288
28 Tháng 06 2:50 pm

Art that Changed the World I Trường phái Kiểu cách Ý (Italy Mannerism)

 Các đặc trưng của Chủ nghĩa Kiểu cách xuất hiện trong những tác phẩm cuối cùng của Raphael và Michealngelo, cũng là khi sự hài hòa của thời kỳ Thượng Phục hưng dần được thay thế bởi sự kịch tính hóa và những tư thế được cường điệu. Từ những năm 1520, các nghệ sĩ Ý đã phát triển những khía cạnh này, và phong cách “Kiểu cách” (Mannerism) phi tự nhiên ra đời.

Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.

Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.

Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.

PHẦN 2F: TRƯỜNG PHÁI KIỂU CÁCH Ý

1520 - 1600: Phong cách 'tân thời'

Kiểu cách (Mannerism) là thuật ngữ chỉ phong cách phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ 16, giữa thời kỳ Thượng Phục hưng và Thời kỳ Baroque. Phong cách này được xem như đã chối bỏ và đồng thời sàng lọc những lý tưởng của thời kỳ Thượng Phục hưng. Thuật ngữ này bắt nguồn từ chữ ‘maniera’, có nghĩa là ‘kiểu cách’ hay ‘sự kiểu cách,’ thứ mà Giorgio Vasari đã sử dụng lúc bấy giờ để miêu tả sự tinh tế, phức tạp của nghệ thuật đương thời. Những đến thế kỷ 18, thuật ngữ Kiểu cách (Mannerism/manierismo) được dùng để tỏ ý khinh miệt, miêu tả các tác phẩm nghệ thuật bị suy đồi - quá chú trọng vào những tiểu tiết trang trí mà rời xa sự hài hòa và hùng tráng của thời kỳ Thượng Phục hưng.

Được truyền cảm hứng bởi những tác phẩm cuối cùng của Michelangelo và Raphael, các nghệ sĩ trường phái Kiểu cách ở Ý thử nghiệm với sự trang trọng của nghệ thuật Thượng Phục hưng để tạo nên một phong cách phi tự nhiên, với những cơ thể thon thả tinh tế, màu sắc khác thường, và những tư thể xoắn phức tạp.  Bức chân dung Lodovico Capponi của Bronzino với những đường nét tinh tế; gam màu axit và cảm ngột ngạt, bất thường của không gian; là ví dụ tiêu biểu cho vẻ đẹp được trau chuốt của nghệ thuật Kiểu cách.

Lodovico Capponi, Agnolo Bronzino,  1550–55, Frick Collection, New York City, NY

Bức chân dung hoàng gia này mang những đặc trưng trong phong cách Kiểu cách của Bronzino: sự trau chuốt rõ rệt và độ chi tiết tinh xảo. Một chi tiết đáng chú ý là bàn tay tinh tế của Capponi khéo léo che đi dòng chữ khắc có thể liên quan đến mối tình bị cấm đoán của anh.

BỐI CẢNH

Kiểu cách: Biểu hiện sự bất ổn trước khủng hoảng hay lòng tự tôn người nghệ sĩ?

“Phong cách trau chuốt” mà sau này được biết đến với cái tên Kiểu cách lần đầu xuất hiện qua tác phẩm của những nghệ sĩ tại Rome và Florence. Một số nhà sử học cho rằng, xu hướng rời xa khỏi sự cân bàng hài hòa của nghệ thuật Thượng Phục hưng để hướng sự phức tạp, kì dị hơn trong bố cục hội họa Kiểu cách phản ánh sự bất ổn định trong xã hội vào thế kỷ thứ 16.  Tuy nhiên, một góc nhìn khác cho rằng Kiểu cách là cách mà những nghệ sĩ thể hiện lòng tự tôn của mình. Không thể phủ nhận rằng dưới chế độ chuyên chế của Cosimo de Medici tại Florence, các nghệ sĩ hàng đầu như Bronzino và Vasari có thể tự tin sáng tác, trở thành đầu tàu của sáng tạo.

