Art that Changed the World I Chủ nghĩa Biểu hiện
Art_Painting Nếu chủ nghĩa Ấn tượng gồm những người nghệ sĩ muốn khắc họa vẻ đẹp thế giới qua góc nhìn chủ quan của họ, thì những nghệ sĩ Biểu hiện truyền tải những cảm xúc mạnh mẽ của mình thông qua tác phẩm. Quay lưng với chủ nghĩa tự nhiên truyền thống, các họa sĩ đi tìm những phong cách phù hợp để truyền tải cảm xúc của mình, từ đó dẫn đến một phong trào nghệ thuật rực rỡ, đa dạng và mở đường cho hội họa hiện đại
Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.
Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.
Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.
Chương 5: Hội họa hiện đại
Từ đầu thế kỷ 20, nghệ thuật đã có những lần chuyển mình mạnh mẽ hơn bất kì giai đoạn nào trước đây. Những phong trào và các phong cách đột phá xuất hiện nối tiếp nhau, lật đổ hệ tư tưởng cũ kĩ cho rằng hội họa và điêu khắc phải thể hiện vẻ ngoài vật chất, tự nhiên của sự vật. Không chỉ vậy giai đoạn này còn xuất hiện những câu hỏi thách thức vai trò xã hội của nghệ thuật, thậm chí là thách thức những giá trị của nó. Thuật ngữ “chủ nghĩa hiện đại (modernism)” đôi khi được dùng để chỉ những niềm tin và khái niệm phía sau những phát triển nghệ thuật này, tuy nhiên với số lượng khổng lồ và đa dạng, thật khó để tìm một hệ tư tưởng nhất quán: chỉ một thập kỷ từ năm 1905 đến 1915 đã khai sinh ra những trường phái Dã thú, Lập thể, trừu tượng, và Dada. Một số phong trào, như hội họa trừu tượng, vẫn phát triển mạnh mẽ đến tận hôm nay, trong khi một số khác đã trở thành một phần của lịch sử. Và mặc cho những khuấy động mạnh mẽ trong văn hóa thời hiện đại, tranh tượng hình vẫn tiếp tục phát triển trên nền tảng truyền thống lâu đời vốn đã bắt đầu từ những nền văn minh đầu tiên của con người.
PHẦN 5A: CHỦ NGHĨA BIỂU HIỆN (1895 - 1995)
Khắc họa cảm xúc
Nếu chủ nghĩa Ấn tượng gồm những người nghệ sĩ muốn khắc họa vẻ đẹp thế giới qua góc nhìn chủ quan của họ, thì những nghệ sĩ Biểu hiện truyền tải những cảm xúc mạnh mẽ của mình thông qua tác phẩm. Để làm điều đó, họ đã sử dụng những gam màu rực rỡ - thay vì trộn màu, họ sử dụng màu gốc từ ống màu - sự méo mó có chủ đích, và những đường nét quyết đoán.Nhóm nghệ sĩ Dã thú (Fauves) là một vài trong những nghệ sĩ biểu hiện đầu tiên, được dẫn dắt bởi 2 họa sĩ người Pháp, Henri Matisse và André Derain. Phong trào Biểu hiện thực tế còn dung hòa nhiều ý tưởng khác nhau, trong lúc vẫn được ảnh hưởng bởi trường phái Dã thú, và phát triển chủ yếu ở Đức - nơi tập hợp những cái tên tiêu biểu của phong trào như Ernst Ludwig Kirchner, Franz Marc, Paul Klee, và Erich Heckel, các nghệ sĩ gốc Nga như Wassily Kandinsky, Marc Chagall, và người họa sĩ sinh tại Litva, Chaim Soutine.
The Port of Collioure, André Derain, 1905, Musée National d’Art Moderne, Paris, Pháp
Hai nghệ sĩ Dã Thú đầu tiên, André Derain và Henri Matisse, dành mùa hè năm 1905 vẽ cùng nhau tại Collioure, một hải cảng nhỏ tại bờ biển Địa trung hải. Tác phẩm ấn tượng với màu sắc tươi tắn mà họ thực hiện tại đó đã định hướng cho cả phong trào.
