Art that Changed the World I Hội họa thời Phục hưng tại Venice
Art_Painting Nếu Giovanni Bellini là người định hình phong cách hội họa đặc trưng của thành phố Venice, thì Titian là người tiếp thu và đưa nó lên đỉnh cao, giúp danh tiếng của nó được lan tỏa khắp châu Âu rộng lớn. Đối nghịch với nghệ thuật thiên về trí tuệ tại Florence, hội họa tại Venice chú trọng nhiều hơn vào sắc màu, không gian và ánh sáng để khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ ở người xem.
Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.
Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.
Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.
PHẦN 2D: HỘI HỌA THỜI PHỤC HƯNG TẠI VENICE
1440 - 1600: Màu sắc và Ánh sáng
Phong trào Phục Hưng tại Venice phát triển chủ yếu nhờ các tác phẩm nghệ thuật của Giovanni Bellini. Thậm chí không quá phóng đại nếu ta coi Bellini là người đã biến Venice từ một thành phố ngoại vi trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật chủ chốt, sánh ngang với Florence và Rome vĩ đại. Hội họa Phục hưng tại Venice cũng có những đặc trưng khác biệt rõ rệt so với những họa sĩ đương thời từ khu vực trung tâm nước Ý. Nếu nghệ thuật Florence chú trọng vào trí tuệ, những hệ thống toán học phức tạp, thì Bellini và các hậu bối đã nghiên cứu cách dụng màu, ánh sáng và không gian để khơi gợi cảm xúc người xem. Màu sắc hội họa và phong cách vẽ cảnh quan thơ mộng của Bellini sau đó tiếp tục tiến hóa qua các tác phẩm của Giorgione và Titian. Sau khi Giorgione mất, Titian trở thành nghệ sĩ quan trọng nhất tại Venice. Những bức tranh của ông để lại ảnh hưởng lâu dài lên nghệ thuật phương Tây, trong đó có những nghệ sĩ nổi tiếng như Rubens, Diego Velazquez và thậm chí là trường phái Ấn tượng vào thế kỷ 19.
The Doge Leonardo Loredan, Giovanni Bellini 1501, Bảo tàng Quốc gia, London, Vương quốc Anh
Bức chân dung chân thực ấn tượng khắc họa Doge Loredan, người đứng đầu được bầu bởi Đại hội đồng của Venice . Bức tranh đã đặc tả được những đặc trưng cũng như bối cảnh của hội họa tại Venice thời Phục hưng. Với kỹ thuật vẽ sơn dầu điêu luyện, Bellini đã sử dụng phần nền màu xanh dương trơn để làm nổi bật màu trắng sáng của mũ và áo choàng lụa, điểm xuyến bởi ánh kim lấp lánh từ những đường chỉ vàng.
BỐI CẢNH
Thành phố nổi
Bối cảnh sông nước của Venice phủ lên cả thành phố một lớp màn thơ mộng, tuyệt đẹp. Ánh sáng, không gian và màu sắc nơi đây được thể hiện trong nhiều bức vẽ trường phái Phục hưng Venice.
Không chỉ là một trong thành phố phát triển giao thương mạnh mẽ nhất thời kỳ Phục Hưng tại châu Âu, Venice còn là nơi duy trì chính trị ổn định nhất. Vương quốc lâu đời này được xây dựng trên một đầm phá lớn ở một vị trí lý tưởng cho việc kết nối giao thương với phương Đông. Xuyên suốt thời Trung cổ, Venice ngày càng trở nên giàu có nhờ thương mại hàng hải, thành lập một đế chế trải dài từ bờ biển phía đông Adriatic đến đảo Crete, Cypus và cai trị một số khu vực miền Bắc nước Ý.
