288
28 Tháng 06 6:53 pm

Art that Changed the World I Kiểu cách bên ngoài nước Ý

 Không lâu sau khi trường phái Kiểu cách nổi lên tại Ý, nó đã bắt đầu lan rộng khắp châu Âu, đầu tiên là ở triều đình vua Francis I tại Pháp, nơi trường phái Fontainebleau được thành lập vào những năm 1530 bởi hai nghệ sĩ người Ý Rosso Fiorentino và Primaticcio. Sau đó trường phái này phổ biến dần khắp châu Âu và hình thành nên những phong cách độc đáo, tiêu biểu có Nicholas Hilliard, El Greco...

Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.

Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.

Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.

PHẦN 2G: TRƯỜNG PHÁI KIỂU CÁCH BÊN NGOÀI NƯỚC Ý

1520 - 1600: Phong cách 'tân thời'

Trường phái Kiểu cách phổ biến ra bên ngoài nước Ý trong thế kỷ 16 nhờ một loạt nghệ sĩ châu Âu khác nhau. Một vài tác phẩm nghệ thuật Kiểu cách tiêu biểu nhất được tạo ra trong các triều đình hoàng gia, như tại Fontainebleau ở Pháp, nơi bức Allegory of Water  đã ra đời. Cũng như nhiều tác phẩm khác vào thời kỳ này, nó được lấy cảm hứng từ thời cổ đại, nhưng mang đặc trưng của trường phái Kiểu cách hoàng gia như kĩ thuật tinh xảo, các chi tiết trang nhã, phức tạp, thể hiện gu thẩm mỹ cao. Ngoài triều đình, một nhánh Kiểu cách khác đã được phát triển tại Hà Lan bởi những Jan van Scorel, Maerten van Heemskerck, và Frans Floris. Tất cả những nghệ sĩ này đều đã từng ghé thăm La Mã, và đã kết hợp phong cách Thượng Phục hưng mà họ đã chứng kiến tại đó với truyền thống Hà Lan để tạo nên một trường phái Kiểu cách hoàn toàn khác biệt. Nghệ sĩ người Đức Lucas Cranach đã phát triển một phong cách vẽ trau chuốt, khêu gợi mang nhiều nét tương đồng với Kiểu cách Ý. Tuy nhiên, nếu xét về tính nguyên bản, độc đáo thì không thể không kể đến những bức tranh Kiểu cách đầy cảm xúc của họa sĩ El Greco ở Tây Ban Nha.

Allegory of Water or Allegory of Love, Họa sĩ Fontainebleau, 1580, Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp

Mặc dù có rất nhiều tên tuổi nổi tiếng gắn liền với nghệ thuật Kiểu cách bên ngoài nước Ý, phần lớn những tác phẩm thực hiện tại Fontainebleau đều không rõ tác giả - bao gồm bức vẽ phúng dụ tinh tế về chủ đề tình yêu thiêng liêng và trần tục. Những bông hoa biểu tượng trong tranh được minh họa tương tự phong cách bức Young Man Among Roses của Nicholas Hilliard.

Bối cảnh

Triều đình châu Âu

Trường phái Kiểu cách khởi nguồn tại Ý vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ 16, nhưng phong cách “trau chuốt” này sớm lan ra nước ngoài sau sự kiện Cướp bóc thành Rome (1527), khi các nghệ sĩ Kiểu cách chạy trốn khỏi thành phố và phục vụ cho những nhà bảo trợ quyền lực khu vực Bắc Âu. Sự ‘tân thời’ cuốn hút, vẻ đẹp phi tự nhiên tinh tế, và sự mới lạ, độc đáo của trường phái Kiểu cách đã giúp nó được ưu chuộng trong môi trường hoàng gia và quý tộc. Hai nghệ sĩ người Ý, Rosso Fiorentino và Frances Primaticcio nắm vai trò chủ chốt để tạo nên triều đình hào nhoáng của vua Francis I tại Fontainebleau, nơi sau này trở thành trung tâm của trường phái Kiểu cách Pháp. Nghệ thuật Kiểu cách cũng xuất hiện trong triều đình vua Rudolf II ở Prague (thủ đô của Tiệp Khắc đương thời, sau này là của Cộng hòa Czech) và Nữ hoàng Elizabeth I ở Anh.

