Art that Changed the World I Hội họa Trừu tượng hiện đại
Art_Painting Trong xã hội hiện đại, các quy tắc truyền thống trong hội họa dần trở nên mờ nhạt, những nghệ sĩ Trừu tượng được tự do thể hiện phong cách độc đáo của bản thân và chủ yếu được truyền cảm hứng bởi các vấn đề chính trị hay hệ tư tưởng.
Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.
Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.
Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.
PHẦN 5F: HỘI HỌA TRỪU TƯỢNG HIỆN ĐẠI (1960s - Hiện tại)
Từ kẻ nổi loạn trở thành tâm điểm nghệ thuật đương đại
Được phát triển trong những năm tháng bất ổn hậu Thế chiến thứ I, nghệ thuật trừu tượng đến nay được xem là một trong những bước phát triển quan trọng nhất trong lịch sử nghệ thuật. Mặc dù phản ứng ban đầu của công chúng đối với thể loại này chủ yếu là e dè, bối rối, kinh ngạc, và trong một khoảng thời gian dài nó chỉ được công nhận bởi nhóm rất nhỏ, nhưng từ sau cuộc Thế chiến thứ II, nó đã thuyết phục được đại chúng và chiếm vị trí trung tâm trong thế giới nghệ thuật đương đại. Vào thời điểm này, trong giai đoạn nghệ thuật hiện đại bị áp bức bởi Đức Quốc Xã và chủ nghĩa Stalin, trừu tượng dần được công nhận là một biểu tượng cho sự tự do tư tưởng của phương Tây. Trong những năm gần đây, hội họa trừu tượng có thể không còn là tâm điểm của những phát triển trong nghệ thuật, nhưng nó vẫn có những bước tiến mạnh mẽ theo nhiều cách khác nhau trong thế kỉ 21. Những nhân vật đáng chú ý của trừu tượng hiện đại có thể kể đến là Karel Appel, Cy Twombly, Howard Hodgkin, Brice Marden, Gerhard Richter, và Damien Hirst.
Red Yellow Blue Painting Number 1, Brice Marden, 1974, Albright-Knox Art Gallery, Buffalo, NY
Đây là một trong số loạt tranh của Marden, mỗi bức gồm ba tông màu khác nhau của ba gam màu cơ bản được sắp xếp theo những thứ tự nhất định, không lặp lại. Đối với tất cả những bức này, Marden đã sáng tạo ra kỹ thuật trộn sáp ong chảy với sơn dầu để giảm bớt độ bóng và làm nổi bật hiệu ứng họa tiết bề mặt tranh.
BỐI CẢNH
Phần lớn những nghệ sĩ ngày nay đang làm việc trong xã hội không còn bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, những cuộc đại suy thoái hay những vụ bất ổn chính trị, cũng như ngày càng ít bị gò bó bởi quy tắc và truyền thống. Điều này đã dẫn đến việc các ranh giới, quy tắc hay sự phân biệt trước đây trong hội họa đang dần trở nên mờ nhạt, thậm chí bị bỏ qua bởi những nghệ sĩ cấp tiến. Thay vì lưu tâm đến loại hình nghệ thuật (hội họa, điêu khắc, tranh chạm khắc,…) hay trường phái, các nghệ sĩ thường dành thời gian để chọn ra những khía cạnh độc đáo của vấn đề hay chủ đề mà họ muốn đề cập đến trong tác phẩm của mình.
Nhiếp ảnh từng là một lĩnh vực độc lập, hoàn toàn tách biệt với thế giới nghệ thuật. Tuy nhiên, kể từ những năm 1960, những bộ ảnh chụp với ý đồ nghệ thuật xuất hiện ngày càng dày đặc, và công nghệ hiện đại đã đặt những tấm ảnh màu cỡ lớn lên vị trí ngang ngửa các tác phẩm hội họa . Mặc dù trong mọi thời đại đều có những nghệ sĩ khó có thể phân vào bất kì phong cách hay trường phái nào, nhưng chắc chắn rằng những nghệ sĩ hiện đại đã trở nên linh hoạt và tự do hơn bao giờ hết trong việc thể hiện bản sắc cá nhân của mình. Nói cách khác, họ không còn quan trọng liệu tác phẩm của mình phải mang tính truyền thống, phổ biến hay nổi loạn, cách tân; những nghệ sĩ hàng đầu có thể tự do thực hiện những tác phẩm cả trừu tượng và tượng hình.