Từng được mệnh danh là ‘Thành phố yên bình nhất’ (La Serenissima), sự ổn định của Venice dựa trên mô hình chính phủ độc đáo của nó. Doge, người được bầu bởi Đại Hội đồng (gồm 480 thành viên từ các gia đình quý tộc) là người đại diện cho Cộng hòa, nhưng không nắm quyền lực chính trị. Giai cấp thống trị là một thành viên đến từ giới quý tộc. Nói cách khác, đây là mô hình chính phủ hỗn hợp, kết hợp chế độ quân chủ của Doge, quý tộc ở thượng viện và một “nền dân chủ” của các thành viên trong Đại Hội đồng. Nhà ngoại giao Macchiavelli (1469 - 1527) từng coi nó là “mô hình xuất sắc trong các nước Cộng hòa hiện đại.”
Virgin and Child with Saints and Donor, 1490 - 1500, Giovanni Bellini, Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp
Chi phí chi trả cho các công trình nghệ thuật quan trọng đến từ Nhà nước và các scuole - những tổ chức từ thiện đóng vai trò là câu lạc bộ xã hội cho công dân Venice. Các nghệ sĩ được trả bằng đồng Venetian ducats, một trong những loại tiền tệ giá trị nhất châu Âu thời bấy giờ.
Vốn được xây trên mặt nước, các con kênh rạch tại Venice đã ảnh hưởng đến hội họa khu vực này trên nhiều khía cạnh khác nhau. Màu xanh biếc của nước và ánh nắng phản chiếu trên bề mặt gắn liền với đời sống người dân nơi đây. Từ miền Đông Địa trung hải, các thuyền buôn Venice mang về những viên bi đa sắc màu, lấp lánh ánh tím, đỏ, hay xanh lá. Những gam màu rực rỡ, chuyển tiếp nhau một cách hài hòa trong hội họa nơi đây có thể được lấy cảm hứng từ ảnh phản chiếu của những tòa nhà màu sắc trên mặt nước. Thương mại đường biển với phương Đông còn mang về những vật phẩm xa xỉ bao gồm các loại gia vị, thuốc nhuộm, bột màu được dùng trong các văn bản viết tay, vải vóc, gốm sứ và tranh vẽ. Các loại thuốc nhuộm nhập khẩu vốn dùng để tạo nên gam màu trầm tuyệt đẹp của nhung lụa nơi đây, cũng được những Bellini, Palma Vecchio, Tititan, và Veronese ứng dụng để tạo sự phong phú trong thang màu tranh vẽ của mình.
Danaë, Titian, 1544 - 46, Bảo tàng Capodimonte, Naples, Ý
Khí hậu Venice cũng ảnh hưởng đáng kể đến kỹ thuật hội họa địa phương. Truyền thống vẽ tranh bích họa đã phát triển mạnh mẽ trong điều kiện khí hậu khô, nóng vùng Tuscany, nhưng không phù hợp với môi trường ẩm ướt tại Venice. Tuy nhiên, ngành công nghiệp vải buồm đã mang đến một nguồn cung vải canvas phong phú, ổn định. Chính vì vậy, kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu trên vải tiến hóa mạnh mẽ, và giới nghệ sĩ cũng hình thành nên một phong cách hội họa đặc trưng của riêng mình.
Hội họa Venice… luôn ưu tiên màu sắc, ánh sáng và không gian, rồi mới tính đến form dáng
MỘT GÓC NHÌN THƠ MỘNG
Hội họa ở Venice đầu thế kỷ 15 tụt hậu so với nền nghệ thuật đột phá tại Florence, về cơ bản vẫn chỉ mang tính chất trang trí và mang đặc trưng của trường phái Gothic. Phong cách Phục hưng Venice độc đáo được phát triển chủ yếu qua tác phẩm của một người, Giovanni Bellini. Bố của Giovanni, Jacopo Bellini, từng được dạy bởi bậc thầy Gothic Quốc tế, Gentile da Fabriano. Bức Madonna and Child, một trong những bức đầu tiên của Giovanni thể hiện cách ông tiếp thu phong cách của bố mình, làm dịu đi tính trang nghiêm và phát triển hơn về tính chân thực và sang trọng.
