288
27 Tháng 12 10:22 am

Art that Changed the World I Pop Art và Op Art

  “Pop Art mang: Tính đại chúng (được thiết kế để phục vụ đám đông); Tạm thời (là một giải pháp ngắn hạn); dễ vứt bỏ (dễ dàng bị lãng quên; chi phí thấp; được sản xuất hàng loạt; trẻ trung (nhắm tới giới trẻ); sắc sảo; gợi cảm; hào nhoáng; lém lỉnh; và là một hình thức kinh doanh béo bở.”

Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.

Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.

Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.

PHẦN 5E: POP ART VÀ OP ART
Khi nghệ thuật giao thoa văn hóa đại chúng

Những nghệ sĩ Pop Art có chung mục tiêu tháo dỡ những rào chắn cuối cùng ngăn cách nghệ thuật đương đại và văn hóa đại chúng. Xuất hiện vào khoảng giữa thập niên 1950, họ đã lấy cảm hứng từ tất cả những hình ảnh đồ họa thú vị, hấp dẫn xuất hiện sau cuộc Thế chiến thứ II - từ phim ảnh, tạp chí, tranh minh họa sách, truyện tranh, bao bìa đóng gói và những chiến dịch quảng cáo. Phong trào Pop Art có nguồn gốc từ Anh Quốc, với một nhóm nghệ sĩ bao gồm Richard Hamilton, Eduardo Paolozzi, và Allen Jones, nổi tiếng nhất với những hình ảnh gợi cảm theo phong cách quảng cáo, và cũng là người đã thể hiện rằng nghệ thuật không nhất thiết phải trang trọng và mang tính học thuật mà chúng có thể trở nên nổi bật, mới mẻ và dễ tiếp cận đối với công chúng. Vào những năm đầu của thập niên 1960, phong cách Pop Art của Mỹ ra đời, tập trung vào công nghệ và tính sản xuất hàng loạt. Những nhân vật tiêu biểu như Roy Lichtenstein và Andy Warhol không chỉ sử dụng những sản phẩm gia dụng như chủ đề của mình, mà còn dùng những bản giấy in hàng loạt làm trung gian chính cho các tác phẩm. Op Art là một thuật ngữ ra đời vào năm 1964 để thể hiện một thể loại trừu tượng trong đó mục tiêu là tạo ảo ảnh thị giác để gây choáng ngợp và tạo hiệu ứng chuyển động. Cả Pop và Op Art đã tiếp cận được với một lượng công chúng rộng rãi và ảnh hưởng mạnh mẽ đến lĩnh vực thiết kế và văn hóa.

Gallery Gasper, Allen Jones, 1966–68

Là một cái tên hàng đầu góp phần quan trọng trong sự phát triển của Pop Art, Allen Jones chuyên vẽ cơ thể nữ giới theo phong cách gợi cảm, hào nhoáng, thường đi kèm với đôi giày cao gót quyến rũ.  Lấy cảm hứng từ phong cách vẽ minh họa chân thực, tô viền của thập niên 1940 và 50, ông đã phát triển phong cách vẽ khiêu gợi đặc trưng đậm chất Pop Art.

BỐI CẢNH

Nghệ thuật Pop Art bắt nguồn từ sự thịnh vượng và lạc quan hậu chiến tranh. Mặc dù bắt đầu từ những năm 1950, nhưng phong trào này đạt đỉnh điểm và tạo nên một cuộc cách mạng xã hội vào thập niên 1960, giai đoạn mà thời trang và âm nhạc được thống trị bởi nền văn hóa mà sau này được biết đến với cái tên “swinging”, đặc biệt tại London, một trong những nơi nó phát triển mạnh mẽ đầu tiên. Quá trình phân bổ hậu chiến tranh đã kết thúc, các nền kinh tế đang bùng nổ, và tất cả mọi lĩnh vực đều hướng về giới trẻ: lứa tuổi vị thành niên và thanh niên không còn cần phải đợi tới tuổi trưởng thành để bước vào guồng quay xã hội, mà họ chính là người định hình xu hướng thế giới. Ngoài ra, hơn bao giờ hết, thế giới sẵn sàng công nhận những cá nhân ưu tú, dù họ xuất thân từ tầng lớp nào - những người thuộc tầng lớp lao động trước đây đã được tạo điều kiện để có thể trở thành những diễn viên, nhạc sĩ, nhà thiết kế thời trang và nhiếp ảnh gia đẳng cấp bên cạnh những người có xuất thân danh giá.