Những tác phẩm đầu tiên của nghệ sĩ người Mỹ Cy Twombly - một trong những nghệ sĩ trừu tượng đương đại được tôn kính nhất thế giới - là kết tinh của những mối quan hệ của ông với một loạt những nghệ người Mỹ xuất sắc khác. Trong những năm tháng ngồi ghế nhà trường tại New York, ông sống chung với nghệ sĩ trường phái Neo-Dada Robert Motherwell. Twombly ban đầu là một họa sĩ Biểu hiện Trừu tượng, và ông từng được coi là “người kế thừa Jackson Pollock.” Tuy nhiên, kể từ chuyến đi đến Ý năm 1957, phong cách của ông đã ít bị thống trị bởi nghệ thuật Mỹ hiện đại hơn và hướng đến một phong cách chiết trung hơn, đôi khi còn có những tác phẩm ngập tràn màu sắc. Tác phẩm của Twombly thường có đặc trưng là những hình dạng độc đáo, phức tạp: có thể là từ ngữ, hay chữ viết nguệch ngoạc, chữ ký, những đường uốn lượn, dấu câu, các con số hoặc những mô-típ nguyên bản. Bằng cách xóa nhóa đi sự phân biệt giữa tranh vẽ và hội họa mỹ thuật, cọ vẽ và bút chì, hình ảnh và ký tự, Twobly đã tạo ra một thế giới mới lấp đầy bởi những biểu tượng, phép ẩn dụ và bí ẩn.
NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT
Từ những năm tháng đầu tiên của sự nghiệp, và đặc biệt là sau khi chuyển tới Ý, Twombly đã được ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa châu Âu, lịch sử thế giới nói chung và thế giới cổ điển nói riêng - lịch sử, phong cảnh, thần thoại, nghệ thuật thời đại này, và những bài thơ ca từ thời xa xưa. Sự say mê này đã định hình phần lớn các tác phẩm của ông: không đơn thuần là hình ảnh, ông còn thổi hồn vào những nét vẽ nghuệch ngoạc và những hiệu ứng họa tiết đồ họa.
Church at St. Cirq, Pierre Daura, 1955 - 65, Daura Gallery, Lynchburg College, VA
Nghệ sĩ người Catalan-Mỹ Pierre Daura, một trong những giáo viên đầu tiên của Twombly, là một nguồn ảnh hưởng lớn đến các tác phẩm đầu tiên của ông. Cả hai đều ngưỡng mộ Paul Cézanne. Daura sống ở Paris trước khi định cư tại Virginia, nhưng thường xuyên quay về ghé thăm Pháp.
Hồ Bolsena
Hồ Bolsena gần Rome là nguồn gốc tiêu đề loạt tranh của Twombly. Vào thời điểm ông thực hiện chúng, ông đang sống tại một khách sạn mang phong cách cổ điển thế kỉ 19 bên bờ hồ, khu vực đã từng có người sinh sống từ trước khi Đế chế La Mã ra đời.
Tác phẩm phù điêu này có niên đại ước tính vào khoảng năm 50 tại Pompeii, được cho là khắc họa chân dung nhà thơ Sappho
Những dòng thơ lãng mạn của Sappho, một nhà thơ người Hy Lạp sinh sống vào thế kỷ thứ 7 TCN, xuất hiện rải rác trong vài tác phẩm của Twombly, bao gồm những bức thuộc loạt tranh Bolsena. Chất thơ của Sappho được công chúng thời cổ đại rất ngưỡng mộ.
The Fox, Franz Marc, 1913, Kunstmuseum, Düsseldorf, Đức
Chủ nghĩa Biểu hiện Đức đã cuốn hút Twombly khi ông còn trẻ. Franz Marc, một nhà sáng lập của nhóm Der Blaue Reiter, có chung niềm đam mê văn hóa Hy Lạp với Twombly. Và cũng như Twombly, Marc đã sử dụng đường nét và biểu tượng, nhưng theo một cách rất khác so với nghệ sĩ người Mỹ.