Được ảnh hưởng bởi anh rể Andrea Mantegna - người được đào tạo tại Padua, và là một bậc thầy phối cảnh - Bellini đã phát triển rõ rệt kĩ thuật thao túng không gian trong hội họa. Tuy nhiên, không giống cảnh quan của Mantegna, tranh của Bellini tràn ngập chất trữ tình. Năm 1475-76, Antonello da Messina ghé thăm Venice, mang theo kiến thức chuyên môn của ông về chất liệu sơn dầu. Đây cũng là phương tiện giúp Bellini tạo được hiệu ứng màu sắc và cảm xúc đặc trưng trong tranh của mình, thứ mà màu keo truyền thống không thể nào vẽ nên được.
NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT
Di sản nền văn hóa Byzantine và Gothic tại Venice; sự ưu chuộng đối với vải vóc, họa tiết nhiều màu sắc, và thậm chí nghề thổi thủy tinh địa phương đều ảnh hưởng tới nghệ thuật Venice thời Phục hưng. Phong cách hội họa khơi gợi cảm xúc được tiến hóa khi truyền thống nơi đây kết hợp với những đột phá bên ngoài, như là sự phát triển trong phối cảnh và tranh sơn dầu.
Ly thủy tinh Venice, được sản xuất vào khoảng những năm 1500, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp
Thủy tinh Venice, một trong những nghề thủ công nổi tiếng nhất tại địa phương, đã ảnh hưởng rõ rệt đến tác phẩm của Bellini. Cách chuyển tiếp màu vàng trong địa hình bức Agony in the Garden của Bellini mang nhiều nét tương đồng với màu sắc thủy tinh Venice đương thời.
The Feast of the Gods, Giovanni Bellini và Titian, 1514, Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia, Washington
Hàng hóa nhập khẩu về Venice bao gồm các loại khoáng sản được dùng tạo màu như ngọc lưu ly để tạo màu xanh lam sẫm, hùng hoàng (realgar) tạo màu cam, và thư hoàng (orpiment) tạo màu vàng. Chúng được giã ra thành bột màu, sau đó trộn với trứng để tạo màu keo (egg tempera), hoặc với dầu.
The Agony in the Garden, Jacopo Bellini, 1450
Các bức ký họa của Jacopo Bellini được dùng làm nguyên mẫu cho các tranh vẽ sau này của Giovanni và Mantegna, nhưng chúng không thể được tái bản do quá mờ nhạt. Các bức tranh này thường được vẽ bằng mũi kim loại chì trên giấy da vellum.
The Agony in the Garden, Andrea Mantegna, 1458 - 60, Bảo tàng Quốc gia, London, Vương quốc Anh
Bức Agony in the Garden vẽ bởi anh rể của Bellini, Andrea Mantegna, có thể được dựa trên nguyên mẫu của Jacopo. Nó được hoàn thành một vài năm trước kiệt tác của Bellini, với đặc trưng là những đường nét quyết đoán, tỉ mỉ, tuyến tính, khác với người em rể của mình.
ĐIỂM NGOẶT
The Agony in the Garden
Giovanni Bellini, 1460–65, Bảo tàng Quốc gia, London, Vương quốc Anh
Bức tranh lấy bối cảnh trước khi Chúa Giê-su bị đóng đinh. Các môn đồ của ông đã chìm vào giấc ngủ sau một đêm dài cầu nguyện, còn Chúa Giê-su vẫn đang quỳ trên đỉnh núi Olives, hướng về phía vị thiên thần thấp thoáng trên bầu trời, ở phía xa xa là cảnh binh lính đang tiến đến bắt ông. Kiệt tác của Bellini sử dụng chất liệu màu keo trộn với trứng (egg tempera), vì vậy nó không mang độ sáng đặc trưng của tranh sơn dầu. Tuy vậy, cảm xúc trong tranh vẫn rất mãnh liệt. Khác với Mantegna, ông chọn thời điểm mấp mé hoàng hôn: cả bầu trời rực hồng, ánh sáng vàng của hoàng hôn bao phủ cảnh vật và các nhân vật. Đây là bức tranh nổi tiếng đầu tiên minh họa cảnh hoàng hôn trong lịch sử hội họa Ý. Tác phẩm của Bellini đã có sự kết hợp nhất quán, xuất sắc giữa ánh sáng và không gian, từ đó khơi gợi nên những cảm xúc mạnh mẽ đối với người xem, trở thành cột mốc đánh dấu sự chuyển mình ở nghệ thuật Venice.
