Art that Changed the World I Dada và Chủ nghĩa Siêu thực
Art_Painting Phong trào Dada, với phương châm nghệ thuật kì dị phản ánh xã hội kì dị, đã diễn ra rất cực đoan và mạnh mẽ, nhưng nó không tồn tại lâu, Xuất hiện vào năm 1915, nhưng cho đến thập niên 1920 nó đã phải nhường chỗ cho một phong trào Siêu thực có tổ chức hơn, và cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự ra đời của chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng.
Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.
Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.
Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.
PHẦN 5D: DADA VÀ CHỦ NGHĨA SIÊU THỰC (1915 - 1950)
Chơi đùa với thực tại
Không có các bản tuyên ngôn hay những nguyên tắc cụ thể, phong trào nghệ thuật Dada xuất hiện vào khoảng năm 1915 như một sự phản đối chống lại những nền văn minh đã nhấn chìm thế giới trong chiến tranh. Những nghệ sĩ Dada thể hiện sự kì dị trong tác phẩm để thể hiện quan điểm rằng, nghệ thuật kì dị phản ánh xã hội kì dị. Những nhân vật tiên phong bao gồm Marcel Duchamp, Francis Picabia, và George Grosz. Tuy nhiên, phong trào này không tồn tại được lâu, và đến thập niên 1920, các ý tưởng của nó đã được hấp thụ bởi phong trào nối tiếp nó, chủ nghĩa Siêu thực, với ý tưởng chính là thách thức hiện thực xã hội và thực tại như nó được biết đến. Bức “The Human Condition” của Magritte đã thể hiện ý tưởng của phong trào này một cách rõ rệt. Chủ nghĩa Siêu thực ít chú trọng vào tính kì quái trong tác phẩm như Dada, thay vào đó tập trung nhiều hơn vào sức mạnh của tâm trí vô thức và khả năng kiến tạo một thực tại siêu việt hơn. Magritte là họa sĩ đẫn đầu phong trào này, bên cạnh Man Ray, Max Ernst, Salvador Dalí, và các hậu bối như Frida Kahlo.
The Human Condition, René Magritte, 1933, National Gallery of Art, Washington, DC
Trong phần miêu tả bức “The Human Condition,” Magritte đã viết: “Từ góc nhìn bên trong căn phòng, tôi đặt một bức tranh che khuất phong cảnh bên ngoài cửa sổ, và hình ảnh trong tranh có tỉ lệ chính xác với phong cảnh phía sau. Vì thế, những hàng cây trong tranh thay thế cho hàng cây thật phía sau nó, bên ngoài căn phòng. Đối với người xem những hàng cây đó tồn tại cả trên bức tranh, và bên ngoài căn phòng.” Mặc dù ông so sánh giữa phong cảnh thực bên ngoài để tương phản với hình vẽ trên tranh, nhưng thực chất không có gì là thật ở đây - Magritte chỉ đang chơi đùa với thực tại theo phong cách đậm chất Siêu thực.
BỐI CẢNH
Cuộc Thế chiến thứ I đã để lại ảnh hưởng sâu sắc lên phần lớn nghệ sĩ thời bấy giờ. Tuy nhiên, Dada là một sự phản ứng trực tiếp, mạnh mẽ hơn mọi phong trào trước đây, với những cuộc tàn sát, những thông tin tuyên truyền, sự vô dụng của chiến tranh cũng như của xã hội đã cho phép những mâu thuẫn đó diễn ra. Những nghệ sĩ Dada không có chung một phong cách nghệ thuật, nhưng họ đều cự tuyệt cái mà họ coi là những khát vọng vô kiểm soát về lý tưởng, chủ nghĩa dân tộc, dân chủ và sự cấp tiến. Đồng thời họ cũng phản đói phong cách nghệ thuật truyền thống và chọn những cách thể hiện cảm xúc bất thường hơn. Vào thời kỳ sơ khai của Dada, Marcel Duchamp đã phát triển ý tưởng “làm sẵn” - một vật thể được sản xuất số lượng lớn và được tuyên bố là một tác phẩm nghệ thuật. Một trong những tác phẩm “làm sẵn” đầu tiên và nổi tiếng nhất của ông là một bồn cầu, mà ông đặt tên là “Fountain (Đài phun nước, 1917)” Theo nghĩa nào đó, những người khai sinh phong trào Dada coi bọn họ như những phi-nghệ-sĩ đang sáng tạo ra những phi-tác-phẩm trong một xã hội mà nghệ thuật là vô nghĩa.