Ở cả 2 phía của Đại Tây Dương, sự sung túc đã giúp văn hóa đại chúng dễ tiếp cận hơn nhờ vào sự phổ cập của thiết bị truyền thông; những giá báo trưng bày các tờ tạp chí đầy màu sắc; những kệ tủ siêu thị chất đầy những sản phẩm khoác trên mình bao bìa độc đáo từ các thương hiệu; và những thước phim với sự xuất hiện của dàn siêu sao hào nhoáng, hoa mỹ đáng mơ ước. Trong thời đại nền kinh tế mới và dân chủ trong văn hóa này, các tác phẩm đồ họa từ văn hóa đại chúng có thể ăn sâu vào trí óc người tiêu dùng và mang sức ảnh hưởng mạnh mẽ, trở thành những tác phẩm hoàn toàn có thể cạnh tranh với các kiệt tác của những Bậc thầy cổ điển ở phương diện thu hút  sự chú ý của công chúng.

Trong khi đó, tại một London trầm lắng hậu chiến tranh năm 1952, một nhóm nghệ sĩ, kiến trúc sư và nhà văn thường gặp gỡ tại Viện Nghệ thuật Đương đại (ICA) để bàn bạc về ảnh hưởng từ sự phát triển của khoa học và công nghệ đến nghệ thuật đương đại - họ tự gọi bản thân là Nhóm Độc lập (Independent Group). Từ những cuộc thảo luận này, họ đã dần xây dựng niềm hứng thú đối với văn hóa đại chúng, thứ truyền cảm hứng cho sự khởi đầu của phong trào Pop Art. Nhóm này tan rã vào năm 1955, nhưng một thành viên trong đó, cây viết và nhà phê bình Lawrence Alloway, thường được ghi nhận là người đã khai sinh thuật ngữ Pop Art.

Bản định nghĩa thuật ngữ Pop Art nổi tiếng vào năm 1975 của một trong những nhà tiên phong của phong trào này, nghệ sĩ người Anh Richard Hamilton, đã thể hiện rõ mối liên kết mạnh mẽ giữa phong trào với một thế giới mới năng động, đầy cơ hội và tiềm năng thời bấy giờ: “Pop Art mang: Tính đại chúng (được thiết kế để phục vụ đám đông); Tạm thời (là một giải pháp ngắn hạn); dễ vứt bỏ (dễ dàng bị lãng quên; chi phí thấp; được sản xuất hàng loạt; trẻ trung (nhắm tới giới trẻ); sắc sảo; gợi cảm; hào nhoáng; lém lỉnh; và là một hình thức kinh doanh béo bở.”

NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT

Cả những nghệ sĩ Pop Art tại Anh và Mỹ đều bị cuốn hút bởi những hình ảnh đầy màu sắc, phức tạp và mạnh mẽ đáng kinh ngạc xung quanh họ. Chúng có thể được tìm thấy trên những tấm biển quảng cáo ngoài đường, trên các trang báo và bao bìa, cũng như trên màn ảnh động - có thể là trên chiếc TV ở  phòng khách, hay trên màn ảnh rộng trong phòng chiếu rạp.

Minh tinh Elizabeth Taylor

Những siêu sao màn bạc trở thành thần tượng của hàng triệu người, và hình ảnh của họ xuất hiện ở khắp nơi. Với loạt tranh in chân dung huyền thoại của mình, Andy Warhol đã thể hiện quan điểm rằng những người nổi tiếng cũng đã trở thành sản phẩm cho công chúng tiêu thụ.

Bộ truyện tranh "Eagle Comics Hero" nổi tiếng tại Anh Quốc thời bấy giờ. Tranh của David Hockney từng được xuất bản trên truyện thời ông còn trẻ

Hình ảnh trong truyện tranh comic rất bắt mắt, rực rỡ và với giá thành phải chăng, nó đã tiếp cận được lượng lớn công chúng. Những đường nét mạnh mẽ, kịch tính trong truyện đã tạo thêm sự sống động và dễ mến cho những người anh hùng dũng cảm, những cô gái hào nhoáng gợi cảm hay thậm chí là những cô cậu nhóc nhân vật phụ dễ đồng cảm trong truyện.

