288
30 Tháng 12 12:10 am

Art that Changed the World I Hội họa Tượng hình hiện đại

 Tượng hình, một thuật ngữ đã được sử dụng từ những ngày đầu của hội họa, bao trùm nhiều phong cách và chủ đề khác nhau. Trong nghệ thuật hiện đại, tượng hình được coi là một thể loại đối nghịch với trừu tượng. Một số họa sĩ tượng hình xuất chúng của thời hiện đại có thể kể đến John Singer Sargent, Augustus John, Edward Hopper, Paula Rego và Lucian Freud.

Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.

Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.

Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.

PHẦN 5G: HỘI HỌA TƯỢNG HÌNH HIỆN ĐẠI (1900 - Hiện tại)

Chủ nghĩa hiện thực trong thời hiện đại

Trong nghệ thuật hiện đại, tượng hình được coi là một thể loại đối nghịch với trừu tượng, miêu tả các tác phẩm mà ta có thể nhận biết được rằng nó được dựa trên thế giới hữu hình. Một số họa sĩ tượng hình phản đối mạnh mẽ khái niệm trừu tượng nói riêng và nghệ thuật avant garde nói chung, tuy nhiên cũng có vài họa sĩ tận dụng cả 2 thể loại này - giống như cách Picasso đã làm trong giai đoạn “Tân Cổ điển” của ông hồi thập niên 1920. Tương tự như vậy, các tác phẩm của Balthus mang tính Siêu thực rõ nét, còn Tamara de Lempicka bị cuốn hút bởi nghệ thuật Art Deco. Một số ít họa sĩ - như Gerhard Richter - đã trở nên xuất sắc ở cả hai phong cách tượng hình và trừu tượng. Các tác phẩm của Richter mang ảnh hưởng rõ rệt từ nhiếp ảnh, một lĩnh vực mà từ khi xuất hiện đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta nhìn nhận thế giới. Một số họa sĩ tượng hình xuất chúng của thời hiện đại có thể kể đến John Singer Sargent, Augustus John, Edward Hopper, Paula Rego và Lucian Freud.
 
Large Nude With Drapery, Pablo Picasso, 1920–21, Musee de l'Orangerie, Paris, Pháp
 
Vào đầu thập niên 1920 Picasso đã vẽ một loạt tranh chân dung cỡ lớn, hoặc đang lõa thể hay đang khoác lên mình những tấm vải kiểu cổ điển. Các tác phẩm này thể hiện ấn tượng mạnh mẽ từ nghệ thuật cổ điển, và chúng là một phần trong xu hướng chống lại những thử nghiệm mang tính cách mạng (như trong trừu tượng) nhằm hướng đến sự rõ ràng và ổn định trong hội họa.
 
BỐI CẢNH
 
Trong suốt hai thế kỉ vừa qua, các nghệ sĩ đã phát triển vô vàn phương cách để thể hiện bản thân, phá bỏ - dù ít hay nhiều - những giới hạn trong hội họa và truyền thống tái tạo khung cảnh thế giới hữu hình. Kết quả từ xu hướng này là sự ra đời của chủ nghĩa Ấn tượng, Biểu hiện, Lập thể, Trừu tượng, Dada, Siêu thực, Pop và - kể từ thập niên 1960 - những loại hình nghệ thuật mới mẻ hơn như nghệ thuật sắp đặt, video, và nghệ thuật biểu diễn. Những cách biểu hiện nghệ thuật mới lạ này đã ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật đương đại đến mức một số nhà phê bình cho rằng hội họa giờ đây không còn là một lĩnh vực tách biệt nữa. Thay vào đó, hội họa được coi là một phần trong số những hoạt động mà người nghệ sĩ có thể tham gia vào. Một số thậm chí còn cho rằng hội họa là một khái niệm đã lỗi thời. Tuy vậy, thể loại tượng hình vẫn được nhiều người theo đuổi. Điểm khác biệt ở hội họa tượng hình hiện đại là những mối quan tâm về chính trị hay ý thức hệ thường là nguồn cảm hứng chính. Tại Liên Xô, nghệ thuật có thể bị ép buộc để lý tưởng hóa hình ảnh đất nước này, mặc dù vẫn còn một số nghệ sĩ tài năng như Aleksandr Dejneka đã vượt qua những sự cấm cản để thực hiện các tác phẩm chân thành và giữ nguyên vẹn sự thuần khiết của nghệ thuật. Một số tác phẩm thể hiện quan điểm cá nhân nhiều hơn, như của Paula Rego, với những bức tranh lồng ghép các thông điệp ngầm về quyền lực và giới tính (nữ quyền đã và đang là một chủ đề lớn trong nghệ thuật những năm gần đây) Một số họa sĩ  có thái độ dửng dưng trước những vấn đề xã hội, ví dụ như Matisse, người có sự nghiệp kéo dài suốt hai cuộc Thế chiến, nhưng vẫn giữ vững mục tiêu tạo ra các tác phẩm “hài hòa, thuần khiết và bất khả xâm phạm.”
 
