Art that Changed the World I Phục hưng phương Bắc (Northern Reinessance)
Art_Painting Thời kỳ Phục hưng Phương Bắc (Northern Reinessance) bắt đầu vào khoảng thế kỷ 15 tại Hà Lan, với các tác phẩm tiên phong của van Eyck, “Bậc thầy xứ Flémalle,” và van der Weyden. Chủ nghĩa tự nhiên ở Bắc Âu được đặc trưng bởi sự chính xác trong từng chi tiết, dựa trên niềm hứng thú đối với thế giới tự nhiên và các sự vật, thay cho những nghiên cứu nghệ thuật cổ đại.
Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.
Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.
Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.
PHẦN 2E: PHỤC HƯNG PHƯƠNG BẮC (NORTHERN REINESSANCE)
1440 - 1600: Chân thực trong từng chi tiết
Thuật ngữ ‘Phục hưng phương Bắc’ dùng để chỉ các tác phẩm được tạo ra tại khu vực Bắc Âu rộng lớn trong khoảng thời gian từ 1400 đến 1580. Các nghệ sĩ nổi bật ở giai đoạn này có thể kể đến Jan van Eyck, người làm việc chủ yếu tại Bruges; Albrecht Dürer từ Nuremberg; Hans Holbein, họa sĩ sinh ra tại Đức nhưng tạo được danh tiếng ở Thụy Sĩ, và vẽ những tác phẩm nổi tiếng nhất tại Anh. Các nghệ sĩ ‘Phục hưng phương Bắc’ có chung xu hướng thiên về chủ nghĩa tự nhiên tương tự như những đồng nghiệp tại Ý. Tuy nhiên, chủ nghĩa tự nhiên ở Bắc Âu được đặc trưng bởi sự chính xác trong từng chi tiết, dựa trên niềm hứng thú đối với thế giới tự nhiên và các sự vật, thay cho những nghiên cứu nghệ thuật cổ đại. Những chi tiết hiện thực đáng kinh ngạc của một số tác phẩm Phục hưng Bắc Âu có mối liên hệ chặt chẽ đến những tiến bộ trong kỹ thuật vẽ sơn dầu vào thế kỷ 15: Các bức tranh như A Goldsmith in His Shop của Petrus Christus thể hiện sự chân thật chỉ có thể đạt được với vật liệu sơn dầu.
A Goldsmith in His Shop, Petrus Christus, 1449, Bảo tàng mỹ thuật Metropolitan, New York City, NY
Được vẽ tặng Hội Kim hoàn tại Bruges, Tác phẩm của Christus khắc họa sự giàu có của thành phố thương mại, là nền tảng cho những phát triển nghệ thuật nơi đây. Bức tranh mô tả chân thật những hoa văn và mặt phẳng phản chiếu phức tạp - bao gồm một chiếc gương cầu lồi lấp lánh. Độ chân thật này chỉ có thể được tạo ra bởi tính trong mờ của vật liệu sơn dầu.
BỐI CẢNH
Cách mạng và cải cách
Những thay đổi lớn đã xảy ra trong thời kỳ Phục Hưng tại bắc Âu, là hệ quả của những cuộc tranh chấp quyền lực giữa những lãnh chúa nơi đây, cũng như sự chia rẽ tôn giáo xuất hiện ở các cộng đồng. Châu Âu bao gồm những lãnh thổ liên tục cạnh tranh gay gắt, bên cạnh đó là những tuyến đường giao thương kết nối các thành phố phía Bắc và phía Nam ở dãy Alps. Những ý tưởng Phục hưng tại Ý du nhập vào lục địa này đã giao thoa mạnh mẽ và sinh ra sự khác biệt rõ rệt giữa nền nghệ thuật phía Bắc và phía Nam.