Vào đầu thế kỷ 16, châu Âu bị chia rẽ làm hai phe vì cuộc Cải cách Tôn giáo (The Reformation), thứ được khơi mào vào năm 1517 bởi cuộc biểu tình của Martin Luther chống lại quyền lực của Đức giáo hoàng. Sự kiện Cướp bóc thành Rome vào năm 1527 (Sack of Rome), khi quân đội của Hoàng đế La Mã Thần thánh Charles V tàn sát hàng ngàn người dân, được coi là sự trừng phạt của Chúa trời. Quyền lực của Tây Ban Nha (Charles V cũng là vua nước này) giờ đây trải dài quy mô rộng lớn trên đất Ý. Không chỉ vị thế của Ý trên thế giới thay đổi, mà niềm tin rằng Trái đất và nhân loại là cốt lõi trong vũ trụ Chúa trời nay bị lung lay bởi các học thuyết mang tính cách mạng của Nicolaus Copernicus về sự chuyển động quanh mặt trời của các hành tinh. Nhiều thay đổi khác trong lĩnh vực thần học xuất hiện sau năm 1545, khi Hội đồng Trent nhóm họp lần đầu tiên để thảo luận về phản ứng của Giáo hội Công giáo đối với Cải cách tin lành; phản ứng này, nay được biết đến là Phản Cải cách Tinh Lành (Counter - Reformation) đã dẫn đến sự kiểm duyệt nghiêm ngặt đối với nghệ thuật tôn giáo.

Thiết kế mang tính cách mạng của Michealangelo cho tiền sảnh thư viện Laurentian ở Florence thay thế sự hài hòa của thời kỳ Thượng Phục hưng với sự trang trọng kiểu cách, khác thường: các yếu tố kiến trúc được điều chỉnh, tỉ lệ bị ép lại, và các giá đỡ khổng lồ không đỡ gì bên trên mà được thiết kế như thể được treo lên tường.

Mặc dù một số nhà sử học giữ vững quan điểm rằng những khủng hoảng tôn giáo và văn hóa thời kỳ này được phản ánh qua những đặc trưng cách điệu khác thường của nghệ thuật Kiểu cách, một số khác lại có sự cường điệu hóa này là biểu hiện khả năng nhận thức tinh tế của bản thân người nghệ sĩ. Văn học đương thời chỉ ra rằng sự thông minh và thẩm mỹ được đánh giá cao trong xã hội thời bấy giờ - cũng như trong tranh trường phái Kiểu cách. Đây cũng là thời điểm mà các tác phẩm nghệ thuật bắt đầu được trưng bày và mở cửa cho người xem thưởng lãm. Điều này có thể liên quan đến sự tự tin - thường là tự tin thái quá - và sự đề cao tính nghệ thuật trong hội họa Kiểu cách.

Phát triển vượt lên sự hoàn hảo

Vào khoảng năm 1520, năm Raphael qua đời, có cảm giác rằng nghệ thuật tại Ý đã đạt đến đỉnh cao, và những nghệ sĩ thời kỳ Thượng Phục hưng đã đạt được mọi thành tựu có thể về mặt thẩm mỹ, sự hài hòa, và các kỹ thuật. Điều này có thể đã đặt ra một vấn đề cho nghệ sĩ đương thời: Làm thế nào để bạn tiến bộ từ một điểm hoàn hảo?

Tuy nhiên, nghệ thuật không thể giậm chân tại chỗ, và những dấu hiệu đầu tiên của trường phái Kiểu cách đã xuất hiện trong các tác phẩm cuối cùng của những bậc thầy thời kỳ Thượng Phục hưng, Raphael và Michelangelo. Sự phi tự nhiên và kịch tính hóa trong các bức tranhh của Raphael, và những tư thế uốn éo, khó vẽ có chủ ý trong tranh khỏa thân của Michelangelo đã truyền cảm hứng cho những thế hệ nghệ sĩ sau này. Họ vẫn dùng những form dáng cổ điển từng là đặc trưng của nghệ thuật Phục hưng, nhưng thách thức những giới hạn về thẩm mỹ và các quy tắc cổ điển - thay thế sự hài hòa bằng sự bất đối xứng, phức tạp, bác bỏ sự gắn kết về mặt bộ cục để tạo sự sai lệch về quy mô và phối cảnh, tạo nên một cảm giác không gian kì lạ, thách thức người xem.

NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT

Trường phái Kiểu cách bắt nguồn từ các tác phẩm thời kỳ Thượng Phục hưng của Michelangelo và Raphael. Cũng như hai bậc thầy này, những họa sĩ Kiểu cách suy cho cùng vẫn lấy cảm hứng từ nghệ thuật cổ điển. Tuy nhiên, đặc trưng của hội họa Kiểu cách - các tư thế được cường điệu hóa, tay chân thon dài, màu sắc nhân tạo, không tự nhiên, kì lạ và phi lý - thể hiện nỗ lực cải tiến và thử nghiệm nhằm đi tìm một phong cách mới.