Tượng hình, một thuật ngữ đã được sử dụng từ những ngày đầu của hội họa, bao trùm nhiều phong cách và chủ đề khác nhau. Trong thời hiện đại, một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất theo đuổi thể loại này là John Singer Sargent. Sự nghiệp vẽ chân dung của ông đã chứng kiến sự ra đời của chủ nghĩa Biểu hiện, Lập thể và trừu tượng, tuy nhiên phong cách của ông vẫn ổn định và mang dáng dấp các tác phẩm của những bậc thầy Cổ điển như Rembrandt hay Veláquez. Nhà điêu khắc Auguste Rodin miêu tả ông là “Van Dyck của thời đại chúng ta.” Vào thời kỳ đỉnh cao, ông đã gác lại thể loại tranh chân dung, và xuyên suốt cuộc Thế chiến thứ I ông hoạt động như một họa sĩ chiến tranh, và đã thực hiện tác phẩm Gassed, có thể coi là kiệt tác vĩ đại nhất mà ông để lại cho nghệ thuật.
 
NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT
 
Mẹ của Sargent là một họa sĩ nghiệp dư đầy đam mê, người đã khuyến khích ông cầm cọ vẽ từ bé, trong khi những chuyến du lịch của gia đình ông khắp châu Âu đã cung cấp cho ông một kho tàng cảm hứng đa dạng. Sargent đã luôn say mê các tác phẩm của những bậc thầy Cổ điển, và sau này sau khi đặt chân đến Paris, ông đã tìm được người giáo viên chia sẻ chung tình yêu thế giới cổ điển với ông.
 
The Parable of the Blind, Pieter Bruegel, 1568, Museo di Capodimonte, Naples, Ý
 
Bức The Parable of the Blind của Pieter Bruegel có thể đã được Sargent lấy cảm hứng để hình thành bố cục cơ bản cho bức Gassed. Trong cả hai tác phẩm, những nhân vật mất đi thị giác đi thành hàng, phụ thuộc vào người phía trước để bước đi.
 
Lady with a Fan, 1640, Diego Velázquez, Wallace Collection, London, Vương quốc Anh
 
Diego Velázquez là người họa sĩ mà Sargent ngưỡng mộ nhất. Ông là người thực hiện những bức chân dung với đường nét mềm mại, tư thế hơi nghiêng mình, và thể hiện rõ nét tính cách cá nhân của chủ thể trong tranh.
 
The Woman With the Glove, Carolus-Duran, 1869, Musée d'Orsay, Paris, Pháp
 
Carolus-Duran là một họa sĩ chân dung Paris cấp tiến, người đã nhận Sargent làm học trò vào năm 1874. Ông khuyến khích học trò của mình vẽ dựa trên đời sống, và các tác phẩm của Sargent cũng đã thể hiện lời khuyên này của người thầy.
 