BỐI CẢNH
Những công nghệ đột phá liên tục xuất hiện khắp thế giới vào cuối thế kỷ 19, trong khi những phát minh trước đó dần trở nên phổ biến và dễ tiếp cận. Đường sắt giờ đây chạy dọc khắp châu Âu, Bắc Mĩ, trong khi các hệ thống điện phát triển đủ để cung cấp cho mọi nhà, và mọi người đang dần nhận thức được sự xuất hiện của máy điện thoại, tại thời điểm mà người tiền bối của nó - máy điện tín - cũng chỉ mới xuất hiện không lâu trước đó.
Sự phát triển nhanh chóng này đã thúc đẩy mọi người chia sẻ những ý tưởng, thông tin và kinh nghiệm để cùng đóng góp cho các thay đổi liên tục và thậm chí không kiểm soát được. Mặc dù những khám phá mới - như xe hơi, máy hát, vô tuyến truyền thanh, phim ảnh động, máy bay và hạt nhân - không ảnh hưởng đến phần lớn đời sống sinh hoạt của người dân thời bấy giờ, nhưng chúng tạo nên một viễn cảnh vừa hào hứng vừa đáng sợ của tương lai.
Đây cũng là giai đoạn mà bộ máy chính trị của nhiều nước khắp thế giới đang thay đổi và bất ổn. Tại châu Phi, nhiều cuộc chiến tranh bị khơi mào nhằm chiếm đoạt đất đai và tài nguyên thiên nhiên, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỹ chiến đấu quyết liệt với nhau. Mĩ cũng đang trong cuộc chiến tranh giành quyền lực tại Cuba, Puerto Rico và Quần đảo Phillipines. Tại Nga, hàng ngàn công nhân đình công, khơi mào cuộc nổi dậy đầu tiên chống lại Sa hoàng và tầng lớp thống trị.
Ngay cả ở những nước không có chiến tranh hay đối diện với mối họa nào cũng phải giải quyết với những thay đổi quan trọng về mặt xã hội - nền giáo dục giờ đây đã được phổ cập cho những nhóm người chưa bao giờ có khả năng tiếp cận trước đó, hệ thống cấp bậc trường lớp được xây dựng lại, và phụ nữ không còn bị giới hạn ở công việc nội trợ mà còn có thể tham gia các chiến dịch giành quyền và bầu cử và một vai trò bình đẳng hơn trong xã hội.
Wheatfield with Crows, Vincent van Gogh, 1890, Auvers-sur-Oise, Paris, Pháp
Hội họa, cũng như tất cả các loại hình nghệ thuật khác, thường phản ánh những chuyển biến trong xã hội. Giai đoạn đầu thế kỷ 20 đã sản sinh ra hàng loạt những lý luận mỹ thuật, phong cách, kĩ thuật và phong trào mang tính đột phá. Riêng triết lý nền tảng đằng sau chủ nghĩa Biểu hiện đã tồn tại khá lâu - ta có thể thấy dấu ấn của nó trong những tác phẩm sau này của các họa sĩ trừu tượng thời kỳ đầu, một vài họa sĩ siêu thực và gần như trong mọi tác phẩm của phong trào Trừu tượng Biểu hiện.
Đến cuối thế kỷ 19, nhiều họa sĩ dần quay lưng với chủ nghĩa tự nhiên truyền thống để đạt hiệu ứng mà họ mong muốn ở tác phẩm của mình. Trong các tác phẩm cuối cùng của ông, Vincent van Gogh đã truyền tải những đấu tranh nội tâm bằng cách sử dụng màu sắc rực rỡ không pha và những nét vẽ quyết đoán, gần như là bạo lực. Cũng tương tự như vậy, Paul Cézanne khắc họa những vật thể tĩnh truyền thống với những gam màu và họa tiết đậm, còn Paul Gauguin vẽ phong cảnh và con người độc đáo (exotic) với các tông màu nhiệt đới và những khối màu trơn.