Fountain, Marcel DuChamp, 1917
Phong trào Dada bắt đầu suy tàn vào đầu thập niên 1920, thời điểm mà nó mới bắt đầu được chấp nhận. Tuy nhiên, một vài nghệ sĩ đi theo xu hướng này sau đó đã chuyển sang theo đuổi chủ nghĩa Siêu thực, cũng có chung tư tưởng bất bình với xã hội của Dada, và chơi đùa với thực tại theo một cách tương tự. Người khai sinh ra phong trào này, nhà văn và nhà thơ người Pháp, André Breton, muốn tạo ra một phong trào trong đó nó có độ phủ rộng hơn và có cấu trúc hơn so với một Dada hỗn loạn. Năm 1924, ông xuất bản Bản tuyên ngôn Siêu thực của mình, trong đó ông miêu tả một phong trào có khả năng “thể hiện … chức năng vô dụng của ý niệm.” Từ đó, ông chú trọng vào các nghiên cứu tâm trí vô thức của Sigmund Freud, và niềm đam mê của nhà phân tâm học đối với những giấc mơ. Bản thân Freud chưa từng bày tỏ sự đồng cảm với chủ nghĩa Siêu thực, và không hề muốn dính líu với phong trào này. Những ý tưởng của ông khác biệt với các nghệ sĩ ở một chi tiết quan trọng - lý do dẫn đến sự ám ảnh của Freud đối với giấc mơ, là niềm tin mãnh liệt của ông rằng, với đủ kinh nghiệm và kĩ năng, những nhà phân tích tâm lý có thể lý giải mã giấc mơ để cung cấp cho bệnh nhân của mình những thông tin sâu sắc và chữa lành họ. Đối với các nghệ sĩ Siêu thực, giấc mơ đơn thuần là một kho tàng hình ảnh bất tận, phức tạp để họ thể hiện trong tác phẩm.
Chữa lành tâm lí vô thức - Nhà thần kinh học người Áo Sigmund Freud là ông tổ của lĩnh vực phân tâm học, ngành khoa học chuyên chữa trị các chứng bệnh tâm lí bằng cách khám phá mối quan hệ giữa tiềm thức và lý trí. Sự giao tiếp thường xuyên giữa bệnh nhân và nhà phân tâm học là cốt lõi trong quá trình chữa lành - trong những năm tháng cuối đời, Freud đã tổ chức những buổi chữa trị như vậy trong phòng tư vấn của mình ở London.
Xuất phát từ những bi kịch của cuộc Thế chiến thứ I - được biết đến là “cuộc chiến tranh để kết thúc tất cả chiến tranh” - Dada là phát mình của một nhóm họa sĩ và nhà thơ thường gặp mặt tại quán Cabaret Voltaire tại Zurich. Theo một giả thuyết, cái tên Dada được lấy cảm hứng từ hai người nghệ sĩ người Roma cứ thay phiên nhau thể hiện sự đồng ý với quan điểm của bên còn lại, “da, da” (“đúng, đúng.”) Tuy nhiên một số khác cho rằng Dada đơn giản là một cái tên vô nghĩa, như tiếng kêu bập bẹ của em bé phù hợp với ý tưởng phản ánh sự vô nghĩa của xã hội. Dù cái tên này xuất phát từ đâu, phong trào đó đã sớm lan tỏa đến Berlin và nhiều nơi trên thế giới, ảnh hưởng đến văn học, sân khấu kịch, thiết kế đồ họa và cả nghệ thuật cũng như văn thơ. Chủ nghĩa Siêu thực, nối tiếp phong trào Dada, thể hiện sự liên quan nhiều hơn trong phong cách nghệ thuật và quan điểm chính trị giữa các nghệ sĩ, và những ảnh hưởng của nó cũng có độ phủ rộng, không chỉ đến văn học mà cả kịch sân khấu, phim ảnh, âm nhạc, và những chủ thuyết chính trị.
NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT
Mặc dù Dada và Siêu thực đã đưa sự kì dị đến mức độ cực đoan,nhưng mục tiêu của những người nghệ sĩ theo các phong trào này đã luôn là thử nghiệm, chơi đùa với thực tại dể tạo ra những tác phẩm giàu trí tưởng tượng và mơ mộng. Vào đầu thế kỉ 20, những nghệ sĩ thuộc hai phong trào đã lấy cảm hứng từ các tác phẩm thực hiện bởi những bậc thầy Cổ điển chuyên khắc họa những hình tượng kì dị như những câu chuyện ám ảnh thời Phục hưng của Hieronymus Bosch, hay từ các tác phẩm độc đáo đương đại hơn như cảnh rừng rậm trong tranh Henri Rousseau và phong cảnh bán-cổ-điển bất thường của Georgio de Chirico.