Cảnh quan đặc trưng của Bellini thiên về sự thơ mộng, huyền ảo hơn là tính khoa học… được thúc đẩy… bởi cảm xúc tôn giáo
1999 | Nhà lịch sử học về nghệ thuật người Anh Andrew Graham-Dixon nhận định
Portrait of a Young man, Giovanni Bellini, 1505 - 09, Bảo tàng Quốc gia, London, Vương quốc Anh
Gia đình của Bellini điều hành xưởng vẽ có sức ảnh hưởng nhất tại Venice. Nhà lịch sử học về nghệ thuật Kenneth Clark đã nhận định như sau về ảnh hưởng của Bellini đối với hội họa Venice: “Không có bất cứ một nhóm họa sĩ nào (school of paintings) có cống hiến sánh tầm với những tác phẩm từ một người đàn ông.” Mặc dù đương thời ông vô cùng nổi tiếng, nhưng cuộc đời và sự nghiệp sung mãn của Bellini lại không được ghi chép đầy đủ. Đa số các tác phẩm của ông phục vụ tôn giáo, nhưng ông cũng vẽ chân dung, tranh thần thoại và truyện ngụ ngôn. Ông cũng được biết đến với những phát triển trong kỹ thuật vẽ cảnh quan, khí quyển. Chính ông cũng là người đào tạo và truyền cảm hứng cho một loạt họa sĩ lớn của Venice sau này, bao gồm cả Giorgione và Titian.
LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN THÔNG QUA CÁC TÁC PHẨM
Phong cách Venice Phục hưng xuất hiện vào khoảng năm 1460. Giovanni Bellini đã tiếp thu truyền thống Gothic từ bố mình, dựa trên các phát triển ở Florence và Padua để hình thành phong cách Phục hưng chú trọng vào màu sắc và cảm xúc. Sau khi Bellini mất vào năm 1516, Titian trở thành họa sĩ hàng đầu tại Venice. Danh tiếng của ông giúp lan tỏa nghệ thuật Venice khắp châu Âu rộng lớn. Phong cách hội họa của ông cũng ảnh hưởng đến Veronese và Tintoretto, hai nghệ sĩ quan trọng của hội họa Venice cuối thế kỷ 16.
Virgin of Humility Adored by a Prince of the House of Este, Jacopo Bellini, 1440, Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp
1440: Với những chi tiết tinh xảo và điểm nhấn bằng vàng, bức tranh tôn giáo này là minh chứng cho thấy Jacopo được đào tạo bởi bậc thầy Gothic quốc tế, Gentile da Fabriano
Portrait of a Man, 1475, Bảo tàng Quốc gia, London, Vương quốc Anh
1475 - 76: Họa sĩ người Sicily Antonello da Messina là một trong những họa sĩ vẽ tranh sơn dầu hàng đầu tại Ý, được biết đến là người đã mang các ‘bí quyết’ vẽ sơn dầu đến Venice trong lần ghé thăm vào năm 1475-76. Bức Portrait of a Man cho thấy cách ông ứng dụng men trong suốt và tận dụng đặc tính phản chiếu ánh sáng của vật liệu sơn dầu để tạo ra hiệu ứng chân thực đáng kinh ngạc. Tranh của ông đã trở nên nổi tiếng tại Venice, truyền cảm hứng khám phá nghệ thuật sơn dầu cho Giovanni Bellini và các họa sĩ địa phương.