Một trong những đột phá quan trọng có thể kể đến là sự nổi lên của nghề in và sách in, bắt nguồn từ Đức vào giữa thế kỷ 15. Các con chữ rời cơ học - sáng tạo của Johann Gutenberg - kết hợp với những phát triển trong kỹ thuật in ấn, đã dẫn đến một trong những cuộc cách mạng công nghệ vĩ đại của thế giới. Những quyển sách in với hình minh họa khắc gỗ đã thay đổi hoàn toàn cách hình ảnh và ý tưởng được truyền đạt. Việc có thể tạo và bán ra hàng loạt bản sao tác phẩm của mình đã giúp nhiều nghệ sĩ trở nên giàu có.
In ấn đã thay đổi hoàn toàn cách hình ảnh được sáng tác và chiêm ngưỡng. Nghệ sĩ người Đức Albrecht Dürer xây dựng danh tiếng qua những bản in tuyệt tác, như là bức tranh khắc gỗ Four Horsemen of the Apocalypse. Nó được sản xuất vào năm 1498 như một phần của loạt 15 bản in lấy chủ đề Tận thế (Apocalypse)
Vào thế kỷ 16, cuộc cách mạng tôn giáo mang tên Cải cách Tin lành đã ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật khu vực Bắc Âu. Sau khi nhận ra tính thế tục của các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo, Martin Luther, linh mục và là nhà thần học người Đức đã phát triển một học thuyết mới dựa trên niềm tin rằng sự cứu rỗi chỉ đến từ đức tin. Ý tưởng của ông lan rộng khắp nước Đức và xa hơn thế nữa, dẫn đến kết quả là Kito giáo phương Tây bị chia làm hai phe. Nhiều nghệ sĩ đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng hỗn loạn này.
Sự nghiệp của họa sĩ Grünewald về cơ bản đã chấm dứt sau khi ông không phục vụ Công giáo nữa. Holbein thì may mắn hơn - khi những người theo Giáo hội Luther phá hủy các tác phẩm tôn giáo tại Basle, và tiền bảo trợ giảm sút, ông đã lập nghiệp ở Anh và sáng tác cho vua Henry VIII. Khi thị trường tranh thờ và tranh tôn giáo sa sút thảm hại vào thời kỳ này, thì hội họa thế tục đã nổi lên; những khung cảnh phổ thông với ý nghĩa, thông điệp thay vì tranh minh họa tôn giáo thông thường; tranh phong cảnh; và những bức chân dung như bức Ambassador của Holbein, đề cập đến tôn giáo một cách kín đáo hơn và đề cao những thành tựu thời Phục hưng về khoa học.
CHỦ NGHĨA TỰ NHIÊN FLANDERS (NAM HÀ LAN)
Một loại tranh mới được phát triển vào thế kỷ 15 ở khu vực Flanders (diện tích gần tương đương với Bỉ ngày nay) hay còn được biết đến là Nam Hà Lan. Khi các nghệ sĩ Flanders dần bỏ đi tính trang trí xa hoa của trường phái Gothic Quốc tế, một phong cách tự nhiên hơn được ra đời, kết hợp những chi tiết hiện thực với những biểu tượng tâm linh.
Những người sáng lập trường phái hội họa Hà Lan là họa sĩ có biệt danh “Bậc thầy xứ Flémalle” (rất có thể là Robert Campin) và Jan van Eyck. Tranh của “Bậc thầy xứ Flémalle” thể hiện sự am hiểu sâu sắc về vật thể, trong khi kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu điêu luyện của Van Eyck đã cho phép ông vẽ nên những gam màu đá quý chân thực và đạt độ chính xác tương đương với ảnh chụp phân giải cao thời hiện đại. Người kế nhiệm Van Eyck ở Bruges là Petrus Christus, nhưng chính kĩ năng quan sát tự nhiên tinh tế kết hợp với khả năng truyền đạt cảm xúc mạnh mẽ của họa sĩ Rogier van der Weyden đã để lại ảnh hưởng sâu sắc lên sự phát triển của nghệ thuật Hà Lan.
