tự. Tuy nhiên, ở thái cực cực đoan hơn của trừu tượng, không có bất kì dấu hiệu nào gợi ý bản chất chủ thể - các bức tranh thể hiện sức mạnh thông qua những đường nét, màu sắc, hình dáng và chính nó để tiếp cận và tác động đến tiềm thức người xem. Những họa sĩ trừu tượng hàng đầu thời bấy giờ bao gồm František Kupka, Wassily Kandinsky, Theo van Doesburg, Kazimir Malevich, Ben Nicholson và Piet Mondrian.
Tango, Sonia Delaunay, 1913, Private Collection
Quán “The Ball Bullier” là một vũ trường nổi tiếng tại Paris từ năm 1859 đến 1940. Bức tranh cỡ lớn phức tạp của Sonia Delaunay đã vẽ lại khung cảnh tại quán qua sự sắp xếp của những hình khối rực rỡ, sinh động. Trong bản vẽ này, những hình khối thực chất chính là những người khiêu vũ, cũng như quần áo và phụ kiện của những tiểu thư quý ông Paris xa hoa.
BỐI CẢNH
Hội họa trừu tượng ban đầu xuất hiện trong bối cảnh nền văn hóa phát triển nhanh chóng nhờ phong trào Biểu hiện và Lập thể. Nó được phát triển sau đó không lâu, và phản ánh một thế giới với nhiều biến động chính trị và những cuộc cách mạng xã hội hơn.
Vào những năm trước khi bùng nổ cuộc thế chiến thứ I, hội họa trừu tượng trở thành một hiện tượng quốc tế khi xuất hiện thông qua những tác phẩm từ nhiều đất nước với những phong cách riêng biệt, điểm chung là họ đều phát hiện tiềm năng vô hạn của màu sắc và hình khối khi tách biệt khỏi nhiệm vụ minh họa truyền thống của hội họa. Những người tiên phong có thể kể đến họa sĩ người Nga Kasimir Malevich, Wassily Kandinsky, và Piet Mondrian, một người Hà Lan đã dành những năm tháng quan trọng nhất của sự nghiệp tại Paris. Đối với những nghệ sĩ này, đây không chỉ đơn thuần là một phong cách mới, mà là một ý tưởng cách mạng và độc đáo, một công cụ phù hợp để họ khắc họa cảm xúc chủ quan của bản thân cũng như vẽ lên những góc nhìn mới mẻ đối với thế giới. Kandinsky từng khẳng định rằng ảnh hưởng mà góc nhọn của một tam giác khi nằm trên hình tròn có thể tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ tương đương bức “ngón tay của Chúa chạm Adam” của Michelangelo.
Cuộc thế chiến thứ I đã thay đổi cấu trúc xã hội khắp châu Âu cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới. Khi nó kết thúc, những người hầu từng tham gia phục vụ chiến tranh không muốn quay lại với công việc dịch vụ, và những người phụ nữ trước đó bị nhồi nhét vào các văn phòng và nhà máy để thế chỗ đàn ông khi họ ra chiến trường cũng sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng khi chỉ ở nhà - hệ thống cấp bậc nghiêm ngặt nhưng quen thuộc suốt hàng trăm năm qua giờ đây đã bắt đầu sụp đổ. Những thập niên sau chiến tranh đánh dấu ngày càng nhiều cuộc nổi dậy do thế giới đang phải trải qua cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu vào thập niên 30 cũng như sự nổi lên của Quốc xã tại Đức, thứ đã dẫn đến cuộc Thế chiến tiếp theo. Sau cùng, trừu tượng không chỉ thống trị nghệ thuật hiện đại, mà còn đại diện cho chiến thắng của sự tự do phương Tây trước chủ nghĩa toàn trị của Đức Quốc xã và Xô - viết - cả hai đều cấm thể loại này.
Đến cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, hội họa không còn đơn giản phục vụ chức năng truyền thống của nó là tái tạo một cách chính xác thực tại . Cả phong trào Dã thú và Biểu hiện đã giúp phát triển ý tưởng này, và Lập thể đã chính thức mở đường đến trừu tượng thuần khiết khi coi những bức tranh như các mặt phẳng trong đó những người họa sĩ có thể thể hiện cảm nhận của họ đối với thế giới, thay vì chỉ khắc họa một phần của nó. Một số tác phẩm trừu tượng - như các bức của Kupka - vẫn dựa vào thế giới xung quanh, tuy nhiên đối với trừu tượng thuần khiết, một số người gọi nó là nghệ thuật phi khách quan, không đóng khung trong bất kì thực tại nào, có thể thấy trong các tác phẩm của Theo van Doesburg, Kazimir Malevich, Ben Nicholson và Piet Mondrian.