Zebra, Victor Vasarely, 1938

Victor Vasarely , nghệ sĩ người Hungary / Pháp, đã thử nghiệm với hiệu ứng thị giác trên nhiều nền tảng khác nhau vào những năm 1930. Các tác phẩm của ông là một nguồn ảnh hưởng quan trọng đến phong trào Op Art thịnh hành sau Pop Art.

ĐIỂM NGOẶT

Just What is it that Makes Today’s Homes So Different, So Appealing? 
Richard Hamilton, 1956, Kunsthalle, Tübingen, Đức

Năm 1956, kiến trúc sư và nhà văn Theo Crosby - cùng với những thành viên sáng lập của Nhóm Độc lập - tổ chức một buổi triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Whitechapel tại London mang tên “This is Tomorrow (Đây là Tương lai.)” Lấy đời sống hiện đại làm chủ đề chính, nó trưng bày những bức tranh và tác phẩm sắp đặt hợp tác giữa các nghệ sĩ và kiến trúc sư. Một hình ảnh xuất hiện trong quyển catalogue của sự kiện và trên tấm áp-phích quảng cáo là tác phẩm cắt dán của Richard Hamilton, “Just What is it that Makes Today’s Homes So Different, So Appealing?” thường được coi là tác phẩm Pop Art điển hình đầu tiên. Lấy tiêu đề từ mục quảng cáo của một tờ tạp chí Mỹ, nó nhắc đến mọi yếu tố trực quan của văn hóa đại chúng đã truyền cảm hứng cho phong trào này. Tác phẩm thể hiện một căn phòng khách chứa đầy hình người và đồ nội thất được tạo hình từ những miếng bìa các tông, một quyển truyện tranh, bao bìa, TV, hình ảnh đồ họa quảng cáo, và những thiết bị gia dụng hiện đại. Có thể thấy qua tấm cửa sổ là một rạp phim đang chiếu bộ phim có âm thanh đầu tiên, The Jazz Singer, với sự góp mặt của Al Jolson.

Về tác giả: Là một họa sĩ, nhà thiết kế đồ họa, giảng viên, và nhà văn, Hamilton khởi đầu sự nghiệp làm họa sĩ vẽ tranh minh họa, sau đó theo học tại Học viện Hoàng gia ở London và Đại học Mỹ thuật Slade. Năm 1952, ông là một trong những nhà sáng lập Nhóm Độc lập, những người đã đặt ra nền tảng cho phong trào Pop Art. Mặc dù phần lớn các tác phẩm thuộc thể loại cắt dán, Hamilton đã từng bước ra khỏi lĩnh vực chuyên môn của mình vào năm 1968 để thiết kế bìa album “White Album” cho nhóm The Beatles. Thiết kế đơn giản đáng kinh ngạc của Hamilton đã truyền cảm hứng cho cái tên nổi tiếng của album đó. Vào những năm cuối đời, Hamilton vẫn say mê với văn hóa tiêu thụ và thường thực hiện những tác phẩm mang tính châm biếm chính trị.

LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN QUA CÁC TÁC PHẨM

Mặc dù Pop Art không trở thành phong trào cho đến khoảng năm 1960, nhưng nó có mối liên hệ gần gũi với các tác phẩm của hai nghệ sĩ người Mỹ, Jasper Johns và Robert Rauschenberg, vốn được gán ghép với phong cách hình thành trước đó được biết đến là Neo-Dada. Đặc biệt John đã định hình nền tảng nghệ thuật Pop Art với quan điểm cá nhân rằng tranh vẽ phải thể hiện “những cái mà tâm trí đã biết.” Tại cả Mỹ và Anh, những nghệ sĩ Pop Art hướng đến những điều quen thuộc để đưa vào nghệ thuật, còn các nghệ sĩ tại Anh thường điều chỉnh những nguồn cảm hứng của họ để thêm vào những sự châm biếm hay quan điểm chính trị. Cũng vào thời điểm này, Op Art đã nâng tầm vị trí của những tác phẩm mang hiệu ứng thị giác phức tạp và đưa chúng vào những buổi triển lãm tại các phòng tranh.

Flag, Jasper Johns, 1955, MoMA, New York City, NY

1955: Lấy chủ đề chủ đạo là “những điều tâm trí đã biết,” Johns xây dựng tác phẩm cắt dán này với màu sơn, vải vóc, gỗ plywood, và những mảnh vụn báo in xuất hiện mập mờ bên dưới lá cờ. Bức tranh của ông khắc họa lá cờ Mỹ vào thời điểm khi nó chỉ mới có 48 bang.