Ảnh hưởng nghệ thuật
Các tác phẩm từ hai nghệ sĩ Nam Hà Lan, Sluter và Broerdelam tại một tu viện ở thủ đô Dijon của khu vực Burgundi (Ba Lan ngày nay) đã định hình chủ nghĩa hiện thực ấn tượng của “Bậc thầy xứ Flémalle”. Cách khắc họa chi tiết những vật thể (thường mang tính biểu tượng) của ông, cùng với những phát triển về mặt kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu của Jan van Eyck đã đặt nền móng cho một phong cách hội họa Nam Hà Lan mới.
Well of Moses, Claus Sluter, 1395 - 1403, Bảo tàng Khảo cổ Dijon, Pháp
Nhà điêu khắc Claus Sluter đã phát triển một phong cách tự nhiên rất mới đối với nghệ thuật khắc Bắc Âu bấy giờ; ông có thể đã ảnh hưởng đến tranh của “Bậc thầy xứ Flémalle”.
Dijon’s Altarpiece, Melchior Broederlam, Bảo tàng Mỹ thuật, Dijon, Pháp
Ta có thể thấy chủ nghĩa tự nhiên qua bức tranh Dijon’s Altarpiece của Melchior Broederlam. Những chi tiết tự nhiên trong tranh, tiêu biểu là người nông dân Joseph, đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện thực của hội họa Hà Lan
Bình hoa huệ, chi tiết trong tranh Mérode Altarpiece, Master of Flémalle, 1432, Bảo tàng Cloister, New York City, NY
Các vật thể mang tính biểu tượng trở thành đặc trưng của hội họa Hà Lan thế kỷ 15. Ba bông hoa huệ nở rộ biểu tượng cho sự trong trắng của Đức mẹ Mary trước Sự kiện truyền tin, sau khi thụ thai, và trở nên vĩnh hằng sau khi hạ sinh Chúa Giê-su.
Tranh sơn dầu đã chuyển hóa hoàn toàn hội họa Hà Lan. Van Eyck phát triển đột phá kỹ thuật phủ lớp men để tạo sự chân thực đáng kinh ngạc, màu sắc rực rỡ, và hiệu ứng men đặc trưng trên mỗi tác phẩm hoàn thiện.
ĐIỂM NGOẶT
The Arnolfini Portrait
Jan van Eyck 1434 Bảo tàng Quốc gia, London, Vương quốc Anh
Bức chân dung đôi nổi tiếng này thể hiện một cặp đôi giàu có bên trong nhà của mình, và có thể là đã được vẽ để chúc mừng hôn nhân giữa thương nhân người Ý Giovanni di Nicolao Arnolfini với người vợ của ông. Các học giả đã hao tổn giấy bút luận bàn về chủ đề của bức tranh, cũng như trả lời câu hỏi liệu bức tranh chân thực này có ẩn chứa thông điệp ngầm gì thông qua các biểu tượng không. Tuy nhiên, tất cả đều đồng ý rằng kiệt tác này đã thể hiện một đẳng cấp chưa từng đạt được trước đó về độ chân thực và chi tiết, nhờ vào kỹ thuật hoàn hảo của Van Eyck đối với vật liệu sơn dầu.
Jan van Eyck là người nổi tiếng nhất trong số tất cả những nghệ sĩ thời kỳ “Hà Lan Sơ khai” (Early Netherlandish), đến nay ông vẫn được biết đến qua khoảng 20 kiệt tác còn lưu lại - cả tranh tôn giáo và chân dung. Kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu tuyệt đỉnh đã giúp danh tiếng của ông vang vọng cả phía Bắc và phía Nam dãy Alps. Có rất ít thông tin về xuất thân của ông, người ta chỉ biết vào năm 1422, ông đã làm việc cho Bá tước Hà Lan. Ba năm sau đó, ông trở thành họa sĩ tại gia cho Philip the Good, Công tước xứ Burgundy, tại Bruges, được cấp lương bổng và tước vị chính thức. Ông phục vụ vị công tước này trong suốt quãng đời còn lại, đôi lúc còn thay mặt thực hiện nhiệm vụ thương thảo. Một trong những bức tranh đầu tiên của ông, Tranh thờ Ghent, được thực hiện vào năm 1432, được khắc dòng chữ ghi rằng nó được vẽ bởi Jan và người anh trai Hubert (mất năm 1426). Tuy nhiên, Hubert đến nay vẫn là cái tên đầy bí ẩn, và những cống hiến của anh ta đối với hội họa vẫn chưa được khám phá.
LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN THÔNG QUA CÁC TÁC PHẨM
Thời kỳ Phục hưng Phương Bắc bắt đầu vào khoảng thế kỷ 15 tại Hà Lan, với các tác phẩm tiên phong của van Eyck, “Bậc thầy xứ Flémalle,” và van der Weyden. Đến thế kỷ 16, phong cách Nam Hà Lan sơ khai này chuyển mình sang thời kỳ mà ta có thể gọi là “thời kỳ hoàng kim” của Phục hưng phương Bắc. Những nghệ sĩ người Đức - như Dürer hay Grünewald - và thế hệ nghệ sĩ Nam Hà Lan mới - như Bosch hay Bruegel - đã phát triển những phong cách và chủ đề mới mẻ, đa dạng từ tranh phong cảnh cho đến những khung cảnh thường nhật.
The Mérode Altarpiece, Master of Flémalle/Robert Campin, c.1427–32, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York City, NY
Trong bức tranh thờ tam liên họa nổi tiếng này, sự kiện Truyền tin lấy bối cảnh ở một căn nhà phong cách Nam Hà Lan. Những người tài trợ có thể đã mua bức Truyền tin ở giữa, và đặt vẽ hai tấm bên cạnh (hình ảnh những nhà tài trợ được vẽ phía bên trái). Nhiều vật thể trong tranh mang tính biểu tượng: Cái bẫy chuột trong xưởng của Joseph ám chỉ rằng sự nhập thể của Chúa Giê-su là cạm bẫy đối với quỷ dữ.
“Bậc thầy xứ Flémalle” là cái tên chỉ người đã sáng lập ra phong cách hội họa mà trước đây từng bị cho là bắt nguồn từ “tu viện của Flémalle”. Những bức tranh của ông sánh ngang với các tác phẩm của Jan van Eyck. Trước đây, các học giả cho rằng “Bậc thầy xứ Flémalle” là họa sĩ Rogier van der Weyden vì những tương đồng trong phong cách. Tuy nhiên, đến nay, phần lớn đều đồng ý rằng những bức tranh này được vẽ bởi thầy của Rogier, Robert Campin, một nghệ sĩ hàng đầu tại Tournai (nước Bỉ thời hiện đại)
Descent From the Cross, Rogier van der Weyden, 1440, Bảo tàng Prado, Madrid, Spain
Bắt chước những bức tranh thờ điêu khắc phổ biến trong nhà thờ Hà Lan, Rogier đặt chủ thể trong tranh vào một không gian nông, giống như hình hộp, từ đó nâng cao cường độ cảm xúc biểu hiện qua những biểu cảm đau khổ và tư thế méo mó. Được vẽ cho Hội nỏ thủ (Crossbowmen’s Guild) tại Louvain, ta có thể thấy chi tiết cây nỏ tí hon, tinh tế ở phần viền. Ngoài ra, tư thế của Chúa Giê-su và Đức mẹ cũng khơi gợi hình dáng cây nỏ.
The Entombment, Dirk Bouts, 1450s, Bảo tàng Quốc gia, London, Vương quốc Anh
Gam màu lặng tinh tế trong bức tranh bi kịch này được tạo ra từ kỹ thuật sử dụng bột màu trộn với keo trực tiếp trên vải lanh. Bức vẽ có lẽ đã được đặt để xuất khẩu qua Ý - với chất liệu vải lanh, nó có thể dễ dàng được cuộn lại và vận chuyển sang nơi khác.