Delphic Sibyl, Michelangelo, 1509, Trần nhà nguyện Sistine, Vatican. Tác phẩm thể hiện kĩ năng điêu luyện của Michelangelo trong việc khắc họa những tư thế phức tạp, cũng như cách dụng màu sinh động, ấn tượng.

Michelangelo đã ảnh hưởng trường phái Kiểu cách cả về form dáng lẫn màu sắc. Những tư thế contrapposto (tư thế dồn trọng tâm cơ thể vào một chân, thường thấy trong điêu khắc cổ đại và Phục hưng), uốn éo khó vẽ của ông - đặc biệt ở chủ thể nam khỏa thân - cũng như những gam màu trắng đục, xa hoa được tái hiện bởi những nghệ sĩ Kiểu cách

The Archangel Michael Vanquishing Satan, Raphael, 1518, Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp

Trong các tác phẩm cuối cùng của Raphael, những cơ thể được trau chuốt đã đặt nền móng cho đặc trưng cách điệu hóa, bất thường của trường phái Kiểu cách. Bức vẽ tinh tế này minh họa Thánh Michael diệt rồng với một dáng vẻ mảnh mai và biểu cảm mềm mại.

Study of Hands,  Andrea del Sarto, 1510–30, Bảo tàng Uffizi, Florence, Ý

Những đôi tay tinh tế, một đặc trưng của thời kỳ Thượng Phục hưng, đã được những họa sĩ Kiểu cách tiếp thu và cường điệu hóa. Bản phác thảo này được thực hiện bởi Andrea del Sarto, người đã dạy và ảnh hưởng những nghệ sĩ Kiểu cách nổi tiếng như Pontormo, Vasari, và có thể là Rosso Fiorentino.

Death of Meleager, 200, Doria-Pamphily Collection, Rome, Ý

Các tác phẩm điêu khắc cổ đại là một nguồn cảm hứng dồi dào xuyên suốt thời kỳ Phục hưng và đối với cả những nghệ sĩ Kiểu cách. Tranh của Pontormo được ảnh hưởng bởi tấm phù điêu cổ đại của Meleager, một anh hùng trong thần thoại Hy Lạp.

ĐIỂM NGOẶT

The Deposition of Christ 
Pontormo, 1525–28, Nhà nguyện Capponi, Florence, Ý

Bức tranh đẹp lý tưởng minh họa hình ảnh cơ thể bị đóng đinh của Chúa Giê-su bị tước đi khỏi tay mẹ mình đánh dấu khoảnh khắc hội họa chính thức rời xa sự hài hòa thiên liêng của thời kỳ Thượng Phục hưng. Mặc dù bức vẽ thường được biết đến với cái tên ‘The Entombment’, ta không thể thấy ngôi mộ nào trong tranh: Pontormo đã vẽ khoảnh khắc mà trước đây chưa bao giờ được khắc họa, khi cơ thể của Chúa Giê-su bị nhấc khỏi vòng tay của người mẹ, người mà nỗi đau khôn xiết hiện rõ trên khuôn mặt. Phần mặt đùi trống rỗng của cô đặt ở trọng tâm bức tranh, cố tình tạo nên một bố cục bất ổn định. Rời xa khỏi những quy tắc lý tính, phối cảnh toán học, và sự đổ bóng tinh tế của những bậc thầy thời kỳ Thượng Phục hưng, Pontormo nhồi nhét chủ thể của ông vào một không gian được rọi sáng mãnh liệt, ngột ngạt và không thể đo lường được. Những tư thế tinh tế nhưng bất thường, méo mó, ánh sáng chói lòa, và màu sắc phi tự nhiên đã nâng tầm tính nghệ thuật cũng như đạt được những hiệu quả cảm xúc đáng kinh ngạc. 