Vua Francis I bổ nhiệm các nghệ sĩ Ý tại triều đình Pháp ở Fontainebleau nhằm cạnh tranh với lối cai trị nhân văn tại Ý và phục dựng nghệ thuật quốc gia, với mục đích quảng bá và tôn vinh giá trị văn hóa của Pháp. Các nghệ sĩ không chỉ được ủy nhiệm để vẽ tranh mà còn là để thiết kế diện mạo của triều đình - từ nhà bếp, chẳng hạn như hầm muối nổi tiếng của Cellini, đến các lăng mộ vương giả.

Portrait of Francis I, François Clouet, 1535, Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp

Cũng như Francis I, vua Rudolf II chọn nghệ thuật làm trọng tâm trong tầm nhìn quốc gia của mình. Sau khi ông trở thành Hoàng đế La Mã Thần thánh vào năm 1576, ông dời triều đình hoàng gia từ Vienna đến Prague, và ra sức thu hút các nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà toán học, nhà thiên văn học và nhà triết học tại đó. Những nghệ sĩ từng được ông bảo trợ bao gồm Giuseppe Arcimboldo, Bartholomeus Spranger, và Hans von Aachen, Rudolf đã xác định rõ rằng thủ đô của ông sẽ trở thành một trung tâm nghệ thuật nổi tiếng. Trong khi đó, đối với vương triều Tudor tại Anh, sự thịnh hành của những bản thơ tình tinh tế, mặt nạ hoàng gia, và các cuộc thi sắc đẹp vào thời kỳ này đã được phản ánh trong những tác phẩm của những Hans Eworth hay Nicholas Hilliard, người nổi tiếng với những bản chân dung thu nhỏ của mình.

Hai nghệ sĩ Ý Rosso và Primaticcio chỉ đạo trang trí cung điện tại Fontainebleau. Cùng nhau họ đã tạo ra Thư viện Francis I (1533 - 39), tác phẩm được nhà sử học nghệ thuật Anthony Blunt ca tụng là “một trong những sản phẩm trau chuốt và thành công nhất thời kỳ Kiểu cách Sơ khai (Early Mannerism).”

Sự khởi đầu của trường phái Kiểu cách bên ngoài nước Ý một phần bắt nguồn từ chính sự kiện đã đặt dấu chấm cho thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật Thượng Phục hưng tại Ý. Đó chính là sự kiện Cướp bóc thành Rome năm 1527. Các nghệ sĩ như Kiểu cách như Rosso Fiorentino phải rời khỏi thành phố và tìm việc ở nơi khác. Năm 1530, sau khoảng thời gian làm việc nhiều nơi ở khu vực trung tâm nước Ý và Venice, Rosso được Vua Francis I mời thiết kế lại nơi ở của ông tại Fontainebleau, từ một biệt thự săn bắn thành một lâu đài hào nhoáng. Rosso, cùng người đồng nghiệp Ý Primaticcio, đã thành lập Trường phái Fontainebleau đầu tiên (First School of Fontainebleau). Trường phái Kiểu cách sau đó được lan rộng khắp châu Âu, thông qua những nghệ sĩ từng ghé thăm Ý hoặc Fontainebleau, hoặc được chứng kiến phong cách tinh tế này dưới dạng bản khắc.

NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT

Cũng như tại Ý, các tác phẩm Kiểu cách ở những nước khác cũng trau chuốt và cường điệu hóa những đặc trưng của nghệ thuật Phục hưng Ý, và suy cho cùng thì nền móng của nó vẫn là những pho tượng điêu khắc cổ đại. Các nghệ sĩ khắp châu Âu đều được ảnh hưởng bởi những họa sĩ Kiểu cách Ý, như Rosso, Primaticcio, và Niccolò dell’Abate. Những cái tên này đều có các tác phẩm mang ảnh hưởng mạnh mẽ không dừng lại ở Fontainebleau. Các nghệ sĩ châu Âu tiếp xúc trực tiếp hoặc thông qua bản khắc những tác phẩm từ các bậc thầy ở Ý, bao gồm Michelangelo - tư thế conttraposto của ông được rất nhiều hậu bối tiếp thu.

Pho tượng Diana of Versailles, Thế kỷ 1 -2, Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp. Đây là một trong những bức tượng La Mã đầu tiên được thấy ở Pháp.