Tuy nhiên chủ nghĩa Biểu hiện xuất hiện chính thức trong nghệ thuật vào khoảng năm 1905 tại Salon d’Automne ở Paris, nơi một số họa sĩ trẻ đã trưng bày những tác phẩm táo bạo hơn, rực rỡ hơn cả các bậc tiền bối. Nhà phê bình nghệ thuật Louis Vauxelles để ý thấy rằng họ trưng bày gần một tác phẩm điêu khắc truyền thống khác, và nhận định khung cảnh đó như “Donatello giữa bầy dã thú”. Mặc dù thời gian tồn tại ngắn ngủi (thời kì đỉnh cao chỉ kéo dài 2 đến 3 năm), nhưng phong trào Dã thú đã để lại ảnh hưởng khổng lồ lên phong trào Biểu hiện và cả những chuyển động sau này của nghệ thuật.
NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT
Các họa sĩ Dã thú và Biểu hiện, bao gồm Matisse, hấp thụ ảnh hưởng từ nhiều địa điểm và giai đoạn khác nhau. Nghệ thuật và các thiết kế từ những nền văn hóa khác đã giúp truyền cảm hứng cho tình yêu với màu sắc rực rỡ và những hình dáng tinh giản. Các tác phẩm từ những họa sĩ tiền bối cũng giúp họ phát triển những góc nhìn mới. Trong hội họa, những người giáo viên không chỉ truyền đạt kĩ năng mà cả ý tưởng, hệ giá trị và tinh thần của họ.
Nghệ thuật phương Đông đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ Dã thú và Biểu hiện, trở nên nổi tiếng vào khoảng cuối thế kỷ 19 như một phần Phong trào Duy mỹ (Aethestic Movement). Phong trào này lan tỏa mạnh mẽ khắp thế giới nghệ thuật và thời trang, và văn hóa Nhật Bản xuất hiện phổ biến trong các tác phẩm thông qua hình dáng, màu sắc, chủ đề.
The Peacock Complaining to Juno, Gustave Moreau, 1881, Musée National Gustave Moreau, Paris, Pháp
Gustave Moreau, nghệ sĩ Tượng trưng người Pháp, đã ảnh hưởng một vài họa sĩ Dã thú, trong đó bao gồm Matisse. Cách dụng màu hài hòa, tinh tế của Moreau đã truyền cảm hứng cho các học trò của ông. Nhưng ảnh hưởng lớn nhất mà ông để lại cho Matisse chính là tư tưởng luôn luôn “đơn giản hóa bức tranh”.
Mrs. Russell Amongst the Flowers at Belle Isle, John Peter Russell, 1927 Musée Rodin, Paris, Pháp
John Peter Russel, nghệ sĩ Ấn tượng người Úc, là người giới thiệu các tác phẩm của Vincent van Gogh đến Matisse. Sau khi được ảnh hưởng từ Russell, Matisse đã thay đổi hoàn toàn phong cách, cho đến những năm cuối đời ông mới hé lộ rằng Russel đã “giải thích thuyết màu sắc cho tôi.”
Mẹ của Matisse làm việc chủ yếu tại cửa hàng của gia đình, chuyên bán sơn nhà. Matisse cũng được thấy mẹ ông vẽ gốm và làm mũ, vì thế nên ông đã được tiếp cận màu sắc từ khi còn rất bé. Khi ông bắt đầu vẽ, mẹ ông luôn khuyến khích ông thể hiện những gì ông cảm thấy và không bám theo quy tắc.