Về tác giả: Jacopo Carrucci (1494 - 1556), được biết đến với cái tên Pontormo, nơi ông sinh ra tại Tuscany. Ông là một trong những người tiên phong của hội họa Kiểu cách. Theo Vasari, ông đã từng theo học nhiều nghệ sĩ thời kỳ Thượng Phục hưng bao gồm Leonardo da Vinci và Andrea del Sarto. Ông có tài năng thiên bẩm, và đã sớm rời xa tính cổ điển để tạo nên một phong cách mới lạ, đặc trưng thể hiện bản tính con người ông. Vasari đã miêu tả ông ấy “cô đơn một cách khó tin,” và những quyển nhật ký của ông cũng cho thấy rằng ông mắc chứng Rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Mặc dù phong cách của ông rất cá nhân và đặc trưng, nhưng nó cũng đã được ảnh hưởng bởi Michelangelo và các bản in của Albrecht Dürer. Pontormo dành gần như cả sự nghiệp làm việc tại Florence, vẽ chủ yếu là những tác phẩm tôn giáo và một vài chân dung.

LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN QUA CÁC TÁC PHẨM

Các đặc trưng của Chủ nghĩa Kiểu cách xuất hiện trong những tác phẩm cuối cùng của Raphael và Michealngelo, cũng là khi sự hài hòa của thời kỳ Thượng Phục hưng dần được thay thế bởi sự kịch tính hóa và những tư thế được cường điệu. Từ những năm 1520, các nghệ sĩ Ý đã phát triển những khía cạnh này, và phong cách “kiểu cách” phi tự nhiên dần ra đời. Sự trau chuốt và cường điệu đã tạo nên sự tinh tế, nhưng đôi khi cũng vượt quá giới hạn, khi những tư thế hào hùng đương thời bị tầm thường hóa thành những tư thế vô vị. Cho đến cuối thế kỷ này, một hướng đi giàu năng lượng và cảm xúc dần được phát triển bởi những họa sĩ như Barocci.

 The Transfiguration, Raphael 1518–20, Bảo tàng Pinacoteca, Vatican 

1518: Đây là tác phẩm dang dở của Raphael vì ông đã qua đời trước khi kịp hoàn thiện nó. Sự kịch tính trong tranh, đặc biệt ở khung cảnh bên dưới bao gồm sự hồi phục của đứa trẻ bị ám, khác hẳn với sự trang trọng và hài hòa trong các tác phẩm trước đây của ông. Các cử chỉ được cường điệu, tư thế rời rạc và ánh sáng không nhất quán cho thấy Raphael đang dần rời xa vẻ đẹp lý tưởng của nghệ thuật Thượng Phục hưng để hướng tới một phong cách mang tính Kiểu cách.

The Marriage of the Virgin, Rosso Fiorentino, 1523,.Bảo tàng Lorenzo, Florence, Ý

1523: Rosso tạo ra bức tranh trang nhã, tinh xảo này cho nhà thờ San Lorenzo. Ông rời Florence vào cùng năm ông hoàn thiện bức tranh, sau đó chuyển tời Fontainebleau, nơi ông thiết lập trường phái Kiểu cách Pháp.

Sala dei Giganti (Room of the Giants), Guilio Romano, 1530, Palazzo del Tè, Mantua, Ý

1530: Một trong những biểu hiện khéo léo nhất của sự tự tin qua trường phái kiểu cách là bức “Room of the Giants” tại Mantua. Để tạo nên khung cảnh quyền lực, choáng ngợp, Giulio Romano đã phủ lên phần trần và tường khung cảnh những người khổng lồ Titan bất lực trong việc lật ngôi các vị thần trên đỉnh Olympus.

Last Judgment, Michelangelo, 1536–41, Nhà nguyện Sistine, Vatican

Ba thập kỷ sau khi hoàn thành kiệt tác Trần nhà nguyện Sistine, tác phẩm này ra đời (đáng chú ý hơn là nó được hoàn thiện sau sự kiện Cướp bóc thành Rome). Sự bi kịch, nặng nề trong tác phẩm của Michealngelo tương phản rõ rệt với phong cách an nhiên, hùng tráng của bức tranh trên trần nhà nguyện. Một loạt cơ thể với đa dạng biểu cảm khác nhau trong những tư thế uốn éo và nhào lộn trong không gian phi tự nhiên. Bị coi là mang tính khiêu dâm bởi Hội đồng Trent, các cơ quan sinh dục đã bị vẽ những tấm vải xếp nếp đè lên, che lại.