Tác phẩm điêu khắc cổ đại, như bức tượng kích cỡ thật Nữ thần Diana từ La Mã này, đã ảnh hưởng đến hội họa Kiểu cách. Đức Giáo hoàng đã tặng pho tượng cho vua Henry II, người sau này đặt nó vào khu vườn trong cung điện tại Fontainebleau.

Bản phác họa Ignudo dựa trên hình mẫu của Michelangelo, được thực hiện bởi Rosso Fiorentino năm 1525.

Các nhân vật khỏa thân của Michealangelo và tư thế contrapposto đã ảnh hưởng đến các nghệ sĩ Kiểu cách cả trong và ngoài nước Ý. Bản phác thảo nhân vật trên trần Nhà nguyện Sistine được thực hiện bởi Rosso.

Diane the Huntress, Giampietrino, 1530, Bảo tàng Metropolitan, New York City, NY

Các bức tranh vẽ thần và nữ thần của hội họa Phục hưng Ý có liên hệ đến tác phẩm thực hiện bởi nghệ sĩ Kiểu cách bên ngoài Ý. Bản vẽ này, được thực hiện bởi một trong những môn đệ của Leonardo, có nhiều nét tương đồng với bản khắc của Rosso sau này.

ĐIỂM NGOẶT

Diana the Huntress
School of Fontainebleau, 1550, Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp

Bức tranh ấn tượng này có thể là một bản chân dung phúng dụ của Diane de Poitiers, tình nhân của vị vua người Pháp Henry II, người kế vị Francis I vào năm 1547. Được vẽ bởi một họa sĩ vô danh, nó đã hé lộ những ảnh hưởng sâu sắc của các họa sĩ Kiểu cách Ý lên nghệ thuật triều đình Pháp. Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất cho Trường phái Fontainebleau đầu tiên, nó mang những đặc tính tiêu biểu của trường phái Kiểu cách châu Âu thời kỳ sơ khai: cơ thể thon dài, tinh tế, dựa trên pho tượng điêu khắc cổ, đặt trong bối cảnh thần thoại. Trong tư thế contrapposto được ảnh hưởng bởi Michelangelo, Diana - nữ thần săn bắn của La Mã - thể hiện một sự khêu gợi tinh tế thường gặp trong hội họa Kiểu cách Pháp.

LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN QUA CÁC TÁC PHẨM

Không lâu sau khi trường phái Kiểu cách nổi lên tại Ý, nó đã bắt đầu lan rộng khắp châu Âu, đầu tiên là ở triều đình vua Francis I tại Pháp, nơi trường phái Fontainebleau được thành lập vào những năm 1530 bởi hai nghệ sĩ người Ý Rosso Fiorentino và Primaticcio. Trường phái Kiểu cách hoàng gia thịnh hành xuyên suốt thế kỷ 16. Ngoài môi trường vương triều, các thế hệ họa sĩ phương Bắc được truyền cảm hứng bởi những tác phẩm nghệ thuật Kiểu cách mà họ đã được thấy ở Rome. Cho đến cuối thế kỷ, phong cách Kiểu cách đặc trưng của El Greco nổi lên, trở thành đầu tàu cho một trường phái hội họa Tây Ban Nha mới.

Cupid Complaining to Venus, Lucas Cranach, 1530, Bảo tàng Quốc gia, London, Vương quốc Anh

1530: Là họa sĩ hoàng gia cho vua Frederick the Wise của Saxony (Đức), Cranach đã hình thành một phong cách trau chuốt lấy cảm hứng từ Kiểu cách Ý. Nữ thần Venus quyến rũ này mang trên mình những trang sức tân thời và đội mũ - chỉ làm tăng phần hấp dẫn cho cơ thể khỏa thân của cô. Cô vừa là nữ thần vừa là một quý tộc gợi cảm.

Danaë, Jan Gossaert (Mabuse), 1527, Alte Pinakothek, Munich, Đức

1527: Gossaert khắc họa vị nữ thần Hy Lạp Danaë gợi cảm, hờ hững trong bối cảnh nối thất Ý cổ điển; vị thần Zeus đang quyến rũ cô trong hình hài một cơn mưa vàng, khiến cô ngước nhìn kinh ngạc. Gossaert đã lấy cảm hứng từ nhiều nguồn, bao gồm truyền thống Hà Lan của ông, bậc thầy người Đức Dürer, và các tác phẩm của Michelangelo và Raphael để hình thành nên phong cách mang đậm tính cá nhân của mình.