The Garden of Earthly Delights, Hieronymus Bosch, 1500, Museo del Prado, Madrid, Tây Ban Nha
Hieronymus Bosch từng được coi là nghệ sĩ Siêu thực đầu tiên. Một điểm khác biệt so với chủ nghĩa Siêu thực là các tác phẩm của ông thường lấy cảm hứng chủ yếu từ ác mộng thay vì những giấc mơ thông thường, như được thể hiện trong bức tam liên họa đầy tham vọng, “The Garden of Earthly Delights.”
The Assault of the Jaguar, 1910, Henri Rousseau, Pushkin Museum of Fine Arts, Moscow, Nga
Phong cảnh độc đáo trong tranh Henri Rousseau có nét tương đồng với sự bay bổng của giấc mơ mà những nghệ sĩ Siêu thực hướng đến. Rousseau thậm chí chưa bao giờ chứng kiến rừng già nhiệt đới ngoài đời, mà chỉ tham khảo trong những khu vườn bách thảo.
Bức The Soothsayer’s Recompense, 1913, thực hiện bởi Giorgio de Chirico sử dụng hình ảnh tàu lửa hơi nước để chơi đùa với khái niệm thời gian, Philadelphia Museum of Art, PA
Giorgio de Chirico là người phát minh ra thể loại tranh Metaphysical (Vật chất ảo), thứ đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào Siêu thực. Bức “The Soothsayer’s Recompense” thuộc loạt tranh vẽ duy nhất một bức tượng trên một quảng trường kiểu cổ điển.
ĐIỂM NGOẶT
Celebes
Max Ernst, 1921, Tate Modern, London, Vương quốc Anh
Được thực hiện trong giai đoạn chuyển giao từ Dada sang Siêu thực, “Celebes” được coi là một trong những tác phẩm Siêu thực đầu tiên. Cái tên được lấy cảm hứng từ phần đầu của một bài vè con nít tại Đức, “Chú voi từ Celebes có một quả đít vàng nhớp nháp, bẩn thỉu.” Ernst lúc bấy giờ rất hứng thú với tranh cắt dán, và ông đã dùng kĩ thuật này để sắp xếp lại những bức tranh trước đây theo một thứ tự bất đối xứng kì quặc. Tuy nhiên đối với bức này, ông đã sử dụng kĩ thuật “trompe l’oilto” để tạo ảo ảnh thị giác như tranh cắt dán mặc dù chỉ sử dụng cọ vẽ - con voi được truyền cảm hứng bởi tấm hình chụp một thùng đựng ngô tại Sudan, và cách khắc họa một thực thể sống dưới dạng máy móc đã tạo sự ám ảnh kì dị phủ lên cả bức tranh. Ngoài ra ông còn đặt nó bên cạnh một người phụ nữ không đầu và một cái đầu không mắt có sừng, mang đến cho tranh cả sự kì dị của Dada và sự mơ mộng, giàu trí tưởng tượng của Siêu thực. Bức tranh canvas khổ lớn đầu tiên của phong trào Dada, Celebes, được mua lại bởi bạn tác giả, nhà thơ Paul Eluard.
Về tác giả: Sinh ra trong một gia đình trung lưu với 9 người con, Max Ernst học vẽ tranh từ cha mình, nhưng ông chưa bao giờ được đào tạo chuyên môn. Sau khi tốt nghiệp tâm lí học và triết học tại cao đẳng, ông phục vụ cho quân đội Đức trong cuộc thế chiến thứ I - trải nghiệm ám ảnh của ông đã để lại ảnh hưởng sâu sắc lên các tác phẩm của mình, thường lấy chủ đề là những khung cảnh kì dị hay cảnh tận thế. Năm 1922, Ernst chuyển tới Pháp, và trở thành người dẫn đầu phong trào Siêu thực tại đây, cũng như phát triển kĩ thuật “frottage” (chà giấy với bút chì lên một mặt phẳng nổi nhằm tạo hiệu ứng họa tiết bề mặt) để làm công cụ giúp khám phá tâm trí vô thức. Trong cuộc Thế chiến thứ II, ông đã lánh sang New York, nơi ông đã giúp truyền cảm hứng và định hình phong trào avant-garde của Mĩ sau này được biết đến với cái tên Biểu hiện Trừu tượng. Năm 1953, ông trở lại Pháp và dành những năm tháng cuối đời tại đó.
LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN QUA NHỮNG TÁC PHẨM
Phong trào Dada rất cực đoan và mạnh mẽ, nhưng không tồn tại lâu. Nó bắt đầu vào khoảng năm 1915 - một năm trước khi Hugo Ball đọc Bản tuyên ngôn Dada tại Zurich. Phong trào này tồn tại đến khoảng đầu thập niên 1920, trước khi những người tham gia chuyển sang một xu hướng tích cực hơn là Siêu thực. Với trung tâm ở Paris, chủ nghĩa Siêu thực có độ phủ rộng hơn nhiều so với Dada, và cũng tồn tại lâu hơn. Là một phong trào có tổ chức nên mặc dù thời gian tồn tại vẫn không quá lâu nhưng đã để lại ảnh hưởng đến ngày nay, hay nói chính xác hơn, các tác phẩm Siêu thực đã trực tiếp ảnh hưởng đến sự ra đời của chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng.
Parade Amoureuse, Francis Picabia, 1917, Private Collection
1917: Sinh ra tại Paris, Picabia thử nghiệm với một vài phong cách nghệ thuật khác nhau trước khi đến với Dada. Tác phẩm này ra đời trong giai đoạn “máy móc” của ông. Sau này ông cự tuyệt Dada và chuyển sang Siêu thực.
L.H.O.O.Q., Marcel Duchamp, 1919, Private Collection
1919: Tác phẩm nghệ thuật “làm sẵn” này được thực hiện dưới dạng bưu thiếp với hình ảnh nàng Mona Lisa của Leonardo nhưng được vẽ thêm ria mép, râu và khắc chữ. Trong tiếng Anh, tiêu đề của bức này khi đánh vần sẽ ra từ “Look (Nhìn xem),” tuy nhiên nếu ở tiếng Pháp, việc đọc to những chữ cái này sẽ tạo nên một câu mang tính gợi dục.
Republican Automatons, George Grosz, 1920, MoMA, New York City, NY
1920: Grosz là một trong những thành viên dẫn đầu của nhóm Dada ở Berlin. Ông thực hiện những bức tranh sâu sắc và mang tính châm biếm xã hội, chính trị với những nhân vật không có khuôn mặt, cái móc câu thay thế cho bàn tay, và động cơ thay thế cho tâm hồn. Trong bức “Repulican Automatons” phía trên, một nhân vật đội mũ bowler, một nhân vật khác đeo huy hiệu Thập tự Sắt.
Carnival of Harlequin, Joan Miró, 1924–25, Albright-Knox Art Gallery, Buffalo, NY
1924: Miró vẽ vai diễn hề trong kịch truyền thống Pháp, commedia dell’arte, với tay cầm cây guitar, mô-típ kim cương độc đáo trên cơ thể, và đội nón đô đốc. Xung quanh ông, những sinh vật kì lạ và những vật thể đang nhảy múa, ca hát và ăn mừng lễ hội Mardi Gras truyền thống ở Úc . Theo Miró, hình tam giác đen có thể thấy qua chiếc cửa sổ đại diện cho Tháp Eiffel.
Về tác giả: Sinh ra tại Catalonia, Joan Miró (1893 - 1983) theo học nghệ thuật tại Barcelona, và từ năm 1919, ông dành phần lớn thời gian tại Paris. Mặc dù ông đã ký bản tuyên ngôn Siêu thực năm 1924, nhưng ông chưa bao giờ coi bản thân thuộc về phong trào này, hay bất kì phong trào nghệ thuật nào khác. Trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha (Tháng 7 1935 - Tháng 4 1939), Miró đã thiết kế những tấm áp-phích phản đối lực lượng của Franco, và vào thập niên 1940 ông bắt đầu làm việc trong lĩnh vực điêu khắc và đồ gốm, tạo ra một loạt tác phẩm phù điêu bao gồm tác phẩm “Wall of the Sun and Wall of the Moon” hoàn thành năm 1958 cho tòa nhà UNESCO ở Paris. Năm 1972, ông ra mắt quỹ Joan Miró tại Barcelona, quyên góp một lượng lớn các tác phẩm của mình bao gồm khoảng 240 bức tranh, 175 tác phẩm điêu khắc, và 8000 bản vẽ.