Madonna of the Long Neck, Parmigianino, 1534–40, Bảo tàng Uffizi, Florence, Ý

1534 - 40: Vẻ đẹp phi tự nhiên đặc trưng của Trường phái Kiểu cách được minh họa rõ nét trong bức tranh nổi tiếng này. Cổ của Madonna thon dài như cây cột trụ phía sau, trong khi cơ thể cô ấy uốn lại thành những đường cong ngoằn ngoèo, kì dị.

The Odyssey Pellegrino Tibaldi , 1555, Palazzo Poggi, Bologna, Ý

1555: Bức phù điêu của Tibaldi kể lại hành trình của Ulysses. Các nhân vật sở hữu cơ thể khỏe mạnh, tư thế contrapposto cổ điển, nhưng Tibaldi nâng tầm lên với sự hài hước tinh tế, mới lạ.

Portrait of Don Gabriel de la Cueva y Giron, Giovanni Battista, Moroni, 1560, Gemäldegalerie, Berlin, Đức

1560: Trong bối cảnh cổ điển, trung tính, khép kín và những đường nét silhouette rạch ròi, bức chân dung bởi nghệ sĩ người Ý Moroni đã tạo nên hiệu ứng phi tự nhiên đặc trưng của tranh chân dung Kiểu cách. Người quý tộc Tây Ban Nha sành điệu quay người hướng về người xem với biểu cảm tự cao, quyền quý.

1563 - Học viện nghệ thuật đầu tiên ra đời

Với mục tiêu nâng tầm vị thế người nghệ sĩ, Vasari đã mở Academia del Disegno (Học viện Thiết kế) danh giá tại Florence vào năm 1563. Nó đã từng là hình mẫu cho các học viện nghệ thuật được thành lập ở châu Âu trong những thế kỷ tiếp theo.

The Pearl Fishers, Alessandro Allori, 1570–72, Palazzo Vecchio, Florence, Ý

1570 - 72: Allori - học trò và là con nuôi của Bronzino - đã vẽ khung cảnh trang nhã này như một phần thiết kế trang trí phức tạp cho ngôi mộ của Đại Công tước Francesco de’ Medici. Được ảnh hưởng bởi Vasari và Bronzino, với các tư thế được lấy từ bức Battle of Cascina của Michelangelo, nó đã hội tụ những đặc trưng đã hoàn thiện của Chủ nghĩa Kiểu cách tại Florence.

St. Luke Painting the Virgin, Giorgio Vasari, 1570, Annunziata, Florence, Ý

1570: Vasari vẽ chân dung tự họa dưới danh nghĩa Thánh Luke - vị thánh bảo trợ cho các họa sĩ - đối với chủ đề tôn giáo truyền thống này. Mặc dù được coi là một trong những người dẫn đầu của trường phái Kiểu cách, nhưng hiện nay, Vasari không được coi là một họa sĩ vĩ đại. Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng nhờ vào thần tượng của ông là Michelangelo, Vasari đã tạo nên những bức phù điêu được “kiểu cách hóa” rất ấn tượng, độc đáo.

Với tác phẩm Cuộc sống người Nghệ sĩ (Live of the Artists), Vasari (1511 - 1574) đã góp một phần không thể thiếu được vào lịch sử nghệ thuật thế giới. Ngoài ra, bản thân ông cũng là một họa sĩ danh tiếng, một kiến trúc sự kiệt xuất, và là một nhân vật nổi bật tại Florence và Rome. Sinh ra trong một gia đình làm gốm, ông được giáo dục bài bản và được học cùng với những thành viên gia đình Medici tại Florence, nơi ông bắt đầu được đào tạo về nghệ thuật. Với tham vọng lớn, ông đã đạt được nhiều thành tựu vĩ đại trong sự nghiệp của mình. Ngày nay, những bức tranh của ông không được đánh giá cao như các công trình kiến trúc mà ông để lại: Tòa nhà mà ông đã thiết kế giờ đây đã trở thành Bảo tàng Uffizi nổi tiếng của Florence, ban đầu nó được dùng làm văn phòng chính phủ cho người bảo trợ của ông, Cosimo de’ Medici.

Barbarossa Pays Homage to Pope Alexander III, Federico Zuccaro 1582, Doge’s Palace, Venice, Ý

1582: Nhà lý luận học và nghệ sĩ Kiểu cách Zuccaro đã làm việc ở nhiều nơi khắp châu Âu, trở thành một trong những họa sĩ quan trọng nhất trong thế hệ của mình. Tác phẩm khổng lồ này - được đặt tại Lâu đài của Doge - chứa đựng những thay đổi lớn về tỉ lệ, mang nhiều nét tương đồng với bậc thầy người Venice, Tintoretto.