Seated Scribe, Gentile Bellini, 1480, Bảo tàng Isabella Stewart Gardner, Boston, Massachussetts
1480: Bức tranh màu nước tinh tế này được vẽ bởi anh trai của Giovanni, Gentile Bellini, người được Nhà nước Venice gửi đến triều đình của Ottoman Sultan Mehmed II ở Constantinople.
The Tempest, Giorgione, 1505, Phòng trưng bày Accademia, Venice, Ý
1505: Là một trong những họa sĩ độc đáo và có sức ảnh hưởng nhất của phong cách Phục hưng Venice, Giorgione (1478 - 1510) chuyên vẽ tranh cho các nhà sưu tầm tư nhân. Chủ đề của kiệt tác thơ mộng này cho đến nay vẫn là một bí ẩn; đặc điểm đáng chú ý ở nó là cách mà Giorgione đã sáng tạo ra một “phong cảnh giàu cảm xúc” từ trí tưởng tượng của mình.
Bối cảnh thế kỷ 16: Màu sắc đối đầu trí tuệ
Vào thế kỷ 16 tại Ý, một cuộc tranh cãi đã nổ ra nhằm trả lời câu hỏi truyền thống hội họa Ý nào ưu việt hơn - màu sắc của Venice hay trí tuệ của Florence, phong cách của Michelangelo hay của Titian. Florentine và các nghệ sĩ khác khu vực trung tâm nước Ý đề cao những bức họa dựa trên ‘disegno’, một thuật ngữ dùng để chỉ năng lực trí tuệ cần thiết để tạo ra một thiết kế có thể được hoàn thiện thông qua các bản vẽ sơ bộ. Ở phía ngược lại, ‘colore’ (màu sắc) là trọng tâm trong cách tiếp cận của người Venice đối với hội họa. Trong đó, quá trình tô và xử lý màu sắc được chú trọng nhiều hơn.
The Assumption of the Virgin, Titian, 1516–18, Maria Gloriosa dei Frari, Venice, Ý
1516 - 18: Trong bức tranh thờ khổng lồ này - cao gần 7m - Titian sử dụng màu sắc làm rõ bố cục và tạo cảm xúc mãnh liệt hơn. Nói cách khác, ông dùng màu đỏ để dẫn mắt người xem hướng lên trên và hình thành bố cục tam giác trong tranh: hai chiếc áo choàng màu đỏ son của các môn đồ tạo thành phần đáy của tam giác, đi qua bộ váy đỏ đang cuộn xoáy lại của Đức mẹ và lên đến đỉnh là Chúa trời khoác áo choàng đỏ sẫm đang đón tiếp bà.
The Annunciation, Lorenzo Lotto, 1527, Phòng trưng bày Pinacoteca Civica, Recanati, Ý
1527: Sinh ra ở Venice nhưng Lorenzo (1480 - 1556/57) Lotto làm việc chủ yếu ở khu vực trung tâm và phía bắc nước Ý. Phong cách đặc trưng, tỉ mỉ đến từng chi tiết và cảm quan màu sắc khác thường được đặc tả qua bức Annuciation kì lạ nhưng tuyệt đẹp này. Tranh minh họa cảnh Thiên thần Gabriel đột ngột xuất hiện, khiến Đức mẹ giật mình còn chú mèo cong đuôi bỏ chạy
Judith, Palma, Vecchio, 1525–28, Bảo tàng Uffizi, Florence, Ý
1525 -28: Giacomo Palma (thường được gọi là “Old Palma” để phân biệt ông với cháu trai của mình) chuyên vẽ tranh chân dung như bức này, minh họa người phụ nữ ăn mặc lộng lẫy, đôi khi theo phong cách thần thoại hay tôn giáo. Đầu của Holofernes bị lu mờ bởi màu hồng tuyệt đẹp trên tay áo vải satin của Judith.