ĐIỂM NGOẶT
Luxe, Calme, et Volupté
Henri Matisse, 1904, Musée National d’Art Moderne, Paris, Pháp
Vào mùa hè năm 1904, Matisse đến ở cùng bạn mình, họa sĩ Paul Signac, tại bờ biển French Riveria. Tại đây, ông đã thực hiện bức “Luxe, Calme, et Volupté, (“Luxury, Calm and Pleasure”). Bức tranh đã ảnh hưởng sâu sắc đến kĩ thuật pointillism của Signac. Mặc dù Matisse sớm từ bỏ phong cách này, nhưng cũng từ sau khi hoàn thành bức tranh ông mới bắt đầu khám phá những bảng màu rực rỡ về sau sẽ trở thành đặc trưng trong các tác phẩm của mình và ảnh hưởng đến nhiều họa sĩ, phong trào nghệ thuật khác. Tựa bức tranh được trích từ bài thơ của Charles Baudelaire, “Invitation to a Voyage.” Trong đó, Baudelaire miêu tả một thiên đường tưởng tượng nơi mà “không có gì ngoại trừ sự trật tự, sự đẹp đẽ, sự xa hoa, bình yên và sung sướng.”
Về tác giả: Henri Matisse (1869 - 1954) là con trai của một thương nhân. Ông trở thành luật sư để làm hài lòng bố mẹ, nhưng thường dành thời gian riêng theo học các lớp hội họa. Năm 21 tuổi, khi ông đang hồi phục khỏi chứng viêm ruột thừa, mẹ ông tặng ông một bộ sơn vẽ để giúp ông giải trí - với nó ông đã phát hiện ra một thế giới mà ông coi như “một loại thiên đường.” Ông từ bỏ ngành luật để theo học nghệ thuật tại Paris trước khi trở thành một trong những họa sĩ có ảnh hưởng nhất của thế kỉ 20, đồng thời là một nhà thiết kế sân khấu kịch đại tài và một nhà vẽ minh họa xuất sắc.
LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN QUA CÁC TÁC PHẨM
Năm 1905, cùng năm trường phái Dã thú ra đời, một nhóm nghệ sĩ bao gồm Erich Heckel và Ernst Ludwig Kirchner thành lập nhóm Họa sĩ Biểu hiện Đức đầu tiên, Die Brücke. Vài năm sau đó, năm 1911, các họa sĩ người Đức tiếp tục thành lập một nhóm nữa mang tên Der Blaue Reiter trong đó bao gồm cả Wassily Kandinsky và Franz Marc. Tất cả các nghệ sĩ này đều có những phong cách rất đặc trưng, một số trong họ còn ảnh hưởng đến những phong trào nghệ thuật khác - ví dụ, cả Kandinsky và Paul Klee đều là những họa sĩ trừu tượng hàng đầu thời bấy giờ.
The Scream, Edvard Munch, 1893, Munch Museet, Oslo, Na-uy
1893: Nhiều năm trước khi chủ nghĩa Biểu hiện được công nhận như một phong trào nghệ thuật, họa sĩ người Na-uy Edvard Munch đã thực hiện một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của hội họa (Munch sau này đã thực hiện tổng cộng 4 phiên bản của bức tranh này). Màu sắc sống động và những hình dạng méo mó thể hiện rõ rệt tinh thần của chủ nghĩa Biểu hiện và ảnh hưởng đến nhiều họa sĩ thế kỷ 20 khác.
Avenue in Schloss Kammer Park, Gustav Klimt, 1912, Belvedere, Vienna, Áo
1900: Được thành lập năm 1897, một nhóm họa sĩ người Áo sau này được biết với cái tên Vienna Ly khai phát triển chạm đỉnh cao vào năm 1900. Một vài tác phẩm của nhóm này - như những bức họa của họa sĩ Hậu Ấn tượng Gustav Klimt - khắc họa cảm xúc hỗn loạn với một phong cách đương đại, mở đường cho chủ nghĩa Biểu hiện sau này.
Murnau Street With Women, Wassily Kandinsky, 1909, Private Collection
1905: Từ 1908 đến 1914, Kandinsky nghỉ ngơi tại thành phố Murnau thuộc dãy Bavarian, vẽ lại các con phố và người dân theo phong cách đầy sắc màu của chủ nghĩa Biểu hiện. Ngay thời điểm này, những khối hình học và các mảng màu của ông đã thể hiện xu hướng hội họa trừu tượng.