Adoration of the Shepherds, Camillo Procaccini, 1584, Pinacoteca Nazionale, Bologna, Ý

1584: Procaccini xuất thân từ một gia đình họa sĩ làm việc tại Bologna và Milan.  Bức Adoration giàu cảm xúc này đáng chú ý ở sự tương phản mạnh mẽ giữa ánh sáng và bóng tối (chiaroscuro) và những cử chỉ khá phô trương, như người chăn cừu vạm vỡ ở tiền cảnh đang lấy tay che mắt khỏi ánh sáng thần thánh.

1597 - Nguồn gốc trường phái Baroque

Khi niềm hứng thú đối với vẻ đẹp phi tự nhiên của trường phái Kiểu cách bắt đầu suy giảm, Annibale Carraci quyết định bắt tay vào thực hiện kiệt tác Baroque của mình năm 1597. Bức vẽ này được trưng bày tại Bảo tàng Farnese ở Rome, lấy cảm hứng từ Trần nhà nguyện Sistine của Michelangelo và loạt bích họa Ulysses của Tibaldi.

Aeneas’s Flight from Troy, Federico Barocci, 1598, Galleria Borghese, Rome, Ý

1598: Ngoài một vài bức chân dung thì đây là bức tranh mang chủ đề thế tục duy nhất được thực hiện bởi Barocci, một người sùng đạo. Ông vẽ bức này hai lần - lần một cho Hoàng đế Rudolph II ở Prague, còn phiên bản này cho Quý ông Giuliano della Rovere tại Urbino. Cảm xúc mãnh liệt, cơ thể cường tráng, và các chuyển động, ánh sáng kịch tính là những đặc trưng tương đồng với trường phái Baroque xuất hiện sau này.

Mặc dù Federico Barrocci  ( 1535? - 1612) đã dành phần lớn cuộc đời của mình tại Urbino - không phải một trung tâm nghệ thuật lớn - nhưng ông là một trong những nghệ sĩ thành công nhất thời bấy giờ. Ông đã sớm từ bỏ sự nghiệp của mình tại Rome khi ông hay tin rằng mình đang bị đầu độc. Cơ thể suy nhược sau khi mắc bệnh, ông chỉ có thể làm việc trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy vậy, ông vẫn là một họa sĩ rất năng suất - gần như chỉ vẽ tác phẩm tôn giáo - và là một nhà phác thảo xuất sắc. Phong cách của ông là cầu nối giữa thời kỳ Thượng Phục hưng với phong cách Baroque, và ông đã ảnh hưởng đến nhiều nghệ sĩ khác, trong đó có Rubens.

KIỆT TÁC

An Allegory With Venus and Cupid
Agnolo Bronzino, 1545, Bảo tàng Quốc gia, London, Vương quốc Anh

Được ủy quyền bởi Công tước Florence, Cosimo de’ Medici, bức vẽ gợi cảm, phúng dụ, thú vị này là món quà dành tặng vị vua nước Pháp, Francis I, người có triều đình tại Fontainebleau, một trung tâm nghệ thuật Kiểu cách hàng đầu bên ngoài nước Ý. Kiệt tác này tập trung những đặc trưng của trường phái Kiểu cách: Vẻ đẹp phi tự nhiên trang nhã, tân thời; sự phức tạp và tinh xảo có chủ ý nhằm thu hút những khán giả có học thức, hoàng gia. Nó được coi là biểu tượng cho hậu quả của một tình yêu bị cấm kị. Venus, nữ thần tình yêu và sắc đẹp (được nhận diện bởi quả táo vàng), hôn con trai của mình, Cupid, trong lúc tước đi vũ khí của anh là mũi tên trong bao.