Tác phẩm trừu tượng đầu tiên xuất hiện không lâu sau 1910, và những bức tranh thuộc thể loại này tiếp tục phát triển mạnh mẽ xuyên suốt phần còn lại của thế kỉ 20. Hiện nay, vào thế kỉ 21, hội họa trừu tượng vẫn là một phong trào hiện đại đầy sức hút mặc dù nó mang đến những thách thức không nhỏ đối với các nghệ sĩ.
NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT
Khi họ chuyển dần về trừu tượng, những người tiên phong của phong trào này đã khám phá nhiều nguồn ảnh hưởng đa dạng để mang đến sự phong phú và cảm xúc mạnh mẽ chỉ với những đường nét, họa tiết và màu sắc. Đôi khi họ bị thu hút bởi tác phẩm của các họa sĩ khác - kể cả những họa sĩ truyền thống trước đây - nhưng chính những kĩ thuật nghệ thuật dân gian và hiệu ứng công nghệ mới lạ chính là kho tiềm năng vô hạn chờ họ khai thác.
Nocturne in Black and Gold: The Falling Rocket, 1875, James McNeil Whistler
James McNeil Whistler gần như đã bước qua ranh giới trừu tượng khi chú trọng vào sự sắp đặt của hình khối và màu sắc thay vì chủ thể. (Bức “Whistler’s Mother” nổi tiếng của ông ban đầu có tên “Arrangement in Grey and Black No.1). Trong bức tranh pháo hoa sống động này, có thể thấy cách ông chơi đùa với màu sắc, hình khối và ánh sáng.
Record of a flying pelican 1882, Etienne-Jules Marey
Những bức hình chụp chuyển động của cơ thể con người và động vật với kỹ thuật chồng hình multi exposure thực hiện bởi nhà khoa học người Pháp Etienne-Jules Marey đã thu hút một vài họa sĩ trừu tượng thời kì đầu. Kĩ thuật này ngày nay được biết đến với cái tên chronophotography.
The Green Christ, 1890, Maurice Denis
Maurice Denis, họa sĩ tranh Tượng trưng người Pháp và một nhà tư tưởng, đề cao sự khơi gợi hơn là minh họa một cách chính xác. Các tác phẩm của ông luôn thể hiện những đặc tính trừu tượng mạnh mẽ. Một trong những ý tưởng đáng chú ý ông từng viết: “Một bức tranh… về cơ bản là một mặt phẳng được lấp đầy bởi màu sắc đã sắp đặt theo một thứ tự nhất định.”
Họa tiết thêu dệt phong cách Bohemia truyền thống tại Opoczno, thành phố nơi Kupka sinh ra
Truyền thống Bohemia với những căn nhà gỗ giản dị và những hình vuông vẽ tay, họa tiết chấm tròn, zig-zag và mũi tên đã ảnh hưởng đến Kupka khi ông lớn ở một vùng quê Bohemia. Chúng cũng tạo nên niềm đam mê của ông đối với những đường thẳng và họa tiết.
ĐIỂM NGOẶT
Study For Amorpha: Fugue in Two Colors II
František Kupka, 1910–11, Cleveland Museum of Art, OH
Không có bức tranh nào có thể được coi là tác phẩm trừu tượng thuần khiết đầu tiên, nhưng bức tranh này chắc chắn nằm trong số những tác phẩm tiên phong quan trọng nhất của hội họa trừu tượng. Là một phần trong loạt tranh Kupka thực hiện từ năm 1909 đến 1912, nguồn cảm hứng cho nó đến khi người họa sĩ theo dõi con gái riêng chơi đùa với quả bóng. Dựa trên niềm tin cho rằng những chuyển động của màu sắc thuần khiết thể hiện năng lượng vũ trụ, Kupka khắc họa lại kí ức của mình dưới hình thức trừu tượng. Trong đó, ông tìm thấy sự tương quan của trừu tượng với những bản tấu pháp trong âm nhạc, “nơi mà âm thanh tiến hóa như những thực thể vật chất có ý chí, chúng đan xen với nhau, đến rồi rời đi.”
Về tác giả: Sinh ra tại Bohemia (thuộc cộng hòa Czech ngày nay), František Kupka (1871 - 1957) theo học Học viện Nghệ thuật Đương đại tại cả Prague và Vienna. Năm 1896, ông định cư tại Paris và bắt đầu sự nghiệp với công việc vẽ minh họa và những bức tranh châm biếm. Những tác phẩm đầu tiên thể hiện ảnh hưởng từ phong trào Dã thú, sau đó trở nên hứng thú với màu sắc, thứ đã dẫn ông đến với hội họa trừu tượng như một cách để khám phá những giá trị biểu tượng tâm linh, và sử dụng những hiệu ứng như trong âm nhạc. Khi cuộc Thế chiến thứ I nổ ra, Kupka phục vụ trong quân đối Pháp và chiến đấu trong Trận Somme. Sau đó, ông trở thành một giảng viên, phát triển một phong cách hơi hướng hình học hơn. Vai trò của Kupka như một người tiên phong trong hội họa trừu tượng chỉ được công nhận sau khi ông qua đời năm 1957. Vào năm sau đó, một buổi triển lãm các tác phẩm của ông được tổ chức tại bảo tàng Musée National d’Art Moderne tại Paris.
LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN QUA NHỮNG TÁC PHẨM
Không lâu sau khi thế giới bước qua thập niên 1910, Kandinsky, Kupka và một số nghệ sĩ khác bắt đầu thực hiện những tác phẩm đầu tiên theo thể loại trừu tượng thuần khiết. Vào năm tiếp theo, một loạt nghệ sĩ như Piet Mondrian và Theo van Doesburg đã sử dụng những kỹ thuật mới đột phá để phát triển phong cách đặc trưng của mình. Sau này, vào khoảng đầu thập niên 1940, hội họa trừu tượng đã dẫn đến sự ra đời của phong trào nghệ thuật avant-garde quan trọng đầu tiên của Mĩ - Trừu tượng Biểu hiện
Suprematist Composition, Kasimir Malevich, 1916, Private Collection
1916: Sau giai đoạn Lập thể của mình, Malevich phát triển một phong cách mà ông gọi là Trường phái Siêu Việt (Suprematism), trong đó ông hướng đến việc khắc họa “sự tuyệt đỉnh ở các hình khối thuần khiết.” Lý tưởng này đã dẫn đến sự ra đời của bức “White on White” nổi tiếng của thể loại này, trong đó ông vẽ một hình vuông trắng trên nền trắng.
Composition, Theo van Doesburg 1925, Private Collection
1925: Năm 1917, cùng với Piet Mondrian và một số họa sĩ khác, van Doesburg đã thành lập nhóm De Stijl. Vào thời điểm ông thực hiện tác phẩm này, ông đã không còn vẽ những nét ngang và dọc tuân theo quy tắc nghiêm ngặt trước đó.
Upward, Wassily Kandinsky, 1929, Peggy Guggenheim Collection, Venice, Ý
1929: Bức chân dung trừu tượng này được cấu thành từ những mặt phẳng hình học và màu sắc phi tự nhiên, với điểm nhấn là những thanh chữ nhật trông như các song sắt. Hai hình khối trong bức tranh (ở dưới đáy, và góc trên bên trái) mang dáng dấp chữ E, có thể liên quan đến cái tên ban đầu của tác phẩm trong tiếng Đức, Empor (Hướng lên).
Female Torso, Joan Miró, 1931, Philadelphia Museum of Art, PA
1931: Các tác phẩm của Miro không dễ dàng để xếp vào một phong trào duy nhất - cũng như nhiều nghệ sĩ cùng thời đại, ông được ảnh hưởng bởi phong trào Dã thú và Lập thể, cũng như thường giao du với nhóm họa sĩ Siêu thực, tuy nhiên một vài tác phẩm, như bức tranh ngây thơ, vui mắt này lại mang tính trừu tượng thuần khiết.
1933: Được thành lập năm 1919, trường Bauhaus là một trường thiết kế tại Đức với mục tiêu đưa các loại hình nghệ thuật trực quan về một thể thống nhất. Kandinsky là một trong số những giảng viên ưu tú nơi đây. Ngôi trường phát triển mạnh mẽ cho đến năm 1933, khi nó phải đóng cửa dưới áp lực của Quốc xã.
1938 (painting), Ben Nicholson, 1935, Private Collection
1935: Là một cái tên hàng đầu của nghệ thuật avant-garde Anh Quốc, Nicholson ban đầu là một họa sĩ tượng hình, sau đó thử nghiệm với Lập thể trước khi ông hình thành phong cách trừu tượng của riêng mình. Sau khi gặp Mondrian vào năm 1934, ông bắt đầu vẽ những khối hình học ở gam màu trung tính và cơ bản.
Về tác giả: Là một nhà tiên phong trong nghệ thuật Anh Quốc hiện đại, Ben Nicholson (1894 - 1982) từng theo học trường Nghệ thuật Slade tại London trước khi chu du khắp châu Âu để tiếp nhận nhiều nguồn ảnh hưởng khác nhau. Xuyên suốt sự nghiệp ông đã thực hiện nhiều tác phẩm cả tượng hình và trừu tượng. Đặc biệt nổi tiếng với những tác phẩm hình học tối giản, ông cũng thực hiện các tác phẩm phù điêu - phần lớn ở kích cỡ nhỏ, nhưng cũng có vài tác phẩm cỡ lớn. Cùng với người vợ thứ hai, nhà điêu khắc Barbara Hepworth, ông trở thành nhân vật chủ chốt trong nhóm nghệ sĩ St.Ives làm việc và sinh sống tại Cornwall, Anh Quốc.