The Blood of a Poet, Jean Cocteau, 1932
Những nghệ sĩ Siêu thực bị cuốn hút bởi loại hình điện ảnh, một trung gian trong đó thế giới quan của mỗi người có thể tạm thời được định hình lại trong không gian phòng chiếu. Được chu cấp bởi những nhà tài trợ giàu có, một vài bộ phim Siêu thực có sức ảnh hưởng đã được thực hiện, như thước phim Un Chien Andalou (1929) của Luis Buñuel và Salvador Dalí, hay phim The Blood of a Poet (1932) của Jean Cocteau.
Deutschland Deutschland über Alles, John Heartfield, 1929, Private Collection
1929: Là nghệ sĩ ghép ảnh được ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Dada, John Heartfield (tên khai sinh là Helmut Herzfeld ở Berlin) đã thực hiện tác phẩm chống Đức Quốc xã này trong một tập hình châm biếm của nhà báo người Do thái Kurt Tucholsky.
Time Transfixed, René Magritte, 1938, Art Institute of Chicago, IL
1938: Sắp đặt những thứ bình thường bên cạnh cái dị thường là một tài năng thiên bẩm của họa sĩ Magritte. Đối với bức này, lấy bối cảnh nội thất nhà ở bình thường, ông đã đặt một chiếc đồng hồ đại diện cho quy luật bất biến của thời gian, trong khi trên bức tường thì lòi ra một đoàn tàu hơi nước đang bị đóng băng trong thời gian.
Về tác giả: Sinh ra ở vùng quê nước Bỉ, Magritte đã tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Hoàng gia tại Brussels. Chịu ảnh hưởng của Giorgio de Chirico, ông bắt đầu theo đuổi phong cách Siêu thực và thực hiện tác phẩm quan trọng đầu tiên của mình, “The Menaced Asssassin,” vào năm 1926. Từ năm 1927 đến 1930, ông làm việc với những nghệ sĩ Siêu thực tại Paris, nhưng bất đồng với André Breton và trở về Brussels, nơi ông ở đến khi qua đời và thực hiện một số lượng đáng nể các tác phẩm Siêu thực.
The Two Fridas, Frida Kahlo, 1939, Museo de Arte Moderno, Mexico City, Mexico
1939: Những tác phẩm của Kahlo thường dựa trên các giấc mơ của cô, và nhiều trong số đó có liên quan đến những tổn thương về cả cơ thể và tâm hồn mà cô đã trải qua xuyên suốt cuộc đời mình. Trong bức chân dung đôi này, trái tim của cả hai Kahlo đều lộ ra ngoài - bên trái thì tan vỡ và chảy máu vì cuộc li dị gần đây, và bên phải còn nguyên vẹn, như thể người chồng vẫn một lòng yêu thương mình.
Về tác giả: Với bố là người Đức - Do Thái và mẹ là người Ấn Độ gốc Tây Ban Nha - Mĩ, Frida Kahlo (1907 - 1954) không may mắc virus bại liệt (polio) khi cô chỉ mới 6 tuổi. Đến năm 18 tuổi, cô bị tai nạn xe buýt - xương sống bị gãy, xương chân và xương chậu gần như vỡ nát, và lan can đâm xuyên qua bụng. Cô phải chịu đựng đau đớn suốt quãng đời còn lại và trải qua những cuộc phẫu thuật đáng sợ. Vào những lần hồi phục sau phẫu thuật đầu tiên, Kahlo đã bắt đầu khám phá hội họa, và cô thường tìm đến những lời khuyên từ bậc thầy phù điêu nổi tiếng Diego Rivera. Năm 1929, họ bước vào cuộc hôn nhân đầy tranh cãi và bất ổn, cũng trong khoảng thời gian đó Kahlo đã thực hiệt một loạt tranh chân dung tự họa ám ảnh, tất cả đều thể hiện những nỗi đau tinh thần và vật chất sâu sắc. Trong khoảng thời gian bên nhau, Rivera vẫn nổi tiếng hơn nhiều so với vợ mình, nhưng cho đến thập niên 1980, cô đã thoát khỏi cái bóng của người chồng và tự mình khẳng định vị trí trong thế giới nghệ thuật quốc tế.