Campbell’s Soup Can Tomato, Andy Warhol, 1962, MoMA, New York City, NY

1962: Ban đầu, Warhol thực hiện một loạt tác phẩm mang tên “Campbell’s Soup Cans” - 32 bức tranh trên lụa, mỗi bức cho mỗi loại trong dòng sản phẩm của công ty. Khi lần đầu được trưng bày, chúng được sắp xếp theo bốn hàng ngang, mỗi hàng 8 bức, tương tự như những cách những lọ súp được trưng trên kệ tủ siêu thị.

Wittgenstein in New York, Sir Eduardo Paolozzi, 1965, Pallant House Gallery, Chichester, Vương quốc Anh

1965: Đây là một bức trong loạt tranh in mang tên “As Is When,” được truyền cảm hứng bởi các tác phẩm của triết gia người Áo - Úc, Ludwig Wittgenstein. Tác phẩm bao gồm những câu từ trong sách của người triết gia kết hợp với những yếu tố cắt dán, và tất cả đều mang màu sắc rực rỡ của Pop Art.

Về tác giả: Là con trai trong một gia đình người Slovakia nhập cư, Andy Warhol (1928 - 1987) tốt nghiệp ngành Thiết kế Tạp chí tại Học viện Công nghệ Carnegie, Pittsburgh trước khi chuyển về thành phố New York vào năm 1949. Sau khi thành công với nghề vẽ minh họa thương mại, ông theo đuổi Pop Art từ năm 1961, vẽ những sản phẩm tiêu thụ và người nổi tiếng, từ Marilyn Monroe đến Mao Trạch Đông. Năm 1964 ông mở một studio chuyên thực hiện các tác phẩm in ấn mang tên The Factory, và từ đó chuyên tâm sản xuất sách truyện và phim ảnh - ông cũng đã từng xuất hiện trên sóng truyền thông, trung gian nổi tiếng của nền văn hóa thời bấy giờ.

 A Bigger Splash, David Hockney,1967, Tate Modern, London, Vương quốc Anh

1967: Hockney dành nhiều thời gian làm việc tại Los Angeles trước khi ông quyết định định cư tại đó. Những tác phẩm hoàn thiện thường vẽ bản thân ông cùng các người bạn, nhưng đối với bức “A Bigger Splash”, ông vẽ một chủ đề đậm chất California - một hồ bơi xa xỉ, hào nhoáng - nhưng không có người nào bên trong.

Về tác giả: Là họa sĩ người Anh nổi tiếng nhất trong thế hệ của mình, David Hockney theo học Trường Mỹ thuật Bradford và Trường Nghệ thuật Hoàng gia ở London. Vốn là một ngôi sao của giới Pop Art tại Anh nói chung và London nói riêng, ông thường xuyên đi đi về về Los Angeles vào khoảng giữa những năm 1960, trước khi định cư tại đó năm 1976. Năm 2005, ông trở về ở tại Yorkshire, Anh, và tiếp tục làm việc hăng say - bên cạnh hội họa, Hockney còn vẽ minh họa tranh, thiết kế sân khấu và cắt dán ảnh chụp.

Double Metamorphosis III, Yaacov Agam 1968–69 Musée National d’Art Moderne, Paris, Pháp

1968: Sinh ra tại Israel, nhưng nghệ sĩ Yaacov Agam đã ở lại Paris và trở thành nhà tiên phong trong nghệ thuật hiệu ứng thị giác. Ông đã thực hiện loạt tranh “Double Metamorphosis” trong đó ông vẽ trên các thanh nâng, sao cho tác phẩm sẽ thay đổi theo cách người xem di chuyển xung quanh nó. Mục tiêu của ông là “vượt lên giới hạn của cái hữu hình.”

Sheng-Tung, Bridget Riley, 1974

1974: Sinh ra tại London, Riley là một trong những nghệ sĩ Op Art hàng đầu, chuyên thực hiện các tác phẩm tạo hiệu ứng hoa mắt, ảo ảnh trong mắt người xem. Các tác phẩm ban đầu của cô chỉ sử dụng hai gam màu trắng đen, nhưng sau này cô còn thử nghiệm với hiệu ứng lung linh từ những màu sắc khác.