Charles V on Horseback, Titian, 1548, Bảo tàng Prado, Madrid, Tây Ban Nha
1548: Bức chân dung kị sĩ nổi tiếng này được vẽ lúc Titian ghé thăm triều đình của vua Charles V tại Ausburg, Đức. Để tạo ra màu đỏ tươi trong tranh, Titian đã đặt nửa pound (khoảng 250g) bột màu crimson lake từ Venice
Parable of the Sower, Jacopo Bassano, 1564, Bảo tàng Thyssen-Bornemisza, Madrid, Tây Ban Nha
1564: Được đào tạo ở Venice, nhưng Jacopo sinh ra ở ngoại ô thành phố Bassano. Ông nổi tiếng với những bức tranh tôn giáo nhưng lấy bối cảnh đời sống thường nhật vùng thôn quê.
Mars and Venus United By Love, Veronese, 1575, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Tiểu bang New York
1575: Trong bức tranh thần thoại trữ tình này, một putto (hình ảnh bé trai mũm mĩm, xuất hiện lần đầu từ thời cổ đại và được tái hiện trong nghệ thuật thời Phục hưng) đang kết đôi thần Venus và thần Mars, trong khi một putto khác níu giữ ngựa của thần Mars lại. Bức tranh này khơi gợi lên nhiều chủ đề khác nhau, như là sức mạnh của tình yêu, hay sự giao thoa giữa hai mặt đối lập. Các kỹ thuật chụp X-ray sau này cho thấy rằng Veronese đã thực hiện nhiều thay đổi quan trọng về bố cục trong quá trình vẽ tranh.
The Last Supper, Tintoretto, 1594, Nhà thờ Giorgio Maggiore, Venice, Ý
1594: Tintoretto hoàn thiện kiệt tác này vào năm ông qua đời. Cũng như những tác phẩm đương thời, bức tranh minh họa các nhân vật ở tư thế phức tạp; sử dụng ánh sáng để tạo kịch tính; ông cũng khéo léo tận dụng phối cảnh để gia tăng độ kịch tính bằng cách để chiếc bàn dẫn về phần nền đen tối, sâu thẳm.
KIỆT TÁC
Bacchus and Ariadne
Titian 1520–23 National Gallery, London, UK
Kiệt tác đầy màu sắc của Titian là một trong ba tác phẩm thần thoại mà ông vẽ phục vụ nghiên cứu của Alfonso d’Este, Công tước xứ Ferrara. Dựa trên những câu chuyện được kể bởi hai nhà thơ Latin, Ovid và Catullus, nó khắc họa cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa thần rượu vang Bacchus và Adriane. Con gái của vua Minos, Ariadne bị bỏ rơi bởi nhân tình Theseus trên đảo Naxos (ta có thể thấy thuyền của anh ở phía xa xa góc trái ngoài cùng) Bỗng nhiên, Bacchus và đoàn tùy tùng say xỉn, ồn ào xuất hiện phía sau. Adriane hoảng hốt quay lại, chứng kiến cảnh vị thần rượu vang đang nhảy ra từ chiếc xe báo, cô rơi vào tình yêu từ cái nhìn đầu tiên. Bacchus và Ariadne nhìn nhau đắm đuối, ngăn cách bởi bầu trời xanh biếc. Bacchus đang thực hiện động tác ném vương miện của Adriane lên thiên đường, nơi cô được bất tử hóa và trở thành chòm sao lấp lánh trên bầu trời, được minh họa ở góc trên bên trái bức tranh.