Difficult, Kurt Schwitters, 1942–43, Albright-Knox Art Gallery, Buffalo, NY
1942: Vẫn theo đuổi Dada mặc dù phong trào này đã kết thúc từ lâu, nghệ sĩ người Đức Schwitters nổi tiếng với những tác phẩm cắt dán - những bức tranh được làm từ giấy xé, vé xe buýt, bao bìa thuốc lá, sợi chỉ, và những vật liệu bỏ đi khác. Ông đặt cho các tác phẩm của mình một cái tên đặc biệt, Merz, lấy cảm hứng từ những chữ cái trên một mảnh báo vụn mà ông đã dùng trong tác phẩm.
Gương mặt tiêu biểu của chủ nghĩa Siêu thực: Trở thành một nghệ sĩ Siêu thực vào năm 1929, nhưng Salvador Dalí vẫn hoạt động đầy đam mê và mạnh mẽ trong văn hóa đại chúng: thiết kế trang sức, bìa sách và đồ nội thất với phong cách kì dị đặc trưng trong sự nghiệp của mình Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông, ra đời từ hồi thập niên 1930, là một chiếc sofa mang tên “Mae West’s Lips,” được truyền cảm hứng bởi minh tinh Hollywood, Mae West.
Aline and Valcour, Man Ray, 1950, Private Collection
1950: Là một họa sĩ, nhiếp ảnh gia và nhà làm phim, Man Ray là người Mĩ duy nhất tham gia vào cả hai phong trào Dada và Siêu thực. Được đặt tên theo một tiểu thuyết khiêu dâm của Marquis de Sade, bức tranh này thể hiện những mô-típ từ các tác phẩm trước đó của người họa sĩ, bao gồm những nhân vật kì dị như các con ma-nơ-canh, cơ thể biến dạng đặt bên cạnh các khối hình học, và cái đầu bịt mắt đứt lìa khỏi cơ thể.
KIỆT TÁC
The Persistence of Memory
Salvador Dalí, 1931, MoMA, New York City, NY
Đây rất có thể là bức tranh Siêu thực nổi tiếng nhất. Dalí chọn thời gian làm chủ đề chính trong bức "The Persistence of Memory", thể hiện qua chiếc đồng hồ bỏ túi đang tan chảy đại diện cho quy luật bất biến của thời gian. Đàn kiến bò trên đồng hồ khơi gợi ý niệm sự phân hủy và cái chết, trong khi phần núi và vách đá (lấy hình mẫu từ phong cảnh gần quê nhà của Dalí tại Catalonia, Tây Ban Nha) thể hiện thực tế khó khăn của sự sống. Khuôn mặt kì dị được lấy cảm hứng từ chính khuôn mặt người nghệ sĩ.
Dalí luôn thể hiện tầm nhìn giàu trí tưởng tượng của mình một cách có chủ đích với độ chi tiết đáng kinh ngạc và ấn tượng - ông gọi các bức tranh của mình là “những tấm ảnh chụp giấc mơ vẽ tay.” Tuy nhiên ông chưa bao giờ giải thích tường tận ý nghĩa của chúng - khi được hỏi ý kiến về bình luận của một nhà phê bình rằng tác phẩm này liên quan đến Thuyết tương đối của Einstein, ông trả lời rằng thực chất đó là góc nhìn của một nghệ sĩ Siêu thực đối với thỏi phô mai Camembert đang tan chảy dưới ánh nắng mặt trời.
Tài năng của Dalí nằm ở sự phô trương và thể hiện bản thân - năm 1936, ông mặc bộ đồ lặn tại lễ khai trương buổi triển lãm Siêu thực ở London - giúp danh tiếng của ông vang xa vượt khỏi thế giới nghệ thuật. Bên cạnh hội họa, ông còn thực hiện tác phẩm ở nhiều lĩnh vực khác như điêu khắc, vẽ minh hoạ, thiết kế trang sức, nội thất và làm phim. Ông cũng từng viết một cuốn tiểu thuyết, Hidden Faces (1944) và sản xuất nhiều phiên bản hồi ký, đều mang tính phô trương. Tại Figueras, quê nhà của Dalí ở Tây Ban Nha, một bảo tàng chuyên trưng bày các tác phẩm của ông đã trở thành một địa điểm du lịch lớn không thể bỏ qua. Ngoài ra còn có nhiều bảo tàng Dalí khác trên thế giới, bao gồm một bảo tàng lớn tại St.Petersburg, Florida.
Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - Bài dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép.
________________________________________________
Art Design Center
vietnamcolor.vn - fashionnet.vn
Contact: 0903788646 - 0903975081
Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \
Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)
30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City
Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn.
HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.