Etienne Chevalier and St. Stephen (Melun Diptych), Jean Fouquet, 1455–60, Bảo tàng Gemäldegalerie, Berlin, Đức
Bức tranh này trước đây đi đôi với bức Virgin and Child (bên dưới) tạo thành cặp tranh Melun Diptych. Fouquet, họa sĩ của Vua Charles VII của Pháp, khắc họa thủ quỹ của Đức vua và vị thánh phù trợ ông trong bối cảnh chân thực.
Virgin and Child (Melun Diptych), Jean Fouquet, 1455–60, Bảo tàng Koninklijk, Antwerp, Bỉ
Trong khi người thủ quỹ và vị thánh ở trong bối cảnh nội thất Ý chân thật, thì Đức mẹ và Hài nhi lại được đặt vào không gian phi thực tế, bao quanh bởi những minh thần (cherub) và luyến thần (seraph) xanh đỏ. Hình tượng Đức mẹ phi tự nhiên với làn da trắng trẻo, mượt mà, ngực trần, ăn mặc thời trang, được mô phỏng theo tình nhân của nhà vua, Agnès Sorel.
Pontinari Altarpiece (khung giữa), Hugo van der Goes, 1475 Uffizi, Florence, Ý
Được đặt vẽ bởi Tommaso Pontinari, đại diện ngân hàng Medici ở Bruges, bức tranh thờ này được đặt trong một nhà thờ bệnh viện ở Florence. Những chi tiết tự nhiên chân thực, tinh tế như vẻ ngoài bê bết của người nông dân đã ảnh hưởng đến các nghệ sĩ Florence. Ngoài ra, bình hoa là biểu tượng cho sự hy sinh của Chúa Giê-su (hoa cẩm chưởng đỏ đại diện cho những cây đinh đẫm máu trên thập tự giá)
Diptych of Maarten van Nieuwenhove, Hans Memling, 1487, Bảo tàng Memling, Bruges, Bỉ
Một trong những họa sĩ Hà Lan nổi tiếng nhất đương thời, Memling có thể đã được Rogier van der Weyden chỉ dạy. Cặp tranh thờ thanh bình này khắc họa ở 2 khung hình khác nhau: Đức mẹ và nhà tài trợ đang chắp tay cầu nguyện, nhưng ở cùng bối cảnh - ta có thể thấy ảnh phản chiếu của cả 2 chủ thể trên tấm gương sau lưng Đức mẹ.
Self-Portrait With Gloves, Albrecht Dürer, 1498, Bảo tàng Prado, Madrid, Tây Ban Nha
Đây là một trong số loạt tranh chân dung tự họa của Dürer. Một trong những “người khổng lồ’ của Phục hưng phương Bắc, ông đã quyết tâm nâng cao vị thế của người nghệ sĩ, khắc họa bản thân như một quý ông lịch lãm.
The Garden of Earthly Delights, Hieronymus Bosch, 1500, Bảo tàng Prado, Madrid, Tây Ban Nha
Bức tranh thờ tam liên họa này thay vì được đặt ở nhà thờ theo truyền thống thì được trưng trong cung điện của một quý tộc. Ở khung bên trái, Chúa trời đang tạo ra Adam và Eva tại Vườn địa đàng; phong cảnh khung trái được tiếp diễn ở khung giữa (có lẽ khắc họa một thiên đường giả tạo), nơi những người đàn ông và phụ nữ khỏa thân đang thác loạn bên cạnh những loài thực vật, hoa quả kì dị và những con chim khổng lồ; Khung bên phải minh họa những kẻ tội lỗi bị trừng phạt với những hình thức tra tấn khủng khiếp trong Địa ngục.