Đôi khi được biết đến với cái tên “Mabuse”, nơi ông được cho rằng sinh ra tại đó (Mabeuge, hiện tại thuộc Pháp), người nghệ sĩ Hà Lan Jan Gossaert là một trong những cá nhân dẫn đầu trường phái mà nhà sử học nghệ thuật Max J. Friedländer đặt tên là “Kiểu cách Antwerp” - một phong cách thịnh hành vào thập niên đầu tiên của thế kỷ 16. Đặc trưng của phong cách này là đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện, kết hợp hài hòa các yếu tố Gothic và Phục hưng. Chuyến ghé thăm Rome vào năm 1508 - 09 với tư cách là tùy tùng của Vua Phillip thuộc Burgundy đã để lại ảnh hưởng sâu sắc cho tác phẩm của Gossaert. Vasari đã từng ca tụng rằng ông đã “tìm ra phương pháp đúng đắn để giới thiệu những cơ thể khỏa thân và thần thoại nước Ý đến với Hà Lan.” Ông đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến những thế hệ nghệ sĩ hậu bối, bao gồm Jan van Scorel, và môn đệ của Scorel là Maerten van Heemskerck.

Danaë Receiving the Shower of Gold, Primaticcio, 1533–39, Château de Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp

1533 - 39: Cách khắc họa Danaë của Primaticcio rất thú vị khi đặt kế bên một Danaë thánh thiện của Gossaert (bên trên). Được đóng khung treo trong Thư viện Francis I tại Fontainebleau, bức tranh của Primaccio khắc họa cơ thể nhục dục của Danaë khi đón nhận cơn mưa vàng của Zeus.

The Sermon, Arrest, and Martyrdom of St. James (Trích từ bức đa liên họa St. James the Great and St. Stephen) Jan van Scorel c.1541 Musée de la Chartreuse, Douai, Pháp

1541: Phong cách Kiểu cách của Scorel đã phát triển hoàn thiện trong bức tranh này. Được lấy cảm hứng từ Raphael, bức tranh minh họa nhân vật vạm vỡ bên góc phải đang chuẩn bị chặt đầu vị thánh, nhưng tư thế tựa như đang múa ballet của ông đã tối thiểu hóa sự bạo lực trong tranh.

Fall of the Rebel Angels, Frans Floris, 1554, Koninklijk Museum voor Schone Kunsten, Antwerp, Bỉ

1554: Tác phẩm Last Judgement của Michelangelo tại Rome đã để lại ấn tượng sâu đậm đối với nghệ sĩ người Antwerp, Frans Floris. Những cơ thể uốn éo, quằn quại phong cách Michelangelo được nhồi nhét vào khung giữa của bức tam liên họa này (hai khung bên cạnh đã bị thất lạc).

The Death of Eurydice, Niccolò dell'Abate, 1557, Bảo tàng Quốc gia, London, Vương quốc Anh

1557: Bức tranh phong cảnh bao quát với những nhân vật thần thoại trang nhã rất có thể đã được vẽ bởi Niccolò tại Pháp, mang nhiều nét tương đồng với những bức phong cảnh cổ điển sau này bởi Claude và Poussin vào thế kỷ 17. Nhiều khía cạnh khác nhau trong câu chuyện được minh họa, và nhân vật Eurydice xuất hiện hai lần - trong lúc đang chạy trốn khỏi những kẻ tấn công, và khi đang chết dần bởi vết rắn cắn.

Bậc thầy vẽ tranh phong cảnh Kiểu cách, Niccolò dell’Abate được sinh ra tại Modena, thuộc miền Bắc nước Ý, nơi ông được đào tạo bởi bố ông, một thợ sơn vữa. Ông dành phần lớn thời gian đầu sự nghiệp trang trí các công trình thế tục bên trong và xung quanh quê nhà mình trước khi chuyển đến Bologna vào năm 1547. Các tác phẩm của ông vào giai đoạn này chủ yếu được ảnh hưởng bởi Parmigianino. Ông chuyển tới Pháp vào năm 1552, và dành phần còn lại của cuộc đời tại đó - phần lớn thời gian là để làm việc dưới sự giám sát của người đồng hương Ý, Primaticcio tại Fontainebleau, nơi ông đã tạo ra những bức bích họa trang trí tinh tế và vài bức tranh phong cảnh.