ĐIỂM NGOẶT
Untitled (Bolsena)
Cy Twombly, 1969
Vào mùa hè năm 1969, Twobly thực hiện loạt tranh 14 tác phẩm sử dụng sơn tường gốc dầu, chì màu và bút chì trên canvas. Một phần hội họa, một phần nghệ thuật đồ họa, những tác phẩm Bolsena đều bao gồm các hình dạng độc đáo, nét vẽ thư pháp, và các con số thống kê (một vài trong đó lấy cảm hứng từ dự án chinh phục vũ trụ của Apollo) nằm rải rác trên bề mặt màu trắng kem. Kết hợp với đó là những đường nét uốn lượn trông có vẻ ngẫu hứng, những vết trầy xước, và nhiều chi tiết khác thể hiện ý đồ sáng tạo một phong cách đặc trưng, dễ dàng nhận diện cho riêng mình.
Về tác giả: Năm 1953, sau khi theo học tại Trường Bảo tàng Mỹ thuật ở Boston, Art Students League tại New York, và Cao đẳng Black Mountain ở North Carolina, Cy Twombly (1928 - 2011) chu du khắp châu Âu và Bắc Phi với sự hỗ trợ từ Bảo tàng Mỹ thuật Richmond (Virginia). Sau đó ông sống tại thành phố New York và từng có khoảng thời gian phục vụ quân đội (chủ yếu làm công việc liên quan đến dữ liệu, mật mã) cũng như dạy học. Sau khi định cư tại Ý, ông tiếp tục sáng tạo ra những bức tranh và tác phẩm điêu khắc cho đến khi qua đời.
LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN QUA CÁC TÁC PHẨM
Sau sự thống trị của chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng những năm 1940 và 50, hội họa Trừu tượng bắt đầu được công nhận và trở nên đa dạng hơn, các nghệ sĩ với nhiều phong cách khác nhau dần khẳng định tên tuổi của mình. Từ những bức Biểu hiện đầy nỗi niềm của Karel Appel cho đến các tác phẩm Tượng trưng đen tối hơn của Anselm Kiefer, hay những hình khối chuyển động của Simon Hantai và Damien Hirst, ngoài ra còn có những khối màu đơn giản của Ellsworth Kelly và Gerhard Richter. Những họa sĩ cấp tiến thời hiện đại tự do thể hiện danh tính cá nhân độc đáo của mình thông qua hội họa Trừu tượng.
Angry Landscape, Karel Appel, 1967
1967: Là một họa sĩ và nhà điêu khắc người Hà Lan, nhưng Appel sống và làm việc tại Paris, New York và Monaco. Đặc trưng của ông - về tổng quát - là những tác phẩm Biểu hiện với những nét uốn lượn dày, cuồn cuộn, màu sắc quyết liệt, và những đường nét quyết đoán. Mặc dù mang tính trừu tượng mạnh mẽ, nhưng chúng thường vẫn khơi gợi hình dáng con người.
Tabula, Simon Hantaï, 1974, Musée d’Art et d’Industrie, Saint-Étienne, Pháp
1974: Sinh ra tại Hungary, Hantai sống và làm việc tại Pháp cho đến khi qua đời vào năm 2008. Là một người nổi loạn và sống ẩn dật, ông đã thực hiện những bức canvas kích cỡ khổng lồ, ngập tràn những gam màu chói rực điểm xuyến bởi màu trắng thuần khiết. Để tạo ra các tác phẩm của mình, ông đã gấp lại và buộc chặt tấm canvas trước khi nhúng vào sơn - quá trình này được gọi là pliage.
Das Wölund-Lied (Wayland’s Song), Anselm Kiefer, 1982, Saatchi Collection, London, Vương quốc Anh
1982: Được truyền cảm hứng bởi văn hóa quê hương Đức ( từ truyền thuyết dòng sông Rhine cho đến Đức Quốc xã), Kiefa thường lồng ghép những yếu tố văn hóa và sử dụng nhiều vật liệu khác nhau trong các tác phẩm. Bức tranh này sử dụng màu sơn dầu, nhũ tương, ống hút, một tấm hình chụp và chì. Wayland là một thợ rèn Bắc Âu.
Abstract Painting (812), Gerhard Richter, 1994, Art Gallery of New South Wales, Sydney, Úc
1994: Sinh ra ở vùng phía đông nước Đức, Richter sử dụng sơn màu trong tác phẩm trừu tượng của mình với vai trò không đơn thuần là một trung gian, mà là một thực thế độc lập. Để thực hiện bức tranh này, ông kéo lê đường sơn dầu màu vàng trên một bức tranh canvas đã vẽ trước đó, làm nổi bật lên phần giá đỡ gỗ phía bên dưới.