Các nhân vật khác trong tranh là hiện thân của những ý niệm liên quan đến chủ đề chính. Folly (Sự dại dột) rắc lên cặp tình nhân những cánh hoa hồng, nhưng không nhận ra nỗi đau (của tình yêu) đến từ cái gai dưới chân anh. Sinh vật nửa người nửa rắn với khuôn mặt thánh thiện, tay chìa tổ mật ong ngọt ngào nhưng cuối phần đuôi là ngạnh bọ cạp sắc bén có thể là Pleasure (Sự vui thú). Time (thời gian - người đàn ông bên cạnh đồng hồ cát) giựt tấm màn để lộ Fraud (Sự xảo trá) - được đại diện bởi chiếc mặt nạ rỗng tuếch. Nhân vật đang la hét có thể đại diện cho Sự ghen tị (Jealousy) và/hoặc bệnh giang mai, một căn bệnh đang lan tràn vào thời điểm đó. Nếu quả thật vậy, thì món quà từ công tước Ý gởi tới vị vua người Pháp có thể là một trò đùa tăm tối nhưng rất tinh tế: giang mai còn được gọi là “bệnh Pháp” ở Ý, và “bệnh Ý” ở Pháp.

Cũng như người thầy Pontormo, họa sĩ Bronzino đã tạo nên một cảm giác không gian bất hợp lý, với những hình thù méo mó, quần lấy nhau, như thể bị ép lên mặt phẳng tranh. Tuy nhiên, nếu tranh của Pontormo thể hiện tính sùng đạo, thì kiệt tác Kiểu cách của Bronzino như thách thức những giới hạn của Công giáo thời bấy giờ. Sự khêu gợi quá mức của bức tranh đã bị hạn chế vào thời Victoria, khi lưỡi của Venus và phần núm vú của bà bị vẽ đè lên. Năm 1958, nó được khôi phục về trạng thái như hiện nay.

Về tác giả: Tên khai sinh là Agnolo di Cosimo, Bronzino (1503 - 1572) có thể đã nhận biệt danh này bởi vì màu da sẫm màu của ông. Ông xuất thân từ một gia đình khiêm tốn ở một vùng ngoại ô của Florence, và từ bé đã theo học Pontormo, bậc thầy người Florence. Theo người bạn Vasari của ông, Pontormo đã coi ông như một người con trai, thậm chí đã từng vẽ chân dung Bronzino với danh nghĩa là con trai mình trong bức Joseph in Egypt (1518). Đến những năm 1530, ông chứng minh khả năng vẽ chân dung và được săn đón bởi nhiều nhà bảo trợ - đặc biệt là những nhà văn học. Bản thân Bronzino cũng là một nhà thơ thiên tài. Năm 1539, ông bắt đầu làm việc cho Công tước mới của Florence, Cosimo de’ Medici, trở thành một nghệ sĩ hoàng gia trong vòng gần ba thập kỷ. Công việc chủ yếu của ông là vẽ những bức chân dung trang trọng, tác phẩm chủ đề tôn giáo, thần thoại  cũng như dệt thảm cho triều đình Medici. Năm 1563, cùng với Vasari, ông trở thành thành viên sáng lập học viện nghệ thuật mới của Florence, Academia del Disegno. Nhiều học trò của ông cũng gặt hái nhiều thành công sau này, trong đó có Alessandro Allori, người được ông nhận nuôi.

Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - Bài dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép. 

________________________________________________

G Studio 

Art Design Center 

vietnamcolor.vn - fashionnet.vn

Contact: 0903788646 - 0903975081

Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \

Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)

30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City 

 

Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn. 

HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Art_Painting Sinh viên tốt nghiệp tại trường Imperial College London, Nicole Stjernsward đã phát minh ra Kaiku, một hệ thống giúp chuyển hoá thực vật thành các loại bột màu từ quá trình ứng dụng công nghệ bay hơi.


VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

Pro_Creative ĐI & VỀ, ĐI để vẽ nên màu của mình, chúng ta là Màu Việt Nam. Khi người nghệ sĩ chọn chất liệu, họ say mê bề mặt của giấy, toan, đất, vải, vóc, sơn hay bất kỳ kết cấu nào tạo ra cảm xúc để sáng tạo. Người thưởng ngoạn hít thở sâu, nhắm mắt, lắng nghe từ trực giác, mở mắt để thấu cảm màu sắc, hình, khối, vẻ quyến rũ từ chất liệu, tài năng của người nghệ sĩ, hòa nhịp làm nên câu chuyện sáng tạo. Khi bắt đầu chạm, sẽ hiểu rồi yêu, điều này vô cùng quý giá cho hành trình khám phá nghệ thuật ĐI & VỀ, ĐI của mỗi người.

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Subscription

Fashionnet

Follow us