1937: Đức quốc xã đã gán mác hội họa trừu tượng cũng như các loại hình nghệ thuật avant-garde khác là “suy đồi’ và cấm tiệt nó. Nhưng đến năm 1937, họ đã tổ chức những buổi triển lãm tuyên truyền chính những tác phẩm nghệ thuật bị cấm tại Munich, tuy nhiên các bức tranh được trưng lộn xộn và không được giải thích cụ thể. Các buổi trưng bày dạng này còn được tổ chức ở một vài thành phố khác tại Đức.
Trafalgar Square, Piet Mondrian, 1939–42, MoMA, New York, NY
1939: Là người khai sinh một phong cách cực đoan của trừu tượng mang tên Neo Plasticism. Tranh của Mondrian chỉ bao gồm những đường thẳng ngang dọc, chỉ sử dụng màu sắc cơ bản và màu trắng đen. Bức “Trafalgar Square’ được vẽ tại London, và là một phần của loạt tranh ông vẽ tri ân hững thành phố thân thiện mà ông đã ghé qua.
Năm 1965, nhà thiết kế thời trang Yves St.Laurent đưa những khối màu của Piet Mondrian vào bộ sưu tập couture, biến nó thành biểu tượng của thập niên 70. St.Laurent đã phát hiện tiềm năng trong các bức tranh của Mondrian khi đưa những đường thẳng vào phong cách “shift” thịnh hành thời bấy giờ. Là một thợ may tài tình, sự thiên tài của ông nằm trong cái cách chiếc váy che tinh tế đồng thời tôn lên những đường cong cơ thể, được tạo thành từ những đường may tỉ mỉ, cầu toàn.
KIỆT TÁC
Composition VI
Wassily Kandinsky 1913, Hermitage Museum, St. Petersburg, Nga
Wassily Kandinsky coi âm nhạc là loại hình nghệ thuật cao cấp hơn hội họa bởi tính trừu tượng cố kết của nó, và mối quan hệ thân thiết với nhà soạn nhạc avant-garde Arnold Schoenberg cũng đã truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm của ông. Năm 1910 ông bắt đầu kế hoạch thực hiện một loạt tranh mang tên Compositions (Bố cục) - một thuật ngữ thường dùng trong cả hội họa và âm nhạc. Kandinsky khẳng định rằng ông đã thấy màu sắc khi nghẹ nhạc, và ông có niềm tin mãnh liệt rằng hội họa chất chứa nguồn cảm xúc mạnh mẽ không kém gì âm nhạc. Ông đã vẽ 10 bức Composition - tất cả đều ở khổ lớn, và được chuẩn bị cẩn thận với những bản phác họa, bản nghiên cứu - để tôn vinh sức mạnh lớn lao của hội họa trừu tượng.
Composition VI chọn chủ đề là cuộc Đại hồng thủy trong kinh thánh, với những màu sắc rực rỡ và đường nét cuồn cuộn rõ ràng muốn ám chỉ những thể lực tự nhiên. Người họa sĩ đã mô tả bức tranh kĩ càng hơn mọi tác phẩm khác trong sự nghiệp. Ban đầu, ông xác định 2 điểm trọng tâm: một ở bên trái, “một màu hồng nhẹ nhàng, một chút khuếch tán với những đường nét dao động ở chính giữa,” và ở phía bên phải, cao hơn một chút, “là những mảng màu xanh-đỏ, hơi hỗn loạn đan xen với những đường nét mạnh mẽ, sắc bén, chính xác và có chút gì đó ác tâm.” Ông tiếp tục nhắc đến một trọng tâm khác nằm giữa chúng, gần hơn về bên trái - mặc dù thừa nhận rằng nó khó thấy hơn, ông cũng gọi nó là “trọng tâm chủ đạo.” Ông miêu tả nó là “những bọt sủi hồng và trắng trông như thể đang lơ lửng giữa không khí, bao quanh bởi hơi nước.”
Ba bức “Composition” đầu tiên của Kandinsky bị phá hủy trong cuộc Thế chiến thứ II, nhưng những tấm ảnh trắng đen chụp lại tác phẩm hoàn thiện vẫn tồn tại đến hôm nay, bên cạnh các nghiên cứu của ông.
Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - Bài dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép.
________________________________________________
Art Design Center
vietnamcolor.vn - fashionnet.vn
Contact: 0903788646 - 0903975081
Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \
Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)
30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City
Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn.
HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.