Lamentation, Maerten van Heemskerck, 1566, Prinsenhof Museum, Delft, Hà Lan

1566: Sự ngột ngạt về không gian đã gây xúc động sâu sắc cho bi kịch khắc họa trong tranh. Các nhân vật tụ tập lại sát tiền cảnh, để lộ khu vực đóng đinh phía xa xa ở hậu cảnh. Mặc trên mình những bộ trang phục chỉnh tề, họ được sắp xếp theo bố cục hài hòa, than khóc bên cạnh cơ thể nhợt nhạt của Chúa Giê-su ở trọng tâm bức tranh. Có thể thấy rõ ảnh hưởng của Michelangelo qua cách minh họa Chúa Giê-su cũng như ảnh hưởng từ tác phẩm điêu khắc cổ điển.

Được đặt tên theo ngôi làng tại Hà Lan nơi anh được sinh ra, Heemskerck đã trở thành một trong những nghệ sĩ hàng đầu trong thế hệ của mình tại Haarlem. Sau khi được đào tạo bởi Jan van Scorel tại Utrecht (1528 - 29), ông đến Rome vào năm 1532. Ông đã dành vài năm tại đó nghiên cứu những di tích kiến trúc cổ đại - chẳng hạn như Đấu trường La Mã, nơi mà ông đã vẽ làm nền trong bức chân dung tự họa của mình - cũng như những kiệt tác điêu khắc cổ điển. Ngoài hội họa, Heemskerck còn thiết kế hàng trăm bản in, là công cụ truyền bá trường phái Kiểu cách trên khắp Bắc Âu.

A Lady in her Bath, François Clouet, 1571, Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia, Washington, DC

1571: François Clouet kế thừa sự nghiệp nghệ sĩ triều đình Pháp của cha mình. Gia đình ông có gốc gác từ Hà Lan, vì thể có thể thấy sự kết hợp giữa những yếu tố của hội họa Nam Hà Lan - như sự chi tiết, tự nhiên đối với tĩnh vật - và những cơ thể khỏa thân lý tưởng theo phong cách Ý. Nhân vật trong tranh được cho là tình nhân của vua Henry II, Diane de Poitiers.

Spring Giuseppe, Arcimboldo, 1573, Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp

1573: Nghệ sĩ người Ý được bổ nhiệm vào triều đình Habsburg tự năm 1562 đến 1587, làm việc các vị hoàng đế - Ferdinand I, Maximilian II, và Rudolf II. Như những bức chân dung phúng dụ nhuốm màu viễn tưởng khác của ông, bức tranh này đã nhân cách hóa mùa xuân thông qua sự sắp xếp tài tình các vật thể trái cây, rau củ quả và những sự vật khác.

Madonna and Child with a Distaff, Luis de Morales, 1575, Hermitage Museum, St. Petersburg, Nga

1575: Nghệ sĩ người Tây Ban Nha Luisde Morales được mệnh danh là el Divino, bởi tính sùng đạo mãnh liệt trong tranh của ông. Ông rất có thể đã tiếp xúc với các tác phẩm của Michelangelo và Rosso thông qua các bản khắc, cũng như được ảnh hưởng bởi trường phái Kiểu cách Nam Hà Lan và kỹ thuật sfumato của Leonardo.

Venus and Adonis, Bartholomeus Spranger, 1585–90, Rijksmuseum, Amsterdam, Hà Lan

1585 - 90: Spranger đã ảnh hưởng đến sự truyền bá của chủ nghĩa Kiểu cách khắp châu Âu. Được đào tạo tại Antwerp, ông đã từng ghé thăm Pháp và Ý, làm việc tại Vienna cho Hoàng đế Maximilian II, và là một trong những nghệ sĩ hàng đầu thuộc triều đình Rudolf II tại Prague. Hình ảnh nữ thần Venus ôm vào vòng tay của thợ săn Adonis thuộc loạt tranh vẽ các cặp tình nhân thần thoại của Spranger.

Massacre of the Innocents, Cornelis van Haarlem, 1590–91, Frans Halsmuseum, Haarlem, Hà Lan

Một trong những nghệ sĩ Kiểu cách hàng đầu tại Haarlem vào cuối thế kỷ 16, Cornelis nổi tiếng với loạt tranh lịch sử và tôn giáo, với đặc trưng là những cơ thể khỏa thân chân thật trong đa dạng tư thế uốn éo kịch tính, kiểu cách.