Madame X, John Singer Sargent, 1883 - 84, Metropolitan Museum of Art, New York City, NY
 
Bức Madame X của Sargent đã gây ra một vụ scandal tại Paris, và khiến ông phải chuyển về London. Ban đầu, ấn tượng xấu của ông đã khiến những nhà bảo trợ Anh Quốc e ngại, nhưng cho đến những năm 1890, ông đã trở thành họa sĩ chân dung hàng đầu của đất nước.
 
ĐIỂM NGOẶT
 
Gassed
John Singer Sargent, 1919, Imperial War Museum, London, Vương quốc Anh
 
Năm 1918, chính quyền Anh đặt Sargent thực hiện một tác phẩm tưởng niệm cho những người đã hi sinh trong cuộc Thế chiến Thứ I. Mặc dù chủ đề được yêu cầu là “Sự hợp tác Mỹ - Anglo,” nhưng ông đã chọn khắc họa sự kinh hoàng của vũ khí hóa học hơi mù tạt. Trong bức tranh ám ảnh này, được dựa trên những gì mà Sargent đã chứng kiến trong một chiến dịch tấn công ở Mặt trận phía Tây,  hai hàng lính đang di chuyển tới khu lều chữa trị (có thể thấy những sợi dây cố định lều phía bên phải). Đôi mắt của họ bị đốt cháy và băng bó, phải nương tựa vào người phía trước để bước đi, xung quanh họ là những người đồng đội cũng đang phải gánh chịu thương tổn nặng nề, nằm la liệt dưới mặt đất chờ đến lượt chữa trị.
 
Bằng cách khắc họa cả sự đau đớn và sự anh hùng của những người lính, Sargent đã làm nổi bật lên sự kinh hoàng của chiến tranh và hậu quả kinh khủng lên đời sống con người mà nó để lại. Một chi tiết đáng chú ý là những người đang chơi bóng ở phần hậu cảnh, phía sau người lính thứ tư và thứ năm từ trái qua, tạo nên sự tương phản mạnh mẽ giữa những người lính tàn tật và sự mạnh mẽ, đầy năng lượng của các vận động viên. Đây cũng có thể là một phép ẩn dụ thể hiện việc giết hại lẫn nhau đã dần bị biến tướng thành một bộ môn thể thao man rợ. Sức mạnh choáng ngợp của Gassed còn được gia cố bởi kích thước khổng lồ của nó, 2.75 x 6m.
 
Về tác giả: Sinh ra trong một gia đình người Mỹ giàu có sống tại châu Âu, Sargent đã không theo học trường lớp chính thống, nhưng ông thông thạo nhiều ngôn ngữ và là một nghệ sĩ piano tài ba. Năm 1873, ông ứng cử vào học viện Accademia di Belle Arte tại Florence, và một năm sau đó ông được ba ông hỗ trợ để đến Paris, nơi ông theo học tại École des Beaux Arts và tại studio của Carolus-Duran - những tác phẩm của thầy ông đã định hình phong cách vẽ chân dung của ông sau này và gây ấn tượng trên thị trường, thu hút nhiều đơn đặt vẽ từ các nhà bảo trợ.
 
Sau vụ scandal Madame X năm 1884, Sargent chuyển về ở tại London. Thành công lớn đầu tiên đến với ông vào năm 1887, khi bức “Carnation, Lily, Lily, Rose”, một tác phẩm vẽ hai bé gái trong khu vườn hoa, được trưng bày tại Học viện Hoàng gia. Vào thời kỳ đỉnh cao, ông nhận rất nhiều yêu cầu đặt vẽ mỗi năm, các nhà bảo trợ tiêu biểu có thể kể đến là Robert Louis Stevenson và Theodore Roosevelt. Năm 1907, ông gác lại sự nghiệp vẽ chân dung để tập trung thực hiện các tác phẩm tranh tường và tranh màu nước. Vào những năm cuối đời ông thường ghé thăm Mỹ, và chu du khắp châu Âu và Trung Đông.
 
Sau khi Sargent qua đời, các tác phẩm của ông đã bị đánh giá thấp trong nhiều thập kỷ, nhưng kể từ thập niên 1970, ông đã được thể giới thừa nhận là một trong những họa sĩ tượng hình vĩ đại nhất thời hiện đại.
 
LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN QUA CÁC TÁC PHẨM
 
Từ những ngày đầu của hội họa, con người đã vẽ những gì họ thấy hay tưởng tượng ra - vào khoảng 15,000 năm trước, trên những bức tường hang động tại Lascaux, Pháp, xã hội săn bắn - thu hoạch đã vẽ những hình ảnh động vật ấn tượng, cuốn hút chúng ta đến tận hôm nay. Cho dù các bức hình này được thực hiện với mục đích thờ phụng, giải trí, khẳng định vị trí xã hội hay để lưu trữ lại thì chúng đã trở thành một phần không thể tách rời đối với gần như mọi nền văn minh từng tồn tại trên thế giới. Trong xuyên suốt thế kỷ 20 và cả sau này, bên cạnh sự xuất hiện của vô vàn loại hình nghệ thuật, phong cách hay trung gian khác, thì nhu cầu được lưu trữ, thao túng và sáng tạo ra những nhân tố mới trong thế giới xung quanh thông qua những bức tranh đã và sẽ luôn truyền cảm hứng cho những kiệt tác nghệ thuật vĩ đại.

 Nordic Summer Evening, Richard Bergh, 1900, Museum of Art, Gothenburg, Thụy Điển
 
1900: Lấy bối cảnh bầu trời hoàng hôn đặc trưng ở vùng Scandivania, bức tranh lãng mạn này không chỉ khơi gợi mối tình giữa người phụ nữ và đàn ông trong tranh, mà còn là mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên. Bergh không chỉ là họa sĩ mà còn là một cây viết về lý luận nghệ thuật và chính trị. Ông đã sử dụng hình ảnh hai người bạn của mình làm mẫu trong tranh - Hoàng tử Eugen của Thụy Điển và nữ ca sĩ opera Karin Pyk.
 
David and Dorelia in Normandy, Augustus John, 1908, Fitzwilliam Museum, Cambridge, Vương quốc Anh
 
1908: Augustus John, một biểu tượng của lối sống bohemia với bộ râu dày đặc, chứng nghiện rượu, và đời sống tình cảm phức tạp, từng theo học trường Slade tại London, vào thời điểm mà chương trình đào tạo đang tập trung vào hội họa tượng hình. Tác phẩm này khắc họa con trai của người vợ đầu tiên, Ida, bên cạnh Dorella, người tình lâu năm, và là người vợ thứ hai của ông. John đã gặp Dorelia thông qua người chị Gwen, bản thân cũng là một họa sĩ tài ba.

Tamara in the Green Bugatti, Tamara de Lempicka, 1925
 
1925: Mang tính Art Deco, bức chân dung tự họa cách điệu của Lempicka có một bố cục chặt chẽ, màu sắc tinh tế, cảm giác tốc độ mạnh mẽ và thể hiện sự sang trọng và phóng khoáng của cô. Là họa sĩ gốc Ba Lan, sinh ra tại Nga và làm việc ở Paris, Los Angeles, và New York, cô miêu tả bản thân như một người phụ nữ đầy tham vọng, cứng đầu và rất hiện đại.
 
 American Gothic, Grant Wood, 1930, Art Institute of Chicago, IL
 
1930: Với phong cách hiện thực của vùng Bắc Âu thế kỷ 15, bức “American Gothic” khắc họa tính cách nghiêm khắc, ngoan đạo và khiêm tốn đặc trưng của cư dân vùng Trung Tây Hoa Kỳ. Hai nhân vật trong tranh là một nông dân và cô con gái của mình, tiêu đề bức tranh được lấy từ một phong cách trang trí cửa sổ tường đầu hồi thịnh hành thời bấy giờ.
 