The Madonna Standing With the Child and Angels, Quentin Massys, 1500–10, Bảo tàng Courtauld, London, Vương quốc Anh
Một họa sĩ hàng đầu ở Antwerp, Massys có thể đã ghé thăm Ý. Bức Madonna tinh xảo này tuy được vẽ theo phong cách truyền thống của Hà Lan, nhưng kiến trúc cổ điển và những thiên thần putti phía sau thể hiện kiến thức về nghệ thuật Ý.
Crucifixion (Isenheim Altarpiece, khung giữa), Mathis Grünewald, 1512–15, Bảo tàng Musée d’Unterlinden, Colmar, Pháp
Họa sĩ người Đức Mathis Grünewald vẽ bức tranh thờ ám ảnh này cho một bệnh viện dịch tễ. Bằng cách thể hiện sự đau đớn của Chúa Giê-su qua những chi tiết kinh hãi, ông mong rằng nó sẽ khiến bệnh nhân coi sự đau đớn mình đang trải qua là một phần trong kế hoạch của Chúa trời.
The Card Players, Lucas van Leyden, 1517, Wilton House, Wiltshire, Vương quốc Anh
Ngoài là một thợ in nổi tiếng, Lucas còn là người tiên phong trong những thể loại tranh độc đáo, chẳng hạn như bức này. Có lẽ nhằm mục tuyên truyền về tội lỗi của cờ bạc, tranh lấy góc nhìn từ một người xem tại bàn chơi bài.
Charon Crossing the Styx ,Joachim Patinir, 1515–24, Bảo tàng Prado, Madrid, Tây Ban Nha
Trong huyền thoại cổ điển, Charon đưa linh hồn người chết đến thế giới bên kia. Trong tranh, Charon được đặt giữa sông, hai bên bờ là Thiên đàng và Địa ngục, Patinir đã chuyển hóa câu chuyện thần thoại ngoại gióa thành chuyện ngụ ngôn của Cơ đốc giáo về sự lựa chọn giữa cái thiện và cái ác. Ta có thể thấy ảnh hưởng của Bosch qua cách minh họa Thiên đàng và Địa ngục.
Death and the Maiden, Hans Baldung Grien, 1520–25 , Bảo tàng Kunstmuseum, Basle, Thụy Sĩ
Baldung rất có thể là một môn đệ của Dürer. Những bức tranh và tranh in của ông minh họa đa dạng chủ đề, nhưng ông được biết đến nhiều nhất với những câu chuyện ngụ ngôn rùng rợn, khiêu dâm liên quan đến phù thủy hay phụ nữ trẻ trước ngưỡng cửa cái chết. Cái chết không thể tránh khỏi là một chủ đề phổ biến của nhiều nghệ sĩ Phục hưng phương Bắc
The Battle of Issus, Albrecht Altdorfer, 1529, Bảo tàng Alte Pinakothek, Munich, Đức
Cảnh chiến đấu ngoạn mục này khắc họa một trong những chiến thắng của Alexander Đại đế với một góc nhìn bao quát đáng kinh ngạc. Altdorfer đã vẽ ra được khoảng trời mênh mông xanh ngát, ánh hoàng hôn chân thực phủ lên đám đông hỗn loạn đang chiến đấu bên dưới.
Queen Mary I, Anthonis Mor, 1554, Bảo tàng Prado, Madrid, Tây Ban Nha
Con gái vua Henry VII của Anh, Mary cưới Philip II của Tây Ban Nha vào năm mà bức tranh này được thực hiện. Mor đã khắc họa chân thực sự hoàng gia của chủ thể cũng như cử chỉ tự nhiên của con người: Mary tay nắm chặt đóa hồng Tudor đỏ thắm, dáng ngồi vững chải xoay mặt về phía người xem.