Về tác giả: Sinh ra tại Nga, Wassily Kandinsky (1866 - 19440 là một họa sĩ, nhà chạm khắc, nhà thiết kế, giảng viên, cây viết và là một trong những cái tên quan trọng nhất của chủ nghĩa Hiện đại. Thời trẻ ông từng làm giảng viên ngành Luật, nhưng ông bị lay động bởi một cuộc triển lãm của các họa sĩ Ấn tượng Pháp đến mức ông trở thành một họa sĩ, ban đầu theo đuổi phong cách Biểu hiện trước khi trở thành một trong số những họa sĩ trừu tượng đầu tiên. Từ năm 1922 đến 1933, ông giảng dạy tại trường thiết kế Bauhaus ở Đức. Năm 1934, ông định cư tại khu vực ngoại ô Paris, Neuilly-sur-Seine và ở đó cho đến khi ông mất.
Horse in a Landscape, Franz Marc, 1910, Museum Folkwang, Essen, Đức
1910: Marc rất thích vẽ động vật, ông tin rằng chúng sở hữu vẻ đẹp tối thượng, và theo một khía cạnh nào đó, thậm chí cao thượng hơn cá loài người. Trong các tác phẩm của mình, ông sử dụng những gam màu mang ý nghĩa của riêng ông - màu xanh đại diện cho nam tính và tâm linh, màu vàng cho nữ tính và sự nhẹ nhàng, còn màu đỏ khơi gợi sự bạo lực, nỗi sợ hay nguy hiểm.
Bathers, Erich Heckel, 1913, St. Louis Art Museum, MO
1913: Chọn góc nhìn từ trên cao, Heckel miêu tả xu hướng Freikörperkultur (free body culture - trở về với mẹ thiên nhiên) vốn thịnh hành thời bấy giờ. Xu hướng này kêu gọi trân trọng những trải nghiệm thiên nhiên mang lại và đôi khi khuyến khích con người khỏa thân để tận hưởng nó. Phong cách đặc trưng của Heckel thể hiện rõ qua những đường nét thô ráp và nghiêng vẹo.
Về tác giả: Erich Heckel (1883 - 1970) theo học kiến trúc tại Dresden, nơi ông tham gia thành lập nhóm họa sĩ Biểu hiện Die Brücke vào năm 1905. Ông tiếp tục làm việc như một kiến trúc sư cho đến năm 1909, khi ông quyết định làm họa sĩ toàn thời gian. Năm 1913, năm nhóm Die Brücke tan rã, ông có một buổi triển lãm cá nhân tại Berlin. Vào cuộc thế chiến thứ I, bởi vì không đủ tiêu chuẩn để phục vụ quân sự, ông tham gia tình nguyện làm những công việc y khoa, về sau những trải nghiệm này giúp ông thực hiện các tác phẩm phản ánh chiến tranh vô cùng sâu sắc. Xuyên suốt sự nghiệp của mình, Heckel luôn làm việc với gỗ chạm khắc - ông đặc biệt yêu thích những sắc màu trên bản chạm gỗ, mặc dù quá trình kì công đòi hỏi ông phải cắt từng miếng gỗ khác nhau cho mỗi gam màu mà ông chọn sử dụng.
Arnold Schoenberg, Egon Schiele, 1917, Private Collection
1917: Bức chân dung vẽ nhà soạn nhạc tiên phong Arnold Schoenberg là cách họa sĩ người Áo Egon Schiel bày tỏ lòng kính trọng đối với người nghệ sĩ Biểu hiện. Bên cạnh âm nhạc, Schoenberg còn thực hiện những bức tranh, bản vẽ phác họa và bài thơ rất nổi tiếng.