Compartment C, Car 293, Edward Hopper, 1938,  IBM Collection, Armonk, NY
 
1938: Chủ đề chính xuyên suốt các tác phẩm của Hopper là sự cô lập giữa người với người ở đô thị - hay sự cô đơn của đời sống thành phố - và nhiều bức ông vẽ những người phụ nữ cô độc tương phản với bối cảnh rực rỡ xung quanh.
Relay Race Around the Streets of Moscow, Aleksandr Dejneka, 1947, Tretyakov Gallery, Moscow, Nga
 
1947: Được đánh giá cao ở liên bang Xô-Viết cũng như trên thế giới, Dejneka là một họa sĩ xuất chúng, đồng thời là một nhà thiết kế đồ họa, nhà điêu khắc, nghệ sĩ tranh khảm. Theo học thuyết đương đại của chủ nghĩa Hiện thực Xã hội, trách nhiệm của người nghệ sĩ là phải khắc họa một góc nhìn tích cực đối với xã hội mà họ sinh sống - trong tác phẩm này, Dejneka truyền tải thông điệp đó với sự chân thành và tính nhân văn.
 
Interior, Bernard Buffet, 1950, Musée National d’Art Moderne, Paris, Pháp
 
1950: Là họa sĩ tượng hình hàng đầu người Pháp hồi thập niên 1950, Buffet đã thực hiện các tác phẩm chân dung, tranh tĩnh vật, và tranh thành phố cũng như phong cảnh đồng quê. Với những đường viền đen và gam màu trầm uất, bức tranh này vẽ lại một loạt thiết kế kinh điển thời hiện đại - tấm lát sàn, cửa chớp, và ghế gỗ uốn 
 
Katia Reading, Balthus,1968–76 
 
1968: Sinh ra tại Paris, nghệ sĩ gốc Ba Lan - Pháp Balthus (Balthazar Klossowski de Rola) đã không được qua đào tạo chuyên môn. Phong cách tượng hình của ông được đơn giản hóa, và ông thường vẽ những cô gái mới lớn một cách khơi gợi tinh tế. Ông có thể mất hàng năm trời để thực hiện một tác phẩm. Với quan điểm rằng nghệ thuật nên được trải nghiệm, không nhất thiết phải thảo luận, người họa sĩ bí ẩn này đã từ chối mọi lời mời được lưu trữ lại thông tin tiểu sử của mình.
 
West Interior, Alex Katz, 1979, Philadelphia Museum of Art, PA
 
1979: Sinh ra tại Brooklyn, Katz đã theo học trường nghệ thuật Cooper Union tại Manhattan. Những năm đầu sự nghiệp của ông rơi vào thời kỳ đỉnh cao của phong trào Biểu hiện Trừu tượng, nhưng ông vẫn theo đuổi thể loại tượng hình, sử dụng những màu sắc phẳng từ trước khi chúng trở nên thịnh hành với nghệ thuật Pop Art. Nhân vật trong tranh là vợ của Katz, Ada.
 
The Cadet and His Sister, Paula Rego, 1988 
 
1988: Phần lớn các tác phẩm của Rego lấy chủ đề từ các câu chuyện dân gian, tuổi thơ, vũ trụ hư cấu, và đôi khi mang một màu sắc tăm tối, ám ảnh. Cũng như phần lớn các bức tranh khác của cô, tác phẩm này cũng có những chi tiết gây tranh cãi, nhắc đến vấn đề loạn luân, sự thống trị của phái nữ, và sự mất mát.
 
Standing Nude, John Currin, 1993 
 
1993: Currin nổi tiếng nhất với những tác phẩm vừa mang tính truyền thống sâu sắc nhưng thực chất lại rất đương đại - “Standing Nude” khắc họa một người phụ nữ trung niên với phong cách cực thực (hyperrealism), cơ thể thanh mảnh và gương mặt góc cạnh được sắp đặt tương phản mạnh mẽ với phần hậu cảnh đen tuyền. Với các tác phẩm của mình, John Currin đã góp phần giúp hội họa tượng hình quay lại thế giới nghệ thuật.
 