Về tác giả: Là một trong những nghệ sĩ thành danh nhất trong thế hệ của mình, Richter có khả năng thực hiện các tác phẩm với nhiều phong cách và nhiều cách tiếp cận khác nhau một cách linh hoạt. Thương hiệu riêng của ông, Superrealism, ứng dụng một loại ảnh đặc biệt, có hiệu ứng mờ ảo như ảnh chụp từ xe đang chuyển động, mang nhiều nét tương đồng với các tác phẩm trừu tượng của ông. Tuổi thơ của Richter phải trải qua một chế độ đàn áp tại đất nước đang trong tình cảnh chiến sự khốc liệt, nhưng sau này ông đã theo học nghệ thuật tại các Học viện ở Dresden và Düsseldorf. Ông sống và làm việc tại Cologne.
Grey Space (distractor), Julie Mehretu, 2006, St. Louis Art Museum, MO
2006: Sinh ra tại Ethiopia, Julie Mehretu sinh sống và làm việc tại Mỹ. Kỹ thuật đặc trưng của cô ứng dụng những yếu tố từ hội họa, tranh cắt dán và tranh vẽ để tạo nên các tác phẩm phức tạp khơi gợi hình ảnh phong cảnh, kiến trúc và văn hóa tiêu thụ. Bức “Grey Space (distractor)” sử dụng những đường màu quyết đoán và những đường nét mảnh đan xen tinh tế để khơi gợi sự khẩn cấp và tính vội vàng của một thế giới ngày càng trở nên phức tạp.
Ferrocene, Damien Hirst, 2008
2008: Mặc dù được biết đến nhiều nhất với những tác phẩm sắp đặt và điêu khắc, nhưng Hirst còn là một họa sĩ xuất chúng. Ferroscene, một trong những bức Spot Painting đặc trưng của ông (có đến tận 1400 bức như thế này) gồm những hàng dài 10cm lấp đầy bởi họa tiết chấm bi vẽ bằng sơn tường bóng, mỗi chấm đều có sự khác biệt nhỏ về màu sắc. Tiêu đề bức này, cũng như nhiều bức khác trong loạt tranh, được chọn một cách ngẫu nhiên từ catalog của một công ty dược.
KIỆT TÁC
Small Tree Near Cairo
Sir Howard Hodgki, 1973–77
Sinh tại London vào năm 1932, Howard Hodgkin đã hạ quyết tâm ngay từ khi 5 tuổi rằng ông sẽ trở thành một họa sĩ. Đến năm 1940, sau khi cuộc Thế chiến thứ II khơi mào, ông chuyển về Long Island cùng với gia đình, và có cơ hội tiếp cận Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMa) gần thành phố New York, thứ đã duy trì và gia cố niềm đam mê thuở bé của Hodgkin. Sau khi kết thúc chiến tranh, ông quay về Anh và theo học ở Trường Nghệ thuật Camberwell và Học viện Nghệ thuật Bath, trước khi chu du khắp châu Âu, Ấn Độ, và Bắc Phi.
Các tác phẩm của Hodgkin chủ yếu gồm những hình khối đơn giản trên một mặt phẳng cỡ nhỏ - tác phẩm này được vẽ trên mặt gỗ kích cỡ khoảng 28.5 x 40cm - tuy nhiên ông được coi là người sử dụng màu sắc vĩ đại nhất của nghệ thuật đương đại. Mặc dù những đường nét của ông trông có vẻ thong thả, tự nhiên như nét vẽ nguệch ngoạc của đứa trẻ, nhưng thực chất mỗi bức ông đều tốn hàng năm trời chăm chỉ tập luyện để thực hiện; các tác phẩm của ông có thể mang tính trừu tượng thuần khiết, nhưng chúng đều dựa trên thực tế, từ những trải nghiệm cá nhân và kí ức của ông. Các sử dụng màu phẳng và họa tiết viền trang trí trong bức Small Tree Near Cairo thể hiện tình yêu của ông với những món đồ chơi Ấn Độ mà ông sưu tầm được.
Là khách hàng thân thiết của những phòng tranh lớn ở vương quốc Anh, Hodkin đã được phong tước kị sĩ vào năm 1992.
Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - Bài dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép.
________________________________________________
Art Design Center
vietnamcolor.vn - fashionnet.vn
Contact: 0903788646 - 0903975081
Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com
Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)
30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City
Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn.
HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.