Carcass of Beef, Chaim Soutine, 1925, Albright-Knox Art Gallery, Buffalo, NY
1925: Sinh ra tại Litva, Soutine chuyển tới Pháp vào năm 1913, và cùng người bạn Marc Chagall trở thành những nghệ sĩ Biểu hiện tiên phong tại đây. Soutine được truyền cảm hứng bởi những họa sĩ tiền bối, đặc biệt là Rembrandt. Bức Flayed Ox (1655) của bậc thầy người Tây Ban Nha đã cuốn hút Soutine. Để thực hiện phiên bản của mình, Soutine đã chuyển một tảng thịt bò thật vào xưởng vẽ - mùi hôi bốc ra nồng nặc đến mức những hàng xóm đã phải trình báo công an.
1925: Buổi triển lãm Exposition des Arts Décoratifs được tổ chức tại Paris vào năm 1925. Sự kiện này trưng bày những tác phẩm trang trí hoàn mỹ nhất của thời đại, thuộc phong cách mà về sau được biết đến là Art Deco.
Conjuring Trick, Paul Klee, 1927, Philadelphia Museum of Art, PA
1927: Paul Klee là một trong những cái tên được tôn trọng nhất của hội họa thế kỷ 20. Klee bị ám ảnh bởi màu sắc, thậm chí ông từng thừa nhận vào những năm đầu của sự nghiệp rằng “các gam màu đã ám tôi.” Trong bức tranh độc đáo và đôi phần ám ảnh này, những con mắt, mũi, miệng đứt lìa khỏi cơ thể và trôi nổi trên nền màu đỏ thắm.
The Fiancés, Marc Chagall, 1927–35, Private Collection
1927: Chagall lớn lên ở một thành phố nhỏ tại Nga trước khi cuộc thế chiến thứ I bùng nổ. Suốt cuộc đời mình, ông đã lấy cảm hứng từ kí ức thời thơ ấu, những câu chuyện dân gian mà ông đã được nghe. Những người họa sĩ và cặp tình nhân xuất hiện nhiều trong các bức tranh của ông đều phản ánh niềm đam mê của ông đối với màu sắc
Pierrot, Georges Rouault, 1938–39, Fondation Georges Rouault, Paris, Pháp
1938: Chú hề Pierot trong loại hình kịch truyền thống của Pháp, commedia dell’arte, là một chủ đề yêu thích của Rouault. Trong nhiều tác phẩm của mình, ông khắc họa chú hề như một nhân vật buồn bã khi nhận ra những đau khổ của cuộc đời.
Về tác giả: Là con trai của một nghệ nhân, Georges Rouault khởi đầu sự nghiệp làm thợ học việc cho một họa sĩ vẽ trên kính màu. Cũng giống Matisse, ông được đào tạo bởi Gustav Moreau, và ông được ảnh hưởng bởi các tác phẩm của thầy mình cũng như niềm đam mê của riêng ông đối với nghệ thuật trung cổ. Để tạo nên phong cách đặc trưng, Rouault đã chọn sử dụng những gam màu phong phú của kính màu, tái tạo nó với chất liệu sơn màu bằng một kĩ thuật gọi là impasto. Xuyên suốt sự nghiệp, ông tiếp tục làm việc với kính màu, cũng như với gốm, đồ thêu dệt, thiết kế bối cảnh sân khấu và vẽ minh họa.
Matterhorn I, Oskar Kokoschka, 1947, Fondation Oskar Kokoschka, Vevey, Thụy Sĩ
1947: Nghệ sĩ Biểu hiện người Áo Kokoschka được biết đến với các tác phẩm vẽ chân dung vào những năm đầu của sự nghiệp, nhưng sau một chuyến du lịch vào những năm 1920, ông chuyển sang quan tâm đến thế giới tự nhiên. Kokoschka yêu đất nước Thụy Sĩ và về sau đã định cư tại đó, thực hiện một loạt tranh phong cảnh ấn tượng của đất nước này.