S With Child, Gerhard Richter, 1995, Hamburger Kunstalle, Hamburg, Đức
 
1995: Đây là một trong tám bức chân dung mà Richter đã thực hiện cho người vợ (nghệ sĩ Sabine Moritz) và đứa con trai của họ, đây có thể là một trong những tác phẩm dịu dàng, chân thành nhất trong sự nghiệp của ông, hoàn toàn khác biệt so với các tác phẩm trừu tượng của người nghệ sĩ.
 
KIỆT TÁC
 
Benefits Supervisor Sleeping
Lucian Freud, 1995 
 
 
Là cháu trai của Sigmund Freud, Lucian sinh ra tại Berlin, nhưng định cư ở Anh với gia đình vào năm 1933, khi ông còn là một đứa bé. Ông đã luôn yêu thích việc vẽ tranh và đến năm 1939, ông bắt đầu theo học tại Trường Hội họa Đông Anglian nhưng việc học bị ngắt quãng liên tục và đến năm 1942 mới hoàn thành chương trình. Sau đó, ông mua một căn nhà và một studio tại Paddington, con phố lâu đời tại London, nơi ông sống cho đến những năm cuối đời.
 
Đam mê của Freud là cơ thể con người - tranh chân dung và tranh khỏa thân được thực hiện với những đường nét tỉ mỉ và những gam màu lặng nhưng rất đa dạng, thể hiện sự mỏng manh của nhân vật cũng như tính nhân văn của họ. Chủ đề ông chọn thường liên quan đến sự cô đơn của con người. Ông thường chọn những người thân làm chủ thể trong tranh - bạn bè, con gái, và mẹ ông, người mà ông đã tiếp tục vẽ ngay cả sau khi bà qua đời. Đây là bức thứ hai trong số bốn bức mà ông thực hiện với Sue Tilley làm người mẫu - đối với bức đầu, cô được sắp xếp nằm trên sàn nhà studio, nhưng sau khi phàn nàn cô đã được ông cung cấp một chiếc ghế sofa để cô có thể thoải mái ngả mình trên đó.
 
Freud làm việc trong giai đoạn mà thế giới nghệ thuật bị thống trị bởi hội họa trừu tượng và những thử nghiệm đột phá liên tục xuất hiện, tuy nhiên ông vẫn kiên trì với những tác phẩm mang tính hiện thực đáng kinh ngạc cũng như mang bầu không khí phức tạp - năm 1987, nhà phê bình Robert Hughes tuyên bố ông là “một trong những họa sĩ hiện thực vĩ đại nhất đang sống.” Với sự quyết liệt đối với công việc cũng như trong các mối quan hệ cá nhân (ông là bố của rất nhiều đứa trẻ của nhiều người mẹ khác nhau), ông làm việc không ngừng nghỉ mãi cho đến khi qua đời năm 2011 ở tuổi 88.

Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - Bài dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép. 

________________________________________________

 

G Studio 

Art Design Center 

vietnamcolor.vn - fashionnet.vn

Contact: 0903788646 - 0903975081

Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com 

Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)

30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City 

 

Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn. 

HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Art_Painting Sinh viên tốt nghiệp tại trường Imperial College London, Nicole Stjernsward đã phát minh ra Kaiku, một hệ thống giúp chuyển hoá thực vật thành các loại bột màu từ quá trình ứng dụng công nghệ bay hơi.


VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

Pro_Creative ĐI & VỀ, ĐI để vẽ nên màu của mình, chúng ta là Màu Việt Nam. Khi người nghệ sĩ chọn chất liệu, họ say mê bề mặt của giấy, toan, đất, vải, vóc, sơn hay bất kỳ kết cấu nào tạo ra cảm xúc để sáng tạo. Người thưởng ngoạn hít thở sâu, nhắm mắt, lắng nghe từ trực giác, mở mắt để thấu cảm màu sắc, hình, khối, vẻ quyến rũ từ chất liệu, tài năng của người nghệ sĩ, hòa nhịp làm nên câu chuyện sáng tạo. Khi bắt đầu chạm, sẽ hiểu rồi yêu, điều này vô cùng quý giá cho hành trình khám phá nghệ thuật ĐI & VỀ, ĐI của mỗi người.

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Subscription

Fashionnet

Follow us