Xuyên suốt bức tranh là những chuyển động tràn đầy năng lượng và những gam màu khơi gợi xúc cảm. Các tư thế xoay người, vặn, uốn éo của các nhân vật bán khỏa thân có nguồn gốc từ những bức tượng điêu khắc thời cổ đại - nhân vật được bao trùm bởi rắn ở phần tiền cảnh mang nhiều nét tương đồng với bức tượng Laocoön. Bức tranh được chia ra làm hai phần theo một đường chéo xiên từ phải qua trái, nhấn mạnh chuyển động về phía trước của Bacchus. Khoảng trời màu xanh lam sẫm tĩnh lặng làm nền cho cặp tình nhân ở phần bên trái, tương phản với màu vàng và xanh của địa hình bối cảnh cũng như những chuyển động tạo bởi đoàn tùy tùng của Bacchus. Màu xanh lam sẫm (ultramarine) được tạo ra bằng cách nghiền nát ngọc lưu ly, thứ được nhập khẩu về từ Afghanistan. Với giá trị đắt đỏ hơn cả vàng, nó được sử dụng trong tranh để tạo nên sự xa hoa nổi bật và tạo hiệu quả cảm xúc. Titian cũng tận dụng tinh tế sự tương phản mạnh mẽ giữa màu sắc: chiếc khăn choàng đỏ của Ariadne và gam màu hồng sáng rực trên áo choàng của Bacchus được đặt trên nền xanh lam sẫm.
Tiziano Vecello, hay còn được gọi là Titian, đã thống trị nghệ thuật Venice trong 60 năm và được sự bảo trợ của những nhà cai trị quyền lực nhất châu Âu, bao gồm cả Hoàng đế La Mã Thần thánh Charles V và con trai ông là Philip II của Tây Ban Nha. Ông được đào tạo chính trong xưởng của Giovanni Bellini, và chịu ảnh hưởng của một học trò khác của Bellini, Giorgione. Titian đã cách mạng hóa hầu như mọi thể loại hội họa từ bức tranh thờ đến chân dung, khỏa thân và thần thoại cổ điển, trong đó bao gồm cả những “bài thơ” vẽ poesie mà ông đã tạo cho Philip II của Tây Ban Nha. Ông cũng khám phá và mở rộng các khả năng của sơn dầu để phát triển một phong cách tự do và biểu cảm của các tác phẩm bút vẽ gãy gợi ý thay vì mô tả hình thức, điều này đã ảnh hưởng đến các nghệ sĩ từ Rubens đến Velázquez.
Self-portrait, Titian, 1488 - 90, Bảo tàng Prado, Madrid, Tây Ban Nha
Tiziano Vecello, thường được biết đến là Titian, thống trị nền nghệ thuật Venice trong 60 năm và được tín nhiệm bởi những nhà cai trị quyền lực nhất châu Âu, bao gồm cả Hoàng đế La Mã Thần thánh Charles V và con trai của ông, vua Philip II. Ông được đào tạo chủ yếu tại xưởng của Giovanni Bellini, và được ảnh hưởng bởi một học trò khác của Bellini, Giorgione. Titian đã cách mạng hóa hầu như mọi thế loại hội họa từ tranh thờ, tranh khỏa thân, thần thoại cổ điển, trong đó bao gồm những ‘poesie’ - “tranh vẽ thơ” mà ông sáng tác cho vua Philip II của Tây Ban Nha. Ông cũng đã nghiên cứu và mở rộng các khả năng của hội hóa ươn dầu để phát triển một phong cách tự do và biểu cảm ứng dụng những nét vẽ đứt khúc (broken brushwork) để khơi gợi thay vì miêu tả form dáng, thứ đã ảnh hưởng đến các nghệ sĩ nổi tiếng sau này như Rubens và Velázquez.
Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - Bài dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép.
Pro Creative Class I Khóa học SÁNG TẠO, 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM.
Creative Class PRO I Trường đại học 6 ngày với những buổi học và bài giảng sẽ tạo ra những gợn sóng xung đột trong tâm trí và trái tim bạn, làn sóng cảm hứng bất tận, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Pro Creative Class sẽ như một cuốn sách hướng dẫn hành trình của bạn. Đây là lời mời hít thở bầu không khí đầy sức sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn và sự thăng hoa của tinh thần.