The Black Tern, Georg Baselitz, 1971, Private Collection
1971: Baselitz trở nên nổi tiếng tại Đức vào những năm 1960, và ông cũng là một trong những người tiên phong của phong trào Tân Biểu hiện về sau đã phát triển lên tầm quốc tế. Các tác phẩm của ông luôn có màu sắc rực rỡ và những hình thù méo mó đặc trưng của chủ nghĩa Biểu hiện, nhưng phong cách của ông gần như đã kết nối tranh trừu tượng và tượng hình - từ năm 1969, ông thường vẽ tranh lật ngược lại để dẫn dắt sự chú ý của người xem khỏi nội dung câu chuyện, và tập trung hơn vào hình dạng và màu sắc trên tấm bạt canvas.
Mary Wigman
Vũ điệu biểu hiện: Tương tự với các họa sĩ Biểu hiện, những vũ công múa đương đại cũng trở lại với bản thân, khám phá những cảm xúc và biểu hiện nó thông qua những chuyển động mạnh mẽ. Quay lưng với những giá trị vốn đã định nghĩa múa bale truyền thống như kĩ thuật chính xác, câu chuyện, và kịch bản tinh tế - phong cách mới đòi hỏi vũ công nhảy chân không, khoác trên mình những bộ trang phục tinh giản, không có câu chuyện cụ thể, và nhảy một cách tự do theo cảm xúc của mình. Một số nghệ sĩ Hiện đại, như nhà tiên phong người Đức Mary Wigman thường nhảy mà không cần nhạc.
KIỆT TÁC
The Street
Ernst Ludwig Kirchner, 1908, MoMA, New York, NY
Những đường phố sống động là chủ đề yêu thích của nhóm Die Brücke, nhóm họa sĩ Biểu hiện Đức được thành lập năm 1905 được dẫn dắt bởi Kirchner. Những thành viên đầu tiên - Kirchner, Erich Herkel, Fritz Bleyl và Karl Schmidt-Rottluff - là những sinh viên kiến trúc trường Dresden nhưng chuyển sang hội họa. Tất cả thành viên nhóm này đều muốn tách biệt tác phẩm của mình khỏi những truyền thống học thuật. Họ đều có chung niềm đam mê với triết gia thế kỷ 19, Friedrich Nietzsche. Các tác phẩm của ông chính là cảm hứng cho cái tên của nhóm: “Điều vĩ đại ở con người rằng hắn ta là một cây cầu, không phải một mục đích.”
Cách Kirchner khắc họa đường phố Dresden thể hiện sự cô lập và những nỗi lo âu mà ông đã trải qua khi sinh sống tại thành phố. Mọi yếu tố của bức tranh đều rất ấn tượng - màu sắc táo bạo và tương phản, các con đường có độ dốc phi tự nhiên, vỉa hè chật kín người, và lối thoát bị chặn bởi một chiếc xe đẩy hàng ở phần hậu cảnh. Các nhân vật như thể đang đeo mặt nạ với khuôn mặt trống rỗng và cô độc. The Street đã thể hiện chính xác cái mà Kirchner gọi là “sự bất ổn đau đớn” - một đặc trưng của rất nhiều tác phẩm Biểu hiện khác.
Sự cô đơn của Kirchner càng trở nên tồi tệ khi ông rời Dresden vào năm 1911 để đến Berlin. Từ năm 1913 đến 1915, ông thực hiện thêm 7 bức tranh tả cảnh đường phố và thế hiện sự cô lập ngày càng nghiêm trọng mà ông cảm nhận ở một thành phố khổng lồ, lạ lẫm. Năm 1918, ông bị khủng hoảng tinh thần và phải chuyển về một căn nhà nông tại dãy núi ở Switzerland, nơi ông vẽ cảnh núi yên bình. Năm 1937, Quốc xã tuyên bố các tác phẩm của Kirchner “suy đồi” và loại bỏ nó khỏi mọi cuộc triển lãm với công chúng. Vào năm tiếp theo, ông đã tự kết liễu đời mình.
Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - Bài dịch Phúc Hồ. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép.
________________________________________________
Art Design Center
vietnamcolor.vn - fashionnet.vn
Contact: 0903788646 - 0903975081
Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \
Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)
30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City
Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn.
HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.