KIỆT TÁC

Whaam! 
Roy Lichtenstein, 1963, Tate Modern, London, Vương quốc Anh

Dựa trên một khung hình trong quyển truyện tranh “All-American Men of War,” xuất bản bởi DC Comics vào năm 1962, Lichtenstein khéo léo khơi gợi lại nguyên bản của nó trong Whaam! Sau đó đưa lên kích cỡ khổng lồ - tác phẩm gồm hai phần với kích thước khoảng 175 x 400 cm (70 x 160 inch) - tạo nên một tác phẩm Pop Art mạnh mẽ, kiểu cách và mang tính biểu tượng. Người nghệ sĩ thường lấy cảm hứng những tác phẩm thương mại - như là truyện tranh, phim hoạt hình, và đồ họa thương mại - bởi vì cách chúng thể hiện cảm xúc với những kĩ thuật đồ họa đơn giản cho phép ông vẽ những chủ đề sâu sắc một cách dễ tiếp cận hơn. Lichtenstein yêu thích những gam màu của truyện tranh như màu đỏ rực, vàng, xanh dương, và xanh lá, thường được bo viền đen.

Bên cạnh việc lấy cảm hứng từ văn hóa đại chúng, phong cách của ông luôn đi kèm với những quan điểm châm biếm về những gì mà ông coi là sự coi nhẹ văn hóa trong cuộc sống tại Mỹ. Lichtenstein là một trong những người tiên phong quan trọng của phong trào Pop Art Mỹ. Là người con duy nhất trong gia đình, ông sinh ra tại New York và lớn lên cùng niềm đam mê sâu sắc với truyện tranh, khoa học và hội họa. Cũng như nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác, ông theo học Arts Student League trong thành phố, trước khi học thêm một chứng chỉ Mỹ thuật tại Đại học Ohio. Vào khoảng thời gian đó, ông cũng phải tham gia phục vụ trong cuộc Thế chiến thứ II, nhưng sau đó quay lại để hoàn thành chương trình học của mình, theo sau đó là một bằng Thạc sĩ trước khi trở thành một giảng viên.

Là một nghệ sĩ, Lichtenstein đã luôn bị cuốn hút bởi văn hóa Mỹ, và ông dành khoảng thời gian đầu của sự nghiệp vẽ những khung cảnh lịch sử như các trận chiến nổi tiếng hay những câu chuyện miền Viễn Tây. Khi ông bắt đầu thử nghiệm với Pop Art vào đầu thập niên 1960, ông đã đưa tình yêu với truyện tranh thuở bé của mình vào bức “Whaam!” , thứ sau này trở thành tác phẩm nổi tiếng nhất của ông và là một cột mốc quan trọng trong lịch sử nghệ thuật Mỹ. Nguồn cảm hứng trực tiếp của tác phẩm này được cho là khi một trong những đứa con của ông cầm trên tay quyển truyện tranh và thách thức ông: “Con cá là bố không thể vẽ đẹp được như thế này.”

Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - Bài dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép. 

________________________________________________

G Studio 

Art Design Center 

vietnamcolor.vn - fashionnet.vn

Contact: 0903788646 - 0903975081

Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \

Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)

30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City 

 

Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn. 

HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Art_Painting Sinh viên tốt nghiệp tại trường Imperial College London, Nicole Stjernsward đã phát minh ra Kaiku, một hệ thống giúp chuyển hoá thực vật thành các loại bột màu từ quá trình ứng dụng công nghệ bay hơi.


VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

Pro_Creative ĐI & VỀ, ĐI để vẽ nên màu của mình, chúng ta là Màu Việt Nam. Khi người nghệ sĩ chọn chất liệu, họ say mê bề mặt của giấy, toan, đất, vải, vóc, sơn hay bất kỳ kết cấu nào tạo ra cảm xúc để sáng tạo. Người thưởng ngoạn hít thở sâu, nhắm mắt, lắng nghe từ trực giác, mở mắt để thấu cảm màu sắc, hình, khối, vẻ quyến rũ từ chất liệu, tài năng của người nghệ sĩ, hòa nhịp làm nên câu chuyện sáng tạo. Khi bắt đầu chạm, sẽ hiểu rồi yêu, điều này vô cùng quý giá cho hành trình khám phá nghệ thuật ĐI & VỀ, ĐI của mỗi người.

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Subscription

Fashionnet

Follow us