Christ Driving the Traders from the Temple, El Greco, 1600, Bảo tàng Quốc gia, London, Vương quốc Anh

Đây là một trong những bức vẽ của El Greco lấy chủ đề tôn giáo kịch tính này. Trong một lần hiếm hoi thể hiện sự tức giận, Chúa Giê-su đã xua đuổi những thương nhân đang làm ô uế Đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, biến nơi đáng lẽ ra là ‘nhà cầu nguyện’ trở thành ‘ổ trộm cắp.’ Một điểm nhấn cuộn quanh đường nét áo choàng của Chúa Giê-su đã làm nổi bật chuyển độgn xoay người của ông trong lúc ông bước lên, nâng cánh tay để tung roi. Các thương nhân tháo chạy, những chuyển động hỗn loạn được thể hiện ở góc trái, trong khi những người theo lẽ phải ở phía ngược lại vẫn giữ dáng vẻ bình thản.

Domenikos Theotokopoulos - được biết đến với cái tên El Greco (Người Hy Lạp) - sinh ra tại Crete, nơi ông được đào tạo về truyền thống vẽ tranh biểu tượng của Byzantine. Đến năm 1568, ông rời quê hương để đến Venice, nơi ông có thể đã theo học bậc thầy Titian, nhưng bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi những tác phẩm kịch tính, giàu cảm xúc của Tintoretto. Sau một quãng thời gian lưu trú tại Rome, ông định cư ở thành phố Toledo của Tây Ban Nha vào năm 1577, và được công nhận là bậc thầy đầu tiên của hội họa Tây Ban Nha. Những kiệt tác của ông - với đặc trưng là các cơ thể méo mó, thon dài; những vật thể tạo thành hình thù hài hòa như những ngọn lửa bập bùng; và màu sắc rực rỡ - đã tạo nên một phong cách Kiểu cách mang tính cá nhân rõ rệt.

Bacchus, Ceres, and Cupid, Hans von Aachen, 1600, Kunsthistorisches Museum, Vienna, Áo

Một trong những nghệ sĩ hàng đầu thuộc triều đình vua Rudolf II tại Prague, nơi ông được bổ nhiệm làm họa sĩ hoàng gia vào năm 1952, Hans von Aachen đã phát triển một phong cách tinh tế kết hợp sự chi tiết tỉ mỉ với những cơ thể khỏa thân trang nhã trong bối cảnh ngụ ngôn, phúng dụ. Phong cách này hoàn toàn phù hợp với môi trường hoàng gia châu Âu thế kỷ 16.

KIỆT TÁC

Young Man Among Roses 
Nicholas Hilliard, 1587, Bảo tàng Victoria & Albert, London, Vương quốc Anh

Bản chân dung tí hon này bao hàm những đặc trưng tinh tế của hội họa, thơ ca và môi trường hoàng gia thời kỳ Elizabeth. Cao khoảng 136mm, nó lớn hơn đa số những tác phẩm khác của Hilliard, nhưng ông vẫn sử dụng kỹ thuật thường thấy của mình: sử dụng một đầu cọ tí hon bằng lông sóc, với màu nước pha với vỏ trai, ông đã vẽ lên tấm vải da vellum gắn trên bìa cứng. Có thể thấy rõ những ảnh hưởng từ trường phái Fontainebleau trong tranh: Hilliard đã từng tiếp xúc với tranh chân dung hoàng gia Pháp trước khi ông ghé thăm quốc gia này vào năm 1576 - 78, nhưng trải nghiệm chiêm ngưỡng nghệ thuật Fontainebleau tận mắt đã để lại ảnh hưởng sâu sắc lên các tác phẩm của ông. Tư thế của chàng trai mảnh mai trong tranh có nguồn gốc từ những chi tiết trang trí bằng vữa tại Fontainebleau; và cách khắc họa nhân vật giữa những cánh hoa có thể liên quan đến tác phẩm của nghệ sĩ Fontainebleau ẩn danh, được biết đến với cái tên Maître de Flore