Hunters in the Snow, Pieter Bruegel, 1565, Bảo tàng Kunsthistorisches, Vienna, Áo
Một trong loạt 6 bức tranh ‘The Months’, bố cục điêu luyện, ấn tượng trong tranh là một phiên bản hùng tráng hơn của một khung cảnh xuất hiện trong quyển sách thời trung cổ Books of Hours (Sách các giờ Kinh). Ở góc dưới bên trái, các thợ săn lê bước trên tuyết, đường chéo hình thành từ những ngọn núi tuyết dẫn mắt người xem đến những ao hồ đóng băng và dãy núi Alps phía xa.
KIỆT TÁC
The Ambassadors
Hans Holbein the Younger, 1533, Bảo tàng Quốc gia, London, Vương quốc Anh
Một trong những bức chân dung đầu tiên khắc họa hai chủ thể kích thước thật, tuyệt tác này kết hợp tính chân thực đáng kinh ngạc với những thông điệp ngầm ấn tượng không kém. Bức tranh được đặt vẽ bởi Jean de Dinteville, một nhà quý tộc người Pháp và là đại sứ tại London. Ông được minh họa bên cạnh bạn của mình, Georges de Selves, Giám mục của Lavour, một học giả cổ điển và một nhà ngoại giao, người đã ghé thăm de Dinteville tại London vào mùa xuân năm 1533.
Hai người đàn ông đứng hai bên chiếc bàn trưng bày các đồ vật được sơn tinh xảo thể hiện học thức và văn hóa của họ. Mặt số hình trụ cho biết ngày: 11 tháng 4, năm 1533. Tuổi của chủ thể cũng được ghi lại: Cây dao găm khắc chữ trên tay Jean de Dinteville chỉ ra rằng ông hiện đang 29 tuổi; còn độ tuổi của Georges de Selve - 25 - được viết trên quyển sách mà ông đang tựa cùi chỏ lên. Khung cảnh như bị đóng băng trong thời gian, thể hiện hai người đàn ông ở đỉnh cao quyền lực của họ.
Có nhiều tầng lớp ý nghĩa đằng sau bức chân dung phức tạp này. Quả địa cầu đặt trên kệ dưới cùng tượng trưng cho khoa học và những thành tựu thám hiểm, ngoài ra nó còn mang tên lâu đài của Jean de Dinteville ở Pháp, nơi treo bức tranh này. Cây đàn luýt là biểu tượng của âm nhạc, nhưng dây đàn bị đứt có thể báo hiệu cái chết hay sự bất hòa tôn giáo do cuộc Cải cách (the Reformation - cuộc cải cách tôn giáo do nhà thần học Martin Luther khơi mào)
Mặc dù trên bề nổi thì bức tranh đơn thuần là sự tôn vinh thành tựu của con người, nó còn mang một ý nghĩa khác khi ta xét đến hình thù méo mó lơ lửng bên bậc thềm. Đó là một cái đầu lâu, được vẽ theo phép chiếu anamorphic: chỉ khi người xem quan sát ở góc nhìn đúng mới nhận ra hình dáng thật sự của nó. Điều này thể hiện rằng bức tranh có thể được coi là một memento mori - một lời nhắc nhở rằng dù cho có đạt được bao nhiêu thành tựu, thì con người chúng ta đều phải chết. Không dừng lại ở đó, một chi tiết ẩn ở góc trên cùng bên trái đã mở ra một lớp ý nghĩa khác: một cây thánh giá chỉ ra rằng sau khi chết, sự cứu rỗi đến nhờ Chúa Giê-su.
Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - Bài dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép.
Pro Creative Class I Khóa học SÁNG TẠO, 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM.
Creative Class PRO I Trường đại học 6 ngày với những buổi học và bài giảng sẽ tạo ra những gợn sóng xung đột trong tâm trí và trái tim bạn, làn sóng cảm hứng bất tận, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Pro Creative Class sẽ như một cuốn sách hướng dẫn hành trình của bạn. Đây là lời mời hít thở bầu không khí đầy sức sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn và sự thăng hoa của tinh thần.