Danh tính nhân vật và ý nghĩa bức tranh không rõ ràng, có thể là có chủ đích. Các tác phẩm thu nhỏ (miniature) như thế này được gọi là impresa, trong đó từ ngữ và hình ảnh kết hợp với nhau để tạo nên một thông điệp gởi gắm đến một số người xem nhất định - trong trường hợp này có thể là Nữ hoàng Elizabeth I. Mang bộ trang phục trắng đen - màu sắc của những nhà vô địch cuộc thi đấu ngựa hay của mặt nạ thời Elizabeth - người đàn ông si tình đặt tay lên tim, bị khóa chặt lại bởi những cành hoa hồng, thứ đại diện cho sự cay đắng ngọt bùi của tình yêu qua vẻ đẹp hoa mỹ và những cây gai bén nhọn của nó. Đóa hoa hồng này còn là một biểu tượng tinh tế đại diện cho người Nữ hoàng. Trang phục của chàng trai như tuyên bố sự trung thành với Nữ hoàng, còn dòng chữ Latin bên trên khẳng định sự trường tồn của anh ta. Nhà sử học nghệ thuật Sir Roy Strong cho rằng chàng trai đó là Robert Deveruex, Bá tước thứ 2 của Essex, là một trong những người mà Elizabeth từng quý mến nhất. Tuy nhiên, lập luận đó chưa giải thích thỏa đáng dòng chữ thể hiện sự trường tồn của chàng trai: bởi vì sau một nỗ lực không thành công nhằm lật đổ vương triều vào năm 1601, Devereux đã bị xử tử vì tội phản quốc.

Vào thuở thiếu niên, Nicholas Hilliard từng học việc cho thợ kim hoàn Robert Brandon ở London, người từng phục vụ cho Nữ hoàng Elizabeth I. Sau đó, ông dần hoàn thiện kỹ thuật và rồi trở thành người vẽ tranh thu nhỏ hàng đầu, nổi tiếng nhất châu Âu thời bấy giờ. Đến năm 1572, mặc dù đang làm việc cho Nữ hoàng Elizabeth I và vô cùng nổi tiếng nhưng ông không có một mức lương cố định, và thường xuyên rơi vào cảnh thiếu thốn tài chính - ông đã từng tiêu tốn hết tiền bạc cho một chuyến khai thác vàng thất bại tại Scotland, phải trốn tránh các chủ nợ và từng bị bỏ tù vì nợ nần. Năm 1576 - 78, ông lưu trú tại Pháp, và có thể giả định rằng ông đã ghé thăm Fontainebleau. Một điều chắc chắn rằng ông đã truyền cảm hứng bởi nghệ thuật Kiểu cách của François Clouet và những họa sĩ khác tại Fontainebleau. Vào khoảng năm 1600, ông viết cuốn chuyên luận về Tranh thu nhỏ (Treatise Concerning the Arte of Limning). Văn bản đó (không được xuất bản cho đến năm 1912) đã cung cấp một góc nhìn sâu sắc, thú vị đối với kỹ thuật tỉ mỉ của ông. Khi Nữ hoàng Elizabeth I qua đời vào năm 1603, Hilliard trở thành “người vẽ tranh thu nhỏ cho nhà vua (King’s Limner)” cho người kế vị, Vua James I.

Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - Bài dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép. 

________________________________________________

G Studio 

Art Design Center 

vietnamcolor.vn - fashionnet.vn

Contact: 0903788646 - 0903975081

Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \

Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)

30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City 

 

Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn. 

HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Art_Painting Sinh viên tốt nghiệp tại trường Imperial College London, Nicole Stjernsward đã phát minh ra Kaiku, một hệ thống giúp chuyển hoá thực vật thành các loại bột màu từ quá trình ứng dụng công nghệ bay hơi.


VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

Pro_Creative ĐI & VỀ, ĐI để vẽ nên màu của mình, chúng ta là Màu Việt Nam. Khi người nghệ sĩ chọn chất liệu, họ say mê bề mặt của giấy, toan, đất, vải, vóc, sơn hay bất kỳ kết cấu nào tạo ra cảm xúc để sáng tạo. Người thưởng ngoạn hít thở sâu, nhắm mắt, lắng nghe từ trực giác, mở mắt để thấu cảm màu sắc, hình, khối, vẻ quyến rũ từ chất liệu, tài năng của người nghệ sĩ, hòa nhịp làm nên câu chuyện sáng tạo. Khi bắt đầu chạm, sẽ hiểu rồi yêu, điều này vô cùng quý giá cho hành trình khám phá nghệ thuật ĐI & VỀ, ĐI của mỗi người.

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Subscription

Fashionnet

Follow us